Các Trang

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

Thần học thiêng liêng (tiếp theo)

 

Ý nghĩa sống đạo III: hiến dâng quảng đại

Dù sao thì sự chính trực cũng chỉ giúp đi trong giới hạn của những khuôn khổ, nên chưa cho phép bốc cao trong sự thong dong của Thần khí. Thái độ siêu thoát có đưa vào sự thong dong này, nhưng vì siêu thoát còn trong khuôn khổ, nên thong dong cũng giới hạn luôn. Siêu thoát là nghèo trong tinh thần: khiêm nhường bậc hai theo cách đánh giá của Thần thao I-nhã. Khiêm nhường cấp ba, vừa có thái độ siêu thoát của bậc trước, vừa có tình yêu nó thúc ta nên giống Chúa để chọn sống nghèo hơn là giàu, chọn sỉ nhục hơn là danh giá, "được coi là dại, là điên vì Chúa Kytô, đấng cũng chịu rẻ khinh như thế". Thật ra, chỉ trong tình yêu, ta mới thấy mình như bay bổng, thoát mọi thứ ràng buộc và giới hạn. Nghĩa là chỉ trong tình yêu ta mới hoàn toàn tự do, khi mà siêu thoát thành mở ra, mở hết, chứ không còn giới hạn, dù là giới hạn của khuôn khổ, của mức độ. Maria đã dốc sạch bình thuốc thơm mười tháng lương công nhân, nên đúng là quá mức đối với ranh giới đạo đức, quá mức theo cái lý và sự tính toán của các tông đồ. Có điều đã là tình yêu, thì nó không thể tính toán, không có mức độ, ngoài mọi khuôn khổ. Thế mà chỉ bằng sức phóng vô biên của tình yêu, ta mới đạt tới bản thân Chúa Yêsu, để nơi Ngài ta cũng đạt tới bản thân Cha:

"Kẻ không yêu thì không hiểu được Thiên Chúa, bởi Ngài là Tình Yêu" (1Yo.4.8).
"Thiên Chúa thì chẳng ai thấy Ngài đâu. Có điều hễ ta yêu thương nhau, thì Ngài ở nơi ta" (1Yo.4.12).
"Và đây dấu hiệu rằng ta ở trong Thiên Chúa, và Ngài trong ta: đó là Ngài đã ban cho ta Thần khí Ngài" (1Yo.4.13).

Vâng, hễ ở trong tình yêu, thì sống bằng Thần khí Chúa. Hễ vô quỹ đạo Thần khí, sẽ được bốc lên với tốc độ ánh sáng của Ngài. Và có thế mới đạt tới bản thân (bản vị) Thiên Chúa để hiểu Ngài, hiểu rằng Ngài là Yêu từ trong bản chất.

Quả thật, vì bản chất là Yêu, nên Chúa mới đánh giá đúng bình thuốc thơm của Maria. Bình thuốc ấy, giá trị nó không thể đo bằng 300 đồng tiền, mà bằng sự vô giá của ái tình. Tinh thần ngay chính, trọng nghĩa vụ, vẫn còn trong khuôn khổ của cân đo, vay trả. Nghĩa là nợ (nghĩa vụ) bao nhiêu, thì trả (thi hành nghĩa vụ) hết bấy nhiêu. Nên chỉ với tinh thần ngay chính thôi, ta sẽ không hiểu nổi vì sao Thiên Chúa cứu ta khi mà, đã mang ơn, ta còn phản bội. Ta càng không hiểu nổi khi mà, để cứu ta, Chúa đã vượt mức cần khi giáng trần và chịu chết.

Chính hành động phi tính toán, ngoài cân đo của Chúa đã sinh phản ứng dây chuyền cho cả chuỗi những hành vi quảng đại giống thế của biết bao đệ tử, những kẻ muốn lấy tình mà đền đáp ân tình. Và đây là những đệ tử chính tông, những thánh "đặc sản" Kytô-giáo!

* * *

Thật ra, chẳng ai đứng vững ở con đường nghĩa vụ (thái độ hai) mà lại không yêu Chúa và quảng đại một phần. Và dù có sống tình yêu (thái độ ba), do giới hạn của cảm tính, đêm tối của đức tin và cạm bẫy của thần tà, ai mà chẳng phải ức chế giác quan (trạng thái một), chu toàn nhiều nghĩa vụ (thái độ hai). Nên trong đời sống cụ thể, ba thái độ thường xen kẽ nhau, dung hòa với nhau, với một trong ba là chủ yếu, cùng với chiến thuật riêng của nó. Vả nữa, tình yêu vốn nhu nên dễ nhược, do đó cần đến một số kỷ cương để bảo vệ cũng như tăng độ chắc bền.

Nếu người thuộc thái độ hai đắn đo hơn, thì kẻ thuộc thái độ ba lại phiêu lưu hơn, muốn bỏ hết và cho hết, dù với những khuyết điểm lúc thi hành. Nếu thái độ hai đôi lúc phải cố vượt trên cân đo, thì thái độ ba khi vào việc cũng phải được lý trí soi sáng phần nào. Dù do khôn ngoan mà phải đôi phần thận trọng, kẻ sống cho tình yêu chỉ muốn làm theo Thần khí. Khi đã biết đúng đây là tiếng Thần khí rồi, họ sẽ không đắn đo nữa, mà vọt ngay theo tiếng gọi. Vâng, họ không lấy lý trí mình thay ánh sáng Chúa, mà chỉ dùng lý trí lúc cần để rà biết ý Chúa lắm khi khuất ẩn. Thái độ siêu thoát và trạng thái lắng nghe khiến cái tâm trở nên bén nhạy với tín hiệu từ Trời và mềm mại dưới ngón tay Thần khí. Thần khí không còn bị cản do ý muốn và trở ngại do phản xạ bản năng, sẽ dễ biến họ thành tác phẩm vừa ý mình, một kiệt tác.

Thế nhưng đã không có nhiều siêu phẩm như thế dù rất nhiều hiến dâng. Số là trong khi sốt sắng, người ta muốn từ bỏ hết và dâng hiến hết, nhưng mầm hiến dâng không khỏe và cây hiến dâng không có rễ sâu. Bởi thế, khi ngọn sóng cảm tính đi qua, người ta trở lại với những cân nhắc tầm thường khi hành động. Kẻ tận hiến thật thì tìm ý Chúa để dâng hiến, tựa vào sức Chúa để bước đi và kiên trung, chứ không ỷ sức mình. Một khi đã hiến thân nghiêm túc theo ý Chúa rồi, họ không nghe cám dỗ để đặt lại vấn đề bao giờ nữa, mà chỉ nhắm mắt thi hành thôi, dù có hứng hay không cũng mặc, dù thấy toàn bóng tối vẫn tin tưởng cất bước. Họ tự nguyện thật và kiên vững thật trong quyết định, chứ không làm cánh bèo nổi trôi theo thủy triều cảm tính.

Kẻ tận hiến thành thực và đạt thái độ ba (tuy còn ấu trĩ và chưa vững lắm) vẫn có thể là kẻ vừa rời bỏ đường tà. Xác thịt tuy còn nặng nề, nhưng hướng nhắm đã cao khi mà đức Ái Chúa Kytô tác động mạnh, khiến họ có thể quên mình vì Chúa và nói như Phaolô:

"Tôi tin chắc rằng: dù sự sống hay sự chết, dù hiện tại hay tương lai, dù thiên thần hay ác quỷ và các sức mạnh địa ngục, trên trời, vâng, dù bất cứ thụ tạo nào cũng không phân lìa nổi ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Yêsu Kytô Chúa chúng ta" (Rom. 8.38-39).


TÓM LẠI


Tâm lý khác nhau giữa trẻ với già, lớn với bé, do đó cách sống đạo cũng không thể hoàn toàn như nhau.

Trẻ thơ chịu tác động mạnh bởi gương xấu hay gương tốt, nhất là từ ba má, cô thầy. Nên bổn phận những vị này là phải sống gương mẫu, cũng như học phương pháp dậy trò, dậy con.

Từ lúc lên mười, trẻ bắt đầu muốn tự lập và chúng đủ khả năng nên thánh. Ðây là lúc giáo dục cần phải thận trọng, nhưng tế nhị hơn. Ðến tuổi thiếu, thanh, người trẻ vừa hướng động, vừa dễ yêu lý tưởng và có gan phiêu lưu. Họ phải nuôi ý nguyện nên thánh ngay từ lúc này, cũng như nuôi chí đấu tranh vì tương lai thế giới. Còn khi xế chiều rồi, ai nấy hướng nội dễ, nhưng phải cố gắng lắm mới còn chí phấn đấu và sự lạc quan.

* * *

Ðời người luôn cận kề với tai ương, lão bệnh, khổ đau và cái chết. Vậy hãy biết dọn mình bằng ý thức và đón trước đi. Ý thức nhờ kinh nghiệm và suy tư. Ðón trước bằng quyết nhận trong tin tưởng. Giả như nỗi đau, lo vẫn lớn hơn niềm tin còn yếu ớt, thì hãy tránh stress bằng những giải trí lành mạnh trước khi trở lại với suy tư và nguyện cầu.

Mức thánh thiện luôn tùy vào ơn Chúa cùng với sự hợp tác của tôi, trong đó quan yếu là thái độ vào đạo. Người ta không thể tiến xa nếu chỉ muốn tránh phạt hay lập công. Và sẽ khá hơn nếu sống vì nghĩa vụ. Kẻ thật sự bay bổng là kẻ có tâm hồn quảng đại, muốn hiến thân cho tình yêu.

Với kẻ vừa ngoi lên từ vũng bùn, vì xác thịt còn mạnh, việc tránh dịp tội và chế ngự nết hư là vô cùng cần thiết. Với kẻ yêu nhiệm vụ do tính tình ngay thẳng, họ hãy tập thêm siêu thoát và cố gắng khiêm nhu. Còn kẻ bơi trên sóng tình cũng cần chú tâm phần nào đến kỷ luật, nhờ đó vững đường tiến.

Tuy nói là ba thái độ đấy, nhưng chúng luôn xen kẽ trong cuộc sống, với một trong ba nổi bật tùy lúc, tùy người.

(Còn tiếp)
- Trích từ tác phẩm "Thần Học Thiêng Liêng" của Lm. Hoành Sơn - Hoàng Sỹ Quý, SJ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét