ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3
CHƯƠNG 31
VỀ CÁC ĐOÀN SỦNG (2) * (tiếp theo)
8 - Thiệt hại thứ hai có thể đến từ thiệt hại thứ nhất là tổn hại về đức tin. Nó liên quan đến hai phía:
-Thứ nhất liên quan đến những người khác: vì kẻ được ơn ấy cố tình thực hiện các việc diệu kỳ và thi thố quyền năng không đúng lúc và không cần thiết nên họ đã thử thách Thiên Chúa — đây là một trọng tội. Tiếp đến, nếu việc ấy không thành công thì sẽ làm nảy sinh nơi các tâm hồn sự suy giảm tin tưởng và khinh dể đức tin. Đôi khi việc thực hiện trái thời vẫn được thành công bởi lẽ Thiên Chúa muốn như thế vì những lý do và động cơ khác - như trường hợp mụ phù thủy của vua Saulê (1Sm 28,12 tt) nếu quả thực ngôn sứ Samuel đã hiện ra với mụ. Tuy nhiên, người ta vẫn không khỏi sai lầm và đắc tội bởi đã dùng các ơn ấy không đúng lúc đúng thời.
- Thứ hai liên quan người thực hiện những việc nói trên: Họ có thể bị thiệt hại về công trạng đức tin, bởi việc quá tự hào về các “phép lạ” này làm suy yếu nếp quen cơ bản của đức tin, vốn quen đi trong tăm tối. Quả vậy, nơi nào càng có nhiều dấu lạ và chứng tích thì càng ít công trạng đức tin. Vì thế thánh Grêgôriô nói rằng đức tin sẽ chẳng còn công trạng một khi lý trí con người có thể kiểm định được (bài giảng 26 về Tin Mừng I Pl. 76,1197).
Do đó, Thiên Chúa không bao giờ thực hiện các việc diệu kỳ trừ khi chúng cần để giúp người ta tin.
Chúa không muốn các môn đệ bị mất công trạng do chỉ tin Ngài sau khi nhìn thấy Ngài đã từ cõi chết sống lại. Do đó, trước khi chính thức tỏ mình ra cho họ, Chúa đã làm nhiều điều giúp họ tin Ngài dù không nhìn thấy Ngài. Trường hợp Maria Mađalêna cũng thế, chị được chỉ cho thấy ngôi mộ trống rồi sau đó mới được các thiên sứ báo cho biết Chúa đã sống lại (Lc 24,3-7; Ga 20,1-2). Như lời thánh Phaolô, "đức tin đến từ việc nghe nói" (Rm 10,17), nhờ nghe lời thiên sứ, Maria đã tin trước khi nhìn thấy Chúa. Cả khi chị trông thấy Chúa, Chúa cũng chỉ mặc hình dáng một người bình thường để qua sự hiện diện nồng ấm của Ngài, Ngài hoàn tất công việc dạy dỗ chị về niềm tin còn thiếu sót của chị. (Ga 20,11-18; Mt 28,1-6; Lc 24, 4-10). Về phần các môn đệ, trước hết Chúa sai các phụ nữ đến báo tin cho họ rồi họ chạy tới xem ngôi mộ (Ga 20,1-10; Mt 28,7-8). Với hai môn đệ trên đường về Emmau (Lc 24,35), Chúa đã tàng hình theo bước họ và đã hâm nóng đức tin trong lòng họ trước khi cho họ được nhận biết Ngài. Cuối cùng Chúa khiển trách tất cả môn đệ Ngài vì đã không chịu tin những kẻ tường thuật cho họ về việc Ngài phục sinh (Mc 16,14). Ngài cũng khiển trách thánh Tôma vì ông muốn chạm vào các thương tích Ngài rồi mới chịu tin và Chúa đã phán với ông rằng "phúc cho ai không thấy mà tin" (Ga 20,29).
9 - Quả là Chúa thường chẳng thích làm phép lạ. Nếu Ngài có làm cũng chỉ là vạn bất đắc dĩ. Bởi thế Chúa đã khiển trách các biệt phái bởi đám này chỉ chịu tin khi nào Chúa ban cho họ những dấu lạ. Ngài phán: "Nếu các ngươi chẳng thấy những sự kỳ diệu và những dấu lạ, hẳn các ngươi chẳng tin" (Ga 4,48). Do đó, kẻ nào khoái chí vui thỏa nơi những chuyện siêu nhiêu này sẽ bị thiệt thòi nhiều về phương diện đức tin.
10 - Tệ hại thứ ba là do hí hửng vui thỏa về những công việc này, người ta thường bị rơi vào chỗ ham danh hoặc hão huyền nào đó. Sự vui thỏa nơi các kỳ công ấy không thuần túy đặt vào Chúa và vì Chúa cho nên thật hão huyền. Bằng cứ là Chúa đã khiển trách các môn đệ vì đã vui thỏa khoái chí về việc bọn quỉ bị họ khắc phục (Lc 10,20). Nếu sự vui thỏa ấy không mang tính hão huyền thì hẳn Chúa đã chẳng trách cứ họ.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)