Các Trang

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 7: Đường hẹp của trí hiểu



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 7
ĐƯỜNG HẸP CỦA TRÍ HIỂU *

Chương này cho thấy nẻo đường dẫn đến sự sống đời đời hẹp như thế nào, và những ai muốn đi qua đó phải trở nên trần trụi và tự lột bỏ các chướng ngại ra sao.

Bắt đầu nói về sự trần trụi của trí hiểu.

1 - Để bàn về sự trần trụi và tinh ròng của ba quan năng linh hồn, lẽ ra cần phải có một ai khác giàu kiến thức và đời sống tâm linh hơn tôi mới có thể giúp những người theo đường tâm linh hiểu được con đường Đấng Cứu Thế đã nói, tức là con đường dẫn đến sự sống, hẹp đến mức nào; để rồi nhờ xác tín ấy, họ không còn bỡ ngỡ về sự trống rỗng và trần trụi mà trong đêm tối ấy, các quan năng linh hồn sẽ phải rơi vào.

2- Vì thế cần chú ý ghi nhận những lời Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã nói trong Tin Mừng Mátthêu (Mt 7,14): "Chật biết mấy khung cửa và hẹp biết mấy con đường dẫn đến sự sống, và ít biết mấy những kẻ tìm thấy nó". Trong câu này, ta cần ghi nhận giọng tán thán và nhấn mạnh trong kiểu nói “biết mấy”. Phải hiểu là Ngài muốn nói rằng: Quả thật nó rất hẹp, hẹp hơn các con tưởng nhiều.

Cũng cần phải lưu ý rằng Chúa đã nói đến cửa hẹp trước tiên là để giúp ta hiểu rằng nếu linh hồn muốn vào qua cửa ấy là Đức Kitô, ở ngay khởi điểm của con đường, trước hết nó phải tự co rút lại và lột bỏ khỏi lòng muốn mọi điều khả giác mau qua mà yêu mến Thiên Chúa trên hết tất cả mọi sự ấy, đó là chuyện của đêm giác quan mà chúng ta đã nói rồi.

3 - Tiếp đến, khi nói con đường hẹp - tức đường hoàn thiện - Chúa muốn ta hiểu rằng ai muốn theo con đường này thì không những phải vào bằng cửa hẹp bằng cách lột bỏ những gì là khả giác mà còn phải giũ bỏ cả những thứ thuộc tâm linh.

Như thế, ở đây chúng ta có thể nối kết cửa hẹp với những gì nơi chúng ta thuộc khả giác và đường chật với những gì nơi chúng ta thuộc tâm linh và lý trí. Chúa Kitô còn nói rằng có ít người tìm được cửa hẹp này. Chúng ta hãy ghi nhận lý do tại sao. Chính là vì có ít người biết và muốn đi vào sự trần trụi triệt để và sự trống rỗng tâm linh. Và quả thật, con đường dẫn tới đỉnh cao hoàn thiện cheo leo và chật hẹp đòi hỏi khách bộ hành không được mang vác bất cứ thứ gì gây nặng nề cho phần hạ đẳng và bất cứ thứ gì gây rắc rối cho phần thượng đẳng. Để tìm kiếm và đạt tới chính Thiên Chúa ta chỉ được tìm kiếm và đạt cho tới một mình Thiên Chúa mà thôi.

4 - Do đó, rõ ràng linh hồn không những phải được bước đi tự do, không bị ràng buộc gì với tất cả những điều thuộc phần các thụ tạo, mà còn phải được bước đi tự do, bị tước lột và bị hủy ra không cả về phần tâm linh. Vì thế, trong khi dạy dỗ và dẫn dắt ta vào con đường này, Chúa chúng ta có nói trong Tin Mừng Marcô. Đây là một giáo lý rất đáng ngưỡng mộ, tuy nhiên dường như những người theo đường tâm linh lại thực hiện ít hơn mức độ họ cần thực hiện. Đây cũng là một giáo lý rất phù hợp với đề tài của chúng ta, nên tôi xin nhắc lại đây trọn vẹn và nêu lên cả ý nghĩa thật và ý nghĩa tâm linh của nó. Đó là điều Chúa phán như sau: "Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Thật vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu mạng sống ấy" (Mc 8,34-35).

5 - Ôi, ai sẽ có thể giúp người ta hiểu, thực hành và nếm cảm lời khuyên Đấng Cứu Chuộc dạy phải bỏ mình, để những người theo đường tâm linh hiểu rằng cách xử sự họ cần theo trên con đường này khác hẳn cách xử sự nhiều người trong họ vẫn tưởng. Có những người tưởng rằng chỉ cần lắng lòng đôi chút và cải tổ đời sống qua loa là đủ. Có những người khác hài lòng với một vài việc tập luyện nhân đức, kiên trì nguyện ngắm và lo hy sinh hãm mình, nhưng họ lại không đạt được điều Chúa khuyên dạy là sự trần trụi, nghèo khó, từ bỏ và sự tinh sạch tâm linh, tất cả chỉ là một. Chỉ vì họ vẫn còn tìm cách lo cho mặt tự nhiên của họ được no thỏa và tô điểm bằng những lời an ủi và những tình cảm tâm linh, thay vì bắt nó phải trần trụi và chối bỏ mọi sự vì Thiên Chúa. Họ tưởng chỉ cần bắt nó từ bỏ những chuyện thế gian là đủ, chứ không cần hủy diệt nó và thanh tẩy nó về chuyện điều tốt về mặt tâm linh. Do đó mà, hễ thoáng thấy phải đương đầu với điều gì cứng cáp và hoàn thiện, hoàn toàn vắng bóng sự dịu ngọt của Thiên Chúa, phải khô khan, chán ngán và lao nhọc (nói tắt là những gì làm nên thánh giá tâm linh thuần túy và sự trần trụi của tinh thần nghèo khó theo Đức Kitô), họ liền tránh xa như tránh cái chết. Họ chỉ tìm những cái dịu ngọt và những tương giao êm ái nơi Chúa; và như thế, thì còn gì là bỏ mình, là trần trụi tâm linh, chỉ còn là tật tham ăn tâm linh. Như thế là họ tự biến mình thành thù địch của thập giá Đức Kitô (Pl 3,18) về mặt tâm linh. Thật vậy, vì một tâm linh đích thực thì tìm kiếm nơi Thiên Chúa điều nhạt nhẽo hơn là điều dịu ngọt; nghiêng về chịu đau khổ hơn là được an ủi; bị thiếu thốn mọi sự vì Thiên Chúa hơn là chiếm hữu; và chịu khô khan sầu muộn hơn là hưởng những tương giao êm ái, vì biết rằng có thế mới là theo Chúa Kitô và bỏ mình, còn nếu làm khác đi thì chỉ là tìm chính mình trong Thiên Chúa, là điều trái ngược hẳn với tình yêu. Tìm kiếm chính mình trong Thiên Chúa là tìm kiếm những vui thích và hoan lạc về Thiên Chúa, còn ngược lại, tìm kiếm Thiên Chúa trong mình, không những là muốn bị thiếu hụt điều này điều nọ vì Thiên Chúa, nhưng còn là vì Đức Kitô mà chọn tất cả những gì là nhạt nhẽo hơn, cả trong sự hưởng nếm Thiên Chúa và sự hưởng nếm thế gian, và như thế mới thật là yêu mến Thiên Chúa.

6 - Ôi, ai sẽ có thể làm cho mọi người hiểu Thiên Chúa muốn họ từ bỏ đến mức nào. Chắc hẳn phải từ bỏ đến độ như thể là chết đi; như thể là tự hủy mình đi ở đời này, cả về mặt tự nhiên và về mặt tâm linh, trong hết mọi sự, trong tất cả những gì mà lòng muốn quý chuộng. Có thể nói là thật sự từ bỏ tất cả. Đó chính là điều Đấng Cứu Chuộc ta nhắm đến ở đây khi nói: "Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất". Có nghĩa là, ai muốn sở hữu hoặc săn đuổi cho mình một điều gì đó, thì sẽ mất nó. Còn câu: "Ai đành mất mạng sống mình vì Ta, sẽ giữ được nó" có nghĩa là: Ai vì Đức Kitô mà từ bỏ tất cả những gì lòng muốn mình có thể ao ước hoặc nếm hưởng, và chọn những gì giống với thánh giá hơn, thì lại đạt được (Trong Tin Mừng Ga 12,25, chính Chúa gọi sự “nên giống thánh giá” là “gớm ghét mạng sống mình”).

Đó cũng là điều Chúa uy linh đã dạy cho hai người môn đệ đến xin ngồi bên phải và bên trái Ngài (Mt 20,20-23). Ngài không đả động gì đến ý nguyện muốn được vinh quang của họ, nhưng lại chỉ cho họ chén mà Ngài phải uống, như là điều ở trên đời này, còn quý giá và chắc chắn hơn sự hưởng thụ.

7 - Chén đắng ấy là chết đi cho tính tự nhiên, lột sạch nó và hủy diệt nó, để nó có thể bước trên con đường hẹp này trong tất cả những gì có thể thuộc về nó cả về mặt giác quan (như chúng tôi đã nói) cả về mặt linh hồn (như chúng tôi sắp nói đây) tức là trong cả trí hiểu, trong sự hưởng nếm và trong cảm quan của nó. Không những tính tự nhiên ấy bị tước lột cả hai mặt, mà hơn nữa, xét về mặt thứ hai là mặt tâm linh, nó không còn bị vướng mắc khi tiến bước trên con đường hẹp này. Bởi lẽ, như Đấng Cứu Thế muốn nói, trên con đường này không có gì khác ngoài sự từ bỏ và thập giá là cây gậy để chống mà đi, và với cây gậy này, sẽ bước đi dễ và nhẹ hơn nhiều. Do đó, cái ách và cái gánh Chúa nói trong Tin Mừng Mt 11,30, là nói về thập giá. Thật vậy, nếu người nào đã quyết hạ mình vác thập giá ấy, tức là đã thật sự muốn tìm và chịu lao nhọc trong hết mọi sự vì Chúa, thì sẽ gặp được ở đó một sự nhẹ nhàng và êm ái lớn lao để bước đi trên con đường này, vì đã hết sức trần trụi và không còn ước ao gì. Còn người nào đòi phải có được một chút gì đó, muốn chiếm giữ một chút gì đó hoặc về Thiên Chúa hoặc về điều gì khác, thì không còn trần trụi và cũng không phải là đã chối bỏ tất cả, và như vậy, sẽ không vững bước cũng không thể trèo cao trên nẻo đường hẹp này.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét