Các Trang

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

Thần học thiêng liêng (tiếp theo)



Những huyền kiến và huyền tượng khác

Trong thời gian của những giai đoạn huyền nghiệm nói trên, có thể diễn ra một số kinh nghiệm ngoại thường như khải mạc (révélation), huyền ngôn (parole) (Trong Nhật ký thiêng liêng, I-Nhã nói đến Loquela nội tâm và ngoại giới, hẳn đó là huyền ngôn. Trong huyền nghiệm Ấn Ðộ, còn thấy nói đến âm thanh và màu sắc ánh sáng) và huyền kiến (vision). Huyền kiến có thể được coi như gò đống nổi cao lên giữa cánh đồng huyền nghiệm. Còn huyền ngôn và mạc khải là những hiện tượng bất thường, kẻ có người không.

Bàn về huyền kiến và huyền tượng, chúng tôi chỉ nhắm đề ra những tiêu chuẩn giúp phân biệt giả chân, những quy tắc giúp tùy nghi ứng phó. Ðể được thế, cần biết đâu là địa tầng tâm lý ở đó diễn ra huyền kiến này hay huyền tượng kia.

Ðối tượng của huyền tượng hay huyền kiến có thể được cảm thấy như ở ngoài hoặc ở trong tôi. Ở ngoài khi do cảm giác (vì cảm giác hướng ngoại), nghĩa là chính giác quan bị tác động. Mà để tác động được vào chúng, chỉ cần sóng điện từ hay sóng đàn hồi thôi. Vâng, chỉ cần bắt chước những sóng ấy mà tác động vào thính giác hay thị giác, là khiến nhìn thấy hình ảnh nhân vật này, tiếng nói của quỷ thần kia rất dễ. Và đây là trường hợp Maisen nghe tiếng Chúa trong bụi cây (Xh.3.2tt.), Bernadette nhìn thấy Ðức Mẹ ở Lộ đức. Trái lại, khi Marguerite Marie Alacoque gặp Chúa bằng "nội giác", thì đây là huyền kiến hình tưởng (vision imaginaire): Chúa tác động vào trí tưởng của nữ thánh, để nơi ảnh tượng tâm lý ấy, Ngài có mặt đặc biệt với chị và chị cảm nhận Chúa trong tâm hồn mình.

Tiên sa Avila và I-Nhã Loyola nói đến huyền kiến Ba Ngôi của họ. Huyền kiến Ba Ngôi luôn là huyền kiến tuệ trí, và huyền kiến tuệ trí chính yếu là về Ba Ngôi, đôi khi cũng về một mầu nhiệm nào khác. Ba Ngôi khi ấy hoặc ở dưới dạng phân biệt, hoặc ở dưới dạng đồng thể. Không biết đây có gì giống với huyền kiến yếu thể (d'essence), huyền kiến về Thiên Chúa ở chỗ là bản nguyên: "Cha thì không ai biết" (Yo. 1.18 ; Lc. 10.22) hay không?

Nếu kinh nghiệm Ba Ngôi của I-Nhã nghiêng về hiểu, của Tiên sa nghiêng về hiện diện, thì thật ra hai vế đều có, bởi tri đây là nghiệm tri, là tri ở thần (noũs), và thấy đây cũng bằng thần nốt. Ðúng như Yoan Thánh giá hiểu, huyền kiến dù hình tưởng hay tuệ trí, là cả sáng và nóng một lượt, với một trong hai vế nổi bật hơn.

Khi Thiên Chúa trao đổi trực tiếp với hồn từ gốc (substance) Ngài đến gốc hồn (trong huyền kiến tuệ trí), thì Satan không bén mảng tới nổi, nên ta tuyệt đối an toàn (Trao đổi "từ bản gốc đến bản gốc" có thể diễn ra trong huyền kiến tuệ trí, trong mạc khải về chính Thiên Chúa, thường dưới dạng Ba Ngôi). Satan dù có khuấy phá ở bề mặt cũng chỉ uổng công thôi, vì Chúa đã neo vững hồn nơi Ngài tự bề sâu ấy. Có điều, như I-Nhã nhận xét, phải phân biệt lúc huyền nghiệm thực với thời gian liền sau, khi mà dư âm còn mạnh, khiến không rõ lằn ranh, nhưng Satan và bản tính thì dễ dàng nhập cuộc rồi.

Cảm giác, cảm tính và trí tưởng (thiết nghĩ phải kể cả tư tưởng nữa) là những mảnh đất vô chủ, mà ở đó cả thần ác, thần lành và bản tính đều tung hoành được, nên rất khó nhận ra ai là tác giả của trò chơi này, vở tuồng kia. Bởi thế, theo Yoan Thánh giá, không nên ham và tin vào các huyền kiến và huyền tượng vốn diễn ra trên địa bàn ấy. Ðó đây từng giờ phút, thiếu gì những vụ việc như "Ðức Mẹ hiện ra", "Thánh Thần nhập", "hồn hiện về", "Chúa Cha phán", v.v... Về quỷ thì, theo Yoan Thánh giá, hắn thường được thấy xuất hiện dưới những hình thù khủng khiếp, nhưng cũng có khi dưới lốt thần lành. Một đôi khi trong tích tắc, hắn đến "từ tinh thần đến tinh thần" với hồn ta, và đây là một cảm nhận khủng khiếp, làm chết ngay được nếu kéo dài.

Thay vì chia thành hai loại huyền kiến hình tưởng và tuệ trí như người khác, Yoan Thánh giá lại phân thành ba:

- huyền kiến hình thể (corporelles) qua giác quan hay trí tưởng.

- huyền kiến thiêng liêng hữu niệm hay hình thể. Huyền kiến trước là những gì lý trí hiểu nổi, còn huyền kiến sau có thể liên quan đến những gì sẽ xảy ra.

- huyền kiến thiêng liêng thuần túy khi không còn qua cảm giác, ảnh tượng tâm lý hay ý tưởng (mô thức) gì nữa. Huyền kiến thiêng liêng thuần túy, ở chỗ hoàn hảo của nó, chỉ diễn ra ở trên Trời; còn ở mức khiếm khuyết thì một số thánh có thể trải qua. Loại này chắc chắn là huyền kiến tuệ trí rồi.

Ðối với huyền kiến hình tưởng (và ắt hẳn cũng thế đối với các huyền kiến do cảm giác cũng như các huyền tượng khác), sau đây là những tiêu chuẩn giúp xác định nguồn gốc Thiên Chúa của chúng:

1. Ấn tượng chúng để lại rất sâu sắc, qua nhiều năm tháng không thể mờ phai. Có điều theo tâm lý học chiều sâu, những gì từ vô thức tập thể vọt lên cũng đề lại ấn tượng sâu bền như thế.

2. Hiệu quả sẽ là sự ngọt dịu, nhất là bình an sâu xa trong tâm hồn.

3. Hiệu quả còn là sự phát triển đạo đức, mà đặc biệt là của đức khiêm nhường và thuận Thiên.

Riêng I-Nhã đề ra một quy tắc phân định thần căn về các hiện tượng thiêng liêng nói chung: Chỉ đúng là do Chúa cái gì từ bắt đầu suốt cho đến kết thúc đều tốt, nhất là càng lúc càng tốt. Bởi thế, nếu cái gì bắt đầu tốt, mà rồi kém tốt dần, để cuối cùng không tốt nữa, như cám dỗ đức tin và nhục dục, như cảm nhận tự phu, tự cao, ghét ghen v.v..., thì đúng là có cái đuôi của thần ác đâu đây rồi.

Từ lâu tại Việt Nam, ngoài những tin đồn về Ðức Mẹ hiện ra, quỷ hiện hình, hồn báo mộng, còn thấy nói đến Ðức Mẹ ám, thậm chí cả Chúa Cha và Thánh Thần cũng ám nữa. Ðúng là ÁM, vì các Ngài nhập vào để dùng miệng của chị này, ông nọ mà phán nhân danh mình. Vâng, không phải Chúa nói với họ để họ nhân danh Ngài đi nói lại với người khác đâu (Như trường hợp các ngôn sứ, Bernadette, v.v...), mà Chúa (hay Ðức Mẹ) sử dụng miệng lưỡi và thân xác họ như công cụ vô tri để dùng ngôi thứ nhất mà nói thẳng với chúng ta, giống như Quan Công " "thánh phán" trong những cuộc lên đồng vậy.

Chúng ta thừa biết, đây không phải là cách xử sự của Chúa và các thánh vốn tôn trọng bản vị chúng ta, nên không thể "  nhập vào"  và "  ám"  chúng ta như quỷ quen làm. Vâng, dù trong Cựu ước hay Tân ước, dù nơi các huyền tượng được Hội thánh công nhận từ xưa đến nay, không hề có việc Chúa  "  ám"  hay  " nhập"  như thế cả.


TÓM LẠI

Huyền nghiệm chân chính là một tri nghiệm siêu nhiên diệu huyền, nó diễn ra ở những độ sâu khác nhau của nội tâm. Gốc nền của chúng là thứ kinh nghiệm siêu nghiệm (transcendantal) và căn bản về Thiên Chúa ở tận đáy sâu vô thức: kinh nghiệm do Tín-Vọng-Ái thiên phú.

Huyền nghiệm căn bản này, qua đời sống đức tin, nếu phát triển vượt mức, có thể được Chúa cho lộ ra phần nào ở ý thức bằng huyền nghiệm. Chỗ hoàn tất của huyền nghiệm sẽ là huyền kiến vinh phúc. Vậy huyền nghiệm chính là dự báo của vĩnh phúc, do đó đáng ước ao.

Huyền nghiệm, cùng với Ðêm tối, có sức lớn lao để thanh tẩy tâm hồn, phát huy đức hạnh, nhất là gia tăng mạnh đức Ái, nên vô cùng hữu ích cho việc nên thánh. Có điều với nên thánh, nó chỉ là một phương tiện, lại chẳng tuyệt đối cần.

Huyền nghiệm thường được chuẩn bị bằng lòng sốt sắng nên thánh, bằng cố gắng tu đức, cầu nguyện và suy niệm kiên trì.

Huyền nghiệm là do Chúa phú và nó đến từ trong, thường với tiến trình bốn bước: An tĩnh, Hoàn hiệp, Xuất thần và Hôn nhân thiêng liêng.

Với An tĩnh, sức hút mới chỉ chạm ý chí. Với Hoàn hiệp, các khiếu năng bị xâm chiếm hết, xem như ngủ yên. Với Xuất thần, cả giác quan và thân xác cũng vào cuộc. Với Hôn nhân thiêng liêng, mọi sinh hoạt trở lại bình thường khi mà chiêm hết ly cách với hành, khi mà Chúa có mặt thường hằng với ta.

An tĩnh là kinh nghiệm ngọt ngào khác thường, nó được sửa soạn bằng An tĩnh khô khan (Ðêm tối giác cảm). Tuy không suy niệm được và hết sốt sắng, nhưng hành giả yêu thanh vắng và chẳng thiết sự đời.

Hoàn hiệp mang tới một vị ngọt ngọt hơn, một an định sâu xa hơn, mà kết quả là một đức hạnh kỳ diệu.

Với Xuất thần, hành giả thành thụ động hoàn toàn. Huyền kiến thường xảy ra, còn hồn thì vô cùng khổ trong một nỗi sướng vô cùng lớn.

Trong Hôn nhân thiêng liêng, hồn chỉ còn thiết tha với ý Chúa và vinh quang Ngài, cũng như hạnh phúc của loài người tất cả. Sự kết hợp vô cùng sâu và thường hằng với Chúa không còn ngăn trở hành động nữa.

Trong tiến trình huyền nghiệm trước Hôn nhân thiêng liêng, hồn phải trải qua những đợt thanh luyện khốn cực bằng Ðêm tối giác cảm và Ðêm tối tinh thần. Thật ra, Ðêm tối là thứ ánh sáng mới hẳn khiến hồn nhìn không thấy, và lửa nóng cũng mới khiến hồn không cảm nhận được, thế thôi.

(Còn tiếp)
- Trích từ tác phẩm "Thần Học Thiêng Liêng" của Lm. Hoành Sơn - Hoàng Sỹ Quý, SJ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét