Các Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 1 - Chương 11: Diệt hẳn mê thích



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 1

CHƯƠNG 11
DIỆT HẲN MÊ THÍCH *

Chương này chứng minh rằng muốn đạt tới sự nên một với Thiên Chúa, linh hồn cần phải lột bỏ hết mọi mê thích, cả những mê thích hết sức nhỏ nhặt.

1 - Có lẽ từ lâu độc giả đã muốn hỏi xem: Để đạt tới bậc hoàn thiện cao ấy, có cần phải giết chết hoàn toàn mọi mê thích cả lớn lẫn nhỏ chăng? Hay chỉ cần giết một số mê thích nào đó và bỏ qua một số khác, ít là những mê thích không mấy quan trọng? Bởi thật là gay go và hết sức khó khăn để linh hồn có thể đạt được sự tinh tuyền và trần trụi, đến độ chẳng còn tha thiết và nghiêng chiều về bất cứ một điều gì!

2 - Về vấn đề này, xin trả lời như sau: Trước hết, không phải mọi mê thích đều gây hại như nhau, và cản trở linh hồn ngang nhau, vì có những mê thích hữu ý và những mê thích theo phản ứng tự nhiên. về những mê thích theo phản ứng tự nhiên (vốn là chuyện ngoài ý muốn), ta không thể nào tẩy trừ chúng, tức là không thể nào hoàn toàn giết sạch chúng ngay ở đời này, nên bao lâu ta không ưng theo chúng và chúng không vượt quá những rung động tự nhiên (tức là tất cả những rung động mà trong đó lòng muốn tự do không hề dự phần chút nào, cả trước lẫn sau), thì chúng ít ngăn cản hoặc không ngăn cản linh hồn trên đường nên một. Đàng khác những mê thích ấy, dù không hoàn toàn bị giết chết vẫn không ngăn cản được ta đến nỗi không thể nào vươn tới sự nên một với Chúa, vì ngay cả khí chúng cứ bám chặt lấy bản tính tự nhiên, thì về mặt tâm linh hữu trí, linh hồn vẫn có thể rất tự do. Lắm khi còn có thể xảy ra tình trạng: Linh hồn đã vận dụng lòng muốn để nên một sâu xa trong nguyện gẫm an tĩnh rồi, mà những mê thích ấy vẫn cứ cựa quậy trong phần cảm giác của con người, dù ở phần thượng tầng, linh hồn đang mải mê cầu nguyện, chẳng can dự gì với chúng.

Còn đối với tất cả những mê thích có tính cách hữu ý, nếu ta muốn đạt tới sự nên một toàn diện, thì nhất thiết phải diệt sạch, phải khử sạch khỏi linh hồn từ những điều trầm trọng đưa đến tội nặng cho tới những điều ít trầm trọng hơn chỉ đưa tới tội nhẹ, và cả đến những điều nhỏ mọn chỉ đưa tới những bất toàn, dù là những bất toàn nhỏ bé nhất. Lý do là vì bậc nên một với Thiên Chúa cốt ở chỗ linh hồn giữ cho ý muốn mình được hoàn toàn biến đổi sang ý muốn Thiên Chúa, đến nỗi không còn điều gì trái nghịch với ý muốn này, nhưng trong hết mọi sự và đối với mọi vấn đề, nó chỉ còn chuyển động theo ý Thiên Chúa muốn mà thôi.

3 - Trong tình trạng nên một ấy, hai ý muốn biến thành một, thành ý muốn Thiên Chúa, đến nỗi ý muốn Thiên Chúa cũng là ý muốn của linh hồn. Nếu linh hồn này còn tha thiết với một điều bất toàn nào đó, là điều Thiên Chúa không muốn, thì chưa đạt tới chỗ có cùng một ý muốn với Thiên Chúa, vì còn muốn điều Thiên Chúa không muốn. Do đó, nếu linh hồn muốn hoàn toàn nên một với Thiên Chúa bằng tình yêu và lòng muốn, trước tiên phải khử trừ hết mọi mê thích trong ý muốn, ngay cả những mê thích nhỏ bé nhất. Tức là, khi đã nhận biết rồi thì không được cố ý thuận tình muốn bất cứ một điều bất toàn nào, nhưng phải hết sức tự chủ và vận dụng tự do để cự tuyệt ngay khi vừa thoáng thấy nó. Tôi nói: “Khi đã nhận biết”, bởi lẽ thường thì do lơ đãng, do vô tình hoặc do thiếu năng lực, linh hồn vẫn rất dễ rơi vào những điều bất toàn, vào tội nhẹ và những mê thích tự nhiên. Những tội như vậy không do cố ý, tựa như là những điều lén lút đột nhập, nên có lời viết: "Người công chính ngã bảy lần còn chỗi dậy được" (Cn 24,16). Thế nhưng còn các mê thích có tính cách hữu ý, đưa đến những tội nhẹ cố ý, dù chỉ là những điều hết sức nhỏ, nếu người ta không lướt thắng thì cũng đủ gây ngăn trở (cho sự nên một với Thiên Chúa). Còn về những thói quen đã bị giết chết, dù lắm lúc một số tác động thuộc những mê thích khác nhau còn xuất hiện nhưng chúng không gây tác hại nhiều. Dĩ nhiên, ta vẫn phải quyết khai trừ chúng, bởi lẽ chúng còn phát sinh được cũng là do một một điểm bất toàn đã thành thói quen. Còn những thói quen về những điều bất toàn hữu ý, mà người ta không bao giờ chịu chiến thắng cho dứt khoát thì không những chúng ngăn trở việc nên một với Thiên Chúa mà còn cản trở cả bước đường hoàn thiện nữa.

4 - Có những bất toàn đã thành thói quen thường gặp như: thói nói nhiều, để lòng quyến luyến một điều nào đó không bao giờ muốn thắng vượt, chẳng hạn đối với một người, một bộ quần áo, một quyển vở, một căn phòng, một loại đồ ăn, một kiểu chuyện gẫu, sở thích thưởng thức điều này, điều nọ, muốn biết, muốn nghe và nhiều chuyện khác tương tự... Bất cứ điều gì trong những bất toàn ấy, mà linh hồn quyến luyến thành quen đi, cũng đều gây biết bao thiệt hại cho khả năng tăng trưởng và tiến bộ về nhân đức. Có thể nói nếu mỗi ngày người ta vấp phải nhiều bất toàn khác và nhiều tội nhẹ riêng rẽ, nhưng là những điều không phát sinh từ một thói quen thường xuyên của một tính xấu thường xuyên nào đó, thì có lẽ vẫn không bị ngăn trở cho bằng trường hợp linh hồn tha thiết với một vật nào đó. Bao lâu còn bị ràng buộc vào đó, dù sự bất toàn ấy chỉ là một chuyện không đâu, linh hồn vẫn không thể tiến tới trên con đường hoàn thiện. Một con chim đã bị cột thì cột bằng một sợi chỉ mảnh mai hay bằng một sợi dây lớn có khác gì mấy? Dù sợi chỉ có mảnh mai đến đâu, bao lâu con chim chưa giựt đứt được để bay đi thì vẫn còn mất tự do như bị cột bằng sợi dây lớn. Thực ra, sợi chỉ thì dễ bứt đứt hơn, nhưng dù dễ dàng đến đâu, nếu không chịu giựt đứt, vẫn không thể nào cất cánh. Đó cũng chính là tình trạng của một linh hồn còn dính bén với một thụ tạo. Dù có nhiều nhân đức, nó vẫn sẽ không đạt được sự tự do của ơn nên một với Thiên Chúa. Mê thích và sự dính bén nơi linh hồn có đặc tính giống như đặc tính mà người ta gán cho loại “cá ép” đối với chiếc tàu. Dù chỉ là một con cá bé tí, một khi đã ép mình vào chiếc tàu nào, nó làm cho chiếc tàu ấy phải đứng yên không thể nào tới bến hoặc chạy thêm được [Theo một huyền thoại hàng hải thời xưa ở bên Tây (ND - chú thích của người dịch)]. Thật vậy, quả là đáng thương hại cho nhiều linh hồn, chẳng khác nào những chiếc tàu giàu có, chất đầy mọi thứ phong phú, các công trình, các cuộc linh thao, các nhân đức và các hồng ân Thiên Chúa ban cho họ, vậy mà vì không có can đảm dứt bỏ một sở thích nhỏ, một điều tha thiết hay một nghiêng chiều nào đó (thật ra những thứ ấy chỉ là một), họ chẳng bao giờ tiến lên được, cũng không cập được bến hoàn thiện, dù họ chỉ cần vỗ cánh một cái cho đứt hẳn sợi dây ràng buộc, chỉ cần gỡ bỏ con cá ép tí teo của mê thích đang phá rầy là xong.

5 - Thiên Chúa đã làm cho họ cắt đứt được nhiều sợi dây thật lớn trói buộc vào những điều tội lỗi và những chuyện hão huyền, thế nhưng thật đáng tiếc, chỉ vì không chịu từ bỏ một chuyện trẻ con mà Thiên Chúa dạy họ phải thắng vượt để tỏ lòng yêu mến Ngài — một sự ràng buộc không lớn hơn sợi chỉ hay sợi tóc — nên họ đã bỏ cuộc, không đạt tới được ơn lành lớn lao dường ấy. Tệ hơn nữa, vì chút quyến luyến ấy, chẳng những họ không tiến bước mà còn thụt lùi, bỏ mất cả những bước đã tiến và đạt được từ bao lâu nay với bao công lao khó nhọc. Vì ai cũng biết rõ rằng trên con đường này không tiến là lùi, không được là thua. Chính Chúa đã muốn dạy chúng ta điều ấy khi Ngài nói: "Ai không đi với Ta tức là chống lại Ta, và kẻ không cùng Ta thu họp tức là làm tan tác" (Mt 12,30). Ai không để ý trám lại vết nứt nhỏ trên chiếc bình, sẽ mất hết thứ chất lỏng chứa bên trong. Sách Huấn ca dạy chúng ta rằng: "Ai khinh lợi nhỏ sẽ khánh kiệt" (Hc 19,1), tức là ai khinh chê những điều nhỏ mọn sẽ dần dần sa ngã. Sách còn nói thêm: "Một tia lửa nhen cả lò than" (Hc 11,32), tức là tự một tia lửa thôi, ngọn lửa sẽ bùng lên. Một điểm bất toàn đủ để kéo theo một điểm bất toàn khác và những điểm này lại kéo theo nhiều điểm khác nữa. Thành thử không bao giờ có chuyện một linh hồn lơ là trong việc lướt thắng một mê thích mà lại không mắc phải nhiều mê thích khác, phát sinh từ chính sự yếu đuối và bất toàn của linh hồn đối với mê thích mà nó cần thắng vượt. Và do đó, nó luôn đi đến chỗ sa ngã. Chúng ta cũng đã từng thấy nhiều người vốn được Thiên Chúa ban ơn tiến mau trong việc từ bỏ triệt để và sống tự do tâm linh; thế rồi, chỉ vì họ lại để mình dính bén với một nghiêng chiều nào đó, dưới một danh nghĩa việc lành, trao đổi chuyện trò hoặc tình bạn, mà mất dần tinh thần nhiệt thành, sự cảm nếm Thiên Chúa, cũng như sự cô tịch thánh thiện và rồi mất hẳn niềm vui thỏa và sự bền bỉ tập luyện linh thao. Họ đi đến chỗ mất hết tất cả, bởi lẽ ngay từ đầu không chịu khai trừ chút sở thích và mê thích thuộc giác quan để giữ cho mình được cô tịch mà đến với Thiên Chúa.

6 - Trên con đường này, muốn đạt đích thì phải luôn luôn bước đi. Muốn vậy, phải luôn luôn giết chết các ao ước, không được duy trì chúng. Nếu không tẩy sạch hết, sẽ không thể nào đạt đích. Củi sẽ không biến thành lửa nếu còn thiếu độ nóng cần thiết, dù chỉ một độ hết sức nhỏ. Cũng thế, linh hồn sẽ không biến hóa nên Thiên Chúa, nếu còn bất toàn ở một điểm, dù chỉ là một bất toàn không đáng gì so với một mê thích hữu ý. Như chúng ta sẽ bàn tới sau này trong đêm tối đức tin, linh hồn chỉ có một lòng muốn thôi. Nếu lòng muốn này bị vướng mắc hoặc bị đầu tư vào một thụ tạo nào đó, nó sẽ không còn tự do, đơn nhất và tinh ròng, là những điều kiện mà cuộc biến đổi thần linh đòi phải có.

7 - Trong sách Thủ Lãnh có một hình ảnh về vấn đề này: Thiên thần đến với con cái Israel và bảo họ rằng, vì họ đã không tận diệt đám dân thù nghịch, trái lại còn giao kết với một số người trong bọn chúng, cho nên Thiên Chúa sẽ để chúng ở lại giữa họ như địch thù, để chúng làm cớ cho họ vấp phạm và hư mất [Nguyên văn: “Nên Ta đã nói: Ta sẽ không đuổi chúng trước mặt ngươi, chúng sẽ ở bên sườn các ngươi, và các thần của chúng sẽ là bẫy hại các ngươi” (Tp 2, 3)]. Thiên Chúa cũng xử sự y như thế đối với một số linh hồn: Ngài đã lôi kéo họ ra khỏi thế gian và giết chết những tên khổng lồ trong số các tội lỗi của họ và tận diệt phần đa số các kẻ thù của họ - tức là những dịp vấp phạm mà họ gặp phải trong thế gian, cốt để họ được tự do hơn mà đi vào đất hứa, tức là nên một với Thiên Chúa. Thế nhưng họ lại kéo bè kết cánh, thỏa hiệp với đám dân bé nhỏ ấy, tức là những bất toàn mà họ không chịu diệt hẳn đi. Vì thế, Thiên Chúa chán ngán và để họ gục ngã trong các mê thích của họ càng lúc càng tệ hơn.

8 - Sách Giôsua cũng cho ta một hình ảnh về vấn đề này: Khi dân Israel khởi sự chiếm đất hứa, Thiên Chúa truyền cho họ phải tàn sát hết tất cả mọi thứ trong thành Giêricô, không được để sót một sinh vật nào, cả đàn ông lẫn đàn bà, từ trẻ con tới người già cả, và tất cả mọi thú vật; họ cũng không được lấy hoặc ao ước một chút gì trong toàn bộ các chiến lợi phẩm. Ấy là để chúng ta hiểu rằng, muốn được nên một với Thiên Chúa cũng thế, phải giết sạch những gì còn lẩn lút trong linh hồn, cả cái ít và cái nhiều, cái bé và cái lớn, linh hồn không được khao khát gì nơi tất cả những thứ đó, và phải từ bỏ triệt để như thể linh hồn không hề có đối với chúng và chúng không hề có đối với linh hồn vậy. Đó là điều thánh Phaolô đã dạy chúng ta trong thư gửi giáo đoàn Côrintô: Anh em thân mến, tôi xin cảnh giác anh em điều này: "Thời buổi đã co rút lại! Cho nên từ nay, những kẻ có vợ thì hãy ở như không có, những kẻ khóc (đối với sự vật thế gian này) hãy như không khóc; những kẻ vui hãy như không vui, những kẻ mua hãy như không cầm giữ, và hưởng thế gian như không tận hưởng" (1Cr 7,29-31). Nói thế, thánh Tông đồ muốn dạy chúng ta biết cần phải giữ cho linh hồn được thanh thoát đối với hết mọi sự để tiến đến với Thiên Chúa.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét