2. Bản chất và đặc trưng thần bí Ki-tô giáo
2.1. Bản chất thần bí Ki-tô giáo
Bản chất thần bí Ki-tô giáo là sự kết hợp giữa con người với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Ki-tô. Nét độc đáo thần bí Ki-tô giáo là nơi Đức Giêsu chính Thiên Chúa đến gặp con người và mời gọi họ kết hợp với Ngài.
Nơi Đức Giêsu Thiên Chúa đã làm người để ở với con người.[35] Đức Giêsu đã mở đường để người môn đệ có thể “ở lại” trong Ngài,[36] và chính Thiên Chúa đến cư ngụ nơi người ấy :“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23). Đó là sự kết hợp trong tình yêu. Sự kết hợp ấy ở đỉnh cao được diễn tả bằng cuộc kết hôn nhiệm lạ giữa Thiên Chúa và linh hồn. Tuy nhiên, để khỏi rơi vào ảo tưởng tình cảm, các nhà thần bí Ki-tô giáo không quên lưu ý rằng việc kết hợp với Thiên Chúa không phải là chuyện tình cảm, nhưng tiên vàn là kết hợp ý chí,[37] theo gương Đức Ki-tô, người đến để thi hành ý muốn của Cha.[38]
2.2. Đặc trưng thần bí Ki-tô giáo
Có nhiều khuynh hướng thần bí Ki-tô giáo giải thích bản chất sự kết hợp với Thiên Chúa, như thần bí ánh sáng và đêm tối, thần bí giao duyên, thần bí bản thể hay vắng lặng.[39] Có thể ghi nhận các đặc trưng của thần bí Ki-tô giáo như sau:
2.2.1. Mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Đức Giêsu Ki-tô và Hội Thánh
Thiên Chúa của Ki-tô giáo được mặc khải là Đấng Sáng Tạo, vừa siêu việt vừa nội tại trong vạn vật. Hơn nữa, Ngài còn được tỏ bày là “Thân Phụ Đức Giêsu” và là Cha của tất cả mọi người.[40]
Thiên Chúa muốn mọi người được nhận biết tình thương của Người và hưởng hạnh phúc vĩnh cửu đã dành cho những ai kết hợp với Ngài. Nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa tỏ bày kế hoạch tình thương đó,[41] bởi chính Ngài là Đường dẫn nhân loại về với Cha.[42] Cho nên, chìa khóa của thực tại thần bí Ki- tô giáo không phải là con người đi tìm gặp Thiên Chúa mà chính Thiên Chúa đến gặp con người và bày tỏ cho con người tình yêu hợp nhất với Ngài.
Chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa, thần bí Ki-tô giáo tránh chủ trương vô tri và nhân hình về Ngài, nên thâm tín: một đằng Thiên Chúa đã được tỏ bày nơi Đức Ki-tô, vì thế, kết hợp với Thiên Chúa bao hàm sự hợp nhất với Đức Ki-tô, cả nhân tính và thiên tính. Đàng khác, vì Thiên Chúa là Đấng siêu việt, con người được mời gọi kết hợp với Ngài, nhưng mãi mãi con người vẫn là thọ tạo không thể nào đồng hóa với Thiên Chúa. Bao lâu còn sống ở trần gian, con người vẫn khát khao tìm kiếm và kết hợp với Ngài trong đêm tối.[43]
Là bí tích cứu độ của Chúa Ki-tô, Hội Thánh đón nhận và chuyển thông hồng ân đó cho con người bằng Lời Chúa và các bí tích. Nhờ Hội Thánh, đời sống thần bí người ki-tô hữu được nuôi dưỡng qua việc lắng nghe Lời Chúa và tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.[44]
2.2.2. Kết hiệp thần bí với Thiên Chúa biểu hiện qua đức mến
Đức ái là điều răn cao trọng nhất được chính Chúa Giêsu dạy.[45] Đức ái trọn hảo có mẫu chung là“yêu như Thày đã yêu”(Ga, 13, 35). Kết hợp thần bí không dẫn đến hủy diệt cá nhân trong Thiên Chúa, nhưng biểu hiện qua lòng mến, là đỉnh cao của sự hoàn thiện ki-tô hữu. Lòng mến Chúa trào ra lòng mến tha nhân. Yêu mến Thiên Chúa bao gồm cả việc yêu mến những người thuộc về Chúa, nhất là những người bé nhỏ hiện thân của Chúa Ki-tô. Sự kết hợp thần bí cũng đi kèm theo một đời sống đạo hạnh. Người ta không thể dung hòa việc kết hợp với Thiên Chúa mà lại sống nếp sống vô luân, trác táng. Vì tự bản chất đời sống thần bí họa lại dung nhan thánh thiện của Đức Ki-tô.[46]
Tình yêu đòi hỏi người ta luôn thăng tiến. Hơn nữa, trong hành trình thiêng liêng ai không tiến tức là đang lùi.
3.3.3. Đời sống thần bí gắn chặt với đời sống ki-tô hữu
Đời sống người ki-tô hữu đã mang tính thần bí từ khởi đầu, bởi vì khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, người tín hữu được liên kết vào Đức Ki-tô, trở thành chi thể của Người[47]. Thánh Thần đã biến đổi họ thành nghĩa tử của Thiên Chúa, [48]được thông phần vào bản tính Thiên Chúa,[49] và thành đền thờ Chúa Thánh Thần.[50]Tuy nhiên, đó mới là ơn “nền tảng”,“mầm giống” của đời sống thần bí.[51] Mầm giống thần linh đã được ban cho người ki-tô hữu nhờ bí tích Thánh tẩy nhưng nó chưa được kiện toàn. Vì thế, trong suốt cuộc đời mình, người ki-tô hữu cần phải sống cách có ý thức hơn bản tính thần bí trong mình, và phát triển mầm giống thần linh đã được lãnh nhận ấy.
Ở đây một lần nữa cần phân biệt đời sống thần bí và cảm nghiệm thần bí. Tất cả các ki-tô hữu đều được mời gọi đón nhận và phát triển đời sống thần bí. Đây là tiến trình hoàn thành ơn gọi làm con Thiên Chúa. Cảm nghiệm thần bí là ơn được ban cho một số người, họ cảm nhận được sự kết hợp gần gũi với Chúa. Tất nhiên cảm nghiệm đó không nhất thiết kéo dài cả đời người.
Như thế, rõ ràng có hai nghĩa của thần bí người ta phải xác nhận: nghĩa rộng là ơn gọi của mọi ki-tô hữu do hiệu quả của bí tích Thánh Tẩy; nghĩa hẹp là đặc ân được ban cho một số ít người có cảm nghiệm đặc biệt về sự hiện diện của Thiên Chúa, cũng như những biểu hiện trong sự kết hợp với Ngài, để minh chứng cho hồng ân thần hóa dành cho mọi người, như trường hợp thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá mà đề tài này quan tâm.
(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét