1. Đôi nét về tiểu sử
Có nhiều cách để hiểu một con người. Với một thánh nhân, ngoài việc tìm hiểu con người, sự nghiệp và ảnh hưởng của họ, cần khám phá ra cách thức ân sủng Thiên Chúa biến đổi một người trở nên thánh theo ý Ngài.
1.1. Thánh Têrêsa A-vi-la
1.1.1. Con người
Biến cố ngã ngựa trên đường Đa-mát[7] đã chia đôi cuộc đời của một con người: Saun của Do-thái giáo thành Phaolô của Ki-tô giáo. Cũng vậy, thị kiến hình ảnh đầu tiên[8] cũng làm cho Têrêsa Avila – con người của thế gian, trở thành một Têrêsa Giêsu – người của Thiên Chúa như thế.[9]
Người con của thế gian ấy chào đời ngày 18 tháng 3 năm 1515 trong một gia đình quí tộc, tại La Moneda gần Avila, với tên gọi là Teresa Sanchez de Cepeda y Ahumada. Thân phụ của Têrêsa là ông Alonso Sanchez de Cepeda, một người đạo đức và thích đọc sách, nhất là sách đạo đức. Thân mẫu là bà Beatriz d’Avila Y Ahumada, một phụ nữ nhân đức, đoan trang, tiết hạnh và thích đọc tiểu thuyết trinh thám.[10] Sự khác biệt của cha mẹ đã tạo nên một Têrêsa vừa khát khao sự thánh thiện vừa muốn sống sự đài các của một tiểu thư lãng mạn.
Người dân thành Avila gọi cô là công nương lộng lẫy Têrêsa Ahumađa Cepeda. Những lời tán dương chúc tụng của những anh chàng si mê Têrêsa chỉ kết thúc cô khi được mười ba tuổi. Thân mẫu qua đời, thân phụ đã gửi Têrêsa vào một trường nội trú do các nữ tu dòng thánh Augustinô điều khiển. Vào sống nội trú trong tu viện theo ý của người cha, Têrêsa không hề nghĩ sẽ trở thành nữ tu. Nàng chỉ mong sớm hết năm để trở lại với cuộc sống vốn thuộc về mình. Tuy nhiên, tiếng Chúa mời gọi tha thiết, mãnh liệt, khiến cô không cưỡng lại được. Sau một thời gian giằng co chiến đấu, Têrêsa đã hiến mình cho Chúa trở thành nữ tu dòng kín Cát-minh, khi cô 21 tuổi.
Trong tu viện Nhập Thể ở Avila, sơ Têrêsa nhanh chóng hòa nhịp với các nữ tu khác sống tinh thần bộ luật khoan nhượng của dòng kín đã được phê chuẩn. Với luật đã được giảm nhẹ, các nữ tu có giờ trò chuyện, tiếp khách, nên cách nào đó tinh thần của thế tục đã từ từ đi vào đan viện. Têrêsa cảm thấy như bị xâu xé trong nội tâm bởi khát khao mãnh liệt thuộc về Chúa lúc cầu nguyện với Ngài trong tu phòng của nội vi, nhưng lại hào hứng phấn chấn trong giờ tiếp chuyện với người ta tại phòng khách. Và điều Chúa muốn Ngài sẽ thực hiện. Trong một thị kiến xẩy ra khi chị đang cầu nguyện trước tượng Chúa Giêsu đầy thương tích. Cảm nhận cái nhìn mãnh liệt của Chúa, Têrêsa rơi vào tình trạng xuất thần. Trong cơn xuất thần này, Chúa chiếm đoạt chị và bắt đầu thời kỳ của Ngài trong người nữ tu bé nhỏ này.
Công nương lộng lẫy Têrêsa Ahumađa Cepeda đã trở thành một Têrêsa Giêsu, nồng nàn tận hiến để thực hiện công việc của Chúa. Từ giờ phút ấy, cuộc đời chị không còn là của mình nữa, nhưng là của Chúa Giêsu ở trong chị. Chúa Giêsu ngày càng hiện diện sống động, mạnh mẽ trong đời chị, đến nỗi chị tiếp tục nghĩ đến Ngài cả trong giấc ngủ. Trước bao ân sủng tuôn đổ như thác xuống tâm hồn, con tim Têrêsa ngày càng gắn bó với con tim của Chúa Giêsu, Người Bạn Tình, đến độ chị không còn tìm kiếm gì khác ngoài “danh giá” và “quyền lợi” của Người Bạn ấy.
Bao nhiêu khó khăn gian khổ trong công việc cải tổ dòng kín ngành nữ và nam, Têrêsa hoàn toàn buông mình để Chúa thực hiện thời kỳ của Ngài. Trong chiêm niệm, cầu nguyện và xuất thần, Chúa không ngừng hướng dẫn và ban sức mạnh để chị can đảm thi hành. Khi cần cộng tác, Ngài đã gửi người đầy nhiệt huyết, lòng hăng say và khát khao sống tinh thần Cát-minh về nguồn là linh mục trẻ Gioan. Với sự trợ lực mạnh mẽ này, Têrêsa hăng say không mệt mỏi thực hiện điều Chúa muốn cho đến hơi thở cuối cùng. Ngài qua đời ngày 4 tháng 10 năm 1582 trong cuộc hành trình thành lập đan viện mới ở Alba de Tormes.
1.1.2. Sự nghiệp
Têrêsa không phải là nhà văn, cũng không muốn để lại giáo thuyết gì. Ba tác phẩm lớn của ngài đều ra đời từ đức vâng lời các cha giải tội, và là cảm nghiệm của Têrêsa trước ân huệ của Thiên Chúa. Nhưng khi tìm hiểu các tác phẩm này, người ta lại khám phá ra một Têrêsa bậc thày trong con đường tu đức, đời sống thiêng liêng và cảm nghiệm thần hiệp.
Tiểu sử Tự thuật, tác phẩm đầu tay của Têrêsa Avila, được viết trong thời gian rất ngắn, theo sự vâng lời cha Garcia de Toledo, hoàn thành tháng 6 năm 1562. Tác phẩm trình bầy rất chân thực đời sống thiêng liêng và kinh nghiệm thần hiệp của Têrêsa. Đường hoàn thiện là tác phẩm thứ hai có thế giá trong thần bí học, được Têrêsa viết không lâu sau Tiểu sử Tự thuật. Tác phẩm được chính cha D. Banez, linh hướng của ngài, công bố là :“Tiếng nói của con tim đã được cảm nghiệm và là sự trình bày của một lý trí đã được trau dồi bởi học hỏi, đọc sách và chuyện vãn thánh thiện”.[11] Cuốn sách chứa đựng những lời khuyên cụ thể và những hướng dẫn khai tâm vào đời sống cầu nguyện dành cho các nữ tu và con cái của Têrêsa Cả.
Tác phẩm thứ ba được coi như kiệt tác thần bí của Têrêsa là Lâu đài nội tâm, viết năm 1577. Tuyệt phẩm mô tả hành trình linh hồn kết hợp với Thiên Chúa qua bảy cư sở của tòa lâu đài nội tâm. Khác với các khảo luận về cầu nguyện trước đó, các tác phẩm của Têrêsa có tính thực hành hơn là lý thuyết, mô tả hơn là giải thích, nhất là những ánh sáng tâm lý học vô giá rút từ kinh nghiệm cá nhân và sự quan sát sâu kỹ hành vi của người khác.[12] Nhìn chung, các tác phẩm của Têrêsa rất chuyên môn, được viết ra từ những cảm nghiệm thần bí thâm sâu. Khi đọc các tác phẩm này độc giả vừa như được đụng chạm tới huyền nhiệm cao siêu nơi Thiên Chúa, lại vừa tìm đường nẻo tiến bộ trong cầu nguyện để kết hợp với Ngài.
Ngoài các tác phẩm, sự nghiệp của Têrêsa còn biết đến qua cải tổ dòng Cát-minh và các đan viện ngài thành lập. Chỉ trong khoảng 15 năm, từ năm 1567 đến năm 1582 người phụ nữ bé nhỏ này đã bất chấp mọi khó khăn gian khổ đi khắp Tây Ban Nha, thành lập 17 đan viện nữ Cát-minh về nguồn[13]. Tuy nhiên, sự nghiệp vĩ đại nhất của Têrêsa Avila là trở thành Bạn Trăm Năm của Đấng Tình Quân mình yêu mến, tôn thờ. Têrêsa đã sống cuộc đời xứng với tên gọi Têrêsa Giêsu. Năm 1622, sau 40 năm từ giã cuộc đời ngài được phong thánh cùng với hai tổ phụ dòng Tên là Inhaxiô Lôyôla và Phanxicô Xavie.
1.1.3. Ảnh hưởng
Ảnh hưởng của thánh Têrêsa Avila vượt qua những gì người ta có thể nghĩ về một nữ tu dòng kín. Một tước hiệu kép do chỗ đứng của ngài trong lịch sử linh đạo: nhà cải cách dòng Cát-minh và người giữ thẩm quyền vô song trong thần học về cầu nguyện.[14] Quả vậy, ảnh hưởng của Têrêsa không chỉ dừng lại nơi dòng Cát-minh. Riêng về lãnh vực cầu nguyện:“chưa từng có ai sánh vai với Têrêsa, càng không có ai vượt qua Têrêsa trong tư cách là người giảng giải các giai đoạn cầu nguyện”.[15] Có thể nói, kể từ thời Têrêsa đến nay, hễ nói về cầu nguyện, chiêm niệm hay thần bí là người ta nhắc đến Têrêsa Avila. Ngài được gọi bằng cái tên thân thương là vị thánh hay xuất thần. Nhìn chung, các nền linh đạo Ki-tô giáo sau đó cách nào đó đều chịu ảnh hưởng bởi các tác phẩm của ngài.
Năm 1970, Đức Giáo hoàng PhaolôVI đã phong thánh Têrêsa Avila tước hiệu tiến sỹ Hội Thánh. Thánh nhân là người phụ nữ đầu tiên được nhận danh hiệu cao quí này.[16]
1.2. Thánh Gioan Thánh Giá
1.2.1. Con người
Có ba danh xưng để gọi con người vĩ đại này: Gioan Yepes; Gioan Thánh Mátthia và Gioan Thánh Giá. Các tên gọi ấy tương ứng với ba giai đoạn trên con đường nên thánh của ngài: Gioan Yepes – con người; Gioan Thánh Mátthia – tu sĩ và Gioan Thánh Giá – nhà thần nhiệm.
Gioan Yepes chào đời ngày 24 tháng 6 năm 1542 tại Castille, là hoa trái của cuộc tình nhiều hy sinh của ông Gonzalo de Yepes với bà Catarina Alvarez. Ông Gonzalo de Yepes xuất thân từ gia đình có thế giá ở Toledo. Bà Catarina Alvarez, xinh đẹp tốt lành, vừa diễm lệ vừa cao quí nhưng con nhà nghèo và mồ côi. Họ yêu nhau và thành vợ chồng bất chấp mọi khó khăn môn đăng hộ đối. Khi Gioan Yepes lên 4 tuổi, sự ra đi của người cha đã đẩy cả gia đình vào tình trạng khốn cùng. Nhờ tình yêu thương và sự khôn ngoan của mẹ, Gioan được đi học tại trường dành cho các trẻ mồ côi. Ở tuổi niên thiếu cậu đã đi chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện để kiếm sống. Trong thời kỳ này, người ta thấy một Gioan Yepes đạo đức, có lòng yêu thương người nghèo và tình thần say mê học tập.
Năm 1563, khi được 21 tuổi, Gioan quyết định dâng mình cho Chúa trong dòng Cát-minh nam. Vào năm 1564, Gioan Yepes tuyên khấn với tên gọi là Gioan Thánh Mátthia. Nhận ra sự thông minh và ham học của tu sĩ trẻ tuổi này, nhà dòng đã gửi thày Gioan tới học văn chương, triết học và thần học tại trường đại học dòng Tên Salamanca. Tháng 7 năm 1567, thày Gioan thụ phong linh mục và trở về Avila dâng lễ mở tay. Tại đây, cha Gioan đã gặp thánh Têrêsa. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy hứa hẹn, nó mở ra cho cha Gioan một tương lai đầy lý thú dù chưa thấy rõ. Qua việc kết hợp sâu xa và cộng tác chân thành, cha Gioan và mẹ Têrêsa thực hiện cuộc cải tổ dòng Cát-minh, điều mà Thiên Chúa quan phòng đã chuẩn bị cho hai vị.
Trong công việc cải tổ dòng kín ngành nam, kịch tính nhất là giai đoạn cha Gioan bị các anh em cùng dòng coi là phản loạn, bắt giam tại Toledo từ tháng 12 năm 1577 đến tháng 8 năm 1578. Thời gian này, ngài được biết đến với tư cách là nhà đào tạo, người sống và dạy người khác sống thần hiệp. Cũng từ đây, danh xưng Gioan Thánh Giá được tỏ lộ. Có thể nói, thử thách đau thương ở Toledo đã chia đôi đời tu của ngài : 14 năm trước đó, năm 1563 cậu Gioan vào dòng Cát- minh, và 14 năm sau, năm 1591 Gioan Thánh Giá chết tại Ubeda.[17]Mặc dù thân xác bị giam cầm, nhưng tâm hồn thánh nhân thì tràn ngập Thiên Chúa. Điều đó chứng thực: “ân sủng đã bao trùm lên một con người mà chín tháng địa ngục đã trở thành cơn đau chuyển cữ để sinh ra một thụ tạo mới, cả về nhân cách và tâm linh”.[18]
1.2.2. Sự nghiệp
Chín tháng tù giam tại Toledo, Gioan Thánh Giá đã để lại những áng thơ thần bí bất hủ, khiến ngài trở thành nhà thơ thần bí vĩ đại không chỉ của Tây Ban Nha mà cho toàn thế giới. Các tác phẩm hay nhất về thần bí Ki-tô giáo của thánh nhân cũng ra đời từ việc minh giải các áng thơ này.
Bốn tác phẩm lớn của Gioan Thánh Giá là: Lên đỉnh Cát Minh (1579 – 1585); Đêm tối linh hồn (1582 – 1585); Khúc linh ca (biên soạn lần đầu năm 1584 và lần hai năm 1586 và 1591); Ngọn lửa tình nồng (biên soạn lần đầu giữa năm 1585 và năm 1587, lần thứ hai giữa năm 1586 và 1591). Ngoài ra còn có 10 bài thơ Tình khúc; khoảng 200 câu châm ngôn về Ánh sáng và tình yêu cùng những Lời khuyên; Những lời Cảnh báo và bốn Lời khuyên gửi một tu sĩ và 34 lá thư.[19] Đọc những tác phẩm này, người ta thấy rõ một Gioan Thánh Giá xứng với danh hiệu nhà văn, nhà thơ thần bí. Quả vậy, đời sống nội tâm và sự kết hiệp thần nhiệm giữa linh hồn và Thiên Chúa được ngài mô tả bằng những hình ảnh rất sống động, lãng mạn như một cuộc tình.
Trong sự nghiệp cải tổ dòng kín, sứ mạng của thánh Gioan Thánh Giá rất rõ nét: là tập sư, là nhà đào tạo tâm linh và thày dạy sống thần hiệp. Năm 1570 học viện đầu tiên của dòng Cát-minh cải tổ được thành lập, Gioan Thánh Giá là viện trưởng. Với tri thức và kinh nghiệm ngài học được từ đại học Salamanca, việc đào tạo các tu sỹ sinh viên của học viện đem lại cho công cuộc cải tổ những tập sư đầu tiên thật sáng giá. Sau đó, thánh Gioan Thánh Giá cộng tác với thánh Têrêsa Avila tại tu viện Nhập Thể với vai trò cha linh hướng cho các nữ tu.
Nếu thành công của đời người là nên thánh, thì Gioan Yepes đã đạt được khi trở thành thánh Gioan Thánh Giá. Ngài đã sống cuộc đời xứng với tên gọi này. Vào năm 1726 Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XIII đã tuyên phong Gioan Thánh Giá lên bậc hiển thánh.
1.2.3. Ảnh hưởng
Cha Thomas Merton đã nhận định thánh Gioan Thánh Giá là nhà thần bí lớn nhất trong tất cả các nhà thần học thần bí.[20] Ngài cùng với thánh Têrêsa Avila trao cho Giáo hội giáo thuyết về linh đạo chưa từng bị vượt qua.[21] Cách riêng với dòng Cát-minh, Gioan Thánh Giá cùng với Têrêsa Avila là hai cột trụ, trên đó trường phái linh đạo Cát-minh được dựng xây và phát triển vững chắc cho đến ngày nay.[22]
Trong dòng Cát-minh, không chỉ các tu sỹ nam, nữ mà ngay cả thánh Têrêsa Cả cũng được thăng tiến nhờ sự chỉ dẫn thiêng liêng của thánh Gioan Thánh Giá. Có thể nói linh đạo “con đường thơ ấu thiêng liêng” của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, cũng chỉ là cách gọi khác của linh đạo“tập trung vào tình yêu” mà thánh Gioan Thánh Giá đã sống. Gioan Thánh Giá đã sống trọn vẹn ơn gọi của dòng Cát-minh Về Nguồn.
Với những người khác, ảnh hưởng của Gioan Thánh Giá lớn đến độ chỉ nguyên sự hiện diện của thánh nhân cũng đủ để qui tụ một đoàn người, từ kẻ hèn mọn đến những người trọng vọng bậc nhất trong xã hội. Đặc biệt là tất cả họ, nam lẫn nữ đều sống mối tương giao nghĩa thiết, thân tình với Thiên Chúa.[23] Bà quả phụ Ana de Pẽnalosa đã coi thánh nhân như là người cha, người thày. Bà đã thực thi giáo huấn của thánh nhân cách hoàn hảo đến nỗi ngài có thể viết tặng bà tác phẩm cao siêu bậc nhất của mình là Ngọn lửa tình nồng.
Cũng không quá khi so sánh ảnh hưởng của bộ Tổng luận thần học của thánh Tôma Aquinô xét về tầm mức phổ quát trong lãnh vực tri thức thuần túy với các tác phẩm của Gioan Thánh Giá trong lãnh vực tri thức thực hành. Quả thế, các tác phẩm bàn về đời sống tâm linh, hoặc khía cạnh nào đó trong đời sống tâm linh, hay về một cách thức nào đó trong việc kết hợp với Thiên Chúa người ta đã biết, đều phải được đọc dưới ánh sáng các nguyên tắc vị thánh tiến sĩ đã đề ra. [24] Tước hiệu“tiến sĩ thần bí” được Hội Thánh phong tặng cho thánh Gioan Thánh Giá ngày 24 tháng 8 năm 1926, khẳng định ảnh hưởng của ngài trong đời sống thần bí Ki-tô giáo.
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét