ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 1
- Bàn về bản chất của đêm dày.
- Bàn về sự cần thiết phải vượt qua đêm dày để đạt tới chỗ kết hiệp nên một với Thiên Chúa.
MỤC LỤC
CHƯƠNG 1 Hai thứ đêm*
CHƯƠNG 2 Thế nào là đêm*
CHƯƠNG 3 Tước bỏ sự mê thích*
CHƯƠNG 4 Cuộc vượt qua cần thiết*
CHƯƠNG 5 Cuộc vượt qua cần thiết* (2)
CHƯƠNG 6 Hậu quả tệ hại của mê thích*
CHƯƠNG 7 Mê thích sinh khổ não *
CHƯƠNG 8 Mê thích khiến linh hồn nên tối tăm và mù quáng*
CHƯƠNG 9 Mê thích gây hoen ố *
CHƯƠNG 10 Mê thích đưa tới nguội lạnh và suy yếu *
CHƯƠNG 11 Diệt hẳn mê thích *
CHƯƠNG 12 Tác hại dây chuyền và đồng bộ *
CHƯƠNG 13 Cách xử sự *
- Các tựa đề có đánh dấu hoa thị (*) là của riêng bản Việt ngữ. Người dịch mạn phép thêm vào để bạn đọc dễ theo dõi tư tưởng của tác giả và tiện tra cứu ở mục lục.
---
CHƯƠNG 1
+ HAI THỨ ĐÊM*
Chương này trình bày ca khúc thứ nhất:
Nói về những khác biệt giữa hai thứ đêm mà những người theo đường tâm linh phải trải qua, theo hai phần của con người: phần thượng đẳng và phần hạ đẳng.
Và giải thích ca khúc sau đây.
- Ca khúc thứ nhất
Giữa một đêm dày,
Nồng nàn yêu thương và âu lo,
Ôi vận may diễm phúc!
Tôi đã ra đi không bị để ý,
Mái nhà tôi giờ thật yên hàn.
1 - Trong ca khúc thứ nhất này, linh hồn hát mừng vì số phận mình thật diễm phúc và may mắn được thoát khỏi mọi sự bên ngoài, khỏi những mê thích và những bất toàn vốn nằm trong phần dễ cảm của con người, do sự vô trật tự của lý trí gây nên. Để hiểu điều ấy, cần biết rằng một linh hồn muốn đạt tới bậc hoàn thiện, trước hết thường phải trải qua hai thứ đêm chính yếu, được người sống theo tâm linh gọi là những cuộc thanh luyện và thanh tẩy linh hồn, ở đây chúng tôi gọi là đêm, bởi vì trong cả hai thứ đêm ấy, linh hồn như thể bước đi trong đêm, trong bóng tối.
2 - Đêm thứ nhất hay cuộc thanh luyện thứ nhất thuộc phần dễ cảm của linh hồn, được bàn tới trong ca khúc này và trong phần thứ nhất của sách này. Đêm thứ hai thuộc phần tâm linh, sẽ được nói tới trong ca khúc thứ hai tiếp sau; và chúng tôi sẽ bàn về mặt chủ động của nó trong phần hai và phần ba; còn mặt thụ động sẽ được bàn ở phần bốn.
3 - Đêm thứ nhất này dành cho những người mới bắt đầu, vào thời kỳ Thiên Chúa khởi sự đưa họ lên bậc chiêm niệm. Phần tâm linh cũng có dự phần vào đêm ấy, như sau này chúng tôi sẽ có lúc nói tới. Còn đêm thứ hai hay cuộc thanh luyện thứ hai dành cho những người đã tiến khá xa, vào thời kỳ Thiên Chúa muốn đưa họ lên bậc kết hiệp nên một với Thiên Chúa; và đây là một đêm tối tăm hơn, mù mịt hơn; và là một cuộc thanh luyện đáng sợ, như sẽ nói sau.
4 - Đây là tóm tắt điều linh hồn muốn nói trong ca khúc này: Được Thiên Chúa lôi kéo, linh hồn đã ra đi chỉ nguyên vì yêu mến Ngài, được đốt cháy bằng tình yêu mến Ngài trong một đêm dày. Đêm ở đây tức là sự tước đoạt và thanh luyện khỏi mọi mê thích thuộc giác quan, liên hệ đến mọi thứ bên ngoài của đời này cũng như những gì đem lại khoái cảm cho nhục thể và thú vị cho lòng muốn. Tất cả những điều đó được thực hiện trong cuộc thanh luyện giác quan ấy. Linh hồn cũng nói thêm rằng nó ra đi khi ngôi nhà của nó đã yên hàn; tức là muốn ám chỉ phần cảm giác, các mê thích đã dịu xuống và ngủ yên trong linh hồn, và linh hồn cũng vậy, không còn quan tâm tới chúng nữa. Nó sẽ không ra khỏi những đau đớn dằn vặt do các mê thích gây ra trước khi những mê thích này giảm thiểu và ngủ yên.
Đó là lý do tại sao linh hồn bảo rằng số phận mình diễm phúc: Vì nó đã ra đi mà không bị để ý, tức là không bị bất cứ một mê thích nào của nhục thể hay một điều gì khác cản trở. Nó đã ra đi trong đêm, nghĩa là trong khi Thiên Chúa tước đoạt hết các mê thích ấy của nó, đối với nó, điều này đúng là một đêm tối.
5 - Thật là một vận may diễm phúc cho linh hồn khi được Thiên Chúa đặt vào đêm tối ấy, nơi phát xuất cho nó biết bao điều tốt và là nơi nó không sao tự mình mà vào được; vì không ai có thể tự mình loại trừ hết mọi mê thích để đến với Thiên Chúa.
6 - Đó là giải thích tổng quát về ca khúc này. Bây giờ chúng tôi sẽ đi vào từng câu, giảng giải từng câu một và sẽ trình bày những điều chúng tôi nhắm đến. Chúng tôi cũng sẽ làm như thế đối với các ca khúc khác, như tôi đã nói trong lời tựa, trước hết sẽ nêu ra từng tiết và giải thích, rồi đến mỗi câu của tiết ấy.
- Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét