Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.
Ý
thức luân lý
Con vật chỉ phản ứng
theo bản năng, nghĩa là cái bản năng “trời ơi” ấy làm thay cho nó hết. Duy chỉ
con người mới hành động thật, nghĩa là làm tự mình, do lý trí soi lối và ý chí
quyết định. Nên khởi động là ở việc cân nhắc và quyết định này, chứ không phải
ở hoạt động cơ bắp và thần kinh. Chính vì thế, đắn đo và quyết muốn đã được gọi
là hành vi (act) rồi, để khi tòa án luận tội thì phải dựa vào đó mà xét. Vâng,
dù anh quyết giết người mà chưa giết được, thì anh đã phạm tội trước lương tâm
anh, còn tòa án thì kết tội anh cố ý mưu sát.
Sở dĩ con người có
trách nhiệm, không về động tác bên ngoài cho bằng về hành vi nội tâm (cũng là
nội tại, immanent), vì chỉ nội tâm mới là giang san riêng của tôi, chỉ ở nội
tâm tôi mới thực là chủ, là tổng tư lệnh. Ở nội tâm đó, tôi vừa là nhà lập
pháp, vừa là quan tòa và kẻ thi hành án luôn. Và đây là lương tri, hay tiếng
nói lương tâm.
Do đâu mà có cái lương
tâm lạ lùng ấy? Freud giải thích nó bằng then máy của Siêu ngã. Đây là uy quyền
người cha cùng với những cấm đoán bị “đồng hóa” (identification) hay hội nhập
vào đứa bé, thành một thứ Tôi trên tôi nó kiềm chế và kiểm soát tôi. Có điều
Freud không cho biết vì sao có cái hương vị luân lý đi kèm, khiến “quyết lệnh
luân lý” (impératif moraux) phân biệt với những loại cấm cản, ức chế
(inhibition) khác. Lại nữa, cưỡng bách luân lý luôn giả thiết tự do, đến nỗi
khi không còn tự do, dù do hoàn cảnh bên ngoài, dù do bệnh tâm thần bên trong,
thì cưỡng bách luân lý cũng tiêu tan.
Chúng tôi không nghĩ
như Nho giáo và các triết gia Cổ Trung Hoa, rằng con người khi sinh ra, nhất là
người nguyên thuỷ, đã có ngay những đức như nhân nghĩa trong mình. Mà thực ra,
họ chỉ có một thứ nhạy cảm luân lý hay cảm thức thiện ác, để rồi từ thứ nhạy
cảm này, với sự trợ giúp của lý trí và kinh nghiệm, sẽ khám phá ra dần dần cái
gì là hợp với tính người, tức thiện, và cái gì nghịch lại, tức ác. Chứ hồi đầu,
loài người chỉ có một cảm nhận chung chung, nó là một thứ nguyên tắc tối ư tổng
quát:
– Điều thiện thì nên
làm, điều ác thì phải lánh!
Chứ còn cái gì là lành
hay ác thì lại khác, khiến cho về lâu về dài và từ vùng trời này đến vùng trời
kia, có thể có những quy tắc luân lý cụ thể trái ngược nhau, ít là ở bề nổi và
về mặt thực hành.
Đạo
làm người
Nếu Tây Trúc chỉ trọng
có tôn giáo, và coi luân lý chỉ có ích trong giai đoạn vô minh, luân hồi thôi;
và nếu Tây phương tuy đề cao luân lý đấy, nhưng coi nó là vấn đề riêng của loài
người; thì Á Đông chẳng những để luân lý bao trùm luôn tôn giáo – hay nói cho
đúng hơn, đặt bổn phận đối với Trời và thần thánh, tức tôn giáo, lồng cả trong
Đạo làm người, tức luân lý – mà còn đặt luân lý vào trong cái Đạo tối thượng nó
bao trùm cả Thiên Địa Nhân. Vâng, luân lý chỉ là một trong những hiển thể của
Đạo, và gốc của nó nằm ở Mệnh Trời.
Theo Lão tử, Đạo ở gốc
của nó thì không gọi được tên, không định được dạng, không hiển ra bằng đức và
quy luật rõ ràng. Và đây mới là Thường đạo. Ngay Trời được coi là gốc của tất
cả, thì nơi Trời, Đạo cũng có hai mặt Vô danh và Hữu danh như thế:
Vô danh vạn vật chi
thuỷ,
Hữu danh vạn vật chi
mẫu.
Còn con người, nếu
sống đạo sâu xa, đến như thành một với đạo: “đồng ư đạo (1), thì người ta cũng
không cần nghĩ đến Đức, huống nữa đức này hay đức kia (2):
“Mất đạo rồi mới có
đức,
Mất đức rồi mới có
nhân…”(3)
Có thuyết cho rằng
Nhân đạo là do Trời định, có thuyết lại cho rằng do tự nhiên thôi, không cần
Trời phải muốn thế mới thành như thế.
Theo tôi nghĩ, nên
dung hòa giữa hai ý kiến, bằng cách vượt trên cả luật tự nhiên lẫn thiên ý. Như
thế cũng phù hợp với cách hiểu của khoa học hôm nay về đạo của đất, tức quy
luật của tự nhiên.
Vâng, theo ý tôi, Trời
chỉ cần đặt giữa hư không một Thiên mệnh hay ý hướng, để giữa hư không ấy nổ
lớn một Bigbang, rồi từ cái bắt đầu nó như có như không, giữa năng lượng và hạt
này, mà vật chất sinh ra, vật chất ấy tự tìm lối cho mình hướng về cái mới chỉ
là ý Trời hằn in trên nó. Tìm đường, nó phải dò dẫm, mày mò, để rồi mỗi khi
tiến được một bước, nó liền để vết cho tất cả sau đó lặp lại (répétition): vết
ấy chính là quy luật, chứ quy luật không có sẵn trước đâu. Nên quy luật đúng là
tự nhiên, mà cũng đúng là ý Trời. Nếu hướng nhắm của Trời là sự sống, và giữa
sự sống là con người, thì nơi con người ấy cũng có một Thiên mệnh chiếu in
thành Tính, để với cái Tính lý tưởng và cái Đạo “thường đạo” chung chung này,
con người cũng sẽ dò dẫm tìm đường, tự khai phá lấy cho mình một hệ thống các
đức và quy luật luân lý chúng hướng dẫn hắn trên đường thành thánh, thành nhân.
Hướng nhắm là Đạo,
nhưng vững Đạo là ở Đức
Tính là cái đích phải
vươn tới, Đạo là đường đi nói chung, nhưng thể hiện Đạo ra trong cuộc sống lại
là Đức, và cụ thể hơn, là các đức như nhân, nghĩa, v.v… Cho nên để đạt đạo
trong điều kiện hiện sinh của loài người, không thể không trui rèn các đức
tính, chúng hiển lộ Đạo và làm cho Đạo vững lên:
– Chí vu Đạo, cứ vu
Đức
Nếu Lão tử chỉ nói về
Đạo, thì thực tế hơn Khổng tử chỉ bàn về các đức. Về đức Khổng Khâu kể ra, nào
là Cung khoan tín mẫn huệ, nào là Nhân nghĩa lễ trí tín, nào là Kiệm khiêm tiết
trực và Trung thứ hiếu đễ. Nhưng đức mà Khổng tử năng nhắc đến và nhấn vào
nhiều là Nhân Trí Dũng, là Thành và Trung Dung. Có thể nói đây là những đức trụ
(cột) của tòa nhà đạo đức Khổng giáo.
Luân lý Hy-La cũng có
những đức trụ (vertus cardinales) mà Cicero ghi rõ trong tác phẩm De officiis
(Về các bổn phận) của ông, và đây là: Tiết độ, khôn ngoan, công bình và can
đảm. Trong bốn đức ấy, có đến ba thuộc cương, còn khôn ngoan thuộc phán đoán hơn
nên không kể. Trái lại, trong năm đức trụ Nho giáo, rõ ràng thuộc cương chỉ có
Dũng và Thành, và chúng được lòng Nhân nhuần thấm khiến cho ôn dịu lại. Hơn
thế, trong tâm ý của đức Khổng, ngũ đức nói trên mang một ý nghĩa rất sâu xa.
Cao sâu nhất có lẽ là
Thành và Trung Dung, mà Đức Khổng dành cho cả một cuốn sách: sách Trung Dung.
Dẫn nhập cho Trung
Dung, Trình tử định nghĩa Trung như sau: “Bất thiên chi vị Trung”, không thiên
lệch, đó là Trung. Câu nói ấy khiến có thể hiểu là Đừng đi quá, hay Tránh thái
quá và bất cập. Quả đúng là có “tránh thái quá và bất cập” đấy, nhưng đây chỉ
là kết quả hay cái ngọn thôi. Để hiểu đúng Trung là gì ở gốc của nó, thì cứ
việc đọc tiếp liền sau đó, nơi lời diễn giải đầu tiên của Đức Khổng.
Hỉ nộ ai lạc chi vị
phát, vị chi Trung;
Phát nhi giai trùng
tiết, vị chi Hòa!
(Mừng giận buồn vui
khi chưa phát sinh, thì đó là Trung;
Phát sinh mà đúng hợp
[với cảnh, việc], thì đó là Hòa)
Nói cách khác, Trung
có gì giống như trạng thái nội tâm lúc chưa xảy ra biến cố: không ghét, ham,
mừng, giận, nghĩa là không nghiêng lệch bên này hay bên kia; để khi biến cố xảy
ra rồi, thì phản ứng nếu phù hợp và đúng mức cần, thì đó là hòa hợp với đạo.
Vừa đúng mức, chứ không để cho thành kiến, đố kỵ hay quan hệ thân, thù chi phối
mảy may, thì đúng là Khách quan rồi. Cũng đúng là Bất thiên (indifferentia) của
tu đức học Kitô giáo, tình trạng không thiên lệch giống như khi chưa xảy ra sự
việc, để khi xảy ra thì phản ứng đúng mức theo bổn phận và đạo làm người đòi
hỏi, chứ không do thiên lệch mà làm quá, cũng không do sợ nể mà bất cập.
Thật ra, nếu chỉ Trung
thôi thì chưa có gì nói lên tình cảm gắn bó với lẽ phải và sự thật, nên sánh
đôi với Trung, cần phải thêm đức Thành nữa. Thành không phải chỉ là nghĩ sao
nói thế. Thành trước hết phải là có sao nghĩ vậy, đánh giá đúng như vậy, nghĩa
là Thành với tâm và lương tri, và như thế cũng là khách quan, là Trung luôn.
Nếu luôn thành và
trung với lương tri như thế, thì lương tri không còn chi che khuất, sẽ khiến
Đạo ngày càng hiện rõ, thành như trong suốt, và đây là Trí, là Minh: Trí hướng
về hiểu biết thuyết lý, còn Minh hướng về cụ thể và thực hành. Vậy Minh là phân
định (discernement) nó giúp người ta đánh giá một ý nghĩ là đúng hay sai, cũng
như giúp ứng phó thế nào cho hợp đạo trong một trường hợp cụ thể. Một đánh giá
có tính thực hành thôi, chứ hiểu tại sao lại thế, thì cần phải Trí nữa.
Có điều, để từ phân
định mà chuyển thành hành động, thì phải có thêm Dũng, không phải cái “dũng của
người phương Bắc” để xông pha giữa rừng gươm lửa đạn, mà cái “dũng của người
phương Nam” để chiến đấu với chính mình.
Lại nữa, để hành động
thẳng ngay mà vẫn còn tính, tình người, thì lại phải có thêm lòng Nhân. Với
lòng nhân, người ta dễ cảm thông nỗi khổ của người khác và tôn kính sự sống nói
chung, như Trần Trọng Kim nhận xét:
– “Nhân là đầu các
điều thiện, chủ bồi dưỡng sự sinh của trời đất” (4).
Vì là đầu các điều
thiện, Nhân thành đỉnh cao của cả tòa nhà đạo đức, mà ở đấy mọi đức tỏa sáng
Nhân và dung hợp với nhan đề làm nên một nhân cách hoàn mỹ, một con người hoàn bị:
– “Quân tử thể Nhân,
tức dĩ trưởng nhân” (5).
Trong lúc chưa đạt tới
đỉnh cao ấy, thì các đức cương nhu đối nghịch phải sánh đôi để mài giũa và bổ
túc cho nhau, nhờ đó tránh thái quá hay bất cập. Vâng, trực quá sẽ tàn nhẫn,
khoan dung và từ bi quá sẽ nhu nhược và khuyến khích sự ác.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét