Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

Chuyện Người Chèo Thuyền (6)

6.

Mặt trời đã lên rất cao. Dòng sông như cũng đang hâm hấp nóng. Nhân cột thuyền vào gốc cây. Đã đến giờ lo chuyện cơm nước rồi.

Nhân nhen cái bếp lò ở sau khoang thuyền nan, trong lúc đợi củi cháy đượm, Nhân đong mấy chén gạo thơm của thím Ba mới cho hôm trước vào nồi, vò gạo và đặt lên bếp. Nồi cơm dùng để ăn cả ngày, như thế đỡ công nấu nướng. Nhân làm sạch mấy con cá mới câu được, ướp gia vị, rồi quay sang nhặt mớ rau mua sẵn để trong mui. Vậy là đủ cho ngày hôm nay. Nhân nghĩ bụng mà tức cười. Con người ta cứ phải ăn mới sống được. Mà ăn xong thì tiêu hoá, tiêu hoá hết thì lại đói. Đói lại phải ăn. Đôi lúc Nhân nghĩ cái ăn nó như một chiếc thòng lọng mắc sẵn nơi cổ con người. Lắm người vì cái ăn mà sinh ra đủ điều tệ hại. Giá như con người không ăn mà sống thì có tốt hơn không? Nhưng nghĩ lại Nhân thấy mình suy nghĩ như thế không ổn, vì cái gì có sự sống thì cũng phải ăn cả, ngay cái cây kia muốn sống cũng phải hút chất dinh dưỡng cơ mà. Như vậy ăn đâu phải là điều tệ hại, chỉ có ăn ra sao để đừng trở nên tệ hại thôi.

Nồi cơm đã cạn. Mùi gạo thơm bốc lên thật quyến rũ. Cái chuyện ăn cơm cũng lạ nữa. Hễ cứ ăn thịt ăn cá liên tục mấy bữa đã thấy ngán, vậy mà ăn cơm hết tháng này qua năm nọ vẫn cứ thấy ngon. Nhất là cái nồi cơm gạo thơm kia, chỉ ngửi mùi thôi mà đã thấy ngon miệng rồi. Nếu ăn cơm mà cũng ngán như ăn cá ăn thịt thì Nhân nghĩ không biết phải xoay xở ra sao nữa. Khi ấy có lẽ việc ăn uống sẽ trở thành một tai hoạ thật sự. Cho nên cuộc đời có lý lẽ của nó, nếu mình nghĩ đời vô lý là bởi mình chưa tìm ra cái lý của nó đó thôi.

Đang mãi mê suy nghĩ vòng vo thì có tiếng ca cải lương lẫn tiếng máy ghe từ xa vọng lại. Dân Nam bộ rất khoái cải lương, nhất là những người ngày đêm lênh đênh trên sông nước. Lát sau, một chiếc ghe lớn chở đầy cây tràm nước từ miệt dưới chạy lên. Đây là ghe buôn cừ tràm từ miền Tây chở về thị trấn bỏ mối. Thân cây tràm chặt khoảng ba, bốn thước làm cừ, nghe đâu đóng sâu xuống mặt đất, nếu có nước ngập hoài thì bao nhiêu năm cũng không mục. Nhân nghe nói cừ bằng gốc tre già còn tốt hơn cừ tràm nữa. Có những gốc tre tươi đóng xuống đất hằng mấy chục năm mà vẫn y nguyên không hề hấn gì. Nghĩ tới tre, Nhân đâm ra nhớ thôn làng xưa với lũy tre xanh rợp bóng bao quanh. Bước chân tới cổng làng, thấy lũy tre xanh là thấy lòng mình dịu lại. Nhân thấy lũy tre xanh bao quanh làng sao mà giống mái tóc thề của các cô thôn nữ quá. Mái tóc thề của cô thôn nữ làm chàng nhớ lại mái tóc của bà mẹ quê. Bà mẹ quê nào cũng có một thời từng là thôn nữ, cũng đã tung tăng xoã mái tóc thề vờn bay trong gió nội hương đồng. Bây giờ thôn làng vắng dần bóng dáng lũy tre xanh, các cô thôn nữ cũng dần cắt ngắn mái tóc thề. Thôn làng chuyển mình trở thành thị tứ. Các cô thôn nữ tập tành lối sống của thị dân. Thành thị cũng tốt thôi. Nhưng Nhân vẫn cảm thấy buồn buồn, nhất là khi nghe Quang Linh hát bài Chân Quê phổ thơ Nguyễn Bính: "... Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.". Nhân buột miệng lẩm bẩm: "Bay đi quá nhiều chứ ít ỏi gì nữa!".

***

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2008

Phế Tích

Ảnh chụp tại Huế, 06.2008

Ngày xưa rồng phượng kiêu sa,
Bây giờ rồng phượng đã ra điêu tàn.
Công danh chợt đến, chợt tan!
.

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2008

Chuyện Người Chèo Thuyền (5)

5.

Uống cạn bình trà thứ nhì, Nhân chào Quan rồi quay trở lại con thuyền tiếp tục chuyến đi. Chàng đẩy nhẹ chiếc thuyền nan ra khỏi cây cầu khỉ, quay mũi thuyền và chèo thuyền về phía trước. Mặt trời đã lên khá cao, nắng sáng loá cả dòng sông trước mặt. Con sông phản chiếu nắng mai ngời lên giữa hai hàng cây xanh ven bờ. Ánh vàng chấp chới trên mặt nước cứ như ai rắc kim tuyến trên dòng sông trông thật đẹp mắt.

Nhân chui vào mui thuyền, móc mồi vào chùm câu giăng rồi thả dài ra sau thuyền. Luôn tiện chàng mở radio. Đài đang phát bản concerto Bốn Mùa của Vivaldi. Tiếng nhạc vang lên vui vẻ. Âm thanh nhún nhảy trên con thuyền của chàng như trên một sàn khiêu vũ. Tiếng nhạc mang lại không khí mùa xuân dù bây giờ đang mùa lập đông. Quả thật âm nhạc có sức mạnh lạ lùng của nó, nó có thể khiến ta vui tưng bừng và cũng có thể làm ta buồn não nuột. Có lẽ âm nhạc đến từ trời cao nên nó kỳ diệu như thế. Nhân tự hỏi thế giới này sẽ ra sao nếu không còn âm nhạc. Rồi chàng tự thấy mình ngớ ngẩn, vì làm gì có chuyện âm nhạc biến mất trên cõi đời này. Bao lâu con người còn sống thì bấy lâu còn âm nhạc. Chỉ có điều, con người làm cho âm nhạc trở nên thanh cao hay biến nó thành cục mịch thôi. Nghe một số chương trình ca nhạc phát trên đài, Nhân có cảm tưởng nhiều người đang làm cho âm nhạc trở thành con vịt què xấu xí chứ không còn là con thiên nga quyến rũ đáng yêu nữa.

Thuyền nan vẫn từ từ tiến lên. Nắng rải vàng khắp dòng sông và khung cảnh hai bên bờ. Rồi một đám mây bay ngang che ánh mặt trời, làm dòng sông dịu mát lại. Bản concerto chuyển sang những cung nhạc buồn. Bốn mùa xuân hạ thu đông nối tiếp nhau được nhà soạn nhạc chuyển tải một cách tài tình. Vui rồi buồn, hết buồn lại vui. Đời người cũng có bốn mùa tiếp nối tương tự như bốn mùa của trời đất. Từ mùa xuân của ngày được sinh ra làm người đến mùa đông của tuổi chuẩn bị qua đời là một bản concerto hùng tráng, vui buồn đan xen nối tiếp nhau. Mỗi người là một nghệ sĩ tài ba dệt nên hoà tấu khúc của đời mình. Làm thế nào để khi tiếng nhạc dứt rồi, âm hưởng của nó vẫn còn đọng lại trong lòng người.

Ánh mặt trời lại chiếu gay gắt. Nhân tấp thuyền vào bóng cây ven bờ, lần tay kéo chùm câu giăng. Mấy con cá dính câu quẫy đuôi dẫy dụa. Nhân gỡ cá cho vào cái lờ nhỏ treo lưng chừng mặt nước bên hông ghe. Có con cá khá lớn vùng vẫy dữ dội. Nhân cẩn thận gỡ nó ra. Thì ra nó tham ăn đến độ tợp luôn một con cá nhỏ khác đã mắc câu, kết cuộc cả hai đều mang hoạ. Không biết con cá nhỏ có báo động gì cho con cá lớn kia không. Hay có báo động mà con kia chẳng thèm để tâm. Nhân không phải là cá nên chàng đành chịu thua không tự trả lời được.

***

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2008

Chuyện Người Chèo Thuyền (4)

4.

Quan bưng cái khay trà ra. Bộ đồ trà của Quan tráng men màu xanh biếc, trông bắt mắt và sang hơn bộ đồ trà của Nhân, nhưng Nhân vẫn có cảm giác uống trà bằng chén đất nung thú vị hơn. Con người ta thật là rắc rối, mỗi người mỗi sở thích. Nếu ai cũng nhất quyết bảo vệ cho bằng được sở thích của mình thì thật là khó sống.

Quan rót một ít nước sôi tráng bình và hai chén trà cho nóng, rồi cho trà vào pha một bình thật đậm. Hương trà bốc lên rất dễ chịu. Cái hơi nóng bốc lên từ bình trà tạo cảm giác thanh thoát. Cứ lúc nào ngồi trước một bình trà đang bốc hơi là Nhân đều cảm thấy thoải mái như thế. Hèn gì các cụ nhà ta ngày trước ưa đàm đạo bên bàn trà. Các cụ cũng có lúc vui vầy bên chung rượu, nhưng chắc các cụ uống rượu khác với cung cách dô trăm phần trăm mà Nhân vẫn thấy nơi các quán nhậu ngày nay.

Nhân bưng chén trà lên, để hương trà toả vào mũi, rồi nhấp một ngụm nhỏ, cho vị trà đậm đà ngấm dần vào cuống họng. Chàng hỏi bạn:
- Dạo này má cậu có khoẻ không?
- Bà cụ vẫn khoẻ. Thỉnh thoảng nhớ nghề, bà vẫn ngồi đan bàng.

Má Quan đang ở với vợ con Quan trong xóm. Đất vườn nhà Quan khá rộng, do ba má Quan tạo lập đã lâu. Lúc ba Quan còn sống, ông chăm chút cái vườn rất kỹ, mấy gốc cây ăn trái năm nào cũng trĩu cành, rau ráng thì xanh mướt. Sau khi ông qua đời, nhiều cây tàn héo dần. Người ta nói đôi khi cây cối quen hơi người, khi người chăm sóc ra đi, cây cối buồn rũ và chết. Nhân nghĩ có lẽ khi chăm sóc, người đã chuyền cái điện âm dương của mình vào cây như kiểu người ta sạc bình accu. Khi không còn được sạc, cây mất điện âm dương mà chết. Chẳng biết có hợp lý không. Nhưng trong thực tế Nhân đã chứng kiến mấy trường hợp như thế. Con người ta với vạn vật có liên hệ mật thiết với nhau thì đồng cam cộng khổ cũng chẳng có gì lạ.

Hồi trước xóm này chuyên nghề đan bàng. Họ vừa trồng bàng vừa đi mua thêm bàng ở các làng lân cận về để đan giỏ và chiếu. Người ta gọi cái giỏ bàng là cái tụng. Cọng bàng dài và tròn, phải giã cho dập dẹp ra, sau đó phơi khô rồi đan. Đan chiếu bàng thì gọi là đương đệm. Cái âm thanh giã bàng trong đêm nghe trầm bỗng như tiếng đàn t'rưng. Nhất là những đêm sáng trăng, tiếng trầm bỗng vang lên khắp xóm cứ như âm thanh ngày hội. Trước kia, nghe người ta hát: "Tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng lòng tôi", Nhân cứ thắc mắc không biết người ta giã trái bàng ra để làm gì mà giã nhiều thế. Sau này Nhân mới biết là mình lầm to. Thế mới rõ là trong cuộc đời cái mình chưa biết nó mênh mông dường nào.

Tụng và đệm bàng tuy quê mùa dân dã nhưng cũng có lắm điều hay. Đệm bàng nằm rất dễ chịu, trời nóng thì đệm mát mà hút mồ hôi, còn trời lạnh thì nó cũng giữ hơi ấm, không như chiếu nylon, nóng thì càng nóng thêm và lạnh thì càng nghe lạnh tanh. Có vẻ vô tình lắm. Tụng đệm xài hư cứ đem quẳng sau hố rác, ít lâu sau nó mục thành phân, đem bón cây cũng tốt. Tiếc một điều là lúc này người ta ít xài tụng đệm bàng vì trông nó nhà quê quá. Họ khoái xài đồ nylon hơn. Nhưng đồ nylon xài hư rồi thì vất đâu nằm đấy, một hồi đầy cả vườn, không biết lúc nào mới rã ra. Rồi cái nylon cũng làm cho xóm đương đệm phải điêu đứng. Ngày nay chẳng còn mấy ai biết giã bàng đương đệm nữa. Kể cũng tiếc thật.
***

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2008

Chuyện Người Chèo Thuyền (3)

3.

Gió thổi hiu hiu thật dễ chịu. Nhân nhanh tay chèo thêm một chút. Mặt trời bắt đầu lên cao, mấy tia nắng chiếu nghiêng nghiêng qua mũi thuyền, vẽ một cái bóng hơi dài xuống mặt nước. Thuyền đi tới đâu, cái bóng theo tới đó. Quả là như hình với bóng, chẳng chịu rời nhau. Có khi nào cái bóng bỏ rơi cái hình không nhỉ, như trong cuốn truyện dịch "Người Mất Bóng" của tác giả nào mà Nhân không nhớ nổi. Cái chuyện cũng ngộ, có một người đồng ý bán bóng mình cho quỷ, rồi từ đó bao nhiêu điều rắc rối xảy ra cho anh ta. Kết thúc như thế nào Nhân cũng quên mất tiêu. Thật là tệ!

Qua hết cánh đồng năn, có một con đê, đúng hơn là một cái bờ đắp chạy xuôi vô đất, vừa làm bờ vừa làm đường đi. Phía bên này bờ, đất cao hơn, người ta phân thành những ô ruộng bàng. Cây bàng mọc san sát, xanh um. Cứ cách một quãng , người ta lại đắp một con bờ để phân lô và để đi lại. Có khói bốc lên từ xa xa. Có khói là có lửa, vì không có lửa làm sao có khói? Và có lửa là có người nhóm lửa, trừ trường hợp thiên lôi đánh bốc lửa mà thôi.

Quả thật, chèo một lúc thì đã thấy có xóm nhà lác đác ở phía sâu trong đất. Chắc họ là chủ mấy đám ruộng bàng kia. Khói bốc lên từ nhà bếp của một căn nhà nọ. Nhân thấy nhiều người lớn con nít lăng xăng trước cửa, nhưng xa quá nên không biết họ đang làm gì. Có khi nào họ lo cưới hỏi hay tang ma gì chăng? Ở nhà quê, hễ nhà nào có việc là y như cả xóm xúm lại, mỗi người một tay, không cần phải nhờ vả mời mọc gì. Kể cũng sướng. Chẳng lúc nào thấy mình đơn độc cả.

Xa hơn một chút, nhà cửa bắt đầu đông đúc hơn. Đất ở vùng này cao dần lên, người ta cất nhà dọc hai bên bờ kênh, làm vườn, trồng rau ráng và cây ăn trái. Hầu như nhà nào cũng có nuôi một ít gà vịt, có nhà còn nuôi thêm heo. Còn chó thì khỏi nói, ở nhà quê mà không nuôi chó thì hình như thiếu một cái gì đó. Không biết có tương tự như ăn phở mà thiếu hành không nữa.

Chèo thêm một đoạn, Nhân tấp thuyền vào một cái bến ghe. Nói là bến cho oai, chứ thật ra đó là một cầu khỉ bắc doi ra bờ kênh. Trên bờ là cái chợ chồm hổm. Bà con cứ tụ lại buôn bán lâu mà thành. Nhân hay ghé vào quán xép góc chợ để uống nước và tán dóc. Uống nhiều đâm ra quen mặt, thành ra khách ruột của chủ quán. Mà tay chủ quán tên Quan này cũng lạ, chịu khó pha cà phê phin, chứ không bán cà phê kho như mấy quán cóc khác. Kể ra uống cà phê kho thì chán thật, người ta bưng ly cà phê pha sẵn ra, có nơi còn cho sẵn đường, khách chỉ việc khuấy lên rồi uống. Chẳng thú vị chút nào cả. Đã vậy mà mấy nhà máy còn chế ra loại cà phê hoà tan, uống vào thấy chẳng giống cà phê chút nào, cũng chẳng thấy phê .

Thấy Nhân, Quan vui vẻ chào:
- Chào cậu, mấy bữa rày tớ trông cậu quá chừng.
- Có chuyện gì không?
- Có chuyện gì đâu. Vài ngày không thấy cậu ghé là tự nhiên thấy nhớ vậy thôi. Có trà ngon mà không có cậu, tớ chẳng biết uống với ai.
- Quán ngày nào cũng đầy khách vô ra vậy mà sao cậu kén thế?
- Cái giống uống trà nó như thế đó. Uống rượu thì dễ kiếm bạn hơn. Thôi để tớ pha ấm trà nhé.

Nhân ngồi xuống cái bàn quen thuộc ở góc quán. Quán dựng bằng cây thật dân dã. Mái lợp lá dừa chằm, còn chung quanh thì thưng bằng lá dừa xé. Cái lá dừa nước coi vậy mà an toàn hơn cây tranh. Nó khó bắt lửa hơn nên cũng đỡ lo hơn. Mà sao sống ở đời cứ phải lo hết chuyện này đến chuyện khác như thế. Không biết mấy con chim ngoài đồng chúng có lo bị cháy tổ không nữa?
***

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2008

Bắt Bóng


Thôi rồi cơn cuồng mê
Tâm thần đau tái tê,
Vươn tay ra nắm lấy
Chỉ trống không thu về!

(Trích bài "Quy hồi cố quận")


***

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2008

Chuyện Người Chèo Thuyền (2)

2.

Nhân đang mãi mê với tiếng chim hót thì đột nhiên có tiếng máy nổ ở đâu vọng lại. Con chim nhỏ giật mình thôi múa hát, nó nghểnh đầu như để tìm xem tiếng động ấy phát ra từ đâu. Tiếng máy đuôi tôm lớn dần, dội bình bịch trên mặt nước. Con chim đập cánh bay đi, để rớt lại mấy tiếng hót nhí nhảnh cuối cùng.

Nhân tiếc rẻ cầm lấy mái dầm chèo thuyền đi tiếp. Chàng cảm thấy hụt hẫng như người chưa được ăn no bụng, cái cảm giác lưng lửng khiến chàng không được thoải mái. Tiếng máy đuôi tôm càng lúc càng gần. Lát sau, chiếc ghe máy đã xuất hiện phía trước mặt chàng. Đó là một chiếc thuyền buôn chở đầy các lu vại đủ cở lớn nhỏ, đỏ ửng màu đất nung. Chắc nó vừa từ làng Gốm đến. Các thuyền buôn thường mua hàng ở làng Gốm rồi chở về các chợ ven sông rạch để bán. Nước mưa chứa trong lu đất uống ngon tuyệt. Nó vừa ngọt lại vừa mát, uống đến đâu nghe đã khát đến đó. Mà cái đất sét nung thật lạ, nó cũng hợp với cả nước nóng nữa. Nhân có bộ đồ trà con con bằng gốm đỏ ửng, pha trà mộc mà nhâm nhi thì thấy khoái chí hơn cả uống trà bằng những bộ đồ trà tráng men sang trọng khác. Chàng cũng chẳng hiểu vì sao, chắc vì chàng trót mê cái màu đỏ ửng của đất nung tự bao giờ! Mà lạ thật đấy. Cầm chung trà nhỏ bốc khói trên đầu mấy ngón tay, cái cảm giác ấm áp lẫn mịn màn do đất nung mang lại thật dễ chịu. Nâng lên mũi, để cho hương thơm tự nhiên của trà mộc toả vào đầu óc rồi nhâm nhi từng ngụm trà ngọt đắng quả là một cái thú dân dã rẻ tiền mà lại rất đáng giá. Chàng có nghe nói về nghệ thuật trà đạo của người Nhật. Chàng chưa uống trà theo kiểu đó bao giờ, nhưng chàng có cảm giác là nó lễ mễ trịnh trọng quá, chắc là không hợp với tính khí của chàng.

Cái ghe máy chạy ngang qua chiếc thuyền nan của Nhân. Người đàn ông, chắc là chủ ghe, đang cầm lái. Cô vợ thì lúi húi đun nấu gì đó ở cái sàn gỗ cơi ra phía sau đuôi ghe, khói bếp bay dạt theo gió. Cô đang lo bữa sáng, hay bữa trưa? Một thằng nhóc ở trần trùng trục, da rám nắng đang vui vẻ đứng "tè" ở bên hông ghe. Nó nhe hàm răng sún lủn ra cười với Nhân. Chàng giơ tay vẫy chào cả nhà. Ông chồng cũng vẫy tay đáp trả. Người vùng sông nước giản dị thế đó, cứ gặp là giơ tay chào, không cần phải quen biết gì cả. Thích thật.

Tiếng ghe máy xa dần rồi im bặt, trả lại cho Nhân cái yên ả của thiên nhiên. Nhân vừa khua mái dầm vừa âm ử hát. Chàng hát không hay, nhưng mà cứ thích hát rỉ rả suốt ngày như thế. Hình như cứ lúc nào trong lòng chàng có một cái gì đó thì chàng lại âm ử hát. Có lẽ âm nhạc nó tuôn ra từ đáy lòng mình? Nếu mình không để cho nó tuôn ra, thì lòng mình sẽ bị ách tức mất!

Thuyền đi ngang một cánh đồng năn bát ngát. Ở vùng đất phèn, năn mọc xanh rì. Ở xa cứ ngỡ là bàng, nhưng bàng thân cứng hơn và làm được nhiều việc, còn năn thì có vẻ vô dụng hơn. Trên vạt năn rộng mênh mông, lốm đốm nhiều chú cò trắng. Lũ cò đang kiếm ăn. Nghe nói người ta không ăn thịt cò, vì tanh rình. Cò ăn cá thì thịt nó tanh chứ gì. Còn con người? Nhân tự hỏi thịt con người có mùi vị như thế nào nhỉ.
***

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2008

Chuyện Người Chèo Thuyền (1)

1.

Nhân mạnh tay khua mái dầm, chiếc thuyền nan tách ra khỏi bờ, men theo con kênh tẻ, hướng mũi ngược dòng sông Lớn. Phía trời đông, những tia sáng đầu ngày bắt đầu chiếu lên rực rỡ. Cảnh bình minh làm cho tâm hồn Nhân cảm thấy thư thái và hứng khởi. Bình minh bao giờ cũng đẹp và cũng mới. Cứ mỗi sáng thức dậy, trời đất lại trao tặng con người một vận hội mới, cho dù đó là một vận hội với nhiều thuận lợi xuôi chảy hay là một vận hội với bao thử thách trắc trở. Với Nhân, cái hấp dẫn của một ngày mới là ở đó: nó cung cấp cho chàng một chuỗi thời gian tinh khôi để chàng có thể dệt nên tác phẩm độc đáo là cuộc đời của chàng, một cuộc đời sẽ hoà quyện với bao nhiêu cuộc đời khác để làm nên bản hoà tấu vĩ đại của nhân loại, bản hoà tấu có lúc vui tươi bay bổng và cũng có khi sầu thảm ủ ê, nhưng cho dù thế nào đi nữa thì đối với chàng đó vẫn luôn là bản hoà tấu tuyệt vời.

Hôm nay không phải là ngày nước lớn, cũng chưa phải là ngày nước ròng, con kênh êm ả trôi xuôi với vài gợn sóng lăn tăn. Nhân thong thả chèo thuyền nan theo con nước nhẹ. Hai bên bờ thật thanh vắng yên tĩnh. Khu vực này không có dân cư, chỉ có cây cối mọc hoang nên cảnh vật thanh bình đến lạ lùng. Những buổi đầu ngày, Nhân rất thích chèo thuyền ngang những khu vực hoang vắng như thế, nó khiến tâm hồn chàng thoáng đãng và như được hoà nhập vào thiên nhiên. Cái thiên nhiên hoang dã sao mà có sức cuốn hút đến lạ lùng. Nó không nói gì mà sao như có vô vàn tiếng nói cất lên từ khắp nơi. Càng lắng tai nghe, càng để mắt nhìn lại càng nghe thấy nhiều điều mà những lúc bình thường chàng không thể nào nghe thấy được. Thiên nhiên có cách trò chuyện rất đặc biệt, hết sức gần gũi nhưng cũng hết sức đòi hỏi người bạn của nó phải lắng nghe với trọn tấm lòng. Nếu chỉ nhìn bằng mắt và chỉ nghe bằng tai thì dường như thiên nhiên chỉ là một không gian câm lặng mà thôi!

Chiếc thuyền nan vẫn từ từ lướt đi. Thỉnh thoảng mấy cụm lục bình xuôi theo dòng nước va vào mạn thuyền rồi lại dạt ra ngoài. Một vài con cá quẫy nhẹ ở xa xa. Dòng nước cứ êm trôi một cách bình lặng. Đột nhiên có tiếng chim hót lảnh lót ở phía trước. Nhân ngừng chèo lắng nghe. Tiếng chim vang lên như bài ca vui nhộn của đứa trẻ đang hồn nhiên hát. Cái không gian tĩnh mịch bỗng dưng sinh động hẳn lên, tương tự như khoảng sân trường vắng lặng trở nên huyên náo vui tươi khi trẻ con xúm lại nô đùa. Nhân nín thở lắng nghe. Tiếng chim hót tuyệt quá, nó trong veo và lanh lảnh bay toả trong không gian. Dường như tiếng hót cũng nhún nhảy theo điệu múa của con chim thì phải? Nhân buông mái dầm, lấy tay khoát thật nhẹ vào dòng nước để đưa thuyền nhích lần tới lùm cây ven bờ nơi tiếng hót phát ra. Cái cành tràm hơi xà xuống trên mặt nước. Chắc là con chim đang nhảy múa trên đó? Nhân nghiêng đầu nhìn thật kỹ. Đây rồi! Thì ra đó là một chú chim xanh nhỏ xíu. Chú chỉ bằng chừng ngón tay cái thôi. Cái mỏ nhọn cũng bé xíu, cong cong dễ thương, đang há ra hết cỡ để tha hồ ca hát. Chú vừa hát vừa múa, nhảy tưng tưng từ cành này sang cành khác, đôi cánh vỗ vỗ ra chiều khoái chí. Chú múa hát một cách hồn nhiên, không đỏm dáng, không ỏng ẹo mà sao hút cả hồn Nhân vào đó. Nhân im lặng để cho lòng mình bay bổng với chú chim bé xíu đáng ngưỡng mộ kia. Hình như âm nhạc đang tràn ngập không gian chung quanh chàng và đang chiếm ngự tâm hồn chàng.
***