Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

Bậc cầu nguyện thứ nhất (tiếp theo)



CHƯƠNG 13 

Tiếp tục trình bày bậc nguyện ngắm thứ nhất. Người góp ý kiến giúp chúng ta đối phó với âm mưu của ma quỉ. Chương này rất hữu ích.

***

Thiết tưởng nên nói đến một số cám dỗ mà tôi nhận thấy ma quỉ thường lợi dụng để tấn công những người mới bắt đầu (thực hành nguyện ngắm) – chính tôi đã phải trải qua – nên tôi xin góp ý kiến về những vấn đề tôi thấy là cần thiết.

Vậy ở bậc sơ khởi này, chúng ta phải cố gắng (làm cho mình) cảm thấy hạnh phúc và thoải mái. Có những người nghĩ rằng nếu chỉ giãn xả một chút là lòng sốt sắng sẽ bay biến mất. Ngờ vực chính mình và không tự tin lao mình vào những dịp thường làm mình xúc phạm đến Thiên Chúa là rất phải. Điều này cần thiết bao lâu chúng ta chưa vững chắc trong đường nhân đức. Có rất ít người hoàn hảo đến có thể chuẩn chước cho mình buông theo bất cứ khuynh chiều tự nhiên nào. Nếu chỉ để đạt được đức khiêm nhường thôi mà suốt đời, chúng ta phải luôn nhận ra tình trạng hư hèn của bản tính mình thì cũng là điều rất hữu ích. Tuy nhiên có nhiều trường hợp như tôi đã nói, chúng ta được phép giải trí đôi chút, để khi trở lại nguyện ngắm, chúng ta có thể nhiệt thành sốt sắng hơn. Cần phải khôn ngoan trong hết mọi sự. 

2. Chúng ta phải rất tự tin. Vì điều tối quan trọng là không nên làm nhụt nhuệ khí, nhưng phải tin tưởng rằng nếu chúng ta cứ cố gắng, thì với ơn Chúa giúp, dầu có lẽ không ngay tức khắc, chúng ta cũng sẽ đạt tới đích mà nhiều vị thánh đã tới nhờ hồng ân của Người. Nếu chẳng bao giờ các ngài quyết định đạt tới đích và thực hiện ước vọng của mình cách liên tục, thì chẳng bao giờ các ngài đã lên tới bậc cao như thế. Chúa mong chờ và yêu mến những linh hồn can đảm nếu họ không tin tưởng vào chính mình mà chỉ sống khiêm nhượng. Tôi không bao giờ thấy những người như vậy ngưng lại trên con đường thánh thiện. Cũng chẳng có linh hồn nào đội lốt khiêm nhường, hành động một cách lừng khừng hèn nhát mà trong nhiều năm có thể tiến xa như những linh hồn can đảm đạt được chỉ trong thời gian ngắn. Tôi tự hỏi, nếu can đảm bắt tay thực hiện những việc lớn lao, người ta có thể làm được những gì trên đường thánh thiện này? Có thể là linh hồn không có sức mạnh để hoàn thành ngay được, nhưng nếu cất cánh bay, linh hồn có thể bay được rất cao, dù (sau đó) như chim non chưa đủ lông, linh hồn mệt mỏi và đà tiến phải chậm lại.

3. Có một thời tôi nghĩ đến lời thánh Phaolô nói rằng trong Thiên Chúa, mọi sự đều có thể (Pl 4,13). Tôi nhận thức rất rõ rằng tự tôi, tôi chẳng thề làm gì được. Lời sau đây của thánh Augustinô cũng giúp ích cho tôi rất nhiều: “Lạy Chúa, xin ban cho con huấn lệnh của Chúa và hãy truyền cho con điều Chúa muốn”. Tôi cũng thường suy nghĩ rằng nếu sau đó Phêrô sợ hãi, nhưng khi gieo mình xuống biển, thánh nhân chẳng mất mát gì (Mt 14, 29). Phải cương quyết ngay từ đầu là điều rất cần thiết. Nhưng trong suốt bậc (nguyện ngắm) thứ nhất này, chúng ta phải đi chậm chậm theo sự khôn ngoan và ý kiến của vị hướng dẫn. Nhưng chúng ta không được chọn vị hướng dẫn thuộc loại người dạy chúng ta bước đi chậm chạp như con cóc, và khi thấy chúng ta có khả năng bắt được thằn lằn là đã thoả mãn rồi. Phải luôn chăm chỉ luyện tập đức khiêm nhường để chúng ta có thể nhận thấy sức mạnh (giúp tiến bộ) không thể bắt nguồn từ bất cứ sức mạnh nào của riêng chúng ta.

4. Nhưng điều cần thiết là phải biết thế nào là khiêm nhường. Ma quỉ làm hại các linh hồn nguyện ngắm rất nhiều bằng cách làm cho họ hiểu sai về nhân đức này, để ngăn cản họ không tiến xa hơn được. Nó thuyết phục chúng ta rằng ước ao những điều cao cả, muốn bắt chước các thánh và muốn chết tử đạo là kiêu ngạo. Nó bảo hay làm cho chúng ta nghĩ rằng: là những tội nhân, chúng ta có thể thán phục hành động của các thánh, nhưng không được bắt chước làm như vậy. Chính tôi cũng đồng ý với hắn trên quan điểm là chúng ta phải biết nhận định. Phải thán phục cái gì và phải bắt chước làm cái gì. Vì một người yếu đuối bệnh nạn lại cứ chay tịnh liên miên và hành xác nghiêm khắc hay tìm vào sa mạc ở đó không thể ngủ, cũng không tìm được của ăn, hay cố gắng làm những việc khác như vậy là thiếu khôn ngoan. Nhưng cũng phải biết rằng, với ơn Chúa giúp, chúng ta có thể cố gắng để tiến tới chỗ khinh chê thế gian, chẳng màng tới vinh dự, cũng không gắn bó vào của cải. Vì chúng ta thiển cận đến nỗi tưởng rằng trái đất sẽ thiếu phần hấp dẫn, nếu chúng ta chỉ hơi cố gắng bỏ quên thân xác để lo vun trồng tinh thần. Chúng ta còn nghĩ rằng có đầy đủ những gì cần thiết sẽ giúp cho dễ hồi tâm, vì những bận tâm tìm nhu cầu vật chất làm ngăn trở việc nguyện ngắm.

5. Điều làm tôi đau đớn là thấy chúng ta chẳng mấy tin tưởng vào Chúa và lo lắng về mình thái quá nên mới để cho những âu lo trần tục như thế làm xáo trộn tâm linh chúng ta. Khi đã tiến được một chút trên đường thiêng liêng thì những chuyện lặt vặt, nhỏ nhặt nhất cũng làm chúng ta bận tâm nhiều như những công việc quan trọng và giá trị làm cho các người khác bận tâm vậy. Dẫu vậy, chúng ta vẫn đinh ninh rằng mình chỉ lo đến những việc thiêng liêng. Tôi thấy nếp sống như thế như là một cố gắng dung hoà xác với hồn, để có thể vừa được thoải mái ở đời này, và cũng không mất niềm hạnh phúc được hưởng Thiên Chúa ở đời sau. Nếu sống chính trực và thực hành các nhân đức thì cũng tạm được. Nhưng điều đó có nghĩa là tiến lên một cách ngập ngừng do dự như con gà mái nên sẽ chẳng bao giờ có được sự tự do thiêng liêng. Tôi thấy đây là lối sống thích hợp cho những người sống đời hôn nhân, vì phù hợp với ơn gọi của họ. Còn trong bất cứ bậc sống nào khác thì không thể cho đó là một lối sống giúp tiến bộ (trên đường thánh thiện) cũng chẳng ai thuyết phục được tôi rằng đó là lối sống gương mẫu. Tôi đã có kinh nghiệm rồi và chắc là tôi đã vẫn cứ ở y tại chỗ, nếu lòng nhân từ của Chúa không chỉ dạy tôi con đường khác ngắn hơn.

 6. Về vấn đề khát vọng, tôi luôn có tham vọng. Nhưng như tôi đã nói, tôi cố gắng theo đuổi nguyện ngắm, đồng thời vẫn sống theo sở thích của tôi. Nếu có ai khuyến khích tôi bay lượn lên cao hơn, thì tôi nghĩ người đó có thể đem tôi tới tình trạng như là thành quả những khát vọng của tôi rồi. Nhưng vì tội lỗi của chúng ta mà có ít ai lưu tâm đến vấn đề này và tôi nghĩ điều đó đã là lý do đủ để giải thích tại sao những người mới bắt đầu không tiến mau và tiến tới bậc hoàn thiện mau chóng hơn. Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta và không phải lỗi tại Người mà chính tại chúng ta tội lỗi và khốn nạn.

7. Chúng ta cũng có thể noi gương các thánh. Cố gắng tìm kiếm nơi cô tịch thinh lặng và nhiều nhân đức khác. Những việc như vậy sẽ không giết chết những cái xác khốn nạn này của chúng ta đâu, (những cái xác) chỉ mong được nuông chiều để nhiễu hại linh hồn; và khi thấy chúng ta sợ những việc ấy, ma quỉ đem hết tài sức làm cho thân xác chúng ta ra bất lực (không thể thực hiện những việc đó). Như thế là đủ cho nó. Rồi nó cố gắng thuyết phục chúng ta rằng tất cả những việc đạo đức ấy sẽ làm hại chúng ta, hại cho sức khoẻ chúng ta. Nếu chúng ta khóc, nó làm chúng ta sợ mình sẽ mù. Tôi đã có kinh nghiệm về điều này nên tôi biết – tôi cũng biết rằng chúng ta có thể mong ước gì tốt cho thị giác hay cho sức khoẻ hơn là hy sinh cả hai vì một lý tưởng cao thượng. Vì tôi hay bệnh hoạn nên tôi luôn bị sợ hãi chi phối. Tôi cứ mãi thờ ơ lạnh nhạt cho tới khi tôi quyết định không lưu ý đến thân xác hay sức khoẻ nữa (thì tôi sốt sắng hẳn lên) và bây giờ tôi ít bận tâm đến những chi tiết ấy. Chúa đã đoái thương cho tôi hiểu cái âm mưu này của ma quỉ. Vì thế, bất cứ khi nào ma quỉ gợi cho tôi lo sức khoẻ bị suy nhược, tôi liền trả lời: “Tôi có chết cũng chẳng sao”. Còn nghỉ ngơi, tôi không cần nghỉ ngơi, nhưng phải vác thập giá. Đối với các vấn đề khác cũng vậy. Trong rất nhiều trường hợp tôi thấy rõ rằng dầu thực sự tôi yếu, thì đó chỉ là cơn cám dỗ bởi ma quỉ hay bởi sự yếu đuối của riêng tôi. Từ khi tôi ít dung dưỡng cho mình, thì sức khoẻ của tôi lại khá hơn. Vậy điều tối quan trọng là ngay bước đầu trong việc nguyện ngắm, đừng có những tư tưởng nản lòng thối chí. Bạn có thể tin tôi về điểm này, vì tôi đã biết được nhờ kinh nghiệm. Kể những lầm lỗi của tôi ra có thể lại hữu ích cho người khác để họ thấy gương tôi mà đề phòng.

8. Còn một cơn cám dỗ khác cũng rất thông thường nơi những người mới bắt đầu – đó là khi họ vừa nếm được chút thanh bình và ích lợi của nguyện ngắm, là họ muốn mọi người phải ở bậc trọn lành thật cao. Ước muốn này không xấu, nhưng cách thực hành có thể là không hợp thời. Nếu chúng ta không thực hiện cách khôn ngoan và khôn khéo thì chúng ta có vẻ là kẻ dạy đời. Ai muốn làm ích cho tha nhân trong vấn đề này thì phải rất vững trong đường nhân đức trước đã, để không nên cớ vấp phạm cho người khác. Tôi đã thấy điều này nơi chính tôi – và đó là cơ hội để tôi nhận ra nó. Như tôi đã nói, khi tôi cố gắng thuyết phục người khác thực hành nguyện ngắm, một bên người ta nghe tôi nói nhiều về những ơn ích của nguyện ngắm, trong khi ấy họ quan sát thấy tôi là người đã nguyện ngắm mà cũng chẳng nhân đức gì hơn ai, và điều đó là nguyên cớ cám dỗ và đưa họ đến chỗ làm những chuyện dại dột khác nữa. Về phần họ, họ đã rất hữu lý, vì như họ đã bảo tôi, họ không thể hiểu làm sao hai thái cực như thế lại có thể dung hoà được. Và, bởi cớ tôi, họ tin rằng không có gì là xấu trong những sự tự bản chất là xấu, vì họ thấy đôi khi tôi đã làm những chuyện đó; đúng hơn, tại vì bấy giờ họ đã có cảm nghĩ tốt về tôi.

9. Đó là công việc của ma quỉ. Dường như nó lợi dụng nhân đức vốn là tốt nơi chúng ta để gây uy tín, rồi nó có thể xúi giục chúng ta làm những điều bất chính. Điều xấu, dù nhỏ mọn thế nào, cũng rất có lợi cho ma quỉ, khi việc đó được thực hiện trong một cộng đoàn tu sĩ. Vậy nó còn được lợi nhiều đến thế nào nữa do điều xấu tôi đã làm, vì những việc xấu tôi làm thì quá nhiều. Bởi vậy qua rất nhiều năm mà chỉ có ba người lợi dụng được đôi chút từ những lời khuyên của tôi. Còn từ khi Chúa đã làm cho tôi thực hành các nhân đức một cách vững mạnh, thì chỉ trong hai hay ba năm, tôi đã làm ích được cho nhiều người như tôi sẽ kể sau đây. Thêm vào đó còn một bất lợi lớn lao khác là thua chước cám dỗ này, nghĩa là làm hại cho linh hồn của chính chúng ta. Vì điều tối quan trọng và trước hết là chúng ta phải giữ gìn linh hồn mình đã và phải sống dường như trên thế gian này chỉ có Thiên Chúa với một mình mình mà thôi. Nhớ đến điều này rất hữu ích.

10. Một cám dỗ khác nẩy sinh từ sự đau đớn vì tội lỗi và sa ngã mà chúng ta thấy cũng được che giấu như trong các cám dỗ trước. Vì tất cả chúng ta đều nhiệt thành tập nhân đức và bởi vậy chúng ta phải học để hiểu biết chính mình và biết sống cách thận trọng. Ma quỉ bảo chúng ta rằng sở dĩ chúng ta luôn khổ là chỉ vì chúng ta muốn Thiên Chúa không bị xúc phạm và đó là chúng ta lo tìm vinh quang cho Người, và rồi chúng ta cứ nuôi cơn buồn ấy mãi. Chúng ta cứ buồn cho đến không còn cầu nguyện được nữa, và điều nguy hại hơn hết là chúng ta lại nghĩ rằng nỗi buồn sầu này là nhân đức, là dấu chứng tỏ sự hoàn thiện và nhiệt thành lo việc Thiên Chúa. Tôi không có ý ám chỉ nỗi đau đớn chúng ta cảm nhận khi nhìn thấy những xúc phạm công khai đã trở thành tập quán trong một cộng đoàn tu sĩ hay những tai ương mà Hội Thánh phải gánh chịu như những nhóm lạc giáo mà vì đó, như chúng ta thấy, biết bao linh hồn phải hư mất. Những nỗi đau đớn này rất hợp lý và bởi vậy nó không gây xáo trộn nơi chúng ta. Vậy điều an toàn cho linh hồn cầu nguyện là bỏ qua mọi lo lắng áy náy về mọi sự và mọi người, để chỉ canh giữ chính mình và làm hài lòng Thiên Chúa mà thôi. Điều này rất quan trọng. Tôi sẽ nói gì, nếu tôi phải nói ra những lỗi lầm mà tôi thấy nơi người khác (và họ làm như vậy chỉ) vì họ tin vào ý hướng ngay lành của họ!

11. Vậy chúng ta hãy luôn cố gắng để chỉ nhìn vào các nhân đức và những gì là tốt lành nơi người khác. Hãy luôn đặt trước mắt những tội lỗi nặng nề của mình để chúng ta ra mù, không còn trông thấy lỗi lầm của người khác. Đây là một lối thực hành, dầu có thể là nó không làm cho chúng ta trở thành hoàn hảo ngay được, nhưng sẽ giúp chúng ta đạt được một nhân đức chắc chắn – tức là coi mọi người khác đều tốt hơn chúng ta. Thực hành như thế, nhờ ơn Chúa giúp (ơn Chúa luôn là cần thiết, nếu không có, những cố gắng của chúng ta sẽ chỉ là vô ích), chúng ta sẽ bắt đầu tiến. Phải khẩn xin Chúa ban cho chúng ta nhân đức này, và nếu hết sức cố gắng Người sẽ không từ khước ban cho bất cứ ai. Những ai dùng trí thông minh mà suy luận và từ một vấn đề có thể suy diễn ra nhiều tư tưởng và cảm nghĩ cũng nên nhớ lời khuyên này. Còn những ai không thể suy luận và diễn đạt được – tôi cũng thuộc loại này – thì tôi không khuyên gì hơn là họ hãy kiên nhẫn cho tới khi Chúa ban cho ánh sáng và đối tượng để suy nghĩ; vì tự mình, họ suy luận được rất ít, nên lý trí của họ là chướng ngại hơn là sự trợ giúp cho họ.

Vậy trở lại với những người có khả năng suy luận. Tôi khuyên họ đừng lấy hết thời giờ mà luận lý. Phương pháp cầu nguyện của họ rất đáng công nhưng vì đầy khoái cảm, nên họ không nhận thức được rằng họ cũng phải có một loại ngày Chúa Nhật – nghĩa là sau khi làm việc thì phải dành thời giờ nghỉ ngơi. Họ nghĩ rằng ngưng làm việc là mất thời giờ. Còn tôi, tôi cho khoảng thời gian mất này là mối lợi lớn lao như tôi đã gợi ý. Họ hãy tưởng tượng mình ở trước sự hiện diện của Đức Kitô, hãy đàm đạo với Người, hãy lấy làm vui vì được ở với Người, nhưng hãy giãi bày những nhu cầu của mình trước mặt Người và chân nhận rằng Người thật hữu lý nếu Người không cho phép chúng ta ở trước mặt Người. Khi thì thực hành thế này, lúc thì làm cách khác. Nếu không linh hồn sẽ mệt mỏi vì cứ phải ăn mãi một món. Những món này (tức thay đổi lối cầu nguyện) rất mĩ vị và bổ ích. Khi đã quen với hương vị này, chúng sẽ cung cấp nhiều chất bổ cho đời sống thiêng liêng và đem lại cho linh hồn nhiều lợi ích khác nữa.

12. Tôi sẽ giải thích rõ hơn, vì những vấn đề liên quan đến cầu nguyện thì khó và nếu không có vị hướng dẫn thích hợp thì khó mà hiểu được. Chính vì lý do này mà dầu tôi muốn viết vắn tắt hơn, và dầu chỉ nói sơ qua về vấn đề cầu nguyện, thì đã đủ cho vị có trí thông minh sắc sảo truyền cho tôi viết đây hiểu rồi, nhưng vì sự dốt nát của tôi không cho phép tôi chỉ dùng ít lời để trình bày và giải thích vấn đề rất quan trọng một cách rõ ràng sáng sủa được. Sau khi đã gặp quá nhiều khó khăn, tôi cảm thương những người mới bắt đầu mà chỉ có sách là nguồn trợ lực duy nhất. Vì có sự khác biệt xa thẳm giữa việc hiểu biết và biết bởi kinh nghiệm về một vấn đề gì. Vậy trở lại vấn đề tôi đã nói. Giả sử chúng ta bắt đầu suy niệm về cuộc Khổ nạn của Chúa – chẳng hạn về việc Chúa bị trói vào cột để chịu đánh đòn. Tâm tư bắt đầu suy xét và tìm ra những lý do để hiểu nỗi đau đớn và buồn phiền Chúa phải chịu trong cảnh cô đơn trơ trọi ấy. Nếu trí khôn lanh lợi hay có nhiều kiến thức, thì còn suy ra nhiều bài học khác mà mầu nhiệm này gợi cho. Đây có thể là phương pháp bắt đầu, tiếp tục và kết thúc cầu nguyện cho tất cả chúng ta, đó là con đường chắc chắn, và tuyệt hảo (hướng dẫn chúng ta) cho tới khi Chúa chỉ cho chúng ta phương pháp cao siêu khác.

13. Tôi nói là “cho tất cả chúng ta” nhưng sẽ có nhiều linh hồn thu lượm được những lợi ích lớn lao hơn nhờ suy niệm các đề tài khác với đề tài Cuộc Khổ Nạn. Vì cũng như có nhiều chỗ trên trời, thì cũng có nhiều đường lối đưa đến những chỗ đó. Có người được ích vì tưởng tượng mình ở trong hoả ngục. Người khác nghĩ đến hoả ngục thì khiếp đảm, sẽ được phấn khích khi nghĩ mình ở trên thiên đàng. Người khác lại thích suy niệm về sự chết. Người khác nữa dễ xúc động, sẽ đuối sức nếu cứ suy mãi về cuộc khổ nạn, nhưng lại được an ủi và ích lợi khi suy niệm về quyền năng và sự cao cả của Thiên Chúa nơi các tạo vật, và Tình yêu Người dành cho chúng ta được diễn tả trong mọi sự. Đây là một phương pháp tuyệt hảo, miễn là người ta không quên thỉnh thoảng lại suy niệm về cuộc Khổ Nạn và cuộc sống của Đức Kitô, những đề tài này vẫn luôn là nguồn phát sinh tất cả những gì là tốt lành.

14. Người mới bắt đầu cần được chỉ dẫn xem đề tài nào làm ích cho mình nhất. Vì thế cần phải có một vị hướng dẫn; nhưng vị đó phải là người có kinh nghiệm, nếu không, ngài sẽ rất sai lầm và hướng dẫn các linh hồn mà không hiểu họ cũng không để cho họ học biết chính mình họ. Vì khi linh hồn biết rằng vâng phục một vị hướng dẫn là rất có công, thì họ không dám làm gì khác hơn điều ngài truyền dạy. Tôi đã gặp một số linh hồn rất bị căng thẳng và đau khổ vì sự thiếu kinh nghiệm của vị hướng dẫn, đến nỗi tôi thực sự cảm thương họ. Tôi cũng gặp một số người không biết tính thế nào cho mình nữa. Vì khi các vị linh hướng không hiểu đường hướng thiêng liêng thì thường làm khổ các hối nhân cả hồn lẫn xác và ngăn cản họ không tiến lên được. Người kể cho tôi biết điều này đã bị vị hướng dẫn kiềm toả như thế suốt tám năm trời. Ngài không để cho bà suy nghĩ về bất cứ vấn đề nào khác ngoài việc hiểu biết chính mình, mặc dầu, Chúa đã ban cho bà tới được bậc cầu nguyện Yên tĩnh, nên bà đã chịu phiền khổ rất nhiều.

15. Nhất định là không bao giờ được lơ là với vấn đề biết mình. Đi trên con đường này, không một linh hồn nào dầu cao lớn đẫy đà đến đâu, lại không phải thường xuyên trở lại tình trạng con trẻ bú sữa. Không bao giờ được quên điều này: có thể là tôi cứ nhắc đi nhắc lại mãi, vì là vấn đề rất quan trọng. Vì không có bậc cầu nguyện nào, dầu cao siêu đến đâu lại không phải thường xuyên trở lại bước đầu. Biết mình tội lỗi là bánh để ăn với mọi món ăn khác, dù ngon lành đến thế nào đi nữa. Trên con đường cầu nguyện này, không có bánh (biết mình) này, linh hồn không thể dùng bữa được, nhưng phải biết dùng bánh này cách điều độ. Khi một linh hồn thấy mình đã mệt mỏi và thấy rõ tự nó không có chi tốt lành, khi nó cảm thấy xấu hổ ở trước sự hiện diện của vị vua Cao Cả và thấy mình chẳng báo đền được là bao về muôn hồng ân Chúa đã ban cho, thì còn cần chi phải mất thì giờ để tìm biết về mình nữa? Khôn ngoan hơn là hãy suy đến các vấn đề khác mà Chúa cung ứng cho ngay lúc ấy. Nếu bỏ qua những đề tài (Chúa cung ứng cho) như vậy thì thật đáng tiếc, vì Chúa biết rõ hơn món ăn nào hữu ích cho chúng ta.

16. Vậy điều quan trọng là vị hướng dẫn phải là người khôn ngoan – tôi có ý nói là ngài phải có kiến thức vững chắc lại cũng là người có kinh nghiệm; nếu lại là người thông thái nữa thì thật là hữu ích. Nhưng nếu không thể tìm ra một vị hội đủ ba điều kiện này, thì hai điều kiện kể trên là cần thiết hơn, vì khi cần, ta luôn dễ dàng tìm một người thông thái để tham khảo ý kiến. Tôi có ý nói rằng những người mới bắt đầu không cần lắm đến những vị có kiến thức nhiều, trừ khi những vị này có đời sống cầu nguyện. Tôi không có ý nói những người mới bắt đầu không nên giao tiếp với những người thông thái, vì thà rằng linh đạo không cầu nguyện còn hơn là linh đạo mà không được xây dựng trên chân lý. Học thức là một kho tàng quí giá, vì nó khai quang cho những người ít hiểu biết và soi sáng chúng ta để khi gặp chân lý trong Thánh Kinh, chúng ta phải hành động cho đúng. Nguyện xin Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi những lối đạo đức ngớ ngẩn.

17. Tôi muốn giải thích ý của tôi rộng hơn nữa, vì dường như tôi đụng chạm đến nhiều vấn đề. Tôi luôn rơi vào khuyết điểm này – nghĩa là như tôi đã nói, tôi phải nói nhiều mới hy vọng diễn đạt được ý của tôi. Vậy chẳng hạn một nữ tu bắt đầu thực hành cầu nguyện. Nếu vị linh hướng của chị là một người ngây ngô và phán đoán hẹp hòi, ngài sẽ làm cho chị hiểu rằng chị vâng lời ngài thì tốt hơn là vâng lời bề trên của chị. Bảo chị như thế, ngài không có ý xấu và ngài nghĩ là ngài hữu lý. Nếu ngài hướng dẫn một phụ nữ đã lập gia đình, ngài sẽ khuyên chị ta chăm lo cầu nguyện thì tốt hơn là lo làm những công việc trong nhà, dẫu hành động như thế có thể làm phiền cho chồng của chị. Ngài không biết khuyên chị sắp xếp thời giờ làm mọi công việc theo như tinh thần Kitô giáo đòi hỏi. Chính ngài tối tăm thì dù có cố gắng, ngài cũng không thể soi sáng cho người khác được. Và mặc dầu, học thức có thể coi như không cần thiết ở đây, nhưng tôi vẫn luôn quan niệm rằng, nếu có thể, mỗi Kitô hữu nên tham kiến với người thông thái, người càng học rộng càng tốt. Những người theo con đường cầu nguyện lại càng cần có học thức hơn; càng tiến vào đường thiêng liêng, càng cần đến sự hiểu biết.

18. Chúng ta đừng nói cách sai lầm rằng những người thông thái mà không cầu nguyện, thì không phải là những người hướng dẫn thích hợp cho những người cầu nguyện. Tôi đã tham kiến nhiều người như vậy, (vì) cảm thấy rất cần đến họ nên đã từ nhiều năm qua, tôi còn tìm đến họ nhiều hơn nữa. Tôi đã luôn luôn tâm đắc với họ. Dầu một số người trong họ không có kinh nghiệm (cầu nguyện), nhưng họ cũng không đố kỵ với con đường này và họ cũng biết bản chất của cầu nguyện, vì họ nghiên cứu Thánh Kinh và từ Thánh Kinh họ tìm ra chân lý cầu nguyện. Tôi xác tín rằng nếu một người chuyên cầu nguyện bàn hỏi với những người thông thái, thì ma quỉ sẽ không thể dùng ảo tưởng mà lừa gạt họ được, trừ khi là chính họ muốn như vậy. Tôi nghĩ ma quỉ rất sợ những người thông thái khiêm nhượng và nhân đức, vì chúng biết họ sẽ phanh phui chúng ra và sẽ triệt hạ chúng.

19. Tôi nói thế là vì một số người nghĩ rằng những người học thức mà không có đời sống cầu nguyện thì không có khả năng hướng dẫn những người cầu nguyện. Tôi đã nói rồi rằng có một vị hướng dẫn thiêng liêng là cần thiết. Nhưng nếu vị đó không có học thức lại là điều rất bất tiện. Tham kiến những người thông thái sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Miễn là họ là những người nhân đức, cả khi họ không chuyên cầu nguyện, họ vẫn làm ích cho chúng ta và Thiên Chúa sẽ tỏ cho họ thấy điều gì họ phải chỉ dạy. Và có thể Chúa còn lôi cuốn họ thực hành cầu nguyện nữa, để họ có thể phục vụ chúng ta hữu hiệu hơn. Tôi nói điều này không phải là vô căn cứ, tôi đã có hơn hai lần kinh nghiệm (về điểm này). Tôi nhắc lại, những người giao phó linh hồn mình cho chỉ duy một vị hướng dẫn và chỉ vâng phục một mình ngài thôi, khi vị đó là một tu sĩ, và phải vâng phục bề trên của mình, thì rất sai lầm, nếu không được một vị linh hướng loại này (loại có học thức và nhân đức). Vì có thể là vị linh hướng thiếu cả ba điều kiện (mà tôi đã nói tới), và buộc lòng tuân theo xét đoán của một người không biết xét đoán là một thập giá không nhẹ. Về phần tôi, không bao giờ tôi chịu làm như vậy và tôi cũng chẳng nghĩ rằng làm như vậy là chính đáng. Nếu là người ở ngoài thế gian, thì họ hãy cảm tạ Chúa vì họ có thể chọn một vị linh hướng để vâng phục, và đừng bỏ mất quyền tự do chính đáng như vậy. Thà rằng họ cứ sống tự lập cho tới khi gặp được một vị có đủ điều kiện. Chúa sẽ ban cho, nếu họ khiêm nhượng và ước ao tìm được một vị như thế. Tôi hân hoan cảm tạ Người không cùng vì có những người phải vất vả mới khám phá ra những chân lý mà chúng ta, những người dốt nát, không biết gì.

20. Tôi thường thán phục những nhà thông thái, đặc biệt là các tu sĩ đã vất vả và khó nhọc mới khám phá ra những lợi ích để thông truyền lại cho chúng ta. Còn tôi, chẳng phải vất vả gì ngoài việc chỉ phải hỏi thôi. Vậy mà có nhiều người chẳng muốn lợi dụng những ơn ích ấy nữa. Xin Chúa đừng để cho xảy ra như vậy. Tôi thấy các cha thông thái này phải tuân giữ mọi luật lệ nghiêm nhặt của nếp sống tu trì, là những điều luật rất khắc khổ: hành xác, ăn uống thanh đạm và tuân phục. Thực sự đôi khi nghĩ đến đấy, tôi thật tình cảm thấy xấu hổ. Thế rồi những giấc ngủ ít oi. Thật chẳng có gì ngoài khổ cực, chẳng có gì ngoài thánh giá. Tôi nghĩ ai vì lầm lỗi của mình mà không biết hưởng những ơn ích của một đời sống như thế là rất thiệt thòi. Có thể là một số người trong chúng ta không chịu những khổ cực này – chúng ta được cung phụng như người ta nói, giống như mình muốn, lại coi mình hơn những người chịu khổ cực, chỉ vì mình có chút thời giờ hơn họ để cầu nguyện!

 

21. Lạy Chúa, chúc tụng Chúa đã dựng nên con bất tài và vô dụng như thế! Với tất cả tâm hồn, con cảm tạ Chúa, vì Chúa xui khiến cho có nhiều người thúc đẩy chúng con (trên đường của Chúa). Chúng ta phải luôn cầu nguyện cho những người hướng dẫn chúng ta. Chúng ta sẽ ra sao nếu không có các ngài giữa những cơn bão tố dữ dội mà Hội Thánh đang phải chịu đựng? Nếu có một vài người trong họ đã phản bội, thì những người trung thành còn sáng tỏ hơn nữa. Xin Chúa gìn giữ các ngài trong tay Người và giúp các ngài, để các ngài hướng dẫn chúng con. Amen.

22. Tôi đã lang thang quá xa đề tài đã bắt đầu, nhưng đối với những người mới bắt đầu bước vào cuộc hành trình cao cả này, thì tất cả những gì tôi đã trình bày cũng đều thích hợp và sẽ giúp họ vững bước trên con đường chân chính. Vậy xin trở lại đề tài tôi đã nêu lên – tức là suy niệm mầu nhiệm Chúa chịu đánh đòn – nên suy tư một lúc và nghĩ về nỗi đau đớn Người chịu ở đó. Tại sao Người chịu những đau đớn ấy? Đấng chịu những đau đớn là ai và với tình yêu tha thiết nào Người chịu những đau đớn ấy? Nhưng chúng ta cũng không phải làm cho mình mệt mỏi, cố nặn óc cho ra những tư tưởng như vậy. Thỉnh thoảng chúng ta cứ ngồi yên bên cạnh Người. Nếu có thể, hãy chăm chú nhìn Đấng đang nhìn chúng ta. Hãy ở với Người, đàm đạo với Người, cầu xin Người, hạ mình xuống trước mặt Người, hãy hoan hỉ trong Người và hãy nhớ rằng Người chẳng hề có lỗi gì để đáng chịu cực hình này. Ai có thể suy luận như thế, dù chỉ là người mới bắt đầu cầu nguyện, cũng sẽ thâu lượm được rất nhiều ơn ích, vì lời cầu nguyện này rất có ích, ít ra nó đã rất hữu ích cho linh hồn tôi. Không biết con có nói lên được điều con cố gắng nói lên không, nhưng Cha biết. Nguyện Chúa ban cho con ơn luôn luôn biết làm hài lòng Người. Amen.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm “Tiểu Sử Tự Thuật Thánh Teresa thành Avila”

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Bậc cầu nguyện thứ nhất (tiếp theo)


- Chương 12

 Thánh nữ tiếp tục trình bày bậc cầu nguyện thứ nhất, và với ơn Chúa giúp chúng ta có thể tiến tới đâu. Người nêu lên mối nguy hiểm khi linh hồn muốn được những cảm nghiệm siêu nhiên lạ lùng trước khi Chúa ban cho những ơn ấy cho.

***

Dù ở chương trước con đã lạc xa đề và đã nói đến nhiều vấn để khác vì con thấy là rất cần thiết, thì điều căn bản con muốn nêu rõ là khả năng của chúng ta chỉ có thể đạt tới tầm mức nào đó thôi. Trong bậc nguyện ngắm thứ nhất này chính chúng ta có thể làm được một số công việc nào đó. Chẳng hạn khi hồi tưởng và suy niệm những cực hình Chúa đã chịu vì chúng ta, chúng ta sẽ xúc động cảm thương Chúa. Nỗi đau đớn và nước mắt phát sinh từ sự suy niệm này sẽ rất ngọt ngào. Khi nghĩ đến vinh quang chúng ta mong mỏi, (nghĩ đến) tình yêu Chúa dành cho chúng ta, (nghĩ đến) sự Phục sinh của Chúa, chúng ta hân hoan. Niềm hân hoan này không hoàn toàn siêu nhiên cũng chẳng đơn thuần là cảm giác, nhưng là niềm hân hoan đức độ. Nỗi đau đớn (nhắc tới trên đây) cũng rất đáng thưởng. Tự căn bản, tất cả những gì gợi lên tâm tình sốt sắng đều có phần nào là kết quả của lý trí suy luận ra được (dẫu nếu Chúa không ban thì chúng ta cũng chẳng có công gì và cũng chẳng suy luận ra được gì). Điều tốt hơn hết cho một linh hồn chưa được nâng cao hơn trình độ này là đừng cố gắng vươn lên. Hãy ghi nhận kỹ điều này là nếu linh hồn cứ cố vươn lên thì chẳng những không tiến lên được mà còn lùi lại phía sau nữa.

2. Trong bậc (cầu nguyện) này, linh hồn có thể có nhiều quyết định làm những công việc trọng đại cho Thiên Chúa và có thể làm thức tỉnh tình yêu của mình đối với Người. Có thể là linh hồn làm nhiều việc khác giúp cho các nhân đức phát triển, như quyển sách nhan đề “Nghệ thuật phụng sự Thiên Chúa” đã chỉ dạy. Sách này rất hữu ích và thích hợp cho những người ở bậc nguyện ngắm này, vì đây là môi trường cho lý trí hoạt động mạnh mẽ. Linh hồn có thể tưởng tượng mình ở trước sự hiện diện của Đức Kitô và tập cho mình có thói quen nồng nàn cháy lửa kính mến Nhân tính thánh thiện của Người. Luôn ở với Người và tâm sự với Người, cầu xin Người ban cho những gì mình thiếu thốn, kể lể với Người những thử thách mình phải chịu, chia sẽ cho Người niềm vui của mình và dầu vậy, đừng bao giờ say sưa với niềm vui riêng mà quên Người. Không cần phải đọc nhiều kinh, nhưng cứ đơn sơ nói với Người những ước vọng và nhu cầu của mình. Đây là phương thế tuyệt hảo giúp chúng ta tiến bộ và tiến rất mau. Ai chăm chỉ cố gắng sống tình bạn quí báu này, sẽ được ích lợi nhiều và thực sự học biết yêu mến vị Chúa tể mà chúng ta mang ơn rất nhiều. Tôi nghĩ người như thế đã tiến một bước vững chắc rồi vậy.

3. Vì lý do này, như tôi đã nói, nếu thấy mình không sốt sắng thì cũng đừng buồn; nhưng hãy cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta ước muốn làm hài lòng Người, dầu những hành động của chúng ta chẳng có giá trị là bao. Trong hết mọi bậc nguyện ngắm, phương pháp liên kết cuộc sống của chúng ta vào với Đức Kitô đều rất hữu ích. Đó cũng là một phương thế giúp tiến bộ chắc chắn nhất trong giai đoạn sơ khởi này, và là phương thế để tiến lên bậc thứ hai rất mau chóng. Cả trong bậc sau cùng, phương thế ấy vẫn bảo toàn chúng ta khỏi những nguy hiểm ma quỉ gây nên. 

4. Giữ mình trước sự hiện diện của Đức Kitô là điều chúng ta có thể làm được. Ai cố tình vượt qua giai đoạn này mà siêu thăng tâm trí để cảm nghiệm những an ủi Chúa chưa ban cho, thì tôi nghĩ người ấy mất luôn cả hai (nghĩa là chẳng được an ủi và cũng mất luôn những gì có thể có được trong bậc xứng hợp với mình (này). Vì những ơn an ủi (họ mơ ước kia) thuộc phạm vi siêu nhiên, và khi lý trí ngưng suy luận, linh hồn sẽ cằn cỗi và khô khan cùng cực. Bởi lẽ, nền tảng của toàn thể lâu đài là lòng khiêm nhường, nên càng đến gấn Thiên Chúa, càng phải tiến tới hơn về nhân đức này; bằng không cả lâu đài sẽ sụp đổ. Chúng ta muốn được nâng cao hơn (tình trạng xứng hợp của mình), thì đó là một thứ kiêu ngạo. Vì khi đem chúng ta đến gần Người, Thiên Chúa đã nâng chúng ta lên cao hơn thực trạng của chúng ta rồi. Ở đây tôi không dụng ý nói đến việc nâng tâm trí lên suy ngắm những vấn đề cao siêu trên trời và chính Thiên Chúa, những kỳ công và sự khôn ngoan vô cùng của Người. Chính tôi không bao giờ suy được những vấn đề này, vì như tôi đã nói, tôi không có khả năng suy luận và tôi biết tôi quá trần tục nên chỉ nghĩ đến những sự vật trần thế và Chúa cho tôi hiểu được sự thật này. Suy nghĩ được những sự vật trần gian, tôi đã coi là may mắn lắm rồi, còn dám nói chi đến những sự cao siêu trên trời. Những người khác, nhất là những người thông thái sẽ lợi dụng được phương thế này (tức là suy đến những vấn đề cao siêu). Vì tôi nghĩ nếu có lòng khiêm nhường kèm theo, thì kiến thức là sự trợ giúp vô giá cho việc thực tập này. Mới đây, tôi đã chứng nghiệm nơi một người thông thái và thấy điều đó đúng. Người ấy chỉ mới thực hành (phương pháp này) trong một thời gian ngắn mà đã tiến rất xa. Do đó tôi hết sức mong mỏi cho có nhiều người thông thái ân cần sống đời sống thiêng liêng, như tôi sẽ nói sau.

5. Khi tôi nói không nên cố tình tự siêu thăng, khi Chúa không siêu thăng mình, thì tôi nói theo quan điểm thông thường trong đời sống thiêng liêng. Ai có chút kinh nghiệm sẽ hiểu tôi, còn những ai không thể hiểu những gì tôi đã nói, thì tôi cũng không biết làm sao có thể giải thích rõ hơn nữa được. Trong khoa học thần bí mà tôi đã nêu lên, thì lý trí mất khả năng suy luận khi Thiên Chúa khiến nó ngưng suy luận. Lần hồi tôi sẽ giải thích rộng hơn nữa, nếu Chúa cho tôi khả năng để giải thích. Điều mà tôi nói chúng ta không được làm, là tự mình, chúng ta không được để cho lý trí không suy luận. Nếu ngưng suy luận, chúng ta sẽ ra dại khờ, lạnh lùng và sẽ chẳng đạt được gì cả. Còn khi Chúa làm cho lý trí ngưng suy luận thì Người ban cho nó đối tượng nào đó để vừa làm cho nó ngạc nhiên và đồng thời chăm chú chiêm ngưỡng, để dù chẳng phải suy luận gì mà trong khoảng thời gian ngắn, lý trí có thể lãnh hội nhiều hơn trong nhiều năm chúng ta lấy hết sức cố gắng của con người mà suy luận. Giữ cho các tài năng của linh hồn luôn hoạt động và đồng thời có thể giữ các tài năng ấy yên tĩnh là một chuyện điên khùng. Tôi xin nói lại một lần nữa rằng, hành động như thế không hẳn là vì thiếu khiêm nhường sâu xa. Có thể là không có tội, nhưng chắc chắn hành động đó gây nên đau khổ, vì là công việc uổng phí và linh hồn cảm thấy hơi bất mãn. Tâm trạng đó giống như một người đúng lúc lấy đà nhảy, thì lại bị kéo lại, nên người ấy thấy mình đã dốc hết sức ra mà vẫn không hoàn thành được điều mình mong muốn. Ai tìm hiểu vấn đề, dù không phải cố gắng bao nhiêu cũng nhận ra tâm trạng hơi thiếu khiêm thốn mà tôi đã nói. Vì đức khiêm nhường có cái nét tuyệt hảo này là khi hành động với lòng khiêm nhường, thì không bao giờ linh hồn cảm thấy bất mãn hay áy náy tí nào cả. Thiết nghĩ là tôi đã nêu rõ vấn đề, dầu có thể là chỉ rõ cho một mình tôi thôi. Nguyện xin Chúa soi sáng cho những ai đọc sách này bằng cách cho họ có kinh nghiệm về điều đó, chỉ một chút kinh nghiệm thôi, họ sẽ hiểu ngay vấn đề.

6. Trong nhiều năm, tôi đã đọc nhiều mà tôi chẳng hiểu được điều mình đọc. Dầu Chúa đã dạy dỗ tôi trong một thời gian lâu dài, tôi vẫn không thể thốt ra được một lời nào để giải thích cho người khác giáo huấn của Chúa, và điều này làm tôi đau khổ không ít. Rồi khi Chúa muốn, thì chỉ trong khoảnh khắc, Người đã chỉ dạy mọi sự theo một cách làm tôi thật ngỡ ngàng. Tôi có thể nói rất chân thành rằng, dầu tôi đã đàm đạo với nhiều linh nhân (tức là những người chuyên nghiên cứu về những vấn đề thiêng liêng) và họ cố gắng giải thích để giúp tôi có thể nói lên những điều Chúa dạy tôi, nhưng tôi ngu si đến nỗi tôi chẳng lãnh hội được chút gì từ những lời họ chỉ dẫn. Có thể là vì Chúa muốn giữ vai ông Thầy duy nhất dạy tôi – nên Người không muốn tôi phải mang ơn ai khác về sự hiểu biết này cả - Nguyện Người được chúc tụng trong hết mọi sự. Tôi không muốn và tôi cũng chẳng hỏi ai để biết về vấn đề này (vì không bao giờ tôi tò mò về những vấn đề như thế, đó là bản năng của tôi. Có tò mò, tôi chỉ tò mò về những chuyện phù phiếm thôi), thì đột nhiên Chúa cho tôi hiểu vấn đề thật minh bạch, nên tôi có thể diễn đạt một cách thật dễ dàng khiến cho người nghe phải bỡ ngỡ. Chính tôi còn bỡ ngỡ hơn các cha giải tội nữa, vì tôi biết tình trạng dốt nát của tôi hơn các ngài. Chúa chỉ vừa mới ban ơn này cho tôi thôi. Bởi vậy, bây giờ tôi không cố gắng học cho biết những gì Chúa không chỉ dạy, trừ phi là điều đó liên hệ đến lương tâm tôi.

7. Tôi nhắc lại vấn đề rất quan trọng là chúng ta đừng tự siêu thăng tâm trí. Khi Chúa nâng lên, chúng ta sẽ nhận thấy ngay lập tức. Đặc biệt là đối với nữ giới, cố gắng trống rỗng hoá tâm trí như thế là rất nguy hiểm, vì nhân đó ma quỉ có thể nhen nhúm lên những ảo tưởng. Dầu tôi xác tín rằng những ai cố gắng đến gần Chúa với lòng khiêm tốn, thì Chúa sẽ không bao giờ để cho ma quỉ làm hại họ. Đúng hơn, từ chính những gì ma quỉ tạo nên nhằm huỷ diệt họ, họ sẽ lợi dụng được rất nhiều và lập được nhiều công hơn. Tôi đã nói nhiều về chi tiết này và cũng đã đưa ra nhiều ý kiến rất quan trọng, vì thường thường là hầu hết những người mới bắt đầu, đều rơi vào bước đường này. Nhiều người khác đã viết nhiều, còn rõ ràng và phong phú hơn tôi, nên tôi thú thật là tôi cảm thấy rất ngượng ngùng và xấu hổ khi viết về vấn đề này (dầu xấu hổ như thế vẫn chưa đủ). Nguyện Chúa được chúc tụng trong hết mọi sự, bởi Người mốn và thích thú thấy một người như tôi lại nói đến những vấn đề của Người – những vấn đề tự bản chất là cao siêu và tuyệt diệu!