ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2
CHƯƠNG 3
LÝ DO KHIẾN ĐỨC TIN LÀ ĐÊM TỐI *
- Làm sao đức tin lại là đêm dày cho linh hồn?
- Chứng minh bằng những lý lẽ, thế giá và hình ảnh của Thánh Kinh.
1 - Các nhà thần học nói rằng đức tin là một nếp quen [tức là một phần tính thường trực của hữu thể - habitus (DDB)]. của linh hồn, một nền nếp vừa chắc chắn vừa tăm tối. Nó là một nền nếp tăm tối bởi vì nó làm cho chúng ta tin các chân lý được chính Thiên Chúa mạc khải, những chân lý vượt trên mọi ánh sáng tự nhiên và vượt hẳn mọi khả năng trí hiểu của loài người. Do đó mà, đối với linh hồn, ánh sáng đức tin ấy trở nên như một bóng tối mù mịt, bởi lẽ cái hơn hút mất và át mất cái kém. Tựa như ánh sáng mặt trời át hết mọi thứ ánh sáng khác, vì những ánh sáng này bị chìm hẳn khi ánh mặt trời lóa lên chói lọi đập thẳng vào quan năng thị giác của ta. Nó khiến thị giác hóa mù quáng và không còn nhìn thấy gì nữa, bởi lẽ ánh sáng của nó quá chênh lệch, vượt hẳn sức chịu đựng của quan năng thị giác. Về ánh sáng đức tin cũng thế, vì quá sáng nên nó đè bẹp hẳn ánh sáng của trí hiểu, là thứ chỉ dùng được cho những hiểu biết thuần tự nhiên, mặc dù nếu Thiên Chúa muốn nâng lên thì nó cũng có khả năng tiếp thu những điều siêu nhiên.
2 - Nghĩa là, ánh sáng của trí hiểu không thể tự mình biết được điều gì nếu không qua con đường tự nhiên, tức là qua các giác quan. Muốn hiểu, ánh sáng của lý trí cần có những hình ảnh và biểu tượng hoặc những điều tương tự với các đối tượng ấy, nếu không, nó sẽ chẳng thể nào hiểu được. Bởi vì, theo triết học, phải vừa có đối tượng, vừa có quan năng tiếp nhận mới có được sự hiểu biết. Vì thế, nếu ta kể cho ai đó nghe về những vật mà người ấy chưa hề biết, cũng chưa bao giờ thấy điều gì tương tự với chúng, thì người ấy sẽ chẳng làm sao biết được điều gì về chúng hơn là khi chưa nghe nói. Chẳng hạn nếu ta kể cho một người rằng trên đảo nọ có một con thú mà người ấy chưa bao giờ thấy, và nếu ta không nói con thú ấy có điểm nào giống với những con thú người ấy đã biết, thì dù ta có nói gì đi nữa, nghe xong, người ấy vẫn chẳng có được ý niệm và hình ảnh gì về con thú ấy hơn trước khi ta kể. Xin nêu thêm một ví dụ khác để hiểu rõ hơn. Đây là một người mù bẩm sinh, chưa bao giờ thấy một màu sắc nào cả, nếu ta bảo người ấy rằng màu trắng hoặc màu vàng là như thế đó, thì có giải thích mấy đi nữa, người ấy cũng chẳng hiểu gì hơn, bởi vì người ấy chưa bao giờ thấy những màu ấy hoặc thấy một điều gì tương tự để dựa vào đó mà đoán định. Người ấy chỉ giữ lại được nguyên tên gọi các màu mà người ấy đã nghe được qua thính giác thôi, còn hình thức hoặc dáng vẻ của chúng thì không có một ý niệm gì, vì chưa bao giờ được thấy.
3 - Thế mà đó lại là cách đức tin hành động trong linh hồn. Nó nói với ta những điều ta chưa hề thấy, chưa hề nghe, và cũng chẳng có cái gì tương tự với những điều ấy để mà nghe, mà thấy trước. Ta không thể có một chút ánh sáng nào nhờ các tri thức tự nhiên, bởi vì điều đức tin nói với ta vượt hẳn mọi giác quan. Tuy vậy, ta tin những điều người khác dạy cho ta, ta bắt ánh sáng tự nhiên phải mù tối đi và phải khuất phục. Như lời thánh Phaolô nói: "Đức tin là do bởi lời đã được nghe" (Rm 10,17). Dường như Ngài muốn nói: Đức tin không phải là một hiểu biết tiếp thu đuợc do một giác quan nào đó; nó chỉ là một ung thuận của linh hồn đối với điều nó biết đuợc nhờ nghe nói.
4 - Đức tin còn vượt xa điều chúng ta hiểu được qua những ví dụ vừa kể rất nhiều, vì không những nó không đem lại kiến thức hoặc sự hiểu biết, mà như chúng tôi đã nói, nó còn tước đoạt và làm mù lòa cả những kiến thức và hiểu biết mà người ta mong dùng để phê phán chính xác về nó. Những sự hiểu biết khác thì người ta thâu nạp được nhờ ánh sáng của trí hiểu; còn sự hiểu biết đức tin thì không nhờ ánh sáng này, vì ta đã nhân danh đức tin mà chối bỏ nó; nếu cứ bám lấy ánh sáng này, không chịu làm cho nó tối đi thì đức tin sẽ hỏng mất. Vì thế ngôn sứ Isaia mới nói: "Các ngươi mà không tin, các ngươi sẽ không hiểu" (Is 7,9) [Theo bản 70, còn bản Do Thái viết: “Các ngươi mà không vững tin, các ngươi sẽ không vững được.”]. Vậy rõ ràng đức tin là một đêm dày đối với linh hồn, và chính bằng cách ấy mà nó đem lại ánh sáng cho linh hồn. Nó càng khiến linh hồn thành mù tối càng ban cho linh hồn ánh sáng lớn lao hơn về nó. Vì nó ban ánh sáng bằng cách gây mù tối, theo lời ngôn sứ Isaia: “Vì nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không có ánh sáng”. Cũng vì thế ta có thể biểu thị đức tin bằng đám mây đã chia cách con cái Israel khỏi quân Ai Cập khi họ sắp bước vào biển Đỏ, mà Thánh Kinh nói: "Đám mây ấy vừa là tối tăm vừa làm rạng sáng đêm tối" (Xh 14,20).
5 - Thật là chuyện kỳ diệu: Nó là tối tăm mà lại soi sáng ban đêm. Đức tin, vốn là một đám mây tăm tối và mù mịt đối với linh hồn. Cả linh hồn lúc này cũng đang là đêm, vì khi đức tin xuất hiện, linh hồn bị tước hết ánh sáng tự nhiên và trở thành mù tối. Đám mây đức tin kia lại dùng sự mù mịt của nó mà chiếu soi và ban ánh sáng cho sự mù mịt của linh hồn, khiến cho thầy giáo (là đức tin) hòa hợp với học trò (là linh hồn). Thật vậy, một người đã ở trong tăm tối mù mịt, chỉ có thể được soi sáng cách thích hợp nhờ một sự tăm tối mù mịt khác, như Đavít có dạy "Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia" (Tv 18A/19A,3). Nói rõ ra là thế này: Thiên Chúa là ngày trong sự hạnh phúc vô tận của Ngài, hạnh phúc này là ngày đối với các thiên thần và các linh hồn đã được hưởng phúc, và cả hai nhóm này cũng đã là những ngày. Ngày mách bảo cho ngày tức là Thiên Chúa nói với họ và thông ban cho họ Ngôi Lời, là Con của Ngài, để họ được biết và vui hưởng. Còn đêm tức là đức tin trong Hội thánh chiến đấu, nơi vẫn còn đêm tối. Đức tin bày tỏ sự hiểu biết cho Hội thánh, và cho bất cứ linh hồn nào, chính mỗi linh hồn này lại là đêm, vì chưa được hưởng sự khôn ngoan diễm phúc sáng tỏ, và đang ở trong đức tin nên bị mù tối, mất cả ánh sáng tự nhiên của mình.
6 - Như vậy, nói được rằng: Đức tin là một đêm dày nên mới soi sáng được cho linh hồn đang ở trong tăm tối, đúng như điều mà cũng chính vua Đavít có nói: "Đêm sẽ nên ánh sáng soi tôi trong niềm hoan lạc [24 Nguyên văn: “Tôi có nói: Ít ra tối tăm có thể che khuất tôi đi, ánh sáng quanh tôi trở thành đêm tối.” (Tv 138/139, 11).]. Ông muốn nói: Khi ông được hoan lạc trong sự chiêm niệm tinh trong và sự nên một cùng Thiên Chúa, đêm đức tin sẽ hướng dẫn ông. Thế mới biết linh hồn phải ở trong mịt mù tăm tối (về mặt tự nhiên) để có được ánh sáng mà tiến bước (trên đường nên một với Thiên Chúa).
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét