Các Trang

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

Thần học thiêng liêng (tiếp theo)

 

Riêng về yêu Chúa, đức Ái tiến từ Vì tôi sang Vì Chúa hoàn toàn.

"Vì tôi" ở đây nhắm sự nên thánh và hạnh phúc thiêng liêng của tôi. Vâng, ở bước khởi đầu, tôi quan tâm nhiều đến sự nên thánh này hơn là vinh quang của Chúa. Do đó, tôi mải lo tìm vượng cảm, tưởng như cảm nhận làm nên gặp gỡ (Chúa), và đây là do cố gắng, do công phúc của tôi. Cuối cùng, tôi mới hiểu ra: sự có mặt của Chúa (với tôi) không tùy thuộc vào cảm nhận của tôi đâu. Việc của tôi chỉ là cố gắng, còn gặp Chúa là ân sủng hoàn toàn. Hơn nữa, tôi có thể gặp Chúa mà không cảm thấy Chúa, không tí vượng cảm nào.

Bắt đầu, tôi cũng tưởng như (một cách vô thức, cố nhiên) Chúa là "phương thế" cho tôi nên thánh, và sự gặp gỡ Chúa là "phương thế" cho hạnh phúc của tôi. Miệng vẫn nói là Vì Chúa đấy, mà lòng vẫn hướng về mình như vậy. Nhưng rồi khi hiểu ra: Cảm thấy Chúa chưa chắc đã là Gặp Ngài, tôi cũng vỡ lẽ rằng: Thánh thiện là ở chỗ tôi sống vì Chúa, chứ không vì sự nên thánh của mình nữa. Tôi đã thoát ra khỏi cái Tôi và tự ái để chỉ còn quan tâm đến "Nước Cha mở tới, ý Cha thực hiện" thôi. Ðây cũng là lúc mà lòng tôi thong dong và an định nhất, vì tôi không còn lo gì cho tôi, dù khô khan hay sốt sắng, dù xứng đáng hay khuyết điểm. Tôi cũng chẳng bận tâm vì công việc thất bại hay gặp trở ngại nữa, bởi lẽ tôi dựa vào sức Chúa, chứ không ỷ vào sức tôi, cũng chẳng sợ hãi trước sự tấn công của bóng tối. Tôi cũng chẳng bận tâm về số phận mai sau, vì tôi không tìm thiên đường cho mình, mà chỉ tìm vinh quang cho Chúa và hạnh phúc cho anh em. Ðây là giai đoạn ba, là cấp toàn thiện theo đánh giá của các bậc thầy tu đức (Xem thêm Fr. Roustang, Std, tr.194tt).

Lúc mà tôi không còn ỷ vào sức mình nữa cũng là lúc Thánh Thần vào cuộc trực tiếp, khiến tôi không còn phải nên thánh, vì chính Ngài thánh hóa tôi. Tôi đã chuyển từ hoàn thiện thủ đắc (một hoàn thiện rất thiếu sót) sang hoàn thiện thiên phú (với phong thái của Trời).

Ở tột điểm của giai đoạn ba, cảm nhận hiện diện đã thành một với hiện diện, và cảm nhận ấy không chỉ diễn ra từng lúc mà thường hằng luôn. Ðây là Cung phòng bảy theo tự vựng Tiên sa Avila, là "Hôn nhân thiêng liêng" theo tiếng gọi của cả Tiên sa Avila lẫn Yoan Thánh giá. Theo Tiên sa Avila, vào giai đoạn chót này, hồn và Chúa đã "nên một sự với nhau" như nước mưa rơi hòa trong nước sông, và nên một vĩnh viễn vì "Thiên Chúa không muốn xa hồn nữa", còn hồn thì "ở hoài với Chúa trong trung tâm ấy". Ðây là nói về cả cảm nhận lẫn sự thực. Trước Hôn nhân, dù hợp nhất đến đâu, hồn cũng chỉ cảm nhận sự thực ấy từng lúc, chứ từ đây thì hồn thấy Ngài hiện diện thường hằng (Xx. Lâu đài nội tâm, Cung phòng bảy, ch.2).

Tôi không thể nói: ở đây không còn sợ ngã (té) (Yoan Thánh giá cho rằng trong Hôn nhân thiêng liêng, hồn được cắm vững trong ân sủng Chúa, không còn phải sợ gì nữa - Ca khúc thiêng liêng, đoạn 22. Còn với Tiên Sa Avila, thì sự an toàn không tuyệt đối - Lâu đài nội tâm, Cung phòng bảy, ch.2). Nhưng thuyền tôi đã được thả neo khá chắc ở bến Chúa rồi. Tôi cũng không thể bảo: Ở đây không có tiến thêm nữa. Vì đỉnh toàn thiện tuy đã tới mà vẫn ở cao hơn, vẫn phía trước, và tôi chỉ đặt chân đến lúc mà tôi hoàn tất cuộc đời. Cho nên, nên thánh là tiến mãi không ngưng, và không tiến là thoái đấy. Có điều tôi tin được vào sự vững chắc của bước tiến, vì tôi đã hôn kết với Chúa, vì Chúa luôn ở cùng tôi. Chúa luôn ở cùng tôi, dù với thiếu sót bao giờ chả có do tính yếu đuối tự gốc của con người. Nên dù đã bước đi trên đoạn đường toàn thiện, tôi vẫn còn chi đó để ăn năn, để thanh lọc cho thêm tinh tấn. Kính càng trong, thì mắt nhìn ra hạt bụi càng nhỏ. Vì thế, bước tiến dù ở giai đoạn nào cũng vẫn là tiến trong cả Thanh, Minh và Hiệp đạo. Minh ngay trong lúc khởi đầu, vì tôi chỉ khởi đầu bước tiến khi đã được Chúa thúc, đã cảm thấy Chúa ngọt ngào và cảm thấy muốn tiến xa. Cũng ở bước đầu với hướng nhắm tiến xa ấy. Chúa đã ở cùng tôi, nghĩa là có kết hiệp rồi. Và cứ thế Thanh, Minh, Hiệp dắt díu nhau đi, với Thanh ngày càng hướng tới tinh vi, với Minh (hay Tiến) đổi dần hướng và cách cố gắng, với Hiệp đi mãi vào chiều sâu tâm hồn.

Bước tiến càng không thể ngưng, khi mà yêu càng sâu thì khát khao Chúa và khát khao vinh quang Ngài càng mãnh liệt, như trong kinh nghiệm của Tiên sa Avila chả hạn. Ðức Ái muốn cho đi, nhưng càng cho thì càng muốn dâng nhiều hơn nữa. "Mas, mas" (Nữa, nữa) như Phan sinh Xavier không thôi gào lên. Và đây cũng là nội dung câu châm ngôn mà I-Nhã Loyola đề xướng cho mình và cho những kẻ đồng chí hướng: AD MAJOREM DEI GRORIAM, cho Thiên Chúa được vinh quang hơn nữa!

Sau khi đã dâng hết, tôi vẫn còn cái cuối để dâng: cái Tôi, hay sự gắn bó ngầm, khó dứt ra nhất, với mình. Thế nhưng cái chính mình ấy mới là quà tặng của tình yêu. Mà tình yêu thì thúc mở hết hầu bao, mở rộng vòng tay, mở tung lồng ngực. Tình yêu không tính toán, tình yêu quảng đại hoàn toàn.

Ði sâu vào đức Ái ấy, tôi cũng cảm nhận sự bé nhỏ của mình. Chỉ có đức Ái mới dễ đưa tới khiêm nhu độ chót, không mấy khó khăn. Cũng chỉ đức Ái mới biến thánh thiện thành hiện hữu cho tôi, lúc mà tôi không coi nó như một sở hữu nữa. Chứ dù đạo đức tới đâu, thoát tục cỡ nào, mà không hướng duy về Chúa, thì tất cả những thứ ấy sẽ gom thành của cải nó thổi phồng cái Tôi lên.

* * *

Từ đạo đức thủ đắc, tuy đã sang đạo đức thiên phú, nghĩa là do Chúa trực tiếp và hoàn toàn, nhưng không phải vì thế mà tôi không cần cố gắng nữa. Không còn cố gắng để chủ động leo lên, nhưng vẫn còn cố gắng để nhũn mình ra, để buông mình nương theo đấng đang bốc đưa tôi lên và đẽo gọt tôi dưới bàn tay êm dịu của Ngài. Vâng, không còn cố gắng kín nước giếng hay đạp gầu guồng, nhưng cố gắng vẫn có để đón nhận cơn mưa từ trời và để nước mưa thấm sâu tới lớp đất bên dưới.

Cảm nhận buông theo, thụ tiếp diễn ra trong cả chiêm lẫn hành ở giai đoạn thiên phú. Trong hành động, thì đây là lúc tôi được dẫn dắt hoàn toàn bởi Thần khí, qua đặc huệ của Ngài, khiến làm mà không phải tôi làm nữa, nhưng chính Chúa làm nơi tôi (= Gal. 2.20). Nghĩa là khi đến việc, chính Chúa sẽ soi cho tôi biết điều cần biết, nghiêng ý muốn tôi về điều nên chọn, v.v...

Tới đó, thì cũng phải tới đỉnh của A-patheia (vô thụ cảm) rồi: chẳng còn gì để bận tâm nữa. Có điều, đây cũng là lúc mà tim tôi được đổi với tim chúa, như kinh nghiệm của một số thánh, khiến tình cảm vừa rất mạnh vừa rất chìm, như một dòng nước ngầm cuốn tôi về phía ý Chúa và những gì vui lòng Chúa. Tuy vẫn còn phân biệt thân sơ tự nhiên ở bề mặt, và ở bề mặt vẫn có đau khổ. Nhưng tất cả thành êm dịu khi được nối với mạch ngầm của đức Ái siêu nhiên. Vâng, dù may hay rủi, dù thuận hay nghịch, tất cả đã biến thành quà tặng của Chúa, khiến rủi cũng thành may, chua chát cũng trở nên ngọt ngào (Xem thêm Fr. Roustang, Std. tr.197).

TÓM LẠI

Thánh thiện không chỉ là trong sạch hay miễn nhiễm, mà có gì tích cực hơn nhiều. Nên thánh cũng không do lập công hay tích góp ân sủng, vì việc chính của tôi là ý thức về sự thấp bé và yếu đuối của mình, để Chúa không gặp trở ngại trong việc thánh hóa tôi. Thế nhưng, hãy coi chừng: Tin vào Chúa không phải là ỷ lại, hết cố gắng đâu.

Thánh thiện thường đi đôi với huyền nghiệm, nhưng huyền nghiệm chỉ là một trong những biểu hiện của thánh thiện. Thánh thiện là do đức Ái, nên thánh thiện là của con người và hành vi.

Kẻ thực thánh là kẻ sống vì Chúa hoàn toàn, do đó cũng không còn bận tâm với cái thánh của mình nữa. Toàn thiện là ân huệ của Chúa, nên phải bớt dần phần mình để phần Chúa tăng lên. Chỉ khi tôi không còn tưởng mình đáng gì nữa, mà chờ ở Chúa tất cả, chỉ khi ấy Chúa mới có thể vào cuộc hoàn toàn, để đức hạnh chuyển từ thủ đắc sang thiên phú, nên cao sâu, huyền nhiệm.

Con người thánh cũng là con người hội nhất. Các đức khi ấy hợp kết với nhau trong đức Ái, các hành vi đi cùng hướng với nhau do một thái độ căn bản, các tương quan hội tụ lại khi yêu Chúa thành một với yêu người, yêu toàn thế giới...

Ðể tiến từ bình diện thủ đắc sang thiên phú, dù trong đức hạnh hay nghiệm tri, có lẽ không thể không trải qua những đêm tối chúng giải thoát ta khỏi những vướng mắc sâu xa cuối cùng về mặt đức lý và tâm lý, đồng thời khiến ta quen dần với một ánh sáng và cách sống khác hẳn.

Thanh luyện xong và sống dưới tác động trực tiếp của Thần khí quen rồi, tôi có thể được đưa tới Hôn nhân thiêng liêng, ở đó cảm nhận thành thường hằng về sự có mặt của Chúa cả trong suy chiêm lẫn hành động. Dù thế chăng nữa, bước tiến vẫn không ngừng, vì nếu không thì cảm giác tự mãn sẽ làm ta tuột dốc.

Dù tiến trình được chia thành Thanh-Minh-Hiệp hay Khởi-Tiến-Thành, sự phân ranh không thể rõ nét, và sự đảo ngược luôn có thể xảy ra.

+++

(Còn tiếp)
- Trích từ tác phẩm "Thần Học Thiêng Liêng" của Lm. Hoành Sơn - Hoàng Sỹ Quý, SJ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét