1. Qua một cuộc hành trình
Cả Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá đều mô tả tiến trình thần bí qua cuộc hành trình linh hồn kết hợp với Thiên Chúa. Dù cách gọi tên, hình ảnh mô tả khác nhau, nhưng bản chất vẫn là việc Thiên Chúa thanh luyện để con người xứng đáng kết hợp nên một với Ngài. Hành trình bảy cư sở trong Lâu đài nội tâm được soi sáng nhờ cầu thang mười bậc của Khúc linh ca, và ngược lại.
1.1. Lâu đài nội tâm – hành trình bảy tầng
Têrêsa Avila đã phân tích các cấp độ đời sống tâm linh cũng như những hiện tượng kèm theo cách hết sức rõ ràng. Trong“Lâu đài nội tâm”, những chặng đường của đời sống thần bí từ khởi đầu cho đến khi kết hiệp với Thiên Chúa, được thánh nữ mô tả qua bẩy cư sở (phòng, tầng, bậc) của tòa nhà tâm linh. Trong mỗi cư sở đó, Thiên Chúa thông ban ân huệ, và Ngài trao ban chính Ngài cho linh hồn ở cư sở cuối. Mỗi người tùy theo ân huệ và lòng nhân từ Thiên Chúa ban, cùng với tâm hồn khiêm nhường tiến vào đón nhận, chiêm ngưỡng, sống trong các cư sở đó.
Ở cư sở thứ nhất, vẻ đẹp của linh hồn được mô tả như một tòa lâu đài pha lê trong suốt và tinh tuyền. Linh hồn người công chính thì chính là Thiên đàng. Người ta tiến vào cư sở này bằng suy niệm và cầu nguyện, cả khẩu nguyện và tâm nguyện. Cũng trong cư sở này Thiên Chúa tỏ cho linh hồn biết Ngài cao cả, và sự yếu hèn của mình, nên cần khiêm nhường tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa. Ai muốn vào cư sở thứ hai phải dẹp bỏ những công việc và bận tâm không cần thiết.
Ở cư sở thứ hai linh hồn bắt đầu thực hành việc nguyện gẫm. Linh hồn muốn tiến xa nhưng lại không kiên quyết đủ, không xa tránh các dịp tội nên rất nguy hiểm. Chính Chúa tìm mọi dịp, mọi cơ hội để không ngừng thúc đẩy linh hồn khao khát và cố gắng sống tình bạn với Ngài. Trong cư sở này sẽ có cuộc giao tranh khủng khiếp giữa linh hồn và ma quỉ, gây nên nhiều đau khổ cho linh hồn. Trong cuộc chiến này kiên trì cầu nguyện là tối cần cho linh hồn. Nếu bỏ cầu nguyện, linh hồn sẽ càng ngày càng xa Chúa. Hơn nữa, vì cửa dẫn vào lâu đài là cầu nguyện.
Nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, kiên trì cầu nguyện và chiến đấu với cám dỗ, linh hồn tiến vào cư sở thứ ba. Thánh Têrêsa cho rằng ở trần gian nhiều linh hồn đã vào được cư sở này.[47] Ở cư sở này linh hồn được Thiên Chúa ban những ơn trọng đại. Khi ấy linh hồn ước muốn không xúc phạm đến Thiên Chúa, tránh phạm tội nhẹ, thích làm việc hãm mình, hồi tâm lâu giờ, thi hành nhiều việc bác ái. Tuy nhiên, trước khi chiếm đoạt linh hồn, Thiên Chúa để cho có thời kỳ cầu nguyện khô khan kéo dài, qua đó Ngài thanh luyện linh hồn. Có khô khan là để linh hồn nhận ra cách Thiên Chúa thanh luyện và biết kiểm điểm chính mình. Ngài tạm rút ơn an ủi thiêng liêng để linh hồn nhận ra giới hạn của mình, đồng thời biết khiêm nhường tin tưởng vào Thiên Chúa. Thời gian này linh hồn cần bền chí và khiêm nhường tuyệt đối, biết vui vẻ đón nhận điều Thiên Chúa ban và cả điều Ngài không ban.
Khi tiến vào cư sở thứ tư, linh hồn bắt đầu thực hành việc nguyện gẫm an tĩnh.[48] Nơi đây các tài năng của linh hồn đều bị thu hút vào Thiên Chúa. Linh hồn ở tình trạng này không được tìm kiếm an ủi thiêng liêng mà cứ khiêm nhường đón nhận điều Chúa ban. Vì lao nhọc tìm kiếm là vô ích nếu từ nguồn không ban. Ở tình trạng này, linh hồn có sức cuốn hút người khác nên sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho Hội Thánh và gây hại nhiều cho ma quỉ, cho nên ma quỉ hành động ráo riết để tiêu diệt. Chính vì thế, linh hồn phải khiêm nhường phó thác và không
được háo danh. Cư sở thứ tư là khúc rẽ quan trọng trong hành trình thiêng liêng, bắt đầu tình trạng thần bí. Từ đây Thiên Chúa chủ động thanh luyện linh hồn, linh hồn thụ động đón nhận ơn Ngài ban.
Ở trong cư sở thứ năm, linh hồn thực hành việc nguyện gẫm kết hợp.[49] Khi đó Thiên Chúa kết hợp với linh hồn trong chính linh hồn, theo ý Ngài muốn, tự do ra vào và ban ơn. Chúa vào thâm sâu linh hồn không qua giác quan và nội quan nào. Thiên Chúa biến đổi linh hồn từ con tằm xấu xí trở thành con bướm trắng đẹp. Còn linh hồn sung sướng được tiêu hao và chết đi ngàn lần vì Người, khát mong được chịu thử thách nặng nề, nóng lòng làm những việc hãm mình, ở trong cô tịch để cho mọi người nhận biết Chúa. Không có gì ở trần gian làm cho linh hồn thỏa mãn. Ngay cả mối dây cốt nhục, bạn hữu không còn ràng buộc được linh hồn. Linh hồn được bình an sâu thẳm.
Trong cư sở thứ sáu, linh hồn được mang vết thương tình nên có đau khổ nội tâm. Đây là cách Thiên Chúa thanh luyện linh hồn, gọi là thanh tẩy thụ động. Vết thương tình là việc Thiên Chúa bất ngờ đến như một tia sáng chiếu rọi đâm thấu tâm hồn làm linh hồn tỉnh thức. Linh hồn hạnh phúc và sẽ rất hạnh phúc nếu vết thương đó không lành lại. Trong tình trạng đó Thiên Chúa nói lời yêu thương bằng thứ vô ngôn. Thiên Chúa cho linh hồn nhận thức Ngài đang hiện diện nhưng không tỏ lộ để cho linh hồn hưởng Ngài. Hạnh phúc này còn sướng khoái hơn cơn ngây ngất trong bậc nguyện ngắm an tĩnh. Vì trong cư sở này linh hồn thực hành cầu nguyện tận hiệp.[50] Trong tình trạng đó thường diễn ra cơn ngất trí.
Cư sở thứ bảy còn được gọi là Thiên đàng thứ hai. Thiên Chúa nhận linh hồn làm hôn thê. Trước khi hoàn tất lễ thành hôn thiêng liêng, Chúa đem linh hồn vào trong cung điện của riêng Người. Trong đó, Chúa kết hợp với linh hồn trong chính mình và làm cho linh hồn như câm như mù, như Người đã hoán cải Phaolô.[51]
Chúa đưa linh hồn vào cư sở này bằng một thị kiến tri thức. Trong đó chính Chúa Ba Ngôi tự mặc khải chính Ngài cho linh hồn. Linh hồn nhận biết được nhờ nhìn thấy, dù cả con mắt xác thịt và con mắt linh hồn đều chẳng trông thấy gì. Linh hồn “nhìn thấy” vì cả Ba Ngôi đều hiệp thông với linh hồn. Trước khi diễn ra cuộc thành hôn thiêng liêng có lễ đính hôn thiêng liêng. Đính hôn thiêng liêng là tình trạng Thiên Chúa và linh hồn không liên tục ở bên nhau. Còn thành hôn thiêng liêng thì Thiên Chúa và linh hồn nên một. Đúng hơn, linh hồn không còn cảm thấy mình mà chỉ có Chúa. Chúa và linh hồn vui hưởng nhau trong thinh lặng thẳm sâu. Chúa dạy dỗ và làm cho linh hồn trở nên giầu có cách êm đềm lặng lẽ. Chúa ban cho linh hồn nụ hôn mà hôn thê cầu xin Đức Lang Quân. Khi ấy linh hồn quên mình hoàn toàn, ước muốn chịu đau khổ mãnh liệt mà không làm cho linh hồn rối loạn, khát khao ý Chúa được thể hiện. Chúa có làm gì thì linh hồn cũng cho là tốt. Chúa mặc khải chính mình cho linh hồn và đem linh hồn vào một nơi ma quỉ không vào được. Trong cư sở này không còn ngất trí nữa.
Ở tình trạng này linh hồn phải làm gì? Linh hồn cần nhớ tất cả những ơn Chúa ban cho không phụ thuộc vào hoạt động của mình, mà hệ tại ở việc linh hồn hoàn toàn khiêm nhường phó thác mình cho Thiên Chúa. Vì nền tảng của cả lâu đài là sự khiêm nhường. Đời sống thiêng liêng tiến bộ bằng cách chế ngự ý riêng. Người ta sống đời thiêng liêng thực sự khi trở thành nô lệ cho Thiên Chúa. Được Thiên Chúa đóng dấu hiệu là thánh giá Chúa Kitô. Đó là bảo chứng ta đã trao tự do cho Ngài.
Trong lời tái bút tác phẩm Lâu đài nội tâm, thánh Têrêsa đã khéo nhắc các nữ tu cũng như các độc giả: chính Ông Chủ mới có thể dẫn các chị vào được tòa lâu đài.[52] Vì Ông Chủ hoàn toàn tự do ra vào lâu đài và ban ơn, cho ai, khi nào, cách nào Ngài muốn. Cho nên, để tiến bước con người phải ngoan ngùy đón nhận điều Thiên Chúa ban và cả khi Ngài không ban, vì“Gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8).
Với Lâu đài nội tâm, thánh Têrêsa đã mô tả cuộc hành trình thần bí thật rõ ràng. Theo đó, ân sủng Thiên Chúa vẫn không ngừng mời gọi con người vươn cao trên đỉnh hoàn thiện. Dù mỗi người mỗi cách, thời nào thánh đó. Tuy nhiên, những kinh nghiệm thần hiệp thánh Têrêsa Avila để lại, như một bản chỉ đường cho đời sống thiêng liêng của ai biết khiêm nhường và ngoàn ngùy theo sự hướng dẫn của Thiên ý.
1.2. Đêm tối linh hồn – cầu thang mười bậc
Trong tác phẩm Đêm dày, thánh Gioan Thánh Giá đã mô tả thật tuyệt vời tiến trình thần hiệp bằng hình ảnh cầu thang bí mật. Ngài cũng gọi đó là chiếc thang chiêm niệm, phát xuất từ Thiên Chúa. Cầu thang ấy được gợi hứng từ chiếc thang tổ phụ Giacóp đã thấy trong giấc mơ.[53] Chiếc thang được bắc từ đất lên trời. Trên thang có các thiên thần lên lên xuống xuống vì Thiên Chúa ở trên đỉnh thang. Chiếc thang có mười bậc, là khoa học yêu mến.[54] Nơi đó Thiên Chúa ban ơn hiểu biết thần phú để:“vừa soi sáng linh hồn, vừa khiến linh hồn đắm
đuối yêu thương, và từng bước nâng linh hồn lên tới Thiên Chúa, vì chỉ có tình yêu mới nối kết được linh hồn với Thiên Chúa”.[55] Bằng tình yêu, linh hồn bước từng bậc lên tới đỉnh thang để được nên một với Thiên Chúa. Thánh nhân cũng trình bày những dấu hiệu và hiệu quả mỗi bậc, linh hồn theo đó để biết mình đang ở bậc nào trong mười cung bậc tình yêu này.
Bậc tình yêu thứ nhất, linh hồn phải “gầy mòn tiều tụy” vì nỗi nhớ Thiên Chúa. Tình Nương trong sách Diễm Ca đã diễn tả bậc tình yêu này: “Này thiếu nữ Giêrusalem, tôi van nài các bạn : gặp người tôi yêu dấu, xin cho nhắn rằng : tôi đang ốm tương tư” (Dc 5,8). Như một người ốm, linh hồn tựa kẻ si tình, mất đi sự hứng thú đối với mọi sự. Đó chính là nỗi nhớ người yêu, nhớ tình, ốm vì yêu. Trong cơn bệnh này linh hồn không còn tìm thấy sự nương tựa, thú vui, an ủi hay nghỉ yên nơi bất cứ điều gì.[56] Đây là ơn thanh tẩy bằng chiêm niệm, dấu hiệu khởi đầu cuộc hành trình hiệp nhất thần linh. Cho nên từ bậc thang này linh hồn sẽ tiến ngay lên bậc thứ hai.
Bởi đã “ốm vì yêu” và sẽ chết nếu không được chữa lành, nên ở bậc này linh hồn liên lỉ tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự. Mọi tư tưởng, lời nói hay trao đổi, dù ăn, ngủ, thức hoặc làm bất cứ việc gì linh hồn đều quy hướng về Người Yêu Dấu.[57] Đây là nỗi khắc khoải của tình yêu. Chính nhờ tình yêu này, linh hồn được phục hồi và lấy lại được sức mạnh để tiếp tục tiến bước trong cuộc thanh tẩy thiêng liêng thần nhiệm.
Trong bậc thứ ba của chiếc thang yêu thương, linh hồn được thúc đẩy hoạt động không biết mỏi mệt vì Thiên Chúa. Bởi lò than hừng hực yêu thương đang khiến linh hồn nóng bỏng, nên: “Dù có làm được những việc lớn lao cho Người Yêu Dấu, linh hồn vẫn coi là nhỏ nhoi, dù làm được nhiều nó vẫn coi là ít ỏi, thời gian phục vụ Ngài tuy dài nó vẫn coi là ngắn”.[58] Với một tình yêu nồng nàn và mãnh liệt đến thế, linh hồn sẽ muộn phiền và đớn đau khôn tả khi nhận ra mình đã làm được quá ít cho Thiên Chúa. Linh hồn sẽ được an ủi biết bao nếu được chết đi ngàn lần vì Thiên Chúa.[59] Tác động của tình yêu mãnh liệt này làm phát sinh nơi linh hồn hiệu quả lạ lùng : linh hồn thấy mình thực sự tội lỗi hơn mọi người khác. Vì tình yêu đang dạy cho linh hồn biết Thiên Chúa đáng yêu kính vô ngần và tuy linh hồn đã làm được nhiều việc cho Thiên Chúa, nhưng nó lại thấy tất cả đều bất toàn, thiếu sót, nên khiến thêm đau buồn và xấu hổ.[60] Nhờ thanh luyện này, linh hồn đã xa khỏi thói háo danh, tự phụ và tật hay kết án kẻ khác[61] nên linh hồn nhẹ nhàng tiến lên bậc thang kế tiếp.
Trong bậc thang thứ tư, linh hồn có khả năng chịu đau khổ vì Người Yêu Dấu cách thường xuyên và không mệt mỏi. Tình yêu khiến cho mọi gánh nặng dù to lớn và vất vả trở thành nhẹ nhàng.[62] Bởi vì, linh hồn thấy rõ Thiên Chúa ban cho mình vô vàn hồng ân, cho nên “tất cả nỗi lo lắng của linh hồn là làm thế nào có thể làm hài lòng Thiên Chúa, dù phải trả giá tới đâu đi nữa”.[63] Lại nữa, ở bậc thang này linh hồn luôn bước theo Thiên Chúa với một tình yêu chân thực và ước muốn chịu đau khổ vì Ngài, nên được Thiên Chúa thường xuyên viếng thăm khiến linh hồn tràn ngập niềm hoan lạc khôn tả.[64] Vì thế, linh hồn khao khát Thiên Chúa cách mãnh liệt và được Ngài đưa lên bậc thang thứ năm.
Vì quá yêu, quá khao khát hiểu Người Yêu Dấu và mong được hiệp nhất với Ngài, nên trong bậc thang tình yêu này linh hồn sẽ mệt mỏi và ngột ngạt nếu sự trì hoãn dù chỉ trong chốc lát.[65] Sự khao khát lên đến cực độ vì lúc nào linh hồn cũng nghĩ đến việc được gặp Người Yêu Dấu. Và nếu không đạt được niềm ao ước ấy nó như ngất đi, bởi :“kẻ đang yêu sẽ chết mất nếu chẳng được thấy người yêu”.[66] Thánh Gioan Thánh Giá cho rằng trong bậc thang này linh hồn được vỗ béo trong tình yêu,[67] no thỏa cơn đói khát ấy, linh hồn chạy nhanh lên bậc thang thứ sáu.
Nhờ nhiều lần được Thiên Chúa “chạm đến” nên trong bậc thang thứ sáu này, tình yêu làm tăng sức mạnh khiến linh hồn bay lên nhẹ nhàng để chạy nhanh đến Thiên Chúa.[68] Tiên tri Isaia đã cảm nhận về tình trạng này khi viết : “Những người cậy trông Đức Chúa, thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân”(Is 40, 31). Lý do khiến linh hồn trở nên nhanh nhẹn là vì đức ái đã triển nở và linh hồn hầu như đã được hoàn toàn thanh tẩy.[69]
Trong bậc thang tình yêu thứ bẩy sự bạo dạn quyết liệt là ân ban cho linh hồn. Ai đã tiến vào đến tình trạng này, đức ái làm cho họ tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả[70] nơi Thiên Chúa. Tựa như ông Môsê mạnh dạn cầu xin Thiên Chúa tha cho dân nếu không thì Ngài hãy xóa tên ông trong sổ hằng sống, [71] Tình Nương cũng bạo dạn thốt lên: “Ước gì chàng hôn ta những nụ hôn chính môi miệng chàng” (Dc 1,1). Làm sao mà linh hồn dám bạo dạn như thế ? Vì linh hồn đã thấy Đức Vua dủ lòng thương và nâng cao phủ việt hướng về nó,[72] nên những linh hồn được diễm phúc tiến vào bậc này phải luôn luôn giữ lòng khiêm nhường.
Nhờ sự bạo dạn và tự tin được Thiên Chúa ban cho, linh hồn tiến đến cùng Ngài với tình yêu cuồng nhiệt. Đó là tình trạng ở bậc thang thứ tám, nơi đây linh hồn mạnh mẽ tiến tới ôm ghì lấy Người Yêu Dấu, và sẽ chẳng chịu buông ra cho đến khi hiệp nhất với Ngài.[73] Tình Nương trong sách Diễm ca đã thể hiện cảm nghiệm ấy: “Vừa rời họ mà đi, tôi đã gặp người lòng tôi yêu dấu. Tôi vội níu lấy chàng và chẳng chịu buông ra, cho đến khi đưa vào nhà thân mẫu, tới khuê phòng người đã cưu mang tôi”(Dc 3,4). Nơi bậc thang này tình trạng hiệp nhất làm cho linh hồn được mãn nguyện, nhưng không liên tục, vì vẫn chưa đạt được sự hoàn thiện trọn hảo, linh hồn vẫn chưa được thanh luyện trọn vẹn, nên dễ dàng bằng lòng với tình trạng vui sướng này mà không can đảm bước tiếp lên bậc thang hoàn thiện.
Ở bậc thang thứ chín của tình yêu, linh hồn lìa khỏi xác, bốc cháy thật dịu dàng trong Thiên Chúa. Đây là tình trạng của những người hoàn thiện, ở trần gian rất ít người đã vào được bậc thang này.[74] Sự dịu dàng và đầy hoan lạc là quà tặng của Chúa Thánh Thần ban cho linh hồn, bởi linh hồn đã được ơn hiệp nhất với Thiên Chúa. Quả thật, những ơn lành mà Thiên Chúa ban cho linh hồn thì nhiều vô kể. Bởi trong bậc thang này, linh hồn được thanh tẩy kỹ lưỡng bằng tình yêu cho nên không phải thanh luyện ở luyện ngục.[75] Và từ đây, linh hồn sẽ tiến vào bậc thang cuối cùng, bậc thang không còn thuộc về cõi đời này nữa. [76]
Nơi bậc thang thứ mười, linh hồn được hoàn toàn đồng hóa với Thiên Chúa, được hưởng kiến Thiên Chúa cách tỏ tường và trực tiếp.[77] Như lời thánh Gioan, linh hồn hoàn toàn nên giống Thiên Chúa: “chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,2).Sự nên giống Thiên Chúa không có nghĩa là linh hồn có được những khả năng như Thiên Chúa, mà là thực sự trở nên giống Thiên Chúa bằng cách tham dự vào bản tính của Ngài.[78] Đích điểm cuộc hành trình cũng là đỉnh của chiếc thang, nơi Thiên Chúa ngự, ở đó linh hồn được kết hợp nên một với Thiên Chúa, thông phần vào bản tính thần linh của Ngài. Đây cũng là ý nghĩa của cuộc thanh luyện, Thiên Chúa thanh tẩy để con người xứng đáng trở nên giống Ngài, do hiệu quả của ơn thần hóa
(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét