ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3
CHƯƠNG 38
CÁC NGUYỆN ĐƯỜNG
Tiếp tục bàn về những điều tốt lay động lòng ta. Nói về các nguyện đường [Nguyện đường: Ngoài những nhà nguyện công, nhiều gia đình Tây Ban Nha dành một phần của nhà mình để cầu nguyện, và đặt cả bàn thờ để có thể dâng lễ. Phòng nguyện bên Tây Ban Nha xưa là chuyện cá nhân, nhà thờ các giáo xứ và giáo họ ở Việt Nam ngày nay là chuyện của tập thể Dân Chúa (DG).] và những nơi dành cho việc cầu nguyện.
1 - Có lẽ tôi đã giúp các bạn hiểu được những bất toàn trầm trọng người sống theo tâm linh có thể gặp phải nơi những điểm phụ thuộc liên quan đến ảnh tượng. Nếu họ tìm thích thú và vui thỏa nơi các ảnh tượng, họ có thể gặp nguy hiểm nhiều hơn là nơi những sự vật thể chất và trần tục khác. Tôi nói “nguy hiểm nhiều hơn” bởi vì đây là “những chuyện thánh thiện”, nên người ta an tâm hơn và không hề nghĩ mình bị rơi vào chỗ muốn chiếm hữu hay quyến luyến lệch lạc. Thế nên đôi khi họ bị lầm to bởi cứ tưởng mình đang đầy lòng sùng kính vì đang cảm thấy thích thú nơi những điều thánh thiện ấy, song thực ra đó chỉ là tâm trạng và mê thích tự nhiên họ đặt vào các ảnh tượng ấy như đã từng đặt vào những chuyện khác mà thôi.
2 - Do đó, chúng ta khởi sự bàn về các phòng nguyện. Lắm người không ngớt miệt mài chồng chất hình này tượng nọ vào phòng nguyện của họ, khoái chí sắp xếp và trang hoàng các ảnh tượng ấy sao cho phòng nguyện của họ được điểm trang và trông thật mỹ lệ. Tuy nhiên chẳng phải vì thế mà họ yêu mến Chúa nhiều hơn, trái lại họ còn yêu mến Ngài ít hơn, bởi vì như đã nói, do đặt niềm thích thú vào các ảnh tượng kiều diễm ấy, họ không còn chú tâm đến thực tại sống động mà chúng biểu thị. Đồng ý rằng cần phải chú ý hơn đến tất cả những sự chăm sóc kính cẩn dành cho các ảnh tượng và phải kịch liệt chê trách những người thiếu nghiêm túc và tôn kính đối với ảnh tượng cũng như một số nhà tạc tượng quá tồi, thay vì gây nên lòng sùng mộ thì lại làm mất đi. Thiết tưởng cần ngăn cản một số nghệ nhân non tay và vụng về trong ngành nghệ thuật này. Tuy nhiên, việc ấy nào có liên can gì đến não trạng tư hữu, sự dính bén và mê thích nơi bạn khi bạn chú tâm vào việc trang hoàng và phục sức bề ngoài cho các ảnh tượng đến nỗi chúng vây bủa giác quan và khiến tâm hồn bạn bị cản ngăn không thể đi lên cùng Chúa? Liệu bạn còn có thể tự do yêu mến Chúa và quên hết mọi sự vì yêu mến Ngài không? Vậy nếu vì những chuyện ảnh tượng mà bạn mất lòng yêu mến Chúa thì chẳng những Chúa không nhìn nhận công lênh của bạn mà còn sửa phạt bạn, bởi trong mọi sự bạn đã tìm ý thích của bạn hơn ý thích của Chúa.
Bạn có thể hiểu rõ điều này qua cuộc lễ tổ chức nghênh đón Chúa khi Ngài vào thành Giêrusalem: Trong khi bao người miệng hát reo, tay vẫy nhánh cây đón chào (Mt 21,8-9; Mc 11, 8-10; Lc 19,37-38; Ga 12,13) thì Chúa lại than khóc (Lc 19,41). Bởi Ngài quá biết họ chỉ rình rang những dấu hiệu và trang trí bề ngoài còn lòng họ thì vẫn xa cách Ngài. Về điều này chúng ta có thể nói rằng họ đang tổ chức mừng lễ cho chính họ chứ chẳng phải cho Chúa như trường hợp nhiều người thời nay vẫn đang làm. Mỗi lần tổ chức lễ lạc đâu đó, họ vui thỏa vì những thích thú họ sẽ nhận được tại đó, như để nhìn ngắm thiên hạ hoặc để được thiên hạ nhìn ngắm, hoặc để tiệc tùng hay vì một số khía cạnh nào khác chứ không phải để làm vui lòng Thiên Chúa. Với khuynh hướng và chủ tâm như thế họ sẽ không làm Chúa hài lòng gì cả, nhất là khi chính những kẻ cử hành các buổi lễ ấy lại sáng chế thêm những chuyện lố bịch và thiếu lòng sùng mộ để chọc cười thiên hạ hầu gia tăng sự tiêu khiển, một số người khác lại đưa ra những chuyện làm thiên hạ khoái chí hơn là đánh động lòng sùng mộ của họ.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)