Các Trang

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

Bài thơ số 43 của Chị Tiên Sa Nhỏ: Lồng chim của Chúa Giêsu Hài Đồng

 


LỒNG CHIM CỦA CHÚA GIÊSU HÀI ĐỒNG
(Điệu: Theo tiếng Sơn Ca)

1. Vì những kẻ lưu đày trên trần thế
Chúa Nhân Lành đã tạo nên chim
Để chúng sẽ líu lo
Hót lên lời cầu nguyện
Trong các thung lũng,
Trên những sườn đồi,

2. Những em bé vui tươi tinh nghịch
Chọn được những chú chim ưa thích
Đem nhốt chúng vào lồng
Chấn song sơn lòe loẹt.

3. Ôi Giêsu! Người Anh bé bỏng của chúng em
Vì chúng em mà Chúa rời Thiên Đàng tuyệt diệu
Nhưng Chúa biết rõ, chiếc lồng của Chúa
Ôi Hài Nhi thần thánh, chính là Cát Minh.

4. Lồng của chúng em không được thếp vàng
Nhưng chúng em vô cùng yêu quý
Những cánh rừng, hay bình nguyên xanh ngát
Chúng em sẽ chẳng bao giờ bay đến.

5. Giêsu ơi, những khóm cây của thế gian
Không thể làm chúng em hài lòng
Trong nơi cô tịch thẳm sâu
Chúng em chỉ vì một mình Người mà hát.

4. Bàn tay thơ bé của Người thu hút chúng em
Hài Nhi ơi, nét quyến rũ của Người tuyệt diệu!
Ôi Giêsu Thần Thiêng! Nụ cười của Chúa
Giam cầm những con chim bé bỏng!...

7. Nơi đây linh hồn đơn sơ và trong trắng
Tìm thấy đối tượng của tình yêu
Như chim bồ câu nhút nhát
Không còn sợ gặp phải diều hâu.

8. Trên đôi cánh của lời cầu nguyện
Người ta thấy bay lên con tim rực cháy
Như con chim chiền chiện nhẹ nhàng
Tung mình lên cao cất tiếng hót.

9. Ở đây người ta nghe tiếng hát líu lo
Của chim hồng tước, của sẻ khướu vui tươi
Ôi Giêsu bé nhỏ! trong chiếc lồng của chúng. (Mt 6,26)
Những con chim nhỏ hót líu lo tên Người.

10. Chú chim nhỏ lúc nào cũng ca hát
Cuộc đời nó có lo lắng gì đâu.
Một hạt kê đủ làm nó hài lòng
Nó đâu phải gieo trồng trên trần thế. (Tv 144,15-16)

11. Cũng như nó, khi ở trong lồng (Lc 10,42)
Chúng em nhận từ tay Người tất cả
Điều cần thiết duy nhất
Là yêu Người, ôi Hài Nhi Thiên Chúa.

12. Chúng em cũng hát mừng Người những lời chúc tụng
Hòa giọng cùng những thần trí thanh sạch chốn Thiên Cung
Và chúng em biết, hết thảy các thiên thần
Đều yêu mến những con chim ở Cát Minh.

13. Ôi Giêsu, để lau sạch những giọt nước mắt
Mà những người tội lỗi làm Chúa phải tuôn trào
Bầy chim hót nhắc lại những quyến rũ của Chúa
Lời chúng hát dịu dàng mang về cho Chúa các tâm hồn.

14. Một ngày kia tiếng Người gọi vọng tới
Tất cả bọn chim rời khỏi lồng chim
Rời khỏi chốn u sầu dương thế
Vỗ cánh bay về tận Thiên Cung.

15. Cùng với các thiên binh diễm lệ
Những thần sốt mến bé nhỏ vui tươi
Chúng con sẽ hát mừng Người trên Thiên Đàng
Ôi Chúa Hài Nhi Thiên Chúa.

***
- Chú thích:
NGÀY: Noël 1896 - SÁNG TÁC tặng Cộng đoàn vào buổi tối Giáng Sinh - ẤN BẢN: HA 98; có bốn câu được chữa lại - GIAI ĐIỆU: Theo tiếng Sơn Ca.

Một hình ảnh đẹp mang lại sự cất cánh cho "Noël của những chú chim", kéo hơi dài việc so sánh lồng chim với Cát Minh. Nhưng đối với một giải trí trong ngày đại lễ thì người ta có thể tự cho phép mình một vài phóng túng. Ở đây mỗi con chim đều hót theo cách ghi nhận riêng của nó: bồ câu, chiền chiện, hồng tước, sẻ, khướu. Như con chim trong Tin Mừng, “không gieo không gặt", người nữ tu Cát Minh nhận “tất cả từ tay” Chúa Giêsu: từ đó nảy sinh sự vui tươi và phó thác, và sự tận hiến cho "điều cần thiết duy nhất, yêu mến Cuối cùng, “tất cả các con chim" được giải phóng đều cùng “lấy đà bay lên trời", ở đó chúng tiếp tục tiếng hót chúc tụng của chúng.

Mười năm trước, một chiếc lồng chim đã làm vui "tầng mái nghèo hèn của Têrêxa". Tại Cát viện, những con chim tiếp tục làm tăng thêm những ước mơ của Chị; trong mùa hè 1896, cùng với Thủ Bản B. giá trị biểu trưng về chim mang một chiều kích mới, được ghi đấu cách tuyệt diệu bằng một sự hiệp nhất năng động, và ngay cả khi "bay lên không dựa vào khả năng riêng của mình”, như chú chim vừa ca hát vừa bay lượn thế nào, thì trái tim Chị cũng vậy ngay trong giông bão, tức là những thử thách về thể xác cũng như tâm hồn, Têrêxa vẫn không khước từ ca hát.

- Trích trong tác phẩm “Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu Và Thánh Nhan, quyển III: Thơ & Kịch Đạo Đức”. Bản dịch của Nôbertô Thái Văn Hiến, trang 186-189.

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2024

Tìm Chúa Hài Nhi

 


TÌM CHÚA HÀI NHI

Chúa sinh giữa chốn đồng hoang
Mà con tìm chỗ rộn ràng đèn hoa.
Con tìm, tìm mãi..., không ra!


Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 8: Không gì trong giới tự nhiên có thể trực tiếp giúp nên một với Thiên Chúa



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 8
KHÔNG GÌ TRONG GIỚI TỰ NHIÊN
CÓ THỂ TRỰC TIẾP GIÚP NÊN MỘT VỚI THIÊN CHÚA *

Chương này bàn tổng quát về việc không thụ tạo nào và cũng không nhận thức nào có thể là phương thế trực tiếp giúp nên một với Thiên Chúa.

1 - Trước khi bàn đến phương thế riêng và tương xứng giúp nên một với Thiên Chúa, tức là đức tin, thiết tưởng nên chứng minh rằng không một thụ tạo nào, không một tư tưởng nào có thể là phương thế thích hợp giúp trí hiểu nên một với Thiên Chúa. Hơn thế nữa, tất cả những gì trí hiểu có thể thâu đạt, nếu gắn bó vào nó thì thay vì nên phương tiện cho trí hiểu, nó sẽ thành chướng ngại. Trong chương này, chúng ta sẽ chứng minh tổng quát, sẽ nói riêng từng điểm, bàn xuống hết mọi nhận thức mà trí hiểu có thể tiếp nhận do bất cứ một giác quan nào, hoặc bên trong hoặc bên ngoài, cùng với những bất lợi và thiệt hại các nhận thức bên trong hoặc bên ngoài có thể gây cho nó nếu nó không gắn bó trực tiếp vào phương thế thích hợp là đức tin.

2 - Nên biết rằng theo một qui tắc triết học, tất cả mọi phương thế đều phải xứng hợp với mục đích, nghĩa là phải có một sự phù hợp và giống nhau nào đó với mục đích, đủ để đạt được mục đích người ta theo đuổi. Xin nêu một ví dụ: Muốn đi tới một thành phố, nhất thiết phải lên đường, là phương tiện dẫn tới thành phố ấy, nối kết ta với thành phố ấy. Một ví dụ khác: Muốn nối kết lửa với củi, cần dùng nhiệt lượng làm phương tiện, phải hun nóng củi tới một độ nóng nào đó để nó nên giống hệt và tương ứng được với lửa. Nếu không dùng phương thế xứng hợp là nhiệt lượng, mà lại dùng những phương thế khác không thích hợp, chẳng hạn như khí, nước hoặc đất... thì sẽ không thể nào củi nên một được với lửa. Cũng tựa như người ta chỉ có thể đi được tới một thành phố nếu biết đi qua con đường thích hợp nối kết với thành phố ấy. Do đó, để trí hiểu nên một được với Thiên Chúa trên cõi đời này, cần phải dùng phương thế nào nối kết được với Ngài và có được sự tương tự, giống với Ngài nhất.

3 - Về điểm này, phải lưu ý rằng giữa tất cả các thụ tạo, thượng đẳng cũng như hạ đẳng, không một thụ tạo nào có thể là phương thế gần gũi nối kết được với Thiên Chúa, hoặc có thể tương tự được với hữu thể Ngài. Mặc dù, theo lời các nhà thần học, mọi thụ tạo đều qui về Thiên Chúa cách nào đó và đều là dấu vết về Ngài nhiều hay ít tùy theo mức độ hoàn thiện của bản thể chúng, giữa Thiên Chúa và các thụ tạo ấy không có một sự tương ứng hay một sự giống nhau nào theo yếu tính. Ngược lại, giữa hữu thể Thiên Chúa và các thụ tạo ấy là một khoảng cách vô tận. Do đó trí hiểu không thể nào đạt đến Thiên Chúa nhờ phương tiện các thụ tạo, trên trời hay dưới đất, vì không có sự tương ứng hay giống nhau nào cả. Bởi đó, khi bàn về các thụ tạo trên trời, vua Đavít đã nói: "Không một thần linh nào sánh kịp Ngài, lạy Chúa" (Tv 85/86,8). Qua kiểu nói “thần linh”, tác giả muốn hiểu về các thiên thần và các linh hồn thánh thiện. Trong thánh vịnh 76/77,14, ông lại viết: "Lạy Thiên Chúa, đường lối Ngài quả là thánh thiện, có thần nào cao cả như Thiên Chúa?". Dường như ông muốn nói: Lạy Chúa, con đường để đến với Chúa là một con đường thánh, tức là con đường của đức tin tinh tuyền. Thật vậy, có Thiên Chúa nào khác cao cả đến thế? Tức là: có thiên thần nào có bản tính cao cả như Thiên Chúa, hay có vị thánh nào có vinh quang cao cả như Chúa đến độ có thể là con đường xứng hợp và đầy đủ giúp đạt đến Chúa? Cũng chính vua Đavít khi nhắc đến mọi vật cả trên trời dưới đất, còn nói: "Chúa tuy thật là cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn, kẻ tự mãn tự cao, từ xa Ngài đã biết" (Tv 137/138,6). Có nghĩa là: Thiên Chúa rất cao cả trong hữu thể Ngài, Ngài thấy mọi vật dưới đất này thật thấp kém so với bản tính siêu việt của Ngài, còn những điều trên cao, tức là các thụ tạo trên trời, thì Ngài thấy và biết chúng từ rất xa. Cho nên tất cả mọi thụ tạo đều không thể nào dùng làm phương thế xứng hợp cho trí hiểu để đạt tới Thiên Chúa.

4 - Cũng y như vậy, tất cả những gì trí tưởng tượng có thể bày ra và trí hiểu có thể tiếp nhận hoặc hiểu được trên đời này, đều không thể nào dùng làm phương tiện trực tiếp giúp nên một với Thiên Chúa. Cứ xét theo lẽ tự nhiên, trí hiểu không thể nào hiểu được một vật nếu nó không lọt vào dưới những dạng thức và hình ảnh do các giác quan thể chất đem lại; mà như đã nói, các vật này cũng không thể nào dùng làm phương thế dẫn đến sự nên một với Thiên Chúa; mà đã như thế cả trí tuệ tự nhiên của ta cũng bất lực. Còn nếu nói về trí hiểu siêu nhiên, theo khả năng có thể được ở đời này, thì phải biết rằng trí hiểu của ta bao lâu còn ở trong nhà tù thân xác thì không sẵn sàng cũng không có khả năng tiếp nhận một hiểu biết rạch ròi về Thiên Chúa, vì sự hiểu biết này không dành cho những người còn sống ở trần gian, phải chết đi mới nhận được, còn nếu không thì đành chịu thua. Vì thế, khi Môsê nài xin một sự hiểu biết rạch ròi kiểu ấy, Thiên Chúa đã trả lời rằng ông không thể thấy Ngài: "Người phàm không thể thấy Ta mà vẫn còn sống" (Xh 33,20). Thánh Gioan cũng nói: "Chưa bao giờ đã có ai thấy Thiên Chúa" (Ga 1,18) hoặc điều gì tương tự như Ngài. Thánh Phaolô (1Cr 2,9) cũng nhắc lại lời ngôn sứ Isaia (64,4): "Mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới". Vì thế, Môsê không dám lại nhìn bụi gai đang bốc cháy, nơi Thiên Chúa đang hiện diện (Cv 7,32); ông biết rõ rằng trí hiểu của ông không thể nào suy xét được về Thiên Chúa cho xứng hợp với những gì ông đã cảm nhận về Thiên Chúa. Sách cũng có chép rằng ngôn sứ Êlia, tổ phụ của chúng ta, khi ở trên núi đã che mặt lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa (1V 19,13). Ngài làm như vậy có nghĩa là ngài đặt trí hiểu vào tình trạng tăm tối, bởi vì không dám dùng một phương tiện thô hèn mà chạm đến một thực tại cao cả đến thế. Ngài thấy rất rõ rằng bất cứ điều gì ngài suy xét hoặc hiểu được cách đặc biệt, cũng đều rất xa vời và khác với Thiên Chúa.

5 - Như thế, không có một nhận thức hay một sự tiếp thu siêu nhiên nào ở đời này có thể dùng làm phương thế trực tiếp dẫn đến sự nên một tình yêu cao sâu với Thiên Chúa. Bởi vì, như đã nói, tất cả những gì trí hiểu có thể biết, những gì lòng muốn có thể nếm, những gì trí tưởng tượng có thể tạo ra, tất cả đều rất khác biệt và không xứng hợp với Thiên Chúa. Đó là điều ngôn sứ Isaia đã giúp ta hiểu tài tình trong lời sau đây: "Các ngươi cho Thiên Chúa giống tựa ai vậy? Các ngươi lấy gì tương tự để đem so với Ngài? (Có phải các ngươi lầm) như thợ đúc sắt đã đúc một pho tượng, thợ kim hoàn thì dát vàng và thợ rèn rèn những xà tích bạc?" (Is 40,18-19). Thợ đúc sắt ám chỉ trí hiểu, mà chức năng là tạo nên các ý niệm và gạn lọc chúng khỏi đống sắt của những hình ảnh biểu thị và hoang tưởng: Thợ kim hoàn ám chỉ lòng muốn, vốn có tài tiếp nhận đủ các loại vui thú được thứ vàng là tình yêu gây ra; thợ bạc ám chỉ dạ nhớ và trí tưởng tượng; cũng như thợ bạc không thể trình bày Thiên Chúa bằng những lá bạc, thì dạ nhớ và trí tưởng tượng cũng không thể diễn tả Thiên Chúa bằng những ghi nhận và hình ảnh biểu thị của chúng. Như thế có nghĩa là: Trí hiểu với những ý niệm của chúng không thể quan niệm nổi điều gì sánh được với những hoan lạc và dịu ngọt nơi Thiên Chúa; cả dạ nhớ cũng không thể đặt nổi vào trí tưởng tượng những ghi nhận và hình ảnh diễn tả được Ngài. Như vậy, rõ ràng là không một điều gì trong các ghi nhận ấy có thể là phương thế trực tiếp đưa dẫn đến với Thiên Chúa. Để lại gần Thiên Chúa, nên loại trừ các ánh sáng của trí hiểu hơn là tận dụng chúng; và để lại gần tia sáng thần linh hơn thì nên để mình mù lòa và đi trong tăm tối hơn là mở mắt.

6 - Đó là lý do khiến cho sự chiêm niệm (là phương thế giúp trí hiểu nhận được sự hiểu biết cao xa nhất về Thiên Chúa) được gọi là thần học nhiệm giao, tức là khoa học về sự khôn ngoan giấu kín của Thiên Chúa; thật vậy, sự khôn ngoan này được giấu kín ngay cả với trí hiểu đang tiếp nhận nó. Và vì thế, thánh Điônisiô gọi nó là tia tăm tối. Còn ngôn sứ Barúc thì nói về nó rằng: "Chẳng ai trong họ đã biết đường khôn ngoan, họ đã chẳng thấy những lối đi của nó" (Br 3,23). Vậy, muốn nên một với Thiên Chúa, nhất định trí hiểu phải chịu mù tối trong tất cả mọi nẻo đường mà nó có thể vươn tới. Ông Aristốt nói rằng: “Đôi mắt loài dơi phản ứng thế nào trước ánh sáng mặt trời, là thứ ánh sáng hoàn toàn khiến nó bị tối tăm, thì trí hiểu của chúng ta cũng như thế trước ánh sáng rất chói ngời nơi Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn là tăm tối đối với chúng ta”. Ông còn nói thêm rằng: “Những thực tại nơi Thiên Chúa càng cao cả và sáng chói thì đối với chúng ta lại càng xa lạ và tăm tối”. Thánh Tông đồ cũng quả quyết như vậy, khi nói rằng: "Chính những điều cao cả nơi Thiên Chúa, lại được loài người biết đến ít nhất" (x. 1Cr 2,8).

7 - Chúng ta sẽ không xong được đề tài này nếu cứ muốn nêu hết mọi chứng từ và lý lẽ có sức minh chứng rõ ràng rằng chẳng có một thụ tạo nào hoặc tư tưởng nào có thể dùng làm thang cho trí hiểu trèo lên tới vị Thiên Chúa cao cả ấy. Ngược lại, nên biết rằng nếu trí hiểu muốn sử dụng tất cả các vật thụ tạo, hoặc một số nào trong đó, làm phương thế gần gũi đưa đến sự nên một với Thiên Chúa, thì không những sẽ gặp trở ngại trên bước đường leo lên đỉnh núi ấy, mà còn có nguy cơ mắc phải nhiều sai lầm và cạm bẫy.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 7: Đường hẹp của trí hiểu (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 7
ĐƯỜNG HẸP CỦA TRÍ HIỂU * (tiếp theo)

8 - Vì thế tôi tha thiết nhắc nhủ những người theo đường tâm linh rằng con đường của Thiên Chúa không cốt ở chỗ có nhiều nhận xét, nhiều phương thế, nhiều cách thức, nhiều thú vị (mặc dù những điều ấy có phần cần thiết cho những người mới khởi sự) nhưng chỉ cốt ở một điểm cần thiết duy nhất là biết thực sự bỏ mình cả bên ngoài và bên trong, tập chịu đau khổ vì Đức Kitô và tự hủy mình trong hết mọi sự. Tập được điều ấy thì tất cả những gì đã nói và cả nhiều điều khác nữa sẽ thành tựu vì tất cả đều gói ghém trong điều ấy. Còn nếu không chịu tập điều ấy, vì nó là tóm tắt và là cội rễ mọi nhân đức, thì tất cả những cách thức khác đều chỉ là vá víu, không tiến được, cho dù có đạt được những nhận thức và ơn thông hiệp cao siêu như các thiên thần đi nữa cũng không nghĩa lý gì. Bởi lẽ, chỉ có được sự tiến bộ nếu bắt chước Đức Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6). Như Ngài đã nói trong Tin Mừng Gioan, không ai đến được với Cha nếu không qua Ngài. Nơi khác Ngài còn nói: "Ta là cửa, ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu" (Ga 10,9). Do đó, tâm hồn nào chỉ tìm kiếm sự dịu ngọt và dễ dãi, không chịu bắt chước Đức Kitô thì tôi không cho là tốt.

9 - Tôi đã nói Đức Kitô là đường, và đường này là chết đi cho bản tính tự nhiên của ta, cả về mặt cảm giác lẫn về mặt tâm linh. Tôi xin giải thích thêm về điều ấy, dựa vào gương Đức Kitô, vì Ngài quả là gương mẫu và là ánh sáng cho ta.

10 - Về điểm thứ nhất, chắc chắn Ngài đã chết cho giác quan, suốt đời Ngài đã chết như thế về mặt tâm linh và vào lúc chết Ngài đã thực hiện điều ấy theo quy luật tự nhiên. Thật vậy, theo cách nói của Ngài thì khi sống Ngài đã không có nơi dựa đầu, và khi chết tình trạng còn bi đát hơn nữa (Mt 8,20).

11 - Về điểm thứ hai, chắc chắn là chính vào lúc Ngài chết, Ngài đã rơi vào tình trạng bị hủy ra không trong linh hồn, chẳng một chút an ủi hoặc xoa dịu nào. Chúa Cha bỏ mặc Ngài trong sự sầu muộn cực độ, đến nỗi không thể cầm lòng, Ngài đã thốt lên trên thập giá: "Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi! Tại sao Chúa lại bỏ tôi?" (Mt 27,46). Đó là sự bỏ rơi lớn nhất, chấn động nhất Ngài phải chịu trong cuộc đời. Nhưng đó cũng chính là lúc Ngài thực hiện công cuộc lớn nhất đời Ngài, công cuộc vượt trên mọi điềm thiêng và dấu lạ Ngài đã làm trên trời dưới đất. Công cuộc ấy là giao hòa nhân loại với Thiên Chúa, làm cho họ được hiệp nhất với Thiên Chúa bằng ơn thánh. Công cuộc ấy được hoàn thành vào thời, vào lúc mà Ngài hoàn toàn bị hủy ra không về danh dự trước mặt con người, vì khi thấy Ngài, họ đã nhạo báng Ngài, chẳng còn nể trọng chút nào. Ngài đã hủy mình ra không về bản tính tự nhiên, vì chính khi chết Ngài đã tự hủy mình trong bản tính ấy. Ngài bị hủy ra không trước mặt Cha Ngài, là Đấng thay vì bênh vực và an ủi tâm linh, đã để mặc Ngài bị bỏ rơi, ngõ hầu đang khi bị hủy diệt và dường như bị dồn vào chỗ hư không như thế, Ngài trả nợ thay nhân thế và nối kết con người lại với Thiên Chúa. Bởi đó, vua Đavít đã nói về Ngài: "Con quả đã ngu si chẳng hiểu, trước mặt Ngài như thú vật nào hơn" (Tv 72/73,22). Chính là để những người thực sự theo đường tâm linh hiểu rõ mầu nhiệm về cửa hẹp và đường chật của Đức Kitô, mà nên một cùng Thiên Chúa. Đồng thời cũng là để họ biết rằng họ càng tự hủy vì yêu mến Thiên Chúa, trong cả hai phần cảm giác và tâm linh, càng được nên một với Thiên Chúa hơn và công trình họ thực hiện được càng lớn hơn. Hơn nữa, khi nào họ đạt đến mức ấy, tức là bị hủy ra không, được ở trong sự khiêm nhượng tột cùng, linh hồn họ sẽ hoàn thành cuộc nên một tâm linh với Thiên Chúa. Đó là một tình trạng vinh hiển nhất và cao vời nhất, người ta có thể đạt được ở đời này. Nó không cốt ở những hoan lạc, những thú vị, những tình cảm tâm linh, nhưng chỉ hệ tại ở một cái chết mãnh liệt trên thập giá, cả về mặt cảm giác và tâm linh, tức là cả bên ngoài và bên trong.

12 - Tôi không muốn nói dài hơn nữa về đề tài này, mặc dù trong thâm tâm vẫn ao ước được tiếp tục, vì thấy cả những người tự cho là bạn của Đức Kitô cũng biết về Ngài quá ít. Thật vậy, dường như họ đến với Chúa là để tìm nơi Ngài những dịu ngọt và ủi an cho chính họ, nghĩa là họ quá yêu mình. Họ không tìm kiếm những cay đắng và những sự tự hủy của Ngài, là sự tìm kiếm đánh dấu tình yêu của họ đối với Ngài. Tôi nói những điều này với những người tự cho mình là bạn hữu Chúa. Còn những kẻ sống xa Chúa, tách lìa khỏi Ngài, tức là những người làm lớn, những nhà thông thái, những kẻ quyền thế và những người khác đang sống ở thế gian, đang lo tìm kiếm thỏa mãn những tham vọng và những ảo ảnh lớn lao về chính họ, chúng ta có thể nói rằng họ không biết Đức Kitô: kết cục của họ dù có vẻ tốt đẹp đến đâu cũng thật cay đắng. Những dòng này không dành cho họ; cứ chờ đến ngày phán xét sẽ nói sau. Bởi vì, lẽ ra chính họ là những người trước hết phải được nói cho biết những lời này của Thiên Chúa, vì họ có học và ở một địa vị cao.

13 - Giờ đây, chúng tôi xin nói với những người theo đường tâm linh, đặc biệt là những người Thiên Chúa đã thương nhắc lên bậc chiêm niệm (như tôi đã nói, giờ đây tôi đặc biệt ngỏ lời với những người ấy), và chúng tôi sẽ nói rõ làm sao người ta có thể vươn thẳng tới Thiên Chúa nhờ đức tin, và tự thanh luyện khỏi những điều trái nghịch, tự thu hẹp mình để vào được trong nẻo đường hẹp của ơn chiêm niệm tăm tối.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 7: Đường hẹp của trí hiểu



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 7
ĐƯỜNG HẸP CỦA TRÍ HIỂU *

Chương này cho thấy nẻo đường dẫn đến sự sống đời đời hẹp như thế nào, và những ai muốn đi qua đó phải trở nên trần trụi và tự lột bỏ các chướng ngại ra sao.

Bắt đầu nói về sự trần trụi của trí hiểu.

1 - Để bàn về sự trần trụi và tinh ròng của ba quan năng linh hồn, lẽ ra cần phải có một ai khác giàu kiến thức và đời sống tâm linh hơn tôi mới có thể giúp những người theo đường tâm linh hiểu được con đường Đấng Cứu Thế đã nói, tức là con đường dẫn đến sự sống, hẹp đến mức nào; để rồi nhờ xác tín ấy, họ không còn bỡ ngỡ về sự trống rỗng và trần trụi mà trong đêm tối ấy, các quan năng linh hồn sẽ phải rơi vào.

2- Vì thế cần chú ý ghi nhận những lời Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã nói trong Tin Mừng Mátthêu (Mt 7,14): "Chật biết mấy khung cửa và hẹp biết mấy con đường dẫn đến sự sống, và ít biết mấy những kẻ tìm thấy nó". Trong câu này, ta cần ghi nhận giọng tán thán và nhấn mạnh trong kiểu nói “biết mấy”. Phải hiểu là Ngài muốn nói rằng: Quả thật nó rất hẹp, hẹp hơn các con tưởng nhiều.

Cũng cần phải lưu ý rằng Chúa đã nói đến cửa hẹp trước tiên là để giúp ta hiểu rằng nếu linh hồn muốn vào qua cửa ấy là Đức Kitô, ở ngay khởi điểm của con đường, trước hết nó phải tự co rút lại và lột bỏ khỏi lòng muốn mọi điều khả giác mau qua mà yêu mến Thiên Chúa trên hết tất cả mọi sự ấy, đó là chuyện của đêm giác quan mà chúng ta đã nói rồi.

3 - Tiếp đến, khi nói con đường hẹp - tức đường hoàn thiện - Chúa muốn ta hiểu rằng ai muốn theo con đường này thì không những phải vào bằng cửa hẹp bằng cách lột bỏ những gì là khả giác mà còn phải giũ bỏ cả những thứ thuộc tâm linh.

Như thế, ở đây chúng ta có thể nối kết cửa hẹp với những gì nơi chúng ta thuộc khả giác và đường chật với những gì nơi chúng ta thuộc tâm linh và lý trí. Chúa Kitô còn nói rằng có ít người tìm được cửa hẹp này. Chúng ta hãy ghi nhận lý do tại sao. Chính là vì có ít người biết và muốn đi vào sự trần trụi triệt để và sự trống rỗng tâm linh. Và quả thật, con đường dẫn tới đỉnh cao hoàn thiện cheo leo và chật hẹp đòi hỏi khách bộ hành không được mang vác bất cứ thứ gì gây nặng nề cho phần hạ đẳng và bất cứ thứ gì gây rắc rối cho phần thượng đẳng. Để tìm kiếm và đạt tới chính Thiên Chúa ta chỉ được tìm kiếm và đạt cho tới một mình Thiên Chúa mà thôi.

4 - Do đó, rõ ràng linh hồn không những phải được bước đi tự do, không bị ràng buộc gì với tất cả những điều thuộc phần các thụ tạo, mà còn phải được bước đi tự do, bị tước lột và bị hủy ra không cả về phần tâm linh. Vì thế, trong khi dạy dỗ và dẫn dắt ta vào con đường này, Chúa chúng ta có nói trong Tin Mừng Marcô. Đây là một giáo lý rất đáng ngưỡng mộ, tuy nhiên dường như những người theo đường tâm linh lại thực hiện ít hơn mức độ họ cần thực hiện. Đây cũng là một giáo lý rất phù hợp với đề tài của chúng ta, nên tôi xin nhắc lại đây trọn vẹn và nêu lên cả ý nghĩa thật và ý nghĩa tâm linh của nó. Đó là điều Chúa phán như sau: "Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Thật vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu mạng sống ấy" (Mc 8,34-35).

5 - Ôi, ai sẽ có thể giúp người ta hiểu, thực hành và nếm cảm lời khuyên Đấng Cứu Chuộc dạy phải bỏ mình, để những người theo đường tâm linh hiểu rằng cách xử sự họ cần theo trên con đường này khác hẳn cách xử sự nhiều người trong họ vẫn tưởng. Có những người tưởng rằng chỉ cần lắng lòng đôi chút và cải tổ đời sống qua loa là đủ. Có những người khác hài lòng với một vài việc tập luyện nhân đức, kiên trì nguyện ngắm và lo hy sinh hãm mình, nhưng họ lại không đạt được điều Chúa khuyên dạy là sự trần trụi, nghèo khó, từ bỏ và sự tinh sạch tâm linh, tất cả chỉ là một. Chỉ vì họ vẫn còn tìm cách lo cho mặt tự nhiên của họ được no thỏa và tô điểm bằng những lời an ủi và những tình cảm tâm linh, thay vì bắt nó phải trần trụi và chối bỏ mọi sự vì Thiên Chúa. Họ tưởng chỉ cần bắt nó từ bỏ những chuyện thế gian là đủ, chứ không cần hủy diệt nó và thanh tẩy nó về chuyện điều tốt về mặt tâm linh. Do đó mà, hễ thoáng thấy phải đương đầu với điều gì cứng cáp và hoàn thiện, hoàn toàn vắng bóng sự dịu ngọt của Thiên Chúa, phải khô khan, chán ngán và lao nhọc (nói tắt là những gì làm nên thánh giá tâm linh thuần túy và sự trần trụi của tinh thần nghèo khó theo Đức Kitô), họ liền tránh xa như tránh cái chết. Họ chỉ tìm những cái dịu ngọt và những tương giao êm ái nơi Chúa; và như thế, thì còn gì là bỏ mình, là trần trụi tâm linh, chỉ còn là tật tham ăn tâm linh. Như thế là họ tự biến mình thành thù địch của thập giá Đức Kitô (Pl 3,18) về mặt tâm linh. Thật vậy, vì một tâm linh đích thực thì tìm kiếm nơi Thiên Chúa điều nhạt nhẽo hơn là điều dịu ngọt; nghiêng về chịu đau khổ hơn là được an ủi; bị thiếu thốn mọi sự vì Thiên Chúa hơn là chiếm hữu; và chịu khô khan sầu muộn hơn là hưởng những tương giao êm ái, vì biết rằng có thế mới là theo Chúa Kitô và bỏ mình, còn nếu làm khác đi thì chỉ là tìm chính mình trong Thiên Chúa, là điều trái ngược hẳn với tình yêu. Tìm kiếm chính mình trong Thiên Chúa là tìm kiếm những vui thích và hoan lạc về Thiên Chúa, còn ngược lại, tìm kiếm Thiên Chúa trong mình, không những là muốn bị thiếu hụt điều này điều nọ vì Thiên Chúa, nhưng còn là vì Đức Kitô mà chọn tất cả những gì là nhạt nhẽo hơn, cả trong sự hưởng nếm Thiên Chúa và sự hưởng nếm thế gian, và như thế mới thật là yêu mến Thiên Chúa.

6 - Ôi, ai sẽ có thể làm cho mọi người hiểu Thiên Chúa muốn họ từ bỏ đến mức nào. Chắc hẳn phải từ bỏ đến độ như thể là chết đi; như thể là tự hủy mình đi ở đời này, cả về mặt tự nhiên và về mặt tâm linh, trong hết mọi sự, trong tất cả những gì mà lòng muốn quý chuộng. Có thể nói là thật sự từ bỏ tất cả. Đó chính là điều Đấng Cứu Chuộc ta nhắm đến ở đây khi nói: "Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất". Có nghĩa là, ai muốn sở hữu hoặc săn đuổi cho mình một điều gì đó, thì sẽ mất nó. Còn câu: "Ai đành mất mạng sống mình vì Ta, sẽ giữ được nó" có nghĩa là: Ai vì Đức Kitô mà từ bỏ tất cả những gì lòng muốn mình có thể ao ước hoặc nếm hưởng, và chọn những gì giống với thánh giá hơn, thì lại đạt được (Trong Tin Mừng Ga 12,25, chính Chúa gọi sự “nên giống thánh giá” là “gớm ghét mạng sống mình”).

Đó cũng là điều Chúa uy linh đã dạy cho hai người môn đệ đến xin ngồi bên phải và bên trái Ngài (Mt 20,20-23). Ngài không đả động gì đến ý nguyện muốn được vinh quang của họ, nhưng lại chỉ cho họ chén mà Ngài phải uống, như là điều ở trên đời này, còn quý giá và chắc chắn hơn sự hưởng thụ.

7 - Chén đắng ấy là chết đi cho tính tự nhiên, lột sạch nó và hủy diệt nó, để nó có thể bước trên con đường hẹp này trong tất cả những gì có thể thuộc về nó cả về mặt giác quan (như chúng tôi đã nói) cả về mặt linh hồn (như chúng tôi sắp nói đây) tức là trong cả trí hiểu, trong sự hưởng nếm và trong cảm quan của nó. Không những tính tự nhiên ấy bị tước lột cả hai mặt, mà hơn nữa, xét về mặt thứ hai là mặt tâm linh, nó không còn bị vướng mắc khi tiến bước trên con đường hẹp này. Bởi lẽ, như Đấng Cứu Thế muốn nói, trên con đường này không có gì khác ngoài sự từ bỏ và thập giá là cây gậy để chống mà đi, và với cây gậy này, sẽ bước đi dễ và nhẹ hơn nhiều. Do đó, cái ách và cái gánh Chúa nói trong Tin Mừng Mt 11,30, là nói về thập giá. Thật vậy, nếu người nào đã quyết hạ mình vác thập giá ấy, tức là đã thật sự muốn tìm và chịu lao nhọc trong hết mọi sự vì Chúa, thì sẽ gặp được ở đó một sự nhẹ nhàng và êm ái lớn lao để bước đi trên con đường này, vì đã hết sức trần trụi và không còn ước ao gì. Còn người nào đòi phải có được một chút gì đó, muốn chiếm giữ một chút gì đó hoặc về Thiên Chúa hoặc về điều gì khác, thì không còn trần trụi và cũng không phải là đã chối bỏ tất cả, và như vậy, sẽ không vững bước cũng không thể trèo cao trên nẻo đường hẹp này.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 6: Ba nhân đức hướng thần và ba quan năng



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 6
BA NHÂN ĐỨC HƯỚNG THẦN VÀ BA QUAN NĂNG *

Chương này bàn về cách ba nhân đức hướng thần phải làm cho ba quan năng của linh hồn nên hoàn thiện và về cách các nhân đức ấy khiến chúng thành trống rỗng và tăm tối.

1 - Ở đây, chúng ta sẽ bàn về cách đưa dẫn ba quan năng của linh hồn là trí hiểu, dạ nhớ và lòng muốn, vào đêm tối tâm linh, là phương thế giúp đạt đến sự nên một với Thiên Chúa. Chúng ta đã biết ba nhân đức hướng thần tin, cậy, mến được quy về ba quan năng ấy, được coi là đối tượng siêu nhiên riêng của chúng và là phương thế để linh hồn có thể nên một với Thiên Chúa theo các quan năng mình. Truớc hết cần nêu rõ làm sao ba nhân đức hướng thần tin, cậy và mến, mỗi nhân đức đều tạo nên cùng một sự tăm tối và trống rỗng như nhau trong quan năng tương ứng: đức tin trong trí hiểu, đức cậy trong dạ nhớ và đức mến trong lòng muốn. Tiếp theo chúng ta sẽ bàn xem phải làm thế nào để trí hiểu được hoàn thiện nơi sự tăm tối do đức tin; để dạ nhớ được hoàn thiện nhờ sự trống rỗng do đức cậy; và để lòng muốn được hoàn thiện nhờ sự tuớc đoạt và lột bỏ mọi tình cảm mà đến cùng Thiên Chúa. Nắm được điều đó rồi, ta sẽ thấy rõ rằng nếu linh hồn muốn bước đi vững chắc trên con đường tâm linh, thì cần kíp phải đi qua đêm dày, nương theo ba nhân đức ấy, là những nhân đức khiến linh hồn trống rỗng về hết mọi sự và khiến linh hồn thành tăm tối, như thể không còn nhìn thấy mọi sự ấy nữa. Như đã nói, ở đời này, linh hồn không thể nên một với Thiên Chúa qua trí hiểu, qua sự vui thỏa, sự tưởng tượng hay một giác quan nào khác, nhưng phải bằng đức tin nếu xét theo trí hiểu, bằng đức cậy nếu xét theo dạ nhớ và bằng tình yêu mến nếu xét theo lòng muốn.

2 - Như đã nói, tất cả ba nhân đức ấy đều gây nên một sự trống rỗng trong các quan năng: đức tin gây nên sự trống rỗng trong trí hiểu, khiến nó bị tăm tối về mặt hiểu biết: đức cậy gây nên trong dạ nhớ một sự trống rỗng, loại trừ hết mọi chiếm hữu: và đức mến gây nên sự trống rỗng trong lòng muốn, lột bỏ hết mọi sự trìu mến và mọi sự vui hưởng những gì không phải là Thiên Chúa.

Thật vậy, chúng ta biết rằng đức tin dạy chúng ta điều mà trí hiểu không sao tiếp thu nổi. Trong thư gửi tín hữu Hipri, thánh Phaolô có nói: "Đức tin là một cách thế cho ta nắm được những điều ta hy vọng, là một phương thức cho ta biết những điều ta không xem thấy" (Hr 11,1). Mặc dù trí hiểu tán đồng những điều ấy cách mạnh mẽ và chắc chắn, nhưng đó không phải là những điều trí hiểu có thể tự khám phá được; vì nếu trí hiểu có thể tự khám phá ra thì không còn là đức tin nữa. Thật vậy, đức tin có làm cho trí hiểu được chắc chắn, nhưng không làm cho nó được sáng rõ mà ngược lại, còn khiến nó thêm tăm tối.

3 - Đức cậy cũng đặt dạ nhớ vào trong một sự trống rỗng và tăm tối về mọi việc đời này cũng như đời sau. Bởi lẽ, hy vọng bao giờ cũng là hy vọng điều chưa chiếm hữu được; vì nếu đã chiếm hữu được rồi thì đâu còn hy vọng nữa. Bởi đó mà trong thư gửi giáo đoàn Rôma thánh Phaolô có nói: "Thấy được điều mình trông mong thì không còn là trông mong nữa; vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi" (Rm 8,24). Nhu thế, nhân đức này cũng tạo nên sự trống rỗng, vì nó liên quan đến những điều người ta chua có chứ không phải những điều đã có rồi.

4 - Cũng thế, đức ái gây nên nơi lòng muốn một sự trống rỗng về mọi thứ, bởi lẽ nó buộc ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Điều này chỉ có thể xảy ra khi nào gạt bỏ được hết lòng trìu mến đối với mọi sự để chỉ hoàn toàn trìu mến Thiên Chúa mà thôi. Chính vì thế, trong Tin Mừng, Chúa Kitô nói: "Ai không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ Ta được" (Lc 14,33). Tức là phải từ bỏ những gì mình muốn có. Nhu thế, cả ba nhân đức ấy đều đặt linh hồn vào trong sự trống rỗng và tăm tối đối với hết mọi sự.

5 - Cũng nên nhắc lại đây dụ ngôn Đấng Cứu Thế đã dạy trong Tin Mừng Luca (Lc 11,5) về nguời bạn giữa lúc nửa đêm phải đi xin bạn mình ba chiếc bánh; ngụ ý nói về ba nhân đức trên đây. Ngài nói nguời ấy xin bánh vào lúc nửa đêm, là để ta hiểu rằng linh hồn phải để cho các quan năng của mình bị chìm trong tăm tối đối với hết mọi sự, mới chiếm được ba nhân đức ấy, và phải tận dụng đêm tối đó để nên hoàn thiện trong ba nhân đức ấy.

Trong sách Isaia (Is 6,2) ta cũng đọc thấy ngôn sứ nhìn thấy bên cạnh ngai Thiên Chúa có hai vị thiên thần sốt mến mà mỗi vị đều có sáu cánh: Hai cánh phủ chân là có ý nói phải làm cho mù tối và loại trừ hết những trìu mến mà lòng muốn có đối với mọi sự, để quy hướng về Thiên Chúa; hai cánh che mặt, ngụ ý nói đến sự tăm tối của trí hiểu truớc mặt Thiên Chúa; hai cánh còn lại để bay, ngụ ý nói về đà bay của đức cậy, hướng đến những điều tốt không chiếm hữu được, vì đức cậy vượt lên trên tất cả những gì có thể chiếm hữu được ngoài Thiên Chúa, hoặc ở đời này hoặc ở đời sau.

6 - Vậy phải quy ba quan năng của linh hồn vào ba nhân đức ấy, định hướng cho mỗi quan năng bằng một nhân đức tương ứng; phải lột trần mỗi quan năng, buộc nó phải ở trong tăm tối về tất cả những gì sẽ không phải là ba nhân đức ấy. Đó là đêm tâm linh mà chúng tôi gọi là đêm chủ ý, theo nghĩa là linh hồn làm tất cả những gì có thể làm được về phía nó để tiến vào đêm ấy. Trước đây, khi bàn về đêm giác quan, chúng tôi đã chỉ dẫn phương cách để giải tỏa (làm trống rỗng) các quan năng giác quan khỏi những đối tượng khả giác gây mê thích, để linh hồn ra khỏi những giới hạn tự nhiên của nó và đi vào con đường đức tin. Cũng vậy, trong đêm tối tâm linh này, với ơn Chúa giúp, chúng tôi sẽ chỉ phương cách để giải tỏa và thanh tẩy các quan năng tâm linh khỏi tất cả những gì không phải là Thiên Chúa, ngõ hầu chúng được chìm trong sự tăm tối của ba nhân đức ấy là phương thế và điều kiện thuận lợi giúp linh hồn được nên một cùng Thiên Chúa.

7 - Bằng cách ấy linh hồn sẽ được hoàn toàn vững chắc trước các mưu chước lừa gạt của ma quỷ, cũng như trước mãnh lực của tính tự ái và các con đẻ của nó. Các mưu chước ấy vẫn thường lừa gạt cách tinh tế và ngăn cản bước tiến của những người theo đường tâm linh, chỉ vì họ không biết tự trút bỏ để làm chủ lấy mình dựa theo ba nhân đức ấy. Do đó, họ chẳng bao giờ đạt được thực chất và cốt tủy của ơn lành tâm linh, và không tiến bước được trên con đường thẳng và ngắn mà lẽ ra họ đã có thể làm được.

8 - Xin các bạn độc giả chú ý, bây giờ tôi sẽ đặc biệt nói với những người đã bắt đầu tiến vào bậc chiêm niệm. Còn đối với những người khởi sự bước vào đường tâm linh, sẽ phải được mổ xẻ vấn đề này rộng rãi hơn, như chúng tôi sẽ thực hiện trong cuốn thứ hai (tức là cuốn Đêm Dày) khi chúng tôi bàn về những điều kiện thuận lợi cho những người mới khởi sự...

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 5: Bản chất sự nên một

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 5
BẢN CHẤT SỰ NÊN MỘT *

Chương này dùng lối so sánh để giải thích rõ về bản chất sự nên một giữa linh hồn và Thiên Chúa.

1 - Qua những gì đã trình bày trước đây, hẳn bạn đọc đã hiểu được đôi phần điều chúng tôi muốn hiểu qua cách nói “sự nên một giữa linh hồn với Thiên Chúa”, và nhờ đó bạn sẽ hiểu dễ hơn về những gì chúng tôi sắp nói về việc ấy. Lúc này chúng tôi không có ý bàn về những cách phân chia cũng như từng phần của vấn đề, bởi vì nếu không thì sẽ chẳng bao giờ kết thúc được với những chuyện thế nào là sự nên một theo trí hiểu, theo lòng muốn cũng như theo dạ nhớ, thế nào là sự nên một mau qua và sự nên một bền bỉ theo mỗi quan năng vừa nói, và sau cùng, thế nào là sự nên một mau qua và sự nên một bền bỉ theo cả ba quan năng ấy cùng một lúc. Những chuyện ấy chúng tôi sẽ bàn rải rác trong tập này, khi thì vấn đề nọ, khi thì vấn đề kia. Vả lại đó không phải là những chuyện cần nói ngay mới hiểu được những gì chúng tôi sắp trình bày ở đây. Tốt hơn, sẽ giải thích mỗi vấn đề khi đến lúc của nó, khi đang bàn đến chính những nội dung của từng vấn đề, ta sẽ có ngay trước mắt những ví dụ sống động gắn liền với nó. Lúc ấy người ta sẽ dễ chú ý, dễ hiểu rõ từng vấn đề hơn và sẽ phê phán đúng hơn.

2 - Ở đây tôi chỉ xin bàn về sự nên một toàn diện và bền bỉ mà theo bản thể của linh hồn và theo các quan năng của nó ở tình trạng những thói quen thường xuyên bám lấy sự nên một trong tăm tối; còn ở tình trạng đã lộ hiện, thì với ơn Chúa giúp chúng tôi sẽ nói sau và sẽ cho thấy làm sao ở đời này chúng ta không thể có được sự nên một bền bỉ theo các quan năng mà chỉ có được sự nên một mau qua.

3 - Vậy, để hiểu được bản chất sự nên một đang bàn đây, cần biết rằng nơi hết mọi linh hồn, kể cả linh hồn của người tội lỗi nhất trên thế giới, Thiên Chúa vẫn cư ngụ trong đó và nâng đỡ nó theo bản thể. Đó là cách nên một luôn có giữa Thiên Chúa và thụ tạo, nhờ đó Ngài gìn giữ cho chúng được tồn tại; đến nỗi, nếu thiếu sự nên một ấy của Ngài, chúng sẽ lập tức bị hủy diệt và không tồn tại nữa. Như thế, khi nói đến sự nên một giữa linh hồn với Thiên Chúa, chúng ta không có ý nói về sự nên một theo bản thể kiểu đó, là chuyện lúc nào cũng có, nhưng là nói đến sự nên một tạo biến đổi, biến linh hồn nên Thiên Chúa, là điều không phải lúc nào cũng có nhưng chỉ xảy ra khi linh hồn được nên giống Thiên Chúa nhờ tình yêu. Chính vì thế ta gọi đây là sự nên một do giống nhau, trong khi sự nên một kia là do yếu tính hoặc do bản thể. Sự nên một kia là theo tự nhiên, còn đây là sự nên một siêu nhiên, một điều chỉ có được khi nào ý muốn của linh hồn và ý muốn của Thiên Chúa, hòa hợp nên một với nhau. Không còn một điều gì trái ngược, không hòa hợp với ý Thiên Chúa, linh hồn sẽ được biến đổi biến nên Thiên Chúa nhờ tình yêu.

4 - Không những dứt bỏ những điều trái ngược đã lộ hiện, linh hồn còn dứt bỏ cả những điều còn ở trong tình trạng một xu hướng hay thói quen; không những phải tẩy trừ những hành vi bất toàn hữu ý mà cả những thói quen về bất cứ một điều bất toàn nào cũng phải diệt trừ. Bởi lẽ mọi thụ tạo cũng như mọi hoạt động và tài khéo của thụ tạo đều không phù hợp với bản tính Thiên Chúa và không vươn được tới đó. Vì thế, linh hồn phải tự lột bỏ hết tất cả những gì là thụ tạo cũng như các hoạt động và tài khéo của nó, có nghĩa là từ khả năng hiểu biết đến nếm hay cảm đều phải lột bỏ hết để loại trừ hết tất cả những gì khác biệt và không hòa hợp với Thiên Chúa, và nhờ đó, có thể mặc lấy sự tương đồng với Thiên Chúa. Cần phải lột bỏ hết, để chẳng còn chút gì nơi linh hồn không phải là ý Thiên Chúa và nhờ đó nó được biến đổi nên Thiên Chúa. Như thế, mặc dầu Thiên Chúa luôn hiện diện trong linh hồn để ban phát và bảo tồn sự hiện hữu tự nhiên cho nó, không phải lúc nào Ngài cũng thông ban cho nó sự hiện hữu siêu nhiên. Điều này vốn chỉ được thông ban nhờ tình yêu và ơn thánh, tuy nhiên không phải mọi linh hồn đều ở trong tình yêu và ơn thánh. Còn những linh hồn có tình yêu và ơn thánh thì đâu phải ở cùng mức độ như nhau. Mỗi linh hồn ở một mức độ tình yêu hơn kém khác nhau. Do đó, linh hồn nào càng tiến xa trong tình yêu, cũng như linh hồn nào càng hòa hợp ý mình với ý Thiên Chúa, Thiên Chúa càng tự ban mình cho nó nhiều hơn. Linh hồn nào có được ý muốn hòa hợp và tương đồng toàn diện thì được nên một toàn diện và biến đổi nên Thiên Chúa cách siêu nhiên. Vì lẽ đó, như đã giải thích, linh hồn nào càng khoác trên mình nhiều thụ tạo và những tài khéo riêng, hoặc do quyến luyến hoặc do thói quen, càng ít có điều kiện để được để được nên một như thế, vì nó không dành chỗ cho Thiên Chúa trọn vẹn để Ngài biến đổi nó sang siêu nhiên. Cho nên, linh hồn cần tự cởi bỏ những điều trái ngược và khác biệt tự nhiên ấy đi, để Thiên Chúa, Đấng đang ban mình cho nó cách tự nhiên, cũng sẽ ban mình cho nó cách siêu nhiên nhờ ơn thánh.

5 - Đó là điều thánh Gioan đã muốn giúp ta hiểu khi ngài nói: "Họ không do máu huyết mà sinh ra, cũng không phải do ý của xác thịt, cũng không phải do ý của nam nhân, nhưng chính do bởi Thiên Chúa mà được sinh ra" (Ga 1,13). Hình như ngài muốn nói: Thiên Chúa ban quyền trở nên con cái Ngài (tức là quyền biến đổi nên Thiên Chúa) chỉ riêng cho những ai không sinh bởi máu huyết, tức là bởi sự nên một thể chất tự nhiên, hoặc bởi ý muốn của xác thịt, tức là bởi sự tự do tùy hứng theo tài khéo hoặc khả năng tự nhiên, cũng không phải do ý muốn của nam nhân (điều này bao gồm mọi dạng, mọi cách xét đoán và suy luận dựa trên trí hiểu). Ngài không ban cho bất cứ ai trong những người vừa nói được quyền nên con cái Thiên Chúa, nhưng chỉ ban cho những ai sinh bởi Thiên Chúa. Tức là Ngài chỉ ban cho những ai đã chết đi đối với tất cả những gì là con người cũ và đã tái sinh nhờ ân sủng để vươn mình lên tới siêu nhiên, và nhận lấy nơi Thiên Chúa ơn tái sinh và ơn làm con, vượt hẳn mọi điều người ta có thể tưởng nghĩ. Bởi lẽ như chính thánh Gioan cũng có nói: "Ai không sinh lại bởi nước và Thánh Thần thì không thể vào được Nước Thiên Chúa" (Ga 3,5). Được tái sinh nhờ ơn Thánh Thần tức là có một linh hồn giống với Thiên Chúa trong sự thanh khiết, không pha trộn một chút bất hảo nào; và nhờ đó mà có thể được biến đổi cách tinh ròng, được nên một với Thiên Chúa mà dự phần vào bản tính Ngài, mặc dù chưa phải là một sự nên một theo yếu tính.

6 - Để hiểu rõ hơn, bạn hãy hình dung một tia sáng mặt trời đang đập vào cửa kính. Nếu cửa kính bị phủ đầy một lớp tì vết hoặc hơi nước dày đặc, tia sáng sẽ không thể nào khiến nó rực sáng và hoàn toàn chuyển hóa thành ánh sáng, như trong trường hợp nó tinh tuyền và sạch hẳn các tì vết ấy. Nó càng lắm sương mù và tì vết, ánh sáng càng ít khiến nó được rực rỡ; ngược lại, nó càng tinh sạch, ánh sáng càng làm nó chói chang. Không phải do tia sáng nhưng là do tấm kính. Nếu nó hoàn toàn tinh sạch và trong suốt, tia sáng sẽ giúp nó trở nên rực rỡ và biến đổi đến độ trông nó có vẻ như chính tia sáng và cũng chiếu tỏa cùng một ánh sáng như chính tia sáng ấy. Dĩ nhiên, dù giống tia sáng, tấm kính vẫn mang một bản chất khác với tia sáng, nhưng có thể nói rằng tấm kính ấy là tia sáng, hoặc là ánh sáng, vì nó thực sự thông phần với tia sáng hay ánh sáng ấy. Linh hồn cũng tương tự như tấm kính, ánh sáng Thiên Chúa luôn luôn xâm nhập vào đó, hay như đã nói trên, ánh sáng ấy vẫn luôn cư ngụ trong đó, ánh sáng thần linh của hữu thể Thiên Chúa.

7 - Yêu Thiên Chúa là vì Thiên Chúa mà hành động để tự lột trần và tước bỏ hết những gì không phải là Thiên Chúa, tự tẩy trừ hết mọi lớp màn che và mọi tì vết của thụ tạo, tức là biết giữ cho ý muốn mình được hoàn toàn nên một với ý muốn Thiên Chúa. Khi linh hồn biết nhường cho Thiên Chúa như thế, nó liền được chói sáng và biến đổi nên giống Thiên Chúa, và Thiên Chúa thông ban cho nó hữu thể siêu nhiên của Ngài, đến nỗi nó có vẻ như là chính Thiên Chúa và có được điều mà chính Thiên Chúa có. Khi Thiên Chúa ban cho linh hồn hồng ân siêu nhiên ấy, linh hồn được nên một với Thiên Chúa mật thiết đến nỗi tất cả mọi sự của Thiên Chúa và của linh hồn đều nên một trong một cuộc biến đổi nhờ dự phần. Dĩ nhiên, mặc dù đã được biến đổi, hữu thể tự nhiên của nó vẫn phân biệt với hữu thể của Thiên Chúa như trên, cũng y như tấm kính khi được tia sáng chiếu soi, vẫn phân biệt hẳn với tia sáng.

8 - Bởi đó ta thấy rõ rằng phương thế dẫn đến sự nên một với Thiên Chúa, như đã nói ở trên, không phải là việc linh hồn hiểu biết, nếm, cảm hoặc tưởng tượng về Thiên Chúa, hoặc là một điều gì khác tương tự, nhưng là sự tinh tuyền và tình yêu, tức là sự trần trụi và nhẫn nại hoàn toàn đối với mọi sự vật chỉ vì Thiên Chúa mà thôi. Không thể có sự biến đổi hoàn toàn nếu không có sự tinh tuyền hoàn toàn, cho nên tùy theo mức độ tinh tuyền mà sẽ có được sự nổi bật, sự tỏa sáng và sự nên một giữa linh hồn với Thiên Chúa nhiều hay ít, và như tôi đã nói, sẽ không có được sự nên một hoàn toàn nếu linh hồn không hoàn toàn rực sáng và trong suốt.

9 - Để hiểu thêm, bạn có thể hình dung một tấm hình nổi rất hoàn chỉnh, với nhiều nét đặc sắc phi thường và những lớp men rất tế nhị tinh vi, mà một số nét tinh xảo đến độ khó phân biệt hết những vẻ tế nhị và tuyệt hảo của nó. Trước tấm hình ấy, một người có cặp mắt ít sáng sủa tinh anh, sẽ thấy được ít điểm đặc sắc tế nhị, còn người có cặp mắt tinh anh hơn sẽ thấy được ở đó nhiều nét đặc sắc và hoàn hảo. Nếu ai khác còn có cặp mắt sắc sảo hơn nữa sẽ thấy nhiều điều hoàn hảo hơn nữa; và sau cùng, một người có khả năng thị giác sáng chói và trong suốt nhất sẽ còn thấy được những điểm đặc sắc và hoàn thiện gấp bội. Đó là một bức hình có biết bao điều kỳ thú để xem, dù đã khám phá được nhiều điều rồi, vẫn còn nhiều điều khác để khám phá nữa.

10 - Chúng ta cũng có thể nói tương tự như thế về cách các linh hồn cảm nhận Thiên Chúa khi họ được chiếu sáng và biến đổi. Tùy theo khả năng, mặc dù có thể đã đạt tới sự nên một với Thiên Chúa, không phải mọi linh hồn đều ở một mức độ bằng nhau, nhưng sẽ theo mức độ Thiên Chúa muốn ban cho mỗi người. Đó cũng là cách người ta được nhìn thấy Thiên Chúa ở trên trời, kẻ nhiều người ít, tuy nhiên tất cả đều thấy Thiên Chúa và đều toại nguyện, vì ai nấy đều được đầy ắp khả năng tiếp nhận của mình.

11 - Vì thế, ta có thể gặp thấy ở đời này có những linh hồn ở bậc hoàn thiện với sự bình an và yên nghỉ ngang nhau, và mỗi linh hồn đều mãn nguyện. Dù rằng thể linh hồn này có thể được nâng cao hơn linh hồn khác, nhưng tất cả đều mãn nguyện như nhau bởi vì khả năng tiếp nhận của họ đều được no phỉ. Còn linh hồn nào không đạt tới sự tinh tuyền mà khả năng nó đòi hỏi, sẽ chẳng bao giờ đạt được bình an và thỏa mãn đích thực; bởi lẽ nó đã không đạt được đến chỗ biết lột bỏ và làm trong sạch các quan năng của mình, là điều cần thiết để đạt được sự nên một đơn giản.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 4: Cần đi qua đêm đen



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 4
CẦN ĐI QUA ĐÊM ĐEN *

Nói rộng hơn về việc linh hồn phải ở trong tăm tối đến mức nào để được đức tin hướng dẫn tới đỉnh chiêm niệm cách thật tốt đẹp.

1 - Tới đây bạn đã hiểu được phần nào, tại sao đức tin lại là một đêm tối đối với linh hồn và tại sao linh hồn lại phải ở trong tăm tối về mặt tự nhiên, để có thể được đức tin dẫn dắt tới đỉnh cao nên một. Tuy nhiên để linh hồn biết xử sự như thế, cũng nên giải thích chi tiết hơn một chút về bóng tối mà linh hồn phải chịu để được vào trong vực thẳm đức tin. Vậy nơi chương này, tôi sẽ nói về sự tăm tối cần có và nhờ ơn Chúa giúp, tôi sẽ nói khá chi tiết những gì cần làm để đừng cản trở một sự hướng dẫn cao vời đến thế.

2 - Vậy tôi xin nói ngay rằng muốn được đức tin hướng dẫn cách chắc chắn tới tình trạng nên một, linh hồn không những phải ở trong tăm tối về phía những gì liên quan tới các thụ tạo và những cái mau qua (tức là phần cảm giác và hạ đẳng chúng tôi đã bàn tới), mà hơn nữa còn phải làm cho mình thành mù lòa, tăm tối cả về phía những gì liên quan tới Thiên Chúa và tâm linh (tức là phần lý trí và thượng đẳng chúng tôi sắp bàn đến). Hiển nhiên, muốn đạt tới sự biến đổi siêu nhiên ấy, linh hồn cần phải trở thành mù lòa và thoát ly khỏi tất cả những gì thuộc tính tự nhiên, tức là thuộc cảm giác và lý trí. Bởi lẽ, siêu nhiên có nghĩa là ở trên tự nhiên; và tự nhiên thì phải ở dưới.

Muốn cho sự biến đổi và nên một ấy khỏi thành chuyện của giác quan và tài khéo nhân loại, linh hồn cần phải tự nguyện trở nên trống rỗng hoàn toàn về tất cả những gì có thể xâm nhập vào nó, hoặc từ bên trên hoặc từ bên dưới, tức là cả về tình cảm và lòng muốn, và phải cố gắng hết sức nó. Lúc đó, nào ai có thể ngăn cản Thiên Chúa thực hiện điều đẹp lòng Ngài trong một linh hồn nhẫn nại, đã tự hủy và hóa nên trần trụi?

Linh hồn phải trở nên trống rỗng toàn triệt, trút hẳn tất cả những gì đã chất chứa. Dù đạt tới chỗ có được nhiều điều siêu nhiên đi nữa, nó vẫn phải luôn coi mình như tay trắng và đang đi trong tăm tối, lấy đức tin làm người dẫn đường và ánh sáng, chứ không dựa vào những điều mình đã nghe, đã nếm, đã cảm hay đã tưởng tượng được. Tất cả những thứ ấy đều là bóng tối dễ khiến linh hồn lạc đường; còn đức tin thì vượt hẳn trên tất cả những gì người ta đã nghe, đã nếm, đã cảm hay đã tưởng tượng được. Nếu linh hồn không nhắm mắt lại với những chuyện ấy và chìm hẳn trong tăm tối, nó sẽ không đến được tới chỗ mà đức tin dạy bảo cho.

3 - Người mù, nếu không hoàn toàn mù thì không dễ gì để cho người dẫn đường dắt đi. Hễ thấy được chút ít, dù chỉ rất ít ở một phía nào đó, anh ta liền nghĩ rằng đó là con đường tốt nhất, vì anh ta đâu có thấy được những con đường khác tốt hơn. Do đó anh ta có thể khiến người đang dắt anh và thấy nhiều hơn anh bị lạc đường. Về linh hồn cũng vậy. Nếu nó dựa trên một chút gì đó đã biết được, nếm được hay cảm được về Thiên Chúa (dù những điều ấy có lớn lao đến đâu, so với Thiên Chúa cũng thật ít ỏi và hết sức chênh lệch) để làm đường đi thì sẽ rất dễ lạc lối và bị dừng lại, bởi vì không chịu hoàn toàn trở nên mù tối để đức tin có thể đưa đi cách hữu hiệu.

4 - Đó cũng là điều thánh Phaolô muốn nói trong câu: "Ai lại gần Thiên Chúa thì phải tin là Ngài có" (Hr 11,6). Tức là ai ước ao được nên một với Thiên Chúa thì đừng đi bằng con đường trí hiểu, đừng dựa vào sở thích, cảm giác hoặc tưởng tượng hay bất cứ một giác quan nào nhưng chỉ tin vào hữu thể Ngài (hữu thể này vuột khỏi sở thích, cảm giác hoặc tưởng tượng hay bất cứ giác quan nào khác và cũng không để cho ai ở đời này có thể hiểu thấu). Thật vậy, tất cả những gì cao siêu nhất người ta có thể cảm được hay nếm được ở đời này về Thiên Chúa đều cách biệt nghìn trùng so với bản tính Ngài và so với điều chúng ta sẽ biết khi được chiếm hữu Ngài trọn vẹn. Cho nên ngôn sứ Isaia và thánh Phaolô mới nói: "Những điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe và đã không hề nảy lên nơi lòng một người phàm nào, tức là hết thảy những điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Ngài" (1Cr 2,9) [Tác giả nêu cả ngôn sứ Isaia nhưng chỉ trích lời thánh Phaolô. Ngôn sứ Isaia thì nói: “Tự cố chí kim thiên hạ không nghe, không lọt qua tai. . . và mắt không thấy Thiên Chúa nào trừ phi là Ngài, Đấng đã đáp cứu kẻ có lòng cậy trông.” (Is 64,3)]. Thật tốt đẹp khi linh hồn có ý được nên một ngay ở đời này cách hoàn hảo bằng ơn thánh với Đấng mà đời sau nó phải được nên một bằng vinh quang. Đó là điều thánh Phaolô bảo là mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe và lòng người không bao giờ nghĩ tới, cho nên rõ ràng muốn đạt đến chỗ nên một với Chúa ngay ở đời này cách hoàn hảo bằng ơn thánh và tình yêu, thì nhất thiết phải ở trong tăm tối đối với (tức là gạt bỏ hết) tất cả những gì có thể lọt vào qua mắt thấy, có thể tiếp nhận bằng tai nghe, có thể tưởng tượng ra tùy hứng, hoặc có thể hiểu được bằng tấm lòng (ở đây có nghĩa là linh hồn). Như thế, một linh hồn muốn đạt đến tình trạng nên một cao độ ấy với Thiên Chúa, sẽ gặp trở ngại rất lớn khi nó gắn bó với một điều gì đó của trí hiểu, của tình cảm, của tưởng tượng, của phán đoán, của lòng muốn, của một cách hành động, một công việc hay một sự vật đặc biệt nào đó, mà không biết tự dứt bỏ và lột cởi hết những chuyện đó. Bởi lẽ, như đã nói, điểm linh hồn vươn đến vượt trên tất cả những chuyện đó, cho dù chúng có thể làm thỏa mãn trí hiểu và sở thích đến đâu cũng vậy; và như thế, linh hồn cần vượt lên trên tất cả để đạt tới tình trạng không biết gì.

5 - Do đó, muốn lên đường cần phải bỏ lối mình đang đi, hay nói đúng hơn, phải vươn tới mục đích và bỏ qua phương tiện, bỏ qua cách thế, để đạt đến cùng đích vượt mọi cách thế, tức là đạt đến Thiên Chúa. Linh hồn nào đạt tới tình trạng ấy thì chẳng còn cần gì phương tiện hay cách thế, nó không gắn bó và thậm chí không thể gắn bó với chúng nữa. Nó không còn gắn bó gì với những cách nghe, nếm hoặc cảm, mặc dù nó có đủ các cách thế ấy; nó chẳng khác nào một người không có gì mà lại sở hữu tất cả. Một khi đã can đảm vượt khỏi giới hạn tự nhiên của những khả năng bên trong và bên ngoài của mình, linh hồn tiến lên bình diện siêu nhiên thật trọn vẹn, không còn cần gì đến các cách thế, vì đã có đủ mọi cách thế ở dạng thực chất. Muốn đạt tới đó, cần rời khỏi tình trạng tự nhiên, cần ra khỏi mình, lìa bỏ những gì ở dưới thấp này để vươn tới điều cao vượt hơn mọi chiều cao.

6 - Vì thế một khi vượt khỏi tất cả những gì có thể biết được và hiểu được về mặt tâm linh cũng như về mặt tự nhiên, linh hồn phải hết sức khao khát đạt tới điều mà ở đời này nó không thể biết được và lòng nó không thể nghĩ ra được. Vất lại đàng sau tất cả những gì nó đã nếm, đã cảm hoặc có thể nếm, cảm được ở đời này, cả về mặt thế tục và tâm linh, nó phải hết sức khao khát đạt tới điều vượt hẳn mọi khả năng nếm, cảm... Muốn được tự do và rỗng đi để đón nhận một ơn lành như thế, nó phải đánh giá mọi thứ khác là hết sức kém giá trị và không được bám víu chút nào vào những gì nó sẽ đón nhận, cả về mặt tâm linh và cảm giác (như chúng tôi sẽ nói sau, khi bàn đặc biệt về điểm này). Bởi vì càng tưởng nghĩ đến những gì đã nghe, đã nếm, đã tưởng tượng, và càng quý chuộng những điều ấy, hoặc thuộc bình diện tâm linh hoặc không, linh hồn càng lìa bỏ sự thiện tối thượng và càng không chịu vươn tới đó. Ngược lại càng ít tưởng nghĩ tới những gì nó có thể có được, dù cao quý đến đâu, thì đối với sự thiện tối thượng, linh hồn càng tán dương và quý chuộng và do đó càng tiến gần tới sự thiện ấy hơn. Bằng cách đi trong đêm tối như thế, linh hồn sẽ tiến những bước thật xa hướng đến sự nên một với Thiên Chúa nhờ đức tin. Chính đức tin cũng tăm tối và nhờ đó mà sẽ ban được cho linh hồn một ánh sáng kỳ diệu. Còn nếu linh hồn cứ đòi thấy, chắc chắn khi nhìn vào Thiên Chúa nó sẽ bị tối tăm mặt mày còn hơn cả kẻ mở mắt nhìn chòng chọc vào ánh sáng mặt trời chói chang.

7 - Trên con đường này, có khiến các quan năng mình mù tối đi, ta mới thấy được ánh sáng, như lời Đấng Cứu Thế phán trong Tin Mừng: "Ta đến trong thế gian này chính là để phán xét, ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa đui mù" (Ga 9,39). Trên con đường tâm linh đang nói đây, những lời ấy phải được hiểu sát theo mặt chữ, tức là linh hồn nào chịu ở trong tăm tối và chịu hóa mù về hết mọi ánh sáng riêng và tự nhiên của mình, thì sẽ xem thấy được về phương diện siêu nhiên; còn linh hồn nào muốn dựa vào một ánh sáng cá nhân nào đó thì sẽ bị mù tối hơn và sẽ phải khựng lại trên nẻo đường nên một.

8 - Để tiếp tục cách sáng sủa hơn, trong chương kế tiếp đây tôi sẽ giải thích về bản chất của điều vẫn gọi là sự nên một với Thiên Chúa. Hiểu được điều đó, ta sẽ có thêm được nhiều ánh sáng cho những gì sẽ nói sau này. Thiết tưởng đây chính là chỗ thích hợp để nói về điểm ấy. Mặc dù phải gián đoạn luồng tư tưởng, nhưng sẽ soi sáng nhiều cho vấn đề đang bàn luận. Do đó, chương này có thể coi như một dấu ngoặc. Liền sau đó chúng ta sẽ trở lại bàn tiếp ba quan năng của linh hồn trong liên hệ với ba nhân đức hướng thần, trong đêm tâm linh thứ hai này.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 3: Lý do khiến đức tin là đêm tối

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 3
LÝ DO KHIẾN ĐỨC TIN LÀ ĐÊM TỐI *

- Làm sao đức tin lại là đêm dày cho linh hồn?
- Chứng minh bằng những lý lẽ, thế giá và hình ảnh của Thánh Kinh.

1 - Các nhà thần học nói rằng đức tin là một nếp quen [tức là một phần tính thường trực của hữu thể - habitus (DDB)]. của linh hồn, một nền nếp vừa chắc chắn vừa tăm tối. Nó là một nền nếp tăm tối bởi vì nó làm cho chúng ta tin các chân lý được chính Thiên Chúa mạc khải, những chân lý vượt trên mọi ánh sáng tự nhiên và vượt hẳn mọi khả năng trí hiểu của loài người. Do đó mà, đối với linh hồn, ánh sáng đức tin ấy trở nên như một bóng tối mù mịt, bởi lẽ cái hơn hút mất và át mất cái kém. Tựa như ánh sáng mặt trời át hết mọi thứ ánh sáng khác, vì những ánh sáng này bị chìm hẳn khi ánh mặt trời lóa lên chói lọi đập thẳng vào quan năng thị giác của ta. Nó khiến thị giác hóa mù quáng và không còn nhìn thấy gì nữa, bởi lẽ ánh sáng của nó quá chênh lệch, vượt hẳn sức chịu đựng của quan năng thị giác. Về ánh sáng đức tin cũng thế, vì quá sáng nên nó đè bẹp hẳn ánh sáng của trí hiểu, là thứ chỉ dùng được cho những hiểu biết thuần tự nhiên, mặc dù nếu Thiên Chúa muốn nâng lên thì nó cũng có khả năng tiếp thu những điều siêu nhiên.

2 - Nghĩa là, ánh sáng của trí hiểu không thể tự mình biết được điều gì nếu không qua con đường tự nhiên, tức là qua các giác quan. Muốn hiểu, ánh sáng của lý trí cần có những hình ảnh và biểu tượng hoặc những điều tương tự với các đối tượng ấy, nếu không, nó sẽ chẳng thể nào hiểu được. Bởi vì, theo triết học, phải vừa có đối tượng, vừa có quan năng tiếp nhận mới có được sự hiểu biết. Vì thế, nếu ta kể cho ai đó nghe về những vật mà người ấy chưa hề biết, cũng chưa bao giờ thấy điều gì tương tự với chúng, thì người ấy sẽ chẳng làm sao biết được điều gì về chúng hơn là khi chưa nghe nói. Chẳng hạn nếu ta kể cho một người rằng trên đảo nọ có một con thú mà người ấy chưa bao giờ thấy, và nếu ta không nói con thú ấy có điểm nào giống với những con thú người ấy đã biết, thì dù ta có nói gì đi nữa, nghe xong, người ấy vẫn chẳng có được ý niệm và hình ảnh gì về con thú ấy hơn trước khi ta kể. Xin nêu thêm một ví dụ khác để hiểu rõ hơn. Đây là một người mù bẩm sinh, chưa bao giờ thấy một màu sắc nào cả, nếu ta bảo người ấy rằng màu trắng hoặc màu vàng là như thế đó, thì có giải thích mấy đi nữa, người ấy cũng chẳng hiểu gì hơn, bởi vì người ấy chưa bao giờ thấy những màu ấy hoặc thấy một điều gì tương tự để dựa vào đó mà đoán định. Người ấy chỉ giữ lại được nguyên tên gọi các màu mà người ấy đã nghe được qua thính giác thôi, còn hình thức hoặc dáng vẻ của chúng thì không có một ý niệm gì, vì chưa bao giờ được thấy.

3 - Thế mà đó lại là cách đức tin hành động trong linh hồn. Nó nói với ta những điều ta chưa hề thấy, chưa hề nghe, và cũng chẳng có cái gì tương tự với những điều ấy để mà nghe, mà thấy trước. Ta không thể có một chút ánh sáng nào nhờ các tri thức tự nhiên, bởi vì điều đức tin nói với ta vượt hẳn mọi giác quan. Tuy vậy, ta tin những điều người khác dạy cho ta, ta bắt ánh sáng tự nhiên phải mù tối đi và phải khuất phục. Như lời thánh Phaolô nói: "Đức tin là do bởi lời đã được nghe" (Rm 10,17). Dường như Ngài muốn nói: Đức tin không phải là một hiểu biết tiếp thu đuợc do một giác quan nào đó; nó chỉ là một ung thuận của linh hồn đối với điều nó biết đuợc nhờ nghe nói.

4 - Đức tin còn vượt xa điều chúng ta hiểu được qua những ví dụ vừa kể rất nhiều, vì không những nó không đem lại kiến thức hoặc sự hiểu biết, mà như chúng tôi đã nói, nó còn tước đoạt và làm mù lòa cả những kiến thức và hiểu biết mà người ta mong dùng để phê phán chính xác về nó. Những sự hiểu biết khác thì người ta thâu nạp được nhờ ánh sáng của trí hiểu; còn sự hiểu biết đức tin thì không nhờ ánh sáng này, vì ta đã nhân danh đức tin mà chối bỏ nó; nếu cứ bám lấy ánh sáng này, không chịu làm cho nó tối đi thì đức tin sẽ hỏng mất. Vì thế ngôn sứ Isaia mới nói: "Các ngươi mà không tin, các ngươi sẽ không hiểu" (Is 7,9) [Theo bản 70, còn bản Do Thái viết: “Các ngươi mà không vững tin, các ngươi sẽ không vững được.”]. Vậy rõ ràng đức tin là một đêm dày đối với linh hồn, và chính bằng cách ấy mà nó đem lại ánh sáng cho linh hồn. Nó càng khiến linh hồn thành mù tối càng ban cho linh hồn ánh sáng lớn lao hơn về nó. Vì nó ban ánh sáng bằng cách gây mù tối, theo lời ngôn sứ Isaia: “Vì nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không có ánh sáng”. Cũng vì thế ta có thể biểu thị đức tin bằng đám mây đã chia cách con cái Israel khỏi quân Ai Cập khi họ sắp bước vào biển Đỏ, mà Thánh Kinh nói: "Đám mây ấy vừa là tối tăm vừa làm rạng sáng đêm tối" (Xh 14,20).

5 - Thật là chuyện kỳ diệu: Nó là tối tăm mà lại soi sáng ban đêm. Đức tin, vốn là một đám mây tăm tối và mù mịt đối với linh hồn. Cả linh hồn lúc này cũng đang là đêm, vì khi đức tin xuất hiện, linh hồn bị tước hết ánh sáng tự nhiên và trở thành mù tối. Đám mây đức tin kia lại dùng sự mù mịt của nó mà chiếu soi và ban ánh sáng cho sự mù mịt của linh hồn, khiến cho thầy giáo (là đức tin) hòa hợp với học trò (là linh hồn). Thật vậy, một người đã ở trong tăm tối mù mịt, chỉ có thể được soi sáng cách thích hợp nhờ một sự tăm tối mù mịt khác, như Đavít có dạy "Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia" (Tv 18A/19A,3). Nói rõ ra là thế này: Thiên Chúa là ngày trong sự hạnh phúc vô tận của Ngài, hạnh phúc này là ngày đối với các thiên thần và các linh hồn đã được hưởng phúc, và cả hai nhóm này cũng đã là những ngày. Ngày mách bảo cho ngày tức là Thiên Chúa nói với họ và thông ban cho họ Ngôi Lời, là Con của Ngài, để họ được biết và vui hưởng. Còn đêm tức là đức tin trong Hội thánh chiến đấu, nơi vẫn còn đêm tối. Đức tin bày tỏ sự hiểu biết cho Hội thánh, và cho bất cứ linh hồn nào, chính mỗi linh hồn này lại là đêm, vì chưa được hưởng sự khôn ngoan diễm phúc sáng tỏ, và đang ở trong đức tin nên bị mù tối, mất cả ánh sáng tự nhiên của mình.

6 - Như vậy, nói được rằng: Đức tin là một đêm dày nên mới soi sáng được cho linh hồn đang ở trong tăm tối, đúng như điều mà cũng chính vua Đavít có nói: "Đêm sẽ nên ánh sáng soi tôi trong niềm hoan lạc [24 Nguyên văn: “Tôi có nói: Ít ra tối tăm có thể che khuất tôi đi, ánh sáng quanh tôi trở thành đêm tối.” (Tv 138/139, 11).]. Ông muốn nói: Khi ông được hoan lạc trong sự chiêm niệm tinh trong và sự nên một cùng Thiên Chúa, đêm đức tin sẽ hướng dẫn ông. Thế mới biết linh hồn phải ở trong mịt mù tăm tối (về mặt tự nhiên) để có được ánh sáng mà tiến bước (trên đường nên một với Thiên Chúa).

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 2: Đức tin

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 2
ĐỨC TIN *
(Các tựa đề có đánh dấu hoa thị (*) là của riêng bản Việt ngữ. Người dịch mạn phép thêm vào để bạn đọc dễ theo dõi tư tưởng của tác giả và tiện tra cứu ở mục lục.)

- Bắt đầu bàn về phần thứ hai của đêm, đề cập tới nguyên nhân của đêm này, tức là đức tin.
- Có hai lý do cho thấy phần thứ hai của đêm tối hơn phần thứ nhất và phần thứ ba.

1 - Bây giờ bắt đầu bàn đến phần thứ hai của đêm, tức là bàn về đức tin. Đức tin là phương thế kỳ diệu để đạt đến cùng đích của ta là Thiên Chúa là nguyên nhân thứ ba và là phần thứ ba của đêm này. Đức tin nằm ở giữa nên được so sánh với nửa đêm. Do đó có thể nói, đối với linh hồn, phần này còn tối hơn cả phần thứ nhất, và một cách nào đó cũng tối hơn cả phần thứ ba. Bởi lẽ phần thứ nhất tức là đêm giác quan, được so sánh với phần đầu của đêm, phần trước nửa đêm, lúc người ta không còn nhìn thấy các vật khả giác nhưng lúc ấy chưa xa ánh sáng bằng lúc nửa đêm. Còn phần thứ ba là phần trước rạng đông, nó ở gần ánh sáng ban ngày nên không tối bằng nửa đêm. Nó sát liền, phác họa và báo hiệu ánh sáng ban ngày, và nó được sánh với chính Thiên Chúa. Thật vậy, cứ tự nhiên mà nói, đối với linh hồn thì Thiên Chúa cũng là một đêm dày như đức tin. Tuy nhiên, sau khi linh hồn trải qua cả ba phần của đêm như thế, Thiên Chúa sẽ chiếu sáng linh hồn cách siêu nhiên bằng những tia sáng thần linh của Ngài, là khởi điểm của sự nên một hoàn hảo tiếp liền sau đó, khi đã vượt hết phần thứ ba, nên cũng có thể nói rằng phần đêm thứ ba này ít tăm tối hơn phần thứ hai.

2 - Phần đêm thứ hai tối hơn phần đầu, vì phần đầu chỉ chạm đến phần hạ đẳng của con người là phần cảm giác và do đó cũng là phần nằm ở mặt ngoài; còn phần thứ hai, tức là đêm tối đức tin chạm đến phần thượng đẳng của con người tức là phần lý trí, là phần nằm sâu ở trong và cũng tăm tối hơn, vì nó tước đoạt luôn cả ánh sáng của lý trí, hay nói đúng hơn, nó khiến lý trí bị mù tối. Do đó, đêm đức tin được so sánh rất xác đáng với nửa đêm, là phần thâm sâu nhất của đêm đen.

3 - Giờ đây chúng ta sẽ chứng minh làm thế nào phần thứ hai này, tức đức tin, lại là đêm đối với tâm trí, như phần thứ nhất đã là đêm đối với giác quan. Rồi sẽ nói đến những chướng ngại trong đêm ấy và linh hồn phải làm gì về mặt chủ động để vào được trong đó; còn về mặt thụ động, tức là những điều Thiên Chúa sẽ làm bất chấp phản ứng của linh hồn để đẩy nó vào đó, chúng ta sẽ nói sau, ở nơi thích hợp, tức là cuốn ba (Đêm dày).

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 1: Ca khúc thứ hai



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

- MỤC LỤC:

CHƯƠNG 1 Ca khúc thứ hai
CHƯƠNG 2 Đức tin *
CHƯƠNG 3 Lý do khiến đức tin là đêm tối *
CHƯƠNG 4 Cần đi qua đêm đen *
CHƯƠNG 5 Bản chất sự nên một *
CHƯƠNG 6 Ba nhân đức hướng thần và ba quan năng *
CHƯƠNG 7 Đường hẹp của trí hiểu *
CHƯƠNG 8 Không gì trong giới tự nhiên có thể trực tiếp giúp nên một với Thiên Chúa *
CHƯƠNG 9 Đức tin giúp nên một với Thiên Chúa *
CHƯƠNG 10 Đôi điều cần phân biệt *
CHƯƠNG 11 Những khoái cảm tâm linh qua giác quan *
CHƯƠNG 12 Các nhận thức tưởng tượng tự nhiên không thể giúp nên một với Thiên Chúa *
CHƯƠNG 13 Những dấu hiệu phải có *
CHƯƠNG 14 Cần có đủ ba dấu hiệu*
CHƯƠNG 15 Khi mới tiếp cận*
CHƯƠNG 16 Những nhận thức tưởng tượng*
CHƯƠNG 17 Mục đích các ơn ban*
CHƯƠNG 18 Những vị linh hướng bị lầm lạc*
CHƯƠNG 19 Tại sao ta dễ bị gạt*
CHƯƠNG 20 (Vì sao không chắc chắn?*)
CHƯƠNG 21 Sự tò mò không cần thiết*
CHƯƠNG 22 Tại sao không được phép?*
CHƯƠNG 23 Những nhận thức thuần tâm linh*
CHƯƠNG 24 Hai loại thị kiến tâm linh*
CHƯƠNG 25 Các mạc khải*
CHƯƠNG 26 Loại mạc khải thứ nhất*
CHƯƠNG 27 Loại mạc khải thứ hai*
CHƯƠNG 28 Những lời nói nội tâm*
CHƯƠNG 29 Những lời nói “liên tiếp”*
CHƯƠNG 30 Những lời trang trọng*
CHƯƠNG 31 Những lời nói thực thể*
CHƯƠNG 32 Những cảm xúc tâm linh*

***

QUYỂN 2

- Bàn về phương thế gần nhất để vươn tới chỗ nên một với Thiên Chúa, tức là về đức tin.
- Và về phần thứ hai của đêm dày thuộc phần tâm linh, được hàm chứa trong ca khúc thứ hai dưới đây.

CHƯƠNG 1
CA KHÚC THỨ HAI

Trong tăm tối và an toàn,
Cải trang, men theo cầu thang bí mật,
Ôi vận may diễm phúc!
Trong tăm tối và được che khuất,
Mái nhà tôi đã thật yên hàn.


1 - Trong ca khúc thứ hai này, linh hồn ca hát vận may diễm phúc nó có được nhờ lột bỏ khỏi tâm trí hết mọi bất toàn về tâm linh và mọi mê thích muốn chiếm hữu về mặt tâm linh. Vận may diễm phúc ấy thật lớn lao. Linh hồn đã gặp biết bao khó khăn mới giữ cho ngôi nhà được yên tịnh về mặt tâm linh, để tiến vào sự tăm tối bên trong. Có nghĩa là tâm trí được lột bỏ hết mọi sự, cả về khả giác lẫn về tâm linh, chỉ còn lại nguyên đức tin và chỉ nhờ đức tin ấy mà vươn tới Thiên Chúa.

Chính vì thế, ở đây đức tin được gọi là "thang" và "bí mật". Mọi bậc thang, tức là mọi tín điều của đức tin đều kín nhiệm vì bị che giấu với hết mọi giác quan và trí hiểu. Khi linh hồn lìa bỏ mọi giới hạn tự nhiên và hợp lý, để vươn lên nhờ thang đức tin ấy của Thiên Chúa, nó chìm trong tăm tối, không có một chút ánh sáng nào của giác quan và trí hiểu, chỉ còn nhờ đức tin mà leo lên và tiến vào tận những miền sâu thẳm của Thiên Chúa.
Linh hồn nói rằng nó "cải trang" mà ra đi. Có nghĩa là, nhờ đức tin hướng dẫn tiến lên, nó được đổi khác từ tư trang y phục đến dáng dấp hành động tự nhiên, tất cả đều được biến đổi, mang lấy tính cách thần linh. Chính nhờ sự cải trang ấy, linh hồn không bị điều gì của thế tục, của lý trí hoặc của ma quỷ phát hiện và cầm giữ lại. Không một điều gì trong ba thứ ấy có thể làm hại nó khi nó tiến bước trong đức tin.

Không những thế, lúc đó, linh hồn còn được giấu ấn, che chở và giữ xa mọi mưu chước của ma quỷ, đến độ quả đúng là nó tiến bước trong "tăm tối và được che khuất". Đây có ý nói là được che khuất khỏi sự dòm ngó của ma quỷ, vì đối với ma quỷ thì ánh sáng đức tin còn tăm tối hơn cả bóng tối nữa.

Như thế, khi linh hồn đi bằng nẻo ấy, ta có thể nói rằng nó được che giấu và bảo vệ không để cho ma quỷ thấy được.

2 - Vì đó, linh hồn mới nói nó đã ra đi "trong tăm tối" và "an toàn". Thật vậy, ai có cơ may tiến bước qua nẻo tăm tối của đức tin, để cho đức tin dẫn dắt trong cảnh mù lòa, sẽ vượt hết mọi biểu thị tự nhiên và mọi lý lẽ tâm linh, mà tiến bước thật an toàn, như đã nói trên kia.

Linh hồn còn nói rằng nó đã ra đi trong đêm tâm linh ấy đang khi "mái nhà" nó, tức là phần tâm linh và lý trí, "đã thật yên hàn". Thật vậy, khi linh hồn đạt tới sự nên một với Thiên Chúa, thì những khả năng tự nhiên của nó, những mãnh lực và âu lo khả giác về mặt tâm linh, tất cả đều được chế ngự, thật yên tịnh. Vì thế ở đây linh hồn không bảo rằng nó đã ra đi với những âu lo, như trong đêm thứ nhất, đêm giác quan. Bởi vì, để bước đi trong đêm giác quan và tự lột bỏ những gì khả giác, cần phải cảm thấy những âu lo bồn chồn của tình yêu khả giác mới có thể ra đi được. Còn, để chế ngự cho ngôi nhà tâm linh được yên tịnh, chỉ cần chối bỏ hết mọi quan năng, mọi thích thú và mê thích tâm linh, chối bỏ trong một đức tin tinh tuyền. Làm được điều đó rồi, linh hồn được nối kết với Đức Tình Quân trong một sự nên một đơn giản, tinh tuyền, yêu mến và đồng hóa.

3 - Cũng phải ghi nhận thêm rằng trong ca khúc thứ nhất, khi nhắc tới phần giác quan, linh hồn bảo là nó đã ra đi trong đêm dày, còn ở đây khi nhắc tới phần tâm linh, nó lại nói mình ra đi trong tăm tối, bởi lẽ sự mù mịt nơi phần tâm linh lớn hơn và vì sự tăm tối vốn mù mịt hơn đêm. Thật vậy, đêm dù tăm tối tới đâu vẫn còn thấy lờ mờ được một chút gì, nhưng nơi chính sự tăm tối thì không còn xem thấy gì hết. Trong đêm giác quan cũng còn chút ánh sáng, vì trí hiểu và lý trí chưa bị mù. Còn đêm tâm linh, tức là đức tin, thì thiếu hẳn mọi ánh sáng, cả nơi trí hiểu lẫn nơi giác quan. Do đó linh hồn mới bảo rằng nó tiến bước "trong tăm tối và an toàn", điều mà trong đêm giác quan nó không nói. Thật vậy, linh hồn càng ít hoạt động nhờ tài năng riêng, càng tiến bước an toàn, vì càng tiến bước trong đức tin. Đó là điều sẽ được bàn sâu rộng trong cuốn thứ hai này, xin bạn đọc lưu tâm, vì chúng tôi sẽ nói đến điều rất quan trọng trên đường tâm linh đích thật. Hẳn sẽ có những điểm hơi tối, nhưng tất cả đều đan dệt với nhau, nên chúng sẽ soi sáng lẫn cho nhau, và tôi tin rằng, mọi người sẽ hiểu được thấu đáo.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
 

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 1 - Chương 15: Giải nghĩa các câu thơ còn lại của ca khúc

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 1

CHƯƠNG 15
GIẢI NGHĨA CÁC CÂU THƠ CÒN LẠI CỦA CA KHÚC *

Ôi vận may diễm phúc!
Tôi đã ra đi không bị để ý,
Mái nhà tôi giờ thật yên hàn.

1 - Linh hồn dùng một ẩn dụ để nêu rõ tình cảnh tù đày đáng thương. Ai trốn được nơi đó mà không bị người cai tù nào ngăn cản đều coi đó là vận may diễm phúc. Quả thật, từ sau tội tổ tông, linh hồn chẳng khác nào bị cầm tù trong cái thân xác hay chết này, phải lụy thuộc các xúc cảm và mê thích tự nhiên. Một khi được thoát khỏi vòng vây, không còn lụy thuộc chúng, linh hồn tự cho mình gặp "vận may diễm phúc" vì đã ra đi mà không bị để ý - tức là không bị một mê thích nào ngăn cản và cầm giữ.

2 - Để được như thế, linh hồn đã tranh thủ ra đi trong "đêm dày", tức là trong sự lột bỏ hết mọi thích thú và giết chết mọi mê thích, theo cách thức chúng tôi đã nói. Còn câu "mái nhà tôi giờ thật yên hàn" nhằm nói rằng phần giác quan, là nhà của mọi mê thích, từ nay được bình an do các mê thích đã bị chế ngự và thiếp ngủ. Thật vậy, bao lâu các mê thích chưa thiếp ngủ nhờ nhục dục bị giết chết, bao lâu nhục dục chưa bị dẹp yên đến độ không còn quấy rầy phần tâm linh nữa, thì linh hồn vẫn chưa đạt được tự do chân chính, để vui hưởng ơn nên một với Đức Tình Quân của mình đâu.

*** Hết cuốn thứ nhất. ***

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 1 - Chương 14: Giải nghĩa câu thứ hai của ca khúc



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 1

CHƯƠNG 14
GIẢI NGHĨA CÂU THỨ HAI CỦA CA KHÚC *

“Nồng nàn yêu thương và âu lo”

1 - Chúng tôi đã giải nghĩa câu thứ nhất của ca khúc, câu bàn đến giác quan, giúp hiểu thế nào là đêm giác quan và tại sao lại gọi nó là đêm. Chúng tôi cũng đã nêu rõ phải theo trật tự và phương thế nào để lao vào đó cách chủ động. Bây giờ đến lúc phải bàn về những đặc tính và hậu quả kỳ diệu của nó, là những điều chứa đựng trong các câu kế tiếp của ca khúc. Tôi chỉ xin nói thật giản lược, xoáy thẳng vào trọng tâm để giải nghĩa mấy câu thơ ấy, như tôi đã hứa trong lời tựa. Rồi tôi sẽ đi ngay sang cuốn thứ hai của đêm tối này, tức là đêm tâm linh.

2 - Linh hồn nói rằng "trong khi nồng nàn yêu thương và âu lo", nó vượt qua và lao vào đêm dày của giác quan để nên một với Đức Lang Quân. Bởi vì, nhằm vui hưởng các mê thích, lòng muốn đã thường yêu chuộng chúng và nghiêng chiều về chúng đến độ cháy bừng, cho nên muốn chiến thắng hết mọi mê thích và từ bỏ lòng mê thích mọi sự, nó cần phải có một sự nồng nàn khác lớn hơn, do một tình yêu khác lớn hơn, tức là tình yêu của Đức Tình Quân của nó. Một khi có được sự thích thú và sức mạnh nơi Ngài, lòng muốn sẽ có được nghị lực và sự kiên trì để dễ dàng từ bỏ hết mọi tình yêu khác.

Để chiến thắng sức mạnh của các mê thích thuộc giác quan, không những cần phải có lòng yêu mến Đức Tình Quân, mà còn phải nồng nàn yêu thương và âu lo. Thực vậy, kinh nghiệm cho thấy bản tính khả giác của chúng ta bị đánh động và cuốn hút vào các sự vật khả giác với biết bao âu lo vì mê thích, đến nỗi nếu phần tâm linh không cháy bừng bằng chính yếu tố tâm linh với những âu lo còn lớn hơn nữa, thì sẽ không thể nào lướt thắng cái ách tự nhiên, để tiến vào đêm giác quan, và sẽ không có đủ can đảm tự tước đoạt khỏi lòng mê thích mọi thụ tạo để ở trong tình trạng tăm tối đối với mọi sự.

3 - Tuy nhiên ở đây chúng tôi không nói về bản chất và số lượng những nỗi lo âu của tình yêu mà các linh hồn cảm thấy trong những bước đầu của con đường kết hiệp nên một này; cũng không nói về những sự hối hả và những khám phá linh hồn phải làm để ra khỏi nhà (tức là ý riêng), trong đêm tối (tức là sự giết chết các giác quan). Chúng tôi cũng không nói những âu lo dành cho Đức Tình Quân như thế đã giúp linh hồn vượt qua những lao nhọc và nguy hiểm của đêm ấy dễ dàng biết bao và cảm thấy êm ái ngọt ngào đến ngần nào. Đây không phải chỗ để bàn đến những chuyện ấy, đàng khác, đó cũng là những điều không thể diễn tả. Cảm nghiệm được và chiêm ngắm được những điều ấy thì tốt hơn là viết nó ra. Do đó, chúng tôi xin bước qua giải thích các câu thơ còn lại ở chương tiếp đây.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2024

Lời nguyện của Chị Thánh Tiên-Sa Nhỏ

 


Lời nguyện 20
CẦU XIN ƠN KHIÊM NHƯỜNG (*)
Ôi Giêsu!

16/7/1897

Ôi Giêsu! Khi còn là một Lữ Khách trên trần gian, Chúa đã nói: “Hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11,29).

Ôi Quốc Vương Thiên Đàng Quyền Năng, vâng, linh hồn con tìm được sự nghỉ ngơi khi nhìn thấy Chúa, mặc lấy thân nô lệ (Pl 2,7), hạ mình đến mức rửa chân cho các tông đồ (Ga 13,5). Bây giờ con nhớ lại những lời Chúa nói để dạy cho con biết khiêm nhường: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà... Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em" (Ga 13,15-17). Con hiểu những lời ấy, lạy Chúa, những lời phát xuất từ Tấm Lòng hiền hậu và khiêm nhường của Chúa (Mt 11,29), con muốn đem những lời ấy ra thực hành cùng với sự giúp sức của Chúa.

Con muốn hạ mình khiêm nhường và đặt ý muốn của con vào ý định của các chị em con, không chút phản đối và không tìm hiểu xem các chị em có quyền ra lệnh cho con hay không [Xem sách Gương Chúa Giêsu, III, 49, 7 và CSG, tr. 118]. Ôi lạy Đấng Chí Ái, chẳng ai có quyền gì đối với Chúa nhưng Chúa đã vâng phục, không chỉ với Đức Thánh Trinh Nữ và Thánh Giuse (Lc 2, 51), mà còn cả với những kẻ xử tử Chúa nữa. Giờ đây, chính là trong Bánh Thánh mà con nhìn thấy Chúa hoàn toàn hủy mình ra không [Chữ được sử dụng một lần duy nhất trong các bút tích]. Ôi lạy Đức Vua Thần Linh Vinh Hiến (Tv 23,7-9) thật là khiêm nhường biết bao khi Chúa chịu lụy tất cả các linh mục của Chúa mà không hề phân biệt trong số các ngài ai yêu mến Chúa và ai được Chúa yêu mến! ai hâm hẩm hay nguội lạnh trong việc phục vụ Chúa... Theo tiếng gọi của các ngài mà Chúa từ trời xuống, các ngài có thể cử hành Thánh lễ sớm, muộn, Chúa vẫn luôn sẵn sàng...

Ôi Đấng Chỉ Ái, dưới tấm mạng Bánh Thánh trắng tinh (Mt 11,29) Chúa xuất hiện với con thật đầy lòng hiền hậu và khiêm nhường! Để dạy con đức khiêm nhường. Chúa không thể hạ mình hơn được nữa, vì thế mà con muốn, để đáp lại tình yêu của Chúa, ước ao các chị em con luôn đặt mình vào chỗ rốt hết (Lc 14,10) và tin chắc rằng đó là chỗ của con.

Con nài xin Chúa, Ôi Giêsu Thần Linh, gửi đến cho con nhân đức khiêm nhường mỗi khi con tìm cách nâng mình lên hơn người khác.

Con biết, ôi lạy Chúa, Chúa hạ bệ linh hồn kiêu căng (Lc 14,11) nhưng linh hồn nào hạ mình xuống thì Chúa ban cho vinh quang đời đời, vì thế mà con muốn đặt mình vào nơi cuối hết (Lc 14,10), chia sẻ những hạ mình của Chúa (Ga 13,8) để “thông phần với Chúa" trong vương quốc Thiên Đàng.

Nhưng, lạy Chúa, Chúa biết sự yếu đuối của con; mỗi buổi sáng, con quyết định thực hành đức khiêm nhường 
và đến tối thì con lại nhận ra mình vẫn còn phạm quá nhiều lỗi kiêu ngạo, do đó con bị cám dỗ trở nên ngã lòng nhưng, con biết, sự ngã lòng cũng chính là kiêu ngạo, vậy lạy Chúa, con muốn đặt hết niềm cậy trông của con vào một mình Chúa; bởi vì Chúa có thể làm mọi sự, xin Chúa hãy đoái thương làm cho sinh ra trong linh hồn con nhân đức mà con ao ước. Để nhận được hồng ân từ lòng thương xót bất tận của Chúa, con sẽ luôn lặp lại: “Ôi Giêsu, có lòng hiển hậu và khiêm nhường, xin hãy làm cho trái tim con nên giống trái tim Chúa!" (Mt 11,29).

***
- Chú thích:

CẦU XIN ƠN KHIÊM NHƯỜNG

TƯ LIỆU: CE 11, 181r/183r. - Niên biểu 16/7/1897. - Viết cho chị Mácta Xuất bản: HA 07, tr. 307-308 (đã được hiệu đính); Những Lời Cầu Nguyện 1988, tr. 53.

Lời cầu nguyện này được viết cho chị Mácta Chúa Giêsu, nhân sinh nhật lần thứ 32 của chị này, ngày 16/7/1897 (được khẳng định bởi Thư 256). Bổn phận trợ sĩ quy định chị phải nghe lệnh của bất cứ nữ tu nào trong nhà, và tinh thần phản kháng của chị khiến cho việc vâng lời trở nên khó khăn. Do đó, Têrêxa mời gọi chị hãy nhìn vào "Chúa Giêsu có lòng hiến hậu và khiêm nhường". Cũng trong giai đoạn này, Têrêxa chỉ nói bằng cách ấy với các tập sinh, Marie Chúa Ba Ngôi (LT 264), Marie Thánh Thể (DE) và nhất là với chị Geneviève (LT 243).

Lời này của Chúa, được nhắc lại ba lần trong lời cầu nguyện, đặc biệt làm cho Têrêxa mạnh mẽ trải qua những tuần lễ cuối cùng của đời mình (x. "Cuốn Sổ Màu Vàng" của Mẹ Agnès Giêsu 15.5.3).

***

- Trích trong tác phẩm “Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu Và Thánh Nhan, quyển IV: Những Lời Cầu Nguyện – Những Trò Chuyện Sau Cùng – Các Ghi Chép Khác”. Bản dịch của Nôbertô Thái Văn Hiến, trang 64-67.