Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Thấm Mệt




Chạy lên, chạy xuống giữa đời,
Đã nghe mệt mỏi rã rời chung quanh.
Con tim rồi có tan tành?
*

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Tên Nước Việt Nam



TÊN NƯỚC VIỆT-NAM
Cao Thế Dung
Tên nước Việt Nam xuất hiện từ cổ thời Dư Ðịa Chí của Nguyễn Trãi, soạn vào khoảng năm 1428-1430, về quốc hiệu nước ta vào đời Hồng Bàng, Nguyễn Trãi viết: "Trong sách chương của Thiên Vương có gọi Việt Nam, Nam Việt, Giao Chỉ, An Nam, Nam Bình, ngày nay cũng xưng là Việt Nam""Vua Ðế Minh trao cho Kinh Dương Vương làm Việt Nam Vương" (1).

Tiến sĩ Hồ Tôn Thốc soạn bộ thế chí dưới triều Trần Nghệ Tông (1370-1372) đặt tên là Việt Nam thế chí (2).

Trong thi tập "Trình Tiên Sinh Quốc Ngữ" của Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) mở đầu có câu: "Việt Nam khởi tổ xây nền". Một số văn bia thế kỷ thứ 17, lại khắc tên nước là Việt Nam. Văn bia "Hạ trùm trưởng quan bi ký" ở Bắc Ninh, tạo dựng năm 1649 mở đầu bài minh: "Việt Nam Triệu quốc, Kinh Bắc định vương. Yên Phong Mỹ huyện. Mẫu Xá danh hương" (3). Bia "Thế Tồn bi ký" tạo vào năm 1670 tại Ðồng Ðăng, Lạng Sơn, mở đầu khắc: "Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan. Thạch bích hoàn vụ Uyên quận giới phiên. Ðồng Ðăng linh ấp..." (4). Bia "Hậu thần bi ký", tạo năm 1690 ở Từ Phong, huyện Quế Võ, Bắc Ninh, mở đầu: "Việt Nam cảnh giớị Bắc nhất vi tiên. Từ Sơn mỹ hi. Hữu thị miếu triều" (5).

Bảng nhãn Lê Quí Ðôn (1724-1784) trong bộ Bách Khoa Vân Ðài Loại Ngữ, đã dùng hai chữ Việt Nam trong câu: "Nay xét tục ngữ Việt Nam..." (6).

Ðất nước Việt Nam thuộc về 56 dân tộc anh em. Dân Việt là đại đa số chủ thể, tựa như một cánh quạt mà trung tâm là người Việt với tiếng nói thuộc ngữ hệ Nam Á, một trong những nhóm ngôn ngữ xưa nhất ở Ðông Nam Á. Dân tộc Mường là dân Lạc Việt ở miền núi.

NHÂN CHỦNG
Dân tộc Việt Nam có gốc tích lâu đời nhất Ðông Nam Á (ÐNA). Khảo cổ học phát hiện được người vượn ở Bình Gia (Lạng Sơn) và các dụng cụ bằng đá của người nguyên thủy vào thời kỳ đồ đá cũ ở núi Ðọ (Thanh Hóa), có thể khẳng định con người đã có mặt trên đất Việt khoảng trên 30.000 năm trước. Khảo cổ học cũng đã tìm được những chiếc răng của người hóa thạch vào thời kỳ địa chất Pleistocene cách nay khoảng 300.000 năm. Khảo cổ học cũng đã tìm được di tích của đời sống "bầy" người nguyên thủy ở Sơn Vi (Lâm Thao, Vĩnh Yên), ở Bắc Sơn, Hòa Bình, ở Hang Muối và Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) (7).

Người nguyên thủy ở Việt Nam là chủ nhân ông của nền văn hóa Sơn Vi có tuổi khoảng từ 11 đến 20.000 năm, trải dài từ Lào Cai, Lục Ngạn vào tận Nghệ Tĩnh. Di tích tập trung nhiều nhất ở Sơn Vi (Lâm Thao). Hang Pông (Sơn La, có di chỉ 11915+_ 120 BP (Bln 1352), Hang Con Mong và Mái đá Ông Quyền, với di chỉ: 18390+_ 125 BP (Bln 1855).

Các nhà khảo cổ học Pháp khai quật ở nhiều địa điểm Quảng Bình, Quảng Trị, nhất là ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cho thấy con người nguyên thủy xuất hiện ở đây trước cả 10.000 năm. Niên đại C - 14 ở Long Thạnh, Phú Hòa cho thấy văn hóa Sa Huỳnh phát triển từ đầu thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên. Văn hóa Bầu Tro, Văn hóa vịnh Hạ Long phát triển khoảng 5.000 năm trước đây. Cho đến nay, ở Ðông Nam Á và ở cực Nam ÐNA vẫn tiếp tục tìm thấy dấu vết xương cốt "những đại diện" rất cổ của loài người. Những gì phát hiện ở ÐNA nói chung cũng tìm thấy ở Việt Nam. Giữa miền cực nam ÐNA và Trung Quốc, Việt Nam lại là một cầu nối, một khu vực đệm (8). Ðối với vùng ÐNA, Việt Nam là biên giới, là điểm tận cùng. Ở vào vị trí ấy nếu nói rằng Việt Nam là "thiên đường" của một số ngành khoa học (trong đó có cổ nhân học) cũng là rất đúng (9). Những khám phá mới nhất của nhà bác học Trung Quốc J.Y. Chu và 13 đồng nghiệp của ông bằng di truyền học DNA, khẳng định rằng nguồn gốc của người Trung Hoa và người Á Ðông là do giống người Ðông Nam Á đi lên. Những người này có gốc gác từ Phi Châu đã đi đến Ðông Nam Á qua ngả Nam Á (10).

Một bộ phận của con người tiền sử (ở Việt Nam hiện nay) đã đi lên hướng Bắc vào địa phận Trung Quốc và đã góp phần dựng nên nền văn hóa cổ đại Trung Hoa. Giáo sư Joseph Needham, tác giả bộ "Khoa học và văn minh ở Trung Quốc"(Science and Civilisation in China) cũng đã khẳng định điều đó "... Có thể, người Việt đã bao nhiêu thế kỷ chịu ảnh hưởng của văn minh Hán Hoa, đã ăn sâu vào cá tính và có thái độ cho rằng mình thua kém, chỉ thu thập văn minh và văn hóa Trung Quốc và không tin rằng, văn hóa Trung Quốc thật sự đã nhận được sự đóng góp đáng kể từ các dân tộc Bách Việt ở phương Nam" (11). Kết quả nghiên cứu và khám phá của Tiến sĩ Chu là con người ở Ðông Á do di dân đến từ ÐNA (Sau đó lên Bắc Á và Mỹ) và một phần nhỏ đến tứ Âu và Trung Ạ Tiến sĩ Chu và đồng nghiệp đi đến kết luận (qua phương pháp DNA): "Nguồn gốc con người khởi từ Phi Châu đã cấu tạo nên phần lớn số lượng di truyền của con người ở Ðông Á. Có nhiều cơ sở cho thấy rằng, tổ tiên của những dân cư nói tiếng Altaic bắt nguồn từ nhóm cư dân ở Ðông Á đã đến trước đây từ ÐNA mặc dầu không thể chối cãi là các cư dân tới muộn hơn từ Trung Á và Âu Châu" (12). Tiếp tục công trình nghiên cứu của nhà bác học Chu, trong năm 1999, Tiến sĩ Li Yin, Ðại học Stanford, California, nghiên cứu vùng di truyền Chromosome ở 21 người, đã khám phá ra là có ít nhất ba đợt di cư dân từ châu Phi thời tiền sử. Ðợt đầu từ Phi châu đến Nam Á và sau đó đến châu Ðại dương (Oceania). Ðợt hai từ Phi châu đến Ðông Nam Á (qua Nam Á) rồi từ đây chia ra hai hướng đi lên Ðông Á và Bắc Mỹ rồi đi xuống châu Ðại dương. Ðợt 3 từ Phi châu đến Tây và Trung Á rồi đi lên Âu châu, Bắc Mỹ và đi xuống nam Ấn Ðộ (13). Trong các đợt di cư ấy, từ Nam Á đến ÐNA, lên Trung Hoa và Ðông Á, Việt Nam lại là trung tâm giao lưu, mà văn hóa Hòa Bình (cách đây 10.000 năm) là tầng cao, tỏa rộng lên đến Hoa Nam, Thái Lan, Lào, Miến Ðiện.

Với những phát hiện của nhà khảo cổ Pháp Colani, con người đã có mặt ở đảo Cát Bà trên 5.000 năm , là thời khảo cổ cho thấy, lúc Cát Bà chưa tách ra khỏi đất liền, mảnh đất đó đã từng là nơi tụ cư đông đúc của con người. Ðến nay, đã phát hiện được trên mười di chỉ thuộc thời kỳ trước đảo này, chú ý đều là di chỉ hang động. Vết tích cư trú của lớp người này còn được phát hiện ở huyện Hoành Bồ, huyện Cẩm Phả (Quảng Ninh). Cũng như người Bắc Sơn trước đó, tích tụ trong tầng văn hóa ở các hang động này đều có nguồn gốc lục địa. Di vật của con người thời này còn để lại, chủ yếu là công cụ bằng đá, bằng xương, đồ dựng và đun nấu bằng gốm. Kết quả phân tích C14 ở di chỉ Cái Bèo là 5645+_115 (1950) (14).

Các nhà địa chất, nhân chủng và khảo cổ học nhất quán cho rằng, Việt Nam là một trong mấy chiếc nôi của loài người. Con người xuất hiện ở nước ta vào loại sớm nhất, vào khoảng trên 10.000 năm. Sơ kỳ đồ đá mới, các nhà khảo cổ đã tìm thấy sọ người thuộc giống Mê la nê giống Pymoide ở làng Cườm, ở Khắc Kiệm, Ða Bút, Phố Bình Gia (15).

CỘI NGUỒN DÂN TỘC
Chữ Việt xuất hiện từ thời nhà Chu (1134-314 trước CN) và Xuân Thu chiến quốc. Sử Ký Tư Mã Thiên chép về người Di Việt từ thời vua Chu Thành Vương (1027-1006 trước CN). Ngoài tên Việt, người Hán đời nhà Chu còn dùng từ Việt chỉ nhiều tộc Việt khác, họ gọi chung là Bách Việt.

Theo Ðào Duy Anh, sách Lộ Sử đời Tống chép rằng: Việt Thường, Lạc Việt, Âu Việt, Âu Khải, Âu nhân, Thả Âu, Cung Nhân, Hải Dương, Mục Thâm, Phù Xác, Cầm Nhân, Thương Ngô, Man Dương, Dương Việt, Quế Quốc, Tây Âu, Quyên Tử, Sản Lý, Hải Quỳ, Tây Khuẩn, Kê Từ, Bộc Cần, Tỷ Ðái, Khu Ngô, gọi là Bách Việt. (16)

Sử ký của Tư Mã Thiên mục "Nam Việt Úy Ðà" viết: "Ðà đem binh uy hiếp ngoài biên, để vơ vét tài vật của cải. Mân Việt, Tây Âu, Lạc Việt đều đầu hàng qui thuộc. Chú thích: Sách Hán thư âm nghĩa viết rằng: Ðó là Lạc Việt vậy" (17).

Căn cứ vào bộ Sử Ký Tư Mã Thiên, hai học gỉa Pháp cho rằng, tổ tiên của Câu Tiễn, vua nước Việt, thuộc dòng người Yu có tục vẽ mình, cắt tóc và tập quán giống như người Việt phương Nam. Nước Việt này từ thế kỷ V trước Thiên Chúa đã có một lãnh thổ rộng lớn. Năm 472 tr. TC, Việt Vương Câu Tiễn đã mở rộng lãnh thổ về phía Bắc lên đến tận Giang Tô và Sơn Ðông.

Sau khi Câu Tiễn mất (465 tr. TC), các vua kế vị đã không giữ được bờ cõi cũ. Năm 379 tr. TC, nước Việt chỉ còn phần lãnh thổ ở vùng Chiết Giang cũ và đến năm 333 tr. TC nước Việt hoàn toàn bị nước Sở thôn tính. Từ đó người Việt bị phân tán và di cư về phía nam Ðại Ngũ Lĩnh.

Nước Việt sau những biến cố này bị phân tán, các phe trong hoàng tộc đánh lẫn nhau để tranh quyền. Sau đó mỗi người chiếm một vùng đề làm vua hay làm chúa. Họ chiếm giữ miền duyên hải phía Nam Chiết Giang.

Aurousseau cho rằng từ thế kỷ III tr. TC, có rất nhiều tiểu quốc người Việt thành hình, được gọi chung là Bách Việt. Trong các tiểu quốc Bách Việt, sử sách còn viết đến những nước chính như Ðông Việt (Ôn Châu, Chiết Giang), Mân Việt (Phúc Kiến), Nam Việt (Quảng Ðông, Quảng Tây), Lạc Việt (Bắc Việt Nam ngày nay) (18).

Một số tài liệu căn cứ từ cổ sử và cổ thư Trung Hoa cho rằng, dân Việt có nguồn gốc từ nước Sở (Sở Việt).

GIẢ THUYỀT SỞ-VIỆT
Cửu ca là nhạc chương tôn giáo của dân tộc Sở đã có trước thời Khuất Nguyên (19), ông chỉ là người sửa lại, bỏ đi những lời quê mùa. Các học giả Hoa Lục, Ðài Loan và Nhật Bản đều nhất trí về ý kiến Cửu ca là của dân tộc nước Sở. Nước Sở thuộc giống Bộc, Lão tức Việt tộc. Vua nước Sở là Hùng Cừ nói: Ta là Man Di không cùng hiệu thụy với Trung Quốc. (20).

Các di chỉ khảo cổ học đã cho thấy, Việt tộc thời Viễn cổ đã có văn tự, trước cả Hoa Hán, nếu không thì cũng cùng thời với Hoa Hán đời Thương-Ân. Nhà khảo cổ Pháp V. Golouchew đã tìm ra dấu tích của một loại văn tự cổ Việt tộc khắc trên các hốc đá ở vùng Chapa, Thượng du Bắc Việt (21).

Trung Quốc rất tự hào về Sở từ với Cửu ca và khúc Ly Tao của Khuất Nguyên, coi đó là những áng văn chương trác tuyệt của văn học cổ Trung Quốc nhưng lại là của Việt tộc. Học giả Lăng Thuần Thành, nghiên cứu về trống đồng và Sở từ Cửu ca, đã đi đến kết luận: Cửu ca chính là nhạc chung của dân tộc Bộc Lão (Việt tộc).

Một số tác giả cổ thư Trung Quốc cho rằng Khuất Nguyên sáng tác Cửu ca. Trong Khuất Nguyên Ngoại Truyện của Thẩm Á Chí đời Ðường cho rằng Khuất Nguyên đã từng đi chơi vùng sông Nguyên và sông Tương Lân, ở đó có tục thích cúng tế, làm nhạc ca để vui lòng thần, lời rất quê mùa, ông nhân đó ở lại núi Ngọc Tử để làm Cửu tích tự nước Việt bị diệt năm 333 trước Gia-tô vậy. Sử gọi tên là Lạc Việt về đời Chu, Tây Âu, Tây Âu Lạc hay là Âu Lạc về đời Tần. Tốp này ca (nguyên văn: Khuất Nguyên thường du Nguyên Tương, tục hiếu tự, tất tác nhạc ca dĩ ngu thần, từ thậm ly. Nguyên nhân thê ngọc tử sơn tác cửu ca). Thực ra Khuất Nguyên chỉ sửa lại Cửu ca của người đồng tộc. Khuất Nguyên là người Sở Việt) (22).

Cửu ca là những bài hát dùng trong việc tế tự của dân nước Sở gồm 11 thiên. Mỗi thiên dành cho một vị thần. Thiên sau cùng gọi là lễ hồn, là bài hát tống (tiễn) thần. Ở nước Sở và các nước bị nước Sở thôn tính, đạo đồng bóng rất thịnh hành. Sách cổ Ðiển Học Hân Thưởng, mô tả Cửu ca của nước Sở như sau: Ðồng cốt có nhiệm vụ cầu thân giữa người và thần, khéo múa hát, cho nên đạo đồng bóng đạt đến một trình độ nhất định có thể xúc tiến sự phát triển nghệ thuật. Cửu ca do đó mà sản sinh. Cửu ca đã phản ảnh lòng nhiệt ái về việc sinh sôi nẩy nở và ý muốn trưng cầu hạnh phúc của nước Sở, đồng thời cũng phản ảnh niềm sùng kính của họ đối với những người đã hy sinh cho tổ quốc; lời lẽ thanh tân tú lệ, cảm tình sung mãn chân thật, tuy Khuất Nguyên có góp tài hoa vào đó nhưng nói về việc thành tựu thì nên qui công cho thi sĩ vô danh trong dân gian.

Theo Vương Dật, ghi chú Cửu Biện thì Cửu là số dương, giềng mối của đạo, còn Lễ hồn nói về việc thờ cúng chín thần. Cửu ca cũng là chín vị thần mà dân Sở-Việt thờ cúng. Ðông Hoàng thái nhất, Vân trung quân, Tương Quân, Ðại tư mệnh, Ðông Quân, Hà Bá là dương thần; Tương phu nhân, Thiếu tự mệnh, Sơn quỷ là âm thần (23)

Dân tộc Việt Nam, chủ yếu là Lạc Việt thuộc dòng Bách Việt, vốn là dân bản địa trên đất nước Việt Nam ngày nay. Về phía Nam và Ðông Nam Trung Hoa là khu vực của người Bách Việt, bao gồm Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Ðông, Quảng Tây, miền Bắc Việt Nam cho đến quá đèo Hải Vân miền Trung. Người Việt Nam sống trong vùng này từ thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên (CN). Học giả Pháp Aurousseau cho rằng người Việt Nam ngày nay có liên quan đến nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn ở Chiết Giang (24).

Căn cứ theo tài liệu cổ Trung Hoa, học gỉa Pháp Aurousseau cho rằng, người Việt Nam trước ở Trung Hoa rồi mới di cư qua miền Bắc Việt Nam. Nước Sở thuộc giòng Bách Việt, lãnh thổ bao gồm 2 tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam ngày nay, xuất hiện trước thế kỷ thứ XI trước CN. Ðến thế kỷ thứ IX trước CN, một ngành nước Sở di cư về phía Nam, dọc theo sông Dương Tử, định cư ở Chiết giang, thành lập nước Việt (Việt Vương Câu Tiễn) vào thế kỷ thứ VI trước CN. Năm 333 trước CN, nước Sở đánh bại nước Việt, người Việt chạy về phương Nam theo bốn nhóm: Nhóm Ðông Âu hay là Việt Ðông ở miền Ôn Châu (Chiết Giang). Mân Việt ở Phúc Kiến. Nam Việt ở Quảng Ðông, Quảng Tây. Lạc Việt ở phía Nam Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam. Các nhóm kể trên bị Hán hóa, chỉ còn lại nhóm Lạc Việt là tồn tại. Aurousseau cho rằng Người An Nam gốc tự Bách Việt và Lạc Việt (trong Bách Việt). Theo Aurousseau: Ðến như tên Âu thời lại càng làm chứng rõ về chủng tộc người An Nam lắm. Người An Nam về thế kỷ thứ III trưóc Gia Tô với người dân miền Ôn Châu (Chiết Giang) không những cùng là giống Việt, mà lại là cùng một chi trong giống ấy, là chi Âu. Cứ xem như người Việt ở Ôn châu gọi là "Ðông Âu", mà người Việt ở Bắc kỳ, nghĩa là người An Nam, gọi là "Tây Âu" thì đủ rõ, không còn nghi ngờ gì nữa.

Những chúa dẫn các dân Việt di cư xuống miền Nam Quảng Tây và đến tận Bắc kỳ ngày nay về thế kỷ thứ IV và thứ III trước Gia tô là cùng một dòng họ với các vua Việt đến định cư ở Ôn Châu, Phúc Châu và Quảng Ðông vậy.

Vậy thời ta có đủ chứng cớ mà nói quyết rằng người An Nam ngày nay là dòng dõi trực tiếp của người nước Việt bị diệt năm 333, và tiên tổ ngàn xưa, về thế kỷ thứ VI trước Gia tô, đã ở miền tỉnh Triết Giang nước Tàu ngày nay, vào khoảng lưu vực con sông cùng tên ấy.

Aurousseau còn cho rằng, ngoài 3 "tốp" lớn trong Bách việt gọi là Tam Việt, còn có nhiều tốp nữa đồng thời lập nên ở miền Quảng Tây và Bắc kỳ ngày nay. Có một tốp cũng khá to gọi là "Lạc Việt", hay là "Tây Âu Lạc" hay là "Tây Âu", tốp này chính là dân An Nam về thế kỷ thứ IV và thứ III trước Gia tô.

Theo Aurousseau, dân Việt Nam ngày nay là hậu duệ dân nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn:

"Nói tóm lại, nước Việt bị diệt năm 333 rồi thời dân Việt di cư xuống phía Nam, lập thành ra nước chư hầu, có bốn tốp lớn nhất, ở về vùng : 1-Ôn châu Triết giang); 2-Phúc châu (Phúc kiến); 3- Quảng đông; 4- phía Nam Quảng tây và Bắc Kỳ. Bốn tốp đó chắc thành lập từ cuối đời Chu, nghĩa là vào khoảng cuối thế kỷ thứ IV và đầu thế kỷ I I I trước Gia-tô, vì trong sách Trang tử đã nói đến tên Nam Việt, và về đời Chu đã có tên Lạc Việt. Nay ta nghiên cứu kỹ về từng tốp một, sẽ thấy đều là giống Việt cả, và đều là phát chính là gồm các dân An Nam về thế kỷ thứ I I I trước Gia tô, khu vực của các dân ấy ở về đầu thế kỷ thứ III trước Gia-tô thì không thể biết được rõ, nhưng về cuối thế kỷ ấy thì tức là gồm một phần to quận Tượng, tự phía Nam Quảng Tây cho đến tỉnh Quảng Nam (Trung Kỳ) bây giờ" (25).

Aurousseau có một phần đúng. Một số tộc trong dòng Bách Việt gốc Sở và Việt di cư về phương Nam. Nhưng không đúng ở một số điểm, dòng Bách Việt cư trú trên khắp lãnh thổ Hoa Nam ngày nay chứ không phải chỉ có riêng hai nước Sở và Việt. Dân Bách Việt là dân bản địa ở Hoa Nam, trong đó có tộc Lạc Việt. Tộc Lạc Việt cũng là dân bản địa ở miền Bắc Việt Nam ngày nay, chính là chủ nhân ông của các nền văn hóa Sơn Vi, văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn, văn hóa văn minh sông Hồng - Phùng Nguyên - Ðồng Ðậu và Ðông Sơn.

Một số học giả Tây phương như Lm Aucohrt lại ngộ nhận "Người Việt Nam gốc ở Trung Hoạ Năm 334 trước Công Nguyên bị dồn xuống phương Nam". Ðiều này đúng một phần, như tộc Thục Âu Lạc bị dồn xuống phương Nam từ thượng lưu sông Mân giang. Nhưng Lạc Việt là dân bản địa, cương vực trải dài từ phía nam hồ Ðộng Ðình cho đến Cửu Chân, Nhật Nam (Việt Thường). Không thấy tác giả nêu lên biến cố lịch sử nào để lấy năm 334 làm điểm mốc. Ông cho rằng giống Việt ở Trung Hoa biến mất chỉ còn lại giống Việt ở nước Việt nam duy trì được bản sắc riêng (26).

Hai đợt di dân lớn của Việt tộc là cuộc di dân của nước Việt Câu Tiễn về phương Nam và cuộc di dân của nước Sở chạy về phương Ðông, qua tận Nhật Bản và Ðại dương châu và Bắc Việt ngày nay nơi tộc Lạc Việt là dân bản địa đã có mặt ở đây với nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn trước thời Tần Thủy Hoàng khoảng 7-8000năm. Trước hai đợt di cư này, phải kể tới dân Miêu cũng thuộc Việt tộc đã văn minh trước Hoa Hán. Khi Hán tộc biết đến dân Miêu thì thấy giống dân này đã biết làm ruộng, trồng lúa mà ruộng thì có bờ đất chia thành từng miếng vuông y như lối làm ruộng của người Việt Nam ngày nay, vì thế người Tàu viết chữ Miêu có chữ điền (ruộng) và thảo (cỏ). Trong kinh thư có nói rằng đất Kinh và Dương có ruộng nương (27).

Theo Maspéro, người Việt cổ thời bấy giờ không hay di chuyển, lập thành các cộng đồng nhỏ, gồm LÀNG đặt dưới quyền cai trị của Lạc tướng thế tập. Lạc tướng giữ quyền về tôn giáo, dân chính và binh bi Về trình độ văn minh thì đã khá tiến bộ, đã biết cấy lúa một năm hai mùa. Về binh khí họ có những cung lớn độ vài thước cao dùng để bắn những mũi tên tẩm thuốc độc. Họ đã biết đúc đồng để làm đầu mũi tên (28).

Cao Thế Dung
Chú thích:
(1)- Dư Ðịa Chí, Ức Trai Tướng Công di tập - dịch và chú giải của Á Nam Trần Tuấn Khải. Văn Hóa số 65-1961, tr. 1249- 1256.

(2)- Gaspardone, Bibliographie Annamite, B.E.F.E.O. T.XXXIV, No 62-1934-tr. 95 - Hồ Tôn Thốc là tác giả bộ Việt Sử Cương Mục.

(3) (4) (5) - Mẫu Xá Yên Phong do Tiến sĩ đệ nhất giáp Nguyễn Thuần soạn, năm Khánh Ðức, nghĩa là: "Việt nam mở nước. Kinh Bắc định ranh giới. Yên Phong là một huyện đẹp. Mẫu Xá tên làng nổi tiếng.'

Bia Ðồng Ðăng tạo năm Cảnh Trị do Thao quốc công Nguyễn Ðình Lộc soạn, nghĩa là: Cửa ngõ yết hầu của Việt Nam. Trấn giữ quan ải phía Bắc. Vách đá giữa trời đất. Là quận sâu của biên giới. Ấp thiêng xứ Ðồng Ðăng.

Bia Từ Phong, tạo năm Chính Hòa, nghĩa là: Bờ cõi Việt nam. Phía Bắc là đầu tiên. Ðẹp thay Từ Sơn. Có miếu triều này.

Xem: Phạm Thị Vinh, Tên gọi "Việt Nam" trong bia đá thời Lê Trung Hưng. Tạp chí Hán Nôm, số 4-1994, tr. 37-40.

(6)- Lê Quí Ðôn, Vân Ðài Loại Ngự Nxb Tự Lực 1974, Q. VI, Âm tự loại, tr. 280.

(7) - Các nhà địa chất học Fromaget và Saurin tìm được ở Tam Hang và Tam-pa-loi, sát biên giới Việt Lào những chiếc răng và mảnh xương thái dương của những người cổ được cho là thuộc giống sinanthropus, thuộc thời kỳ địa chất pleistocene.

- Xem: J. Fromaget & E. Saurin, "Les récentes découvertes anthropologiques dans les formations préhistoriques de la chaine annamitique. Note présenté au III Congrès des préhistoriens d'Extrême Orient à Singapore-Janvier 1938.

- BSGI, vol. XII, Fasc. 3-HN 1925; VOl. XIV, Fasc. 6, HN 1925; Vol. XIX, Fasc. 3 HN 1932.

- Nguyễn Duy, "Nghiên cứu về những người cổ sống trong thời dại đồng thau ở Thiệu Dương-Thanh Hóa" trong "Một báo cáo về khảo cổ học Việt Nam." Viện khảo cổ học Hà Nội 1966, tr. 329-340.

(8)(9) - Nguyễn Ðình Khoa, Nghiên cứu cổ nhân học ở nước ta - Khảo cổ học số 2-1977, tr. 1-13.

(10)(11)- Cung Ðình Thanh, Nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Tạp chí Tư Tưởng, số 7, tháng 4-2000, tr. 1-8.

- Krings M-al Neanderthal DNA sequences and the origins of modern humans. Cell. Vol. 90-1979 pp 7719-7724.

(12)(13) - Nguyễn Ðức Hiệp, Ph.D. Khám phá mới di truyền học về nguồn gốc con người ở Ðông Á(Theo báo cáo khoa học của GS. J.Y.Chu). Tạp chí Tư Tưởng, số 7, tháng 4-2000, tr. 9-13.

- J.Y. Chu, Genetic relationship of population in China. The National Academy of Sciences (USA). Vol. 95, No 20, July 1998, vol.95, pp. 1763-1768.

- Li Yin, et al, Distribution of haplotype from a chromosome 21 region distinguishes multiple prehistoric huan migrations. The National Academy of Sciencces (USA) vol.96, 1999, pp. 3796-3800.

(14)- Nguyễn Văn Hảo, Văn hóa Hạ Long ở đảo Cát Bà (Hải Phòng) Khảo cổ học, số 2-1986, tr.13-16.

(15) - Xem: H. Mansuy et M. Colani - La Préhistoire en Indochine (tiền sử ở Ðông Dương)- BSGI Vol.XII, Fasc.3- Hà Nội 1925.

- Néolitique inférieure (Bacsonien) et Néothique supérieur dans le Haut Tonkin-Dernières recherches avec description des crânes du gisement de Làng Cườm.

(16) - Ðất Nước Việt Nam qua các thời đại. Nxb KH-HN 1964, tr.16 (viết tắt Ðất nước VN)

(17) Nguyên văn: Ðà dĩ binh uy biên tài vật lộ dị, Mân Việt, Tây Âu, Lạc Việt đầu thuộc Yên. Chú: Hán thư âm nghĩa viết: "Lạc Việt dã" - Tư Mã Thiên, Sử ký, Q.113, tr.26.

(18) - Xem: Nguyễn Khắc Ngữ, Nguồn gốc dân tộc Việt Nam-NCSÐ, Montréal 1985, tr.13-19.

- Nguyễn Phương (Lm) Việt Nam thời khai sinh. Viện ÐH Huế 1965.

- Ðào Duy Anh, Nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Nxb Thế giới, HN 1950, chương VIÐ

(19) - Cửu ca có 11 bài, sao gọi là Cửu ca? Trong Sở Từ Sớ, Lục Thời Ưng cho rằng Quốc thương và Lễ hồn là hai bài không thuộc Cửu ca. Trong Chiêu Minh Văn Tuyển thì chỉ có Cửu ca, không có Quốc Thương và Lễ Hồn. Riêng Quốc Thương là bài hát của người nước Sở dùng để cúng tế những chiến sĩ đã chết vì Tổ Quốc. Ngày xưa chết non (chưa quá 20 tuổi) gọi là thương. Thương trong Quốc Thương chỉ trai tráng đã bỏ mình nơi chiến trường. Quốc Thương thể hiện tinh thần yêu nước và lòng sùng kính của dân Sở đối với anh hùng dân tậc vị quốc vong thân. Các tộc Việt sau này cũng một tinh thần và lòng sùng kính như vậy.

(20) - Tư Mã Thiên Sử ký, Q.40, tr.3b.

(21) - V. Golouchew, Roches gravées dans la région de Chapạ BEFEO, T. XXV, 1925, tr.423-434.

(22) - Về Khuất Nguyên và tác phẩm Ly Tao, tham khảo: Du Quốc Ân, Khuất Nguyên-Hương Cảng Học Lâm Thư Ðiếm xb 1959.

(23)- Xem: Bửu Cầm, "Tương quan giữa hình chạm trên trống đồng Việt tộc và Ðồng quân trong Sở từ". Tập san Sử Ðịa số 25, 1973 tr. 49-80

- Lăng Thuần Thành, Ðồng Cổ văn Sở từ Cửu ca- Quốc lập trung ương nghiên cứu viện. Viện san đệ nhất tập, Ðài Bắc 1954, tr. 402-417.

(24) - L. Aurousseau, La première conquête chinoise des pays annamites (Cuộc chinh phục các xứ An nam lần đầu tiên của Trung Hoa). BEFEO, T.XXII-1923.

- Notes sur les origines du peuple annamite (Ghi chép về nguồn gốc dân tộc An Nam) BEFEO-XXIII, 1923, tr.254.

(25) - Léonard Aurousseau, "Khảo về cỗi rễ dân An Nam". Bản dịch của Hồng Nhân Phạm Quỳnh. Nam Phong tạp chí số 84, tháng 6-1924, tr.480 (Bản Pháp văn đã dẫn).

(26) - P. Aucohrt (Lm), "Les Annamites avant la dynastie chinoise des Han". Revue d'Indochine,T.XL,No 9&10, 1930, tr. 229-249.

(27) - Lê Chí Thiệp, Gốc tích dân tộc Viết Nam. Văn Hóa số 39-1959, tr.214-220.

(28) - Xem H. Maspéro: Etudes d'Histoire d'Annam-Le Royaume de Van Lang (nghiên cứu Nam Sử-Vương quốc Văn Lang). BEFEO T. XVIII, No 3, tr. 1-10

- Lê Thanh Khoi: Le Viet Nam-Histoire et Civilisation-Les Editions de Minuit 1955, tr. 82-91.



Thưa lại cùng Giáo sư Cao Thế Dung

Hà Văn Thùy
May mắn được đọc một số tiểu luận của Giáo sư Cao Thế Dung trên mạng, chúng tôi thấy đó là những bài viết có kiến thức sâu rộng về cổ sử, được diễn tả một cách thuyết phục. Nhưng đáng tiếc ở bài Tên nước Việt Namlại là bài viết thiếu mạch lạc đồng thời có những lý giải không thuyết phục. Với lòng kính trọng Giáo sư, chúng tôi xin thưa lại đôi lời.

1/ Con người có mặt trên đất nước ta từ bao giờ?
Mở đầu phần Nhân chủng, Giáo sư Cao Thế Dung viết: “có thể khẳng định con người đã có mặt trên đất Việt khoảng trên 30.000 năm trước. Khảo cổ học cũng đã tìm được những chiếc răng của người hóa thạch vào thời kỳ địa chất Pleistocene cách nay khoảng 300.000 năm”
Xuống dưới mấy dòng, là:
“Các nhà khảo cổ học Pháp khai quật ở nhiều địa điểm Quảng Bình, Quảng Trị, nhất là ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cho thấy con người nguyên thủy xuất hiện ở đây trước cả 10.000 năm.”
Và kết thúc phần này:
“Con người xuất hiện ở nước ta vào loại sớm nhất, vào khoảng trên 10.000 năm.”
Đọc đoạn văn trên, người đọc bình thường sẽ bị rối trí vì không thể nào hiểu nổi: con người xuất hiện trên đất nước ta chính xác vào thời điểm nào? 30.000 năm, 300.000 năm hay 10.000 năm? Và phải chăng chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh 10.000 năm trước vẫn là người nguyên thủy?
Quả là không thể ngờ được rằng, trong bài viết của vị giáo sư đáng kính lại có sự luộm thuộm đến như vậy. Sự luộm thuộm này là do nắm sử liệu không vững hay do lối hành văn của người không tự chủ được ngòi bút?
Thực ra, nội dung mà đoạn văn trên muốn đề cập là thế này:
  • Tại di chỉ Núi Đọ, các nhà khảo cổ phát hiện chiếc răng hóa thạch tuổi 300.000 năm. Đây là dấu tích của người vượn đã tuyệt chủng.
  • Tại di chỉ Sơn Vì, tìm thấy sọ người hiện đại Homo sapiens 32.000 năm tuổi. Đây là vết tích sớm nhất của người hiện đại được tìm thấy ở nước ta. Nhưng đó là tri thức của thế kỷ XX. Một khi đã đề cập công trình của Giáo sư Y. Chu thì phải viết đầy đủ thế này: “Nhưng theo G.s Chu cùng đồng nghiệp, thì người hiện đại đến nước ta khoảng 60 -70.000 năm trước. Như vậy có thể nói rằng, người hiện đại có mặt trên đất nước ta khoảng 60 – 70.000 năm trước.”
  • Người có mặt ở Quảng Bình, Quảng Ngãi 10.000 năm trước không phải người nguyên thủy mà là hậu duệ của người Hòa Bình, là chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh.
Những vấn đề về thời tiền sử của người Việt do nhiều tư liệu và giả thuyết khác nhau nên rất nhạy cảm. Chúng tôi có cảm tưởng, khi rời khỏi sở trường là cổ sử Trung Hoa, Giáo sư trở nên lúng túng.
2/ Về “giả thuyết Sở-Việt”
Từ tư liệu trong cổ sử Trung Hoa và ý kiến của một số học giả người Pháp, Giáo sư Cao Thế Dung nghiêng về hướng tán thành thuyết của Aurousseau cho rằng:

"người An Nam ngày nay là dòng dõi trực tiếp của người nước Việt bị diệt năm 333”.
Giả thuyết Sở-Việt vấp phải những mâu thuẫn sau:
a/ Hoàn toàn phủ định truyền thuyết Hùng Vương dựng nước. Một lý thuyết đưa ra mà trái ngược tới mức phủ định truyền thuyết gốc của dân tộc là điều phải hết sức đắn đo, thận trọng.
b/ Nếu thế kỷ III TCN, người Sở - Việt mới tràn xuống đất Việt để sản sinh ra người Việt Nam hiện đại thì những người có mặt ở nước ta từ Sơn Vi, Hòa Bình, Phùng Nguyên, Sa Huỳnh đi đâu? Vì sao lại không có vai trò gì trong nhân chủng Việt Nam hiện đại?
c/ Trái với chứng cứ nhân chủng học.
Thời đại Đá Mới, dân cư trên lãnh thổ Việt Nam thuộc hai đại chủng Australoid và Mongoloid cùng với các loại hình hỗn chủng giữa chúng cộng cư với nhau, trong đó Indonesien và Melanesien là hai thành phần chủ yếu. Sang thời đại Đồng - Sắt, người Mongoloid đã là thành phần chủ thể trong khối cư dân ở Việt Nam, người Australoid mất dần đi trên đất nước này, hoặc do thiên cư, hoặc do đồng hoá.” (1)
Kết luận trên một lần nữa được tiến sĩ M. Oxenham của Đại học Quốc gia Úc khẳng định: Người Việt từ trước thời đá mới đã có biểu hiện của giống người Úc châu [Nam đảo] hay Đa đảo Melanesian, nhưng người Việt từ đầu thời Đồng thau đã có biểu hiện đặc trưng của giống người Ðông Nam Á. Sự hiện diện của cả hai nhóm sắc tộc này sát cánh nhau trong khu mộ táng cho thấy đã có sự hỗn hoà giữa hai chủng ở mức độ đáng kể, có thể là đánh dấu những nguồn gốc sớm nhất về dân cư Việt hiện thời, vốn đã tương đối ổn định khoảng năm 2000 TCN.” (2)
Như vậy, người Việt hiện đại ra đời từ hơn 2000 năm trước khi người Sở - Việt di cư xuống, nên không thể: “nói quyết rằng người An Nam ngày nay là dòng dõi trực tiếp của người nước Việt bị diệt năm 333”(!)
d/ Khoảng 300 năm TCN, người Việt hiện đại mới khai sinh thì giải thích làm sao việc họ là chủ nhân của khối lượng lớn trống đồng loại tinh xảo tập trung trên địa bàn miền Bắc Việt Nam? Để có một văn minh đồng thau như vậy, phải có một trung tâm kinh tế, quyền lực, văn hóa đủ mạnh. Có nghĩa là ở Bắc Việt Nam lúc đó đã có một nhà nước mạnh và văn minh hơn Sở-Việt.
Không hóa giải được bốn mâu thuẫn trên, chứng tỏ thuyết Sở - Việt đã phá sản.
3/ Giả thuyết: “Người Lạc Việt từ lưu vực Hoàng Hà trở về dựng nước Văn lang”
Dựa trên những phát kiến khoa học mới, nhất là công trình của tập thể các nhà di truyền Trung Quốc và Mỹ cộng tác trong Dự án Đa dạng di truyền người Trung Hoa (Chinese Human Genome Diversity Project), chúng tôi xin đưa ra giả thuyết“Người Lạc Việt từ lưu vực Hoàng Hà trở về dựng nước Văn lang” như sau:
Khoảng 40.000 năm trước, người Việt từ Đông Nam Á đi lên khai phá đất Trung Hoa. Cho đến thiên niên kỷ thứ IV CTN, họ đã làm chủ vùng đất mênh mông từ Đông Nam Á tới phía nam sông Hoàng Hà, có nhân số khoảng 2/3 nhân loại và phát triển nền nông nghiệp tiên tiến.
Cũng khoảng thời gian này, một số nhóm người Mongoloid từ Đông Nam Á đi lên, định cư ở phía tây bắc Trung Hoa và chuyển dần từ săn bắt hái lượm sang du mục, là tổ tiên của chủng Mongoloid phương Bắc.
Khoảng giữa thiên niên kỷ thứ III TCN, xuất hiện liên minh các bộ lạc Bách Việt phía bắc sông Dương Tử do Đế Lai chỉ huy với các bộ lạc phía Nam Dương Tử do Lạc Long Quân lãnh đạo. Thời gian này có việc người du mục xâm phạm lãnh thổ của người Việt, cướp của, hiếp dâm, bắt người làm nô lệ, mức độ ngày một tăng. Hai cộng đồng Bách Việt liên kết nhau chống lại. Khoảng năm 2600 TCN, người Mông Cổ do họ Hiên Viên dẫn đầu mở chiến dịch lớn tổng tấn công ở Trác Lộc. Liên quân Việt thua trận, Đế Lai hy sinh. Lạc Long Quân dẫn đoàn quân dân Việt lên thuyền theo dòng Hoàng Hà ra biển xuống phía nam, đổ bộ vào vùng Nghệ Tĩnh. (3)
Ở phía nam Hoàng Hà, đa số người Việt ở lại sống chung với quân xâm lăng và nhanh chóng hòa huyết với người Mông Cổ, sinh ra chủng Mongoloid phương Nam.
Trong đoàn thuyền nhân trở về Việt Nam, có một số người lai Mông Cổ được sinh ra từ những cuộc xâm lấn trước đó và cả những phụ nữ bị quân Mông Cổ hãm hiếp mang thai, khi trở về, họ sinh những con lai thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Do sự chiếm đóng mở rộng, cuộc di tản khỏi lưu vực Hoàng Hà còn tiếp tục và bổ sung thêm người Mongoloid phương Nam cho dân cư Việt Nam. Những người mang gene Mongoloid phương Nam này lai với người bản địa thuộc loại hình Australoid làm chuyển hóa dân cư Việt Nam sang loại hình Đông Nam Á, là tổ tiên của người Việt Nam ngày nay.
Đoàn thuyền nhân từ Hoàng Hà trở về, do cùng chủng tộc và ngôn ngữ nên dễ dàng hòa nhập với dân bản địa. Người mới về, do hoạt động trên vùng đất rộng, phải thường xuyên đối mặt với kẻ xâm lấn phương Bắc nên biết cách tổ chức nhà nước và kỹ thuật quân sự vì vậy được cộng đồng bản địa tôn làm thủ lĩnh và khi lập nước Văn Lang thì gọi lả vua. Nhờ ưu thế lai của chủng Mongoloid phương Nam, nhờ được tổ chức thành nhà nước, người Văn Lang trở nên hùng mạnh, sáng tạo văn hóa đồng thau, đặc biệt là chế tác trống đồng.
Do thuyền nhân trở về không đông nên số người mang gene Mongoloid phương Nam có mặt lúc đầu ở Văn Lang không nhiều, vì vậy quá trình chuyển hóa dân cư Việt khá chậm chạp, phải trong thời gian hơn nửa thiên niên kỷ, cho tới 2000 năm TCN mới ổn định.
Giải thích và chứng minh
Giả thuyết do chúng tôi đề xuất có những ưu điểm sau:
a/ Phù hợp với truyền thuyết Hùng Vương dựng nước và cũng chứng minh Ngọc phả đền Hùng nói đúng sự thực là có đoàn thuyền nhân đổ bộ vào Nghệ Tĩnh
b/Từ phân tích sọ cổ, nhân chủng học phát hiện việc chuyển hóa di truyền của dân cư Việt Nam thời Đồng-sắt. Nhưng do không tìm được sọ Mongoloid thuần chủng, chứng tỏ ít nhất là vào thời kỳ nàykhông có người Mongoloid thuần chủng trên đất Việt Nam. Như vậy chỉ còn khả năng duy nhất là người Mongoloid phương Nam xuất hiện và làm biến đổi gene của dân cư Việt.
Giả thuyết của chúng tôi giải thích thỏa đáng điều này: cách nhau vạn dặm núi rừng và một biển người Bách Việt dòng Australoid, gần như đồng thời, bên sông Hoàng Hà và bên sông Hồng, chủng người Mongoloid phương Nam xuất hiện. Nguyên nhân tại đâu? Chỉ còn khả năng duy nhất là có những người lai Mông Cổ trong đoàn thuyền nhân từ sông Hoàng Hà đi về Việt Nam.
c/ Giả thuyết của chúng tôi cho phép chứng minh ngược lại thuyết của Aurousseau: từ sau 2500 năm TCN, người từ Bắc Việt Nam di cư bằng đường bộ và bằng thuyền, truyền bá đồ đồng và gene Mogoloid phương Nam ra khắp địa bàn nước Văn Lang rộng lớn, làm chuyển hóa di truyền của người nam Dương Tử. Việc người Việt của Câu Tiễn trở về Việt Nam vào năm 333 TCN là lá rụng về cội, là cháu con trở lại đất xưa của tổ tiên.
Mấy điều mạo muôi xin thưa lại, rất mong Giáo sư và bạn đọc chỉ giáo.
Tân Phú Sài Gòn 5.2007
1. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp H. 1983 - trang 106
2. Lê Anh Vũ- Tin BBC hay tin Oxenham-talawas 3.3.05
3. Hà Văn Thùy. Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hóa. Trên máy chủ Google.


Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Khai mở 50 đạo sắc vua ban


Thứ sáu, 25/3/2011, 11:31 GMT+7

Hai ngày 23-24/3, tại Thừa Thiên - Huế đã diễn ra lễ khai mở 50 đạo sắc các vua ban cho người có công khai căn hai làng Thanh Thủy Thượng và Dạ Lê (thị xã Hương Thủy), đồng thời số hóa các đạo sắc này để phục vụ việc nghiên cứu và lưu giữ.

Cán bộ của Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên - Huế cùng các già làng xác minh lại các đạo sắc vua ban cho làng. Ảnh: Văn Nguyễn.
Các đạo sắc hiện vẫn giữ được nguyên bản với chiều dài từ 50 cm đến 1,3 m. Trong đó có 21 đạo sắc từ thời vua Minh Mạng đến vua Khải Định ban cho người có công khai căn làng Thanh Thủy Thượng (nay là phường Thủy Dương) và 29 đạo sắc từ thời vua Minh Mạng đến vua Bảo Đại ban cho dân làng Dạ Lê (phường Thủy Phương).
Đây là một trong nhiều hoạt động mở đầu cho đề tài nghiên cứu sưu tầm, số hóa tài liệu Hán - Nôm năm 2011 do Thư viện tổng hợp Thừa Thiên Huế, Nhà bảo tồn Huế phối hợp Thư viện Khoa học tổng hợp TP HCM thực hiện.
Tiến hành số hóa đạo sắc. Ảnh: Văn Nguyễn.
Theo ông Lê Trọng Bình, Giám đốc Thư viện tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, sắp tới cơ quan này sẽ số hoá những tài liệu, sắc phong, văn tế tại 12 dòng họ làng Thanh Thuỷ Thượng và các làng khác để hoàn tất việc thu thập văn bản quý của các triều đại vua tại Huế.
Trước đó, Thư viện tổng hợp Thừa Thiên Huế phối hợp với Thư viện khoa học tổng hợp TP HCM cũng tổ chức tọa đàm về di sản Hán - Nôm với sự tham gia của các nhà nghiên cứu đến từ TP HCM, Huế, đồng thời khai trương triển lãm tài liệu Hán - Nôm với hàng trăm thể loại văn bản Hán - Nôm từ thời Lê, Tây Sơn đến thời Nguyễn.
Văn Nguyễn

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Phát hiện câu đối lạ hình lá chuối



- Ngày 22/3, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Hà Tĩnh
bất ngờ phát hiện một cặp câu đối cổ thời Nguyễn
hình lá chuối rất đặc biệt.

Sáng 23/3, trao đổi với VietNamNet, ông Lê Bá Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, câu đối trên được phát hiện tại nhà thờ dòng họ Lê thuộc xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).


Câu đối có chiều dài 1,3m, rộng 0,3m, nhìn từ xa trông giống như tàu là chuối xanh nhưng thực tế chất liệu được làm bằng gỗ quý. Trên bề mặt có khắc nổi 7 chữ Hán, xung quanh được trang trí các họa tiết hoa lá. Đặc biệt phía dưới câu đối còn có hình thằn lằn phỏng theo mô típ dân gian.


Câu đối được khắc nổi trên nền hình tàu lá chuối xanh
(Ảnh: Thanh niên)


Theo ông Hạnh, câu đối trên rất lạ ở chỗ những câu đối cùng thời thường chỉ được viết trên các khối gỗ hình chữ nhật nhưng đôi câu đối này lại được khắc trên hình lá chuối.



Hiện Bảo tàng Hà Tĩnh đang tiến hành phân tích ý nghĩa của 2 câu đối này. Theo đánh giá ban đầu, nhiều khả năng nội dung của câu đối có liên quan đến danh thần Lê Trọng Nhạ - một quan văn dưới triều Nguyễn, từng đậu Tiến sĩ khoa thi Bính Ngọ năm 1846 và được nhà Nguyễn phong tước Hầu và ban sắc thần.



Để ghi nhớ công ơn của ông, người dân làng Vịnh xưa (nay là xã Cẩm Vịnh) đã lập đền thờ, lưu danh với quê hương đất nước.



Minh Anh

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

Viếng cụ Nguyễn Công Trứ




Nhóm thân hữu chúng tôi đến đền viếng cụ,
rất tiếc vì đã trễ giờ nên không vào được trong đền,
đành đứng ở ngoài thầm thỉ với cụ mà thôi!


*
***

Thứ Sáu, 19/12/2008, 21:18 (GMT+7)

Hội thảo khoa học về Danh nhân Nguyễn Công Trứ

Nguyễn Công Trứ - Không chỉ đa tài, đa tình, đa đoan...

TTO - 130 năm là một quãng thời gian có thể quên đi một con người bình thường, nhưng không thể quên được một con người “kinh luân khởi tâm thượng, binh giáp tàng hung trung” nhưNguyễn Công Trứ.

Xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của con người đa tài, đa tình và cũng đa đoan này lại có nhiều ý kiến khác nhau tại Hội thảo khoa học danh nhân Nguyễn Công Trứ vào ngày 19-12 tại Hà Tĩnh.

Di ảnh của Nguyễn Công Trứ
Bàn thờ Nguyễn Công Trứ tại huyện Nghi Xuân

Ngay từ thuở còn hàn vi, Nguyễn Công Trứ đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Vậy mà cuộc đời ông là những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế, tới chức thượng thư, tổng đốc; nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, nhiều lần giáng liền ba bốn cấp…

Ngay từ đầu buổi hội thảo, PGS TS Trần Ngọc Vượng đã định hướng buổi hội thảo không nên nhìn nhận về Nguyễn Công Trứ là một đại thần với bao vinh quang, danh vọng như Thượng thư, Phủ doãn, Tổng đốc, Dinh điền sứ, Đại tướng… mà quên mất rằng đằng sau ông có hơn nửa đời sống trong cảnh nghèo nàn của một bạch diện thư sinh.

Nguyễn Công Trứ là một người đa tài, một đời dấn thân, bị kìm nén, lên xuống mà đã làm được thế, buộc hậu thế chúng ta đây phải nhìn lại cuộc đời thực, mà ta tưởng như tầm thường đó lại phản ảnh của một thế sự - GS Phong Lê đã thổi lửa vào buổi hổi thảo. Và rất nhiều nhà khoa học đã chỉ ra Nguyễn Công Trứ là một người ngay thẳng, rõ ràng, công bằng, không chấp nhận những cách ứng xử nước đôi thiếu minh bạch, thể hiện một tính cách “thuần Nghệ” trong những vần thơ, hay những câu hát nói.

Sau 150 năm Nguyễn Công Trứ vào cõi trường sinh, đây là lần đầu tiên hậu thế tiến hành một loạt hoạt động tôn vinh cuộc đời sự nghiệp của ông.

Nguyễn Công Trứ hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn, là con nhà nho "nòi". Phụ thân là Nguyễn Công Tấn, đậu Cử nhân thời Lê Mạt, làm Tri huyện Quỳnh Côi rồi Tri phủ Tiên Hưng, đều thuộc tỉnh Thái Bình. Từ nhỏ nổi tiếng học giỏi, hay thơ văn, tính cách phóng khoáng.

Lớn lên trong những năm cuối của nhà Tây Sơn, tiếp đến đầu nhà Nguyễn, khi trưởng thành lại gặp thế sự nhiễu nhương, bao lần lều chõng trường thi, bấy lần bị loại chỉ vì Nguyễn Công Trứ lộ liễu chính khí "đội trời đạp đất" trong bài thi.

Và ta bắt gặp một “Nguyễn Công Trứ rất yêu thương, tôn trọng phụ nữ, hiểu thấu tâm lý phụ nữ chứ không hề coi thường, khinh rẻ họ” - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tâm đã nhấn mạnh. Theo ông Tâm, muốn tìm kiếm trong thơ Nguyễn Công Trứ cái gọi là “tư tưởng coi thường phụ nữ” không khác mò kim đáy biển.

Nguyễn Công Trứ “coi thường quần chúng”, không thấu cận dân tình? TS Nguyễn Duy Mến khẳng định đây là một cái nhìn sai lầm. Trước đây, nhiều người khi đánh giá về công lao, sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ đã cho rằng việc ông đàn áp khởi nghĩa nông dân là “phản bội lại quyền lợi của nông dân”, trung thành một cách mù quáng với nhà nước chuyên chế phản động.

Ông Mến đã chỉ ra, trong con mắt của một số học giả, Nguyễn Công Trứ là một người quan liêu, cực đoan, ngông nghênh, suốt đời theo đuổi một “chí nam nhi” mang màu sắc cá nhân chủ nghĩa, không thấu cận dân tình cho nên từ một người có lòng thương dân vô hình trung đôi lúc trở thành một kẻ phản bội lại quyền lợi chính đáng của họ. Đó là ánh mắt tàn dư của “phong kiến” nhìn về ông.

GS Phong Lê cho rằng những người đánh giá như vậy mới là “quan liêu”, bởi chưa hiểu được một cách sâu sắc cuộc sống, tâm tư của Nguyễn Công Trứ, cũng như xuất phát từ quan niệm phủ nhận hoàn toàn những đóng góp của nhà Nguyễn đối với dân tộc, lịch sử, cho rằng triều Nguyễn có bản chất “chuyên chế, phản động” nên những đại thần trung thành và có công lao với triều đại ấy là sai lầm, mù quáng.

Buổi hội thảo đã có những đánh giá thỏa đáng, công bằng hơn về bản chất, vai trò của triều Nguyễn, ghi nhận những đóng góp nhất định của triều đại này đối với lịch sử. Và khẳng định: cần ghi nhận Nguyễn Công Trứ như một bậc vi nhân gia như thời cuộc còn cho phép.

Như vậy, dù trong bất cứ lĩnh vực nào, Nguyễn Công Trứ vẫn là một “ông ngất ngưởng” ngạo nghễ trên đỉnh cao của tài năng, bản lĩnh và nhân cách, như cây tùng non Hống vi vu với gió ngàn… Giới khoa học đã so sánh Nguyễn Công Trứ với Nguyễn Du, thì Nguyễn Công Trứ còn gần dân hơn, giữa ông và người dân đen hầu như không có khoảng cách, được người dân gọi thân mật là cố Lớn chứ không gọi theo quan tước mặc dù chức quan của ông có lúc đã đến cực phẩm.

Chí nam nhi của ông xuất phát từ sự trải nghiệm sâu sắc đời sống lam lũ, khổ nghèo của người nông dân, chứ không đơn thuần là một phút cao hứng trong thư phòng lộng lẫy của vương công quý tộc như một số người lầm tưởng.

Nguyễn Công Trứ chưa bao giờ đối lập, tách rời giữa lý tưởng “trí quân” và “trạch dân”. Với ông hai mục tiêu ấy tuy hai mà một, cái này là điều kiện của cái kia, hỗ trợ cho cái kia. Là người học rộng, Nguyễn Công Trứ có một cái nhìn quán thông kim cổ để nhận xét thời thế, hiểu rõ quốc sự, dân tình.

VĂN ĐỊNH

Nguồn: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoc/293518/Nguyen-Cong-Tru--%C2%A0Khong-chi-da-tai-da-tinh-da-doan.html

***

*

Thoát vòng danh lợi

Chen chúc lợi danh đà chán ngắt
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao
Đám phồn hoa trót bước chân vào
Sực nghĩ lại giật mình bao xiết kể.
5Quá giả vãng nhi bất thuyết[1],
Cái hình hài làm thiệt cái thân chi.
Cuộc đời thử gẫm mà suy,
Bạn tùng cúc xưa kia là cố cựu.
Hẹn với lợi danh ba chén rượu,
10Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ,
Chuyện cổ kim so sánh tựa bàn cờ,
Riêng vui thú giang sơn phong nguyệt.
Mặc xa mã thị thành không dám biết,
Thú yên hà trời đất để riêng ta.
15Nào ai, ai biết chăng là?

Lấy ý ở sách Luận Ngữ: việc đã qua rồi không nên nhắc nữa

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Một người Mỹ mê thơ Việt: Gs John Balaban


07/03/2011 - 12:09 AM
Một người Mỹ mê thơ Việt
Năm 2000, vị tổng thống Mỹ đầu tiên tới Việt Nam Bill Clinton đã mang theo trong hành trang của mình bài diễn văn, trong đó có những vần thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương do John Balaban dịch ra tiếng Anh, như là sứ giả của hai nền văn hóa.

Trong lúc dịch thơ Hồ Xuân Hương, John Balaban viết ra những dòng thơ lục bát bằng tiếng Việt:
Ở bên trời Mỹ vẫn mơ
Nguồn sông còn chảy tình lờ lai rai
Trăm năm tiếng khéo ngân dài
Trên sông cổ nguyệt nhớ hoài Xuân Hương.
Nhiều nhà thơ trong nước kinh ngạc làm sao một người nước ngoài lại viết được những dòng lục bát tinh tế đến vậy?
Sưu tầm dân ca Việt Nam
John Balaban, Giáo sư văn chương Trường ĐH North Carolina, là người sáng lập Quỹ Bảo tồn di sản chữ Nôm (Vietnamese Nôm Preservation Foundation, Mỹ), một kiểu ký tự của riêng Việt Nam mà ngay cả người trong nước cũng ít quan tâm. John Balaban cũng là tác giả của 11 tập thơ và văn xuôi, trong đó có bốn tập đã đoạt các giải Lamont của Viện Hàn lâm Thi sĩ Hoa Kỳ, giải Tuyển lựa Quốc gia về thơ... Ngoài làm thơ, viết ký và truyện, John còn là dịch giả, là cựu Chủ tịch Hiệp hội Các dịch giả văn chương Hoa Kỳ.
Con đường ông đến với thơ Việt Nam thật kỳ lạ. Ông kể trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, ông thuộc phong trào những người phản chiến và từ chối nhập ngũ. Đang là nghiên cứu sinh ĐH Harvard, John nghỉ ngang để tham gia một tổ chức thiện nguyện quốc tế có tên International Voluntary Services, sang Việt Nam chăm sóc trẻ em bị thương tật. Bàn chân làm công tác xã hội đã đưa ông đi qua nhiều làng quê Việt Nam. Trên mảnh đất bị đạn bom cày xới suốt ngày đêm ấy, tâm hồn ông như được yên ổn khi nghe những làn điệu dân ca cất lên bởi những người nông dân: “Tôi như bị hớp hồn bởi các bài dân ca đó”.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhận bản dịch tiếng Anh cuốn Thơ Hồ Xuân Hương do nhà văn John Balaban (Mỹ) trao tặng tại Hội thảo quốc tế Việt Namtháng 12-2008. Ảnh: TL
Năm 1969, John về Mỹ và nghĩ sẽ hiếm có dịp trở lại Việt Nam. Nhưng xa Việt Nam rồi John mới thấy các làn điệu dân ca Việt gần gũi với ông hơn bao giờ hết. Thế là năm 1971, ông quyết định quay lại Việt Nam để… sưu tầm dân ca. Đó là một quyết định mà sau này trở thành định mệnh của đời ông, gắn kết phần lớn cuộc đời và sự nghiệp của ông với một đất nước xa xôi ở phương Đông. Ông phải mất chín tháng để lặn lội vào các vùng quê Nam Bộ với chiếc máy ghi âm kè kè trên vai. Công việc cực kỳ nguy hiểm đối với một người Mỹ vì thời điểm đó chiến tranh đang ở giai đoạn khốc liệt. Ông tìm gặp những cụ già biết hát dân ca để ghi lại những bài vè, thơ rơi, hát ru, điệu lý… Tổng cộng hơn 500 giờ ghi âm đã được ông thu thập.
Dịch ra tiếng Anh những gì thu thập được quả là điều không dễ. 32 năm sau, năm 2003, cuốn Ca dao Việt Nam: Tuyển tập song ngữ Thơ dân gian Việt Nam (Ca Dao Vietnam: Vietnamese Folk Poetry) mới ra mắt bạn đọc (NXB Copper Canyon Press, Mỹ). Trong những lần nói chuyện với độc giả, John giải thích đối với ông thời gian là vốn quý nhưng có một thứ quý hơn là văn chương. Mỗi tác phẩm tới khi chào đời phải đạt tới độ hoàn hảo có thể có. Và thái độ làm việc của ông nghiêm túc đến nỗi khi dịch xong cuốn sách, ông đã thông thạo thêm một ngôn ngữ mới là tiếng Việt.
“Phải lòng” Bà chúa thơ Nôm
Ông thú nhận đã “phải lòng” thơ Hồ Xuân Hương từ ngay lần đầu đọc một số bài thơ của bà. Ông nhận xét nữ sĩ này là con người tài hoa, cách sử dụng ngôn từ của bà như nghệ sĩ làm xiếc làm ông bái phục. Còn thái độ, quan điểm sống của Hồ Xuân Hương trong thơ đã thật sự làm ông thích thú và cảm động, nhất là khi nói về thân phận người phụ nữ với kiếp làm vợ lẽ. “Tầm nhìn của bà vượt ra khỏi thời đại bà đang sống” - John nói. Toàn bộ những bài thơ của Hồ Xuân Hương mà ông đã đọc ám ảnh ông không thôi.
Nhà thơ John Balaban. Ảnh: Tác giả chụp lại theo video clip do nhân vật cung cấp
Bốn mươi năm trước, khi tiếp cận với những dòng đầu tiên thơ Hồ Xuân Hương, John cảm nhận đã bắt trúng mạch ngầm thơ Việt Nam. Nhưng cái mà John muốn đó là đi tìm hoàn cảnh ra đời của các bài thơ, từ đó mới có thể đồng cảm với nữ sĩ tài hoa này. Nói cách khác, ông muốn nếm trải những cảm xúc vui buồn như Hồ Xuân Hương đã nếm trải trên 200 năm trước ông. “Tôi đã bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu lịch sử phong kiến và tìm đến bản gốc chữ Nôm thơ Hồ Xuân Hương. Khi bắt tay vào dịch thơ Hồ Xuân Hương tôi mới biết đây là một công việc vô cùng khó khăn” - ông thú nhận. Bởi ngôn ngữ thơ của Hồ Xuân Hương không phải là cái xác chữ bất động mà là cái hồn chữ luôn biến hóa. Tổng cộng ông phải mất mười năm để hoàn thành bản dịch gồm 48 bài thơ chọn lọc của Bà chúa thơ Nôm. Tập thơ được gửi tới NXB bằng ba thứ tiếng: Nôm, Việt và Anh. NXB lắc đầu vì không dại gì đầu tư vào một tác giả không ai biết đến, mà kỹ thuật in lại quá phức tạp. John lại vận dụng hết tài ăn nói của mình để thuyết phục NXB. Và ông đã đúng. Tập thơ Hương Mùa Xuân: Thơ Hồ Xuân Hương (Spring Essence - NXB Copper Canyon Press, 2000) đến nay đã được bán trên 20.000 bản. John còn tổ chức những buổi giới thiệu thơ, ngâm thơ Hồ Xuân Hương với tiếng đàn tranh ở các trường ĐH, ở Ban châu Á của Thư viện Quốc hội Mỹ. Thơ Hồ Xuân Hương đã trở thành một hiện tượng trong đời sống văn học Mỹ, báo New York Times bình luận như thế. “Công chúng Mỹ đọc thơ Hồ Xuân Hương không chỉ thấy cái hay của một tác phẩm mà còn thấy được chiều sâu của văn hóa Việt Nam” - John nhận xét.
Bìa cuốn Ca dao Việt Nam được dịch ra tiếng Anh. Ảnh: www.johnbalaban.com

Cuộc rong chơi của John với thơ Việt Nam hiện vẫn chưa dứt. Ông đang bắt tay dịch Truyện Kiều. “Truyện Kiều được Nguyễn Du viết năm 1790. Tôi đã sưu tầm được sáu dị bản Truyện Kiều in từ năm 1886 đến 1902” - John cho biết. Với một giọng thơ tài hoa thiên phú và đặc biệt có nhiều điển tích trải dài theo câu chuyện, quả thật đây là một thử thách không nhỏ đối với người dịch. “Có lẽ tôi phải dành ra năm năm để dịch tác phẩm này”. John cẩn trọng như vậy vì hiểu rằng công việc ông đang làm không chỉ là giới thiệu một tập thơ, một tác giả thơ mà còn giới thiệu giá trị văn hóa Việt ra thế giới.


“Chữ Nôm là bạn đời của tôi”
Cùng với những người bạn Việt, ông lập ra Quỹ Bảo tồn di sản chữ Nôm, đặt ra giải thưởng Balaban trao hằng năm cho những tác giả có các hoạt động liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa Nôm. Trải qua mười thế kỷ, từ thế kỷ thứ mười đến đầu thế kỷ 20, nhiều tác phẩm Nôm hiện chưa được dịch ra Quốc ngữ. Nhiều điều bí ẩn của kho tàng văn hóa Việt chưa được biết đến và đang có nguy cơ mai một. Trong khi số người biết chữ Nôm hiện chỉ còn khoảng 80 người. “Số hóa chữ Nôm và đưa lên Internet. Qua đó, chữ Nôm có cơ hội hồi sinh với các thế hệ trẻ Việt Nam gắn bó với computer” - ông bày tỏ hy vọng và coi đó là việc cấp bách. Hiện ông đang thực hiện dự án số hóa chữ Nôm với nhiều việc phải làm: số hóa bộ từ điển Nôm-Quốc ngữ (vừa hoàn thành); số hóa khoảng 4.000 tài liệu Hán Nôm trong kho sách Thư viện Quốc gia Việt Nam.“Chữ Nôm sẽ còn là một người bạn đời của tôi, bên cạnh vợ” - John nói.
TỪ NGUYÊN THẠCH