Các Trang

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2024

Bài thơ "Thập giá tụng" của vua Khang Hi


 Có lẽ trong các Hoàng đế Mãn Thanh thì vua Khang Hi có thiện cảm với Ki-tô giáo nhất. Nhà vua rất trọng dụng các giáo sĩ dòng Tên, cho họ làm việc trong Khâm Thiên Giám, cũng như trong xưởng họa của cung đình, đúc súng ống và kể cả trong đoàn ngoại giao thương thuyết hiệp ước biên giới với Nga-La-Tư (Russia).

Ngài cũng cho phép các giáo sĩ truyền đạo và lập nhà thờ ở Bắc Kinh, còn ngự ban hai chữ Kính Thiên 敬天 cho treo trong nhà thờ.
Có vẻ như qua các giáo sĩ dòng Tên, ngài cũng biết ít nhiều về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Trong mùa Chay này, mời bạn thưởng thức bài thơ (có phổ nhạc) của Khang Hi Hoàng đế nhá.
⭐️
Nguyên Văn
基督之死 【十架頌】
功成十架血成溪,百丈恩流分自西。
身列四衙半夜路,徒方三背兩番雞。
五千鞭韃寸膚裂,六尺懸垂二盜齊。
慘慟八垓驚九品,七言一畢萬靈啼。
⭐️
Phiên âm
Cơ đốc chi tử (thập giá tụng)
Công thành thập giá huyết thành khê
Bách trượng ân lưu phân tự tê (tây)
Thân liệt tứ nha bán dạ lộ,
Đồ phương tam bội lưỡng phiên kê
Ngũ thiên tiên thát thốn phu liệt
Lục xích huyền thuỳ nhị đạo tề
Thảm động bát cai kinh cửu phẩm
Thất ngôn nhất tất vạn linh đề
⭐️
Tạm dịch
Cái chết của Đấng Ki-tô (bài ca ngợi thập giá)
Khi công việc hoàn thành trên thập giá, máu Ngài chảy thành suối.
Dòng chảy trăm trượng của ân sủng chia ra từ hướng Tây
Thân bị đưa đẩy giữa bốn nha môn trên đường từ nửa đêm,
Môn đồ chối ba lần (trước khi) gà gáy hai lượt.
Năm ngàn roi vụt xé rách từng tấc da.
Sáu thước treo cao cạnh hai tên trộm cướp
Bi thảm sốc đến tám cõi (đất xa), làm kinh hãi chín bậc (quan chế)
Bảy lời nói xong, vạn linh hồn khóc than.
⭐️
Frank C.Yue dịch sang thơ tiếng Anh khá thú vị (https://www.poemhunter.com/.../emperor-kang-xi-on-the.../)
On the Holy Cross the Father's will is done;
Like a stream of Life, flows Christ's blood precious.
From the West, come Heav'nly blessings gracious,
As deep as hundreds of feet, through the Son.
Subjected to four biased judgment ‘round midnight -
(Most of His disciples take flight)
Poor Peter denies Him thrice
Before the rooster crows twice.
Five thousand lashes of the cat-o-nine- tails
Rip open every inch of His skin frail.
Beside two bandits, He was hung up six feet high -
His piteous sufferings make all His people cry.
Once He has uttered the sentences seven,
Myriad souls in pain and thankfulness wail towards.
⭐️
Diễn ngôn và giải thích
Bài thơ này khá độc đáo, dùng các chữ số 1-10 để nhắc lại các biến cố trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu
1 = Một cuộc khổ nạn
2 = Hai tên cướp bị đóng đinh chung
3 = Ba lần bị chối
4 = Bốn cuộc tra khảo
5 = Năm ngàn roi (nhiều lắm, đếm không hết)
6 = Cây cao sáu thước (thước ta)
7 = Bảy lời cuối
8 = Tám điểm của một la bàn - đến điểm xa nhất của thế giới
9 = Chín cấp bậc quan chức - tất cả các tầng lớp nhân sự
10= Chữ thập chỉ số 10, cũng là hình ảnh của Thánh giá
Còn cả số 100 百1000 千10000 萬nữa.
Câu 1) 功成十架血成溪,百丈恩流分自西。
Sứ mệnh của Đấng Ki-tô đã được hoàn thành khi máu chảy từ Thập tự giá. Ân sủng vô hạn của Chúa lan rộng từ phía tây đến mọi hướng.
Ân sủng của Thập tự giá đến từ Jerusalem (tức là, về mặt địa lý ở phía tây từ nơi các nhà truyền giáo đến).
Câu 2) 身列四衙半夜路,徒方三背兩番雞。
Ngài bị đưa qua đẩy lại giữa bốn phiên tòa, từ giữa đêm, ba lần bị đệ tử chối bỏ trước khi gà trống gáy hai lần.
Sau bị bắt, Chúa Giêsu trước hết bị giải đến đưa đến nhà ông Anna, bố vợ của Caipha. (Gioan 18:13). Rồi Anna gửi sang nhà ông Caipha, thầy tế thượng phẩm. (Gioan 18:24). Sau đó, các nhà lãnh đạo Do Thái đã đưa Chúa Giêsu từ Caipha đến cung điện của Philatô, thống đốc La Mã. (Gioan 18:28) Philatô đã gửi Chúa Giêsu đến với Hêrôđê. (Luca 23:7) Sau đó, Hêrôđê gửi Chúa Giêsu trở lại Philatô (Luca 23:11).
Tại sao phải chuyển ngài từ tòa án này sang tòa án khác? Có vẻ như bốn người (Annas, Caipha, Philatô và Herod) đều cảm thấy rằng việc kết án Chúa Giêsu vượt quá trách nhiệm của họ. Ai cũng muốn đẩy cho người khác.
Ngay cả sự kiện Phêrô chối Chúa Giêsu cũng đã thực hiện lời tiên báo ở của Ngài (Macco 14:30, 72).
Câu 3) 五千鞭韃寸膚裂,六尺懸垂二盜齊。
Ngài bị đánh đập với vô số hàng ngàn ngọn roi, mỗi tấc da bị xé toạc, rồi treo trên cây cao sáu thước với hai tên cướp ở hai bên.
“Chính người đã bị đâm thâu vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Isa 53:5)
"Đâm thâu” (đóng đinh) và "nghiền nát" là những động từ mạnh mẽ phản ánh mức độ nghiêm trọng của sự tra tấn mà Chúa Giêsu đã trải qua thông qua cuộc khổ nạn và trên Thập tự giá.
Câu 4) 慘慟八垓驚九品,七言一畢萬靈啼。
Mọi người ở mọi nơi, mọi giới bị sốc và đau buồn vì sự bi thảm không thể tả, hàng vạn linh hồn đã khóc khi nghe tiếng kêu cuối cùng trong bảy lời của Ngài trên thập giá.
Tiếng kêu đầu tiên: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết họ đang làm gì." (Luca 23:34)
Tiếng kêu thứ 2: “Quả thật, tôi nói với anh, hôm nay anh sẽ ở với tôi trên thiên đường." (Luca 23:43)
Tiếng kêu thứ 3: Chúa Giêsu nói với mẹ mình, “Thưa bà, này là con bà”, và nói với người môn đệ, "Đây là mẹ anh (Gioan 19:26-27)
Tiếng kêu thứ 4 (Chúa Giêsu trích dẫn từ TV 22:1): Khoảng ba giờ chiều, Chúa Giêsu kêu lớn, "Eli, Eli, lema sabachthani?" Có nghĩa là "Chúa ơi, Chúa ơi, tại sao Ngài lại bỏ rơi tôi?". (Mt 27:46)
Tiếng kêu thứ 5: Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: "Tôi khát! " (Gioan 19:28) (xem TV 22:15)
Tiếng kêu thứ 6: Nhắp [rượu pha giấm] xong, Đức Giêsu nói: "Thế là đã hoàn tất! " Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. (Gioan 19:30).
Tiếng kêu thứ 7: Chúa Giêsu kêu lên với một giọng lớn, "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Nói xong, Người tắt thở (Lu-ca 23:46)
Với cái chết của Đức Kitô sau tiếng kêu thứ 7 và cuối cùng của Ngài từ Thập tự giá, những sự kiện quan trọng đã xảy ra. Bức màn của ngôi đền đã bị xé làm hai từ trên xuống dưới. Trái đất rung chuyển, những tảng đá tách ra và những ngôi mộ vỡ ra... Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: "Quả thật ông này là Con Thiên Chúa." (Mt 27:51-54)


Nguồn: Facebook của Lm. Trần Quốc Anh SJ - https://www.facebook.com/anhq.tran.5680


Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2024

Đêm u linh


"Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui". Tv 130,2

ĐÊM U LINH

Có đêm rất đỗi là đêm,
U linh huyền nhiệm, êm đềm thảnh thơi.
Đêm cho hồn được nghỉ ngơi.


Thứ Năm, 14 tháng 3, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo




GIỚI THIỆU

Ai từng một lần chạm đến Vô Biên chắc cả ngàn năm sau cũng chẳng quên được giây phút hạnh phúc ngất ngây ấy. Dường như trong thời khắc đó người ấy không còn sống trong thân xác, bởi toàn thân đang hợp nhất với Cõi Thiêng. Hệ quả giác quan cảm nhận được là toàn thân nóng và sáng lên; con tim đập mạnh hơn, trí óc không sao kiểm soát được. Người ấy như chết lặng vì được Đấng Vô Biên yêu thương quá sức. Hạnh phúc quá đỗi! Người ấy như vừa “từ trời xuống”. Một cách đơn sơ, người ta gọi cái chạm nhẹ ấy là cảm nghiệm thần bí.

Người ta sẽ khát khao tìm kiếm cái hạnh phúc ngất ngây ấy nếu nó là thực tại có thể chiếm hữu được. Tuy nhiên, thật sai lầm cho người dám đem thân hữu hạn chiếm đoạt cõi vô biên, bởi chính khát vọng vĩnh cửu ấy cũng đến từ Đấng Vĩnh Cửu, và hạnh phúc vĩnh cửu chỉ được ban cho người biết đón nhận và kết hợp với Ngài trong tình yêu. Vậy nên, người khát khao vĩnh cửu là người biết đón nhận cuộc sống này trong niềm vui vĩnh cửu.

Người ki-tô hữu ý thức sự cao cả của mình trong hướng đích kết hợp với Thiên Chúa, hay được thần hóa. Họ sống ở trần gian mà cõi lòng chạm tới trời cao, vì được chính Đấng là Thiên đàng yêu thương quá đỗi, ngay trong những nhọc nhằn và gai góc của phận người. Người ki-tô hữu trong thế giới tục hóa hôm nay càng cần được khích lệ để biết đi vào với sự huyền nhiệm nơi Thiên Chúa.

Có hai con người, một nam một nữ. Họ đã sống cuộc đời rất bình dị trong không gian chật hẹp của đan viện Cát-minh Tây Ban Nha, thế mà tâm hồn họ lại thường xuyên vượt không gian đến tận cõi vô biên. Trong cõi huyền nhiệm ấy, Thiên Chúa thông truyền cho họ chính Ngài và kết hợp đặc biệt với họ trong tình yêu. Vì được kết hợp với Thiên Chúa, họ cũng hòa hợp với nhau cách hoàn hảo về cả đời sống, công việc, giáo thuyết. Hai con người vĩ đại của lịch sử Ki-tô giáo thế kỉ XVI ấy là Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá. Cảm nghiệm thần bí mà các ngài để lại đã làm cho các ngài được nhìn nhận là những vị thánh thần bí của Hội Thánh Công Giáo.

Linh mục tự căn tính nhờ hiệu quả của bí tích Truyền Chức Thánh được trở nên một Alter Christus – Chúa Ki-tô khác – được nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô mục tử. Linh mục thi hành chính sứ vụ của Chúa Ki-tô là kết hiệp muôn dân với Thiên Chúa Cha. Hơn bất cứ người nào, linh mục mang trong mình sự thánh thiêng của Thiên Chúa, ngài phải nỗ lực sống và làm lan tỏa tình yêu thánh thiêng ấy. Nếu đức ái mục tử là nguyên lý thống nhất đời sống và sứ vụ linh mục,[1] và do đó là con đường nên thánh của linh mục, thì điều quyết định là sự kết hợp giữa linh mục và Đức Ki-tô, và qua Đức Ki-tô linh mục kết hợp với Thiên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần. Kết hợp như vậy là “thần bí” trong nghĩa rộng nhất và dễ tiếp cận nhất của từ này.

TỔNG QUAN VỀ THẦN BÍ KI-TÔ GIÁO

Trong thế kỷ XX, có nhiều cuộc tranh luận thần học về thần bí Ki-tô giáo xoay quanh hai vấn đề chính : Ki-tô giáo có phải là đạo thần bí không? Và phải chăng tất cả các ki-tô hữu đều đạt đến trình độ thần bí?[2] Thiết tưởng, trước khi tìm hiểu sự kết hợp huyền nhiệm giữa con người và Thiên Chúa, cần phải nhận rõ nền tảng, bản chất và đặc trưng của thần bí Ki-tô giáo. Tiếp đến, việc phân tích hành trình thần bí sẽ giúp khám phá ra cách thức Thiên Chúa ban ơn để kết hợp con người với Ngài. Cuối cùng, mối quan hệ giữa thần bí và hoàn thiện Ki-tô giáo là chủ đề đáng quan tâm hơn cả.

I. NỀN TẢNG VÀ BẢN CHẤT THẦN BÍ KI-TÔ GIÁO

Để hiểu bản chất thần bí Ki-tô giáo, cần truy tìm nguyên ngữ của từ thần bí. Rồi từ đó tìm hiểu những hiện tượng thần bí như xuất thần, ngất trí…. Ở đây việc khám phá nền tảng Thánh Kinh về thần bí có tầm quan trọng, vì nhờ đó mới có thể hiểu đặc trưng của thần bí Ki-tô giáo.

1. Khái niệm thần bí

1.1. Từ ngữ

Thần bí (hay huyền bí, huyền nhiệm) được dịch bởi từ mystica trong tiếng Latinh, tiếng Anh là mysticism, tiếng Pháp là mysticisme. Danh từ mystica không xuất hiện trong Thánh Kinh.[3] Hiểu như tính từ thì mystica bắt nguồn bởi động từ myo (che, bịt, giấu), hoặc bởi danh từ mysterium (huyền bí, mầu nhiệm).

Trong Thánh Kinh, thánh Phaolô có dùng từ mysterium để nói về chương trình cứu độ nơi Đức Ki-tô, nhưng không nói đến cảm nghiệm huyền bí khi bàn về sự kết hợp với Ngài. Như vậy có thể nói mặc khải Ki-tô giáo không biết tới thần bí và chiều kích huyền bí chủ yếu là yếu tố ngoại lai du nhập vào Ki-tô giáo. Tuy nhiên, về thực chất thần bí là sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người, điều này được diễn tả mức tột đỉnh nơi Đức Giêsu Ki-tô, theo nghĩa này thì thần bí nằm ở trung tâm của mặc khải Thánh Kinh.

Trong lịch sử Ki-tô giáo, từ thần bí cũng được áp dụng vào nhiều thực tại khác nhau. Thời các Giáo phụ, thực tại thần bí được gắn liền với mầu nhiệm căn bản là Đức Ki-tô. Đến thời cận đại, thần bí được hiểu về một cảm nghiệm hiệp nhất với Thiên Chúa. Cảm nghiệm thường được diễn ra trong khung cảnh cầu nguyện, đưa đến xuất thần.[4] Sang thời hiện đại, thực tại thần bí được đồng hóa với các hiện tượng thần bí, người ta thường chú ý đến những người được thị kiến hoặc được in dấu thánh (stigmata).

Ngày nay, giới nghiên cứu thường chia các nhà thần bí thành ba loại: thần bí tâm cảm, tiêu biểu là thánh Phanxicô Átsisi; thần bí trí năng, với đại diện là thánh Gioan Thánh Giá và Têrêsa Avila; và thần bí định hướng tông đồ với thánh Phaolô và thánh Inhaxiô Lôyôla là đại diện.[5]

Trong luận văn này, từ “thần bí” được dùng hoặc theo nghĩa hẹp hoặc theo nghĩa rộng. Nghĩa hẹp là sự kết hợp đặc biệt giữa Thiên Chúa và con người nơi Đức Giêsu Ki-tô, thường gắn liền với những hiện tượng ngoại thường. Nghĩa rộng là sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người hiểu như là bản chất đời sống tâm linh của mọi ki-tô hữu, và bất cứ ki-tô hữu nào cũng được mời gọi đào sâu và vun xới sự kết hợp này.

1.2. Kinh nghiệm, cảm nghiệm và đời sống thần bí

1.2.1. Kinh nghiệm thần bí

Xét như một thực tại tâm linh, kinh nghiệm thần bí là một nhận thức về hoạt động Thiên Chúa trong linh hồn. Kinh nghiệm thần bí là một kinh nghiệm thụ động, vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể tạo ra kinh nghiệm này trong người ta bằng sự hoạt động các ân huệ của Ngài.[6] Những kinh nghiệm này có khi được ghi lại có khi không. Những kinh nghiệm thần bí được ghi lại sẽ trở thành cảm nghiệm thần bí được chia sẻ của người đó, và họ được gọi là những nhà thần bí.

Người ta không đồng hóa nhà thần bí với tác giả thần bí. Nhà thần bí sống kinh nghiệm kết hợp với Thiên Chúa, nhiều khi họ giữ kín mối tình thân mật này chứ không quảng cáo rầm rộ. Lý do của sự kín đáo đó không chỉ do đức khiêm nhường thúc đẩy nhưng còn do chính bản chất của sự kết hợp thần bí. [7]  Các tuyệt phẩm thần bí của Têrêsa Avila đều ra đời từ đức vâng lời của ngài với các cha giải tội. Cũng thế, các tuyệt tác thần bí của Gioan Thánh Giá chỉ được hoàn thành do sự khẩn nài của môn sinh và con cái thiêng liêng của ngài. Họ thực là các nhà thần bí trứ danh. Trong khi đó, nhiều tác giả thần bí có thể chẳng có tí kinh nghiệm thần bí nào cả. Họ nghiên cứu các tác phẩm của các nhà thần bí, phân tích và đối chiếu các cảm nghiệm, rút ra nhận xét dùng cho việc giảng huấn.

Như vậy, kinh nghiệm thần bí cần được xác nhận bởi cảm nghiệm về Thiên Chúa và cách thức truyền đạt cảm nghiệm đó cho người khác.

1.2.2. Cảm nghiệm thần bí

Không chỉ trong Ki-tô giáo mà ngay cả nơi các tôn giáo khác, các nhà thần bí đều đồng ý rằng đặc điểm căn bản của cảm nghiệm thần bí là tính khôn tả. Cảm nghiệm thần bí khác xa với các cảm nghiệm thường nhật, nên không thể dùng ngôn ngữ thông thường mà diễn tả.[8] Hơn nữa, cảm nghiệm thần bí thuộc về thế giới siêu việt, thuộc về tâm tình hơn là ý tưởng. Có khi nhà thần bí nhận được cảm nghiệm cách bất chợt, mà không giải thích nổi nguồn gốc của nó. Thánh Phaolô cũng ngập ngừng khi thuật lại cảm nghiệm thần bí của mình.[9]

Thực vậy, có nhiều người sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, mà chẳng thổ lộ cho ai biết hoặc không thể thổ lộ. Như vậy, có thể nói rằng người ta sẽ chẳng biết gì về thần bí nếu không có cảm nghiệm, hoặc những người đã cảm nghiệm không chia sẻ cảm nghiệm đó của mình. Thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá thuộc vào số những người vừa có cảm nghiệm thần bí, vừa kể lại những cảm nghiệm ấy bằng ngôn ngữ thần học qua việc mô tả hình ảnh và tiến trình đã trải qua. Thánh Têrêsa gọi đó là ân ban đặc biệt của Thiên Chúa.[10]

Nói tắt, cảm nghiệm thần bí là ân huệ Thiên Chúa ban, để con người nhận biết sự kết hợp với Ngài đồng thời có thể lưu lại cảm nghiệm ấy cho người khác.

1.2.3. Đời sống thần bí

Nếu hiểu thần bí là sự kết hợp với Thiên Chúa, thì mọi ki-tô hữu đều được gọi vào đời sống thần bí. Đó là sự kết hợp thần bí nhờ thông dự vào mầu nhiệm Chúa Ki-tô qua các bí tích, và trong Người tham dự vào mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh.[11]

Đời sống thần bí là kết quả của cảm nghiệm thần bí. Chính những cảm nghiệm thần bí biến đổi đời sống con người, không những làm cho họ thuộc trọn về Chúa mà còn trở nên giống Chúa. Người đó làm mọi việc trong tình yêu Chúa. Cho nên, đời sống thần bí là đời sống trong Chúa, thuộc về Chúa vì được nên một với Ngài.

Ngoài ra, nhiều sách tu đức còn đề cập đến hành vi thần bí và tình trạng thần bí. Hành vi thần bí là một hoạt động ít nhiều mạnh mẽ của một ân huệ Chúa Thánh Thần. Có thể ví như một trận mưa. Còn tình trạng thần bí là hoạt động của các ân huệ Chúa Thánh Thần theo cách thức thần linh. Hoạt động đó trong tình trạng ổn định vững chắc, thường xuyên và đều đặn, được biểu hiện cách trổi vượt và rõ rệt hơn việc thực hành các nhân đức phú bẩm theo cách thức con người. Tình trạng thần bí được ví như cả mùa mưa.[12]

1.3. Các hiện tượng thần bí [13]

Các hiện tượng thần bí là các hiện tượng vật lý khác thường, gặp thấy nơi các thánh nhân, hoặc những người được Chúa tác động cách đặc biệt. Các hiện tượng này được phân chia theo ba quan năng của con người là tri trức, tình cảm và thân xác.

Trước hết, những hiện tượng thuộc loại tri thức bao gồm: Thị kiến, siêu ngôn, mặc khải, phân định tinh thần và thiên cảm. Thị kiến là hiện tượng nhìn thấy một đối tượng mà mắt thường không thể nhận thức được, như nhìn thấy Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, các thánh hay các thiên thần. Thánh Têrêsa Avila phân biệt thị kiến tri thức và thị kiến tưởng tượng: Thị kiến tri thức là hiện tượng thấy rõ Chúa Ki-tô ở gần mình dầu không thể thấy Người dưới con mắt xác thịt hay linh hồn. Thị kiến kéo dài nhiều ngày, linh hồn nghe được tiếng Chúa nói mà không thấy hay tả được Thiên Chúa như thế nào. Còn thị kiến tưởng tượng là hiện tượng Thiên Chúa tỏ mình ra cho linh hồn theo cách mà linh hồn không thấy (có hình ảnh mà không nhìn thấy) về chính Nhân Tính Thánh thiện của Chúa Giêsu. Hình ảnh đó khắc ghi rất sâu vào trí tưởng tượng, không gì có thể xóa nhòa được.[14]

Siêu ngôn là hiện tượng nghe thấy một tiếng nói, một sứ điệp. Tiếng nói đó có thể phát ra từ bên ngoài người nghe hoặc được phán từ nội tâm. Mặc khải: thị kiến là thấy, siêu ngôn là nghe. Có hiện tượng vừa nghe và thấy thực tại thần linh gọi là mặc khải. Tuy nhiên, hai hiện tượng có thể tách rời nhau, như chỉ thấy một hình ảnh hay chỉ nghe một tiếng nói. Thần học đặt tên cho hiện tượng này là “mặc khải tư” để phân biệt với “mặc khải công” đã trọn vẹn nơi Đức Giêsu. Phân định tinh thần là ơn ban giúp phân biệt điều tốt điều xấu và ơn đọc được tư tưởng của người khác dù họ muốn giấu kín. Thánh Gioan Vianney và thánh Pio Pietrelcina khi ngồi tòa giải tội đã nhắc nhở hối nhân khi họ chủ tâm không xưng thú. Linh giác là khả năng nhìn thấy tính cách linh thiêng của một đối vật, như biết tấm bánh đã được truyền phép hay không.

Thứ đến là những hiện tượng thần bí trong lãnh vực cảm xúc có xuất thần và lửa mến. Xuất thần nghĩa là ra khỏi mình. Đây là hiện tượng đương sự bị thu hút bởi đối tượng chiêm ngắm, đến nỗi mất hết tương quan với thế giới hiện tại. Xuất thần là hiện tượng thần bí được nói nhiều hơn hết trong cảm nghiệm thần bí. Hiện tượng này có thể xảy ra chớp nhoáng hay kéo dài, tiệm tiến hay đột ngột. Khi xuất thần đương nhiên xẩy ra tình trạng ngất trí.

Theo thánh Têrêsa Avila, ngất trí là hiện tượng ân huệ Thiên Chúa tác động mạnh mẽ trên linh hồn, làm cho các giác quan ngừng hoạt động, tay và thân thể cứng lạnh, có khi thở có khi không. Hiện tượng chỉ kéo dài trong khoảnh khắc. Hậu quả của hiện tượng là ý chí hoàn toàn bị Thiên Chúa thu hút, trí thức hoàn toàn được biến đổi. Thánh nhân cũng cho rằng có một loại ngất trí khác gọi là phóng tâm – linh hồn nhận thấy một tác động mạnh mau lẹ đến nỗi tâm linh dường như đem vụt đi. Linh hồn cảm thấy mình ở trong một thế giới khác. Trong giây lát linh hồn biết được nhiều điều mà trí tưởng tượng và suy luận mất nhiều năm cũng không hiểu được một phần nghìn điều đó. Đó là cách Chúa thông đạt cho linh hồn không qua lời. Ở trong cơn ngất trí này, Têrêsa cũng không chắc linh hồn có còn ở trong thân xác nữa không[15]. Hậu quả của hiện tượng làm ý chí hoàn toàn bị Thiên Chúa thu hút, trí thức hoàn toàn được biến đổi. Lửa mến là hiện tượng ám chỉ ngọn lửa tình yêu bừng cháy trong con tim và tùy theo nồng độ lan tỏa ra môi trường.

Cuối cùng là những hiện tượng thần bí ảnh hưởng đến thân xác. Hiện tượng này thường gây ấn tượng với người xung quanh, dễ quan sát. Nó bao gồm: dấu ấn thánh, khinh hóa và các hiện tượng phát quang. Dấu ấn thánh là hiện tượng đương sự mang trên mình những thương tích của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy chứng tích đầu tiên nơi thánh Phanxicô Átsisi, ngày 17 tháng 9 năm 1224. Rồi nơi thánh Anne-Catherine Emmerick (1774-1824), thánh Gemma Galgali (1878 – 1903), thánh Piô Năm Dấu (1887 – 1968). Nổi tiếng hơn cả là thánh Catarina thành Siena. Khinh hóa là tình trạng thân thể được nhấc bổng lên khỏi mặt đất, có khỉ chỉ vài gang tay, có khi cao hẳn như bay bổng. Trường hợp nổi tiếng nhất là thánh Giuse Copertino (1603-1663), thánh nhân không những “bay cao” vượt nóc nhà thờ mà còn xẩy ra khoảng 70 lần trong suốt cuộc đời, có lần trước sự chứng kiến của Đức Giáo hoàng Urbanô VIII. Cũng có những hiện tượng tương tự như di chuyển nhanh như bay, hoặc hiện diện một lúc ở hai nơi. Sau hết là các hiện tượng phát quang hoặc phát hương, nghĩa là sau khi chết cơ thể phát ra một luồng sáng hay hương thơm đặc biệt. Hiện tượng này xẩy ra nơi rất nhiều người chứ không duy chỉ các vị thánh đã được tuyên phong.

Điều quan trọng đáng lưu tâm không phải cứ người có hiện tượng thần bí là người ấy được ơn cảm nghiệm thần bí. Hiện tượng thần bí không thuộc về bản chất của thần bí, cũng không đồng nhất với việc kết hợp với Thiên Chúa. Có người chẳng có dấu hiệu gì về hiện tượng thần bí, nhưng lại tiến rất xa trên đường trọn lành, và luôn sống trong sự kết hợp với Thiên Chúa.

Nền tảng thần bí Ki-tô giáo

1.4. Thánh Kinh

Như đã nói, dù Thánh Kinh không dùng từ thần bí để chỉ sự kết hiệp với Thiên Chúa, nhưng thực chất của thần bí là sự kết hiệp với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu lại là trọng tâm của mặc khải Thánh Kinh. Vì thế, muốn hiểu nền tảng thần bí Ki-tô giáo chúng ta không thể không tìm về nguồn gốc của sự kết hợp này trong Thánh Kinh.

Tân Ước trình bầy cho chúng ta một khuôn mẫu vô song về sự kết hợp nên một với Thiên Chúa là Đức Giêsu. Sự kết hợp trên cả bình diện hữu thể và tâm thức.[16] Được mời gọi tiến sâu trong sự kết hợp này, thánh Gioan và thánh Phaolô Tông Đồ giúp ta hiểu giá trị sự hiệp nhất đó trongtầm tay của con người.

Thánh Phaolô, qua các thư của mình đã đặt nền tảng đạo lý cho thần bí Ki-tô giáo khi nói đến sự kết hợp giữa các tín hữu với Đức Ki-tô.[17] Chính thánh nhân kể lại cảm nghiệm thần bí như hiện tượng xuất thần dù không hứng thú :

Phải tự hào ư? Nào có ích gì! Dù thế, tôi cũng xin nói về những thị kiến và mặc khải Chúa đã ban cho tôi.Tôi biết có một người môn đệ Đức Ki-tô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tới tầng trời thứ ba – có ở trong thân xác hay không, tôi không biết, có ở ngoài thân xác hay không, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết. Tôi biết rằng người ấy đã được nhắc lên tận thiên đàng – trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết – và người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại (2Cr 12, 1-5).

Tuy nhiên, biến cố Đa–mát được coi như“tiếng sét tình ái”là mặc khải với đầy đủ ý nghĩa của hiện tượng thần bí, được thánh Phaolô kể lại với cả tấm lòng thành tri ân. Biến cố này đã ghi sâu và tâm khảm Phaolô, nên hễ có dịp là thánh nhân kể lại cho người khácnhư hồng ân.[18] Kể từ ngày đó, mối tương quan sống động mạnh mẽ và thân tình giữa Phaolô và Đức Ki-tô được thiết lập. Để rồi theo thời gian, mối tương quan đó trở thành sự hiệp thông nên một, đến nỗi Phaolôkhông ngại ngùng tuyên bố:“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”(Gl 2,20).

Thánh Gioan, người đặt nền tảng cho sự kết hợp thần bí Ki-tô giáo khi khẳng định Thiên Chúa đã đến gặp con người nơi Đức Ki-tô:“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”(Ga 1,14). Dù không dùng từ thần bí để chỉ sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người, nhưng thực chất thánh nhân đã mô tả sự kết hợp như cuộc gặp gỡ trong ý thức và yêu mến.[19]

Thánh nhân nói về sự kết hợp với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu như cành nho với thân nho, và việc ở lại trong Chúa sẽ làm cho người môn đệ sinh nhiều hoa trái. [20] Việc kết hợp với Đức Giêsu cũng đồng nghĩa với việc đón nhận Ngài, nhờ đó mà được ở lại trong Chúa:“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6,56). Khi người ta tiếp nhận Đức Giêsu bằng việc “ăn thịt và uống máu Người” thì một cuộc trao đổi kỳ diệu đã xẩy ra: không những người ta được ở lại trong Người, mà chính Người chuyển ban sự sống thần linh cho ta:“như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57). Với thánh Gioan, việc ở lại trong Chúa được thực hiện không chỉ nhờ việc đón nhận Ngài, nó còn được biểu lộ qua lòng yêu mến :“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” (Ga 15, 9-10).

Cao điểm của sự hợp nhất được thánh Gioan đặt trong lời nguyện hiến tế, khi Đức Giêsu cầu xin cho môn đệ được nên một với Thiên Chúa Cha:“Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một.” (Ga 17,23). Như thế, sự kết hợp giữa con người với Thiên Chúa rõ ràng được thánh Gioan khẳng định là nhờ Đức Giêsu.

Ngoài ra, khi nói đến các nhà thần bí Tân ước, không thể không nói về Đức Maria và thánh Giuse. Về sự kết hợp với Thiên Chúa, chắc không ai có thể vượt qua được Đức Maria. Thử hỏi có ai đã gần Chúa Giêsu hơn Mẹ; ai hiểu Đức Giêsu hơn Mẹ, cũng chẳng có ai đã yêu mến Chúa Giêsu bằng Mẹ Maria; và ai đã thi hành ý muốn Thiên Chúa như Mẹ Maria. Nhưng cũng chưa có ai đã trải qua đêm tối tâm linh mạnh mẽ và quyết liệt như Đức Maria. Các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng Mẹ Maria bước vào đêm tối tâm linh ngay sau khi sứ thần từ biệt Mẹ ra đi trong ngày Truyền tin, nó kéo dài đến khi Mẹ đứng dưới chân thánh giá.

Với thánh Giuse, sự kết hợp với Thiên Chúa được biểu lộ qua sự vâng phục thánh ý Ngài trong thinh lặng và hành động của đức tin. Có thể nói ngoài Đức Maria chẳng ai đã đồng hành với Chúa Giêsu sát cho bằng thánh Giuse, nhưng cũng chẳng có ai bước đi trong đêm tối của đức tin mạnh mẽ và quyết liệt cho bằng thánh nhân. Nếu đêm tối thanh luyện giác quan và tâm linh người ta bằng sự vắng lặng và ẩn giấu của Thiên Chúa, thì đêm tối ấy lại thanh tẩy tâm hồn thánh Giuse bằng sự hiện diện gần sát của Ngôi Lời Con Thiên Chúa nơi Đức Giêsu “người con” hợp pháp của thánh nhân. Sự thanh luyện này mới thực là khủng khiếp, và trong cuộc thanh luyện ấy Thiên Chúa chỉ cho thánh Giuse thấy ánh sáng của Ngài trong mơ.[21]

1.5. Giáo Phụ

Nếu Thánh Kinh Tân Ước, cụ thể là nơi thánh Gioan và thánh Phaolô nhấn mạnh sự kết hợp với Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Ki-tô, thì sang thời các Giáo phụ đề tài kết hợp với Thiên Chúa được đặc biệt quan tâm.

Trước hết, điều này được ghi nhân nơi các tông phụ, đại diện là thánh Inhaxio thành Antiokia và thánh Polycarpo. Tư tưởng của các ngài vọng lại giáo huấn của các tông đồ: ki-tô hữu là người chia sẻ sự chết và sống lại của Đức Ki- tô. Thánh Inhaxio coi tử đạo là biểu hiện cao nhất của việc kết hợp với Đức Ki- tô. Vì sự tử đạo liên kết người tín hữu với Đức Ki-tô qua việc họa lại gương hy sinh trao hiến của Người. Đó cũng là tâm tình của thánh Polycarpo khi bị thiêu sống :“Con xin chúc tụng Chúa đã khứng ban cho con hôm nay và trong giờ này, được nhập vào số các vị tử đạo mà dự phần chén của Đức Ki-tô để được hưởng ơn phục sinh, và ơn không hề hư nát nhờ Thánh Thần mà sống đời vĩnh cửu”.[22]

Một bậc thày khác viết về thần bí Ki-tô giáo là Origen.[23] Origen mời gọi các tín hữu hãy tìm hiểu mầu nhiệm cao siêu của Thiên Chúa bằng cách suy gẫm Thánh Kinh. Tuy nhiên, phải đọc Thánh Kinh trong tâm tình cầu nguyện, nhờ đó khám phá ra nghĩa thần bí, ẩn sau nghĩa văn chương. Ý nghĩa ba chặng đường của hành trình thần bí được Origen giải thích khi đối chiếu với ba tác phẩm thi phú của Thánh Kinh : sách Châm Ngôn dạy luân lý và cách thực hành nhân đức, ứng với giai đoạn thanh luyện; sách Giảng Viên dạy cách chiêm ngắm Thiên Chúa đó là giai đoạn chiếu sáng; và sách Diễm Ca dạy cách kết hợp với Thiên Chúa trong giai đoạn kết hợp. Khi chú giải sách Diễm ca, Origen đã để lại cho hậu thế hình ảnh kết hợp với Thiên Chúa được ví như cuộc kết hôn nhiệm lạ giữa linh hồn và Đức Ki-tô.[24]

Hầu hết trường phái linh đạo Ki-tô giáo thời Trung cổ, ngay cả cảm nghiệm thần bí của Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá đều mang âm hưởng quan niệm này. Và cũng từ cảm nhận của Origen các giáo phụ dần dần phát triển các học thuyết khác nhau về sự kết hợp với Thiên Chúa.

Tiếp đến, vị giáo phụ đại diện tiêu biểu cho thần học thần bí Tây phương là thánh Augustinô. Đặc trưng của đạo lý thánh Augustinô về con đường lên tới Thiên Chúa là trở về với nội tâm. Nhờ sự hồi tâm con người nhận thức sự hiện diện của Thiên Chúa. Người ki-tô hữu nhờ Lời Chúa mà trở về với lòng mình, để gặp gỡ và đàm đạo với Thánh Linh, Đấng ngự trong linh hồn và là thầy dạy nội tâm.

Theo thánh Augustinô khi nhận thức được sự hiện diện Thiên Chúa trong mình, linh hồn cảm thấy an vui dịu ngọt, và dần dần được Chúa cho nếm hưởng cảm giác như hạnh phúc Thiên đàng. Để có được cảm nghiệm ấy con người cần luôn mong mỏi được vào nhà Chúa, khao khát được nhìn ngắm dung nhan Ngài, mặc dù chính Chúa khơi lên niềm khao khát ấy. Từ cảm nhận này, thánh nhân đã để lại lời cầu nguyện bất hủ:“Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con không được yên nghỉ cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”.[25]

Thánh Augustinô mô tả hành trình lên đến Thiên Chúa có tính cách tiệm tiến, bao hàm nhiều cấp độ. Trong tác phẩm De vera religione, hành trình đó được so sánh với bảy lứa tuổi trong đời người; còn trong quyển De sermone Domini in monte, bảy cấp độ ấy được đối chiếu với các chân phúc và bảy ơn Chúa Thánh Thần.[26]

Như vậy có thể nói, cao điểm của đời sống nội tâm là trở về cô tịch lòng mình để kết hợp với Thiên Chúa, đó là tư tưởng tu đức của thánh Augustinô khi mới trở lại đạo. Với thời gian, tư tưởng ấy thay đổi, bởi thánh nhân đã cảm nhận được giá trị của việc tìm kiếm Chúa trong cộng đoàn, vì cộng đoàn mới là nơi ta thực hiện đức ái, cốt yếu của sự kết hợp với Thiên Chúa. Điều tuyệt vời nhất là thánh nhân đã đề cao vai trò của ân sủng Thiên Chúa tác động trên con người trong hành trình kết hợp này.

Cuối cùng, với các giáo phụ bên Đông, truyền thống nhấn mạnh nội tại siêu hình, điển hình là Grêgôriô Nyssa và Điônysius Areopagita. Hai tác giả theo khuynh hướng thần bí đêm tối. Hành trình tâm linh được ví như tiến trình từ hữu hình đến vô hình.

Grêgôriô Nyssa đã trình bày hành trình đi lên Thiên Chúa không chỉ từ “tối đến sáng”, mà còn “từ sáng đến tối”. Quả vậy, trong giai đoạn đầu của hành trình tâm linh, con người phải đi từ tăm tối của tội lỗi đến ánh sáng của đức tin. Ánh sáng đức tin giúp con người hiểu biết Thiên Chúa. Nhưng muốn biết hơn, con người lại phải hành trình từ ánh sáng đến đêm tối. Vì càng muốn biết thêm về Thiên Chúa con người lại càng thấy bất lực, không tài nào hiểu được sự cao siêu của Ngài. Đứng trước mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa, trí tuệ con người như rơi vào tối tăm mù mịt.[27]

Người được nhắc tới nhiều trong thần bí Ki-tô giáo là Điônysius Arêôpagita, bởi tác phẩm văn chương Ki-tô giáo đầu tiên là Thần học thần bí được gán cho ông.[28] Ảnh hưởng của ông tới thần học thần bí rất sâu đậm. Theo Điônysius, Thiên Chúa được nhận biết qua thế giới hữu hình, qua thụ tạo. Chính mặc khải của Thiên Chúa cũng được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người. Vì thế nó mang dấu tích của sự bất toàn. Ông đề nghị một cách thức nhận biết Thiên Chúa không bắt đầu từ thụ tạo mà bằng nẻo đường của tối tăm thinh lặng. Bởi Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt tuyệt đối, cho nên trí tuệ loài người không thể biết được Ngài. Cách duy nhất để “biết” Thiên Chúa là “không biết”. Có điều, sự “không biết” ở đây không phải là ngu dốt u mê, nhưng là một cấp độ cao của sự “biết” Chúa : “biết” qua cảm nghiệm thần bí.[29] Cho nên, hành trình tiến đến sự kết hợp với Thiên Chúa được ví như đi vào tăm tối, bởi chính sự tăm tối linh diệu đó mang lại ánh sáng. Điều mà Điônysius gọi là “tia sáng của tối tăm”.

Có sử gia cho rằng thần học thần bí Ki-tô giáo bắt đầu từ Điônysius. Có ý kiến khác : thần bí Ki-tô giáo bắt nguồn từ Tân Ước, nhưng đến Điônysius mới được phân tích bằng phạm trù “thần bí”. Có điều, tác phẩm của Điônysius ảnh hưởng lớn đến thần học kinh viện Tây phương, và có lẽ cả nơi thánh Gioan Thánh Giá với tác phẩm Đêm tối của ngài.[30]

1.6. Giáo huấn Hội Thánh

Giáo huấn của Hội Thánh không trực tiếp nói về thần bí, nhưng Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Lumen Gentium đã khẳng định:“tất cả các Ki-tô hữu theo bất cứ bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến tới sự viên mãn của đời sống Ki-tô giáo và đến sự trọn lành của đức ái”.[31] Nên thánh là kết hợp với Thiên Chúa và trở nên giống Ngài, là sống tương quan sống động và thân tình với Ngài, và đó là thần bí.

Để đạt được sự trọn lành ấy, Công đồng khuyến dụ:“phải sử dụng những sức lực của Chúa Ki-tô đã ban nhiều ít tùy ý Người để trở nên giống Người khi theo vết chân Người, và thực hành thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi sự, họ sẽ hết lòng làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân”.[32] Công đồng xác quyết mọi ki-tô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh, nên trọn lành theo bậc sống của mình. Tự bản chất việc nên thánh là một, dù đường lối nên thánh thì nhiều. Mỗi người tùy theo ơn Chúa ban, theo ơn gọi, môi trường sống mà đạt được mục đích này.[33]

Theo đường hướng ấy, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định rõ ràng khi viết: “Thiên Chúa kêu gọi tất cả chúng ta đến sự kết hiệp mật thiết với Ngài, mặc dù những ân sủng đặc biệt và những dấu chỉ ngoại thường của đời sống thần bí chỉ được ban cho một số người, để biểu lộ hồng ân nhưng không được ban cho mọi người”.[34] Như vậy, giáo huấn của Hội Thánh đã dung hòa hai quan niệm cho rằng: tất cả ki-tô hữu đều được được kêu gọi vào đời sống thần bí, và ơn gọi thần bí là một đặc ân chỉ dành riêng cho rất ít linh hồn ưu tuyển.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2024

Bậc cầu nguyện thứ tư (Tiếp theo)

 


CHƯƠNG 21 

Người tiếp tục và kết thúc bàn luận về bậc cầu nguyện cuối cùng. Người trình bày những gì linh hồn cảm thấy khi hồi tỉnh lại trong cuộc sống trần gian và ánh sáng Chúa soi cho linh hồn thấy cảnh hão huyền trần gian. Chương này bao hàm một học thuyết có giá trị.

*** 

Để kết thúc vấn đề đang bàn luận, con xin lưu ý rằng ở giai đoạn này, không cần phải có sự ưng thuận của linh hồn, vì linh hồn đã ưng thuận và đã sẵn sàng phó thác mình trong tay Chúa từ lâu trước rồi và Chúa không lầm lẫn vì Người biết mọi sự. Việc trao hiến và tiếp nhận này không phải như hành động trao nhận trong nhân loại, nơi mà cuộc sống diễn ra đầy những mưu mô xảo trá. Qua những giao tiếp bạn bè, bạn tưởng rằng người ấy thành tâm với bạn, nhưng rồi bạn nhận thấy cuộc giao hảo kia chỉ là giả dối. Không ai có thể sống giữa những mưu mô trần tục như thế, nhất là khi chính họ cũng ham muốn đôi chút lợi lộc. Hạnh phúc thay linh hồn được Chúa cho hiểu biết đâu là chân lý! Phải chi các bậc vua chúa có được sự hiểu biết này! Nếu họ cố gắng hiểu được sự thật này thì lợi ích nhiều hơn là theo đuổi để chiếm đoạt một lãnh địa rộng lớn! Thần dân trong vương quốc của họ sẽ thanh liêm biết bao! Sẽ ngăn ngừa được biết bao điều gian ác – và hẳn đã chặn đứng được biết bao điều dữ như thấy xảy ra hiện nay! Ở trong vương quốc ấy không ai còn sợ mất mạng sống hay danh dự vì mến Chúa. Cảnh sống ấy là niềm hạnh phúc biết bao cho những người có trách nhiệm mưu cầu vinh quang Thiên Chúa hơn là những người ở dưới quyền họ. Các vua chúa phải luôn hướng dẫn cho thần dân bước theo. Để gia tăng dù chỉ một ít tín hữu và để được đặc ân đem lại chút ánh sáng lu mờ soi cho những người lạc giáo, tôi sẵn sàng từ bỏ cả ngàn vương quốc và phải làm như thế. Vì còn gì đáng theo đuổi hơn là chiếm được một vương quốc bất tận. Ai nếm dù chỉ một giọt nước của vương quốc này sẽ thấy chán ghét mọi vật trần gian. Vậy linh hồn sẽ cảm thấy thế nào khi được ngụp lặn hoàn toàn trong thứ nước đó?

2. Ôi lạy Chúa, nếu Chúa trao cho con nhiệm vụ lớn tiếng công bố chân lý này, thì người ta cũng chẳng tin con, cũng như họ đã chẳng tin biết bao người khác còn lợi khẩu hơn con. Nhưng ít ra chính con đã được mãn nguyện. Nếu phải bỏ cả mạng sống, con mới có thể làm cho người ta hiểu, dù chỉ một trong những chân lý này thì con cũng sẵn lòng bỏ. Ngoài ra con không còn biết làm gì nữa, vì con hoàn toàn chẳng đáng được ai tin cẩn. Nhưng dù con thuộc loại người thế nào đi nữa, con cũng cảm thấy ước muốn mãnh liệt thôi thúc con rao truyền chân lý này cho những bậc có thẩm quyền (trong xã hội). Nhưng lạy Chúa, vì con không thể làm được gì hơn nữa, nên con quay về cùng Chúa. Con khẩn xin Chúa ban phương dược chữa trị mọi tệ đoan. Chúa biết rõ, nếu điều này không xúc phạm đến Chúa, con sẽ sung sướng nhường lại tất cả những hồng ân Chúa đã ban cho con, để Chúa ban cho các vua chúa. Con biết nếu các ngài được những ơn ấy, thì các ngài sẽ không thể nhân nhượng để cho xảy ra những điều mà họ đã cho phép như thấy hiện nay, nên để mất đi biết bao ơn trọng đại.

3. Ôi lạy Thiên Chúa của con! Xin hãy làm cho họ hiểu trách nhiệm của họ nặng nề chừng nào. Vì Chúa đã muốn đề cao họ ở trần gian đến nỗi, như con đã nghe nói, khi Chúa muốn cất đi một ai trong họ, Chúa đã phải thực hiện những dấu lạ ở trên trời. Ôi lạy Vua của con, tâm tình con rạo rực bừng cháy khi con nghĩ rằng chính qua những dấu lạ ấy Chúa muốn dạy cho họ biết rằng cuộc sống của họ phải noi theo cuộc sống của Chúa, và khi họ chết, cũng có những dấu lạ ở trên trời như khi chính Chúa chết có dấu lạ ở trên trời vậy.

4. Thật con quá táo bạo. Nếu cha thấy là sai, xin cha xoá bỏ đi. Nhưng hãy tin con nếu con có cơ hội để nói hay nếu người ta tin con, con còn nói mạnh hơn nữa ngay trước mặt các vua chúa. Vì con tha thiết cầu nguyện cho họ và con muốn có thể mưu được đôi chút lợi ích cho họ. Làm như thế là liều mạng (con thường ước ao được liều mạng sống con), nhưng cái liều ấy vẫn còn quá nhỏ để chiếm được một của lớn lao, và khó có thể sống dửng dưng khi người ta thấy tận mắt những đảo điên giả dối mà mọi người đang đeo đuổi một cách mù tối.

5. Khi một linh hồn đã đạt tới trình độ này, không những chỉ có nó muốn phụng sự Thiên Chúa, mà Chúa cũng ban cho nó sức mạnh để thực thi hữu hiệu những ước muốn này nữa. Nó không thấy một phương thế nào có thể dùng để phụng sự Chúa mà nó lại không nắm ngay lấy. Dẫu vậy, nó thấy mình chẳng làm gì cả, vì như con nói, nó thấy rõ chẳng có gì đáng kể cả, ngoài việc làm hài lòng Thiên Chúa. Phiền một nỗi là một người bất xứng như con chẳng thấy được công việc nào đáng kể để làm. Ôi lạy Thiên Chúa của con, con nài xin Chúa hãy cho có một ngày nào đó để con có thể, ít ra, trả được một vài đồng xu trong món nợ lớn lao con nợ Chúa. Lạy Chúa, xin Chúa vui lòng đoái thương ban cho nó có được ngày đó để nữ tỳ Chúa có thể phục vụ Chúa đôi chút. Có biết bao phụ nữ đã thực hiện những hành động anh hùng vì mến Chúa. Còn con thì chỉ nói giỏi và bởi vậy, lạy Thiên Chúa của con, Chúa đã chẳng dùng con để hành động. Tất cả ước muốn phục vụ Chúa của con chỉ nằm gọn trong lời nói và ước muốn. Và dù chỉ việc nói thôi, con cũng chẳng được mãn nguyện, vì rất có thể là con cũng sẽ chẳng nói được gì.

Lạy Giêsu của con, lạy Đấng thiện hảo của mọi thiện hảo, xin Chúa tăng cường sức mạnh cho con và chuẩn bị hồn con trước đã rồi hãy ban phương tiện để con có thể thực hiện đôi chút cho Chúa. Vì đã lãnh nhận quá nhiều như con, thì không ai lại có thể không báo đền gì. Lạy Chúa, dầu với giá nào, thì xin Chúa cũng đừng để con đến trước tôn nhan Chúa với đôi tay trống rỗng, vì phần thưởng thường tương xứng với công việc. Đây là cuộc sống của con, đây là vinh dự và ý chí con, con đã dâng hiến Chúa tất cả. Con là của Chúa, xin hãy sử dụng con theo ý Chúa. Lạy Chúa, con biết rõ khả năng con chẳng có là bao; nhưng giờ đây con đã đến gần Chúa, giờ đây con đã tới đỉnh tháp này để được nhìn thấy chân lý, con sẽ có thể làm mọi sự miễn là Chúa đừng lìa xa con. Chúa mà lìa xa, dù chỉ trong giây lát thôi, con sẽ trở lại đường cũ con đã đi, tức là đường dẫn xuống hoả ngục.

6. Ôi khốn khổ biết bao cho một linh hồn ở tình trạng này phải trở lại giao tiếp với mọi người, phải chứng kiến cái trò hề cuộc sống được tổ chức lố lăng này, phải dùng thời giờ để đáp ứng những nhu cầu của thân xác, cho vấn đề ăn với ngủ. Tất cả những chuyện đó đều làm cho linh hồn mệt mỏi mà không tránh thoát được. Nó thấy mình bị xiềng xích và bị giam giữ. Vì chính khi ấy nó cảm nghiệm một cách sâu xa rằng thân xác và nỗi cùng khốn của kiếp sống giam giữ chúng ta trong cảnh tù đày. Nó hiểu tại sao thánh Phaolô cầu xin Chúa giải phóng người khỏi thân xác nặng nề (Rm 7,24). Nó hợp tiếng cầu khẩn với người, và như con đã nói nhiều lần, nó khẩn xin Chúa ban cho nó sự tự do. Nhưng ở trình độ này, nó thường tha thiết nài xin sự tự do đến nỗi linh hồn như muốn đứt lìa khỏi thân xác mà đi tìm kiếm sự tự do, vì không một yếu tố nào (thân xác và nỗi cùng khốn của kiếp sống) giải thoát nó. Nó đi lang thang như người bị bán vào một đất xa lạ. Nỗi khổ hơn hết là nó thấy quá ít người cảm thông cơn phiền muộn và hợp lời khấn xin với nó vì cứ thường tình là con người chỉ muốn sống. Ôi, nếu chúng ta hoàn toàn từ bỏ, và hạnh phúc của chúng ta không nhằm vào sự vật nào ở trần gian, thì nỗi khổ bởi sống liên miên không có Chúa sẽ hoà dịu nỗi kinh hãi sự chết với lòng khát khao được hưởng đời sống chân thật biết bao!

7. Đôi khi con ngẫm nghĩ nếu một người đàn bà còn nguội lạnh trong tình mến và hành động chưa bảo đảm được sự yên nghỉ thật như con đây, khi được Chúa ban cho ánh sáng này, còn luôn cảm thấy buồn vì mình còn phải ở chốn lưu đày thì không biết những vị như thánh Phaolô, thánh Mađalêna và các thánh khác là những người cháy bùng lửa mến Chúa còn phải đau đớn chừng nào nữa? Đau khổ của các ngài chắc phải là một cực hình liên lỉ. Con nghĩ nếu tâm tư con có nhẹ bớt được phần nào và con có muốn trao đổi với những người khác, thì chỉ vì con thấy những người này cùng có những ước muốn như thế - nghĩa là ước muốn đi đôi với hành động. Con nói “với hành động” bởi vì có nhiều người nghĩ và tự công bố mình đã từ bỏ - theo bậc sống và đã nhiều năm đi trên đường hoàn thiện thì phải là như thế. Nhưng không cần phải cẩn thận cứu xét, con cũng có thể phân biệt rất rõ những ai chỉ từ bỏ trong lời nói và những người có lời nói đi đôi với việc làm, vì con biết lớp người kia thực hiện chẳng được bao nhiêu điều lành, còn lớp người này làm được rất nhiều. Ai có kinh nghiệm sẽ thấy rõ điều ấy.

8. Như thế chúng ta đã trình bày xong những hiệu quả của cơn ngất trí do Thiên Chúa tác động. Thực ra những hậu quả này gồm những ơn quan trọng và những ơn kém quan trọng. Nói là “kém” là con có ý nói rằng dù đây là những hậu quả nhưng khi chưa được diễn tả qua hành động thì không kiểm chứng được. Hoàn thiện cũng phải phát triển, cũng cần có thời gian nào đó mới quét hết được mạng nhện khỏi trí nhớ. Tình yêu và lòng khiêm nhường càng lớn lên trong tâm hồn thì những bông hoa nhân đức này càng toả hương thơm làm ích cho chính linh hồn và cả tha nhân nữa. Điều cơ bản của những cơn ngất trí này là Chúa thực hiện cách nào trong linh hồn, để linh hồn chỉ phải hành động ít thôi mà vẫn tiến đến trọn lành. Ngoài kinh nghiệm ra thì không ai có thể tin là trong khi ngất trí Chúa ban cho linh hồn những ơn ấy. Theo như con thấy, không một cố gắng nào của chúng ta có thể đạt tới bậc đó được. Con không có ý nói rằng sau biết bao lao nhọc và với ơn Chúa giúp, những người đã nhiều năm vất vả, cố gắng tuân theo những nguyên tắc và phương thế các tác giả viết về việc cầu nguyện đề ra, lại không đạt được sự từ bỏ và tiến tới hoàn thiện. Nhưng họ sẽ không tiến mau bằng khi được ơn ngất trí vì trong ơn ngất trí, Thiên Chúa hành động mà không cần đến sự cộng tác của chúng ta. Người kéo linh hồn ra khỏi trần gian và ban cho một lãnh địa vượt trên mọi sự vật trần gian, dù linh hồn không có công trạng gì hơn  – con có thể nói gì (mạnh) hơn nữa, vì con chẳng có công trạng nào.

9. Lý do tại sao Chúa hành động như thế là chính ý Người muốn và Người hành động theo ý Người muốn. Cả khi linh hồn chưa chuẩn bị, thì Chúa chuẩn bị linh hồn để (xứng đáng) lãnh nhận hồng ân Người ban cho. Chắc chắn là không bao giờ Người quên ân thưởng những linh hồn đã chuẩn bị xứng đáng và cố gắng từ bỏ; nhưng Người (vẫn) không ban các hồng ân chỉ tương xứng với việc họ chăm lo thửa vườn của mình thôi đâu. Như con đã nói, đôi khi Người ban chỉ vì Người muốn biểu lộ quyền năng cao cả của Người nơi một thửa đất gai đá cứng cỏi nhất. Người chuẩn bị linh hồn để có thể lãnh nhận mọi ơn, như để ngăn cản linh hồn không thể trở lại cuộc sống tội lỗi phản nghịch Thiên Chúa như trước nữa. Bấy giờ linh hồn chỉ còn nghĩ đến những chân lý vĩnh cửu, khiến nó thấy mọi sự khác chỉ như là trò trẻ con. Nó cười thầm khi nhìn thấy những người thật sang trọng – những đấng bậc sống đời cầu nguyện, sống đời tu hành – mà vẫn nôn nao tìm kiếm những cái danh dự nhỏ nhen mà nó đã giẫm dưới chân từ lâu rồi. Người ta nói rằng phải khôn ngoan và giữ thế giá địa vị mình thì mới làm ích cho tha nhân được. những linh hồn này biết rất rõ rằng nếu từ bỏ thế giá, địa vị mình đi vì mến Chúa, thì trong một ngày, người ta làm ích được nhiều hơn là cả mười năm cứ bám vào địa vị mà hành động.

10. Linh hồn này cứ tiếp tục sống cuộc sống như thế, một cuộc sống đau khổ, không bao giờ vắng bóng thánh giá, nhưng là cuộc sống tiến lên và tiến mau chóng. Những người mà linh hồn này giao tiếp với tưởng là nó đã tới đỉnh hoàn thiện rồi. Nhưng sau đó họ thấy nó vẫn tiến lên cao hơn nữa, vì Thiên Chúa luôn ban cho nó những hồng ân mới. Chính Thiên Chúa là linh hồn của linh hồn này. Và vì Người luôn nắm giữ nó, nên Người rọi ánh sáng của Người vào linh hồn ấy. Dường như Người luôn canh giữ kẻo nó lại xúc phạm đến Người. Người trợ giúp và kích thích nó phục vụ Người. Khi Chúa ban cho linh hồn con những ơn trọng đại này, con cũng hết lo lắng và Chúa đã ban cho con sức mạnh để lướt qua mọi lo lắng. Các dịp tội và những cuộc giao tiếp với những người vẫn thường làm con chia trí, bây giờ không còn tác dụng gì nơi con hơn là khi con không gặp hay không giao tiếp với. Thực sự những gì trước đây thường làm hại con, bây giờ trở nên hữu ích cho con. Mọi sự đều trở thanh phương tiện giúp con hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, giúp con nhận thức được con đã mắc nợ Chúa những gì, và giúp con hối hận về cuộc đời quá khứ của con.

11. Con biết rất rõ rằng ơn này không tự con mà có và cũng chẳng do sức cố gắng nào của riêng con mà có được. Con cũng chẳng có đủ giờ để mà cố gắng nữa. Bởi lòng từ hậu Người, Chúa đã ban cho con sức mạnh cần thiết. Từ khi Chúa ban cho con ơn ngất trí tới nay, sức mạnh này vẫn tiếp tục gia tăng và bởi lòng nhân hậu của Người, Chúa giơ tay nâng đỡ con để con khỏi thoái lui. Sự thật là như thế, con nhận thấy chính con chẳng làm gì để được ơn ấy cả. Con hiểu rõ Chúa làm tất cả công việc. Bởi vậy con nghĩ, linh hồn được Chúa ban cho những hồng ân này, và những người sống khiêm nhường với lòng kính sợ, những người luôn luôn nhận thấy mọi ơn đều do chính Thiên Chúa ban, chớ không do sự khôn ngoan sáng suốt hay cố gắng nào của chúng ta, thì có thể giao tiếp cách an toàn với hết mọi thứ người. Dù những cuộc giao tiếp có thiếu xây dựng và gây chia trí thế nào đi nữa, cũng không có tác dụng gì nơi họ, cũng chẳng thể làm thế nào lay chuyển họ được. Trái lại, như con đã nói, những yếu tố ấy sẽ trợ giúp và trở nên phương tiện đem lại cho họ lợi ích lớn lao hơn. Dù sức mạnh của họ không do tự họ mà có, thì đó cũng là những linh hồn mạnh mẽ Chúa đã tuyển chọn để mưu ích cho tha nhân. Vì khi Chúa nâng linh hồn lên trình độ này, Người thông đạt lần lần cho nó những điều bí mật.

12. Trong giai đoạn xuất thần này, linh hồn được biết những mạc khải chân thật, được hưởng những thị kiến và những hồng ân trọng đại. Tất cả những ơn đó tăng cường sức mạnh cho linh hồn và giúp linh hồn nên khiêm nhường, khinh chê hết mọi sự đời này và hiểu biết rõ ràng hơn về phần thưởng Chúa đã chuẩn bị cho những ai phụng sự Người. Ước chi Chúa làm cho lượng hải hà bao la mà Người đã xử sự với kẻ tội lỗi khốn nạn này, có thể ảnh hưởng đôi chút cho những ai đọc những trang sách này, để họ có thể tìm thấy sức mạnh và can đảm mà tuyệt đối từ bỏ tất cả vì Chúa! Nếu ngay từ đời này Chúa đã ân thưởng rộng rãi như thế để chúng ta thấy rõ phần thưởng của những kể phục vụ Người, thì còn ơn nào mà Người chẳng ban cho trong cuộc sống mai hậu?

- Trích trong tác phẩm “Tiểu Sử Tự Thuật Thánh Teresa thành Avila”


Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

Thâm tâm


Đáy lòng nằm tận chốn nao,
Đi hoài chưa thấy cửa vào nơi đâu.
Mấy dài, mấy rộng, mấy sâu?

*

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

Phân biệt giữa kết hợp và ngất trí


CHƯƠNG 20 

Người phân biệt sự khác nhau giữa kết hợp và ngất trí. Trình bày bản chất của ngất trí và nói đôi chút về ơn Lòng Thương Xót Chúa ban cho linh hồn, các hậu quả. Chương này đáng ngưỡng mộ đặc biệt.

***

Với ơn Chúa giúp, tôi rất ước mong có thể trình bày sự khác biệt giữa kết hợp và ngất trí hay siêu thăng, trạng thái người ta gọi là phóng tâm. Tất cả các từ ngữ ấy chỉ diễn tả một thực trạng. Tôi có ý nói tất cả những tên gọi khác nhau này đều ám chỉ cùng một thực trạng mà người ta gọi là xuất thần. Thực trạng này cao hơn thực trạng kết hợp, vì các hậu quả cao trọng hơn nhiều và tiến trình diễn biến có nhiều tác động. Trong tiến trình kết hợp, từ lúc bắt đầu, khi ở đích điểm cho tới lúc chấm dứt chỉ giữ nguyên một trạng thái và diễn ra hoàn toàn ở trong tâm hồn. Còn trong phần sau của cơn ngất trí tiến đến một cấp độ cao hơn và có hậu quả cả bên trong lẫn bên ngoài. Chớ gì Thiên Chúa (giúp tôi) giải thích hiện tượng này như Người đã (giúp tôi) giải thích những hiện tượng trước đây. Vì chắc là tôi chẳng biết nói gì, nếu Chúa không chỉ phương thế thì tôi chẳng thể giải thích được chút gì.

2. Bây giờ chúng ta hãy suy rằng thứ nước cuối cùng đã được trình bày, tràn trề lênh láng đến nỗi dường như đất không còn thể thấm đi được nữa. Khi ấy chúng ta có thể tin rằng mây (tức hồng ân) này của Đấng cao cả đang hiện diện với chúng ta trên mặt đất này. Nhưng đang khi cảm tạ Người về hồng ân cao trọng này, và cụ thể là đang nỗ lực để đến gần Người thì Chúa chiếm lấy linh hồn, y như đám mây thu hút lấy hơi nước từ đất bốc lên và nâng nó lên cho tới khi đọng lại với nhau thành hơi nước (tôi nghe người ta nói là mây được hình thành hay là mặt trời làm bốc hơi nước là như thế). Vậy mây cuốn linh hồn theo lên trời và tỏ cho linh hồn những sự thuộc về Vương Quốc mà Người đã chuẩn bị cho nó. Tôi không biết lối so sánh này có chính xác không, nhưng thực trạng diễn ra là như thế. 

3. Trong những cơn ngất trí này, dường như linh hồn không còn là động lực linh hoạt thân xác nữa và bởi vậy, người ta nhận thấy nhiệt độ bình thường của xác giảm đi rõ ràng: thân xác lạnh dần, mặc dầu nó cảm được sự ngọt ngào và niềm sướng vui tột độ vô phượng chống cưỡng được. Còn trong tình trạng kết hợp chúng ta vẫn hoàn toàn tự chủ, có thể sử dụng phương tiện chống cự, tuy đau đớn và vất vả nhưng hầu như luôn luôn hữu hiệu. Còn khi ngất trí, cứ sự thường thì không thể chống cự lại được. Cơn ngất trí thường thường đột phát giống như một cảm hứng rất mau và mạnh mẽ, trước khi có thể nghĩ đến việc đề phòng hay có thể làm gì để giữ thế thủ. Đương sự nhìn thấy và cảm thấy đám mây, hay con phượng hoàng mãnh lực này nâng và đem mình lên theo trên cánh của nó.

4. Tôi nhắc lại là đương sự nhận thức và thực sự trông thấy mình đang được đem đi, không biết đi đâu. Dầu cơn ngất trí có đem lại niềm hoan hỉ, nhưng bản chất yếu đuối của chúng ta làm chúng ta sợ hãi (trong giai đoạn đầu, nên cần chúng ta phải mạnh dạn và can đảm). Phải mạnh dạn can đảm hơn nhiều trong những trường hợp đã được trình bày. Vì có thể xảy ra gì đi nữa, chúng ta cũng phải liều. Hãy phó thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa và sẳn lòng đi bất cứ nơi nào Người muốn đem chúng ta đến. Vì thực sự, dù chúng ta muốn hay không, Người cũng đang đem chúng ta đi. Trong lúc cùng quẫn ấy, thường là tôi rất muốn chống cự lại, và tôi lấy hết sức chống cự, nhất là khi cơn ngất trí đột chiếm tôi ở nơi công cộng và cả nhiều lần khác khi ở riêng một mình, vì tôi sợ mình bị lừa. Đôi khi tôi có thể chống cự được đôi chút; nhưng phải vất vả hết sức và sau đó, tôi cảm thấy mệt lử dường như tôi đã phải chiến đấu với một người khổng lồ dũng mạnh. Nhiều lần khác thì không chống cự được. Linh hồn tôi bị đem đi và cứ sự thường là đầu tôi cũng nâng bổng lên mà toàn thân tôi không làm sao ghì lại được. Đôi khi toàn thân tôi bị ảnh hưởng cũng được nâng lên cao khỏi đất.

5. Hiện tượng này chỉ hoạ mới xảy ra. Nhưng có một lần, đang ở trong ca triều với nhau, tôi đang quì và sắp tới lúc rước lễ, cơn ngất trí đột nhập tôi, nó làm tôi khổ tâm quá sức. Tôi nghĩ có lẽ lần ấy là kỳ lạ nhất và có thể là đề tài để bàn tán rất nhiều nên tôi phải cấm các nữ tu không được nói đến (hiện tượng này xảy ra sau khi tôi được chỉ định làm bề trên). Nhiều lần khác khi tôi cảm thấy Chúa sắp làm tôi ngây ngất, tôi liền ngã lăn xuống đất và các nữ tu xúm lại đỡ tôi lên. Nhưng người ta cũng đã nhận ra đó là cơn ngất trí. Một lần xảy ra đang lúc nghe giảng trong ngày lễ kính thánh Bổn Mạng của chúng tôi và có nhiều bà quí phái hiện diện. Tôi tha thiết khẩn xin Chúa đừng ban cho tôi những ơn này nữa vì nó kèm theo những biểu hiện khả giác bên ngoài. Tôi đã kiệt sức vì những nghĩ ngợi như vậy và sau cùng (tôi nói): Chúa có thể ban cho con những ơn ấy mà bề ngoài chẳng có ai biết. Vì lòng nhân hậu của Người, dường như Người đã vui lòng nhận lời tôi xin, vì từ khi tôi cầu xin, tôi không bao giờ còn ngất trí như vậy nữa. Thực ra, tôi cũng chỉ mới khẩn xin Người ban ơn ấy thôi.

6. Khi tôi cố gắng chống cự những cơn ngất trí này, thì dường như có một sức mạnh mãnh liệt mà tôi không biết so sánh với sức nào được, ở dưới chân đẩy tôi lên. Vì sức mạnh đó xâm chiếm tôi mạnh mẽ hơn bất cứ cảm nghiệm thiêng liêng nào khác và tôi cảm thấy mệt nhừ tử. Đó là một trận chiến đấu kinh khủng và cứ tiếp tục chống lại ý Chúa cũng chẳng ích lợi gì, vì không một sức mạnh nào có thể đương đầu với quyền lực Người. Nhiều lần khác, khi thấy chúng ta nhận biết là Người muốn ban cho chúng ta hồng ân này, thì Người đã hài lòng rồi. Nếu bấy giờ chúng ta từ chối vì khiêm nhường thì vẫn có những hậu quả trong tâm hồn dường như chúng ta sẵn lòng tiếp nhận vậy.

7. Những hậu quả này mạnh mẽ lôi cuốn chú ý của chúng ta. Một trong những hậu quả này là nó biểu lộ quyền năng cao cả của Thiên Chúa. Vì khi chúng ta không thể chống cưỡng lại ý của Người cả trong tâm hồn và ngoài thể xác và không làm chủ được mình nữa, và dù sự thật này có làm chúng ta bực bội đến thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải nhận thức rằng có Đấng nào đó mạnh mẽ hơn chính chúng ta và Đấng đó ban những ơn này cho chúng ta, còn chính chúng ta thì tuyệt đối chẳng làm được gì. Nhận định này gợi cho chúng ta một tâm tình khiêm tốn sâu xa. Thực sự tôi phải thú nhận: vào buổi đầu, một nỗi sợ hãi kinh hoàng xâm chiếm lấy cả con người tôi. Tôi thấy thân xác được nâng bổng lên khỏi đất, và dẫu tinh thần nhẹ nhàng nâng cả thân xác lên, và dầu không chống cưỡng, tôi vẫn tỉnh táo. – Ít ra chính tôi vẫn tỉnh táo đủ để có thể nhận ra mình đang được nâng bổng lên. Khi thấy uy quyển của Đấng có thể thi thố hiện tượng này thì tóc trên đầu dựng đứng lên và một cảm giác sợ hãi kinh hoàng xâm chiếm lấy cả con người vì sợ xúc phạm đến Thiên Chúa cao cả như thế. Nhưng sự sợ hãi này hoà lẫn trong tình mến thiết tha vừa bừng cháy lên đối với Đấng, như chúng ta thấy là Người tha thiết yêu thương một con sâu ghê tởm đến nỗi dường như Người không thoả mãn bởi chỉ lôi kéo linh hồn đến với Người mà thôi, nhưng cả thân xác nữa, dầu đó là vật phải chết và nhơ bẩn bởi biết bao tội lỗi đã phạm.

8. Ơn ngất trí này đem lại cho linh hồn ơn từ bỏ lạ lùng mà tôi không thể diễn tả được. Nhưng tôi có thể nói nó có đôi chút khác biệt với sự từ bỏ do những ơn thuần tuý thiêng liêng đem lại. Vì dầu ơn thuần tuý thiêng liêng nào cũng làm phát sinh một tinh thần từ bỏ hoàn toàn; nhưng trong hồng ân này, Người muốn chính thân xác cũng được chia xẻ. Bởi vậy thân xác cũng cảm thấy gớm ghét những sự vật trần gian là những yếu tố làm cho đời sống thêm khốn khổ hơn nhiều.

9. Sau khi (ơn ngất trí) gây ra nỗi khổ tâm kinh khủng mà một khi nó đã đến, thì tự chúng ta, chúng ta không thể làm gia tăng hay tẩy chay đi được. Tôi rất muốn giải thích nỗi khổ lớn lao này, (nhưng sợ là không thể làm được), tuy nhiên tôi sẽ nói đôi chút, nếu có thể. Tôi nhận thấy đây là cảm nghiệm mới nhất của tôi, nó đến sau tất cả những thị kiến mà tôi sẽ kể, sau cả thời gian tôi chuyên cầu nguyện và Chúa đã ban cho tôi những hồng ân và an ủi lớn lao. Chúa vẫn ban cho tôi những ơn này, nhưng bây giờ tôi sẽ trình bày nỗi đớn đau hiện thời tôi phải chịu thường xuyên, dù có lúc tăng lúc giảm. Bây giờ tôi sẽ đề cập đến mức độ gắt gao nhất của nó. Về sau tôi sẽ trình bày những cơn cảm kích mạnh mẽ mà tôi thường cảm nghiệm khi ngất trí. Những cảm kích này đem so sánh thì tôi thấy nó như nỗi đau đớn hoàn toàn về thể lý so với nỗi đau đớn thuần tuý về tinh thần vậy. Nói thế, tôi nghĩ là tôi không quá phóng đại. Vì nỗi đau đớn tôi đề cập tới đây, thì cả linh hồn và thể xác đều cảm thấy dường như cả hai cùng chịu đau đớn, nhưng không gây nên cùng một cảm giác từ bỏ cùng độ như nỗi đau đớn tôi đang muốn trình bày đây. Như tôi đã nói, chúng ta không dự gì vào việc tái sinh nỗi đau đớn này, dầu rất thường khi chúng ta cảm thấy một ước muốn từ bỏ lạ lùng theo cách mà tôi không thể giải thích được. Ước muốn này, trong giây lát đã thấu nhập tới chốn sâu thẳm nhất của linh hồn, làm cho linh hồn buồn phiền chán nản muốn bay vụt lên, vượt xa khỏi chính mình và trên tất cả mọi tạo vật. Thiên Chúa làm cho nó chán ghét mọi sự đến nỗi dù cố gắng vất vả đến thế nào đi nữa, nó cũng không thể tha thiết với vật gì trên mặt đất này. Nó cũng chẳng muốn gì cả. Chỉ muốn, tốt hơn là được chết đi trong nỗi cô đơn này của mình. Người lân cận có thể nói với nó và cũng có thể là chính nó cũng cố gắng hết sức để nói, nhưng vô ích. Có làm gì thì tinh thần nó cũng không tránh khỏi nỗi cô đơn này. Dường như bấy giờ Thiên Chúa cũng ở rất xa xôi, nhưng đôi khi Người cũng tỏ bày sự cao cả của Người ra một cách kỳ lạ nhất có thể tưởng tượng ra được. Không thể diễn tạ thực tại này – tôi nghĩ, cũng không thể tin hay hiểu ngầm được – ngoại trừ những ai đã có kinh nghiệm. Vì đó là cuộc chuyển thông không dụng ý an ủi linh hồn nhưng để tỏ cho linh hồn thấy lý do tại sao mình buồn phiền chán nản – nghĩa là phải xa lìa Nguồn Thiện Hảo bao gồm mọi thiện hảo.

10. Trong cuộc chuyển thông này ước muốn cứ gia tăng và cùng với ước muốn đó, linh hồn cảm thấy một nỗi cô đơn cực độ và một nỗi đau đớn nhạy bén đến nỗi dường như nó bị lạc vào sa mạc và có thể nói sát từng chữ như đấng tiên tri vương giả đã nói khi ngài lâm vào cùng tình trạng cô đơn ấy. (Chỉ khác một điều: Ngài đã là vị thánh, nên có thể là Chúa đã để cho ngài cảm nghiệm nỗi cô đơn ấy ở một mức độ thấm thía hơn thôi) “…tôi đã trằn trọc và nên như chim sẻ lạc đàn đậu mái nhà”. Khi ở trong tình trạng này, tôi nhớ đến câu thơ ấy và cảm thấm thía đến nỗi tôi thấy như tâm trạng người diễn tả ấy hoàn toàn ứng nghiệm trong tôi. Thật là một niềm an ủi cho tôi khi biết rằng nhiều người khác, nhất là một vị tiên tri như vậy cũng đã trải qua kinh nghiệm cô đơn nghiệt ngã như thế. Khi ấy dường như linh hồn không còn ở trong chính mình nữa, nhưng ở trên mái nhà, trên chóp đỉnh của mình và được nâng cao trên mọi tạo vật. Tôi nghĩ linh hồn còn ở cao xa hơn cả chính đỉnh cao nhất của mình nữa.

11. Nhiều lần khác, linh hồn dường như sắp rơi vào một tình trạng cùng quẫn và tự hỏi: “Chúa ngươi ở đâu?” (Tv 41,4). Tôi lưu ý ở đây rằng tôi đã không hiểu ý nghĩa câu thơ này ngay trong tiếng bản quốc. Về sau khi đã hiểu, tôi rất sung sướng vì chẳng phải cố gắng gì mà Chúa đã cho tôi hiểu. Nhiều lần khác, tôi nhớ lại những lời Thánh Phaolô đã viết về con người của Ngài đã chịu đóng đinh đối với thế gian (Gl 6,14). Tôi không nói rằng tôi cũng ở trong tình trạng ấy – thực sự tôi biết tôi không như thế – nhưng tôi nghĩ đó là thực trạng của linh hồn khi Chúa không ban an ủi. Vì nó chưa ở trên trời, nhưng chẳng khao khát an ủi trần gian. Nó cũng chẳng còn thuộc về trần gian nên nó như bị đóng đinh lơ lững giữa trời và đất. Nó đau đớn cực độ vì cả trời lẫn đất đều bỏ rơi nó. Vì như tôi đã nói sự trợ giúp từ trời là được nhận biết Thiên Chúa cao cả diệu kỳ, và vượt xa trên tất cả những gì chúng ta có thể khao khát, nên sự khao khát đó nên như cực hình đau đớn hơn cho nó. Vì nỗi khao khát này cứ gia tăng mãi nên tôi nghĩ đôi khi nó ra như bất giác, dù chỉ là trong giây lát, dường như đã bước tới ngưỡng cửa tử thần. Nhưng nỗi đau đớn này được kèm theo niềm hạnh phúc lớn lao mà tôi không biết lấy gì để so sánh. Đó là nỗi đau đớn hãi hùng nhưng cũng đầy hoan lạc, vì tất cả những gì trái đất có thể cung hiến, linh hồn cũng không ưng nhận, dù đó là đối tượng vẫn đem lại cho nó niềm vui khoái nhất, thì nó cũng lãng quên ngay tức khắc. Nó ý thức rõ mình chẳng muốn gì khác ngoài Thiên Chúa. Nhưng tình yêu nó không tập trung vào bất cứ vật nào đặc biệt ám chỉ về Người. Nó khát được trọn cả Thiên Chúa và không nhận biết điều mình ước muốn. Từ ngữ “không nhận biết” đây tôi có ý nói là trí tưởng tượng không hình dung ra được hình ảnh nào cả. Theo tôi, phần lớn thời gian linh hồn ở trong tình trạng này, các tài năng đều không hoạt động. Vì khi đau đớn, các tài năng ngưng đọng hết, thì khi kết hợp và ngất trí, các tài năng cũng ngưng hoạt động vì vui sướng.

12. Chúa ơi! Con ước ao có thể giải thích điểm này rõ ràng cho cha để cha có thể nói cho con biết đó là cái gì. Vì đó là tình trạng thường xuyên của hồn con trong thời gian này. Cứ hễ khi nào không phải bận tâm vào việc gì là tâm tư con lại rơi vào tình trạng khát mong đến chết đi được. Và khi nhận ra nỗi khát mong đó sắp đến, thì con đã kinh hoàng sợ hãi, vì nó không đơn giản như sự chết. Nhưng khi đã thực sự ở trong tình trạng ấy, con lại muốn tiêu hao hết quãng đời còn lại để chịu cực hình này, dù là đau đớn quá sức tưởng tượng, con người tự nhiên khó có thể chịu đựng được. Đây là nhận xét của các nữ tu đôi khi đã chứng kiến con ngất trí và bây giờ họ hiểu tình trạng ấy rõ hơn. Các mạch máu của con hầu như ngưng đập. Tất cả xương cốt như rã rời ra, cánh tay cứng đơ, đến nỗi đôi khi con không còn thể co lại được. Ngày hôm sau, cổ tay và toàn thân vẫn còn đau, các xương như bị xoắn gãy ra vậy.

13. Thỉnh thoảng con đã nghĩ rằng nếu cực hình này cứ kéo dài mãi thì chắc Chúa phải cho con chết đi thì mới chấm dứt nỗi đau đớn này được. Sự đau đớn con đang chịu gắt gao đủ có thể làm con chết được, chỉ tại con chưa xứng đáng chết thôi. Những lúc ấy con chỉ muốn được chết đi, không còn nghĩ tới luyện tội, cũng chẳng nghĩ đến những trọng tội con đã phạm đáng sa hoả ngục. Ước muốn được thấy Thiên Chúa mãnh liệt khiến con quên hết mọi sự và tình trạng cô đơn cô độc con đang phải chịu còn thoải mái hơn mọi tình thân thiết của thế gian này. Nếu có gì có thể an ủi được một người ở tình trạng này thì đó là đàm đạo với người khác đã qua cùng kinh nghiệm (đau đớn) này. Ngoài ra đương sự thấy rằng dù có than vãn thì cũng chẳng có ai tin mình cả.

14. Linh hồn ở tình trạng này còn phải chịu một cực hình hơn nữa là nỗi đau đớn này cứ tăng cường khiến linh hồn không còn muốn sống cảnh cô đơn như trước đây nó muốn nữa. Nhưng cũng chỉ muốn kết thân với ai mà nó có thể trút nhẹ nỗi lòng đi được thôi. Tình trạng ấy giống như người đã tròng dây vào cổ, bị nghẹt thở và đang cố gắng để thở. Vậy con thấy chính vì sự yếu đuối của con người nên mới ước muốn có bạn hữu. Vì nỗi đau đớn này có thể lâm nguy đến tính mạng, hầu như chắc chắn là như thế (như đã mấy lần con nói về cơn bệnh nặng hay những dịp nguy hiểm trầm trọng có thể làm con chết đi được; thì cơn nguy hiểm này cũng trầm trọng như thế). Tâm trạng xác và hồn không muốn lìa nhau như một tiếng kêu, van xin được trợ giúp để thở. Nói về mình, than van và tìm cách để được khuây khoả (tức là) linh hồn tìm kiếm một cách sống hoàn toàn trái với ý chí của tinh thần, tức là ý chí của phần cao thượng hơn của linh hồn. Vì phần cao thượng của linh hồn không muốn xa tránh nỗi đau đớn này.

15. Không biết con có nói đúng điều con muốn nói không. Không biết con có diễn tả tình trạng ấy thích hợp không nhưng theo niềm xác tín của con thì thực trạng xảy ra như vậy. Con hỏi cha làm sao con có thể nghỉ ngơi trong cõi đời này, bởi vì sự nghỉ ngơi và an ủi mà Chúa thường ban cho con trong lúc cầu nguyện và trong chốn cô tịch thì hay thường xuyên đã biến thành cực hình này. Dẫu sao thì cũng được tràn đầy khoái lạc và linh hồn cũng rất ý thức về giá trị nỗi đau đớn, nên nó ước muốn được chịu cực hình này hơn là tất cả những hồng ân mà nó đã thường được hưởng. Vì đây là con đường thánh giá nên nó cũng tin đó là tình trạng chắc chắn hơn. Theo con, tình trạng này bao gồm một niềm vui rất quí giá, bởi vì thân xác chẳng được hưởng một chút vui thú nào mà chỉ phải chịu đau đớn. Còn linh hồn, dầu trong lúc chịu đau khổ, một mình vẫn vui hưởng niềm vui và hạnh phúc do sự đau đớn này đem lại. Con không biết thực trạng có thể xảy ra thế nào, nhưng sự thực là như vậy. Và con sẽ không đổi hồng ân này (vì chắc chắn ơn này hoàn toàn siêu nhiên, từ tay Chúa ban xuống chứ sức riêng thì vô phương đạt được) để lấy bất cứ một ơn nào trong những hồng ân mà con sẽ trình bày sau. Con không nói là để lấy tất cả các hồng ân ấy, nhưng là một trong những hồng ân ấy. Cũng không nên quên rằng ơn Chúa ban cho con đây là ơn ban sau tất cả các ơn đã được trình bày trong sách này, nghĩa là những cảm kích này tiếp theo sau tất cả những ơn Chúa ban cho con, đã được trình bày ở đây.

16. Lúc đầu con sợ hãi. Hầu như con luôn luôn sợ hãi như thế mỗi khi Chúa ban cho con một ơn. Chỉ về sau Chúa mới trấn an con. Người bảo con đừng sợ nhưng phải quí trọng ơn này hơn bất cứ ơn nào khác Người đã ban cho con. Vì nhờ nỗi đau đớn này, linh hồn con được thanh tẩy, được nhồi luyện như vàng trong lò lửa, để Người có thể dễ dàng sơn lên trên đó lớp men dầy đặc hơn: hồng ân của Người. Linh hồn được tẩy sạch ngay từ bây giờ những vết nhơ cần phải được tẩy sạch trong luyện ngục. Con ý thức rất rõ đó là một hồng ân siêu đẳng. Nhưng những lời này của Chúa làm con xác tín hơn về điều đó và cha giải tội bảo con rằng niềm xác tín ấy là chính đáng. Dẫu vì yếu đuối mà con sợ hãi, thì cũng không bao giờ con cho tình trạng đó là mộng ảo. Đúng hơn chính cái tính chất tuyệt vời của hồng ân đã làm cho con sợ khi con nhớ là con quá bất xứng với ơn đó. Chúc tụng Chúa, Đấng nhân hậu dường nào! Amen.

17. Dường như con đã lạc đề vì con bắt đầu nói về ơn ngất trí mà con lại đang nói về một ơn có phần cao xa hơn ngất trí và bởi vậy cũng bỏ những hậu quả con đã nhắc tới.

18. Bây giờ chúng ta trở lại với ơn ngất trí và những đặc tính thông thường của ơn đó. Con có thể xác quyết rằng sau một cơn ngất trí, thường thường là thân xác con ra nhẹ như chẳng còn trọng lượng nào nữa. Đôi khi quá nhẹ đến nỗi khó có thể nói là chân con có còn chạm đất nữa hay không. Vì trong lúc ngất trí, thân xác luôn bất động như chết và tự mình, không thể làm gì được trong suốt cơn ngất trí. Thân xác giữ nguyên trạng thái như khi cơn ngất trí bắt đầu xâm nhập. Chẳng hạn như đang ngồi hay đôi tay đang mở ra hay nắm lại. Tâm tưởng thì ít khi bất tỉnh. Đôi khi con cũng bất tỉnh, nhưng rất ít khi và cũng chỉ trong giây lát. Cứ thường thì tâm trạng bị xáo trộn. Và dù không có khả năng liên lạc cách ý thức với những sự vật bên ngoài, đương sự vẫn có thể nghe và hiểu, nhưng chỉ lờ mờ như sự việc diễn ra từ đàng rất xa kia. Con không nói rằng người ta có thể nghe và hiểu khi cơn ngất trí ở mức độ cao nhất. “Mức độ cao nhất” con có ý nói là vào lúc các tài năng ra như không còn nữa, vì được kết hợp mật thiết với Chúa. Theo con, vào lúc ấy, đương sự không còn thấy, nghe hay nhận thức được gì. Nhưng như đã nói trong khi trình bày về bậc cầu nguyện kết hợp trước đây. Tình trạng linh hồn hoàn toàn biến hoá trong Thiên Chúa này, chỉ kéo dài trong khoảnh khắc và trong khoảnh khắc duy nhất ấy không một tài năng nào của linh hồn lại có thể nhận ra hay biết được những gì đã xảy ra. Bao lâu còn sống trên đời này, chúng ta không thể hiểu được điều đó. Thực sự Chúa không muốn cho chúng ta hiểu điều ấy vì Người không ban cho chúng ta khả năng để hiểu. Chính con đã nhận thấy điều này.

19. Cha sẽ hỏi con vậy tại sao đôi khi cơn ngất trí lại kéo dài nhiều giờ. Đó là tình trạng thường xảy ra cho con, như con đã nói trong bậc cầu nguyện trước, chính cơn ngất trí thì chỉ diễn ra từng cơn một. Linh hồn chìm sâu trong Thiên Chúa – hay đúng hơn Chúa nhận chìm linh hồn trong Người – và khi Người đã cầm giữ linh hồn trong giây lát, Người chỉ còn giữ lại ý chí của linh hồn thôi. Còn chuyển biến của hai tài năng kia, con thấy giống như lối di động của cái bóng que trên mặt đồng hồ mặt trời, không bao giờ bất động. Nhưng nếu Mặt Trời Công Chính muốn, Người có thể khiến nó đứng yên lại. Đó là trạng thái con nói là chỉ diễn ra trong khoảnh khắc. Nhưng vì cơn cảm kích và tâm thần hướng lên quá mạnh thì dù hai tài năng kia đã lại bắt đầu di động và làm thân xác cử động, thì ý chí vẫn chìm ngập trong Chúa và vẫn tuyệt đối làm chủ thân xác. Mặc dù hai tài năng bất ổn kia cố gắng quấy rối. Gặp ít trở ngại thì vẫn tốt hơn, nên ý chí ngăn cản không để cho giác quan quấy rối. Chính vì thế các giác quan ngưng hoạt động, đó là ý của Chúa. Bởi vậy, dù chúng ta không muốn thì phần nhiều là đôi mắt vẫn nhắm lại. Như con đã nói rồi, nếu thỉnh thoảng mắt có mở ra thì đương sự cũng chẳng nhận thấy hay chú ý vào cái gì mình trông thấy cả.

20. Vậy người ở trong trạng thái này hành động được rất ít và như thế có nghĩa là khi các tài năng đã trở lại bình thường thì khả năng hoạt động của người đó cũng chẳng có là bao. Bởi vậy ai được Chúa ban cho hồng ân này thấy, đến lâu giờ sau mà thân xác vẫn không thể nhúc nhích, tri thức và trí nhớ đôi khi cũng lơ đãng thì cũng đừng thất đảm. Thật ra, thường là hai tài năng này còn đang ngây ngất chúc tụng Chúa hay là đang cố gắng hiểu và nhận ra những gì đã xảy ra cho mình. Dẫu vậy, chúng chưa hoàn toàn thức tỉnh. Chúng giống như một người vừa mới ngủ một giấc thật dài, đã mơ màng đủ thứ và vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo.

21. Lý do khiến con giải thích dài dòng về điểm này là vì con biết chính tại đây, bây giờ có nhiều người được Chúa ban cho những hồng ân này. Nếu chính các vị hướng dẫn họ không trải qua kinh nghiệm – nhất là nếu các ngài lại không thành thạo nữa – thì các ngài có thể nghĩ rằng khi ngất trí, những người này phải như chết vậy. Thật là ngượng ngùng cho vị giải tội không hiểu tình trạng mà lầm lẫn như thế, như con sẽ nói sau. Có lẽ con không biết con đang nói gì; nhưng nếu, thưa cha, nếu con nói trúng, thì cha sẽ hiểu, vì Chúa đã ban cho cha hồng ân này. Nhưng vì hiện tượng chỉ mới xảy ra cho cha nên có lẽ cha chưa nghiệm xét kỹ như con. Vậy, tình trạng bấy giờ là thế này: dù vất vả cố gắng  đến thế nào, thì thân xác cũng không thể động cựa được trong khoảng thời gian khá lâu. Linh hồn đã lấy đi hết sức mạnh của thân xác. Một người trước đây thường là chỉ đau yếu và bứt rứt khó chịu vì cơn đau dữ dội, lại thấy mình khoẻ mạnh và còn khoẻ hơn trước nữa. Vì những gì linh hồn lãnh nhận trong cơn ngất trí là một hồng ân trọng đại và như con đã nói, đôi khi Chúa để thân xác cùng được chia sẻ ơn đó vì đã vâng theo ý của linh hồn. Nếu cơn ngất trí cao sâu, thì sau khi đã hồi tỉnh lại, các tài năng vẫn bị chi phối tới hai ba ngày sau và dường như ở trong tình trạng tê mê đi, như không còn là chính mình nữa.

22. Lúc đó linh hồn đau đớn vì phải trở lại cuộc sống này. Lúc này linh hồn đã có đôi cánh mới và đã biết bay. Lúc này con chim nhỏ bé đã thay đi bộ lông nham nhở. Lúc này hiệu kỳ được giơ cao nhân danh Đức Kitô. Những gì đã xảy ra dường như chẳng là gì khác hơn vị thủ lãnh của pháo đài đã tiến lên, đã được dẫn lên tới tột đỉnh pháo đài và nhân danh Chúa, đã cắm ngọn cờ trên nơi cao đó. Từ địa điểm cao chắc chắn này, người có thể nhìn xuống những người ở dưới thấp. Người không còn sợ nguy hiểm. Đúng hơn, người còn muốn đương đầu với nguy hiểm, vì nhờ đó người nắm chắc phần thắng lợi. Điều ấy chứng tỏ linh hồn thấy rõ những sự đời này chẳng đáng giá bao nhiêu và lượng định chúng đúng theo mức vô giá trị của chúng. Ai được nâng lên cao thì biết được nhiều điều. Linh hồn không còn muốn tìm kiếm hay chiếm hữu chút ý chí tự do nào nữa, và vì muốn thế, linh hồn cầu xin Chúa cất sự tự do đó đi, tức là muốn dâng cho Người cả chìa khoá ý chí của mình nữa. Thế là người thợ làm vườn đã trở thành người cai quản pháo đài! Người không còn muốn gì khác ngoài ý của Chúa. Người chẳng muốn làm chủ chính mình hay bất cứ ai khác. Người không muốn thu lượm hoa trái nào trong vườn này. Nếu sản phẩm nào trong đó có chút giá trị nào, thì người để Chúa Uy Quyền phân phát đi. Còn chính mình, từ nay chẳng muốn gì cả, chỉ muốn có ước muốn duy nhất là làm mọi sự để làm vinh danh Thiên Chúa và phù hợp với Thánh ý Người thôi.

23. Nếu cơn ngất trí là chân thực, thì thực trạng cụ thể xảy ra là như thế và sẽ có những hậu quả và lợi ích để lại trong tâm hồn mà con đã đề cập đến trước đây. Nếu không có những hậu quả như thế, thì con rất hoài nghi không biết có phải Chúa thực hiện cơn ngất trí không. Con sợ đó là cơn điên mà thánh Vincent đã nói đến. Con biết, vì theo kinh nghiệm cá nhân, con đã quan sát thấy rằng trong khi ngất trí, linh hồn làm chủ mọi sự và chỉ trong một giờ hay chưa tới một giờ linh hồn đã có được sự tự do đến nỗi nó không còn nhận ra chính mình nữa. Nó thấy rõ tâm trạng này không do tự nó mà có. Cũng không biết ai đã ban cho nó một hồng ân vĩ đại như thế. Nhưng nó phân biệt được rõ ràng những ơn trọng đại mà mỗi lần ngất trí đem lại cho mình. Ai không có kinh nghiệm thì sẽ không tin được. Cũng vậy, chẳng ai tin linh hồn đáng thương này, vì biết nó đã một phen quá sa đoạ mà bây giờ lại xả thân vào những hành động anh hùng như thế. Nó không còn hài lòng với việc phục vụ Chúa bằng những điều nhỏ nhặt nữa, nên phải đem hết năng lực ra phục vụ Người. Thấy thế, người ta nghĩ đây chỉ là cơn cám dỗ, một chuyện điên khùng. Nếu họ biết động lực thúc đẩy nó hành động như thế không do tự linh hồn, nhưng do tự Thiên Chúa, chắc là họ không quá ngỡ ngàng như thế.

24. Con tin rằng linh hồn đạt tới trình độ này chẳng nói, cũng chẳng tự mình làm gì cả, nhưng chính Vị Hoàng Đế cao cả để ý lo đến tất cả những gì nó phải làm. Ôi lạy Thiên Chúa của con, ý nghĩa câu thơ xin cho được đôi cánh bồ câu thật rõ ràng và tác giả câu thơ ấy hữu lý chừng nào! Hết thảy chúng ta cũng đều phải xin như thế. Hiển nhiên là tác giả có ý ám chỉ tâm trạng linh hồn ở trên cao khi vút bay lên trên mọi tạo vật, và trước hết là vượt cao khỏi chính con người của mình. Những chuyến bay ấy là chuyến bay sung sướng, dịu dàng lại cũng âm thầm nữa.

25. Linh hồn được Chúa cất nhắc lên cao như thế mạnh mẽ dường nào. Nó có thể nhìn vào mọi sự vật mà không bị xiềng xích vào vật nào cả! Nó xấu hổ cho cái thời gian nó đã gắn bó vào mọi sự! Nó ngạc nhiên tại sao mình lại mù quáng đến thế! Thật thương thay cho những người vẫn còn đui mù, nhất là nếu họ là những người chuyên cầu nguyện và được Chúa vẫn ban cho các đặc ân! Nó muốn la lớn vào tai họ và chỉ cho họ thấy họ lầm lạc chừng nào. Đôi khi nó đã thực sự làm như thế và đã chuốc lấy trăm ngàn ngược đãi gian truân đổ xuống trên đầu. Người ta nghĩ rằng nó thiếu khiêm tốn và có tham vọng dạy dỗ những người (đáng lý) nó phải thụ giáo, nhất nữa đó lại là một phụ nữ thì lại càng đáng đặt vấn đề. Vì lý do này, người ta lên án nó và họ có lý, vì họ chẳng biết động lực thúc đẩy nó hành động như thế. Đôi khi nó không thể cầm mình mà không giác ngộ những người nó yêu mến và ước mong thấy họ được giải thoát khỏi tù ngục cuộc sống này. Vì quả thật linh hồn đang sống trong tù ngục, không kém.

26. Nó buồn phiền về cái thời nó đã chú ý tìm danh thơm, và lầm tưởng coi danh dự, cái mà thế gian gọi là danh dự. Bây giờ nó biết điều đó hoàn toàn là giả dối, và tất cả chúng ta đều sống trong sự giả dối đó. Nó nhận thức được rằng danh dự thật thì khai trừ mọi giả dối, chỉ có sự thật tinh tuyền. Nó coi trọng những danh dự xứng đáng và coi khinh những danh dự chẳng có chi là danh dự. Vì tất cả những gì qua đi và không làm hải lòng Thiên Chúa thì chỉ là hư vô và còn kém hơn cả hư vô nữa. Nó thấy nhục nhã khi nhớ đến thời nó chẳng những quý chuộng mà còn thèm thuồng tiền của. Dù chưa bao giờ con đã phải xưng cái tội thèm khát tiền bạc. Nếu con đã quí chuộng tiền của thì đã đủ xấu rồi. Nếu tiền có thể mua được những ơn mà con đang chiếm hữu đây thì chắc con sẽ quí chuộng tiền lắm. Nhưng rõ ràng là chỉ có thể chiếm hữu được những ơn này bằng cách từ bỏ tất cả.

27. Có thể mua được gì với số tiền người ta mong ước đây? Có phải là cái gì đáng giá không? Có phải là cái gì bền bỉ mãi không? Nếu không, tại sao chúng ta lại khao khát nó? Nó chỉ cung hiến cho chúng ta một chút thoải mái khốn nạn và chút thoải mái đó đòi chúng ta phải trả giá quá nhiều. Nhiều khi tiền bạc đưa chúng ta tới hoả ngục. Tiền bạc mua được lửa để thiêu đốt chúng ta đời đời và một thứ cực hình không bao giờ chấm dứt. Ôi, nếu tất cả mọi người đều đồng ý coi tiền như chút cát bụi vô ích thì thế gian này đã diễn ra tốt đẹp và giảm bớt đi được biết bao lo lắng! Nếu không ai quan tâm đến tiền bạc và danh dự, thì tất cả mọi người đều thân thiết với nhau chừng nào! Tôi xác tín rằng yêu thương nhau là thứ phương dược chữa trị được mọi thứ tai hoạ.

28. Linh hồn thấy thế gian mù tối chừng nào, vì người ta chỉ chuốc lấy đau khổ và bất an! Điên đảo thay! Não nùng biết mấy! Lao nhọc vô ích chừng nào! Linh hồn không những chỉ thấy những mạng nhện giăng mắc trên mặt địa cầu và những tội lỗi tầy trời của nó. Nhưng với ánh sáng mặt trời chói chang, linh hồn thấy cả từng hạt bụi nhỏ, dù nhỏ đến đâu đi nữa. Bởi vậy, dù linh hồn đã vất vả thanh lọc chính mình đến thế nào đi nữa, thì khi mặt trời thần linh chiếu vào, nó cũng thấy mình hoàn toàn chẳng sạch. Cũng như nước trong bình coi có vẻ rất trong khi không có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Nhưng khi ánh sáng mặt trời chiếu vào thì thấy đầy bụi bặm. So sánh này chính xác sát chữ. Trước khi linh hồn cảm nghiệm tình trạng ngất trí, nó nghĩ mình đã cẩn thận hết sức để không xúc phạm đến Chúa và đã đem hết sức lực ra làm những gì có thể. Nhưng khi tới được trình độ này, Mặt Trời Công Chính soi sáng nó và bắt buộc nó phải mở mắt ra, lúc đó nó thấy mình quá nhiều bụi bặm nên lại muốn nhắm mắt lại. Nó vẫn chưa hoàn toàn là con của Phượng Hoàng mạnh mẽ để có thể nhìn thẳng vào Mặt Trời này. Nhưng trong khoảnh khắc mở mắt, nó nhìn rõ mình chẳng sạch. Nó lại nhớ câu Thánh vịnh: “Ai là người chính trực trước Nhan Chúa?” (Tv. 142,2).

29. Khi nhìn lên Mặt trời thần linh này, ánh sáng làm loé mắt nó. Khi nhìn vào chính mình, thì bùn đất làm mù mắt nó. Con chim câu bé nhỏ đã mù, và rất thường khi nó mù hoàn toàn. Bị thu hút, ngạc nhiên và bị loá mắt trước tất cả những kỳ công nó trông thấy. Bởi đó, nó khiêm nhường thực sự, lòng khiêm nhường này sẽ chẳng bao giờ để nó nói hay nghe điều gì tốt về mình. Không phải linh hồn, nhưng chính Vị Chủ Vườn phân phát hoa trái của vườn. Vì thế nó chẳng còn giữ lại gì trong tay nữa. Những gì là tốt ở trong nó, nó đều qui hướng về Thiên Chúa. Nếu có nói điều gì về chính mình thì cũng chỉ vì vinh quang của Người. Biết rằng mình chẳng có gì trong vườn này, và dù có muốn cũng không thể biết được, vì nhìn thẳng vào mình nó chẳng thấy được gì. Bởi thế, nó nhắm mắt lại trước những sự vật trần gian, và mở ra để hiểu biết về chân lý.

 (Còn tiếp)

- Trích trong tác phẩm “Tiểu Sử Tự Thuật Thánh Teresa thành Avila”