Hoán cải để nên như trẻ nhỏ (Mt 18,3)
Để trả lời câu hỏi của các môn đệ: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” , Chúa Giê-su đưa ra một mẫu mực tưởng chừng như trái ngược hẳn: “Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” Câu trả lời mới nghe qua thì nghịch tai – mà chân lý thì mới nghe qua đều thường nghịch tai như thế - nhưng cứ để cho nó thấm dần vào lòng mình, cứ để cho nó ăn lan vào mọi ngõ ngách của đời sống mình, cứ để cho nó trở thành một chuẩn mực để xác định các giá trị nhân linh trong cuộc sống, thì ta sẽ thấy nó không những không còn nghịch tai mà lại trở nên êm ái đằm thắm dễ nghe.
“Nên như trẻ nhỏ”, ý tưởng này làm tôi lập tức nghĩ đến hình ảnh hài nhi Giê-su Na-da-rét nằm co ro run rẩy trong cái máng súc vật ở ngoài đồng Bê-lem. Nên như trẻ nhỏ trước tiên hẳn phải là như thế, và để mà như thế thì quả là không đơn giản tí nào! Nếu chỉ nhìn vào em bé Giê-su nằm rét run đó mà thôi thì có lẽ vấn đề sẽ đơn giản thật. Thế nhưng, nếu ta chiêm ngắm cho thật thâm sâu thì ta sẽ thấy nơi em bé Giê-su đang ẩn chứa một điều hết sức vĩ đại: chính Ngôi Hai Thiên Chúa hiện diện trong cái hình hài nhỏ bé bình thường này. Điều không đơn giản là ở đó. Để nhập thể một cách trọn vẹn, không ‘đóng kịch’, Ngôi Hai Thiên Chúa đã phải tự hủy mình ra không, đã phải thật sự từ bỏ thiên tính của mình để đến xếp hàng vào trong đoàn lũ con cháu của A-đam: Ngôi Lời Sáng Tạo tự xếp hàng vào trong đoàn lũ loài người thụ tạo! Điều không đơn giản này vượt quá tầm mức suy tưởng của con người. Ta có thể nói một cách hơi ‘hàm hồ’ rằng Ngôi Hai Thiên Chúa đã phải “hoán cải” để nên một trẻ nhỏ: Ngài mang lấy mọi hệ luỵ từ thân phận thấp hèn như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Và chính hành động này đã khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Nếu không xúc phạm đến thiên tính của Chúa Giê-su thì ta có thể nói đây là sự “hoán cải” kiểu mẫu đầu tiên và vĩ đại nhất mà con người phải noi theo.
“Trở nên như trẻ nhỏ” là một công việc khó khăn, nhất là khi ta đã lỡ thành ‘người lớn’ mất rồi. Lại còn khó khăn hơn, khi ta tự cho là mình đã ‘trưởng thành’ trọn vẹn. ‘Người lớn’ thì có nhiều điều hay, nhưng cũng có lắm điều dở! Khổ một nỗi là ‘người lớn’ ít khi thấy được cái dở của mình, ít khi chịu khó đón nhận cái hay đến từ bên ngoài mình. ‘Người lớn’ tạo ra một thế giới trong đó họ là chủ, là nhà lập luật, là quan toà, là ... mọi sự cho chính họ. Thiên Chúa sẽ rất vất vả để có thể chen chân vào trong cái vương quốc riêng tư của họ, hoặc nếu có chen chân vào được thì cũng gặp nguy cơ trở nên thần dân của họ! Thiên Chúa khó mà ‘trị’ được ‘người lớn’. Đối với ‘người lớn’, Nước Thiên Chúa khó mà “trị đến” được!
Trẻ nhỏ thì không rắc rối phức tạp như thế. Trẻ nhỏ gọi: “Cha ơi!” rồi phó thác tất cả cho cha mình. Trẻ nhỏ không đòi quyền làm chủ, cũng không so đo hơn thiệt với cha mình. Tuy cũng có lúc nài nỉ vòi vĩnh, nhưng cuối cùng thì ý kiến của cha bao giờ cũng là nhất. Chúa Giê-su lúc đã ngoài 30 tuổi vẫn còn giữ nguyên vẹn nét trẻ nhỏ của mình khi Ngài thốt lên trong vườn Cây Dầu: “Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14,36). Và cho đến giây phút cuối đời trên thập giá, Chúa Giê-su cũng không đánh mất nét trẻ nhỏ đó: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Quả thật Chúa Giêsu là mẫu mực tuyệt hảo cho những ai muốn thực hiện lối sống “nên như trẻ nhỏ”. Có thể nói rằng từ lúc sinh ra cho đến lúc chết Chúa Giê-su đã không hề ‘già’ đi bao giờ. Chúa Giê-su vẫn mãi mãi là trẻ nhỏ trước mặt Chúa Cha và chính vì thế Chúa Giê-su là người đầu tiên được Chúa Cha đón nhận vào Nước của Ngài: “Nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3).
Trẻ nhỏ vẫn luôn miệng gọi: “Cha ơi!”, chính vì thế mà lời kinh Chúa Giê-su dạy cho các môn đệ là kinh “Lạy Cha”. Chúa Giê-su là mẫu mực của nếp sống “Nên như trẻ nhỏ” và Ngài cũng muốn truyền lại cho những kẻ theo Ngài cái bí quyết độc đáo này. “ Lạy Cha chúng con... “, đây chính là lời kinh của những trẻ nhỏ. ‘Người lớn’ thì ít khi chịu gọi Cha ơi ới như thế vì sợ mắc cỡ! Còn nên như trẻ nhỏ thì họ lại ngại ngần.
“Nên như trẻ nhỏ” vì thế đòi hỏi phải hoán cải. Hoán cải là bỏ đi con người cũ và mặc lấy con người mới. Đông phương ta có nói “Cải lão hoàn đồng” là cũng nằm trong ý nghĩa này. Bỏ con người cũ không dễ như bỏ một chiếc áo cũ và mặc lấy con người mới cũng không dễ như mặc một chiếc áo mới. Con người cũ ta bỏ đi vẫn sẵn sàng để trở về lại và con người mới ta vừa hình thành vẫn sẵn sàng để vuột mất đi. Hoán cải đòi hỏi phải nỗ lực và cậy trông liên lỉ. Nỗ lực với tất cả khả năng xác hồn mình có được và cậy trông trọn vẹn vào ơn Chúa. Sự hoán cải này chỉ hoàn tất vào cuối đời ta, khi ta lặp lại câu nói của Chúa Giê-su trên thập giá: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Khi ấy, vĩnh viễn ta được trở nên trẻ nhỏ, vĩnh viễn ta được Chúa Cha nhận là con yêu dấu của Ngài ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét