Tiến Trình Ðức Lý
Nên thánh và đức hạnh, đó
là chính con người tôi nên thánh và sống đức hạnh. Tôi chỉ nên thánh và sống
đức hạnh bằng hành vi và khuynh hướng của mình. Nói đến hành vi, phải nói đến ý
thức và quyết định. Còn khuynh hướng đây là tập quán tốt hay đức tính chúng làm
nên căn bản đức lý của con người tôi.
Quả thật, một hành vi thực
sự nhân linh luôn diễn ra với ý thức đầy đủ về lý do, sự việc, với quyết định
dứt khoát trên căn bản của ý thức ấy. Do đó, quyết định biệt định hành vi thành
tốt hay xấu, tốt ít hay tốt nhiều. Và qua hành vi, nó biệt định con người, biến
tôi thành xứng hay bất xứng đáng bởi việc làm của tôi, do đó cũng vạch trên căn
cước vĩnh cửu của tôi một dấu ấn nào đó.
Quyết định không thể y hệt
nhau từ hành vi trước đến hành vi sau, và dấu vết để lại trên nhân cách cũng
nông sâu khác nhau theo thời gian. Bởi lý do còn tác động của kinh nghiệm và
tập quán, Kinh nghiệm giúp ta tập dượt, để bề rộng và bề dầy các hoàn cảnh
khiến cho hành vi ngày thêm tinh tế, dẻo dai. Còn tập quán lại gia tăng độ
nghiêng khuynh hướng và độ vững của nền, khiến quyết định thêm trơn, lanh, dễ,
mạnh, chắc. Lý do là vì các khuynh hướng đối nghịch suy yếu dần và các chỗ gồ
ghề tâm lý được mài trơn, khiến bộ máy làm việc tốt hẳn sau giai đoạn chạy rà
(rodage).
Thế nhưng ngược lại, nếu do
quen (việc) mà không phải chống chọi hay cố gắng gian khổ nữa, thì ý thức có
kém đi, quyết định có mờ nhạt, do đó hành vi bớt nhân linh hay không?
Ðể trả lời câu hỏi, trước
hết nên phân biệt ở hành động cái xác của nó là then máy tâm - sinh lý, và cái
hồn là ý hướng, động cơ, tâm tình. Khi hành động nghiêng về xác, thì cái
"quen" có giảm đi ý thức và quyết định thật. Còn khi nó mạnh về hồn,
thì tập quán thành đức tính chỉ nói lên độ trơn nhạy của tinh thần và độ thuần
hóa của "xác thịt" nó không còn là sức trì, mà đã thành lực đẩy cho
tinh thần bay dễ hơn, khiến hành động như lướt êm trên đệm từ, không một rung
chuyển của va chạm, nên cũng không còn cảm nhận của vượt cản, thế thôi. Mà như
thế là hoàn thiện, chứ đâu phải khuyết điểm. Tự nguyện không còn nghịch với tự
nhiên, vì tự nguyện đã nên tự phát (spontaniété) rồi. Tự phát chính là chỗ hoàn
tất của đạo đức vậy (Xem thêm A. Louf, Std, tr.54).
Tự phát dù đã đạt, vẫn còn
tiến không ngưng. Nó tiến về cả độ bén nhạy, trơn lanh, cả về nội lực và bề sâu
nữa. Và như thế, có sự vượt trội của tiến bộ (proficiens) đối với khởi đầu, dù
ngay lúc khởi đầu, anh đã có một tình yêu bốc lửa, một quyết định như búa giáng
trên đe. Có điều sức mạnh của khởi đầu sẽ thành một trớn tốt, để do gia tốc mà
tiến độ ngày càng lớn thêm. Vâng, sức mạnh khởi phát tác động vào bước tiến dài
lâu, nhưng cơn sóng bề mặt mà chị thấy thường khác với dòng chảy bề sâu mà chị
không thấy. Thế mà chính độ sâu bản thân (profondeur personnelle) mới là quan
trọng (Xem thêm K. Rahner, Eléments de théologie spirituele, tr. 27-31). Ðộ sâu
bản thân này vừa làm thành độ sâu đức lý, vừa quyết định phần lớn độ sâu của
quyết định trong hành động của anh.
Ðó mới chỉ là đạo đức thủ
đắc (vertu acquise), tự phát thủ đắc, độ sâu thủ đắc. Dù trơn lanh, bén nhạy và
sâu xa tới đâu, hành vi trong đạo đức thủ đắc vẫn còn nhiều nông cạn, và tự
phát của nó không thể là hoàn toàn. Bởi lẽ các đức thiên phú, con đẻ của ân
sủng, từ bề sâu vô thức chưa bắt tay chặt chẽ được với sinh hoạt đạo đức mặt
ngoài. Thần khí rồi phải vào cuộc trực tiếp, với những thử thách "đêm
tối", sẽ triệt hạ mọi rào cản và nối mạch giữa trong với ngoài, giữa siêu
nhiên với tự nhiên. Hậu quả là một cuộc sống hoàn toàn mới, với một thánh thiện
hoàn toàn khác. Ðạo đức đã thành thiên phú cả ở bề mặt của hành động chúng ta.
Hay nói cho đúng hơn, đạo đức thiên phú từ sâu thẳm vô thức đã tràn tới bề mặt
ý thức và hoạt động ở đó. Giống như bước chuyển từ chiêm tự mình sang chiêm do
Chúa (tức thiên phú) vậy. Theo tôi nghĩ, việc chuyển biến ấy thường diễn ra
cùng lúc trên hai địa hạt chiêm hành. Vì sự sống thiêng liêng là một mà. Là một
bằng cả hai mặt ấy, khiến cho khi Thánh Thần vào cuộc trực tiếp, thì Ngài vừa
khiến tôi sáng lên bên trong, vừa dìu tôi đi trong hành động.
Hội nhất trong đức Ái
Sự hoàn thiện cũng là sự
hoàn tất nhân cách đức lý con người, dù trên bình diện thiêng liêng cũng thế.
Nghĩa là tôi không thánh với từng mảnh đức tính rời rạc, nhưng với những khuynh
hướng tốt đã thành cơ cấu với nhau để làm nên chỉ Một con người đức lý thôi. Sự
hội nhất đức lý ấy là do Nhân trên bình diện tự nhiên, còn trên bình diện siêu
nhiên thì do Ái (Xem lại chương 6).
Bước tiến thiêng liêng quả
là hướng về sự hội nhất trong đức Ái. Càng đào tới bề sâu tôi, đức Ái càng dung
hợp các đức. Bước đầu của nó là xoi thủng lớp vỏ để làm hiện rõ vết nhơ do nết
xấu và tội. Ðức Ái sẽ thúc tôi ăn năn và hoán cải, đồng thời sắp đặt nội tâm và
cuộc sống cho ngăn nắp. Yoan Thánh giá ví đức Ái với mặt trời chiếu qua cửa kính
(Leo núi Các men, q.2, ch.4). Ánh sáng đức Ái vừa giúp nhìn ra vết bẩn trên
kính, vừa tẩy rửa để lọt qua kính vô phòng, khiến tôi thấy rõ nội tâm, khiến
kết hợp được trong đó những sức lực và khuynh hướng để tạo nên một nhân cách
vững vàng.
Sự hội nhất cứ thế tiến mãi
vào chiều sâu, về phía những gì nền tảng nhất. Mỗi tầng khi được quét dọn và
sắp đặt rồi, lại giúp ánh sáng xuyên vô tầng trong để đức Ái tiếp tục công
việc. Tới một độ sâu nào đó, nó sẽ chạm phải những sức cản lớn nhất: về đức lý,
đó là cái Tôi và tầng ngầm của tự ái; về tâm lý, đó là phản xạ chống đỡ tự
nhiên của trí năng và cảm năng vốn chưa quen với môi trường phi trọng lực, với
những làn sóng siêu ngắn của Thánh Thần. Sức cản còn có thể là những trói buộc
vô thức có tính tâm bệnh, khiến tôi khó chấp nhận cho mình (assumer) một số
hoàn cảnh (situations) hay biến cố (événements). Với những trở ngại trước, thì
đêm tối Chúa gửi sẽ san bằng dần. Còn với trở ngại tâm bệnh, thường phải nhờ
đến phòng mạch phân tâm. Theo một số chuyên gia tu đức học, thì những khoảng
tối tâm lý này, khi chưa tước đoạt hết tự do, sẽ không ngăn trở việc lướt sóng
nên thánh, dù con tàu có thể chấn động do va chạm mạnh. Theo tôi nghĩ, và nhiều
thần học gia hôm nay cũng vậy, thì tuy với ơn Chúa, tôi vẫn có thể vượt qua, nhờ
đó thánh siêu nhiều mặt, nhưng sự hội nhất không thể toàn vẹn, cũng như thương
tích không sao tránh khỏi.
* * *
Chẳng những hội nhất các
đức là do đức Ái, mà các hành vi đức Ái cũng cần được hội nhất bằng một thái độ
căn bản (attitude de fond).
Khi còn nông trong đức Ái,
với cầu nguyện tôi nhiều ý nhiều lời, cũng như đếm số lần đi lễ, lần hạt, hành
hương. Riêng hành động thì vẫn tản mát với những việc mục vụ này, việc xã hội
kia. Kịp khi đức Ái do lâu ngày tập mà thành thái độ căn bản, tôi chỉ còn thiết
tha với một mình Chúa dù trong công việc hay trong suy chiêm, đồng thời nhìn
thấy Chúa nơi tất cả những người mà tôi đang phục vụ. Ðây là lúc mà đức Ái
không những hội nhất bản thân tôi, mà còn mở tôi sang thế giới, để sự hội nhất
thành hội nhất Thiên-Thế-Ngã. Lúc cầu nguyện, tôi không chỉ nhìn Chúa, mà còn
với Chúa nhìn sang hoàn vũ: "quan thế âm", để đức Ái được suy chiêm
nung nấu cũng thúc tôi tạm rời suy chiêm lên đường phục vụ. Rời suy chiêm,
nhưng tôi đâu có từ giã Chúa, khi mà tôi vào cuộc là để yêu Chúa hơn, để với
Chúa truân chuyên đường trường cứu độ. Ban đầu, tôi còn phải từng lúc ngưng tay
để hâm nóng tình yêu. Ban đầu, tôi còn vất vả tay chống tay chèo để khỏi sa lầy
trong công việc bằng cách luôn nhớ lại mục tiêu Vì Chúa. Nhưng rồi sau những đêm
tối thanh tẩy, tôi chỉ còn biết sống cho Chúa dù trong hành hay chiêm, vì không
còn khoảng cách giữa hai bên nữa.
Sự hội nhất không những
diễn ra giữa hành và chiêm, mà còn diễn ra giữa hai mặt yêu Chúa và yêu người.
Ban đầu, người ta tưởng như yêu Chúa trong nguyện cầu và yêu người trong phục
vụ. Nhưng sao lại không thể yêu Chúa trong phục vụ khi mà vì Chúa tôi đang phục
vụ anh em nhỉ? Và sao lại không thể yêu anh em khi nguyện cầu nếu trong nguyện
cầu tôi đang hướng về họ trong Chúa? Chính vì yêu người đã thành một với yêu
Chúa, mà thánh Yoan có thể quả quyết: "Kẻ không yêu (anh chị em) thì không
biết (hiểu) Chúa" (1Yo. 4. 8), và: "Nói mình yêu Chúa mà ghét anh chị
em là nói ngoa" (1Yo. 4. 20).
* * *
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét