Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 2: Giải trừ nhận thức tự nhiên của dạ nhớ (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 2
GIẢI TRỪ NHẬN THỨC TỰ NHIÊN CỦA DẠ NHỚ * (tiếp theo)

5 - Cũng cần lưu ý rằng thỉnh thoảng Thiên Chúa có thể tạo nên những vuốt ve âu yếm trong sự nên một nơi dạ nhớ: Ngài đột nhiên ban cho một sự rúng động nơi bộ não 一 là chỗ ký ức hay dạ nhớ trú ngụ — sự rúng động này mãnh liệt tới độ dường như toàn thể đầu óc và trí phán đoán lẫn giác quan đều tan biến. Sự kiện ấy có thể nhận ra nhiều hay ít tùy theo cường độ sự vuốt ve âu yếm của Thiên Chúa. Lúc bấy giờ — do sự nên một này — dạ nhớ hóa thành trống rỗng và được thanh tẩy khỏi mọi nhận thức và rơi vào chỗ quên hẳn chính mình đến nỗi phải cố gắng và vất vả lắm mới nhớ được một điều gì đó.

6 - Sự quên lãng ấy của dạ nhớ và sự đình chỉ ấy của trí tưởng tượng do việc dạ nhớ được nên một với Thiên Chúa gây ra. Đôi khi sự quên lãng và đình chỉ ấy đạt tới chỗ suốt một khoảng thời gian dài trôi qua mà ta chẳng hề cảm thấy hoặc nhận biết những gì đang xảy ra trong thời gian ấy. Lúc đó trí tưởng tượng bị đình chỉ nên dù có ai làm điều gì gây đau đớn cho thân xác, nó vẫn chẳng cảm thấy, bởi không có tưởng tượng thì chẳng có cảm xúc.

Để được Thiên Chúa ban cho những sự vuốt ve âu yếm của sự nên một như thế, linh hồn cần tách rời dạ nhớ khỏi mọi nhận thức dễ hiểu. Cũng nên biết rằng những đình chỉ như thế chỉ xảy ra ở bước đầu của sự nên một, không còn gặp thấy nơi những người trọn lành vì lúc ấy sự nên một đã hoàn hảo.

7 - Hẳn bạn sẽ bảo nói thì có vẻ hay nhưng kết quả sẽ là phá hủy mất cách sử dụng tự nhiên cũng như sự vận hành của các quan năng, biến con người thành con vật, và còn tệ hơn nữa, vì chẳng còn biết suy luận hay nhớ gì đến những nhu cầu và hoạt động tự nhiên; đang khi Thiên Chúa chỉ hoàn thiện cái tự nhiên chứ đâu có phá hủy nó! Làm như trên chẳng khác gì hủy hoại cái tự nhiên, khiến người ta quên hết những giá trị thuộc luân lý và lý trí, không chu toàn nữa. Làm như trên sẽ khiến người ta quên mất những chức năng tự nhiên và không còn thực hiện nữa; người ta bị tước đoạt mất những nhận thức và các hình sắc vốn là những phương thế giúp họ nhớ lại mọi chuyện!

8 - Tôi xin trả lời rằng quả đúng vậy. Dạ nhớ tiến đến chỗ nên một với Thiên Chúa thì càng tinh giản những nhận thức cụ thể cho tới khi hoàn toàn đánh mất chúng; đó là lúc linh hồn nên hoàn thiện và đạt tới tình trạng nên một. Thoạt đầu, khi điều này diễn ra, người ta không thể tránh được chuyện quên khuấy đi mọi sự vật, bởi vì các hình sắc và nhận thức đang bị xóa dần khỏi dạ nhớ. Có thể họ sẽ phạm nhiều lỗi lầm trong việc xử sự và giao tiếp bên ngoài, chẳng hạn quên ăn, quên uống, không nhớ những gì mình đã làm, đã thấy hay không thấy, không nhớ những gì thiên hạ có nói hay không nói... Sở dĩ thế là vì dạ nhớ đã bị thu hút vào Thiên Chúa.

Tuy nhiên, một khi đã đạt được nếp quen nên một với Chúa — là một ơn lành tối cao — người ta sẽ không còn chuyện lãng quên kiểu đó đối với những gì thuộc lý trí và luân lý tự nhiên. Trái lại, trong những công việc thích hợp và cần thiết, họ còn đạt được sự hoàn hảo hơn nhiều. Họ không còn thực hiện những chuyện đó thông qua các hình sắc và nhận thức của dạ nhớ. Bởi vì một khi có được nếp quen nên một, mà nay đã là một tình trạng siêu nhiên, dạ nhớ cũng như các quan năng khác đều suy yếu trong các hoạt động tự nhiên của chúng và bước từ những giới hạn tự nhiên của chúng sang cảnh vực siêu nhiên của Thiên Chúa. Và do đó, một khi dạ nhớ đã được biến đổi trong Thiên Chúa, những hình sắc hoặc nhận thức về mọi vật không còn thể nào in vào đó.

Do đó, trong tình trạng này những hoạt động của dạ nhớ và của các quan năng khác đều mang tính cách thần linh, vì giờ đây Thiên Chúa đã chiếm hữu các quan năng ấy như vị Chúa Tể toàn trị và biến đổi chúng trong Ngài. Chính Ngài điều động và truyền khiến chúng cách thần linh bằng Thần khí Ngài và theo ý muốn Ngài. Giờ đây hoạt động của các quan năng ấy không còn mang tính cụ thể riêng lẻ, trái lại, những gì linh hồn thực hiện đều thuộc về Thiên Chúa và đều là những hoạt động mang tính thần linh. Theo lời thánh Phaolô, "ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Ngài" (1Cr 6,17). Do đó, các hoạt động của linh hồn đã nên một với Thiên Chúa đều thuộc về Thần khí và đều mang tính thần linh.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 2: Giải trừ nhận thức tự nhiên của dạ nhớ

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 2
GIẢI TRỪ NHẬN THỨC TỰ NHIÊN CỦA DẠ NHỚ *

Chương này bàn về những nhận thức tự nhiên của dạ nhớ, và cách giải trừ chúng để linh hồn có thể nên một với Thiên Chúa theo quan năng này.

1 - Bắt đầu mỗi quyển, bạn đọc cần nhớ rõ chủ đích chúng tôi đã nhắm đến khi biên soạn. Nếu không, đọc những điều chúng tôi sắp bàn về dạ nhớ và lòng muốn, các bạn có thể lại gặp những thắc mắc tương tự như đã gặp khi đọc những điều bàn về trí hiểu. Thật vậy, nói đến triệt tiêu các quan năng nơi những hoạt động của chúng thì có vẻ như đang phá hủy chúng. Khi thấy chúng tôi nói như thế hẳn các bạn sẽ nghĩ rằng chúng tôi đang phá hủy con đường linh thao thay vì xây dựng nó. Điều ấy quả là đúng nếu như chúng tôi chỉ muốn nói riêng với những người mới bắt đầu, đang cần được trang bị bằng những nhận thức suy lý dễ hiểu.

2 - Tuy nhiên ở đây chúng tôi lại muốn hướng dẫn nhằm giúp tiến xa hơn, để người sống theo tâm linh có thể nhờ chiêm niệm mà được nên một với Thiên Chúa. Theo hướng này, mọi phương thế và mọi thao luyện khả giác về ba quan năng này đều phải vất bỏ lại đằng sau và đều phải dìm vào thinh lặng, để Thiên Chúa có thể tự thực hiện sự nên một với Ngài nơi linh hồn. Cần phải theo một con đường khác, tức là vất bỏ và triệt tiêu các quan năng ấy, cần tước lột thẩm quyền tự nhiên và những hoạt động của chúng để nhường chỗ cho ơn thiên phú và soi sáng siêu nhiên. Thật vậy, các quan năng ấy không thể nào đạt tới một mục tiêu cao vời như thế, trái lại, còn có thể gây trở ngại nếu ta còn vương vấn chúng.

3 - Linh hồn đạt tới chỗ nhận biết Thiên Chúa qua những gì Ngài không là, nhiều hơn là qua những gì Ngài thực sự là. Do đó, để đạt tới Thiên Chúa, linh hồn cần phải đi qua sự từ bỏ ngần nào có thể, từ bỏ những gì đã tiếp nhận cách tự nhiên cũng như siêu nhiên. Đây chính là điều giờ đây ta cần làm đối với dạ nhớ, chúng ta cần phải lôi dạ nhớ ra khỏi phạm vi và những giới hạn tự nhiên của nó và phải đưa nó vượt lên trên chính nó, tức là vượt lên trên tất cả mọi nhận thức cụ thể, khỏi mọi tính cách dễ hiểu và đặt nó vào niềm hi vọng tối cao hướng tới Thiên Chúa, là Đấng ta không sao hiểu thấu.

4 - Chúng ta hãy đi từ những nhận thức tự nhiên. Những nhận thức tự nhiên nơi dạ nhớ là tất cả những gì dạ nhớ có thể ghi khắc từ các đối tượng của năm giác quan thể chất gồm: nghe, thấy, ngửi, nếm và sờ mó (thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác và xúc giác), và tất cả những gì tương tự mà dạ nhớ có thể tạo lập và làm nên. Dạ nhớ phải lột bỏ và làm cho mình trống rỗng khỏi mọi ghi nhận và hình sắc ấy, đồng thời phải cố gắng loại trừ nhận thức tưởng tượng về chúng. Nó phải làm sao để không còn khắc ghi một nhận thức hay một dấu vết nào của những nhận thức ấy nơi mình. Nói khác đi, dạ nhớ phải trở thành trơ trụi và trống vắng như chưa từng có sự gì đi ngang qua, quên bẵng và dửng dưng với mọi sự.

Dạ nhớ chẳng thể nào nên một với Thiên Chúa, nếu không giải trừ khỏi mọi thứ hình sắc không phải là Thiên Chúa vì Thiên Chúa không hề rơi vào một hình sắc hay một ghi nhận cụ thể nào như chúng tôi đã nói khi bàn về đêm của trí hiểu. Đức Kitô đã dạy: "Không ai có thể làm tôi hai chủ" (Mt 6,24). Do đó, dạ nhớ không thể vừa nên một với Thiên Chúa vừa quấn quít với những hình sắc và nhận thức rõ rệt. Thiên Chúa chẳng mang hình hài hay sắc tướng nào cho dạ nhớ có thể thấu hiểu, do đó một khi dạ nhớ nên một với Thiên Chúa nó sẽ thành không hình không dạng, trí tưởng tượng như biến mất. Nói tóm, lúc ấy dạ nhớ chìm sâu vào một sự thiện tối cao, quên hẳn không còn nhớ bất cứ điều gì. Đó là điều hằng ngày ta vẫn cảm nghiệm. Sự nên một với Thiên Chúa khiến óc tưởng tượng vẽ vời thành trống rỗng, xóa sạch mọi hình sắc và nhận thức, đồng thời nâng nó lên tới cấp độ siêu nhiên.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Mục lục & Chương 1:

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

Quyển này bàn về việc:
Thanh tẩy chủ ý hay đêm chủ ý dành cho dạ nhớ và lòng muốn,
Hướng dẫn linh hồn biết cách xử sự đối với những điều hai quan năng này đã tiếp nhận
Và nương theo đó để đi tới chỗ nên một với Thiên Chúa trong đức cậy và đức mến hoàn hảo.

+ MỤC LỤC

CHƯƠNG 1 Về nội dung quyển này*
CHƯƠNG 2 Giải trừ nhận thức tự nhiên của dạ nhớ*
CHƯƠNG 3 Thiệt hại thứ nhất khi không chịu lột bỏ *
CHƯƠNG 4 Thiệt hại thứ hai*
CHƯƠNG 5 Thiệt hại thứ ba *
CHƯƠNG 6 Những lợi ích khi biết tự buông quên *
CHƯƠNG 7 Những nhận thức siêu nhiên *
CHƯƠNG 8 Thiệt hại do nhận thức siêu nhiên *
CHƯƠNG 9 Tự hào và tự phụ *
CHƯƠNG 10 Thiệt hại do nhận thức tưởng tượng *
CHƯƠNG 11 Bị cản trở hiệp nhất *
CHƯƠNG 12 Nguy cơ đánh giá thấp về Thiên Chúa *
CHƯƠNG 13 Được tự do đến với Chúa *
CHƯƠNG 14 Những nhận thức tâm linh nơi dạ nhớ *
CHƯƠNG 15 Qui tắc tổng quát cho dạ nhớ *
CHƯƠNG 16 Thanh tẩy lòng muốn *
CHƯƠNG 17 Sự vui thỏa *
CHƯƠNG 18 Những điều tốt trần tục *
CHƯƠNG 19 Của cải trần tục
CHƯƠNG 20 Của cải trần tục (2)
CHƯƠNG 21 Nơi những điều tốt tự nhiên
CHƯƠNG 22 Nơi những điều tốt tự nhiên ⑵
CHƯƠNG 23 Nơi những điều tốt tự nhiên (3)
CHƯƠNG 24 Những điều tốt thuộc cảm tính
CHƯƠNG 25 Nơi điều tốt khả giác
CHƯƠNG 26 Lợi ích khi biết khước từ
CHƯƠNG 27 Niềm vui từ các nhân đức (1) *
CHƯƠNG 28 Nơi những điều tốt về luân lý
CHƯƠNG 29 Nghèo khó tâm linh *
CHƯƠNG 30 Về các đoàn sủng (1) *
CHƯƠNG 31 Về các đoàn sủng (2) *
CHƯƠNG 32 Về các đoàn sủng (3) *
CHƯƠNG 33 Những điều tốt tâm linh *
CHƯƠNG 34 Những điều tốt tâm linh cụ thể *
CHƯƠNG 35 Những điều tốt tâm linh cụ thể (2) *
CHƯƠNG 36 Về các ảnh tượng
CHƯƠNG 37 Về các ảnh tượng(2)
CHƯƠNG 38 Các nguyện đường
CHƯƠNG 39 Các nguyện đường và đền thờ
CHƯƠNG 40 Tại những nơi cầu nguyện
CHƯƠNG 41 Tại những nơi tôn sùng
CHƯƠNG 42 Tại những nơi tôn sùng (2)
CHƯƠNG 43 Những nghi thức đủ loại
CHƯƠNG 44 Qua các việc tôn sùng
CHƯƠNG 45 Các nhà giảng thuyết

***

CHƯƠNG 1
VỀ NỘI DUNG QUYỂN NÀY *

1 - Chúng tôi đã đưa ra các chỉ dẫn cho trí hiểu là quan năng thứ nhất của linh hồn, để trong mọi nhận thức, nó có thể nên một với Thiên Chúa nhờ đức tin tinh ròng là nhân đức đối thần đầu tiên. Giờ đây, trong phần còn lại, chúng tôi cũng sẽ làm y như thế đối với hai quan năng kia của linh hồn là dạ nhớ và lòng muốn. Hai quan năng này cũng phải được thanh tẩy về những gì chúng đã tiếp nhận để linh hồn có thể đạt tới sự nên một với Thiên Chúa trong đức cậy và đức mến hoàn hảo. Đó là nội dung quyển thứ ba này.

Nơi quyển truớc, chúng tôi đã bàn khá rộng khi trình bày và kết luận về những gì liên quan đến trí hiểu, là quan năng thu nhận mọi đối tượng theo cách thức của nó, cho nên ở đây chúng tôi sẽ bàn vắn tắt về hai quan năng còn lại mà chẳng cần phải nói nhiều. Bởi lẽ những hoạt động của cả ba quan năng nói trên vốn tùy thuộc lẫn nhau, nên nguời sống theo tâm linh, khi được dạy hướng trí hiểu về đức tin theo những giáo huấn được truyền lại thì hẳn cũng được dạy phải hướng hai quan năng kia về hai nhân đức còn lại.

2 - Tuy nhiên, để việc trình bày được liên tục và giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, chúng tôi sẽ bàn riêng từng điểm và xác định những nhận thức riêng của từng quan năng. Ở đây, xin bắt đầu với những nhận thức của dạ nhớ và xin phân loại vắn tắt. Các đối tượng của dạ nhớ gồm ba loại: tự nhiên, tưởng tượng và tâm linh; như thế, các nhận thức của dạ nhớ cũng thể hiện qua ba cách: tự nhiên, siêu nhiên tưởng tượng và tâm linh.

3 - Nhờ ơn Chúa giúp, chúng tôi sẽ bàn đến ba cách nhận thức này: Bắt đầu bằng các nhận thức tự nhiên thuộc những đối tượng mang tính bên ngoài hơn cả. Sau cùng sẽ bàn đến những nghiêng chiều của lòng muốn để kết thúc quyển thứ ba này là phần bàn về đêm tâm linh chủ ý.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2025

Phim về Thánh Gioan Thánh Giá


Bản thuyết minh tiếng Việt



Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 32: Những cảm xúc tâm linh

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 32
NHỮNG CẢM XÚC TÂM LINH *

Bàn về những nhận thức mà trí hiểu lãnh nhận được từ những cảm xúc bên trong xảy đến cho linh hồn một cách siêu nhiên. Nguyên nhân của chúng và cách thức linh hồn phải xử sự để khỏi gây cản trở trên đường nên một với Thiên Chúa.

1 - Bây giờ xin bàn tiếp đến loại thứ tư và cũng là loại sau cùng của những nhận thức thuộc trí hiểu. Như vừa nói, cách nhận thức này có thể rơi vào trí hiểu từ những tình cảm tâm linh vốn thường được tạo ra một cách siêu nhiên nơi linh hồn người sống theo tâm linh. Chúng tôi liệt kê những nhận thức này vào số những cách nhận thức riêng biệt của trí hiểu.

2 - Những tình cảm tâm linh cụ thể này có thể thuộc về hai loại: Loại thứ nhất là những tình cảm nơi lòng muốn; loại thứ hai là những tình cảm nơi bản thể của linh hồn. Mỗi loại đều có thể chia thành nhiều loại nhỏ hơn. Loại thuộc lòng muốn thì rất cao siêu khi phát xuất tự Thiên Chúa, còn loại thuộc bản thể linh hồn thì cao siêu tột bực và lại rất tốt lành và hữu ích. Cả linh hồn lẫn người hướng dẫn nó đều không thể biết hoặc hiểu được căn nguyên chúng xuất phát tự đâu. Họ cũng không biết được vì những việc làm nào mà Thiên Chúa ban cho linh hồn những hồng ân như thế. Quả thật, những hồng ân này không lệ thuộc vào các công việc mà linh hồn thực hiện hay những suy tư mà linh hồn có được, mặc dù những điều này là những chuẩn bị tốt để có được chúng. Thiên Chúa ban chúng cho kẻ nào Ngài muốn và vì điều gì Ngài muốn. Rất có thể một người làm nhiều công việc mà chẳng được Chúa vuốt ve âu yếm như thế đang khi một người khác chỉ làm ít hơn nhiều, lại được những ơn rất cao siêu và rất dồi dào. Thành thử, linh hồn chẳng cần phải cố chú tâm vào những chuyện tâm linh (mặc dù điều này vẫn là một trạng huống rất tốt để linh hồn đáng được Thiên Chúa ban cho những vuốt ve âu yếm) từ đó linh hồn rút ra được những tình cảm nói trên bởi lẽ thường thì sự vuốt ve âu yếm xảy đến khi linh hồn không hề ngờ tới. Trong các vuốt ve âu yếm này một số có tính cụ thể và đi qua mau chóng, một số khác thì không cụ thể và kéo dài lâu hơn.

3 - Những tình cảm này, xét riêng về mặt tình cảm, thì không thuộc về trí hiểu mà thuộc về lòng muốn. Do đó, tôi không cố ý bàn đến ở đây, xin dành lại cho đến khi chúng ta nói về chủ đề “đêm” và sự thanh tẩy lòng muốn trong các nghiêng chiều của nó nơi cuốn thứ ba tiếp theo đây.

Tuy nhiên, bởi thường thì trong hầu hết các trường hợp, ơn này làm nảy sinh nơi trí hiểu rất dồi dào những nhận thức, hiểu biết và sự thật, cho nên cần nêu chúng ra ở đây.

Phải biết rằng những tình cảm này - kể cả tình cảm thuộc lòng muốn lẫn tình cảm nơi bản thể linh hồn - dẫu phát sinh từ những vuốt ve âu yếm đột nhiên của Thiên Chúa hoặc những vuốt ve âu yếm kéo dài và liên tục thì thông thường vẫn làm nảy sinh nơi trí hiểu dồi dào những nhận thức hay hiểu biết. Nhận thức này thường là một tri giác rất cao siêu và rất ngọt ngào về Thiên Chúa nơi trí hiểu mà người ta không thể gọi tên cũng như không thể gọi tên cái tình cảm từ đó nó phát sinh. Những nhận thức ấy khi theo cách này, lúc theo cách khác; khi thì rất cao siêu và sáng sủa khi thì ít cao siêu và sáng sủa hơn, tùy theo tính chất những vuốt ve âu yếm của Thiên Chúa. Những vuốt ve này gây ra những cảm tình mà từ đó những nhận thức trên phát sinh.

4 - Vì lý do cẩn trọng và nhằm dẫn dắt trí hiểu bằng đức tin vượt qua những nhận thức này để nên một với Thiên Chúa, chúng tôi không cần hao phí nhiều lời ở đây. Bởi lẽ, giống như những tình cảm mà chúng tôi đã nói, được tạo ra một cách thụ động trong linh hồn, mà tự phần mình linh hồn không hề phải tích cực làm gì để lãnh nhận chúng, thì những nhận thức về chúng cũng được nhận vào trong trí hiểu cách thụ động — theo cách mà các triết gia gọi là “khả thể” - mà chẳng hề đóng góp gì vào đó cả. Do đó, để khỏi lầm lạc trong các nhận thức này cũng như để khỏi ngăn cản lợi ích do chúng đem lại, trí hiểu chẳng nên làm gì cả đối với chúng ngoài việc xử sự thụ động với chúng và không vận dụng khả năng tự nhiên của mình để xen vào. Bởi lẽ, như chúng tôi đã nói nơi trường hợp các lời nói liên tiếp, do bởi hoạt động của mình, trí hiểu sẽ rất dễ gây xáo trộn và hủy hoại những nhận thức tinh tế ấy vốn là một sự hiểu biết siêu nhiên ngọt ngào mà yếu tố tự nhiên không thể đạt tới đồng thời chỉ có thể hiểu nó bằng cách lãnh nhận chứ không phải hành động.

Do đó, linh hồn không nên nỗ lực tìm kiếm hoặc ham nhận lãnh chúng kẻo trí hiểu sẽ tự mình chế ra những nhận thức khác rồi cùng lúc đó ma quỷ lại chêm vào những nhận thức khác và đầy sai lạc. Ma quỷ có thể làm điều này rất dễ dàng dựa vào các tình cảm nói trên hoặc các tình cảm mà nó có thể đặt vào linh hồn hiến mình cho những nhận thức ấy. Vậy các linh hồn nên biết nhẫn nại, khiêm nhu và thụ động đối với những nhận thức này. Nếu linh hồn lãnh nhận hồng ân với những tâm thái ấy, Thiên Chúa sẽ đổi mới chúng khi nào đẹp ý Ngài, khi Ngài thấy linh hồn biết khiêm nhu và siêu thoát. Bằng cách này, linh hồn sẽ không gây cản trở cho mình trong việc nhận được ơn lành mà các nhận thức này mang đến giúp linh hồn được nên một với Thiên Chúa, là sự nên một được tạo ra một cách thụ động nơi linh hồn (ơn lành này quả là lớn lao, bởi tất cả ơn vuốt ve âu yếm ở đây đều là ơn nên một).

5 - Thiết tưởng những gì đã nói về điểm trên đã đủ. Bởi lẽ tất cả những gì xảy đến cho linh hồn liên can đến trí hiểu đều tìm thấy được những điều cần cẩn trọng và những chỉ dẫn nơi những chương nêu trên. Mặc dù một điểm nào đó có vẻ khác biệt đến nỗi không được liệt kê vào một trong những điều kể trên thì phải vẫn nhớ rằng không một hiểu biết nào người ta lại không thể quy về cho một trong những điều ấy và qua đó rút ra được lời chỉ dẫn cần thiết.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 31: Những lời nói thực thể

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 31
NHỮNG LỜI NÓI THỰC THỂ *

Bàn về những lời nói thực thể mà tâm linh nhận được từ bên trong. Sự khác biệt giữa những lời này và những lời trang trọng; lợi ích chúng mang lại cũng như sự nhẫn nại và trân trọng mà linh hồn phải có đối với chúng.

1 - Như chúng tôi đã nói, loại lời nói nội tâm thứ ba là lời thực thể (hay lời sáng tạo). Chúng cũng mang tính trang trọng - bởi chúng được in vào trong linh hồn một cách rất trang trọng - nhung khác hẳn loại lời trang trọng bởi chúng tạo ra nơi linh hồn một hiệu quả mãnh liệt tận bản thể, điều mà những lời trang trọng không làm được. Như thế, mặc dù mọi lời thực thể đều mang tính trang trọng nhưng không phải mọi lời trang trọng đều là thực thể mà, như chúng tôi nói ở trên, chỉ những lời nào in sâu những gì nó biểu thị vào tận bản thể linh hồn mới gọi là lời thực thể. Chẳng hạn như Chúa chúng ta phán với linh hồn một cách trang trọng: “Hãy nên tốt lành!” thì lập tức linh hồn sẽ nên tốt lành tận bản thể. Hoặc như Ngài phán: “Hãy yêu mến Ta!” thì lập tức linh hồn liền có và cảm nhận được nơi mình bản thể của lòng yêu Chúa; hay như khi thấy linh hồn đầy sợ hãi, Chúa phán: “Đừng sợ!”, thì lập tức linh hồn cảm thấy rất mạnh mẽ và an lòng. Vì như tác giả thánh vịnh nói: "Lời Chúa phán là lời chân thật" (Tv 11/12,7). Chúa tạo ra một cách thực thể trong linh hồn điều mà Ngài phán cùng nó. Bởi đó chính là điều Đavít ám chỉ khi ông nói: "Này Ngài lên tiếng, tiếng thật uy hùng" (Tv 67,34). Như điều Ngài đã thực hiện cho Abraham khi Ngài phán: "Hãy đi trước nhan Ta và hãy nên hoàn thiện" (St 17,1) và lập tức Abraham đã nên hoàn thiện và luôn bước đi trong niềm kính sợ Thiên Chúa.

Đó còn là quyền năng của lời Ngài trong Tin Mừng. Nhờ quyền năng ấy Ngài đã chữa lành các bệnh nhân, phục sinh kẻ chết vv... chỉ bằng toàn lời nói. Cũng theo cách thức ấy, Ngài đã phán những lời thực thể như thế với một số linh hồn. Những lời này rất quan trọng và quý giá đến nỗi chúng trở thành sức sống, uy lực và ơn lành khôn sánh đối với linh hồn, bởi chỉ một lời ấy thôi cũng sinh ích cho linh hồn hơn tất cả những điều mà linh hồn đã thực thi trong suốt cuộc đời của nó.

2 - Đối với những lời này, linh hồn chẳng phải làm gì hết, kể cả ước muốn hay không ước muốn, kể cả loại bỏ hay hãi sợ. Linh hồn không phải làm theo những gì lời ấy phán bảo bởi Thiên Chúa không bao giờ phán với linh hồn những lời thực thể này với mục đích để linh hồn đem ra thực hành, nhưng với mục đích chính Ngài ra tay thực hiện nội dung những lời ấy - điều này khác với những lời trang trọng và những lời liên tiếp. Sở dĩ tôi nói linh hồn chẳng có gì phải muốn hay không muốn là bởi ý muốn của nó không phải là điều cần thiết để Thiên Chúa thực hiện hiệu quả của những lời thực thể, mà dù linh hồn không muốn cũng chẳng đủ để khiến những lời ấy không tạo ra được những hiệu quả nói trên. Tốt hơn, linh hồn hãy nhẫn nại và khiêm nhu trước những lời ấy.

Còn sở dĩ bảo rằng linh hồn chẳng có gì phải loại bỏ là bởi vì hiệu quả những lời này mang tính thực thể nơi linh hồn và chan hòa ơn Chúa, còn linh hồn thì lãnh nhận hiệu quả ấy một cách thụ động nên hành động của nó trở nên hoàn toàn thừa thãi.

Linh hồn cũng chẳng phải sợ một trò phỉnh gạt nào bởi lẽ cả trí hiểu lẫn quỷ ma đều không thể xen mình vào chuyện đó. Ma quỷ cũng không thể nào - một cách thụ động - thực hiện nổi một hiệu quả thực thể nơi linh hồn tới mức dùng lời nói của nó mà in được vào đó cái hiệu quả và một nếp quen nếu như linh hồn không quy hàng nó bằng một giao kết tự nguyện. Chỉ khi nào ma quỷ đã lưu ngụ nơi linh hồn như chúa tể, nó mới in được vào đó những hiệu quả như thế, không phải của điều thiện mà là của điều ác. (Bởi một khi linh hồn này đã hiệp nhất với ma quỷ trong một giao kết tự nguyện thì ma quỷ có thể dễ dàng in vào hồn những hiệu quả xấu xa bằng lời lẽ của nó). Qua kinh nghiệm, chúng ta thấy, ngay cả đối với những linh hồn tốt lành, ma quỷ vẫn hành động rất mãnh liệt trong nhiều chuyện bằng cách dùng lời lẽ gợi ra nhiều hiệu quả nơi các linh hồn ấy. Còn nếu là những linh hồn xấu xa thì ma quỷ có thể thực hiện trọn vẹn hiệu quả xấu xa ấy nơi họ. Tuy nhiên ma quỷ không thể nào in vào hồn những hiệu quả y hệt những hiệu quả tốt lành nói trên bởi những lời của quỷ không thể sánh nổi với lời của Thiên Chúa, so với lời nói và hiệu quả của lời Thiên Chúa thì lời ma quỷ và hiệu quả lời ấy chỉ là số không. Vì thế, Thiên Chúa đã phán qua ngôn sứ Giêrêmia: "Rơm với lúa có gì chung nhau không? Lời của Ta lại chẳng giống như lửa, chẳng giống như búa đập tan tảng đá sao?" (Gr 23,28-29).

Như thế, những lời thực thể giúp nhiều cho việc nên một của linh hồn cùng Thiên Chúa. Chúng càng mang tính nội tâm và thực thể thì càng sinh ích lợi lớn. Hạnh phúc cho linh hồn nào được nghe Thiên Chúa phán những lời thực thể ấy! "Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe" (1Sm 3,10).

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Nghe Lý Mười Thương


Tình tang cô gái Thần Kinh
Lời ca dìu dịu bóng hình quê hương.
Mười thương, mười mấy cũng thương !


Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 30: Những lời trang trọng * (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 30
NHỮNG LỜI TRANG TRỌNG * (tiếp theo)

4 - Trường hợp các lời nói và truyền đạt do ma quỷ thì hoàn toàn trái ngược, nơi những điều “có giá“ thì nó lại khiến linh hồn thấy mau mắn và dễ dàng đang khi nơi điều thấp hèn thì nó khiến linh hồn ái ngại. Chắc chắn Thiên Chúa rất ghê tởm khi thấy các linh hồn nghiêng chiều về những gì “có giá” tới nỗi ngay cả khi truyền bảo và đặt họ vào những điều ấy, Ngài vẫn không muốn các linh hồn này nôn nả và “ham” nắm quyền chỉ huy. Sự dễ dạy mà Thiên Chúa thường đặt vào linh hồn qua những lời trang trọng này khác hẳn với sự mau mắn do những lời liên tiếp. Những lời liên tiếp không gây xúc động tâm trí cũng như không khiến nó mau mắn như thế. Cái khác là ở chỗ những lời trang trọng thì chính xác hơn hơn và trí hiểu chẳng đóng góp gì vào đó. Dầu vậy điều này vẫn không ngăn cản sự kiện là đôi khi một số lời liên tiếp lại gây ra được hiệu quả lớn lao hơn do nơi sự thông tri lớn lao hơn thỉnh thoảng vẫn xảy ra giữa thần linh Thiên Chúa và tâm linh con người. Tuy nhiên về cách thức thì vẫn có nhiều khác biệt. Nơi những lời nói trang trọng, linh hồn chẳng phải nghi ngờ về việc nó có tự nói lên những lời này không bởi nó thấy rõ là không, nhất là khi nó chẳng hề quan tâm đến điều được nói với nó và nếu nó có quan tâm đi nữa thì nó vẫn thấy rõ ràng và cụ thể rằng điều đó đến tự nơi khác.

5 - Linh hồn chẳng nên xem trọng tất cả những lời trang trọng này cũng như những lời liên tiếp nọ, bởi ngoài việc tâm trí sẽ bị bận bịu với những thứ chẳng phải là phương thế phù hợp và gần gũi để đạt đến sự nên một với Thiên Chúa, tức là đức tin, linh hồn còn có thể bị ma quỷ phỉnh gạt rất dễ dàng. Bởi, đôi khi người ta hầu như không biết nổi lời nào phát xuất từ thần lành, lời nào phát xuất từ thần dữ. Những lời này không tạo ra nhiều hiệu quả nên khó mà phân biệt chúng qua các hiệu quả. Lắm lúc, những lời của ma quỷ lại tạo ra nhiều hiệu quả nơi những người bất toàn hơn cả những lời của thần lành tạo ra nơi những người sống theo tâm linh. Không nên làm theo những gì các lời ấy nói ra cũng chẳng nên xem trọng các lời ấy cho dầu chúng do thần lành hoặc thần dữ. Tuy nhiên phải bày tỏ chúng cho một vị giải tội giàu kinh nghiệm hoặc một người kín đáo và khôn ngoan để vị ấy dạy dỗ linh hồn, coi xem nên làm điều gì trong trường hợp đó, và hãy nghe lời khuyên của ngài. Đồng thời đối với những lời nói ấy, linh hồn hãy tỏ ra thái độ lãnh đạm và khước từ. Nếu không gặp được một người giàu kinh nghiệm thì tốt hơn đừng nói với ai về những lời ấy và cũng chẳng nên xem trọng chúng. Người ta dễ gặp những kẻ phá hoại linh hồn hơn là những kẻ xây dựng nó, vì chẳng phải ai cũng được ơn dẫn dắt các linh hồn, mà trong một vấn đề trọng đại như thế thì việc sai sót hay đúng đắn có tầm quan trọng rất lớn.

6 - Hãy rất cẩn thận đừng bao giờ để cho linh hồn tự nghe theo ý riêng mình trong những chuyện đó hoặc làm hay chấp thuận bất cứ điều gì các lời ấy ngỏ cho nó. Hãy tham khảo nhiều ý kiến và lời khuyên của kẻ khác, bởi lẽ nơi chuyện này thường xảy ra những sự lừa phỉnh tinh tế và kỳ lạ. Đến nỗi, tôi cho rằng linh hồn nào không thù ghét những chuyện như thế thì không thể tránh khỏi bị phỉnh gạt trong nhiều lời của chúng.

7 - Chúng tôi đã bàn rõ về những sự phỉnh gạt và nguy hiểm cũng như sự cảnh giác đối với chúng ở các chương 19, 20, 21 và 22 của sách này, các bạn có thể xem lại. Ở đây không sẽ không nói thêm về chuyện này nữa. Tôi chỉ xin thưa rằng theo nguyên tắc chủ yếu của tôi thì đừng gán cho những chuyện này một chút quan trọng nào cả.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 30: Những lời trang trọng *

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 30
NHỮNG LỜI TRANG TRỌNG *

Bàn về những lời nội tâm mà tâm linh nhận được một cách trang trọng qua nẻo đường siêu nhiên. Cảnh báo về sự thiệt hại chúng có thể gây ra và cần phải sáng suốt để khỏi bị lầm lạc nơi chúng.

1 - Loại lời nói nội tâm thứ hai là những lời trang trọng thỉnh thoảng được tạo ra nơi tâm trí bằng nẻo đường siêu nhiên không qua trung gian một giác quan nào, vào lúc tâm trí lắng đọng hoặc không lắng đọng. Tôi gọi chúng là trang trọng bởi lẽ có một người khác nói những lời ấy một cách trang trọng cho tâm trí mà tâm trí không hề đóng góp gì vào đó cả. Những lời này rất khác với những lời mà tôi đã bàn trước đây, không những vì chúng được tạo ra mà tâm trí không hề đóng góp gì vào đó như những trường hợp trước, mà như tôi vừa nói, đôi khi chúng xảy đến lúc tâm trí không lắng đọng, lúc tâm trí không nghĩ gì tới những điều người ta nói với nó. Nó khác hẳn với loại lời nói liên tiếp trên đây là những lời luôn nằm trong đề tài người ta đang suy tư.

2 - Loại lời nói thứ hai này đôi khi rất rõ rệt, đôi khi không rõ rệt. Thường chúng giống những ý tưởng được nói cho linh hồn nhận như một câu trả lời hoặc như một điều gì đó rất bất chợt. Khi thì chỉ là một lời, khi thì hai hay nhiều hơn. Cũng có khi nhiều lời liên tiếp nhau như những lời liên tiếp đã bàn trên kia, nhằm dạy dỗ hay bàn luận với linh hồn về một điều gì đó. Tất cả lời nói trên xảy đến mà tâm trí không hề đóng góp gì vào đó. Mọi sự diễn ra như khi một người đang nói với một người khác. Như chúng ta đọc thấy những gì đã xảy đến cho Đaniel (9,22). Vị ngôn sứ này cho biết thiên sứ đã nói với ông. Vị thiên sứ ấy đã ngỏ với Đaniel những lời trang trọng và liên tiếp và dạy bảo ông. Vị ấy xưng ra rằng mình đến để dạy bảo ông.

3- Khi những lời nói này chỉ mang tính cách trang trọng thì hiệu quả chúng tạo ra được nơi linh hồn chẳng có gì đáng kể. Thông thường, chúng chỉ nhằm dạy bảo hoặc ban ánh sáng về một chuyện gì đó, và để có hiệu quả này, chẳng cần chúng phải hoạt động nhiều hơn cái mục đích mà chúng nhắm tới. Còn khi những lời nói này phát xuất từ Thiên Chúa thì chúng luôn phát sinh hiệu quả nơi linh hồn. Chúng khiến linh hồn mau mắn và sáng suốt trong những điều Thiên Chúa truyền dạy nó. Mặc dù đôi khi chúng chẳng cất đi sự ái ngại và khó khăn, thậm chí thường còn làm tăng thêm để qua đó Thiên Chúa dạy bảo linh hồn, giúp nó khiêm nhường và đạt được ơn lành nhiều hơn. Thiên Chúa rất thường để cho linh hồn phải ái ngại khi Ngài truyền cho nó một điều gì trọng đại hoặc một chuyện gì đó có thể giúp linh hồn được vinh dự hơn. Còn đối với những gì khiêm hạ và thấp hèn thì Thiên Chúa lại ban cho linh hồn có được sự dễ dàng và mau mắn hơn. Quả thế, chúng ta đọc thấy trong sách Xuất Hành (ch. 3¬4) khi Thiên Chúa truyền cho Môsê đi đến gặp vua Pharaon và giải phóng dân tộc thì Môsê đã cảm thấy rất ái ngại đến nỗi Thiên Chúa phải truyền lệnh đến ba lần và tỏ cho ông các dấu chỉ. Tuy nhiên tất cả những điều ấy cũng chẳng khả quan gì hơn cho tới khi Thiên Chúa cho ông Aharon làm bạn đồng hành với ông, cùng chia sẻ với ông niềm vinh dự ấy.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 29: Những lời nói “liên tiếp” (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 29
NHỮNG LỜI NÓI "LIÊN TIẾP" * (tiếp theo)

10 - Ma quỷ thường xen vào loại lời nói nội tâm liên tiếp này rất nhiều, cách riêng là nơi những người có phần nghiêng chiều hay quyến luyến chuyện đó. Ngay lúc họ khởi sự hồi tâm lắng đọng thì ma quỷ thường có thói quen đề ra cho họ đủ chuyện khiến họ lạc đề. Bằng gợi ý, nó tạo ra nơi trí hiểu của họ những nhận thức và lời lẽ. Nó xô đẩy và phỉnh gạt họ một cách tinh tế bằng những chuyện như thật. Đây là một trong những cách thức ma quỷ sử dụng để tự thông ban cho những ai đã thầm kín hay minh nhiên giao kết với nó cách nào đó, như nó vẫn hay tự thông ban cho một số người lạc giáo, nhất là những người đứng đầu lạc giáo bằng cách thông cho trí hiểu họ những nhận thức và lý lẽ rất tinh vi, sai lệch và lầm lạc.

11 - Từ những điều nói trên, phải hiểu rằng những lời nói liên tiếp ấy có thể phát sinh nơi trí hiểu từ ba nguyên nhân sau: Từ Chúa Thánh Thần, Đấng lay động và soi sáng trí hiểu; từ ánh sáng tự nhiên của chính trí hiểu; và từ ma quỷ là kẻ có thể nói bằng gợi ý.

Quả là khó mà nói cho đầy đủ mọi dấu chỉ giúp phân biệt các lời nói ấy phát sinh từ nguyên nhân này hay nguyên nhân kia, mặc dù vẫn có thể đưa ra một số dấu chỉ tổng quát như sau: những lời lẽ và nhận thức nào khiến linh hồn vừa đạt đến niềm mến yêu vừa cảm nhận tình yêu đó với lòng khiêm nhu, kính sợ Thiên Chúa thì đó là dấu chỉ chúng thuộc về Chúa Thánh Thần, Đấng thường vẫn mặc cho chúng thứ tình yêu ấy khi Ngài thực hiện các ân sủng đó.

Khi các lời nói ấy phát sinh chỉ do sự năng động và ánh sáng của trí hiểu thì chính là trí hiểu đã thực hiện tất cả những điều đó mà chẳng có sự hoạt động của các nhân đức nói trên. Lòng muốn có thể yêu mến theo cách tự nhiên nhờ sự hiểu biết và soi sáng của các sự thật ấy nhưng sau khi nguyện gẫm, lòng muốn lại thấy khô khan. Tuy nhiên nó không hướng chiều về sự tự phụ hay điều xấu xa nếu như ma quỷ không đến cám dỗ nó. Sự khô khan ấy không xảy ra đối với trường hợp những lời nói phát sinh tự thần lành bởi vì sau khi nguyện gẫm, lòng muốn thường mang nặng tình cảm với Thiên Chúa và nghiêng về điều thiện. Đôi khi cũng xảy ra là lòng muốn vẫn khô khan dầu được sự thông tri của thần lành nhưng đó là do ý Thiên Chúa sắp đặt như thế nhằm sinh ích cho linh hồn. Còn những lần khác linh hồn không cảm nhận được nhiều các hoạt động hay tác động của các nhân đức tuy nhiên điều xảy ra ấy vẫn là tốt.

Bởi đó tôi xin nói là đôi khi quả khó biết được sự khác biệt giữa lời nói này hay lời nói kia dựa trên các hậu quả khác nhau mà chúng tạo ra. Tuy nhiên những hậu quả chúng tôi nêu ra ở trên đây là những hậu quả thông thường nhất mặc dù có lúc chúng xảy đến dồi dào nhiều hay kém hơn lúc khác.

Những lời lẽ của ma quỷ cũng thường khó nhận biết và phân biệt. Thông thường thì chúng làm cho lòng muốn trở thành khô khan đối với tình yêu mến Thiên Chúa cũng như tâm linh thường nghiêng về hư danh, tự hào và tự mãn. Tuy nhiên, đôi khi chúng cũng đặt vào linh hồn một thứ khiêm nhu giả tạo và những tình cảm nhiệt thành của lòng muốn bắt nguồn từ lòng tự ái, do đó phải là người giàu tâm linh mới nhận biết được. Sở dĩ ma quỷ làm chuyện đó là để giấu mặt kỹ hơn vì đôi khi nó biết rất rõ phải làm thế nào cho người ta nhỏ lệ trước những cảm tình nó đặt ra để qua đó nó đưa vào linh hồn những sự nghiêng chiều mà nó muốn. Ma quỷ luôn nỗ lực thúc đẩy lòng muốn quý chuộng những thông tri nội tâm này và gắn bó vào chúng ngõ hầu linh hồn bận tâm vào những thứ chẳng nhân đức tí nào, mà trái lại, là dịp khiến người ta đánh mất cái nhân đức mình đã có.

12 - Xin nhớ là cần phải luôn thận trọng đối với các loại lời nói trên cũng như những thứ nhận thức khác, để khỏi bị phỉnh gạt và khỏi bị cản trở. Xin đừng xem trọng chúng nhưng chỉ nghĩ cách tập hướng lòng muốn hướng về Thiên Chúa cách kiên định, chu toàn lề luật và các lời khuyên thánh thiện của Ngài. Sự khôn ngoan của các thánh là ở chỗ luôn biết hài lòng với việc biết được các mầu nhiệm và các sự thật theo sự đơn sơ và chân thật mà Hội Thánh đề ra cho chúng ta. Như thế đã đủ để thiêu đốt lòng muốn thật nhiều rồi, đừng nên lao mình vào những vực thẳm và sự tò mò nơi đó khó lòng thoát khỏi nguy hiểm. Chính vì thế thánh Phaolô đã nói: "Đừng đi quá mức khi đánh giá mình" (Rm 12,3), cũng có thể nói là: không nên biết nhiều hơn những gì cần biết. Những gì trên đây về những lời nói liên tiếp thiết tưởng như thế là đủ.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 29: Những lời nói “liên tiếp” (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 29
NHỮNG LỜI NÓI "LIÊN TIẾP" * (tiếp theo)

6 - Có lẽ bạn sẽ hỏi tôi: tại sao trí hiểu phải tước bỏ những sự thật này, nếu Thánh Thần Chúa đã dùng chúng soi sáng trí hiểu thì làm sao lại có thể là xằng bậy được? Tôi xin thưa rằng Thánh Thần Thiên Chúa soi sáng cho một trí hiểu đã biết lắng đọng và theo cách lắng đọng nó cần có mà trí hiểu thì không thể tìm được sự lắng đọng nào lớn hơn là lắng đọng trong đức tin. Do đó Chúa Thánh Thần sẽ không soi sáng cho trí hiểu nơi đâu khác dồi dào cho bằng nơi đức tin. Bởi lẽ, linh hồn càng tinh tuyền và được luyện lọc trong đức tin thì càng được Thiên Chúa phú ban cho nhiều đức ái, và nó càng có nhiều đức ái thì Thiên Chúa lại càng soi sáng và thông ban cho nó nhiều ơn Thánh Thần bởi đức ái là nguyên nhân và phương tiện để thông ban cho linh hồn các ơn này.
Mặc dù quả thực Chúa Thánh Thần có ban cho linh hồn đôi chút ánh sáng qua sự sáng soi những sự thật ấy - tuy nhiên còn khác xa với ánh sáng trong đức tin. Nơi ánh sáng đức tin, dù vẫn không thể hiểu cho rõ ràng được, nhưng xét về phẩm thì có thể xem ánh sáng đức tin như thể vàng ròng và ánh sáng kia là thứ kim loại tầm thường nhất, xét về lượng thì có thể xem ánh sáng đức tin là biển rộng còn thứ ánh sáng kia chỉ là một giọt nước. Vì một bên, chính Thiên Chúa thông ban cho linh hồn minh triết của một, hai hoặc ba sự thật v. v... Còn bên kia nói chung là tất cả Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa tức chính Con Thiên Chúa, Đấng tự thông ban cho linh hồn nơi đức tin.

7 - Và nếu bạn bảo tôi tất cả đều là tốt vì loại ánh sáng nọ đâu ngăn cản loại ánh sáng trong đức tin, thì tôi xin thưa là nếu linh hồn xem trọng loại ánh sáng nọ thì có ngăn cản nhiều. Sự bận tâm đến những thứ rõ ràng cụ thể và kém quan trọng đủ ngăn cản sự thông tri của vực thẳm đức tin, nơi mà Thiên Chúa dạy dỗ linh hồn cách siêu nhiên và bí mật, đồng thời nâng đỡ nó đạt tới nhân đức và ân sủng theo một cách mà linh hồn không quan niệm nổi.

Ta không thể cố ý vận dụng trí hiểu vào lời nói liên tiếp này để mưu tìm lợi ích, nếu ta làm thế nó sẽ dẫn ta đi lạc đường, như lời Đấng Khôn Ngoan trong Diễm Ca ngỏ với linh hồn: "Thôi đi, nàng đừng đưa mắt nhìn anh nữa, đôi mắt làm anh choáng váng rồi." (6,5) nghĩa là, chúng sẽ khiến tôi bay xa khỏi nguời và đưa tôi lên chỗ cao hơn. Trái lại hãy đơn sơ và tinh tuyền, đừng vận dụng trí hiểu vào những gì được thông ban cho nó cách siêu nhiên, nhưng hãy vận dụng lòng muốn để yêu mến Thiên Chúa vì những ơn lành này được thông ban qua tình yêu và bằng cách thức này, chúng được thông ban còn dồi dào hơn truớc.

Với những điều được thông ban một cách siêu nhiên và thụ động như thế mà linh hồn lại chủ động vận dụng sự khéo léo của trí hiểu tự nhiên hay các quan năng khác, thử hỏi làm sao có thể đạt tới chúng bằng cách thức và sự thô thiển như vậy được?

Trí hiểu hay các quan năng kia sẽ theo khả năng thấp kém của mình mà biến đổi những điều được thông ban và khiến chúng bị biến dạng. Kết cuộc là trí hiểu sẽ lầm lạc và tự tạo ra những lý lẽ riêng. Các lý lẽ này sẽ không còn mang tính cách siêu nhiên hay tương đương với siêu nhiên, mà trái lại, chỉ còn rất tự nhiên, lầm lạc và thấp kém.

8 - Ấy vậy mà có một số trí hiểu nhạy bén và tinh tế tới nỗi vừa lắng đọng đắm mình vào một suy tư nào đó, là tự nhiên đã rất dễ dàng đưa ra những nhận thức suy lý rồi tạo ra từ đó những câu nói và lý lẽ rất sống động. Họ cứ đinh ninh là chúng do tự Thiên Chúa, nhưng thực ra chỉ cần nhờ ánh sáng tự nhiên và được tự do chút ít đối với hoạt động của các giác quan thì không cần nguồn trợ giúp siêu nhiên nào, một mình trí hiểu cũng có thể làm được chuyện đó và còn nhiều hơn thế nữa là đàng khác. Chuyện đó xảy ra rất thường. Nhiều người đã lầm tưởng đó là sự nguyện ngắm cao độ và là ơn thông hiệp với Thiên Chúa, rồi đã viết ra hoặc nhờ người khác viết ra những chuyện ấy. Nhưng những chuyện như thế cốt yếu chẳng ăn nhập gì tới một nhân đức nào mà chỉ góp phần đưa đến sự vênh vang về chúng mà thôi.

9 - Mong rằng những người ấy hãy học biết chỉ xem trọng việc đặt nền tảng lòng muốn nơi một tình yêu khiêm nhường, nơi sự làm việc chăm chỉ và chịu đựng đau khổ, nhờ noi gương Con Thiên Chúa trong nếp sống và những hy sinh của Ngài vì phải qua con đường đó mới đạt tới mọi điều tốt về mặt tâm linh chứ không phải là qua nhiều suy lý nội tâm đâu.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 29: Những lời nói “liên tiếp”

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 29
NHỮNG LỜI NÓI "LIÊN TIẾP" *

Bàn về loại thứ nhất trong số những lời nói mà đôi khi một tâm linh lắng đọng có thể tự tạo ra. Nêu rõ căn do của chúng cũng như ích lợi và tai hại có thể gặp thấy nơi chúng.

1 - Những lời nói “liên tiếp” này luôn xảy đến khi tâm trí lắng đọng và chăm chú đắm mình vào một nhận định nào đó. Thông qua những gì nó đang nghiền ngẫm, từ một điểm này tâm trí rút ra một điểm khác rồi tạo ra nhiều lời nói và lý lẽ phù hợp một cách rất dễ dàng và cụ thể rồi lập luận và khám phá ra nơi điều ấy nhiều điều quá ư xa lạ đối với nó đến nỗi tâm trí thấy dường như không phải chính nó làm điều đó mà là một người nào khác đang lý luận nơi nội tâm, đang trả lời hay đang dạy bảo những điều ấy. Và quả thực rất có lý do để nghĩ như thế bởi chính tâm trí tự lập luận, tự trả lời cho mình như thể một người đang hiện diện với một người khác vậy. Và xét một cách nào đó, quả thật là như thế. Vì mặc dù chính tâm trí thực hiện điều đó như là một dụng cụ, song Chúa Thánh Thần vẫn thường xuyên giúp nó sản sinh và hình thành những nhận thức, lời nói và lý lẽ chân thực ấy. Do đó, tâm trí tự nói với chính mình như thể với một người khác. Vì một khi trí hiểu lắng đọng và nên một với sự thật về điều nó tưởng nghĩ thì Chúa Thánh Thần cũng nên một với nó nơi sự thật ấy - như Ngài luôn nên một nơi tất cả sự thật. Nhờ hiệp thông với Thánh Thần Thiên Chúa theo cách này qua sự thật ấy, trí hiểu sẽ hình thành trong nội tâm và một cách liên tục những sự thật khác liên quan đến sự thật n đang tưởng nghĩ đang khi Chúa Thánh Thần, Đấng dạy dỗ, mở cửa và thông ban cho nó ánh sáng của Ngài. Đây là một trong những cách dạy dỗ của Chúa Thánh Thần.

2 - Do được vị Tôn sư này soi sáng và dạy dỗ theo cách thức ấy, nên khi hiểu được các sự thật kia, trí hiểu liền góp phần tự hình thành nên những sự thật đã nhận được từ nơi khác. Thành thử có thể nói là: "Tiếng thì của Gacob, nhưng đôi bàn tay thì của Esau" (St 27,22). Khi điều ấy xảy đến cho ai thì người này không thể nào không tin rằng các lời lẽ ấy là do một người khác nói với họ. Bởi họ không biết được làm sao trí hiểu lại có thể dễ dàng tự tạo ra những lời lẽ giống như thể do một người khác nói với nó, về những nhận thức và sự thật đã từng được thông tri cho nó từ một người khác trước rồi.

3 - Nơi sự truyền đạt và soi sáng ấy trí hiểu không hề phỉnh gạt, tuy nhiên vẫn có thể và thường xảy ra chuyện phỉnh gạt này nơi những lời nói rõ ràng và những lập luận mà trí hiểu rút ra từ sự truyền đạt và soi sáng ấy. Thứ ánh sáng ban cho nó đôi khi quá tinh tế và thuần tâm linh đến nỗi trí hiểu không đạt được đến chỗ am hiểu kỹ lưỡng, rồi như chúng tôi đã nói, chính trí hiểu tự mình hình thành các lập luận nên nó thường chế ra những lý lẽ thiếu chính xác, cũng lắm khi có vẻ đúng hoặc không đạt. Bởi lẽ lúc đầu trí hiểu nắm lấy một đầu dây của sự thật, rồi liền đó nó chêm vào phần riêng là sự khéo léo hay ngờ nghệch thấp kém của nó, cho nên sự thật dễ dàng theo khả năng của nó mà bị biến chất để rồi tất cả đều như thể cùng do một người khác nói lên.

4 - Tôi đã biết một người có được những lời nói liên tiếp này. Giữa những lời rất chân thực và cốt yếu được nói ra về bí tích Thánh Thể chí thánh thì lại có xen những lời khác rất là lạc giáo. Tôi rất kinh ngạc về những gì đang xảy ra trong thời buổi này. Bất luận linh hồn nào, sau khi đạt được đôi chút nguyện ngắm, nếu trong lúc lắng đọng mà cảm nhận được đôi lời trong những lời nói trên, lập tức liền gán hết cho Thiên Chúa, rồi cứ đinh ninh là thế và nói: “Thiên Chúa đã bảo tôi”, “Thiên Chúa đã trả lời tôi”. Nhưng thực ra đâu phải vậy, mà như chúng tôi đã nói, thường là chính các linh hồn tự nói cho mình những lời nói ấy.

5 - Hơn thế nữa, nỗi khao khát do những thứ ấy gợi lên cũng như sự nghiêng chiều của tâm trí gắn chặt vào đó khiến linh hồn cứ suy nghĩ như thế. Lúc nào họ cũng bảo chính Thiên Chúa đã nói, chính Ngài đã trả lời. Nếu những người này không biết tự kiềm chế, nếu các vị linh hướng không buộc họ phải chấm dứt ngay những suy lý kiểu ấy, họ sẽ rơi vào nhiều ảo tưởng nặng nề. Bởi lẽ nơi các chuyện ấy, linh hồn thường dệt ra nhiều điều rỗng tuếch làm nhơ bẩn tâm hồn hơn là sự khiêm nhường và tinh thần hy sinh hãm mình. Họ cứ nghĩ rằng Thiên Chúa đã phán cho họ điều trọng đại nào đó, nhưng thực ra thì điều ấy chỉ hơn cái số không một chút, hay chẳng là gì cả hoặc còn kém hơn cái số không là đàng khác. Bởi vì điều gì chẳng đem lại lòng khiêm nhường, lòng bác ái, sự hãm mình, sự đơn sơ thánh thiện và sự thinh lặng... thì có đáng gì?

Vì vậy, tôi xin thưa những chuyện này có thể gây lệch lạc rất nhiều trên con đường dẫn đến sự nên một với Thiên Chúa bởi một khi linh hồn xem trọng chúng thì chúng sẽ khiến cho linh hồn lệch xa vực thẳm đức tin, nơi mà trí hiểu phải nằm trong tăm tối và bước đi bằng tình yêu trong đức tin chứ không phải bằng nhiều lý nhiều lẽ.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 28: Những lời nói nội tâm

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 28
NHỮNG LỜI NÓI NỘI TÂM *

Bàn về bản chất và phân loại những lời nói nội tâm mà tâm linh có thể nhận được một cách siêu nhiên.

1 - Mong rằng quý độc giả luôn thận trọng ghi nhớ rằng ý hướng và mục đích của tôi trong sách này là nhằm dẫn dắt linh hồn tiến bước với sự tinh tuyền của đức tin xuyên qua tất cả những điều được nhận biết cách tự nhiên và siêu nhiên mà không bị lầm lạc và lúng túng để đạt tới sự nên một với Thiên Chúa. Độc giả nên hiểu cho rằng đối với những cách nhận thức của linh hồn và nguyên tắc phong phú đang bàn, tôi không tỉa gọt cũng chẳng chẻ nhỏ nội dung thành nhiều phần như có lẽ trí hiểu đòi hỏi, dù vậy, không phải đã chỉ bàn qua loa. Thiết nghĩ tôi đã đưa ra đầy đủ ý kiến, ánh sáng và chỉ dẫn về tất cả chuyện ấy, để người ta biết cách xử sự khôn ngoan trong mọi chuyện xảy đến cho linh hồn, bên ngoài cũng như bên trong, ngõ hầu tiến xa hơn.

Đó là lý do tại sao tôi chỉ nói rất vắn tắt về những nhận thức có tính tiên tri, như tôi đã làm đối với những thứ nhận thức khác, bởi có rất nhiều điều phải nói trong mỗi thứ tùy theo những khác biệt, thể thức, phương cách thường xảy ra nơi mỗi thứ, tôi cho rằng không sao biết hết được. Tôi đành phải hài lòng, khi đã nói lên được phần cốt yếu về các nguyên tắc và sự cẩn trọng cần có để xử sự trong những chuyện này và với tất cả những gì tương tự có thể xảy đến nơi linh hồn.

2 - Bây giờ tôi sẽ làm như thế đối với cách nhận thức thứ ba mà chúng ta gọi là các lời nói siêu nhiên. Chúng thường nảy ra trong tâm trí những người sống theo tâm linh, không cần qua một giác quan thể chất nào. Mặc dù có nhiều loại nhưng tôi cho rằng có thể giản lược thành 3 loại: liên tiếp, trang trọng và thực thể (hay “sáng tạo”).
Tôi dùng tính từ “liên tiếp” để ám chỉ những lời nói và lý lẽ mà tâm trí thường tạo ra và lập luận với chính mình khi hồi tâm lắng đọng.

Còn những lời nói “trang trọng” ám chỉ một số lời nói cụ thể và rõ rệt mà tâm trí lãnh nhận không phải tự mình mà qua một người khác, có khi đang hồi tâm lắng đọng, có khi không.

Những lời nói thực thể (hay “sáng tạo”) là những lời khác cũng được hình thành rõ rệt nơi tâm trí trong lúc nó hồi tâm lắng đọng hoặc không, chúng tạo thành và thực sự gây ra nơi bản thể linh hồn chính điều mà chúng biểu thị. Chúng tôi sẽ bàn về tất cả các loại này theo thứ tự.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 27: Loại mạc khải thứ hai (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 27
LOẠI MẠC KHẢI THỨ HAI * (tiếp theo)

5 - Hãy nhớ kỹ điều này: Cả khi không có nguy cơ bị lừa bịp, linh hồn cũng không nên ao ước hiểu rõ các vấn đề thuộc đức tin, ngõ hầu bảo toàn cho công trạng của linh hồn được tinh tuyền và toàn vẹn cũng như để được qua đêm tối của trí hiểu mà đạt tới ánh sáng thần linh của sự nên một với Thiên Chúa. Điều quan trọng là phải dán mắt vào các lời tiên tri xưa và lãnh đạm với bất cứ mạc khải mới mẻ nào. Hãy xem Thánh Phêrô, dù một cách nào đó đã nhìn thấy vinh quang của Con Thiên Chúa trên núi Tabor, thì vẫn nói: "Như vậy chúng tôi càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ" (2P 1,19). Như thể ngài muốn nói: “mặc dù thị kiến của chúng tôi về Đức Kitô trên núi là chân thực, song lời tiên tri đã được mạc khải cho chúng ta vẫn mạnh mẽ và chắc chắn hơn, anh em tựa linh hồn mình vào lời này là đúng đắn.”

6 - Vì những lý do ấy, cần nhắm mắt trước những mạc khải nói trên liên can tới các mệnh đề đức tin. Đối với những mạc khải khác về những chuyện khác, sự đẩy lùi và gạt bỏ càng cần thiết hơn nhiều, bởi lẽ, ma quỷ rất thường xen vào những chuyện mạc khải này. Ma quỷ khoác lên chúng cái dáng vẻ chân thực và chắc chắn đến nỗi tôi cho rằng hễ ai không nỗ lực loại trừ chúng thì không thể nào không bị lầm lạc nặng nề. Ma quỷ tập hợp lại biết bao dáng vẻ và những điểm phù hợp hòng khiến người ta tin, rồi in sâu vào giác quan và trí tưởng tượng đến nỗi người ta nghĩ rằng điều ấy chắc chắn sẽ xảy ra như thế. Ma quỷ gắn chặt linh hồn vào đó và khiến linh hồn trở thành cố chấp đến nỗi nếu linh hồn thiếu khiêm nhường thì sẽ khó có ai kéo được nó ra khỏi đó và làm cho nó tin vào điều ngược lại. Do đó, linh hồn càng tinh tuyền, cẩn trọng, đơn sơ và khiêm nhường càng phải nỗ lực chống lại và đẩy lùi những mạc khải cũng như các thị kiến khác như thể đó là những cám dỗ rất hiểm nguy vậy. Quả thật chẳng phải nhờ tìm kiếm chúng, nhưng chính là nhờ gạt bỏ chúng mà ta đạt đến sự nên một với Thiên Chúa trong tình yêu. Đây là điều vua Salômôn muốn bày tỏ khi ngài nói: "Con người cần chi phải muốn và tìm kiếm những thứ vượt quá khả năng tự nhiên của mình?" [Có thể tác giả muốn nói đến lời trong sách Giảng Viên “con người do Thiên Chúa làm nên, vốn đơn sơ ngay thẳng, nhưng chính họ lại đi tìm đủ chuyện rắc rối quanh co” (Gv 7, 29)]. Nghĩa là để trở nên hoàn hảo thì chẳng cần mong ước những chuyện siêu nhiên qua nẻo đường siêu nhiên và vượt quá khả năng của mình.

7 - Những vấn nạn người ta có thể nêu lên về vấn đề này đã được trả lời ở các chương 19 và 20 trước đây, xin quý độc giả xem lại. Tôi chỉ xin thưa rằng linh hồn phải giữ mình khỏi mọi chuyện ấy để tiến bước tinh tuyền không lầm lạc qua đêm tối của đức tin mà đạt tới sự nên một.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 27: Loại mạc khải thứ hai

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 27
LOẠI MẠC KHẢI THỨ HAI *

Bàn về loại mạc khải thứ hai, tức sự tỏ bày những bí mật và những mầu nhiệm ẩn tàng. Chúng có thể giúp gì cho sự nên một với Thiên Chúa cũng như có thể cản trở thế nào, và ma quỷ có thể lừa gạt nhiều về khía cạnh này ra sao.

1 - Loại thứ hai của mạc khải mà chúng tôi nói đây là sự bày tỏ những điều bí mật và những mầu nhiệm ẩn tàng. Nó lại có thể được phân thêm thành hai loại. Loại thứ nhất liên can tới bản tính Thiên Chúa, gồm mạc khải về mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh. Loại thứ hai liên can tới Thiên Chúa nơi các công việc của Ngài, gồm tất cả các tín điều còn lại của đức tin Công giáo của chúng ta cũng như các mệnh đề nêu rõ những sự thật đức tin liên quan đến các tín điều ấy. Tiêu biểu cho các mệnh đề này là một số lớn những lời mạc khải của các ngôn sứ, những lời hứa và lời đe dọa của Thiên Chúa cũng như các điều khác đã và đang phải xảy đến liên quan tới vấn đề đức tin ấy.

Ta cũng có thể kể vào loại thứ hai này nhiều điều cụ thể khác được Thiên Chúa mạc khải một cách thông thường về vũ trụ nói chung, cũng như về các vương quốc, các tỉnh thành, các nhà nước, các gia đình và các cá nhân nói riêng.

Các sách Kinh Thánh chúng ta có vô số tỉ dụ đủ loại về chuyện này, nhất là nơi sách các ngôn sứ, rất dồi dào những mạc khải với đủ các cách thức. Điều này đã quá rõ ràng và đơn giản nên tôi chỉ xin thưa rằng những mạc khải này được thể hiện không riêng bằng lời nói nhưng Thiên Chúa còn thực hiện bằng nhiều thể, nhiều cách, khi thì chỉ bằng lời, khi thì chỉ bằng dấu hiệu và ảnh tượng hoặc những thứ tương tự, khi thì cách này pha lẫn cách khác. Ta có thể thấy nơi sách các ngôn sứ đặc biệt là nơi sách Khải Huyền, tại đó không những thể hiện đủ thứ mạc khải chúng tôi đã nói đến mà còn có cả những phương tiện và cách thức mà chúng tôi đang bàn ở đây nữa.

2 - Ngay cả thời nay, Thiên Chúa vẫn còn thực hiện những mạc khải thuộc loại thứ hai này cho những kẻ Ngài muốn. Thiên Chúa vẫn thường bày tỏ cho một số người tháng ngày họ sẽ sống, những lao nhọc họ sẽ chịu, hoặc những gì sẽ xảy đến cho người này người kia, nước này nước nọ vv... Thiên Chúa cũng còn khai mở cả những điều can hệ đến các mầu nhiệm đức tin của chúng ta, và tỏ cho tâm linh ta những sự thật về chúng. Tuy vậy, không thể gọi điều này là mạc khải sát nghĩa bởi lẽ chúng đã được mạc khải rồi, đúng hơn phải gọi là sự bày tỏ và công bố ra những điều đã được mạc khải.

3 - Về loại mạc khải này, ma quỷ rất có thể xen mình vào. Bởi lẽ các mạc khải loại này thường thể hiện qua lời nói, hình hài hay những thứ tương tự vv. . nên ma quỷ dễ bắt chước hơn nhiều so với các mạc khải thuộc tâm linh thuần tuý. Do đó, nếu trong loại mạc khải thứ nhất và thứ hai mà chúng ta đang bàn ở đây có điều gì đó được mạc khải cho chúng ta liên quan tới đức tin nhưng mới mẻ và khác biệt thì chúng ta hoàn toàn không được ưng thuận, cho dầu rất hiển nhiên là mạc khải ấy được nói do một vị thiên sứ từ trời. Thánh Phaolô đã nói: "Nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!" (Gl 1,8).

4 - Bởi lẽ chẳng còn một tín điều nào phải mạc khải thêm về nội dung đức tin của chúng ta ngoài những điều đã mạc khải cho Hội Thánh, nên chẳng những không được nhìn nhận những gì mới được mạc khải cho linh hồn có liên can đến đức tin, mà vì cẩn trọng, linh hồn còn phải bác bỏ những thứ tạp nham khác có dính líu. Để bảo toàn sự tinh tuyền thích đáng của đức tin, dù cho nay ta được mạc khải lại một lần nữa những sự thật từng được mạc khải thì không vì lý do chúng mới được mạc khải mà ta tin, nhưng chỉ tin vì chúng đã từng được mạc khải đầy đủ cho Hội Thánh. Hãy nhắm đôi mắt trí hiểu lại trước mạc khải mới này và hãy chỉ cậy dựa vào giáo lý và đức tin của Hội Thánh, đức tin mà theo lời thánh Phaolô là "do nghe nói" (Rm 10,17). Muốn tránh bị lừa gạt, linh hồn không được uốn nắn lòng tin và trí hiểu theo những điểm thuộc đức tin mới được mạc khải lại - dầu chúng có vẻ rất thích hợp và chân thật. Bởi lẽ để lừa gạt và gieo được những điều dối trá, trước tiên ma quỷ lôi kéo người ta bằng những sự thật và những chuyện giống hệt như thật để người ta an lòng, rồi sau đó mới giở trò. Giống như trường hợp cái giùi để khâu da. Vì bền chắc nên cái giùi sẽ đi qua trước sau đó đến sợi chỉ mềm yếu và sợi chỉ mềm này sẽ không qua được nếu không được cái giùi dẫn lối.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 26: Loại mạc khải thứ nhất (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 26
LOẠI MẠC KHẢI THỨ NHẤT * (tiếp theo)

17 - Về những phỉnh gạt ma quỷ có thể làm và đang làm trong những nhận thức và hiểu biết này thì có nhiều điều để nói, vì những cạm bẫy ở đây rất nguy hiểm và ngụy trang rất tài tình. Bằng những gợi ý ngấm ngầm, nó đề ra cho linh hồn đủ thứ nhận thức thuộc trí hiểu và khiến chúng in sâu vào linh hồn cách mãnh liệt tới mức có vẻ như không thể nào khác được và nếu linh hồn thiếu khiêm nhường và thận trọng, chắc chắn sẽ nhẹ dạ tin theo cả ngàn lời dối trá. Bởi lẽ sự gợi ý ngấm ngầm đôi khi ập xuống rất mãnh liệt trên linh hồn nhất là khi giác quan yếu đuối buông xuôi, ma quỷ khiến cái nhận thức ấy ùa vào linh hồn cách mãnh liệt, đầy thuyết phục và chắc nịch, linh hồn cần phải cầu nguyện thật nhiều và dùng hết sức mình để đẩy lùi nó. Đôi khi ma quỷ phơi bày ra một cách sai lạc nhưng lại có vẻ rõ như ban ngày, phơi bày những tội lỗi của kẻ khác, những lương tâm xấu xa, những linh hồn hư đốn, tất cả chỉ nhằm bôi nhọ và cố ý làm cho thiên hạ vạch trần các nết xấu ấy ra thật lộ liễu để người ta càng thêm phạm tội. Chúng làm cho các linh hồn này tưởng mình đầy nhiệt tình dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa để cầu cho những kẻ tội lỗi kia. Thực ra đôi khi Thiên Chúa cũng tỏ bày cho các linh hồn thánh thiện biết nhu cầu của những người bên cạnh để họ cầu xin Thiên Chúa cứu giúp cho những người này. Chúng ta đọc thấy chuyện Thiên Chúa bày tỏ cho ngôn sứ Giêrêmia cái nhược điểm của ngôn sứ Baruch nhằm dạy dỗ ông này về điểm ấy (x. Gr 45,3). Tuy nhiên ma quỷ cũng rất thường xuyên làm như vậy một cách sai lạc nhằm đưa đến những sự bôi nhọ, tội lỗi và nản lòng. Chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm về những chuyện ấy. Còn lắm lần nữa, ma quỷ lại in sâu vào linh hồn những nhận thức khác và khiến linh hồn tin vào chúng.

18 - Dù những nhận thức trên có đến từ Thiên Chúa hay không, nếu linh hồn muốn bám víu vào chúng, chúng cũng chỉ có thể giúp ích rất ít trong việc đưa linh hồn tiến tới Thiên Chúa. Nếu linh hồn không chăm lo loại trừ chúng thì không những chúng sẽ cản trở mà còn gây nhiều thiệt hại và sai lầm trầm trọng cho linh hồn. Tất cả những nguy hiểm và bất tiện có thể phát sinh từ những nhận thức siêu nhiên đã bàn từ trước tới đây, đều có thể xảy ra ở đây và còn nhiều hơn nữa là đàng khác.

Vì thế, tôi sẽ không nói dài hơn nữa về điểm này. Những chỉ dẫn tôi đã đưa ra nơi các chương trước tưởng cũng đã đủ. Tôi chỉ xin nói rằng phải luôn tỉnh táo loại trừ những thứ nhận thức ấy và nên khao khát được tiến đến hiệp nhất với Thiên Chúa qua sự không biết gì. Linh hồn phải luôn nói rõ cho cha giải tội (hay vị linh hướng) của mình biết, đồng thời phải luôn nghe lời ngài chỉ dạy. Vị này cần dạy cho linh hồn mau chóng vượt lên trên những chuyện ấy, đừng đặt nặng, vì trên con đường nên một với Thiên Chúa, những chuyện ấy chẳng hề quan trọng gì. Thiên Chúa muốn tạo cho linh hồn kết quả nào qua những truyền đạt ấy thì chính Ngài sẽ làm, chẳng cần linh hồn phải bận tâm hay cố gắng gì.

Thành ra ở đây không cần gì phải bàn đến sự khác nhau giữa các hệ quả của những truyền đạt chân chính và các hệ quả của những truyền đạt sai lạc. Chuyện ấy chỉ khiến bạn đọc mệt mỏi và sẽ chẳng bao giờ nói cho cùng. Bởi lẽ các hệ quả của những chuyện nói trên thì không thể thâu tóm vào một đôi lời vắn tắt vì những nhận thức như thế rất nhiều và rất khác nhau nên các hậu quả của chúng cũng vậy, những nhận thức tốt gây nên hoa quả tốt, những nhận thức xấu tạo ra hậu quả xấu vv... Thiết tưởng chỉ cần bảo phải loại trừ tất cả là đã nói đủ để giúp tránh khỏi bị phỉnh gạt.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 26: Loại mạc khải thứ nhất (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 26
LOẠI MẠC KHẢI THỨ NHẤT * (tiếp theo)

13 - Ngoài những nếp quen hay các ơn “ban không” ấy, những người hoàn thiện hoặc những kẻ đã tiến xa trên đường hoàn thiện thường rất hay nhận được ơn soi sáng hoặc ơn biết được những điều có trước mắt hoặc không có đó. Họ biết được là nhờ tâm linh họ đã được soi sáng và thanh luyện. Sách Châm Ngôn có nói về điều ấy như sau: "Nước phản chiếu khuôn mặt, tâm tư phản ánh con người" (Cn 27,19). Tựa như mặt nước biểu lộ khuôn mặt người soi mình trong nó, lòng người cũng lộ ra trước mắt những người khôn ngoan. Những người khôn ngoan nói đây là những người đã đạt đến sự minh triết của các thánh nhân mà Kinh Thánh gọi là sự khôn ngoan (x. Cn 9,10). Đôi khi các vị này cũng nhận biết được những chuyện khác theo cách này nhưng không phải luôn luôn theo ý họ muốn vì điều này chỉ dành cho những ai có nếp quen, mà cũng chẳng phải mọi lúc trong mọi vấn đề vì còn phải tùy theo ý Thiên Chúa muốn ban cho mới được.

14 - Nên biết rằng những người mà tâm linh đã thanh tẩy thì, kẻ ít người nhiều, một cách tự nhiên có thể rất dễ dàng biết được những điều người khác đang lo nghĩ, cùng các khuynh hướng và tài năng của kẻ khác, qua những dấu chỉ bên ngoài dù rất nhỏ nhặt, chẳng hạn những lời nói, cử chỉ hay các dấu hiệu khác. Ma quỷ thuộc giới tâm linh nên có thể biết những điều ấy thì người sống theo tâm linh cũng thế, như lời Thánh Tông đồ có nói: "Người sống theo tâm linh xét đoán hết mọi sự" (1Cr 2, 15). Chỗ khác ngài nói: "Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa" (x. 1Cr 2, 10). Do đó dầu về mặt tự nhiên, người sống theo tâm linh không thể biết các tư tưởng hay những gì ở trong tâm giới song họ vẫn có thể hiểu rõ chuyện đó nhờ sự soi sáng siêu nhiên hay nhờ các dấu chỉ. Dù nhiều khi họ bị sai lầm trong việc nhận biết qua dấu chỉ, nhưng thông thường phỏng định của họ là đúng. Dầu thế, vẫn không được tin cậy nhận thức này hay nhận thức kia bởi ma quỷ thường hay dây mình vào chuyện này rất nhiều và rất tinh tế, như chúng tôi sắp đề cập, do đó vẫn phải luôn từ chối các nhận thức này.

15 - Về chuyện những người sống theo tâm linh có thể nhận biết các sự kiện và biến cố về những con người vắng mặt chúng ta có được một chứng cứ và tỉ dụ trong sách các Vua quyển II (5,26), chuyện Giêkhazi, đồ đệ của thánh phụ Êlisa của chúng ta. Anh này đã muốn giấu thánh phụ số tiền y đã nhận của Naaman người Syria. Thánh phụ liền bảo anh ta: "Trí ta đã chẳng ở đó khi có người xuống xe gặp mày sao?" (2V 5,26). Điều này đã xảy ra về mặt tâm linh khi người ta nhìn thấy nơi tâm hồn các sự việc như thể chúng đang diễn ra trước mặt. Ta có thể minh chứng bằng một điển cứ khác cũng trong cuốn sách nêu trên và cũng với thánh phụ Êlisa. Biết được tất cả những gì vua xứ Syria đã bí mật bàn bạc với các hoàng thân, ngài đã nói cho vua Israel hay, do đó những âm mưu ấy hóa ra vô hiệu. Khi thấy người ta đã biết hết cả, vua Syria liền bảo quần thần: "Chẳng lẽ các ngươi không báo cho ta biết ai trong chúng ta đã bỏ theo vua Israel sao?" Một người trong nhóm thuộc hạ đáp: "Thưa đức vua, chúa công tôi, chẳng có ai đâu! Chính ông Êlisa, ngôn sứ của Israel, đã cho vua Israel biết những lời ngài nói trong phòng ngủ của ngài" (2V 6,11-12).

16 - Cả hai loại nhận thức nêu trên cũng như những loại khác đều xảy đến cho linh hồn một cách thụ động mà linh hồn chẳng phải đóng góp phần gì của nó cả. Có người đang lơ đãng chẳng bận tâm gì tới chuyện đó bỗng dưng có được sự hiểu biết sống động về những gì nghe hay đọc, còn rõ hơn cả âm vang lời nói nhiều. Đôi khi dù chúng được nói bằng tiếng Latin là thứ ngôn ngữ người ấy chẳng biết - thì người ấy vẫn nhận thức được ý nghĩa những lời đó.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 26: Loại mạc khải thứ nhất (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 26
LOẠI MẠC KHẢI THỨ NHẤT * (tiếp theo)

11 - Loại nhận thức thứ hai hay còn gọi là những thị kiến về những sự thật bên trong thì rất khác biệt với loại nhận thức chúng tôi đã nói [Xem số 3 trên đây và chương 25] bởi chúng liên can đến những điều thấp kém hơn Thiên Chúa. Loại này bao gồm những nhận thức về sự thật liên can đến bản chất mọi sự cũng như nhận thức về những sự kiện và tình huống xảy đến giữa loài người. (Chúng biểu hiện thế nào?)

Những sự thật này được ban thẳng vào nội tâm không cần phải có ai nói năng dạy bảo và một khi đã được tỏ ra cho linh hồn liền in sâu vào đó. Dù người ta có nói cho linh hồn điều gì khác thì tự thâm sâu nó vẫn không thể tán đồng, dù chính nó có cố gắng mấy đi nữa cũng vậy. Phần tâm linh sẽ nhận ra ngay chỗ không ổn nơi những gì người ta nói, chẳng khác nào linh hồn đã được trông thấy sự thật tỏ tường rồi vậy. Điều này thuộc về ơn tiên tri và thứ ân sủng mà thánh Phaolô gọi là "ơn phân biện các thần trí" (1Cr 12,10).

Dù linh hồn xem điều nó hiểu là rất vững chắc và chân thực, như đã nói trên, và dù nó không thể nào dứt được sự ưng thuận nội tâm một cách thụ động, thế nhưng đối với những gì vị linh hướng của mình nói, dù có rất ngược với những gì nó cảm thấy, nó vẫn phải tin, phải bắt lý trí phục tùng và phải làm theo lệnh ngài. Đó là cách để linh hồn được hướng dẫn tới chỗ nên một với Thiên Chúa qua đức tin, vì linh hồn tiến được tới sự nên một bằng tin nhiều hơn là bằng hiểu biết.

12 - Về cả hai loại nhận thức trên trong Kinh Thánh có nhiều chứng cứ. Đối với nhận thức tâm linh mà người ta có thể có được về các sự vật, sách Khôn Ngoan viết: "Chính Người đã khấng ban cho tôi tri thức xác thực về những gì đang hiện hữu để tôi thấu hiểu cơ cấu của vũ trụ và năng lực của các nguyên tố tạo thành, thấu hiểu về thời gian từ khởi thủy, qua các thời đại, và cho đến tận cùng của nó, thấu hiểu về thời tiết chuyển vần, về các mùa thay đổi, thấu hiểu về chu kỳ năm tháng, về vị trí tinh tú trên trời, thấu hiểu bản tính các sinh vật và bản năng các loài dã thú, thấu hiểu các mãnh lực thần thiêng và các tư tưởng của con người, thấu hiểu các loài thảo mộc và công hiệu của rễ cây. Mọi sự tiềm ẩn và mọi sự trông thấy được, tôi đều biết hết. Vì chính người thợ làm ra muôn vật muôn loài đã chỉ dạy cho tôi. Người thợ ấy chính là Đức Khôn Ngoan" (Kn 7,17-21).

Nhận thức về mọi sự mà nhà hiền triết bảo rằng Thiên Chúa đã ban cho ông là nhận thức thiên phú và tổng quát. Tuy nhiên ta cũng có thể dựa vào trích đoạn ấy để nói về mọi nhận thức khác mà Thiên Chúa tuôn đổ cách riêng vào linh hồn qua nẻo siêu nhiên khi Ngài muốn. Chẳng phải là Thiên Chúa ban cho các linh hồn cái “nếp quen” tổng quát như đã ban cho nhà hiền triết Salômôn nơi những điều kể trên, nhưng đôi khi Ngài biểu lộ cho họ vài sự thật về một điều nào đó trong tất cả những điều nhà hiền triết kể lại trên đây.

Mặc dù thực sự Chúa chúng ta có tuôn đổ cho nhiều linh hồn những nếp quen để biết được nhiều điều thì cũng chẳng bao giờ chúng có tính bao quát như nếp quen đã từng được ban cho vua Salômôn. Đàng khác, các ơn Chúa ban rất đa dạng. Giữa các ơn ấy thánh Phaolô kể đến: ơn khôn ngoan, hiểu biết, đức tin, ơn ngôn sứ, ơn cẩn trọng còn gọi là ơn nhận rõ các thần trí, ơn hiểu các ngôn ngữ, ơn công bố lời vv... (1Cr 12,8-10). Tất cả những nhận thức ấy đều là những nếp quen thiên phú được Thiên Chúa “ban không” cho những ai Ngài muốn, khi thì theo cách tự nhiên, khi thì theo cách siêu nhiên. Theo cách tự nhiên như trường hợp Balaam và những ngôn sứ thờ ngẫu tượng khác, cũng như nhiều bà bói toán xưa đã được ban ơn nói tiên tri. Còn theo cách siêu nhiên thì chẳng hạn trường hợp các thánh ngôn sứ, các tông đồ và các vị thánh khác.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 26: Loại mạc khải thứ nhất (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 26
LOẠI MẠC KHẢI THỨ NHẤT * (tiếp theo)

6 - Hẳn nhiên, ma quỷ rất có thể chơi trò bắt chước như khỉ, bằng cách đề ra cho linh hồn một số điều gì đó có vẻ cao cả và dễ thỏa mãn giác quan, rồi thuyết phục linh hồn rằng đó chính là Thiên Chúa, thế nhưng những nhận thức loại này không cách nào thâm nhập được vào bản thể linh hồn để bất chợt đổi mới linh hồn và khiến nó yêu thương say đắm như những gì thuộc về Thiên Chúa vẫn làm. Trong những gì Thiên Chúa thực hiện nơi bản thể linh hồn, một số nhận thức và vuốt ve âu yếm khiến linh hồn được phong phú đến nỗi chỉ một động tác thôi cũng đủ để dứt khoát kéo linh hồn ra khỏi tất cả những bất toàn mà có lẽ suốt cả một đời nó không sao loại bỏ nổi, và hơn thế nữa, còn đổ đầy cho linh hồn các nhân đức và ơn lành của Thiên Chúa.

7 - Những cái chạm nhẹ ấy còn dịu ngọt và hoan lạc đối với linh hồn tới nỗi chỉ nguyên một cái thôi cũng đủ đền bù rộng rãi cho mọi nỗi nhọc nhằn linh hồn từng chịu trong cuộc đời của nó, dù những nhọc nhằn ấy nhiều không sao đếm xuể. Linh hồn được trở nên mạnh mẽ và hăng say chịu đựng biết bao điều vì Thiên Chúa đến nỗi dường như hết sức đau khổ khi thấy mình chẳng được chịu đau khổ nhiều.

8 - Linh hồn không thể nào đạt tới những nhận thức cao cả ấy bằng bất cứ lối so sánh hay tưởng tượng nào của riêng nó, bởi lẽ những nhận thức ấy vượt trên mọi so sánh và tưởng tượng. Thật vậy, Thiên Chúa thực hiện những nhận thức ấy nơi linh hồn mà chẳng cần đến sự khéo léo của nó. Lắm lúc, chính vào lúc linh hồn ít nghĩ tới và ít nhắm đến điều ấy hơn cả thì Thiên Chúa lại thường ban cho nó những vuốt ve âu yếm thần linh này để nhắc nó nhớ đến Ngài. Cũng lắm lúc những cái chạm nhẹ này đến với linh hồn thật bất ngờ, hoặc do nó nhớ lại một đôi điều gì đó, hoặc do những chuyện rất nhỏ bé. Những vuốt ve ấy rất bén nhạy, đến nỗi đôi khi không những chúng khiến linh hồn mà cả thân xác cũng phải run rẩy. Lắm lúc, chúng lại lẻn vào cái cõi tâm linh thật an tịnh không mảy may máy động, và khiến tâm linh đột nhiên cảm thấy thật hoan lạc và tươi trẻ.

9 - Lại có lắm lần, chỉ qua một lời nói nào đó hay một câu nói nghe được từ Kinh Thánh hay từ một chuyện khác đã có những chạm nhẹ ấy. Thế nhưng không phải lúc nào chúng cũng mang lại cùng một hiệu quả và một tâm tình như thế, bởi nhiều khi chúng rất yếu ớt, tuy nhiên, dù yếu ớt mấy đi nữa thì chỉ một trong những tưởng nhớ và vuốt ve âu yếm của Thiên Chúa đối với linh hồn, vẫn có giá trị hơn hẳn nhiều hiểu biết và nhận định về các thụ tạo và các công trình của Thiên Chúa. Bởi lẽ các nhận thức này được ban cho linh hồn cách đột ngột, không do sự tính toán của nó, linh hồn chẳng cần quan tâm đến việc muốn hay không muốn mà chỉ nên khiêm nhường và nhẫn nại đối với chúng vì Thiên Chúa sẽ thực hiện công việc của Ngài vào lúc và theo cách Ngài muốn.

10 - Về các nhận thức này tôi không bảo chúng ta phải lãnh đạm với chúng như với những nhận thức khác đã nói trước đây [Xem số 5 của chương này], bởi lẽ chúng là một phần của sự nên một mà chúng tôi đang dẫn đưa linh hồn đến. Chính vì sự nên một ấy mà chúng tôi dạy linh hồn phải trở thành trơ trụi và tách mình khỏi mọi thứ nhận thức khác. Phương thế để được Thiên Chúa ban cho ơn hiệp nhất ấy là lòng khiêm nhường, biết chịu đựng đau khổ vì Chúa, yêu mến Chúa và khước từ mọi phần thưởng. Các hồng ân này không dành cho những linh hồn tham lam. Chúng phát sinh từ một tình yêu rất đặc biệt mà Thiên Chúa chỉ dành cho linh hồn nào biết yêu mến Ngài bằng một trái tim vô vị lợi. Đó là điều Con Thiên Chúa muốn nói lên trong Tin Mừng thánh Gioan khi Ngài phán: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy" (Ga 14,21). Đây chính là những nhận thức và vuốt ve âu yếm chúng tôi đã nói - mà Thiên Chúa vẫn ban cho linh hồn nào thực sự yêu mến Ngài.

+ (Trên đây là nói về loại nhận thức liên can tới Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa).

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)