Tiến trình huyền nghiệm, hay
chiêm thiên phú, bắt đầu với cung bốn hay cách tưới hai, được gọi là An tĩnh
(quiétude). Kế đó đến Hoàn hiệp (union pleine), đến Xuất thần (extase) cũng gọi
Ðính hôn thiêng liêng (fiancailles spirituelles), để rồi tận kết với Hôn nhân
thiêng liêng (mariage spirituel).
Với An tĩnh, Chúa chỉ xâm chiếm ý
chí (theo Tiên sa), xâm chiếm có lẽ mới đến "mũi nhọn linh hồn" gì
đó. Với Hoàn hiệp, Chúa lấn thêm các "khiếu năng bên trong" (facultés
intérieures) là trí hiểu (entendement), trí nhớ và trí tưởng (imagination). Có
lẽ phải thêm cảm tính nữa, dù không được nói đến. Khi Chúa tiến ra đến giác
quan và thân xác (trở nên cứng đơ), thì có Xuất thần. Theo Tiên sa, khi từ
trong ra đến ngoài, tất cả được Chúa chiếm lĩnh một cách thường hằng và vững
chắc, trong hành cũng như chiêm, thì người ta đạt Hôn nhân thiêng liêng.
Theo
các nhà tu đức học, thì huyền nghiệm diễn ra cốt yếu không ở các khiếu năng
thường, mà ở "mũi nhọn linh hồn" nào đó. Theo siêu tâm lý học Ấn độ
cổ, huyền thức sinh ra từ cái khiếu năng siêu vi, vượt mọi khiếu năng thường,
và đó là Buddhi, tuệ trí. Buddhi tuy chưa phải tinh thần, nhưng giãi sáng tinh
thần. Buddhi là đỉnh chót của tâm nó tiếp xúc trực tiếp với Tinh thần thuần túy
(Purusïa).
Tâm
lý học ngày nay đã khám phá vùng tối tăm hay vô thức ở tâm, tại đấy cũng có
biết, muốn, cảm, nhưng bằng thứ biết, muốn, cảm xa lạ với khiếu năng biết,
muốn, cảm thông thường. Lại xem ra càng vào sâu vô thức, thì biết, muốn và cảm
càng khó phân ly và phân biệt với nhau.
Vậy
khi Tiên sa nói rằng Chúa chỉ xâm chiếm ý chí, chắc chị đã diễn tả kinh nghiệm
khó hiểu, "gió không biết từ đâu" (Yo. 3.8) này theo hiểu biết tâm lý
của người thời ấy. Thiết tưởng chị muốn nói đến cái sức hút ở bề sâu không đáy,
mà lý trí đã không hiểu, lại chưa có phần nữa, nên còn cựa quậy, lang thang.
Chúng
ta biết rằng cái thiên phú thì từ trong tiến ra, nên không phát hiện từ ngoài
được. Cái thiên phú đã sẵn đó ở đáy vô thức, và đây là việc biết và yêu Chúa
bởi ân sủng. Biết và yêu ở đây là do Tín-Vọng-Ái thiên phú, nên cũng vô thức
luôn. Khi tầng ý thức (conscient) và tiền thức (préconscient) đã được quét dọn
và sửa sang để chỉ còn hướng đi Ý Chúa, thì ánh sáng và sức nóng thiên phú kia
sẽ tỏa dần đến vành đai, để do ân Chúa có thể lấn sang ý thức phần nào, khiến
nó lóa mắt và kinh ngạc trước một cái gì chớp lên từ bề sâu, cái như vô sắc vô
thanh đối với lý trí. Chỉ khi sức hút từ trong đủ mạnh, thì các khiếu năng bị
hút theo cũng bặt im luôn. Im tiếng cuối cùng sẽ là cảm giác nó kéo theo sự
ngưng trệ hoạt động của các chức năng thực vật.
Xét
về hình thức và biểu hiện, huyền nghiệm Kytô-giáo khá giống với Samâdhi (đại
định) Ấn, Phật giáo. Samâdhi là một kinh nghiệm đơn giản và diệu kỳ, gồm nhiều
cấp nhưng quy về hai cấp chính: cấp hữu thức hữu niệm (samïprajnỵâta) và cấp
siêu thức siêu niệm (a-samïprajnỵâta). Gọi hữu thức hữu niệm khi mà tri thức dù
huyền bí và đơn giản, vẫn còn hiểu được bởi ý thức và qua ý tưởng. Ðồng thời
vẫn còn đối tượng được biết khác với chủ thể biết, dù chủ thể nằm trong đối
tượng ấy. Ánh sáng khi đó thật chói chang và niềm hoan lạc lớn lao.
Khi
hoan lạc như tan ra trong một an tĩnh dị thường ở bề sâu, thì xem ra chỉ còn
tinh thần thuần túy, cũng chẳng còn phân biệt vui buồn, khách (đối tượng) chủ
nơi sự an định sâu xa và thoát tục này. Vâng, ánh sáng đã trở nên trong suốt,
nên thấy hết mà chẳng thấy chi (rõ ràng ở đường nét, hình danh). Lại thấy đồng
thời (chứ không theo diễn tiến trước sau của tư tưởng), thấy trong cùng một lóe
chớp (sphutïa) bên trong và bằng một trực giác siêu thường (param pratyaksïam) nó
đi thẳng đến đối tượng cụ thể, không trừu tượng. Và đây là đại định siêu niệm,
siêu ý thức.
Trong
giai đoạn trực tri này, mọi cảm giác và tư tưởng đều bặt im, khiến ta có thể
gọi bằng ngôn ngữ Tiên sa là Xuất thần. Vì theo Tiên sa, trong xuất thần, mọi khiếu
năng đều ngơi nghỉ, và cảm giác cũng "treo" luôn. Vậy xét về biểu
hiện và hình thức, đại định siêu ý thức quả là Xuất thần. Còn đại định trước có
gì khá giống với An tĩnh (Oraison de quiétude) khi mà, như Tiên sa diễn tả, ý
chí được xâm chiếm nên lặng yên, còn mấy khiếu năng kia vẫn lang thang, nghĩa
là còn hiểu biết, tư tưởng và lý luận.
* * *
Trở lại với Lâu đài của
Tiên sa Avila, chúng ta hãy bắt đầu với bước thứ nhất:
- An tĩnh (quiétude)
Huyền nghiệm khai mạc với An tĩnh
khô khan (aride) nó chuẩn bị cho An tĩnh chính yếu là ngọt ngào (suave).
An tĩnh khô khan là một thứ đêm tối giác cảm, tối
không do thiếu sáng cho bằng chói sáng, theo giải thích của Yoan Thánh giá.
Vâng, Thiên Chúa bắt đầu gửi đến một ánh sáng hoàn toàn mới, hoàn toàn mạnh,
khiến anh tối tăm mặt mày. Ðây là tri thức từ đức tin thiên phú, ở đáy vô thức
chiếu lên. Ðây là sức nóng từ đức Ái thiên phú ở tinh thần tỏa đến. Bên trong
và bên ngoài bắt đầu đối mặt. Vì đối mặt lần đầu nên chưa nhận ra nhau: tối tăm
và khô khan là do đó. Không còn suy niệm, tức hành ý (discourir) được nữa, mà
cũng chẳng còn cảm, hưởng chi.
Tuy không thấy sốt sắng như
trước, nhưng tình yêu (ưa chuộng, d'estime) lại mạnh, khiến khổ vì vắng Chúa,
lo vì sợ phiền lòng Ngài. Lại yêu thích thanh vắng và chẳng thiết gì cả. Chứ
nếu khô khan trước Chúa mà chẳng ngán thụ tạo, thì đó không phải đêm tối, không
do Chúa làm đâu.
Những cám dỗ có thể xảy ra trong
kỳ này là cám dỗ đức tin, cám dỗ nhục dục, cám dỗ kiên nhẫn.
Khi tâm hệ phía ngoài đã quen với
ánh sáng mới và tình yêu Chúa (yêu mà không thấy nóng) đã dọn quang rác rưởi
của yêu mình, thì hồn sẽ hưởng một hoan lạc chưa từng biết, và đây là An
tĩnh ngọt ngào (quiétude suave). Cái vị ngọt này không phát sinh
mảy may từ cảm tính bề mặt, mà thấm từ sâu thấm ra, khác hẳn với thứ vượng cảm
gặp trước đây trong chiêm thủ đắc (acquise) (Tiên Sa Avila phân hẳn vị ngọt ấy,
mà chị gọi là Goût, khẩu vị, ra khỏi vượng cảm thông thường mà chị gọi là
Contentement, vừa lòng - Lâu đài IV.1). Tuy tình cảm dạt dào, nhưng chìm trong
thanh tĩnh. Sức hút mãnh liệt, khiến hồn neo vững ở bề sâu, dù bên ngoài còn
sóng nhỏ vật vờ do lý trí và trí tưởng lang thang. Sức hút rồi có thể từng đợt
mạnh hẳn lên, và một khiếu năng nào đó bị chiếm đoạt trong một thời gian ngắn
ngủi.
Sức hút bề sâu và an định ngọt
ngào sẽ bón thúc cho vườn đức hạnh trổ hoa muôn sắc, và ngăn cản thế tục không
cho lôi kéo anh nữa. Thế nhưng sự ngọt ngào kia chỉ đến như từng cơn thủy
triều, khiến cho nguy cơ tuột dốc còn đó, và hồn không thể lơ là canh gác được.
Ngay cả lúc Chúa viếng thăm, hồn vẫn nhiều ít phải cố gắng. Ðây là cố buông
mình theo ơn Chúa thúc động, cố kìm giữ cho khiếu năng khỏi khuấy động giấc ngủ
thiêng liêng. Cố nữa đôi lúc để thêm một cọng rơm cho lửa đang cháy bằng một
cái liếc mắt, một lời thở than ngắn ngủi. Vâng, một cọng rơm là đủ, chứ cả mớ
củi (của lý luận hay bài kinh) có thể làm lửa kia tắt mất.
Ngoài những khi lửa cháy mạnh như
thế, hãy lưu ý kẻo do sai lỡ, do tự mãn tự phụ mà lửa Ái ấy lụi tàn. Hãy tự
khiêm và nuôi dưỡng lòng kính sợ. Hãy nhớ kỹ rằng chỉ có Chúa là tác giả của
cơn say thiêng liêng kia, còn tôi chỉ việc ngửa tay đón nhận. Chẳng có thể tạo
ra nó, tôi cũng không giữ nó nổi thêm một giây, do đó đừng gồng mình lên làm
gì, chỉ hại thần kinh vô ích.
Nhiều kẻ yếu thần kinh, hễ tưởng
gì thấy nấy, và đó là hoang tưởng, rất nguy hiểm. Nên nhớ, kẻ yêu Chúa thật là
kẻ tìm Chúa chứ không tìm an ủi hay những kinh nghiệm lạ. Nhất là khi trong cái
chuộng lạ, còn ẩn ngầm tính háo danh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét