Các Trang

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

Thần học thiêng liêng (tiếp theo)



Huyền nghiệm: phần Thiên Chúa và phần con người

Trước đây, Kytô-giáo tưởng rằng chỉ trong Hội thánh mới có huyền nghiệm. Kịp đến khi tiếp xúc với huyền nghiệm Ấn, Phật giáo, người ta bắt đầu nghĩ đến khả thể về một huyền nghiệm tự nhiên. Chỉ có thể gọi là tự nhiên nếu nguồn gốc của nó là tâm lý suông, thậm chí tâm bệnh lý. Chứ làm sao gặp gỡ Thiên Chúa được nếu chẳng gặp trong siêu nhiên?

Chúng ta hãy xét vấn đề trên bình diện nguyên tắc, sau đó mới đi vào phân tích hiện tượng. Trên nguyên tắc, dù ngoài Giáo hội (hữu hình) vẫn có ân sủng, và đấy là ân sủng đức Kytô, do hành động cứu chuộc của Ngài mà có. Ðã có thể ban ân sủng, tức sự kết hiệp với Chúa bằng huyền nghiệm căn bản, thì hẹp gì mà Chúa không thể cho phép từ kinh nghiệm căn bản ấy phát sinh huyền nghiệm hiện tượng?

Bạn sẽ chất vấn: Dù ngoài Kytô-giáo nếu có huyền nghiệm thực, thì huyền nghiệm ấy luôn mật thiết với Chúa Kytô; vậy cớ sao huyền nghiệm Ấn, Phật giáo chẳng mang một đường nét Kytô-tính nào, lại còn đi ngược giáo lý ở nhiều điểm nữa?

Câu trả lời đã được sơ phác ở cuối tiểu đề trên. Và đây là khoảng cách giữa huyền nghiệm căn bản (hay ân sủng cùng Tín Vọng Ái thiên phú) với huyền nghiệm hiện tượng, cộng thêm khoảng cách giữa huyền nghiệm này với việc hiểu nó bằng lý trí và giải thích nó bằng ngôn từ. Do khoảng cách kép ấy, mà Chúa tuy có một, nhưng kinh nghiệm về Chúa có nhiều, và giải thích kinh nghiệm càng dễ "tam sao thất bản". Phải, Thiên Chúa vốn vô dạng, vô biên, nên đối với cách nhìn hữu dạng hữu biên của ta, Ngài không thể giới hạn trong một chân dung rõ ràng và duy nhất. Mỗi người khi nghiệm Ngài hay hiểu Ngài đều đã "chế biến" Ngài, phần nào đã "sáng tạo Ngài theo hình ảnh của mình".

Nếu đây là huyền nghiệm huệ trí, thì phần góp của con người rất ít, khiến ta thấy được chân dung "gin" của Ngài phần nào. Có điều thấy (bằng thần) đâu phải là hiểu (bằng lý trí), huống nữa diễn tả ra.

* * *

Như trên đã nói, nếu nghiệm Chúa thực, thì phải nghiệm siêu nhiên thôi. Vấn đề bây giờ đặt ra, là có thể có hay không những hiện tượng y như huyền nghiệm, mà thực thì không có gặp gỡ (đấng thiêng liêng)?

Nếu đây là thị kiến giác cảm (qua giác quan) hay hình tưởng (qua trí tưởng), thì chỉ cần tác động đúng cách đúng chỗ vào cơ thể là phát sinh ngay. Tác động vô, thì dù tự nhiên, thần lành hay thần ác đều làm được (mà không cần đối tượng có thực ở đấy). Tự nhiên, đó là bức xạ tâm lý từ các nguyên tiêu vô thức, đó là từ vô thức những sóng thần cảm xạ (affect). Tự nhiên, đó còn là một tâm hồn quá nhạy cảm và yếu đuối, khiến nghĩ đến gì có thể thấy ngay cái ấy, và sự yên trí đôi khi hiển hiện thành thương tật trên người.


Từ kinh nghiệm đức tin đến kinh nghiệm huyền bí

Sự gặp gỡ thân thiết của hồn với Chúa trong ân sủng được hiển lộ phần nào trong huyền nghiệm với ý thức ta. Vì thế, đây là một hạnh phúc khó tả theo kinh nghiệm của Tiên sa Avila, Yoan Thánh giá và bao người khác. Ðây là mùi vị tiên báo cho vĩnh phúc mai ngày.

Không thể tả, huyền nghiệm cũng là kinh nghiệm không thể hiểu và không thể mờ phai. Cái ấn tượng sâu xa và khó quên ấy sẽ mãi hướng ta về siêu nhiên và củng cố ta trong đạo đức, và vì thế rất có ích.

Huyền nghiệm tuy cho ta nếm thử "Chúa ngọt ngào biết bao" (quam dulcis), nhưng lại để thòm thèm, khiến chỉ "một ý nghĩ hay lời nói nhắc cho thấy rằng chưa thể chết ngay (để về hưởng Chúa trọn vẹn) đủ khiến cảm nhận, không hiểu do đâu, như một nhát (búa), một mũi tên lửa... Và vết thương đau ghê gớm... ở chỗ sâu, mật nhất của hồn, ở đó tia lửa dù chỉ thoáng qua, cũng biến thành tro bụi tất cả những gì nó gặp ở bản tính phàm trần chúng ta" (Lâu đài, 6.11). Chính vì mạnh như thế, huyền nghiệm hủy diệt trong phút giây mọi vấn vương, đồng thời gắn chắc ta với Chúa. Vì huyền nghiệm "mê ly" đến thế, nên nó là đích nhắm duy nhất của con đường Ấn, Phật.

Tuy không coi trọng huyền nghiệm như vậy, nhưng vì sự phong nhiêu và phong phú của nó, một Kytô-hữu đức hạnh không khỏi ước ao, mơ tưởng.

* * *

Ngoài huyền kiến vinh phúc (vision béatifique) ra, Chúa Yêsu khi ở trần thế còn sống thường hằng cái kinh nghiệm "Cha ta với ta là một", cái kinh nghiệm cấp cuối mà con người có thể đạt tới ở đây: Hôn nhân thiêng liêng. Trong số các tông đồ, ít nhất có Yoan và Phaolô vượt tới chiêm thụ động (contemplation passive).

Xuyên qua tác phẩm của mình. Yoan để lộ một tầm hiểu rất sâu về quan hệ Ba ngôi, về sự sống siêu nhiên trong tương quan với mầu nhiệm Nhập thể, về cuộc chiến giữa các sức mạnh thiêng liêng ở hậu trường cuộc sống. Làm sao có nổi một thứ trực giác thần học cao đến thế vào buổi khai sinh của đạo nếu không được sáng soi đặc biệt bởi huyền kiến trí năng (theo cách phân chia của Yoan Thánh giá)?

Và cũng vậy đối với Phaolô, cùng với Yoan được coi là thần học gia đầu của Kytô-giáo. Theo chính Phaolô tiết lộ, ông tiếp nhận chân lý đạo từ Chúa phục sinh trực tiếp (2Cor. 12.1). Nhờ đó có thế đứng sứ đồ ngang với những sứ đồ khác (Gal. 1.12-17). Rõ hơn nữa, ông cho biết đã được mang tới tầng trời thứ ba, tức thiên đường (2Cor. 12. 1-4), và ông tỏ ra rất quý trọng những ân huệ này.

Có điều, dù biết và quý huyền nghiệm, như Chúa Yêsu, Phaolô và Yoan chẳng hề thôi thúc tín hữu phải cố đạt được nó. Họ chỉ hướng lòng ta về Trời và chỉ đường cho ta đi tới đó thôi. Vâng, vinh phúc Kytô-giáo được tìm ở cánh chung cơ, chứ chưa có mặt bây giờ như trong Phật, Ấn giáo. Ðích tới đã chẳng nằm ở đây, lúc này, thì huyền nghiệm dù cao nhất như Hôn nhân thiêng liêng cũng còn khoảng cách lớn với trực kiến vinh phúc (béatifique). Vâng, huyền nghiệm mới chỉ là xem "qua tấm gương", chứ chưa "mặt đối mặt" đâu (1Cor. 13.12). "Mặt đối mặt" vẫn là cái phải vươn tới trong đức Vọng, nên tiếp xúc dù trong Xuất thần hay Hôn nhân vẫn phải qua đức tin tăm tối.

Con đường Chúa mở ra và tông đồ truyền lại luôn là con đường đức tin, được đón nhận từ ngoài qua huấn giáo (catéchèse), được sáng soi từ trong bởi Thánh Thần. Lời giáng trần thành Lời được khách quan hóa. Thánh Thần giáng lâm khiến Lời đang bên ngoài ấy được nhập tâm, và Tín-Vọng-Ái được phú vào (thiên phú). Kể từ lúc này, nhờ thúc đẩy của ân sủng và cố gắng sống đạo, sẽ hình thành dần nơi ta một kinh nghiệm đức tin. Ðức tin thiên phú nhờ đó, từ bên trong sáng dần ra bề mặt ý thức, sẽ làm nên sống nghiệm huyền bí đức tin (mystique expérientielle de foi) nó làm nền gốc để từ đó có thể mọc lên huyền nghiệm chính danh Kytô-giáo.

Kinh nghiệm đức tin gọi là sống nghiệm, vì nó tàng ẩn trong cuộc sống, trong hành động, cả trong thẩm định lờ mờ của động cơ Vì Chúa, chứ chưa hiện rõ trên màn hình tư tưởng. Kinh nghiệm ấy đã có gì là huyền (mystique) bởi do tác động từ trong của đức tin thiên phú, của ân sủng nói chung. Ân sủng đang phát triển và lộ ra với sự hợp tác của ta trong học hỏi và hành động. Ân sủng ấy rồi sẽ hiển định ở tâm tư thành một thứ động năng đức tin (dynamisme de foi) và nhạy cảm đức tin (sensibilité de foi), qua đó tôi có khả năng đánh giá một lý thuyết trong tương quan với toàn hệ thống giáo lý của đạo, đánh giá một sự việc trong tương quan với toàn hệ thống luân lý đức tin.

Sự đánh giá bằng sống nghiệm đức tin ấy thường nghiêng về thực hành hơn lý thuyết. Cố nhiên một thần học gia thông minh cũng có thể nhìn ra vấn đề dù không cảm nhận được. Nhưng nếu kèm theo học thức và sự thông minh, còn có ánh sáng bên trong của đức tin, thì sự sáng suốt của ông sẽ được lũy thừa trong một thứ trực giác sâu xa. Trái lại, với ai thánh thiện mà ít học, thì sự nhạy cảm đức tin của họ cũng bị giới hạn rất nhiều do thiếu chiều rộng của kiến thức và nút thắt của lý luận. Chính vì thế, thánh Tiên sa Avila luôn đòi hỏi sự học thức của các linh hướng.

Vì con đường đức tin kết hợp cả trong lẫn ngoài, cả sống nghiệm lẫn khách quan, nên tin cũng là một quy thuận hai mặt: quy thuận cơ chế bên ngoài đi đôi với quy thuận Thần khí bên trong.

Có điều con đường ấy, tuy khởi phát từ khách quan niệm lý (objectivité conceptuelle), nhưng lại tận kết ở sống nghiệm, mà đỉnh cao là huyền kiến (hay sống nghiệm) vinh phúc, nên huyền nghiệm, ở chỗ là sao bản trần thế và nếm trước của vinh phúc, luôn là điều đáng ước mong của mọi người.

Có điều Kytô-giáo là đạo của tình yêu, nên cái mà thánh nhân muốn cuối cùng, cái ấy không phải là vinh phúc, do đó huyền nghiệm, nhưng là vinh quang Chúa Kytô và hạnh phúc của anh em. Chính vì thế, họ sẵn sàng từ giã cái giường huyền nghiệm ấm êm để ra đi truyền giáo. Thậm chí có vị thánh còn muốn sống mãi để mở Nước Cha, muốn đi vào chín tầng địa ngục để biến nó thành thiên đường của yêu thương.

(Còn tiếp)
- Trích từ tác phẩm "Thần Học Thiêng Liêng" của Lm. Hoành Sơn - Hoàng Sỹ Quý, SJ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét