Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo




II. HÀNH TRÌNH THẦN BÍ KI-TÔ GIÁO

Hành trình thần bí vốn huyền nhiệm và khó tả, trong quá trình tăng trưởng lại có quá nhiều sắc thái do hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi mỗi tâm hồn mỗi khác. Truyền thống thần học tâm linh chia hành trình thần bí hay con đường hoàn thiện Ki-tô giáo thành ba giai đoạn. Dù tên gọi và cách thức tiếp cận khác nhau nhưng bản chất vẫn là sự kết hợp với Thiên Chúa. Hiện nay, chưa có phương pháp trình bày nào được coi là tối ưu. Ở đây, có thể ghi nhận ba quan điểm, cũng là ba phương pháp tiêu biểu là: hành trình ba giai đoạn của quan điểm cổ truyền; hành trình đức ái hoàn hảo theo thánh Tôma Aquinô và hành trình tòa lâu đài nội tâm của thánh Têrêsa Avila mà bài viết này tập chú nhiều ở Phần 2.

1. Quan điểm cổ truyền

Quan điểm cổ truyền chia hành trình thần bí thành ba giai đoạn là: thanh luyện, chiếu sáng và kết hợp, cũng được gọi là thanh đạo, minh đạo và hiệp đạo.[52] Trong mỗi giai đoạn này người ki-tô hữu nhận ra tình trạng, phương thế và mục đích để hướng đến.

1.1. Giai đoạn thanh luyện

Gọi là thanh luyện, vì giai đoạn này dành cho những người khởi đầu, họ muốn sống chân thành đời sống người ki-tô hữu. Tuy sống trong ân nghĩa với Chúa nhưng họ vẫn còn quyến luyến với các tội nhẹ. Mục đích thanh luyện là giúp họ thống hối các lỗi lầm trong quá khứ. Thực tập khổ hạnh để tránh cám dỗ và nguy cơ phạm tội. Những người ở giai đoạn này có thể đạt mục đích bằng hai phương thế: cầu nguyện để được ơn Chúa và khổ hạnh để lãnh nhận ơn Chúa.

1.2. Giai đoạn chiếu sáng

Giai đoạn này được gọi là chiếu sáng vì tập trung vào sống theo gương nhân đức của Chúa Giêsu là ánh sáng. Điều kiện để vào giai đoạn này là linh hồn[53] thường xuyên trong tình trạng ân sủng, gớm ghét tội nhẹ và mọi nguy cơ phạm tội, làm chủ các dục vọng, thâm tín các đạo lý đức tin. Nhắm mục đích nên giống Chúa Giêsu, linh hồn phải đặt Chúa làm trung tâm đời sống, để Chúa điều khiển mọi tư tưởng, tình cảm. Phương thế thực hiện là cầu nguyện, suy ngắm tâm tình hơn là suy lý. Linh hồn khát khao tìm hiểu, yêu mến Chúa Giêsu và thực hành các nhân đức theo gương Ngài.

1.3. Giai đoạn kết hợp

Sau khi đã trải qua hai giai đoạn thanh luyện và chiếu sáng, linh hồn tiến vào giai đoạn kết hợp. Người đã tiến vào bậc này được kết hợp với Chúa cách mật thiết và thường xuyên. Linh hồn tan biến trong Chúa, chỉ sống bởi Chúa và nhờ Chúa. Cuộc sống của họ được đức mến thôi thúc, họ quên mình, tập trung tất cả tư tưởng, tâm tình và hành động vào lòng mến Chúa. Hiệu quả đạt được của bậc này là : linh hồn thoát ly thụ tạo; lòng mến Chúa đã trở nên nhu cầu sống; đời sống cầu nguyện trở thành việc chiêm ngắm Chúa liên lỉ trong tình yêu và hằng tuân phục thánh ý Chúa.[54]

Nhiều tác giả tu đức cho rằng giai đoạn thanh luyện và chiếu sáng là thời kỳ khổ chế, khi đạt tới giai đoạn kết hợp là bắt đầu thời kỳ hiệp nhất thần bí.[55] Như thế, tiến trình kết hợp của con người với Thiên Chúa được hiểu cách khác là từ khổ chế đến thần bí.

2. Quan điểm của thánh Tôma Aquinô

Đức ái là mối dây liên kết điều thiện hảo,[56] cũng là ơn cao trọng và trổi vượt.[57] Thánh Tôma Aquinô đã mô tả hành trình kết hợp với Thiên Chúa theo sự tiến bộ của đức ái.

2.1. Đức ái khởi đầu

Đời sống thiêng liêng phát sinh nhờ hiệu quả của đức ái. Bởi thế, với người mới khởi đầu trên đường tâm linh, thánh Tôma cho rằng :“bổn phận đầu tiên và chính yếu của con người là tránh tội lỗi và chống lại các dục vọng nơi mình, vì nó thúc đẩy con người làm trái ngược với đức ái”.[58] Những thanh luyện và hãm mình tự nó không phải là cùng đích, nó chỉ là phương thế để gạt đi các trở ngại ngăn cản sự tăng trưởng đức ái.

2.2. Đức ái tiến bộ

Ở bậc này, theo thánh Tôma, linh hồn phải chủ tâm tiến bước trong đường lành. Đức ái gia tăng và thêm vững mạnh.[59] Để mặc lấy Đức Ki-tô và trở nên giống Người, cần có những phương thế tích cực, nhờ đó, ơn thánh và đức ái mới có thể tăng trưởng. Các phương thế ấy là các bí tích, các việc lành phúc đức và cầu nguyện.

2.3. Đức ái hoàn hảo

Bậc này tương đương với giai đoạn kết hợp hay hiệp đạo. Ở tình trạng này, linh hồn quan tâm đặc biệt để kết hợp với Chúa: “mong ước được ra đi để được ở với Đức Ki-tô”.[60] Thánh Tôma, trong mở đầu luận đề Đức ái của Tổng luận Thần học, đã xác định: Đức ái là tình bạn giữa Thiên Chúa và con người. Đức ái hoàn hảo kết hợp mật thiết ta với Thiên Chúa, bởi hành vi yêu mến làm cho ý chí thoát ra khỏi chính mình để đến cư ngụ nơi Thiên Chúa.[61]

Như vậy, với thánh Tôma hành trình kết hợp thần bí hệ tại ở việc gia tăng lòng mến Chúa. Yêu mến Chúa là mục đích tối hậu và hạnh phúc tuyệt đối của con người. Nhờ yêu Chúa, người ta sẽ yêu tha nhân và yêu chính mình vì được thông phần vào bản tính của Thiên Chúa.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.

0 nhận xét: