2.3 Hành trình cuộc hôn phối thần linh
Các nhà nghiên cứu thần bí đều cho rằng thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá thuộc về trường phái thần bí hôn phối thiêng liêng. Quả thật, cảm nghiệm thần bí của các ngài cho chúng ta thấy rõ sự kết hợp nên một giữa linh hồn với Thiên Chúa được mô tả như cuộc tình thần linh. Trong cuộc tình ấy, Đấng Tình Quân Thiên Chúa “tìm mọi cách” để kết hôn với Tình Nương linh hồn; còn linh hồn khát khao đến ốm liệt vì yêu. Tất nhiên, cuộc hôn phối thần linh phải trải qua giai đoạn đính hôn trước khi được thành hôn thiêng liêng.
Như một cuộc tình, Thiên Chúa đi bước trước khơi lên lòng khao khát mãnh liệt hiệp nhất nên một nơi linh hồn. Phần linh hồn, một khi đã trúng vết thương tình của Thiên Chúa, không mỏi mệt lên đường tìm kiếm cho đến ngày hợp nhất. Theo thánh Gioan Thánh Giá, sau khi đã trải qua nhiều thao luyện tâm linh, Thiên Chúa đưa linh hồn vào một trạng thái cao vời để kết hợp nên một trong yêu thương. Nơi đó diễn ra cuộc đính hôn thiêng liêng giữa linh hồn và Ngôi Lời, Con Thiên Chúa.[79] Với thánh Têrêsa A-vi-la, cuộc đính hôn này diễn ra ở cư sở thứ sáu của lâu đài nội tâm. Thiên Chúa đưa linh hồn vào đính ước này trong cơn ngất trí, khi linh hồn không còn lệ thuộc vào giác quan.[80] Như hai người nam nữ khi đính hôn thuộc về nhau, linh hồn thuộc quyền sở hữu riêng của Thiên Chúa, là hôn thê của Người.
Tựa như cô gái trong ngày đính hôn, Thiên Chúa cũng “tiết lộ” cho linh hồn những điều lớn lao về Người. Tô đẹp cho linh hồn sự cao cả uy nghi, trang sức cho nó những ân tứ và nhân đức, mặc cho linh hồn nhận thức về Thiên Chúa và danh dự của Người. Linh hồn bắt đầu một tình trạng an bình, hoan lạc và dịu ngọt của tình yêu.[81] Trong niềm vui sướng ấy, linh hồn chẳng làm gì ngoài việc kể lại và ca hát những điều cao cả của Người Yêu Dấu:“Ở đó Chàng đã cho tôi hết lòng hết dạ. Đã dạy tôi một khoa học hết sức dịu ngọt. Và tôi đã thực sự hiến dâng cho Chàng tất cả, không trừ lại gì. Ở đó tôi đã cùng Chàng kết tóc xe tơ”.[82]
Trong cuộc đính hôn thiêng liêng này, Thiên Chúa ban cho linh hồn tình yêu Ngài, dạy cho nàng sự khôn ngoan và huyền bí. Còn linh hồn, nàng cũng thực sự trao dâng tất cả cho Chàng, không giữ lại gì cho mình và cho bất cứ ai. Hai lòng muốn đã thuộc về nhau, buông mình cho nhau, mãn nguyện đến nỗi bên này không từ chối bên kia điều gì. Tuy nhiên, như hai người yêu sau ngày đính hôn, họ thuộc về nhau nhưng không liên lỉ ở bên nhau vì có thể xa nhau. Cũng thế, với lễ đính hôn thiêng liêng, linh hồn vẫn chưa liên lỉ ở trong Thiên Chúa, vì sự nên một chưa được liên tục. Tất cả là tình yêu và mong đợi lễ thành hôn thiêng liêng.
Hồng ân của lễ thành hôn thiêng liêng làm cho linh hồn liên lỉ ở lại trong thâm cung lòng mình với Thiên Chúa. Thiên Chúa đưa linh hồn vào lễ cưới thiêng liêng bằng thị kiến tri thức, được diễn ra trong cư sở thứ bảy của tòa lâu đài nội tâm.[83] Nơi đó Thiên Chúa Ba Ngôi tự thông ban chính Ngài cho linh hồn. Ngài biểu lộ cho linh hồn thấy vinh quang trên trời qua một thể thức tuyệt diệu hơn bất kỳ một an ủi thiêng liêng nào. Linh hồn cảm thấy khoái trá đến nỗi chính thánh Têrêsa cũng không biết lấy gì để diễn tả, và điều có thể hiểu là linh hồn nên một với Thiên Chúa.[84] Vì như lời thánh Phaolô:“Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người” (1Cr 6,17). Trong cuộc hôn phối thiêng liêng này, linh hồn nhận được nụ hôn mà nàng đã cầu xin Đức Lang Quân.[85]
Thánh Gioan Thánh Giá diễn tả hôn phối thiêng liêng này trong Khúc ca thứ 38. Linh hồn cầu xin được yêu mến Thiên Chúa cách tinh tuyền và hoàn hảo, như cách Ngài đã yêu mến nó, và xin Ngài hãy ban cho nó vinh quang Ngài đã tiền định trong vĩnh cửu :
Và ở đó xin Người tỏ cho em
Điều hồn em hằng khao khát
Và rồi, hỡi Người là sự sống của em
Ở đó xin Người hãy cho em
Điều Người đã cho em từ ngày ấy.
Linh hồn thấy chưa thỏa lòng dù đã đạt được sự biến đổi nơi Thiên Chúa ở đời này, dù tình yêu đã thật bao la, linh hồn cũng không thể yêu Thiên Chúa bằng một tình yêu hoàn hảo như Ngài đã yêu. Điều linh hồn khát khao là đạt được tình yêu ngang hàng với Thiên Chúa. Đó là sự bình đẳng trong tình yêu. Quả thế, một người đang yêu chỉ có thể hài lòng khi cảm thấy mình đã yêu nhiều như mình đã được yêu. “Điều ấy” chính là vinh quang tối hậu, tức là thấy được chính Bản Thể Thiên Chúa. Vì hạnh phúc con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. Có điều, tại sao ở đây linh hồn lại bảo rằng ước vọng của nó là yêu mến Chúa, chứ không phải là được nhìn thấy Ngài. Có hai lý do trả lời cho vấn nạn này.
Thứ nhất, vì tất cả là tình yêu mà tình yêu lại nằm dưới quyền kiểm soát của lòng muốn, và đặc điểm của tình yêu là cho chứ không phải nhận. Còn đặc điểm của trí hiểu, vốn là chủ thể của cái vinh quang tối hậu lại là nhận chứ không phải cho. Ở đây, vì linh hồn đang say sưa yêu nên không đặt ưu tiên vào vinh quang mà Thiên Chúa sẽ ban, nhưng lại quan tâm đến sự hiến mình cho Ngài bằng một tình yêu đích thực, nên chẳng màng gì đến lợi ích riêng.
Thứ hai, vì ước vọng nhìn thấy Thiên Chúa được bao hàm trong ước vọng yêu mến Ngài. Vì với tình yêu linh hồn trả cho Thiên Chúa những gì nó mắc nợ Ngài (nợ tình), đang khi với trí hiểu linh hồn chỉ nhận lãnh mà thôi.[86] Cho nên linh hồn khao khát xin được yêu Chúa như Chúa đã yêu mình:“Những điều Ngài khao khát con cầu xin, con sẽ xin; và những gì Ngài không khao khát, con cũng không thể khát khao. Thỉnh nguyện của con giờ đây là được nên đáng quí, đáng yêu trước mặt Ngài, vì những thỉnh cầu của con đến từ Ngài, và chính Ngài khiến con thực hiện những thỉnh nguyện này”.[87]
Như vậy, điều mà linh hồn hằng khao khát thì đã rõ, nhưng còn “ngày ấy” mà linh hồn muốn nói ở đây là ngày nào? Và “điều ấy” được thực hiện thế nào trong “ngày ấy”. Ngày ấy là ngày vĩnh cửu của Thiên Chúa, ngày Thiên Chúa đã tiền định cho con người được hưởng vinh quang. Ngày cử hành hôn lễ Chiên Thiên Chúa, bởi Hiền Thê của Ngài đã điểm trang lộng lẫy.[88] Ngày linh hồn sẽ được sở hữu vĩnh viễn điều chính Thiên Chúa đã tiền định từ vĩnh cửu, khi quyết định tạo dựng nên nó. Điều thánh Phaolô bảo là:“mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người chẳng hề nghĩ tới” (1Cr 2, 9). Vì thế, ở đây linh hồn như muốn nói:
Ôi Đức Lang Quân của em, điều Người đã cho em chính là sức nặng của vinh quang Người. Vậy hãy cho em điều ấy trong ngày đính hôn và hôn lễ của em, ngày đó tâm hồn em chan chứa vui mừng, khi em được rời khỏi xác thịt và bước vào những hang động thật cao của loan phòng Người. Người sẽ biến đổi em thành Người một cách vinh quang, và chúng ta sẽ cùng uống chất ngọt tư những quả lựu ngọt ngào.[89]
Như vậy, dù tình trạng hôn phối thiêng liêng đem lại cho linh hồn sự biến đổi hoàn toàn ngay ở đời này, thì linh hồn vẫn không có được sự hoàn hảo của tình yêu vĩnh cửu. Cho nên điều ấy chỉ có thể đạt được trong hạnh phúc Thiên đàng, khi diện đối diện với Thiên Chúa, linh hồn mới biết và yêu Ngài như Ngài biết và yêu nó.
Cảm nghiệm thần hiệp trong tình trạng hôn phối thiêng liêng nói trên đã chứng minh giả thuyết nêu ra trong phần dẫn nhập : đích cùng cảm nghiệm thần bí là kết hợp nên một với Thiên Chúa ở đời này chưa phải là vinh quang tối hậu, hạnh phúc tuyệt đối, đích cùng của Ki-tô giáo. Cảm nghiệm thần bí chỉ là “khai vị” vào đời sống vĩnh cửu. Kết hợp thần bí là cách thức Thiên Chúa đến với con người, cũng là khát vọng của con người hợp nhất với Thiên Chúa ngay trong cuộc sống trần gian. Còn hạnh phúc vĩnh cửu con người chỉ đạt được trong cuộc sống đời sau.
(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét