Từ
đức hạnh bên trong đến thuần phong bên ngoài
Đức hạnh là của tâm
hồn, nên có vẻ như gói gọn bên trong mỗi cá nhân. Bởi lẽ các gốc của một việc
làm tốt không phải là những cử chỉ nhìn thấy bên ngoài, cho bằng tâm tình cùng
với động cơ và ý hướng vốn ẩn khuất sâu trong nội tâm chúng ta. Quả thật đức
tính không do sự lặp lại của những vận động cơ bắp, mà của những tâm tình và ý
muốn, mà những vận động kia chỉ là biểu hiện bên ngoài thôi. Vâng, nếu chỉ có
bên ngoài, thì về lâu về dài, cử chỉ (đóng kịch) kia chỉ ngày càng làm thui
chột tình cảm đi. Trái lại, tình cảm thương người nếu lặp đi lặp lại sẽ ngày
càng vững, càng sâu thêm mãi mãi, khiến cho từ đây, chỉ cần thấy một trẻ em
khóc, một con chó rên la, là anh sẽ nhói đau ngay trong lòng, để rồi chính cảm
xúc này sẽ đẩy đưa tay chân và miệng lưỡi của anh.
Tuy đức hạnh là của
tâm hồn đấy, nhưng hễ lòng đầy sẽ ngứa ngáy tay chân, khiến cho một đạo đức
chân chính luôn được biểu hiện trong lời nói, việc làm và đời sống. Do đó mà nó
thành lây lan, và khi có nhiều người tốt, nhiều hành động tốt diễn ra như vậy,
thì tất cả sẽ tạo nên một bầu khí, một môi trường, cùng với cách làm, cách nghĩ
tưởng và đánh giá chung của một xã hội. Và đây là thuần phong, mỹ tục. Để rồi
sinh ra giữa một môi trường như thế và được giáo hóa theo cung cách sống ấy,
đứa trẻ sẽ tốt lên. Vâng, một phong hóa tốt và một giáo dục tốt luôn là cần
thiết để tạo nên những xã hội tốt và những nhân cách hoàn mỹ.
Các xã hội xưa, như xã
hội Kitô giáo phương Tây trước thế kỷ XIX và xã hội Nho giáo phương Đông trước
thế kỷ XX, đều có một phong hóa khá cao nó rèn đúc nên những mẫu người tuyệt
vời trong suốt nhiều thế kỷ. Có điều, một phong hóa không thể không có những
khuôn, những luật lệ cùng với dư luận chúng gò ép con người, mà khi gò ép quá
nhiều và quá mạnh, thì tự do mất đi sẽ khiến khó sống đạo đức sâu bởi khó sống
tự mình. Bầu khí sẽ trở nên khó thở khi con người hiểu biết nhiều hơn, khiến
cách mạng bùng nổ thành dây chuyền, mà người ta muốn phá đổ hết những gì là
truyền thống cùng với những ràng buộc. Trong cuộc lật đổ lan rộng ấy, chẳng
những cái xấu mất đi, mà những cái tốt cũng tan theo luôn, trong đó có truyền
thống đạo đức.
Ngày nay, vì xã hội sa
đọa quá rồi, nhiều người bên phương Đông muốn trở về với Nho giáo. Có điều nên
nhớ, không thể trở về với truyền thống mà không biến đổi nó để nó phù hợp hơn
với cuộc sống của chúng ta hôm nay. Vâng, phải chắt lấy và giữ lại cái gì là
tinh tuý hay tinh thần, như Nhân Trí Dũng, như Thành và Trung Dung, cùng với
Hiếu, Nghĩa, Tiết. Còn Tam cương, Ngũ thường, thì phải sàng lọc kỹ thôi, không
thể giữ đủ hết.
Cuộc chiến vì phong
hóa không phải là một với cuộc chiến vì sự thiện, bởi lẽ sự thiện thuộc tinh
thần, còn phong hóa chỉ là biểu hiện bên ngoài, dù môi trường phong hóa rất cần
cho giáo dục và sự phát triển của đạo đức. Có điều con người không thể sống và
phát triển mà tách khỏi xã hội và văn hóa được, dù xã hội với cái vỏ bề ngoài
và những khuôn cứng nhắc đôi khi cũng cản lối tinh thần nữa. Cho nên vấn đề là
phải chọn giữa những hình thức và khuôn, vừa phải tạo bầu khí thanh thoáng của
tự do, vừa phải giới hạn một phần tự do ấy để bảo vệ thuần phong mỹ tục. Trong
thời đại của thông tin nghe-nhìn (audio-vision) hôm nay, một đằng phải hạn chế
những phim ảnh và âm nhạc khiêu dâm hay kích động bạo lực, đằng kia phải đầu tư
người và của cho những tiểu thuyết và phim ảnh đề cao tình đồng loại và quan hệ
sư đệ, gia đình. Có điều xưa kia gần như chỉ người dưới mới có bổn phận đối với
người trên, chứ ngày nay thì để người dưới dễ tuân phục người trên, chính người
trên cũng phải làm gương cho người dưới và tìm hiểu tâm tư và nguyện vọng của
giới trẻ chúng là con em, đệ tử của họ.
Đạo
đức và nhân phẩm
Con người sinh ra đã
đáng tôn quý rồi. Sự đáng tôn quý hay nhân phẩm ấy được Khổng giáo gọi là Lương
quí và Thiên tước, tức cái Quí và Tước tự nhiên Trời ban (Mạnh tử 6A, 16-17).
Tại sao sinh ra đã đáng tôn đáng quý như thế, thì theo Mạnh tử giải thích, con
người luôn chứa sẵn trong mình những đức như nhân và nghĩa.
Thật ra, không phải
đứa bé hay người nguyên thuỷ đã sẵn có những đức ấy, mà bằng chứng là đứa bé
sinh ra rất ích kỷ (6), còn người nguyên thuỷ thì suốt một thời gian dài sống
không khác cầm thú bao nhiêu. Vâng, cũng như qua kinh nghiệm và giáo dục, người
ta tạo dần khoa học và văn hóa, thì đứa bé cũng cần được dạy dỗ và người nguyên
thuỷ phải mò mẫm nhiều thế hệ mới biết đạo làm người.
Có điều, sở dĩ chỉ con
người mới có tri thức lý tính, là vì khi sinh ra nó đã sẵn lý trí rồi. thì cũng
thế, sở dĩ chỉ con người mới khám phá ra đạo làm người, vì sinh ra nó đã mang
sẵn một hướng thiện nó đi kèm nhạy cảm thiện ác, để rồi nhờ lý trí và bằng kinh
nghiệm, nó khám phá dần cái gì là thiện, là ác. Việc khám phá ấy vừa là của
những thánh hiền sống nhiều với nội tâm và tiến xa trên đạo làm người, vừa là
của chung một xã hội tốt đã thành môi trường sống và sự nâng đỡ cho bao thế hệ
thánh hiền như thế.
Một khi đã cố gắng rất
nhiều để thành nhân, thành thánh, thì không những người ta chỉ đáng tôn quí
bằng cái nền tảng lương quí và thiên tước tự nhiên kia, mà còn bằng phẩm hạnh
đạt được của một con người đã bao năm trung thành với tiếng gọi làm người của
mình. Bằng như ngược lại, thì “cái tốt mà hư đi thì càng tệ thêm” (corruptio
optimi, pessima), khiến cho sinh ra, thì lương quí như nhau đấy, nhưng càng
sống, người ta càng xa biệt nhau về nhân phẩm:
– “Cố phân đồng loại
giả, cử lương tri dã” (Mạnh tử 6A,7)
– “Tính tương cận…,
tập tương viễn” (Luận ngữ, 17.2)
Thật ra, thì sự lương
quí hay đáng tôn quí tự nhiên không phải do nhân nghĩa tiềm tàng cho bằng do
một cái gì cơ bản hơn, và đây là bản vị, mà ngày nay triết học quen gọi là cái
vị-thân (le pour-soi). Vâng, cỏ có mặt là vì con bò, con trâu; trong khi bò và
trâu hiện hữu là vì chủng loại chúng và vì con người, chứ con người thì sống vì
chính mình, nên không thể bị hy sinh cho cái gì khác, thậm chí không thể bị hy
sinh dù cho cả một xã hội. Và đây là lý do tại sao nó phải được tôn kính vì
chính nó, cũng như tại sao nó phải sống xứng với nhân phẩm của mình, và đấy là
Tính, là Đạo, là Nhân nghĩa.
Chú thích
(1) Đạo Đức kinh,
ch.XXIII.
(2) “Thượng đức bất
đức” (ch.XXXVIII)
(3) Ch.XXXVIII.
(4) Nho giáo, quyển
thượng, Trung tâm Học liệu xuất bản, tr.44
(5) Kinh Dịch: văn
ngôn truyện
(6) Về sự ích kỷ của con nít, xin xem St.Augustin, Les confessions, ch.VII-VIII.
Nguồn: https://dongten.net/dao-lam-nguoi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét