Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Kinh Sách Nguyện Giỗ Cầu Hồn - Một Di Sản Đức Tin Văn Hóa


Lê Đình Bảng10/28/2011

1. Chẳng hiểu mối quan hệ giữa người sống với kẻ chết ở bên Tây bên Mỹ khắng khít, ràng buộc đến cỡ nào. Chứ ở Việt Nam ta, chuyện sống chết, tử sinh, mất còn, âm dương và đời này đời sau, tuy bất thành văn, nhưng vốn dĩ đã vận vào người, đã ghi tâm khắc cốt, đã truyền tử lưu tôn, không cần phải bàn. Ấy là sự tử như sự sinh, nghĩa tử là nghĩa tận.

Riêng đối với bà con nhà đạo mình thì chuyện xử sự sao cho phải phép ấy, ngay từ buổi đầu, đã thành đạo, đã nên chuẩn mực và nề nếp căn cơ. Dù phần số có hoàn cảnh túng quẫn ngặt nghèo đến đâu, cũng phải giữ ngọc gìn vàng, chẳng dám đơn sai. Bởi nó vừa là cái lẽ ở đời trong tình làng nghĩa xóm, trong truyền thống đạo lý của một đất nước, một dân tộc “vừa lớn vừa đẹp, hiền hòa, dễ thương… Một miền đất coi như đã được dọn sẵn để vun trồng đức tin.” (1) Lại vừa là một trong những điều răn yêu thương con cái một nhà của đạo Đức Chúa Trời. Không lạ gì, ngay từ buổi hừng đông đón nhận Tin Mừng ấy (1632), người lương dân ở kinh kỳ Thăng Long đã không tiếc lời, gọi bổn đạo là “những người theo đạo yêu nhau”. (2)

Nói về phép tắc, lễ nghi, sinh hoạt, hội hè, đám xá và đặc biệt mảng kinh sách dành riêng cho hậu sự - từ hấp hối lâm chung đến qua đời và tống táng ma chay – đã là cả một chuyện dài nhiều tập, bao la bát ngát, không biết cơ man nào mà kể. Chúa ôi, đã bảo là kinh nhà đạo, gạo nhà chùa mà lị. Thật là bất khả thuyết. Nào là đi thăm viếng, ủi an, thuốc thang, giúp đỡ, khuyến hối kẻo ra yếu nhân đức tin, ngã lòng trông cậy. Nào là ngâm nga, ca vãn (Tứ Mạt Ca, Tứ Chung); kinh nguyện (Thẩm Phán, Trợ Thiện Tử, Bảo Đàng, Vực Sâu, Cầu Hồn, Ăn Năn Tội) hoặc đọc sách thiêng liêng (Lâm Mạnh, Hối Tội, Gương Phúc Gương Tội, Thổi Loa, Ngẫm về thiên đàng địa ngục, Bốn sự sau cùng) tất thảy gọi là của ăn đàng để dọn mình chết lành. Ấy là chưa nói đến bao nhiêu việc phải làm và bấy nhiêu kinh phải luân phiên nhau mà đọc trong suốt mấy ngày tóc rối đầu tang của nhà hiếu. Thôi thì đủ cả mọi nhẽ mọi đàng, để tránh điều tiếng miệng đời luôn cưới trách ma chê. Nghĩ cũng đáng tội. Hèn chi các cụ nhà ta - Phan Kế Bính, Đào Duy Anh và Toan Ánh - mắng mỏ phê phán cho là thậm phải, đáng đời. (3)

Làng quê xứ đạo mình ngày xưa trong lũy tre xanh sao êm ả, thanh bình quá. Bởi thế, ông Văn Cao mới hứng lên mà viết:

“Làng tôi xanh xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều
Tiếng chuông nhà thờ rung


(Làng Tôi, 1947)

2. Để giữ trọn đạo hiếu sinh hiếu tử và đáp nghĩa đền ơn đối với những người đã khuất, hai bên lương giáo đều có những ngày lễ kính, tưởng niệm, thọ trai, sắm sanh cúng quả, khói hương, tảo mộ. Trong khi bên lương nhà Phật nhà chùa có lễ hội thanh minh trong tiết tháng Ba và rằm tháng Bảy xá tội vong nhân thì bên đạo nhà Chúa nhà thờ lại dành ra cả một tháng trời (tháng 11 dương lịch) để lễ lạy, kinh hạt, giỗ chạp, lập công đền tội thay cho người quá cố. Mùa này, thời tiết khí hậu cả trong Nam ngoài Bắc thường đỏng đảnh mưa bão mù trời. Đường từ nhà thờ ra nghĩa trang, trẻ con người lớn xếp hàng một đi viếng mộ. Tối đến, nhà nhà xóm xóm lên đèn lên đuốc sáng trưng, chiếu trong chiếu ngoài ken cứng người đến đọc kinh nguyện giỗ, cầu hồn. Thường thường là kinh chiều hôm ban sáng, lần hạt Mân Côi và kinh vực sâu. Trọng thể và kiểu cách, văn vẻ hơn thì phải có lễ nhạc, ngâm nga mảng kinh văn đã thành bài bản có niêm luật chương khúc, đối đăng (Phú, Văn tế), có chữ nghĩa điển tích (Hán văn), có cung giọng, vần điệu, tiết nhịp bi tráng, thưa mau (lâm khốc, biệt hành, sa mạc, bồng mạc) và có cả xuất xứ ngọn nguồn hẳn hoi (Thánh Giáo Kinh Nguyện, Mục Lục Nhựt Khóa hoặc Toàn Niên Kinh Nguyện). Toàn bộ những pho sách kinh điển trên đây, nếu tôi không lầm thì đã được các thế hệ tiền bối chuyển dịch từ Exercitum Quotidianum - Sách Kinh Hằng Ngày bằng tiếng La Tinh. Tất nhiên có bổ sung một số kinh tự soạn cho hợp với tâm thức, phong tục tập quán và thời vụ mùa màng của người Việt Nam. Xin trích dẫn ra đây vài trích đoạn:

Lạy Chúa khoan dung / xin mưa máu xuống / hồn nào còn vướng / mắc dấu vết chi
Chúng tôi xin vì / công nghiệp máu Chúa / sẽ gội sẽ rửa / cho sạch phen này
Xin Chúa ra tay / nhân từ cứu vớt / chúng tôi kẻ chết / ai nấy được nhờ …
(Kinh Cầu Hồn. Thánh Giáo Kinh Nguyện Hà Nội, Phát Diệm, 1929)


Nhớ ngày công phán / thúc dạ kinh hoàng …
Tôi xiêu lạc, khiến hư hồn ngọc
Chúa tìm tôi mỏi nhọc mình vàng
Vậy dám xin Chúa tôi mở lượng bao duông
Quá bội khôn lường / đổ máu châu báu
Đừng chấp kẻ phụ phàng
Tôi khóc lóc kêu van
Xin Giêsu tha thứ
(Kinh lễ các Đẳng - Mục Lục Nhựt Khóa, 1920)


Trời cao, đất rộng cực kỳ
Trong tay quyền phép tóm về kỷ cương
Cao xa Chúa ngự thiên đàng
Thấu nghe suốt hết trần gian mọi vùng
Khuyên răn thưởng phạt rất công
Lưới trời lồng lộng ai hòng trốn thâu
Chúng tôi cả dám khấu đầu
Hết lòng van thiết âu sầu kêu xin …
……………………………………….

Kinh văn cầu khẩn một bài
Mọi người xin kết hợp lời, Amen.

(Cảm Tạ Niệm Từ Diễn Ca. Toàn Niên Kinh Nguyện, 1950)


3. Như trên đã nói, mảng kinh sách nguyện giỗ - cầu hồn của nhà đạo mình rất phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức. Có thể nói mà không sợ cường điệu rằng mảng kinh sách đặc thù này là một trong những đối tượng phải được tham khảo nghiêm túc, nếu người ta muốn nghiên cứu đầy đủ về đời sống đức tin cũng như đời sống văn hoá nghệ thuật của Công giáo Việt Nam trong dòng chảy văn hoá của dân tộc. Với trải nghiệm những năm tháng tra cứu, kiếm tìm, đãi cát tìm vàng, bản thân kẻ viết bài này đã hơn một lần không những cảm thấy choáng ngợp trước số lượng chồng chất của một tàng kinh các, mà còn thú vị đến ngạc nhiên khi ngộ ra nhiều thể loại, nhiều phong cách vận dụng chuyển tải , nhiều pha trộn cũ mới, vừa truyền thống vừa phá cách sáng tạo mang giá trị của một tác phẩm văn học nghệ thuật, từ lịch sử, truyện kể đến thi phú văn bài, từ hịch, chiếu, biểu, cáo đến vè, vãn, ca, ngâm, tế, điếu, văn sách, kinh nghĩa, chương khúc, trường thiên, từ tam tự, tứ tự, ngũ ngôn, cổ phong, tứ tuyệt, bát cú Đường luật trở về những thể loại thuần tuý Việt Nam, như lục bát, song thất lục bát, lục ngôn thất ngôn hỗn hợp và hát nói….Tóm lại, trong thẳm sâu lòng đạo đức tin của lớp người trọng tuổi thì kinh sách từ các nhà in Công giáo cổ xưa như Nazareth (Hồng Kông), Kẻ Sở (Hà Nam), Kẻ Sặt (Hải Dương), Tân Định (Sài Gòn), Phú Nhai (Bùi Chu), Ninh Phú (Phát Diệm), Trung Hòa (Hà Nội), Qui Nhơn, Kontum chắc hẳn phải là một phần đời của mình. Dù đã và đang tàn phai quên lãng, nhưng cái vang cái bóng lung linh một thuở một thời ấy vẫn cứ là của nuôi linh hồn người ta. Chẳng thế mà ai kia đã mạnh miệng rằng “Cơm nuôi phần xác, Kinh nuôi phần hồn.”

Thực tế là đã có một thời chưa xa - khoảng những thập niên 1940-1950 của thế kỷ trước - nhà thờ xứ đạo làng quê ta vẫn cứ vang âm nhịp nhàng hai thứ ngôn ngữ và hai thứ giai điệu của kinh nguyện. Rất Bình ca La Tinh Roma mà cũng rất ngũ cung quốc ngữ Việt Nam!

Các thầy đọc tiếng La Tinh
Các cô con gái thưa kinh dịu dàng


Khi nói đến “đọc tiếng La Tinh” và “thưa kinh dịu dàng” là nói đến cả một dặm dài hàng mấy trăm năm của Phụng Vụ, của đời sống ca nguyện trong dân Chúa Việt Nam. Từ La Tinh sang tiếng Việt và từ Thánh nhạc Bình ca sang ca vãn nguyện ngắm. Một quá trình và hoá trình cộng sinh, tiếp biến đầy cam go, nhọc nhằn, nhưng thấm đẫm biết bao Ơn Chúa – tình người. Dặm dài ấy đã khởi đi theo bước đường truyền giáo từ thế kỷ XVI, XVII và còn tiếp diễn mãi về sau. (4)

Vẫn biết mảng kinh sách ấy, đến nay, chỉ còn là một lâu đài đóng kín, một thư mục cũ nát, một “số sót” rớt rơi trong cái phạm trù “lòng đạo dân gian” của những người ở chiếu dưới. Vẫn biết đấy chỉ là một số vận dụng sáng tạo hoặc mô phỏng để thích nghi, để đáp ứng phần nào nhu cầu trong một thời điểm nhất định nào đó, cần phải được chắt lọc, chỉnh sửa và cập nhật sao cho đúng Phụng vụ, đồng thời theo kịp chuyển động và khả năng tiếp biến của đời sống ngôn ngữ dân tộc. Nhưng dù sao, ở một chừng mực nào đó, nó vẫn tồn tại khách quan như một đối tượng tham khảo – nghiên cứu về mặt giáo dục đức tin, về lịch sử truyền giáo cũng như về con đường hội nhập văn hóa. Bởi vì có đọc và phân tích kỹ từng câu chữ, từng đoạn mạch, từng dụng ý thác ngụ, từng kiểu cách biểu đạt diễn tả dung chứa trong mảng kinh sách ấy, ta mới cảm nhận được sự thông tuệ về tín lý, thần học và mới khẩu phục tâm phục ngón tài hoa thần tình về ngôn ngữ, về thi pháp của cha ông ta trong quá trình chuyển dịch từ La Tinh, Bồ, Pháp ngữ sang Hán, Nôm, quốc ngữ và biên soạn, trước tác mang tâm tình dân tộc. Nói khác đi, mảng kinh sách mà chúng ta yêu, chính là di sản đức tin - văn hoá được tích luỹ dung hợp từ tinh hoa của bao nhiêu thế hệ truyền đời. Nó xuất phát từ nhu cầu của đời sống ca nguyện mà trong đó có phần đóng góp to lớn của nhiều cá nhân, nhiều tập thể trí tuệ thông qua một số Công Nghị, Hội Đồng, thỉnh nguyện, đề xuất. Rõ ràng phải có một quyển sách Kinh cho toàn thể dân Chúa đã và đang là vấn đề cần thiết ngay từ bây giờ, dù đã muộn. (5)

Có người bảo đọc kinh như ve sầu kêu ra rả suốt mùa hè, chẳng ơn ích gì! Thà lặng thinh chiêm niệm còn hơn. Nhưng rồi, chính các bậc thánh nhân hiền giả đều phải nói ra thành lời, lời ấy là kinh, là tao phách, là khuôn vàng thước ngọc cho muôn đời sau. Lão Đam nói đến 5000 từ trong Đạo Đức Kinh. Khổng Phu Tử giảng thuyết bằng Tứ Thư, Ngũ Kinh và Thích Ca Mâu Ni trong suốt 49 năm hoằng pháp, nguyên lời kinh Đại Bát Nhã, đã nói ròng rã tới 22 năm. Vẫn biết đến nay, giữa nhịp sống tốc độ ồ ạt của đô thị - công nghiệp hoá, hình như cái hạnh phúc được đọc kinh - nguyện ngắm theo lề thói và cung cách xưa đang nhạt dần, nhạt dần và biến mất rồi thì phải ? Nhưng tôi vẫn thầm cảm ơn cha mẹ, những ông Trùm bà Quản đã gieo vào lòng bọn trẻ con nghèo khổ ở nhà quê chúng tôi một số vốn liếng về Đức Tin – văn hoá là Kinh sách - Nguyện ngắm. Nói thật lòng, cái gia tài, hương hoả ấy, tuy cũ kỹ chân quê, tuy tầm tầm hạn hẹp, nhưng đã nuôi sống, đã thổi chúng tôi lớn lên như lúa như khoai để học ăn học nói học gói học mở với đời. Có ca dao, tục ngữ, đồng dao, truyện Kiều mà cũng có kinh có sách, chẳng thua chị kém em. Một quá khứ nhọc nhằn, ai ơi. Nhiều khi buồn vẩn vơ. So với các thế hệ về sau và đặc biệt với lớp trẻ bây giờ, sao mình quê mùa lạc hậu đến thế... Bồi hồi nhớ câu hát đồng dao – bài học Giáo lý vỡ lòng - của mình ngày nảo ngày nào còn bé đùa chơi trong sân nhà thờ một đêm trăng sáng :

Thiên đàng, địa ngục đôi quê
Ai khôn thì về, ai dại thì xa
Đêm về, nhớ Chúa, nhớ cha
Đọc kinh, cầu nguyện kẻo sa linh hồn...


Gò Dầu, tháng 11.2011

Chú thích :

(1) Đắc Lộ. Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, 1651.
(2) Gaspar d’Amaral (1592-1646). Thư gửi André Palmeiro, Macao, 31.12.1632.
(3) Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính, NXB.TP.HCM, 1990, tr.37.
Nếp Cũ của Toan Ánh, NXB Trẻ, 1990, tr.352.
Việt Nam Văn Hoá Sử Cương của Đào Duy Anh, NXB.TPHCM, 1992, tr.215.
(4) L.E.Louvet. La Cochinchine religieuse. Paris, 1885, tr.78.
(5) Hội Đồng Kinh – Nhóm Sửa Kinh họp tại toà Giám mục Huế để “cùng nhau sửa kinh hôm mai cho Trong Ngoài nhứt thể”, ngày 28.7.1924. Các thành viên là 09 linh mục đại diện toàn cõi Đông Dương (Việt Nam, Căm Bốt, Thái Lan và Penang) và đặc biệt, thành viên thứ 10 là thầy phó tế Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (tức linh mục – nhà thơ Sảng Đình rất nổi tiếng sau này).

Lê Đình Bảng

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Ngôn ngữ 'Sát thủ...' ở thời 'phản ứng lựa chọn'

Cập nhật 28/10/2011 11:36:16 AM (GMT+7)
Lời tòa soạn: Cách nói "chảnh như con cá cảnh", "chuyện nhỏ như con thỏ" có cách hiệp vần ngữ âm giống như các thành ngữ tiêu biểu “chó treo mèo đậy” hay “mẹ tròn con vuông”. Còn "phi công trẻ lái máy bay bà già" là đối về nghĩa, giống cách nói “Miệng quan trôn trẻ”. Chính bản chất ngôn ngữ của tiếng Việt cho phép tạo ra những “lời nói cố định” như trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”. Nếu phủ nhận việc tạo ra những lời nói theo thói quen (rồi trở thành cố định) như thế là chưa thấy hết sức sản sinh từ ngữ trong tiếng Việt.

GS Trần Trí Dõi đã nói như vậy trước những cách nhìn khác nhau về ngôn ngữ được sử dụng trong cuốn sách đang "gây sốt" hiện nay - "
Sát thủ đầu mưng mủ". Liệu những "lời nói cố định" này có làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt? Ứng xử thế nào với sự phát triển không ngừng của ngôn ngữ tiếng Việt trong quần chúng, GS Trần Trí Dõi đã chia sẻ góc nhìn ở khía cạnh khoa học ngôn ngữ. 



GS. Trần Trí Dõi

Phóng viên: Những năm gần đây, ngôn ngữ chat và những câu nói như trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” ra đời và được giới trẻ sử dụng nhiều. Thưa GS, hiện tượng này có phải là sự xuất hiện của cái mới trong ngôn ngữ, thể hiện sự phát triển và sáng tạo không ngừng của ngôn ngữ trong quần chúng?

GS Trần Trí Dõi:  Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội nên nó luôn luôn phát triển cùng xã hội. Hiện tượng “ngôn ngữ chat” và những “lời nói cố định” như trong cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” đúng là thể hiện sự phát triển không ngừng của ngôn ngữ trong quần chúng, trong đó có bộ phận là những người trẻ tuổi.

Theo GS, tại sao ngôn ngữ chat và những thành ngữ này xuất hiện? Có thể tìm thấy mối liên hệ của nó với thói quen ăn nói, sử dụng ngôn từ của người Việt không?

GS Trần Trí Dõi: Tôi nghĩ rằng “ngôn ngữ chat” và những “lời nói cố định” như thế xuất hiện là do những cách nói đã có chưa thỏa mãn hết yêu cầu giao tiếp của một bộ phận những người thích chat, những người ưa có một cái gì đó khác đi về hình thức trong giao tiếp hàng ngày.

Cách tạo ra những “lời nói cố định” như trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”không xa lạ gì với tiếng Việt. Nó là sự thể hiện rõ nhất thói quen ăn nói, sử dụng ngôn từ của người Việt từ xưa đến nay như “nói vần dựa vào đồng âm hay gần âm”, “đối âm hay/và đối nghĩa” v.v. vốn thông dụng trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao tiếng Việt.

Ví dụ, cách nói "chảnh như con cá cảnh", "chuyện nhỏ như con thỏ" - về mặt bản chất - có cách hiệp vần ngữ âm giống như các thành ngữ tiêu biểu “chó treo mèo đậy” hay “mẹ tròn con vuông”. Còn như nói "Phi công trẻ lái máy bay bà già" là đối về nghĩa cũng là cách nói “Miệng quan trôn trẻ” v.v.

Chính bản chất ngôn ngữ của tiếng Việt cho phép tạo ra những “lời nói cố định” như trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” chứ có phải điều gì mới mẻ đâu.

Cho nên nếu phủ nhận việc tạo ra những lời nói theo thói quen (rồi trở thành cố định) như thế là chưa thấy hết sức sản sinh từ ngữ trong tiếng Việt.

Thông thường, xã hội phản ứng như thế nào với những cái mới đã từng xuất hiện trong ngôn ngữ Việt và thế giới? Tại sao họ phản ứng như vậy? Có thể lý giải trong trường hợp cụ thể này, vì sao ngôn ngữ trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” lại bị phản ứng như vậy?

GS Trần Trí Dõi: Trong quá trình phát triển một ngôn ngữ bao giờ cũng có những cái mới xuất hiện, trong đó, có những từ ngữ mới.

Từ ngữ mới có trong một ngôn ngữ hoặc là do vay mượn (như tiếng Việt vay mượn từ tiếng Hán, tiếng Pháp v.v) mà có hoặc là do cộng đồng sử dụng ngôn ngữ sáng tạo dựa trên cơ chế nội tại của ngôn ngữ đó (như cách nói láy, ghép tiếng, đối âm, đối nghĩa v.v) hoặc là kết hợp cả hai cách.

Và bình thường, khi có từ ngữ mới xuất hiện là có phản ứng của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó.

Phản ứng ở đây không nên hiểu là “sự phủ nhận” mà là thể hiện một hoạt động của cơ chế “lựa chọn” để chấp nhận hay loại bỏ những yếu tố mới được xuất hiện đó. Cho nên có thể nói, một ngôn ngữ nào đó tạo ra những từ ngữ mới và cộng đồng sử dụng ngôn ngữ phản ứng với việc tạo ra những từ ngữ mới là một phản ứng thông thường, bình thường.

Còn việc lý giải hiện tượng “bị phản ứng” như chị hỏi trong trường hợp cụ thể ở cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” có cái đặc thù riêng.


Bình thường, khi có từ ngữ mới xuất hiện là có phản ứng của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó. Phản ứng ở đây không nên hiểu là “sự phủ nhận” mà là thể hiện một hoạt động của cơ chế “lựa chọn” để chấp nhận hay loại bỏ những yếu tố mới được xuất hiện đó.
Trước khi giải thích hiện tượng này, tôi xin nói trước với chị rằng, đối với cá nhân tôi, những “lời nói cố định” như trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” là bình thường và những người thích nó hay trong trường hợp nào đó sử dụng chúng cũng là bình thường chứ không hẳn như ai đó nói rằng làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Thậm chí, có khi những “lời nói cố định” ấy còn chuyển tải ý “tình thái” đậm nét của người nói.

Nhưng cũng phải thấy rằng, một bộ phận trong cộng đồng người nói tiếng Việt phản ứng (thậm chí phản ứng gay gắt) với chúng là có lý do.

Vì không có điều kiện xem hết các bức tranh minh họa nên tạm thời xin phép tôi không nói về “ý nghĩa” của những hình vẽ minh họa đó.

Tuy nhiên, xét ở “từ ngữ” thì khi xem trang bìa của cuốn sách, tôi nghĩ cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” mà không “bị phản ứng” thì mới là lạ.

Trước hết, qua dòng chữ tuy là phụ đề “thành ngữ sành điệu bằng tranh” đã chứng tỏ tác giả và nhà xuất bản đã muốn một bộ phận độc giả ăn một một món ăn không hợp khẩu vị.

Vì sao vậy? Ở đây, khi dùng từ thành ngữ của tiếng Việt, tác giả và nhà xuất bản dùng theo cái nghĩa quá “thông thường”, do vậy, chưa được đa số cộng đồng chấp nhận và chia sẻ.

Tôi nghĩ rằng trong tiếng Việt, thành ngữ không đơn giản chỉ là những lời nói cố định theo thói quen như một cuốn từ điển nào đó giải thích mà là những lời nói cố định được chắt lọc, mang ý nghĩa biểu trưng “tích cực” được đa số cộng đồng sử dụng ngôn ngữ chấp nhận.

Vậy thì đã nên gọi những “lời nói cố định” trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”là thành ngữ của tiếng Việt chưa? Tôi nghĩ là chưa nên. Vì chúng là những từ ngữ mới xuất hiện, đang ở giai đoạn cộng đồng sử dụng ngôn ngữ lựa chọn theo cơ chế “phản ứng” mà thôi. Chắc chắn chúng chưa được đa số cộng đồng sử dụng ngôn ngữ chấp nhận. Đó là lý do thứ nhất.

Thứ hai, cũng là dòng chữ phụ đề “thành ngữ sành điệu bằng tranh”.

Khi mà cả xã hội nói chung và toàn bộ người trưởng thành còn có cái “chuẩn mực” thì một bộ phận giới trẻ làm sao làm cho xã hội lệch chuẩn đượcChỉ sợ lúc cả xã hội nói chung và toàn bộ người trưởng thành không còn có cái “chuẩn mực” nữa thôi. Vậy thì đâu có phải là do “một bộ phận giới trẻ làm lệch chuẩn”?
Trong tiếng Việt, về đại thể, khi dùng từ "sành điệu" cũng có nghĩa nghiêng về mặt khen, khuyến khích người ta noi theo.

Vậy thì khi dùng phụ đề “thành ngữ sành điệu bằng tranh”, tác giả và nhà xuất bản đã nghĩ đến điều này hay chưa? Đã đến lúc nên khuyến khích người ta noi theo những “lời nói cố định” trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” đấy hay chưa?

Tôi cũng nghĩ là chưa nên. Vì chúng đang còn ở trong thời kỳ “phản ứng” lựa chọn. Vậy thì ai thấy vui, thấy hợp thì dùng, ai thấy không hợp thì bỏ, đừng có “vận động” người ta khi cho rằng đó là “thành ngữ sành điệu”. Cái không hợp khẩu vị là như thế.

Chúng ta có nên lo lắng quá về sự xuất hiện của những thành ngữ như trong “Sát thủ đầu mưng mủ” không? Nó có đóng góp làm phong phú thêm tiếng Việt hay làm phương hại đến sự trong sáng của tiếng Việt không?

GS Trần Trí Dõi: Những gì đã trao đổi ở trên cho thấy hiện tượng xuất hiện những “lời nói cố định” trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”, nếu để cộng đồng sử dụng ngôn ngữ dân chủ lựa chọn thì không có gì là phương hại đến sự trong sáng của tiếng Việt cả.

Với những ngôn ngữ phát sinh trong đời sống như thế này, chúng ta nên ứng xử như thế nào cho phù hợp: sưu tập thành một cuốn sách, chuẩn hóa phạm vi sử dụng trong văn phong phổ thông khi giao tiếp rộng và chính thức…hoặc các hình thức khác?
GS Trần Trí Dõi: Việc tập hợp thành sách cũng được, nhưng đừng vội gọi nó là thành ngữ, tục ngữ v.v ngay vì chỉ khi chúng được chắt lọc trong một thời gian dài, được đa số cộng đồng sử dụng ngôn ngữ chấp nhận hay thừa nhận mới là thành ngữ, tục ngữ.

Còn việc chuẩn hóa phạm vi sử dụng trong văn phong phổ thông khi giao tiếp rộng và chính thức là một chuyện khác.

Chẳng hạn, ngay như một thành ngữ đã được cộng đồng chấp nhận là “miệng quan trôn trẻ” thì khi viết báo cáo để nói về việc không giữa lời hứa của “quan”, ai người ta lại có thể dùng nó.

Thưa GS, ý kiến cá nhân tôi không thấy lo ngại như một số người phê phán những cách nói này.. Chẳng hạn, tôi vẫn hay dùng những cách nói như “chán như con gián", "ăn chơi không sợ mưa rơi", "dở hơi biết bơi…” trong nhiều hoàn cảnh để nói thật mà vui và không thấy có gì là phản cảm. Phải chăng, chúng ta đang cho rằng hiện tượng này xuất hiện từ một bộ phận giới trẻ lệch chuẩn để đánh giá thái độ của họ với ngôn ngữ tiếng Việt nhưng trong thực tế, rất đông giới trẻ sử dụng và nó rất ít có hại hoặc vô hại?

GS Trần Trí Dõi: Trong sử dụng ngôn ngữ một bộ phận giới trẻ thường muốn có một cái gì đó “khác” và “mới”. Đó là chuyện bình thường.

Việc chúng ta cho rằng những cái “khác” và “mới” là lệch chuẩn là vì chúng ta đang còn có cái “chuẩn mực”.

Khi mà cả xã hội nói chung và toàn bộ người trưởng thành còn có cái “chuẩn mực” thì một bộ phận giới trẻ làm sao làm cho xã hội lệch chuẩn được.

Chỉ sợ lúc cả xã hội nói chung và toàn bộ người trưởng thành không còn có cái “chuẩn mực” nữa thôi. Vậy thì đâu có phải là do “một bộ phận giới trẻ làm lệch chuẩn”?

Xin cảm ơn giáo sư!

•    Nguyễn Hường (thực hiện)
Nguồn: http://www.vietnamnet.vn/vn/giao-duc/45787/ngon-ngu--sat-thu-----o-thoi--phan-ung-lua-chon-.html

***


"Sát thủ đầu mưng mủ": Càng cấm, càng sốt
Người vỗ tay, kẻ gật đầu, bên chê, phe trách…dù đã bị thu hồi “Sát thủ đầu mưng mủ” vẫn đang tạo lên cơn sốt trong cộng đồng mạng và bùng lên với những làn sóng dư luận trái chiều. 
Thành Phong tiếc vì “Sát thủ...” bị dừng phát hành
Ngay khi có thông tin cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” bị tạm dừng phát hành, chúng tôi đã có cuộc gặp với những người đã xây dựng cuốn sách.
Tác giả 'Sát thủ đầu mưng mủ' phẫn nộ vì bị ăn cắp
Tác giả sách 'Sát thủ đầu mưng mủ' viết thư 'Gửi bạn ăn cắp' trong tâm trạng bức xúc khi sách của mình bị scan phát miễn phí trên mạng...
Nóng trong ngày: Dừng in 'Sát thủ đầu mưng mủ'
QH lo tội phạm trẻ gia tăng; tiếp tục nóng các vấn đề xung quanh diễn đàn giao thông và 'phong bì bệnh viện'; tạm dừng phát hành cuốn sách 'Sát thủ đầu mưng mủ'; không công nhận bằng TS của Thứ trưởng Cao Minh Quang...

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Hùng Triều Thứ 10: Hùng Huy



Vua khai sáng – Long Tiên Lang

Danh hiệu khác trong sử Việt :Kinh dương vương 2

Danh hiệu khác trong sử Hoa : Thành thang , Võ vương triều Thương

Quốc hiệu : Việt thường 2

Niên đại :Cách nay 3.700 năm

Chứng tích bằng vật thể lưu tồn ở Việt nam là hiện vật của nền văn hoá Đồng đậu.

Bộ tộc của thủ lãnh Thương Thang là con cháu của ông Khiết, có sách viết là ‘Đế Tiết’ tụ cư ở Bắc Tây Giang, nam Trường Giang (phương ngày nay), vì Quảng đông là đất Đào của nhà Hạ, ý nghĩa tên ông Khiết hay thuần khiết chỉ số 1 – tức phương Nam, theo “Kinh Dịch Huyền diệu và Ứng nghiệm” thì Đế Tiết cũng là Tiên Đế cũng là chúa vùng số 1; Đế Tiết, Tiên Đế là bà Vũ Tiên của truyền thuyết Việt … tất cả đều là mã tin của Dịch Lý chỉ phương Nam , sắc dân làm nòng cốt của triều đại là tộc Tam miêu hay Mun , tên ngày nay là người Hmông.

Vua khai sáng nhà Thương là Thành Thang, vua họ Từ tên là Lý; thực ra Lý là biến âm củ Lửa chỉ mặt trời và vua chúa như ta đã biết, còn Từ là dịch chữ Thương (yêu) của Việt ngữ, “Từ Lý” nghĩa là “vua Thương” mà thôi.

Thành Thang khôn ngoan đợi chờ cho đến khi các bộ tộc Cửu Di (tức Di Lão) ở phía Tây đất Đào không còn thần phục Hạ Kiệt liền cất quân diệt bạo chúa . Thành Thang hay Thương Thang lên ngôi, xưng là Võ Vương, tức hoàng đế khai sáng triều Thương. Triều đại Thương sử Việt Nam gọi là Việt Thường Thị là triều đại kế tiếp Hồng Bang Thị tức Thao Quốc hay Đào Quốc. Đất của triều Thương gọi là đất Việt Thường hay đất Đường là đất gốc tổ của Lý uyên đời Đường cũng là đất Nam đường thời Hoa nam thập quốc . Từ vua khai sáng Thành Thang đến Dương Giáp tổng cộng 18 đời đặc biệt các vương triều Thương đều mang danh hiệu theo Thập Can: 1. Thành Thang; 2. Ngoại Bính; 3. Trọng Nhân; 4. Thái Giáp; 5. Ốc Đinh; 6. Thái Khang; 7. Tiểu Giáp; 8. Ung Kỷ; 9. Thái Mậu; 10. Trọng Đinh; 11. Ngoại Nhâm; 12. Hà Đản Giáp; 13. Tổ Ất; 14. Tổ Tân; 15. Ốc Giáp; 16. Tổ Đinh; 17. Nam Khang; 18. Dương Giáp.

Từ đế hiệu của các vua nhà Thương dùng phép so sánh ta thấy không có Can Quí là số 9, mà thay vào là Khang như Thái Khang, Thiếu Khang V.v… Thực ra Khang là từ Việt, khăng khăng là không thay đổi, nó cũng là sự biến âm trong cụm từ mã tin Dịch Lý chỉ sự không thay đổi: Căng, Cang, Cương, Cứng, Khăng, Khang, Khương.

Thời Hùng Hoa Vương – Hải lang cũng là Lạc Long Quân nghĩa là thủ lãnh đất Lạc và đất Long, triều Hùng Huy - Long Tiên Lang thì Long và Tiên chỉ 2 dòng tộc con cháu Long Nữ tộc Thần long và Vũ Tiên tổ của tộc Mun hay Miêu , Cổ sử Trung Hoa gọi vùng Hồ Nam là Ngũ Lãnh vì trung tâm đất nước thời Thương là vùng Hồ Nam, ngũ lãnh trong dịch học chỉ có nghĩa là trung tâm . Với Hồ Nam là trung tâm ta có 4 hướng: Quảng Đông là Nhiệt hay Bức, Bắc phương; Giang Tây là phương Đông mặt trời mọc Dương → Giang; Quí Châu là đất Thục, là nơi mặt trời ‘thụt’ xuống hay khuất bóng tức phương Tây; sau cùng đất Hồ Bắc là Kinh Man, hay Sủy ( sở – Tùy ) tức phương Nam man.

Cổ sử Trung Hoa dịch chữ Thương của Việt ngữ sang Hoa ngữ là ‘Từ’ mà Từ cận âm với Tử, Tây, Tà … đưa đến sự lẫn lộn phương Đông và phương Tây đôi khi cười ra nước mắt như danh hiệu Tây Sở Bá Vương chẳng hạn, rõ ràng đất của Hạng Vũ ở phía Đông Trung Hoa mà danh hiệu lại là Tây vương…; Nếu không dùng các mã tin Dịch Lý làm chuẩn ta sẽ rối bời trong các ma trận từ ngữ Từ gốc tiếng Việt ký âm bằng chữ Nho trộn lẫn với từ dịch ý đưa đến dòng sử không lối ra của Trung Hoa hiện nay, nếu không lần mò gỡ rối những dích dắc từ với ngữ … thì không thể nào nhìn ra Trường Giang là Đằng Giang Thường Giang rồi Đường Giang, vùng đất có tên là đất Việt thường nên con sông chảy qua nó gọi là Thường giang nghĩa là con sông ở phía nam .Sử Việt Nam chép Đằng Giang là nơi Ngô Quyền đánh quân Nam Hán tức Hãn quốc ở phía nam ngũ lãnh (Hồ nam) . Đằng giang là nơi mà Hoàng Tháo suýt mất mạng ; một khi khẳng định được sông Dương Tử là Đằng Giang hay Bạch Đằng Giang thì lịch sử sẽ đổi chiều .

Ta có những thông tin rõ ràng :Ngô Quyền cũng là Tôn Quyền , Nam Hán là chỉ đích danh Hãn Quốc ở phía Nam (xưa) Trung nguyên , Hoàng Tháo không ai khác là ông hoàng tên Tháo tức Tào Vương tổ nước Ngụy sau này.

Nhìn lịch sử trong động trạng ta thấy nhiều điều: lãnh thổ quốc gia luôn trương nở do đó trung tâm và 4 phương, 8 hướng cũng thay đổi theo đưa đến tình trạng ‘Chữ cũ” nhưng mang nghĩa mới nếu không sáng suốt sẽ nhìn không ra. như trường hợp điển hình:

- Chữ ‘giao chỉ ’ nghĩa là ‘giữa’ vì thời mới lập quốc lãnh thổ nhỏ hẹp, gói gọn trên đất Việt , khi bờ cõi mở mang ta có Giao chỉ + Nam Giao (chỉ) ; tiếp tục trương nở thì Giao Chỉ + Nam giao + Quảng Đông thành ra Giao chỉ bộ sau đổi thành Giao Châu; Giao Châu chính là đất Đào, nước Thao của nhà Hạ, sử Việt Nam cũng gọi là Hồng Bàng Thị, để phân biệt ta gọi là Hồng bang 2 nếu không tách bạch 2 Hồng bang thì không tài nào thấu đáo được .: Nam giao là đất phía nam Giao chỉ nay là Lĩnh nam , Giang nam là đất phía nam Giao châu hay Giao chỉ bộ xưa gọi là Việt Thường 2, giang nam hiểu theo tiếng Việt là vùng ‘sông phiá nam’ ở đây ý muốn nói đến Đường giang.

Nhà Thương sử Việt là triều Hùng Huy vua khai sáng là Long- Tiên Lang; Long: phương Đông, Tiên = phương Nam; sách sử chép thành từ kép: Thành Thang biến âm ra ‘Thường Thương’ có nghĩa theo Dịch Lý là hướng Đông nam ;Thường là phương nam, thương là phương đông.

. Sông Thương tên ngày nay là Dương Tử là nơi có loại rùa lớn sinh sống, người nhà Thương đã lấy mai rùa để khắc chữ, cả Dịch Lý cũng được khắc trên mai rùa, nên Dịch nhà Thương được gọi là ‘Qui Tàng Dịch’ nghĩa rất rõ ràng là Dịch Lý khắc trên mai rùa. Do có 2 Việt Thường nên cũng có tới 2 Kinh Dương Vương .

Việt Thường Thị 1 → Kinh Dương Vương 1 là tổ của người Kanh-Lạc .

Việt Thường thị 2 → Kinh Dương Vương 2 chỉ nhà Thương hay Đường, theo Hùng phả là Hùng Huy – Long Tiên Lang là cha của Sùng Lãm, “Lĩnh Nam Trích Quái” đã lầm lẫn ghép 2 vị Lạc long quân và Sùng Lãm thành một khiến sử Việt sai lạc, lẫn lộn cả ngàn năm.

Theo truyền thuyết Việt thì Sùng Lãm nối ngôi Kinh dương vương nhưng những tư liệu lịch sử truyền tụng trong dân gian thì có tới 5 đời chúa họ Sùng được gọi là ‘Ngũ vị tôn ông’ và 4 quốc mẫu được thờ gọi là ‘Tứ vị triều bà’, Ngũ vị là: Sùng Nghiêm , Sùng Quyền,Sùng Tôn, Sùng Hòa sau cùng là Sùng Lãm còn hay Nguyễn Cầm . Đã có Sùng chúa tất phải có nước Sùng , Cổ sử Trung hoa chép : Cơ xương chiếm nước Sùng là chư hầu lớn nhất của nhà Thương ở phương tây...và dựng đô đấy gọi là Phong kinh đất ấy gọi là đất Phong .

Lịch sử cả Việt và Hoa đều nói đến nước Sùng ; thực ra Sùng là từ dịch chữCao của Việt ngữ chính vì điều này mà người Việt còn có tên là người Keo hay Kẹo . Kinh thư viết khi ông Cơ xương chiếm nước Lê cả triều đình nhà Thương rung rinh trong khi Trụ vương vẫn đắm chìm trong tửu sắc, các công thần đều biết là khí số nhà Thương sắp tận nhưng chỉ biết than vãn thở dài mà thôi , Liên kết tình tiết 2 sự kiện có thể đoán nước Lê và nước Sùng là một; từ Lê hay lửa chỉ nước ta ở phương bắc-bức tức hướng xích đạo qủe LY so với đất nhà Thương thuộc phương nam ( xưa ), còn chữ Cao có gốc ở can Tân là số 7 chỉ hướng xích đạo trong Hà thư , Tân –Tôn cũng nghĩa là Cao , trên cao và Hoa sử dịch là Sùng .

Nhà Thương lãnh thổ chính ở vùng Châu Kinh (Hồ Nam) và Châu Dương (Giang Tây) đúng theo lịch sử –̣địa lý Trung Hoa nên có vua là Kinh dương vương.

Truyền thuyết về Dịch Lý của Trung Hoa nói Lạc Thư là đồ hình trên lưng Thần Kim Qui cũng cùng chung 1 ý nói về Qui Tàng Dịch của nhà Thương. Chính Qui tàng Dịch và nơi sinh sống của loài rùa lớn đã tạo ra Giáp Cốt Văn xác định : triều đại Thương khởi nghiệp ở Trường Giang hay Dương Tử chứ không thể ở bờ Hoàng Hà như sách sử Trung Hoa viết. Vì loài rùa có mai lớn dùng vào việc khắc chữ và bói toán chỉ có ở Trường giang như đã nói ở trên.

Ngoài chuyện mai rùa triều Thương còn có nhiều điều phải suy nghĩ:

- Ở bắc Trung Hoa địa bàn gốc cho tới thời Thương không hề có ‘thiếc’ nguyên liệu chính để có nền văn minh đồng thau, vậy làm sao từ đời Hạ theo sử sách Trung Hoa đã bước vào thời đồ đồng tiêu biểu bằng việc vua Vũ đúc 9 cái đỉnh tượng trưng cho Cửu Châu Trung Hoa , ở Trung hoa và Việt nam hầu như không có thời đồ đồng nguyên chất hoặc nếu có thì cũng rất ngắn rồi bước ngay sang thời hợp kim đồng thiếc hay đồng thau, ở Biệt Đô Triều Ca người ta còn tìm được mấy cái gương bằng đồng thau, có khắc hình mặt người hoàn toàn không có nét nào của chủng mongoloit, tức chủng người Trung Hoa theo sử sách.

- Cũng theo sử thì đời Thương, Trung Hoa đã có tượng binh, nhưng ở Hoàng Hà làm gì có voi , voi Châu Á chỉ sống ở miền nhiệt đới và xích đới.

Tóm lại còn nhiều điều “nghĩ không ra’ hay “không hiểu nỗi”. Đặc biệt về nhà Ân Thương ta đặc biệt lưu ý:

- Thủ đô nhà Ân Thương ở tỉnh Hà Nam , Biệt Đô Triều Ca cũng chỉ ở ngay bờ Bắc Hoàng Hà, khi bị Chu Vũ Vương diệt thì trung tâm của Trung Hoa chuyển về phía Tây Nam. Như vậy lãnh thổ Trung Hoa tới hết đời Chuchưa vượt Hoàng hà chỉ trừ một mảnh đất nhỏ gọi là Hà nội,

Nghiên cứu kỹ ta thấy :xương sống của Trung Hoa cổ đại gắn chặt vời chữ Hà – Hồ – Hải.

-Khởi nguyên của dòng giống từ đất Hời (Champa) ngày nay với Thần Nông Thái Viêm tiến dần về sông Cả, rồi sông Mã, rồi Hồng Hà – Hạ Long , Đời Hạ thành hình ở vùng Nam Hải, Hải Nam, nhà Thương sang Hồ Nam, nhà Thương Ân ở An Huy rồi Hà Nam, tới đây nhà Chu thay nhà Ân Thương, hướng bắc tiến của dân Trung Hoa ngưng lại ( phương hướng hiện nay) trung tâm chuyển sang Tây Nam ; như thế bờ Hoàng Hà là ranh giới phía bắc của người Hoa , trên nữa là đất của Man hay Mông, chữ Hà trong Hà bắc không dính dáng tới quốc thống Trung Hoa cả, xét như trên chính dân Trung Hoa mới là người Hồ còn Mongoloit là người Man, vậy mà không biết từ bao giờ … bỗng lộn ngược …; người Man═ Mun = đen xưa gọi là Huyền thiên trở thành rợ Ngũ Hồ? còn người Hồ-Hải hay Hoa chính gốc lại biến thành Bách Man (tên khác của Bách Việt).

- Triều Hùng Huy –Long tiên lang nổi bật về thành tựu văn hóa .

Thập can và Thập nhị địa chi lần đầu tiên xuất hiện ở đời nhà Thương.

Chữ khắc trên mai rùa bắt đầu có từ thời này.

Quy tàng dịch là dịch học của nhà Thương.

Đặc biệt những điển tích liên quan tới chữ viết đều gắn với từ Thương hay Thường :

Truyền thuyết cho rằng Thương Hiệt là sử quan của Hoàng đế đã chế ra chữ viết.

Vào thời vua Nghiêu xứ Việt Thường đã tiến cống Linh quy trên mai có khắc văn Khoa đẩu chép việc từ thời mở nước của Trung hoa.

Vào thời Chu cũng Việt thường tiến cống chim Trĩ cho vua Chu...với ý nghĩa Trĩ là loài chim tượng trưng cho văn minh... thực ra Trĩ được coi như thế vì ‘Trĩ’ là đồng âm của ‘Chữ’ tiếng Việt , mà một khi đã có chữ tức là văn minh rồi.

Ở trên có nói đến văn ‘Khoa đẩu’ ;Khoa đẩu cũng là từ gốc Việt chuyển thể sang Hoa ngữ :

Khoa là ký âm hán tự của chữ ‘khoác’ trong Việt ngữ; khoác lác, nói khuyếc nói khoác là nói qúa sự thực đồng nghĩa với chữ dùng hiện nay là thổi phồng hay phóng đại tô màu...., ngôn ngữ bình dân dễ hiểu là làm cho to ra , bự ra.

Đẩu chỉ là ký âm tam sao thất bản của từ ‘Đầu’ tiếng Việt ; khoa đẩu nghĩa là làm cho cái đầu to ra , ngắn gọn thì chữ ‘khoa’ đồng nghĩa với chữ ‘to’; văn khoa đẩu là văn dùng lọai chữ ‘đầu to’.

Lịch sử chữ viết cho biết : Trung hoa về cơ bản chỉ có 2 loại chữ viết ;

Từ đời Chu trở về trước dùng loại chữ gọi là ‘Đại triện’ .

Từ đời Tần về sau dùng chữ ‘tiểu triện’ , chữ tiểu triện chính là tiền thân của Hán văn ngày nay.

Mới nghe tên 2 loại chữ tưởng là xa lạ...nhìn kỹ lại thì ra tiểu triện chính là chữ Nho gọi theo người Việt...; nho là biến âm của nhỏ , chúng cũng kết thành từ Điệp ...Nho- nhỏ, chữ Nho là chữ nhỏ người Tàu chuyển ngữ thành chữ Tiểu triện ., và còn đại triện chính là loại chữ To đầu hay Khoa đẩu mà thôi , khi noí ‘khoa đẩu’ ta không hình dung ra điều gì nhưng khi biết khoa đẩu là con nòng nọc thì ta thấy ngay cái đầu to tướng của nó so với cái đuôi ngo ngoe tí xíu...chính điều này giúp xác định gốc chữ khoa đẩu là Việt ngữ.

Thời nhà Thương đất trung tâm hay Ngũ lãnh ở tại Hồ nam ngày nay , phía nam là Hồ bắc lúc ấy gọi là Kinh man hay Canh – mun theo dịch học : ‘canh’ đồng nghĩa với nước ‘mun’ là màu đen cả 2 đều là dịch tượng chỉ phương nam . Với vùng đất phương nam này người nhà Thương bắt đầu tiếp súc trao đổi với cộng đồng dân cư lưu vực Hoàng hà , sự tiếp súc này đã đem lại sự thay đổi to lớn trong văn hóa và sinh hoạt của người họ Hùng :

- tiếp thu từ “người Hoàng hà” một số hình vẽ coi như dạng thức tiên khởi của chữ viết .

- Biết tới con ngựa.... ban đầu với người họ HÙNG là loài xa lạ nên đặt tên là con ‘ngộ’ tức con vật kỳ cục không giống bất cứ con vật đã biết nào , về sau ‘ngộ’ biến thành ‘ngựa’ như ngày nay .

Trên cơ sở số hình vẽ ‘tiền chữ viết’ mới tiếp thu , người nhà Thương đã sáng tạo ra hệ thống chữ tượng hình ‘ Giáp cốt văn’ tiền thân của ‘khoa đẩu văn’ thời nhà Chu , truyện tích Việt thường cống chim trĩ cho nhà Chu xác nhận điều này ; Việt thường chính là nhà Thương , ‘trĩ’ chỉ là biến âm của “chữ” mà thôi .

Khoa đẩu văn là chữ viết chính thức của người họ Hùng trước khi bị nhà Tần làm đứt ... “đuôi con nòng nọc” khi thực hiện ‘thư đồng văn’....( khoa đẩu = nòng nọc )

Tới đây ta thấy đã có lối ra cho câu hỏi tại sao một nước gọi là ‘văn hiến thiên niên quốc’ mà tới nay chưa tìm được chữ viết thời cổ....; không có chữ viết thì không thể nào gọi là văn minh được vì bản thân chính từ văn đã cấu tạo nên từ kép ‘văn minh’ .

Nguyễn Quang Nhật