Bước tiến song song chiêm hành
Con người là toàn bộ tâm
thân, và cuộc sống đầy đủ của nó là toàn diện Tri-Tâm-Hành. Tình cảm tự nó thúc
hành động. Cảm muốn mà không động chân tay thì xem như không thật mấy. Trái
lại, nếu múa máy chân tay mà không nghĩ, không cảm, thì có hơn gì robot đâu.
Sống cho đúng người, thì
phải có đức, có suy, có tình. Ba yếu tố ấy làm nên cái hồn của cuộc sống, còn
hành động là xác thân. Yêu ư? Anh không thể yêu mà không cảm nhận mình yêu,
cùng với sướng khổ đi kèm, cùng với cử chỉ để bộc lộ. Rồi còn chiều chuộng và
săn sóc, còn hy sinh để cứu vớt hay tạo hạnh phúc cho người. Càng hành động như
thế, ta càng cảm thấy yêu thêm, và tình yêu sâu vững hẳn. Nghĩa là tri, hành,
cảm dắt díu nhau trong cuộc sống, với mỗi lúc một trong ba yếu tố hiện nổi.
Sống đạo cũng là sống, nên
tiến trình nên thánh cũng diễn ra với sự kết hợp của tri, cảm, hành. Ðể hễ một
bên tiến, thường cũng kéo theo hai yếu tố kia. Vì thế, hễ yêu Chúa sâu xa, tôi
thường cảm nhận rõ sự có mặt với tôi của Chúa. Và hễ yêu đến thế, không thể tôi
không làm một cái gì để biểu lộ tình yêu. Như hy sinh, như hiến thân đi mở Nước
Chúa chả hạn. Ðấy là kinh nghiệm, dù của những thánh đan tu như Tiên sa Avila,
như Tiên sa hài nhi Yêsu, như Marie de l'Incarnation... Theo Tiên sa Avila, khi
đạt tới sự hiệp nhất trong huyền thức, tự nhiên ta sẽ hết vấn vương với sự đời
và mong mỏi làm gì đó cho hạnh phúc thật của anh em (Xx. Tự truyện, ch. 16-17;
Lâu đài nội tâm, cung phòng V, ch.2...). Như thế, tri nghiệm vừa sánh đôi với
đạo đức, vừa gia tăng tình yêu và thúc đẩy hành động. Ngược lại, thứ hành động
có hồn là tri, cảm ấy cũng đưa tình yêu đạt tới tầng nền và chiều sâu, nhờ đó
làm nó lớn lên và vững chắc. Ðể rồi kẻ chỉ tìm Chúa trong hết thảy những gian
khổ của mình, sẽ cảm nhận Chúa có mặt chẳng những trong nỗi vất vả ấy, mà cả
khi ngưng việc làm đã trở về với cầu nguyện. Cứ thế, tri, cảm, hành tiến thoái
có nhau, dù chiêm nhân bay cao hơn về tri nghiệm (gnôsis), và hành nhân táo bạo
hơn trong việc mở Nước Cha và đi sâu hơn trong "đức tin tác động bằng đức
Ái".
* * *
Huyền thức, do cảm nhận về
một hiện diện thân yêu, trong khi thổi hồng ngọn lửa Ái, cũng luyện trong và
đánh bóng tấm gương soi nội tâm, khiến lộ ra bề sâu của đại trí (sagesse), độ
sắc sảo của khôn ngoan (prudence), sự bén nhạy của phân định (discernement).
Nhờ đại trí, tôi không chỉ nhìn ra sự thật, mà còn ngỡ ngàng trước chiều cao
của Thiên Chúa, bề dầy của thiên ân, bề sâu của mầu nhiệm, từ đó sinh ra một
hoan lạc không gì diễn tả nổi, và bật lên những chúc tụng say sưa, có khi trong
tiếng u-ơ của ơn dị ngữ (don de langues). Còn với sự khôn ngoan nói trên, tôi
không chỉ tìm ra lối đi và cách ứng phó linh hoạt cho từng hoàn cảnh, mà cùng
lúc còn cảm thấy trong công việc sự ấm áp của bàn tay Chúa "tay trong
tay" đang dẫn dắt tôi đi.
Thật ra, huyền nghiệm không
phải là thánh thiện, nhưng nó thường đi đôi với thánh thiện và là kết quả của
sự trao đổi giữa Thần khí viết hoa của Chúa với thần khí con đẻ của Ngài nơi
tôi. Sự chạm nhau giữa hai thần khí làm bật sáng ngọn đèn thiêng liêng của tâm
(noũs), khiến tôi nhìn ra cả tôi lẫn Chúa cùng với tình thân và ý định của Chúa
về tôi. Chẳng những cảm nhận Chúa trong tôi và tôi trong Chúa, mà nhờ tia sáng
bật lên nối liền hai cực, tôi còn nhìn ra dưới bóng êm ái Chúa cả loài người và
thế giới nữa. Vâng, nhờ ánh sáng này, đâu đâu tôi cũng thấy Chúa, khiến
"sống với tôi là Ðức Kytô" vậy. Một khi đã thấy Chúa trong hết thảy
và hết thảy trong Chúa như thế, thì cầu nguyện chẳng còn phân ly với hành động
nữa. Hành và nghiệm tri đã cùng bước với nhau, tay trong tay một cách rất mật
thiết, và đây là trường hợp cung phòng bảy trong Lâu đài nội tâm của Tiên sa
Avila. Cung phòng bảy là chỗ gặp (ở vô cực) của hai đường thẳng song hành, và
người ta có thể đạt tới cao điểm ấy dù bằng con đường hành động, dù bằng con
đường tri nghiệm.
Sự tăng dần ánh sáng trong
tôi phải làm sáng dần sự thật về cả Thiên Chúa lẫn con người tôi. Thiên Chúa
không còn là phản ảnh của những khát vọng thầm kín nơi tôi. Và con người tôi
cũng không còn là cái mà tôi tưởng về mình. Tất cả được phơi bày dần, ngày trần
trụi thêm. Và sự thật về tôi luôn tiến cùng chiều với sự thật về Chúa. Ðó là con
người tôi đứng trước Chúa, được soi rọi bởi ánh sáng Chúa. Mà đứng trước Thiên
Chúa với chiều cao đáng sợ của Ngài, tôi chỉ còn có cách bé hẳn đi, có cách
chui xuống đất thôi. Vì mọi vết nhơ dù nhỏ nhất cũng hiện nổi với sự xấu, hèn
của chúng. Trần truồng và yếu kém quá, tôi khám phá mình cần Chúa và chỉ có
cách trông chờ hết ở Ngài. Lại cũng chỉ khi xuống tới cái gốc hư vô của mình,
tôi mới nhìn ra chiều cao và vẻ đáng yêu của Chúa, nhờ đó đi vào sự thân mật
của Chúa (Xem thêm Fr. Roustang, Std, tr.185tt). Cũng như khi nhìn rõ chiều cao
của Ngài và đi vào sự thân mật ấy, tôi mới thấy mình bé bỏng và muốn ở lại
trong sự bé bỏng ấy, nghĩa là khiêm nhu.
Thật ra, lúc tôi bắt đầu
nhìn ra đúng Chúa, thì tôi cũng lóa mắt chẳng thấy gì nữa. Và đây là đêm tối nó
thanh luyện thủy tinh thể, lấy đi từ "cái dằm" đến "cái
xà", cả đức lý lẫn tâm lý, để đủ trong và đủ độ thiêng liêng rồi, mắt tôi
có thể tiếp nhận thứ ánh sáng mới, khác lạ hoàn toàn. Khi còn trong bóng đêm,
tôi sẽ thấy mình khô lắm đấy, nhưng lại khổ không gì diễn tả nổi. Nỗi khổ vì
khô ấy tố giác một sức căng: tôi bắt đầu mong muốn Chúa, nhưng sự căng muốn ấy
không do tôi mà do Chúa, nên lúc đầu tôi không cảm nhận được. Ðêm đã hết lúc mà
mắt đã quen, và tôi hiểu ra rằng thánh thiện là do Chúa, chứ sự đóng góp của
tôi chẳng đáng gì. Lúc thực sự coi tôi chẳng đáng gì, thường tôi cũng không mấy
quan tâm đến sự toàn thiện của tôi nữa, mà chỉ khát khao vinh quang cho Chúa
thôi.
Quả thật, khi mới bước vào
đường nên thánh, tôi nghĩ đến nên thánh hơn là nghĩ đến Chúa. Và tôi tưởng như
thánh thiện là do mình dù miệng luôn nói: "Tất cả là ân sủng",
"Tôi là đầy tớ vô ích", v.v... Tuy nói ra như thế, nhưng đây mới chỉ
là những ý tưởng trừu tượng, điều mà tôi cố tin, thế thôi. Chỉ sau nhiều thử
thách do Chúa trực tiếp bằng những đêm tối, tôi mới khám phá ra cái mà tôi biết
rất khác với cái là sự thật, và sự cảm nhận của tôi phân biệt với sự có mặt của
Chúa. Do đó, việc thấy mình lung lay trong đức tin có thể đi đôi với niềm tin
vẫn vững; việc thấy mình khô khan có thể đi đôi với an định ở bề sâu.
Vào thời mà tôi nghĩ rằng
tất cả tùy thuộc mình, tôi cũng tưởng nên thánh là lập công, là đạt nhiều thành
tích, là thủ đắc hết đức này đến đức kia, là sở hữu sự thánh thiện. Thật ra, ý
nghĩ này rất cần để thúc tôi cố gắng, vì nếu phó thác bị hiểu sai đi khi tôi
chưa chuẩn bị đủ và Thánh Thần chưa trực tiếp vào cuộc, thì tôi sẽ thiếu nghị
lực và quyết tâm lúc mà tôi chưa có khả năng dung hòa giữa một bên là tự tin và
bên kia là tin Chúa trong quá trình nên thánh. Nhưng rồi tới lúc tôi phải
chuyển dần từ ỷ vào sức mình sang nương vào sức Chúa. Ðể cuối cùng, khi đạt tới
ý thức "Vô kỷ, vô công, vô danh", thì tôi đã tiến một bước rất dài
trên đường toàn thiện. Ðây cũng là lúc tôi tới ngưỡng cửa của đạo đức thiên
phú, mà chìa khóa nằm trong tay Thần khí hoàn toàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét