Các Trang

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

Thần học thiêng liêng (tiếp theo)

 

Huyền nghiệm: giai đoạn chuẩn bị

Tiến trình huyền nghiệm được trình bày rõ và chi tiết nhất trong hai cuốn Tự truyện và Lâu đài của Tiên sa Avila.

Tự truyện so sánh tri nghiệm với bốn cách tưới vườn, mà huyền thức bắt đầu với cách tưới thứ hai. Tưới cấp một bằng nước kín từ giếng, nên vất vả thì nhiều, mà tưới tẩm chẳng bao nhiêu. Tưới cấp hai thì bằng gầu guồng, nước khá dồi dào lại đòi ít công sức, nên có giờ ngơi nghỉ trong Chúa, và đây là huyền nghiệm An tĩnh (quiétude). Tưới cấp ba do nước suối, nước sông, gần như chẳng vất vả gì, mà nước lại ngấm đầy tất cả: đây là Hoàn hiệp (union pleine) với các khiếu năng ngủ hết (sommeil des puissances). Tưới cấp bốn thì do mưa tưới, nghĩa là Trời làm, khiến cho mọi khiếu năng, thậm chí giác quan, đều ngưng hoạt động. Hiện tượng này có tên gọi Xuất thần (extase).

Mười hai năm sau khi hoàn tất Tự truyện, Tiên sa khởi công Lâu đài mà chị viết xong cùng năm 1577. Có lẽ vào thời Tự truyện, chị chỉ biết đến Xuất thần, còn bây giờ sang Lâu đài, chị đã tiến xa để có thể thao thao bất tuyệt về Hôn nhân thiêng liêng. Quả thế, trong Lâu đài, ngoài ba bậc An tĩnh, Hoàn hiệp và Xuất thần ra, có thêm Hôn nhân thiêng liêng nó làm nên cung (phòng) bảy. Nói rõ hơn. Có bốn cấp huyền nghiệm, từ cung bốn đến cung bảy. Còn ba cung hay ba cấp đầu là của phần Thực hành (Pratique) chuẩn bị. Sách Lâu đài này, Lâu đài nội tâm hay Lâu đài linh hồn, cũng được gọi là Sách các (cung) phòng nữa.

Tại sao lại gọi cung phòng, hay nơi ăn chốn ở? Tiên sa coi hồn như lâu đài Chúa ngự. Lâu đài ấy là một khối pha lê trong suốt, với các cung Chúa ở được sắp theo thứ tự từ ngoài vô, cũng là từ dưới lên. Chỗ cao nhất chính là chỗ sâu nhất theo cách hiểu của Augustin: "Chúa cao vượt chỗ cao nhất của tôi và sâu vượt chỗ sâu nhất của tôi (Bắt đầu từ đây, chúng ta tiến vô Lâu đài, vô từng phòng từ dưới lên và từ ngoài vào. Chúng ta đi dưới sự hướng dẫn của Tiên Sa Avila khi mà chỉ có chị được ơn biết lối. Nhưng chúng ta sẽ cố diễn giải lại cách diễn giải của chị theo những hiểu biết mới hơn của chúng ta về thần học và tâm lý học. Nên nhớ, cả Yoan Thánh Giá lẫn Tiên Sa đều trình bày huyền nghiệm trong khuôn khổ của hệ thống ba bậc: Khởi, Tiến, Thành).

* * *

Có thể coi cung một và hai thuộc giai đoạn thanh tẩy, còn cung ba dành cho cấp tiến đức (proficiens). Thuộc cung một là kẻ đang tội lỗi nay nghĩ lại đôi phen và nhìn ra tình trạng tệ hại của mình. Họ bắt đầu ăn năn và vật lộn khó khăn với thói hư tật xấu.

Cuộc chiến với nết xấu tiếp nối ở cung hai, khi mà sa ngã đã bớt và đứng dậy dễ dàng. Người ta bắt đầu suy niệm thật sự và nghe ra tiếng Chúa đôi phen.

Cung ba thuộc những ai đang tích cực tiến đức. Họ cố tránh phiền lòng Chúa dù nhẹ thôi. Họ cầu nguyện lâu giờ và đi vào con đường hy sinh, khổ hạnh.

Như đã nói ở chương trước và đầu chương này, kẻ thật sự trên tiến trình nên thánh là kẻ mong tiến xa, chứ không loanh quanh với tội và nết xấu. Ý định này, phần đông chẳng có, mà nếu có cũng không rõ ràng, dứt khoát gì. Bởi thế, dù họ đang tội lỗi nay nghĩ lại, hoặc chưa bao giờ sống bê bối cả, họ vẫn mãi thuộc cung một hay cung hai. Nghĩa là không ở trên hướng tiến.

Kẻ thật sự trên tiến trình là kẻ dù đang tội lỗi hay không, nay được ơn thúc đẩy đã dứt khoát muốn đi về hướng Chúa và ra khỏi vũng lầy. Họ đã có một cái trớn do ơn sốt sắng, nên dù mới ra khỏi hố sâu, họ đã ở cung hai, cung ba, dù còn vướng một chân ở cung một bởi phải gay go chống đỡ. Ðây cũng là người thực sự cầu nguyện và cầu nguyện sốt sắng rồi. Thật ra, rất nhiều vị thánh đã bắt đầu như vậy đó. Họ rất quảng đại trong tình yêu dù chưa vững ở nền tảng.

Với kẻ mà khuynh hướng bản năng chưa được thăng hoa và định hướng tốt, trong khi thói xấu còn nhiều và cám dỗ mãnh liệt, thì họ phải cố cầu nguyện dù khô khan, phải cố hãm mình để tiến tới tự chủ, hầu có thể đứng vững lúc phong ba nổi lên, hầu có thể đứng lên nếu lỡ chân vấp té.

Việc chống chọi với thói xấu, để dễ sinh kết quả, phải đi đôi với cố gắng luyện đức và tập hy sinh. Cám dỗ nhục dục ư? Lúc thì bậm môi chống cưỡng, lúc lại thăng hoa bằng những tâm tình cao thượng. Cám dỗ tham lam ư? Hãy rộng rãi với ai cần đến. Cám dỗ hám danh ư? Hãy tìm vinh quang tôi trong vinh quang Chúa, vinh quang Giáo hội, vinh quang của người thân...

Với kẻ nhờ ơn sốt sắng mà bắt đầu hăng say nên thánh, họ dễ mắc một số khuyết điểm mà họ không thể coi thường. Tôi có ý nói sự nệ cảm và hướng thân (égocentrisme), do đó sinh tự phụ và có một lối nhìn cận thị.

Kẻ được nuôi quen bằng mật sẽ không thích ăn những thứ không đậm đà dù rất bổ dưỡng. Kẻ mới say men vượng cảm, sẽ nệ cảm và lấy cảm giác đánh giá những kinh nghiệm thiêng liêng. Thế mà cảm tính, nhất là giác tính, theo Yoan Thánh giá, lại dễ chứa cạm bẫy, do đó chẳng nên ham làm gì.

Thật ra, kẻ đang say sưa với nụ hôn của Chúa sẽ chẳng buông theo những cảm giác háu ăn và háo sắc được. Trái lại, họ hãm mình nhiều và thích hy sinh. Thế nhưng, nếu tránh ngoại cảm, họ lại yếu về nội cảm, tức tình cảm. Họ thường yêu Chúa bằng thứ tình sôi nổi, mà tình cảm sôi nổi lại ở bề mặt cảm tính, nên khá gần với cảm giác bên ngoài. Satan có thể lợi dụng điểm yếu ấy, để từ một tình cảm cao quý, thiêng liêng, đưa ta dần đến những tình cảm ngoại vi, thậm chí gần gũi nhục dục chẳng hạn.

Người ta quen đối lập thể xác với tinh thần. Nhưng nên nhớ, tinh thần không phải là lý trí (vốn hướng về khách thể, nên lạnh lẽo, khô khan), cũng chẳng phải ý chí thuần túy. Nơi con người, dù tinh thần cũng sống động ở cả thân tâm, khiến ở nó, tri đấy cũng là nghiệm đấy, muốn đấy cũng là ưa đấy. Tới một độ sâu nào đó, tất cả chìm trong vô thức, khiến dù biết (như biết Chúa ở đức tin thiên phú) cũng không thấy mình biết, dù muốn cũng không thấy mình ưa, dù yêu cũng không cảm nhận chi cả.

Vào thời Yoan Thánh giá và Tiên sa Avila, tâm lý học chưa phát hiện tầng vô thức này, nên người ta chưa hiểu được như thế, và người ta tách hẳn ý chí ra khỏi cảm tính, tách cảm tính ra khỏi tinh thần.

Vậy vấn đề không còn là coi khinh tình cảm, nhưng là hướng về những loại tình cảm sâu xa, nên cũng dễ khuất ẩn.

Kẻ bắt đầu sốt sắng cũng là kẻ dễ tự phụ. Họ tưởng như mình thánh rồi, và nên thánh chẳng khó chi. Vì họ ỷ mình, nên ân Chúa yếu bớt. Vì họ tự cao, nên lúc gặp khô khan và thấy lòng hướng hạ, họ sẽ bỡ ngỡ, xấu hổ, bứt rứt không yên. Nhất là nếu lỡ sa ngã, dù chỉ một lần, họ sẽ tuyệt vọng, thối chí. Họ nên nhớ, họ sinh ra từ hư vô và rất yếu đuối. Họ phải biết rằng vượng cảm chân chính là ân Chúa, và không phải sốt sắng là gặp Chúa, cũng không phải cứ sốt sắng mới gặp Chúa đâu. Vậy điều đáng ngạc nhiên không phải là tôi sa ngã hay hướng hạ. Ðiều đáng ngạc nhiên là dù non yếu như thế, trước đây nhờ Chúa ta đã sống tốt được, và dù bất xứng như vậy, đã có lần Chúa viếng thăm, an ủi ta. Vậy hãy tri ân, và lợi dụng ngay cái tội như đòn bẩy giúp đi lên bằng cách khiêm nhu, vét rỗng mình.

Kẻ mới dò dẫm trên đường toàn thiện cứ tưởng như đường mình đi, điều mình nghĩ mới là phải, nên không chịu nổi nếu thấy ai làm khác và sống khác. Họ hãy lo nên thánh cho mình hơn là xét nét người (Mt. 7.5), và hãy tìm ý Chúa hơn là bắt Chúa và người khác theo ý ta. Nên biết rằng còn nhiều cái họ chưa biết đâu, và nếu xét về kinh nghiệm, họ chỉ là "lính mới tò te" thôi. Vâng, đừng ham dạy dỗ hay phê phán, vạch đường chỉ lối cho người chỉ vì ỷ mình và ham thống trị!

(Còn tiếp)
- Trích từ tác phẩm "Thần Học Thiêng Liêng" của Lm. Hoành Sơn - Hoàng Sỹ Quý, SJ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét