ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2
CHƯƠNG 6
BA NHÂN ĐỨC HƯỚNG THẦN VÀ BA QUAN NĂNG *
Chương này bàn về cách ba nhân đức hướng thần phải làm cho ba quan năng của linh hồn nên hoàn thiện và về cách các nhân đức ấy khiến chúng thành trống rỗng và tăm tối.
1 - Ở đây, chúng ta sẽ bàn về cách đưa dẫn ba quan năng của linh hồn là trí hiểu, dạ nhớ và lòng muốn, vào đêm tối tâm linh, là phương thế giúp đạt đến sự nên một với Thiên Chúa. Chúng ta đã biết ba nhân đức hướng thần tin, cậy, mến được quy về ba quan năng ấy, được coi là đối tượng siêu nhiên riêng của chúng và là phương thế để linh hồn có thể nên một với Thiên Chúa theo các quan năng mình. Truớc hết cần nêu rõ làm sao ba nhân đức hướng thần tin, cậy và mến, mỗi nhân đức đều tạo nên cùng một sự tăm tối và trống rỗng như nhau trong quan năng tương ứng: đức tin trong trí hiểu, đức cậy trong dạ nhớ và đức mến trong lòng muốn. Tiếp theo chúng ta sẽ bàn xem phải làm thế nào để trí hiểu được hoàn thiện nơi sự tăm tối do đức tin; để dạ nhớ được hoàn thiện nhờ sự trống rỗng do đức cậy; và để lòng muốn được hoàn thiện nhờ sự tuớc đoạt và lột bỏ mọi tình cảm mà đến cùng Thiên Chúa. Nắm được điều đó rồi, ta sẽ thấy rõ rằng nếu linh hồn muốn bước đi vững chắc trên con đường tâm linh, thì cần kíp phải đi qua đêm dày, nương theo ba nhân đức ấy, là những nhân đức khiến linh hồn trống rỗng về hết mọi sự và khiến linh hồn thành tăm tối, như thể không còn nhìn thấy mọi sự ấy nữa. Như đã nói, ở đời này, linh hồn không thể nên một với Thiên Chúa qua trí hiểu, qua sự vui thỏa, sự tưởng tượng hay một giác quan nào khác, nhưng phải bằng đức tin nếu xét theo trí hiểu, bằng đức cậy nếu xét theo dạ nhớ và bằng tình yêu mến nếu xét theo lòng muốn.
2 - Như đã nói, tất cả ba nhân đức ấy đều gây nên một sự trống rỗng trong các quan năng: đức tin gây nên sự trống rỗng trong trí hiểu, khiến nó bị tăm tối về mặt hiểu biết: đức cậy gây nên trong dạ nhớ một sự trống rỗng, loại trừ hết mọi chiếm hữu: và đức mến gây nên sự trống rỗng trong lòng muốn, lột bỏ hết mọi sự trìu mến và mọi sự vui hưởng những gì không phải là Thiên Chúa.
Thật vậy, chúng ta biết rằng đức tin dạy chúng ta điều mà trí hiểu không sao tiếp thu nổi. Trong thư gửi tín hữu Hipri, thánh Phaolô có nói: "Đức tin là một cách thế cho ta nắm được những điều ta hy vọng, là một phương thức cho ta biết những điều ta không xem thấy" (Hr 11,1). Mặc dù trí hiểu tán đồng những điều ấy cách mạnh mẽ và chắc chắn, nhưng đó không phải là những điều trí hiểu có thể tự khám phá được; vì nếu trí hiểu có thể tự khám phá ra thì không còn là đức tin nữa. Thật vậy, đức tin có làm cho trí hiểu được chắc chắn, nhưng không làm cho nó được sáng rõ mà ngược lại, còn khiến nó thêm tăm tối.
3 - Đức cậy cũng đặt dạ nhớ vào trong một sự trống rỗng và tăm tối về mọi việc đời này cũng như đời sau. Bởi lẽ, hy vọng bao giờ cũng là hy vọng điều chưa chiếm hữu được; vì nếu đã chiếm hữu được rồi thì đâu còn hy vọng nữa. Bởi đó mà trong thư gửi giáo đoàn Rôma thánh Phaolô có nói: "Thấy được điều mình trông mong thì không còn là trông mong nữa; vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi" (Rm 8,24). Nhu thế, nhân đức này cũng tạo nên sự trống rỗng, vì nó liên quan đến những điều người ta chua có chứ không phải những điều đã có rồi.
4 - Cũng thế, đức ái gây nên nơi lòng muốn một sự trống rỗng về mọi thứ, bởi lẽ nó buộc ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Điều này chỉ có thể xảy ra khi nào gạt bỏ được hết lòng trìu mến đối với mọi sự để chỉ hoàn toàn trìu mến Thiên Chúa mà thôi. Chính vì thế, trong Tin Mừng, Chúa Kitô nói: "Ai không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ Ta được" (Lc 14,33). Tức là phải từ bỏ những gì mình muốn có. Nhu thế, cả ba nhân đức ấy đều đặt linh hồn vào trong sự trống rỗng và tăm tối đối với hết mọi sự.
5 - Cũng nên nhắc lại đây dụ ngôn Đấng Cứu Thế đã dạy trong Tin Mừng Luca (Lc 11,5) về nguời bạn giữa lúc nửa đêm phải đi xin bạn mình ba chiếc bánh; ngụ ý nói về ba nhân đức trên đây. Ngài nói nguời ấy xin bánh vào lúc nửa đêm, là để ta hiểu rằng linh hồn phải để cho các quan năng của mình bị chìm trong tăm tối đối với hết mọi sự, mới chiếm được ba nhân đức ấy, và phải tận dụng đêm tối đó để nên hoàn thiện trong ba nhân đức ấy.
Trong sách Isaia (Is 6,2) ta cũng đọc thấy ngôn sứ nhìn thấy bên cạnh ngai Thiên Chúa có hai vị thiên thần sốt mến mà mỗi vị đều có sáu cánh: Hai cánh phủ chân là có ý nói phải làm cho mù tối và loại trừ hết những trìu mến mà lòng muốn có đối với mọi sự, để quy hướng về Thiên Chúa; hai cánh che mặt, ngụ ý nói đến sự tăm tối của trí hiểu truớc mặt Thiên Chúa; hai cánh còn lại để bay, ngụ ý nói về đà bay của đức cậy, hướng đến những điều tốt không chiếm hữu được, vì đức cậy vượt lên trên tất cả những gì có thể chiếm hữu được ngoài Thiên Chúa, hoặc ở đời này hoặc ở đời sau.
6 - Vậy phải quy ba quan năng của linh hồn vào ba nhân đức ấy, định hướng cho mỗi quan năng bằng một nhân đức tương ứng; phải lột trần mỗi quan năng, buộc nó phải ở trong tăm tối về tất cả những gì sẽ không phải là ba nhân đức ấy. Đó là đêm tâm linh mà chúng tôi gọi là đêm chủ ý, theo nghĩa là linh hồn làm tất cả những gì có thể làm được về phía nó để tiến vào đêm ấy. Trước đây, khi bàn về đêm giác quan, chúng tôi đã chỉ dẫn phương cách để giải tỏa (làm trống rỗng) các quan năng giác quan khỏi những đối tượng khả giác gây mê thích, để linh hồn ra khỏi những giới hạn tự nhiên của nó và đi vào con đường đức tin. Cũng vậy, trong đêm tối tâm linh này, với ơn Chúa giúp, chúng tôi sẽ chỉ phương cách để giải tỏa và thanh tẩy các quan năng tâm linh khỏi tất cả những gì không phải là Thiên Chúa, ngõ hầu chúng được chìm trong sự tăm tối của ba nhân đức ấy là phương thế và điều kiện thuận lợi giúp linh hồn được nên một cùng Thiên Chúa.
7 - Bằng cách ấy linh hồn sẽ được hoàn toàn vững chắc trước các mưu chước lừa gạt của ma quỷ, cũng như trước mãnh lực của tính tự ái và các con đẻ của nó. Các mưu chước ấy vẫn thường lừa gạt cách tinh tế và ngăn cản bước tiến của những người theo đường tâm linh, chỉ vì họ không biết tự trút bỏ để làm chủ lấy mình dựa theo ba nhân đức ấy. Do đó, họ chẳng bao giờ đạt được thực chất và cốt tủy của ơn lành tâm linh, và không tiến bước được trên con đường thẳng và ngắn mà lẽ ra họ đã có thể làm được.
8 - Xin các bạn độc giả chú ý, bây giờ tôi sẽ đặc biệt nói với những người đã bắt đầu tiến vào bậc chiêm niệm. Còn đối với những người khởi sự bước vào đường tâm linh, sẽ phải được mổ xẻ vấn đề này rộng rãi hơn, như chúng tôi sẽ thực hiện trong cuốn thứ hai (tức là cuốn Đêm Dày) khi chúng tôi bàn về những điều kiện thuận lợi cho những người mới khởi sự...
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét