ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2
CHƯƠNG 7
ĐƯỜNG HẸP CỦA TRÍ HIỂU * (tiếp theo)
8 - Vì thế tôi tha thiết nhắc nhủ những người theo đường tâm linh rằng con đường của Thiên Chúa không cốt ở chỗ có nhiều nhận xét, nhiều phương thế, nhiều cách thức, nhiều thú vị (mặc dù những điều ấy có phần cần thiết cho những người mới khởi sự) nhưng chỉ cốt ở một điểm cần thiết duy nhất là biết thực sự bỏ mình cả bên ngoài và bên trong, tập chịu đau khổ vì Đức Kitô và tự hủy mình trong hết mọi sự. Tập được điều ấy thì tất cả những gì đã nói và cả nhiều điều khác nữa sẽ thành tựu vì tất cả đều gói ghém trong điều ấy. Còn nếu không chịu tập điều ấy, vì nó là tóm tắt và là cội rễ mọi nhân đức, thì tất cả những cách thức khác đều chỉ là vá víu, không tiến được, cho dù có đạt được những nhận thức và ơn thông hiệp cao siêu như các thiên thần đi nữa cũng không nghĩa lý gì. Bởi lẽ, chỉ có được sự tiến bộ nếu bắt chước Đức Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6). Như Ngài đã nói trong Tin Mừng Gioan, không ai đến được với Cha nếu không qua Ngài. Nơi khác Ngài còn nói: "Ta là cửa, ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu" (Ga 10,9). Do đó, tâm hồn nào chỉ tìm kiếm sự dịu ngọt và dễ dãi, không chịu bắt chước Đức Kitô thì tôi không cho là tốt.
9 - Tôi đã nói Đức Kitô là đường, và đường này là chết đi cho bản tính tự nhiên của ta, cả về mặt cảm giác lẫn về mặt tâm linh. Tôi xin giải thích thêm về điều ấy, dựa vào gương Đức Kitô, vì Ngài quả là gương mẫu và là ánh sáng cho ta.
10 - Về điểm thứ nhất, chắc chắn Ngài đã chết cho giác quan, suốt đời Ngài đã chết như thế về mặt tâm linh và vào lúc chết Ngài đã thực hiện điều ấy theo quy luật tự nhiên. Thật vậy, theo cách nói của Ngài thì khi sống Ngài đã không có nơi dựa đầu, và khi chết tình trạng còn bi đát hơn nữa (Mt 8,20).
11 - Về điểm thứ hai, chắc chắn là chính vào lúc Ngài chết, Ngài đã rơi vào tình trạng bị hủy ra không trong linh hồn, chẳng một chút an ủi hoặc xoa dịu nào. Chúa Cha bỏ mặc Ngài trong sự sầu muộn cực độ, đến nỗi không thể cầm lòng, Ngài đã thốt lên trên thập giá: "Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi! Tại sao Chúa lại bỏ tôi?" (Mt 27,46). Đó là sự bỏ rơi lớn nhất, chấn động nhất Ngài phải chịu trong cuộc đời. Nhưng đó cũng chính là lúc Ngài thực hiện công cuộc lớn nhất đời Ngài, công cuộc vượt trên mọi điềm thiêng và dấu lạ Ngài đã làm trên trời dưới đất. Công cuộc ấy là giao hòa nhân loại với Thiên Chúa, làm cho họ được hiệp nhất với Thiên Chúa bằng ơn thánh. Công cuộc ấy được hoàn thành vào thời, vào lúc mà Ngài hoàn toàn bị hủy ra không về danh dự trước mặt con người, vì khi thấy Ngài, họ đã nhạo báng Ngài, chẳng còn nể trọng chút nào. Ngài đã hủy mình ra không về bản tính tự nhiên, vì chính khi chết Ngài đã tự hủy mình trong bản tính ấy. Ngài bị hủy ra không trước mặt Cha Ngài, là Đấng thay vì bênh vực và an ủi tâm linh, đã để mặc Ngài bị bỏ rơi, ngõ hầu đang khi bị hủy diệt và dường như bị dồn vào chỗ hư không như thế, Ngài trả nợ thay nhân thế và nối kết con người lại với Thiên Chúa. Bởi đó, vua Đavít đã nói về Ngài: "Con quả đã ngu si chẳng hiểu, trước mặt Ngài như thú vật nào hơn" (Tv 72/73,22). Chính là để những người thực sự theo đường tâm linh hiểu rõ mầu nhiệm về cửa hẹp và đường chật của Đức Kitô, mà nên một cùng Thiên Chúa. Đồng thời cũng là để họ biết rằng họ càng tự hủy vì yêu mến Thiên Chúa, trong cả hai phần cảm giác và tâm linh, càng được nên một với Thiên Chúa hơn và công trình họ thực hiện được càng lớn hơn. Hơn nữa, khi nào họ đạt đến mức ấy, tức là bị hủy ra không, được ở trong sự khiêm nhượng tột cùng, linh hồn họ sẽ hoàn thành cuộc nên một tâm linh với Thiên Chúa. Đó là một tình trạng vinh hiển nhất và cao vời nhất, người ta có thể đạt được ở đời này. Nó không cốt ở những hoan lạc, những thú vị, những tình cảm tâm linh, nhưng chỉ hệ tại ở một cái chết mãnh liệt trên thập giá, cả về mặt cảm giác và tâm linh, tức là cả bên ngoài và bên trong.
12 - Tôi không muốn nói dài hơn nữa về đề tài này, mặc dù trong thâm tâm vẫn ao ước được tiếp tục, vì thấy cả những người tự cho là bạn của Đức Kitô cũng biết về Ngài quá ít. Thật vậy, dường như họ đến với Chúa là để tìm nơi Ngài những dịu ngọt và ủi an cho chính họ, nghĩa là họ quá yêu mình. Họ không tìm kiếm những cay đắng và những sự tự hủy của Ngài, là sự tìm kiếm đánh dấu tình yêu của họ đối với Ngài. Tôi nói những điều này với những người tự cho mình là bạn hữu Chúa. Còn những kẻ sống xa Chúa, tách lìa khỏi Ngài, tức là những người làm lớn, những nhà thông thái, những kẻ quyền thế và những người khác đang sống ở thế gian, đang lo tìm kiếm thỏa mãn những tham vọng và những ảo ảnh lớn lao về chính họ, chúng ta có thể nói rằng họ không biết Đức Kitô: kết cục của họ dù có vẻ tốt đẹp đến đâu cũng thật cay đắng. Những dòng này không dành cho họ; cứ chờ đến ngày phán xét sẽ nói sau. Bởi vì, lẽ ra chính họ là những người trước hết phải được nói cho biết những lời này của Thiên Chúa, vì họ có học và ở một địa vị cao.
13 - Giờ đây, chúng tôi xin nói với những người theo đường tâm linh, đặc biệt là những người Thiên Chúa đã thương nhắc lên bậc chiêm niệm (như tôi đã nói, giờ đây tôi đặc biệt ngỏ lời với những người ấy), và chúng tôi sẽ nói rõ làm sao người ta có thể vươn thẳng tới Thiên Chúa nhờ đức tin, và tự thanh luyện khỏi những điều trái nghịch, tự thu hẹp mình để vào được trong nẻo đường hẹp của ơn chiêm niệm tăm tối.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét