Các Trang

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

Hành Trình Tâm Linh - Tiếng gọi thứ nhì



Chương 8: “TIẾNG GỌI THỨ NHÌ”


Một yếu tố khác xảy ra trong hành trình tâm linh của chúng ta khá đơn giản là vấn đề thời gian hoặc, nếu ta muốn nói, vấn đề tuổi tác của chúng ta. Ta biết rõ rằng đời sống con người không diễn ra hoàn toàn thẳng tắp. Có những khi tiến, khi lùi. Nhưng cũng có những dịp cho “cơ hội thứ nhì”, trong đó đời sống tâm linh của chúng ta có thể tự “tái cấu trúc” và nhảy những bước khổng lồ. Đó hẳn là trường hợp của thời kỳ mà người ta gọi là “khủng hoảng giữa cuộc đời”, mà ở đây chúng ta gọi là “tiếng gọi thứ nhì”.


15. Đời sống tâm linh và tuổi tác.


Đời sống tâm linh chảy trôi theo tuổi tác mà không hoàn toàn lệ thuộc vào nó: không phải vì ta lớn tuổi mà ta thánh thiện hơn. Những người trẻ, những em bé, có thể tiến xa trong đời sống tâm linh hơn những người già. Tuy nhiên, khi một người đã chọn Chúa thì Thần Khí sẽ sử dụng thời gian. Quả thật cần đến thời gian, ít nhiều tùy theo mỗi người, để hoán cải nên một đời sống hợp nhất sâu xa với Thiên Chúa. Thánh Teresa Avila một ngày nọ đã nói rất đúng: “Chúng ta quá chậm chạp trong việc tuyệt đối hiến dâng bản thân cho Chúa đến nỗi chúng ta không bao giờ ngừng chuẩn bị cho ơn này.”

Quả thật, trong mỗi cuộc đời, có những bước chuyển tế nhị phải vượt qua, một số gây đau đớn và chạm tới chúng ta một cách ít nhiều sâu xa. Mỗi lần như thế, Chúa luôn hiện diện, và kêu gọi chúng ta tới gần Ngài hơn. (“Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng”, Tv 23,4). Những bước chuyển này là thường tình: mất cha mẹ hoặc người thân yêu, việc làm không thích đáng, con cái rời khỏi tổ ấm, khủng hoảng lúc trung niên, nghỉ hưu, v.v... Là người, chúng ta có thể bị lung lay; là Kitô hữu, những mối quan hệ của chúng ta với Chúa có thể thay đổi; nếu chúng ta thuộc về một cộng đoàn hoặc một phong trào nào đó, thì thường có những nghi ngờ. Ấy thế mà những khủng hoảng nhân bản này lại là một cơ hội tâm linh. Chúng có thể dẫn tới những thất bại và bỏ cuộc, mặc dù ta từng tưởng rằng cuộc sống đã khá tốt đẹp rồi, nhưng ngược lại, chúng có thể dẫn đến một sự chuyển đổi, một bước khởi hành mới, một tiếng gọi thứ nhì. Vào lúc trung niên, đời sống có thể thay đổi.

Ở đây tôi không muốn nói đến từng lứa tuổi đời. Tôi muốn tự giới hạn vào một độ tuổi thôi, vì kinh nghiệm đã cho tôi thấy rằng độ tuổi này có thể mang tính quyết định đối với một sự chuyển đổi về mặt tâm linh nghiêng về hướng này hoặc hướng khác. Tôi muốn nói đến buổi trung niên. Tôi không có ý nói bất cứ điều gì mới về điểm này, nhưng chỉ đơn giản nêu lên một lần nữa tầm quan trọng của nó đối với đời sống nội tâm.

Trong lối tiếp cận này, tôi sẽ dựa trên những tác giả đã nghiên cứu vấn đề. Trước tiên là Cha Voillaume, một nhà sáng lập đương đại đã từng viết cho các thành viên của cộng đoàn của ngài, các Tiểu Đệ của Cha Foucauld, ở đó ngài đã nhận ra sự khẩn thiết của hiện tượng này. Tôi sẽ dùng lại ở đây hệ thống thuật ngữ và một phần trong các phân tích của ngài. Tôi sẽ bổ sung chúng với những suy tư của một viện phụ dòng Biển Đức người Đức, Dom Anselm Grϋn, người đã cống hiến một cuốn sách cho Cuộc khủng hoảng lúc trung niên. Chính ngài cũng dựa trên những văn bản sáng tỏ của một nhà thần bí người Đức thời Trung Cổ, Tauler (1300-1361), và một nhà tâm thần học người Vienne, Carl Gustav Jung (1875-1961). Đó ít nhất là bằng cứ cho thấy chủ đề này đã lôi kéo sự chú ý của một số người nhất định. Tôi cũng thêm vào đây một suy tư đã được Louis-Gabriel cùng với Omblyne de Jerphanion và bản thân tôi thực hiện trong khuôn khổ của Cộng đoàn Emmanuel.

“Tiếng gọi thứ nhì” xuất hiện như một đồng tiền với mặt phải và mặt trái, mặt tối và mặt sáng. Tôi sẽ bắt đầu với mặt trái, mặt tối, vì theo cách này người ta hiểu rõ hơn điều gì xảy ra. Nhưng kế đó tôi sẽ lật ngược đồng tiền để xem xét mặt phải, mặt sáng, là mặt quan trọng nhất.

16. Tiếng gọi “thứ nhì” xảy ra lúc nào và xảy ra thế nào?

Thật ra “tiếng gọi thứ nhì” giống như một cuộc tái sinh, sau thời thanh xuân.

16.1. Thời thanh xuân

Tuổi trẻ là thời gian của những lựa chọn quan trọng: loại công việc, hôn nhân, đời sống thánh hiến, tiếng gọi dấn thân trong Hội thánh hoặc trong một cộng đoàn. Các lựa chọn này được nâng đỡ bởi sự dễ dàng cho đi, chưa có kinh nghiệm về các giới hạn, có khả năng để mình bị thúc đẩy và lôi kéo theo gương của những người xung quanh và đi trước chúng ta. Có một sự tương ứng giữa lòng quảng đại đặc trưng cho tính khí của lứa tuổi này và tiếng Chúa Giêsu kêu gọi từ bỏ mọi sự để theo Ngài. Ta nhận được nhiều ơn trọng đại, ta loan báo Tin Mừng, ta tạo lập, ta tìm được tảng đá để xây dựng nền móng đời ta trên đó.

Các điểm yếu riêng của lứa tuổi này có thể thuộc nhiều loại. Chắc chắn là thiếu kinh nghiệm rồi, nhưng cũng còn là khó tôn trọng điều tốt đẹp trong việc vâng phục. Thật ra, ta quá tin ở mình mà không biết. Cảm xúc có một vai trò lớn. Thân xác, dù sẵn sàng trao ban, nhưng cũng vẫn đòi hỏi. Thiếu kiên nhẫn, muốn thấy kết quả rõ ràng có thể khiến chúng ta trải qua những thăng trầm. Sự bất an về mặt tình cảm và vật chất, có thể là một động cơ và cũng có thể khiến ta khựng lại nhiều lần.

Cha Voillaume, là người có nhiều kinh nghiệm về đời sống tâm linh nói chung và đời sống cộng đoàn nói riêng, đã viết những điều chính xác về thời kỳ này: “Trong giai đoạn đầu chúng ta chưa trải qua kinh nghiệm của sự bất khả thi của con người và của thiên nhiên ở đó chúng ta phải sống hòa hợp với trật tự siêu nhiên của các lời khuyên (Chú thích của tác giả: tức là các lời khuyên của Tin Mừng). Trong thời tuổi trẻ, quả thật như có một sự tương ứng giữa lòng quảng đại đặc trưng cho tính khí của lứa tuổi này và tiếng Chúa Giêsu kêu gọi từ bỏ mọi sự để theo Ngài [...] Vả lại chính khoa sư phạm thần linh của vị thầy đang kêu gọi chúng ta tự nó sẽ cộng tác vào việc gìn giữ chúng ta phần nào trong một ảo tưởng nhất thời (Chú thích: Chữ “ảo tưởng” không được hiểu như một hậu quả sai lầm, nhưng chỉ đơn giản để nói đến một khoa sư phạm mà Chúa dùng để tỏ lộ dần dần kế hoạch của Ngài), mà nếu không có nó thì có thể chẳng ai đủ can đảm từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu và vác lấy thập giá của mình.”

Nói cách khác, ta tưởng rằng mọi sự đều có thể làm được; ta can đảm tiến lên, nhưng, một cách vô thức, ta vẫn đang bị ràng buộc rất nhiều vào bản thân. Ta không đo lường chính xác được những yếu đuối và tội lỗi của mình. Thế nhưng, theo quan sát của nhà thần bí Tauler thì “người ta có thể làm điều mình muốn, làm theo cách mình muốn, anh ta không đạt được sự bình an đích thật, anh ta không trở nên người của cõi trời, theo bản chất của mình, trước khi anh ta đạt tới tuổi bốn mươi. Trước đó, anh ta bị đủ mọi thứ đè nặng lên mình, các khuynh hướng tự nhiên lôi kéo anh ta đi lung tung; và điều đang xảy ra nơi anh rất thường bị chúng thống trị, trong khi ta thường tưởng tượng rằng đó là hoàn toàn từ Chúa mà đến; trước khi tới tuổi này, anh ta không thể đạt được bình an trong sự thật và trọn vẹn, cũng chẳng thể hoàn toàn thuộc về cõi trời.” Nói khác đi, nơi con người thánh thiện nhất và tốt nhất, cần có thời gian để làm mọi việc và thoát khỏi cái nền ích kỷ và kiêu ngạo đang cản trở chúng ta. Ta tưởng mình triệt để, ta muốn sống triệt để, nhưng kỳ thực ta vẫn đang bị phân tán. Và rồi một ngày, sự thật ẩn giấu bên dưới vẻ ngoài xinh đẹp của chúng ta bắt chộp được chúng ta.

Nói như thế không có nghĩa là trong phần đầu tiên này của lộ trình chúng ta, chẳng có thử thách nào. Có những thử thách vì những lý do khác nhau: trước hết, việc xây dựng bản thân đòi hỏi một nỗ lực có thể gây tổn thương; kế đến, chúng ta có những thương tích chưa được chữa lành; sau cùng, có những thử thách tâm linh, như những “đêm”, vốn thường xảy ra trong giai đoạn này. Nhưng nhờ ơn Chúa, cùng với thời gian, chúng ta vượt lên tất cả. Bấy giờ chúng ta có thể có cảm tưởng mình là người “tốt”, nếu ta dám nói như thế. Nhưng đây không phải là sự thật thâm sâu nhất. Vẫn còn việc phải làm. Một mặt, ta vẫn chưa hoàn toàn nhìn nhận sự thật về bản thân mình, và mặt khác, khi phát hiện ra những yếu đuối của mình, ta thường rất khắt khe với bản thân.

Dĩ nhiên, ta không nên đọc điều này với một cái nhìn vỡ mộng khi cho rằng rằng tuổi trẻ là thời kỳ ảo tưởng, ngay cả trong lãnh vực tâm linh cũng thế, và rằng ta nhất thiết phải mắc một sai lầm nào đó. Không. Tuổi trẻ là thời cho đi. Đây chính là điều quan trọng.

16.2. Thời xét lại

Với tuổi tác, một thái độ mới xuất hiện, thái độ khôn ngoan, sẽ cho phép nhìn mọi sự từ góc độ cao hơn. Nhưng điều đầu tiên ta thấy chính xác là phần tội lỗi và các giới hạn đang tồn tại nơi chúng ta. Và điều đó xảy ra một cách khá lạ lùng.

Để bước vào “tiếng gọi thứ nhì”, cần có thời gian. Nói chung, đối với những người ở trong một cộng đoàn, cần có một số năm sống cộng đoàn nhất định, và một độ tuổi tối thiểu. Có thể nói rằng điều đó sẽ rất đặc biệt đối với trường hợp của những người dưới ba mươi lăm tuổi và dưới mười hoặc mười lăm năm sống trong cộng đoàn. Đôi khi, nó thậm chí còn chạm đến cả những người  có đời sống cộng đoàn từ hai mươi năm trở lên. Chúa có giờ của Ngài! Tuy nhiên, đừng xem đó như một sự cần thiết tuyệt đối và bắt buộc phải có. Ta có thể sống đời cộng đoàn sinh nhiều hoa trái và hạnh phúc mà không cảm thấy tiếng gọi này.

- Cha Voillaume nói: Với thời gian và ơn Chúa, mọi sự sẽ thay đổi mà ta không cảm nhận được. Nhiệt tình của con người nhường chỗ cho một thứ vô cảm đối với các thực tại siêu nhiên; Chúa dường như càng lúc càng xa chúng ta, và có những ngày chúng ta cả thấy như bị kiệt sức; chúng ta dễ bị cám dỗ hơn để quyết định cầu nguyện ít đi, hoặc cầu nguyện theo nếp đã có được. Đức khiết tịnh gây cho chúng ta những khó khăn mà ta chưa từng nghĩ tới; có một vài cám dỗ mới; chúng ta cảm thấy nặng nề trong lòng, chúng ta dễ tìm những thỏa mãn nhục dục hơn. Ngoài ra, chúng ta có xu hướng, theo bản năng và thậm chí chẳng lưu ý đến nó cũng chẳng thấy nó là xấu, sống độc lập hơn một chút, mà không hề tính đến những người chịu trách nhiệm. Đối với chúng ta, sự cởi mở dường như ít cần thiết đi, còn đức ái thì càng gặp khó khăn nhiều hơn.

Chúng ta hãy điểm lại một vài biểu hiện của cuộc khủng hoảng này. Chúng ta thấy mệt mỏi, chán ngán, hơi nặng nề một chút, khó sống những điều đã cam kết, bớt hăng hái nhiệt tình, đôi khi cảm thấy cay đắng. Điều này có liên hệ với việc quay trở lại với bản thân, với những vấn đề của cá nhân, hoặc của đôi bạn, hoặc của gia đình mình, với cảm tưởng rằng công việc mà ta đã làm cho tới lúc đó không thật sự hữu ích đến thế. Chúng ta hãy kể ra lộn xộn một số cách diễn đạt:

            “Người ta không công nhận các dự phóng của tôi.”

            “Tôi đã không thật sự hoán cải.”

            “Tôi đã cạn kiệt mọi thứ mà gia đình (công việc, cộng đoàn, sự cam kết trong Hội thánh ...) có thể trao ban cho tôi.”

            “Nếu những người khác biết được tôi thật sự là ai.”

            “Tôi sẽ ra sao?”

            “Tôi không còn có ích nữa.”

            “Người ta không công nhận tôi nữa, họ không để ý đến các khả năng của tôi nữa.”

            “Giáo xứ, (phong trào, cộng đoàn của tôi...) không được điều hành tốt nữa rồi.”

            “Có phải tôi sai lầm trong chọn lựa của mình?

            “Tôi bị gia đình (nơi cam kết, cộng đoàn...) làm tổn thương.”

            “Tôi đã phát hiện ra các khuyết điểm của anh em tôi, và nó chẳng đẹp đẽ gì!”

            “Người ta bỏ rơi tôi.”

            “Thật ra, tôi đã cam kết là để làm vui lòng hơn là bởi sự lựa chọn cá nhân.”

            “Tôi không tiến được, tôi đang thụt lùi.”

            “Tôi chuẩn bị rút lui đây.”

            V.v...

Ta có thể kể thêm nhiều câu thuộc loại này. Tuy nhiên đừng đem chúng áp dụng cho mình một cách quá vội vã. Trong y khoa, khi nghiên cứu các bệnh nhiệt đới, có lúc người ta phát hiện ra mình có tất cả các triệu chứng của những bệnh này, dù họ chẳng bao giờ đặt chân lên các nước nhiệt đới này cả. Ta không có mọi sự cùng một lúc đâu.

Thế nhưng trong thực tế thì một phần của điều nói trên là đúng. Bấy giờ ta ít nhiều bị xâm chiếm bởi những cảm giác chỉ trích, chán ngán, bi quan, trong khi ta tưởng rằng mình đã dứt điểm với những thái độ nội tâm kiểu này rồi. Ta bắt đầu thụt lùi, ít là về mặt nội tâm. Ta là gánh nặng cho chính mình và cho người khác. Ta bị lôi kéo bởi những suy nghĩ theo kiểu: “Nhưng, bố ơi, con không nhận ra bố”; “Anh yêu, em thấy anh đã thay đổi từ ít lâu nay”; “Bạn đã mất lửa của chức linh mục (hoặc của đời thánh hiến) của bạn”; v.v... Cuối cùng, ta tự hỏi phải chăng đơn giản là ta đang thỏa hiệp với lý tưởng của mình, ta đang nhạt đi. Vậy mà, Đức Kitô nói: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13).

(Còn tiếp)
Kinh Việt - Trầm Tĩnh Nguyện lược dịch và đánh thêm số đề mục từ tác phẩm "L’itinéraire de la vie spirituelle" của Bernard Peyrous.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét