Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

Buổi giao thời đến lúc về hưu, tuổi già và bệnh tật

 


Nhân dịp một chị bạn nêu vấn đề về các linh mục hoặc tu sĩ đến thời kỳ hưu dưỡng, tôi chợt nhớ tới văn bản rất hữu ích này của các anh Tiểu Đệ Chúa Giêsu.

BUỔI GIAO THỜI ĐẾN LÚC VỀ HƯU,

TUỔI GIÀ VÀ BỆNH TẬT

 

(Trích trong Văn bản đã được chuẩn nhận bởi Đại hội Yaounde ngày 27-8-2002 với tiêu đề là Hướng dẫn Đào tạo)

 

“Giữa các đề nghị của Đại hội La Strota, có một gợi ý rằng ‘Bức thư của Hội đồng Miền Pháp gởi cho các Anh Lớn Tuổi của Miền’ được lồng vào thủ bản đào tạo của chúng ta, “Đường lối của chúng ta trong Nhà huynh đệ” (xem Tường trình về Đại hội La Strota, trang 13).

Chúng tôi đã nghĩ rằng sẽ hứng thú để có một cái nhìn khác nữa về sáng kiến mà chúng ta đã đưa ra sau Đại hội Bangalore nơi đã có cuộc bỏ phiếu liên quan đến đề mục này về việc chuyển sang thời hưu trí, tuổi già và bệnh tật: gởi đến cho từng anh em tới tuổi về hưu một phần chèn vào về đề mục này, như là một phụ lục và thuận theo lời đề nghị của Đại hội vừa rồi, ‘Bức thư của Hội đồng Miền Pháp gởi cho các Anh Lớn Tuổi của Miền’. Thêm vào đó, chúng tôi đã kèm vào một phụ lục khác nữa: những đoạn trích từ bức thư cuối cùng của Ian Latham – thật ra đó là một cuốn băng thu âm vì anh đã không còn sức để viết nữa. Chắc hẳn nhiều anh em còn nhớ cuốn băng này nhưng đọc lại phần chia sẻ kinh nghiệm của Ian với rất nhiều sự thật, khiêm nhượng và đơn sơ, trong khi chúng ta trải nghiệm càng lúc càng nhiều hơn những giới hạn của bản thân, giúp cho chúng ta can đảm. Xin cám ơn Ian.

 

Tuổi về hưu

 

* Đối với chúng ta, cũng như đối với rất nhiều người khác, thời khắc rời bỏ việc làm, ngay cả khi chúng ta đã một cách nào đó chuẩn bị rồi, cũng là một điểm ngoặt quan trọng. Lúc khởi đầu, chúng ta thường sung sướng vì được tự do khỏi các ràng buộc của thời khóa biểu và sự mệt nhọc, nhưng, dần dần chúng ta bắt đầu cảm thấy trống rỗng và có cảm giác bị thua cuộc. Giờ đây chúng ta “về hưu” rồi, chúng ta bị tước đi sự nhìn nhận mà xã hội trao cho người đang lao động kiếm sống. Những mối quan hệ với đồng nghiệp mà đôi khi chúng ta từng quen biết nhiều năm sẽ lỏng lẻo dần. Những kích thích quen thuộc: một thời biểu đều đặn, những tình bạn hàng ngày, việc cùng nhau tìm kiếm công bằng và tôn trọng, tình liên đới – tất cả đột nhiên mất đi. Trên hết, chúng ta thường cảm thấy mình vẫn còn trẻ và đầy năng lực và rốt cuộc chúng ta tự thấy mình còn nắm nhiều thời gian. Có một cám dỗ lao mình vào các hoạt động vốn tạo cho chúng ta một sự thỏa mãn nào đó vì sự trống rỗng này làm cho chúng ta sợ hãi và chúng ta tìm cách lấp đầy nó với một điều gì đó.

 

* Chúng ta phải biết cách để tự cho mình thời gian thương tiếc sự mất đi cuộc sống cân bằng mà chúng ta đã có và tìm kiếm một sự cân bằng khác. Hoàn cảnh mới này là một cơ hội được trao cho chúng ta để nhìn vào bản thân kỹ lưỡng hơn và cũng nhìn vào dự phóng đã dẫn dắt chúng ta cho tới lúc này: đi theo Đức Giêsu Nagiaret. Hưu trí là một khả năng giúp chúng ta sáng tạo một phương cách mới để sống đời Nagiaret bằng cách nhấn mạnh đến những khía cạnh mà các ràng buộc của đời sống của một người lao động đã có thể buộc chúng ta dẹp sang một bên. Hưu trí trao tặng cho chúng ta một không gian mà chúng ta thường thiếu hụt để sống nội tâm, cầu nguyện, lắng nghe, đối thoại, đọc, thấu hiểu thế giới v.v...

 

* Cuộc đời hoạt động đã khiến cho chúng ta lưu giữ toàn bộ kinh nghiệm của con người mà chúng ta thường đã không có thời giờ để suy tư phản tỉnh đến; nó cũng gợi lên những vấn nạn về thế giới và về chính bản thân chúng ta; nó đã uốn nắn chúng ta mà chúng ta không phải lúc nào cũng có khả năng nhìn cho sát những phản ứng và những cách thức mà chúng ta thực hiện công việc. Hưu trí có thể là giai đoạn sống mà cuối cùng chúng ta cũng có được thời gian để “tự chăm sóc lấy mình”.

 

Đây không phải là sự tự ngắm nghía bản thân chỉ quy về nơi con người chúng ta mà quên đi thế giới chung quanh; thậm chí nó còn hoàn toàn trái ngược: nó thách thức chúng ta khám phá những nẻo đường mới để tiến vào một mối quan hệ đích thực hơn với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Sau khi dùng cả cuộc đời tiêu hao nhiều năng lượng để thực hiện công việc, chúng ta có thể chấp nhận tiến vào nội tâm để làm việc trên cuộc sống cảm xúc sâu xa vốn là nguồn mạch của sinh hoạt của chúng ta không: các tâm tình thúc đẩy chúng ta là gì? Những động cơ sâu xa nhất của chúng ta là gì? Cái gì ảnh hưởng đến chúng ta và khiến chúng ta phản ứng? Đâu là những nguyên do thực sự khiến chúng ta hành động? Vào giai đoạn này của cuộc đời, cũng như trong những giai đoạn khác, vấn đề là cày xới cánh đồng của ta và chuẩn bị đất đai để Chúa Thánh Thần có thể, trong ta và với ta, thực hiện việc giải phóng nội tâm. Cuộc sống bận rộn mà chúng ta đã dẫn dắt khi chúng ta còn làm việc có thể để cánh đồng của những cảm xúc của chúng ta bị lãng quên và đôi khi chúng ta che giấu những tình cảm đã bị thương tổn – đối với tha nhân hoặc đối với bản thân. Không gian cởi mở khi về hưu có thể là thời gian “chữa lành” những cảm xúc này; điều thách thức là mang tất cả mọi cảm tình của chúng ta trở lại bầu khí yêu thương.

 

Thời giờ tự do, suy tư phản tỉnh, cầu nguyện, chia sẻ với người lân cận hoặc với bạn bè (anh em hoặc tha nhân) có thể giúp chúng ta trong công việc tạo bình an nội tâm đòi phải kiên nhẫn này.

 

Cố gắng dùng cách tốt nhất có thể thời gian mà chúng ta có sẵn là một điều bình thường khi về hưu. Tùy theo tính khí và nhu cầu của từng người và khi điều kiện thể lý cho phép, một số người sẽ đảm nhận công việc thiện nguyện dưới một hình thức này hoặc một hình thức khác trong nhiều hình thức thiện nguyện. Những người khác sẽ đơn giản đặt mình phục vụ cuộc sống hàng ngày nơi nhà huynh đệ của họ, để làm cho nhà cửa thoải mái hơn đối với anh em và cởi mở hơn với cuộc sống của láng giềng; những người khác nữa sẽ chấp nhận đặt mình phục vụ miền hoặc toàn thể nhà huynh đệ.

 

Về việc lựa chọn các hoạt động, thật là bình thường khi thảo luận với các anh em của nhà huynh đệ hoặc của miền; họ có thể có khả năng tìm những công việc phù hợp với từng người và hòa hợp với cuộc sống của nhà huynh đệ tại nơi đó; và họ có thể giúp cảnh giác với những cám dỗ làm quá tải thời gian rảnh rỗi này (xem Hiến pháp và Quy tắc: #85 và 86).

 

* Đôi khi cũng thường cần tìm một nhịp sống và một sự quân bình mới riêng biệt cho thời gian hưu trí này. Thật là bình thường khi tìm tòi, khi tiến hành bằng cách thử nghiệm và sửa sai, khi thử những nẻo đường khác nhau sẽ khơi thông được ngõ cụt. Sẽ có những “đau buồn” không thể tránh được trong tiến trình này.

 

* Những cuộc gặp gỡ giữa những anh em hưu trí hoặc với những người đang sống cùng cảnh ngộ có thể là một sự khích lệ và nâng đỡ tốt lành.

 

 

Tuổi già:

 

Cho đến khi các ngươi già nua tuổi tác,

trước sau gì Ta vẫn là Ta;

cho đến khi các ngươi da mồi tóc bạc,

Ta vẫn còn gánh vác các ngươi.

Như xưa nay ta vẫn từng đối xử:

Ta sẽ nâng niu, gánh vác các ngươi, và ban ơn cứu thoát (Is 46,4)

 

* Không có ngày nhập vào cho một bước quan trọng khác trong đời mà ta gọi là tuổi già! Nó tự lách vào từng chút một. Nhưng mỗi người, theo mỗi cách, đã trải nghiệm những giới hạn thể lý, tâm lý hoặc tinh thần vốn là các đặc điểm của tuổi già; lãng tai, kém trí nhớ, làm việc chậm hơn, mệt mỏi và, dần dần, cơ quan bắt đầu rệu rã; chẳng có gì giống như “trước kia” và thế giới dường như đang trôi qua đi mà không đếm xỉa gì tới chúng ta (xem Gv 11,7-12,8). Dần dà chúng ta trở nên lệ thuộc hơn vào sự giúp đỡ của những người khác.

 

* Tuồng như thân xác chúng ta nhắc chúng ta nhớ tới sự có mặt của nó bằng giọng điệu gay gắt hơn, với những nhu cầu mới mẻ. Đây là lúc chấp nhận một cách đơn sơ và tự tạo cho mình một lối sống hợp vệ sinh hơn: ăn kiêng một cách cân bằng hơn, ngủ với nhịp độ khác, có không gian riêng tư và cô tịch hơn, tự do hơn với cuộc sống huynh đệ trong sự tôn trọng. Có nghĩa là chấp nhận rằng các anh em mà ta cùng chung sống chi tiêu nhiều hơn một chút để làm cho cuộc đời chúng ta thoải mái hơn hoặc để bố trí lại nhà cửa; có nghĩa là đừng sợ nói ra các nhu cầu của chúng ta nếu những người chung quanh chúng ta không để ý đến chúng. Chúng ta không muốn được phục vụ, chúng ta không muốn là một gánh nặng nhưng ở đây chúng ta được mời gọi để bình an cho phép những người khác thực tập lòng tốt đới với chúng ta!..

 

* Giống như hầu hết mọi người, chúng ta thường muốn kết thúc những ngày tháng của chúng ta tại nơi mà chúng ta đã sống, được những anh em và những ai gần gũi chúng ta quây quần chung quanh. Sự cần thiết đón nhận việc chăm sóc đặc biệt hơn, sự thiếu hụt cơ cấu để tiếp nhận người già  trong các nước mà chúng ta đang sống, hoặc việc các anh em ở gần chúng ta không thể chăm nom chúng ta, thường sẽ buộc chúng ta rời khỏi môi trường mà chúng ta quen thuộc; một số anh sẽ tới nhà huynh đệ khác thích hợp hơn với các nhu cầu của những anh lớn tuổi, những anh khác sẽ tới nhà hưu dưỡng. Sự thay đổi này – và là lẽ thường – thường được trải nghiệm như một thử thách; nó phải được chuẩn bị bằng một cuộc đối thoại với các anh em để xem rằng, càng sớm càng tốt, có một sự hiện diện huynh đệ gần gũi của các anh em hay không.

 

Sự khó khăn càng lớn lao đối với những anh đã trải qua nhiều năm trong một đất nước mà họ đã nhận làm quê hương và họ phải bằng lòng rời bỏ để trở về quê cha đất tổ với cái giá phải trả là một sự nhổ rễ đau đớn vì không có cơ cấu nào thích ứng với họ tại đất nước mà họ đã nhận là của mình.

 

* Trước tiên thời gian tuổi già thường được nhìn như là thời gian thua thiệt và bị tước bỏ. Dường như mối phúc nghèo khó đâm rễ nhiều trong thân xác trên mức độ thể lý cũng như trên mức độ tâm lý và tinh thần. Như một anh đã phát biểu: “Tuổi già là một ân sủng lớn lao của Chúa bởi vì nó lấy đi, từ từ, điều mà chúng ta sẽ không bao giờ có can đảm để tách mình ra khỏi: sức khỏe, quyền lực, những năng lực, ký ức, hiệu năng, khả năng, những tình bạn...”

 

Cần lòng can đảm và đức tin lớn lao để đối đầu với thời gian trở nên nghèo khó như một cách thế rất đích thực để sống ơn gọi Nagiaret; chính trong một con đường rất mới mà chúng ta tự đặt mình vào ngang tầm của người nghèo, người bé mọn, người bị gạt ra ngoài lề xã hội và làm cho chúng ta có khả năng sống liên đới với họ. Các anh sống trong những nhà hưu dưỡng có thể có kinh nghiệm mạnh mẽ nhất về điều này; là một người trong số nhiều người, là vẫn còn có thể yêu thương, quan tâm, lắng nghe, tôn trọng. Trong sự liên đới đích thực này, vẫn còn có thể tìm được niềm vui, sự nâng đỡ và tính hài hước, cho và nhận một sức sống không ngờ và một sức năng động thiêng liêng.

 

Cuộc đời của chúng ta tìm kiếm sự hợp nhất trong tình yêu này và điều này dần dà tỏ lộ ý nghĩa qua năm tháng; nhưng sức năng động tăng trưởng này tự tỏ ra một cách khác nhau vào từng giai đoạn. Tuổi già không còn là thời gian cho những kế hoạch hoặc những hoạt động lớn lao; dù sao nó vẫn còn là thời gian cho sự chín muồi về mặt nhân bản và thiêng liêng và sự đào sâu ý nghĩa cuộc đời.

 

Không nghi ngờ gì nữa, đó là thời gian mà chúng ta được mời gọi để lớn lên trong sự phó thác, trong sự buông xả, chấp nhận trắng tay; nó không kéo theo việc lập bản cân đối giữa điều mà chúng ta đã thực hiện và đã thành công cũng như những thất bại và yếu đuối của chúng ta. Vấn đề là nhìn vào Chúa Giêsu là Đấng chúng ta cố gắng yêu mến từng ngày và phó thác bản thân trong sự tín thác: “Thầy biết rõ mọi điều, Thầy biết rõ con yêu mến Thầy”. Bấy giờ chúng ta có thể nhìn đến bản thân, tha nhân và thế giới quanh ta, với cặp mắt hòa giải và dịu dàng hơn, được soi sáng bởi đức trông cậy. Đó là món quà của người lớn tuổi tặng cho những ai quanh họ. “Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá ranh rờn (Tv 92,15).

 

* Quả thật đây cũng là một thời kỳ khó khăn. Vì chúng ta đã từng có kinh nghiệm về sự yếu đuối và mỏng giòn của mình, chúng ta có thể bị cám dỗ quay lại với bản thân, chỉ trích, bi quan đối với cuộc sống và tình trạng của thế giới, nhìn “những thế hệ trẻ” một cách tiêu cực. Đôi khi những thương tích ẩn sâu của quá khứ có thể trồi lên hoặc những khó khăn mà chúng ta tưởng là đã vượt qua lại xuất hiện. Tất cả những điều này có thể dẫn đến một sự chua xót nào đó: “Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng gian lao vất vả dưới ánh mặt trời?” (Gv 1,3).

 

Không nghi ngờ gì nữa rằng, hơn hẳn những thời kỳ khác của cuộc đời, chúng ta trải nghiệm một sự cô đơn lớn lao. Trong lúc thế giới và những người quanh ta tiếp tục dòng chảy và những hoạt động, chúng ta cảm thấy rất đơn độc: những tâm điểm thích thú của chúng ta không còn nằm trên cùng tầm mức như của những người quanh ta. Cuộc đời đã diễn ra xong rồi, chúng ta không thể quay trở lại, chúng ta là những người duy nhất có thể thu hoạch và trao tặng nó. Cô đơn cũng vì sự thích thú sâu xa nhất của chúng ta và những năng lực thiêng liêng của chúng ta tập trung càng nhiều hơn vào điều làm nên quả tim của đời ta, tình yêu, rất gần, chỉ còn vài bước nữa thôi, hấp dẫn và đáng sợ.

 

* Cũng như ở mọi giai đoạn khác của cuộc đời, sự nâng đỡ huynh đệ rất quan trọng khi anh tới tuổi già:

 

+ Hơn bao giờ hết, sự nâng đỡ này phải kiên nhẫn và tôn trọng vì nó chạm trán với những nhu cầu trái ngược nhau vốn làm cho cuộc sống của một anh lớn trở nên phức tạp.

 

+ Nhu cầu được tự chủ (tự mình, hết sức có thể, quyết định và hành động) và nhu cầu an toàn (có một ai đó bên cạnh để trấn an và giúp anh quyết định).

 

+ Nhu cầu cần sự dịu dàng và nỗi sợ bị đối xử với những cách diễn đạt tình cảm như với một đứa trẻ.

 

+ Người đồng hành với một anh lớn phải biết cách trao tặng cả sự hiện diện lẫn sự thận trọng; sẵn sàng lắng nghe mà không áp đặt, chỉ khuyên nhủ khi người kia yêu cầu mà thôi.

 

+ Chúng ta cũng phải biết cách giúp đỡ trên tầm mức đời sống thiêng liêng. Đối với một số anh, tuổi già là lúc bình an chờ đợi cuộc Hội ngộ, trong khi đối với những người khác đó là thời khắc mà đức tin và đức cậy bị thử thách. Lúc ấy cần có sự hiện diện để lắng nghe, khích lệ đối thoại và tỏ tình bằng hữu.

 

+ Kinh nghiệm của một vài miền đã cho thấy rằng những cuộc gặp gỡ giữa các người lớn tuổi với nhau (đôi khi được tổ chức chung với những Tiểu Muội cùng lứa tuổi) mang lại nhiều ích lợi; chúng tạo điều kiện cho những người tham dự nêu lên những vấn nạn giữa những người phải đối đầu với những khó khăn giống nhau, nêu ra những vấn đề nào đó và động viên nhau.

 

* Khi một anh lớn tuổi sống với những em trẻ hơn, đôi khi khó lấy quyết định, đặc biệt trong những vấn nạn sắp có ảnh hưởng sâu xa tới cuộc đời của người anh lớn (vào nhà hưu dưỡng, không lái xe nữa, không đi xa một mình nữa v.v...): các em trẻ không có quyền hoặc thế lực để áp đặt một điều gì mà người anh lớn không nghĩ là cần thiết. Một vài anh đã xin trước rằng một anh em từ một nhà huynh đệ khác, vốn biết rõ họ, làm vai trò trung gian: họ đã thực hiện một loại hiệp ước tín nhiệm với anh ta để anh có thể nói với họ, khi thời điềm đến, các quyết định để bắt đầu đối thoại với những người khác. Như thế các anh được giải phóng khỏi vấn đề hệ trọng và có thể sống bình an hơn.

 

Cũng là khôn ngoan khi soạn trước điều mà tại một vài nước gọi là “chúc thư khi còn sống”, một tài liệu chỉ rõ một hoặc hai người tín cẩn, là những anh em ở gần hoặc bạn bè được anh em ở gần biết rõ, được trao trách nhiệm đưa ra những quyết định sinh tử trong trường hợp bệnh tật trầm trọng khiến chúng ta mất ý thức và khả năng để đưa ra quyết định. Việc này cất đi gánh nặng cho những người phải hành động trong một tình cảnh như vậy. Đó cũng là một hành vi tuyệt vời khi tín thác và trao phó đời ta trong tay anh em.

 

Ngay khi chúng ta khởi đầu đời tu, phác thảo một tài liệu thuộc loại này là điều quan trọng; nó là một trợ giúp quý báu để giải quyết các vấn nạn hành chánh trong trường hợp qua đời. Thường xuyên xem lại nó và đặc biệt khi chúng ta đến tuổi già là một điều tốt đẹp.

 

 

Bệnh tật

 

* Chúng ta có thể mắc bệnh vào bất cứ lứa tuổi nào. Các tin báo rằng một người đã lâm bệnh nặng hoặc đã phải chịu giải phẫu nguy hiểm luôn là một cú sốc. Cuộc sống hàng ngày đôi khi thật bấp bênh; có những trị liệu rất nghiêm trọng đòi phải ngưng các sinh hoạt và sự đau đớn có thể trở nên hầu như thường xuyên.

 

Chúng ta cần sự nâng đỡ liên tục của anh em và bạn bè để động viên chúng ta vượt qua một cơn bệnh, để sống cơn bệnh đó trong ánh sáng đức tin và tìm kiếm những phương cách để cầu nguyện. Chữa lành thì giống như một cuộc hồi sinh: vượt qua một thử thách có thể dẫn đến một sự bình an sung mãn và hoan lạc.

 

Có thể xảy ra là chúng ta bị tàn phế trầm trọng buộc phải đón nhận một hoàn cảnh mới và tổ chức lại cuộc sống. Điều đó đòi phải can đảm và, ngay cả trong trường hợp này, nhiều tình bạn để có thể khám phá lại một niềm vui nào đó trong cuộc sống và một cách thức để đón nhận hoàn cảnh một cách tích cực.

 

* Một cơn bệnh nặng cũng có thể đẩy chúng ta đối mặt với cái chết của mình mà chúng ta nhận ra có thể sắp đến rồi. Điều đó có thể dẫn chúng ta trải qua những giây phút khắc khoải lo âu và cái cảm giác cô đơn càng trở nên lớn lao hơn. Vào lúc đó, chúng ta cần mọi nguồn mạch của đức tin chúng ta để khám phá lại khuôn mặt của Chúa Giêsu là Đấng đã hứa luôn ở cùng chúng ta và ở ngay bên cạnh chúng ta. Chúng ta cũng cần những khuôn mặt bạn bè thân thuộc mà sự hiện diện của họ làm cho chúng ta thấy bảo đảm và an tâm.

 

Chúng ta có thể sợ phải ở bên cạnh một anh em đang lâm chung, sợ không biết phải phản ứng thế nào hoặc phải nói gì. Bổn phận của bạn bè là cứ ở gần kề. Đó cũng là một việc phục vụ to lớn của tình huynh đệ khi dám nói với anh ta về việc anh ta đang đến gần cái chết và gặp gỡ Vị Chúa và Người Anh mà anh hằng yêu mến, vì thường thì người bệnh mang nỗi thống khổ này trong tâm khảm mà không dám thố lộ ra. Như thế chúng ta liên kết với anh ta trong nỗi cô đơn của anh, dù là ở một khoảng cách, vì chỉ có một mình anh là người phải thực hiện hành trình vượt qua cuối cùng này thôi.

 

Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu,

sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp. (Dc 8,7)

 

+++

 

 

 

PHỤ LỤC:

 

1- Thư của hội đồng miền Pháp gởi những anh lớn tuổi.

 

Saint Jean de Garguier, 9 tháng Năm, 2013

 

... thân mến,

 

Anh hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi nhận được một bức thư riêng được ký tên bởi người phụ trách miền và tất cả hội đồng của vị này! “Có chuyện gì đây?” Từ cái hình ảnh đã tồn tại suốt  cuộc họp sau cùng của hội đồng chúng ta, chúng tôi đã có ý định viết cho anh về các vấn nạn đang làm cho chúng tôi bận tâm suy nghĩ.

 

Tại sao lại là anh? Đó là bởi, vừa qua, trong các cuộc đàm luận đây đó, anh đã nói về tình trạng sức khỏe, tuổi tác của mình, những vấn đề đã xuất hiện và anh đã dùng những cách diễn tả thường nảy sinh trong những trường hợp thuộc dạng này: “Tôi thấy như mình đang xuống dốc; Tôi phải nghĩ đến bước tiếp theo”. Hoặc có thể đó là một trong số các anh em ở gần anh báo động với chúng tôi: “Tôi thấy rằng anh... đang già đi; chúng ta phải nghĩ tới tương lai”.

 

Chúng tôi muốn đưa ra đề nghị và chúng tôi muốn anh nghiêm túc xem xét; vào thời khắc rất đặc biệt trong đời anh, khi anh trở nên ý thức về các giới hạn đang dần dà áp xuống, chúng tôi thấy rằng có lẽ rất quan trọng việc anh chọn một người anh em mà anh tin tưởng để làm “đối tác”, một ai đó mà anh có thể nói một cách thoải mái và thẳng thắn về những vấn nạn tuổi tác đang nổi lên; đó cũng sẽ là một ai đó mà anh trao cho quyền được chất vấn anh, được làm cho anh nhận thức về những điều mà anh không để ý tới; một ai đó sẽ giúp anh đưa ra những quyết định mà tự mình anh không có khả năng làm được; một ai đó có thể động viên anh đừng bỏ cuộc và tận dụng mọi năng lực mà anh vẫn còn có được.

 

Trên tầm mức y học, có thể là anh đã chỉ định một “người thân tín” có thể phụ giúp cho anh trong trường hợp đau ốm, đi theo anh đến bác sỹ để trao đổi những quyết định về y tế liên quan đến anh và có thể nhân danh anh mà đưa ra những quyết định trong trường hợp anh không có khả năng tự mình nói ra. Vui lòng ủy thác đời anh trong tay người khác là một dấu chỉ quan trọng của sự tín nhiệm. May quá đó là điều tương tự như điều chúng tôi đang đề nghị; lập một loại hiệp ước tín nhiệm với một người anh em, theo đó anh xin anh ta (và đồng thời, cho anh ta tự do) giúp anh nói với anh ta, không kiêng cữ điều gì, về những vấn nạn liên quan đến vấn đề tuổi tác. Thường thường, vì kín đáo, vì rụt rè hoặc để giữ gìn phẩm cách, chúng ta tự gánh lấy đau buồn vì những giới hạn và các vấn nạn do tuổi tác gây ra ở tầm mức thể lý và tâm lý cũng như ở tầm mức đức tin. Chúng ta thấy mình làm giảm nhẹ và có nguy cơ triệt tiêu những giới hạn của bản thân để những người khác không nhìn thấy chúng; qua việc làm này chúng ta để cho ý nghĩ rằng mình không còn chút giá trị gì nữa luồn lách vào. “Người anh em thân tín” này có thể là người mà tôi có thể cởi mở bản thân một cách hoàn toàn tự do và tôi mong anh ta giúp tôi bắt đầu lại, duy trì sức sống và sự tỉnh táo. Và tôi có thể, trao trước cho anh ta quyền tự do và sứ mạng để nói với tôi vào một ngày nào đó rằng: “Tôi nghĩ rằng thời khắc để bước sang giai đoạn tiếp theo đã đến rồi”. Nếu anh đã có một người anh em gần gũi mà anh có thể chia sẻ theo cách này với sự minh bạch và tự do hoàn toàn, thì anh sẽ nghiệm được rằng thật là tự do và bảo đảm nếu mình không đơn độc khi phải đối đầu với những quyết định làm cho mình đau đớn.

 

Chúng ta thường nói với nhau, trên tầm mức khu vực hoặc miền, về thời khắc mà chúng ta bắt đầu mất tự chủ và lúc chúng ta sẽ phải chấp nhận rời xa nhà huynh đệ và môi trường vì chúng ta sẽ cần những sự chăm sóc mà một nhà huynh đệ không còn có thể cung ứng được nữa hoặc vì chúng ta không còn có thể tự mình đối diện với những giới hạn của chúng ta được nữa. Và chúng ta nói rằng, “khi đến thời”, chúng ta sẽ sẵn sàng “nhảy tọt”  vào một nhà hưu dưỡng. Nhưng làm sao để xác định “khi đến thời”? Xu hướng tự nhiên của chúng ta là trì hoãn quyết định này và đây là chuyện rất thường tình! Một mặt, chúng ta thường sợ tình trạng vô danh không ai hay biết; và mặt khác, chúng ta có vẻ đã quá rành về chuyện nhà hưu rồi; đó có thể là gì khác hơn là một nơi tàn tạ và kết thúc?.. và chúng ta muốn giữ lòng trung tín với môi trường của mình cho đến tận cùng. Bởi thế, tận nơi sâu thẳm, chúng ta hy vọng rằng “Chúa Nhân Từ sẽ cất chúng ta đi trước khi việc đó xảy ra”, hoặc căn bệnh đó sẽ quyết định thay cho chúng ta và chuyển chúng ta từ bệnh viện sang nhà hưu dù chúng ta có muốn hay không.

 

Chúng tôi muốn nói với anh một chút về nỗi sợ hãi liên quan đến viễn tượng đi vào nhà hưu này. Chúng tôi muốn lập nền tảng cho mình dựa trên kinh nghiệm mà hiện nay chúng tôi bắt đầu có do một nhóm khá nhiều anh em mà, một ngày nào đó, đã thực hiện bước đi này. Bước đi này dĩ nhiên là khó khăn, không ai phủ nhận điều đó. Đôi khi phải làm quen với ý tưởng thấy mình ở trong một “không gian được tổ chức”, với những người mà chúng ta không chọn và họ chắc hẳn đã trải qua một cuộc đời rất khác với chúng ta. Sau khi đã trải qua trọn cuộc đời ta “giữa lòng thế giới”, với mọi tiếp xúc của đời sống hàng ngày và với những cơ cấu cộng đoàn rất mềm dẻo, tất cả các tế bào của con người ta đều đồng loạt nổi loạn trước viễn cảnh thấy mình ở trong một thế giới bé nhỏ tự khép kín, với những chân trời rất giới hạn, đơn sắc, nơi mà “chỉ có toàn là người già thôi!” Tất cả các nỗi sợ đó là nhiều hơn mức bình thường. Đây là lúc có thể nói về điều này trong sự tự do và tín nhiệm rằng, nếu anh chưa sẵn sàng để làm như thế, thì hãy chọn một “người anh em thân tín” đi. Hơn nữa, thường thì những người có mặt ngay chung quanh ta không trợ giúp cho ta: “anh vẫn còn thời gian và, rốt cuộc, chúng tôi vẫn còn đây mà!” Ngay cả họ cũng chưa thể làm quen với ý nghĩ là thấy chúng ta rời xa và đi vào trong thế giới vốn vẫn còn khá mới mẻ đối với tất cả chúng ta.

 

Mới đây, nhân dịp đi về miền Trung, chúng tôi đã có cơ hội gặp một số anh em đang ở trong nhà hưu dưỡng, Paul Delpuech, Michel Philippe và nhóm các anh ở tại nhà Thánh Gioan Thiên Chúa. Điều đánh động là, mặc dù đang bị các giới hạn về sức khỏe và sự yếu nhược xâm chiếm, các anh vẫn tràn đầy sức sống và nhiệt tình. Chắc hẳn rằng việc họ đang được chăm sóc về mặt y tế giải thoát họ khỏi khá nhiều lo âu; cũng giống như việc ăn kiêng một cách cân bằng, khả năng giao tiếp với những người khác và những sinh hoạt giúp họ vượt qua nỗi cô đơn. Dần dà, sự bình an được kiến tạo và, chắc chắn, linh đạo của chúng ta là một sự trợ giúp. Thật là ấn tượng khi thấy rằng, ngay cả khi bị giới hạn bởi bệnh tật – như một vài anh đang bị - mỗi người đều vẫn còn tìm ra cách để sử dụng năng lực của mình; không một ai chịu đầu hàng khi đối diện với các giới hạn của tuổi già! Và như một ít hương vị ta có thể có khi tiếp xúc, vẫn còn cách để tiếp tục điều chính yếu của cuộc sống chúng ta: một cuộc sống với những quan hệ và một cuộc sống đức tin và cầu nguyện vốn nuôi dưỡng lẫn nhau bằng việc chia sẻ, trở thành rất thực, một sự nghèo khó mà, lần này, chúng ta đã không chọn lựa và nó khiến chúng ta trở nên đồng thân phận với mọi người khác.

 

Có thể anh đang nghĩ rằng chúng tôi đang đưa ra một hình ảnh quá lý tưởng về cuộc sống trong một nhà hưu dưỡng. Chỉ cần xin một ai đó trong số những người đang sống ở đó chia sẻ kinh nghiệm của mình hoặc, tốt hơn, tới gặp anh ta ở nơi anh ta đang sống, “Hãy đến mà xem!”

 

Chúng tôi có thể nói thêm rằng kinh nghiệm có vài anh em trong cùng một nhà hưu, về mặt cơ bản, tỏ ra là một giải pháp tốt (điều này sẽ không nhất thiết thích hợp với mọi người, nhưng đó là một điều đáng để suy xét). Mỗi người có thể giữ sự độc lập của mình, ở lại trong phòng mà không bị quấy rầy khi anh ta cảm thấy cần, gặp gỡ với bất cứ ai ở trong nhà mà anh ta muốn; nhưng anh ta cũng cũng biết rằng mình có thể tìm được những dịp để trao đổi với những anh em khác về những đề tài mà chúng ta thích thú hơn cả và anh ta cũng biết rằng mình có thể tin vào lòng tốt và tình bạn đang hiệp nhất chúng ta vì các năm dài chúng ta đã từng trải qua trong Nhà huynh đệ. Và cũng là một thực tế - để mang ra suy xét – là sẽ dễ hơn cho những anh em sống ở những nhà huynh đệ gần đó đến thăm những anh em sống thành nhóm với nhau hơn là đi tới những chỗ ở tản mác.

 

Chúng tôi cũng muốn kéo sự chú ý của anh tới điểm cuối cùng: tại nhiều nơi, đặc biệt là trong những thành phố lớn, không dễ để tìm được một nhà hưu trong trường hợp khẩn cấp. Chỗ nào cũng có những danh sách chờ dài dẵng. Thật khôn ngoan khi ghi danh trước. Nói chi tiết như thế vì hầu hết các nhà hưu đều đề nghị một chương trình gặp gỡ, thăm viếng, tiếp xúc vốn làm cho việc vào nhà hưu được “nhân bản hóa” và được nguôi ngoai hơn. Khi một người đã yếu ớt hoặc đã bị trầm cảm bởi bệnh tật thì thường khó vào nhà hưu hơn. Thường dễ vào một cơ cấu mà chúng ta đã biết vì những anh em khác đã mở đường rồi.

 

Đây là điều mà chúng tôi đã muốn chia sẻ với anh. Hãy luôn ghi nhớ, trước hết, lời mời gọi lựa chọn “người anh em thân tín” này và cuối cùng hãy đưa cho anh ta xem bức thư này để giúp anh ta có một ý tưởng rõ ràng hơn về sự giúp đỡ mà anh trông đợi từ anh ta và con đường mà các anh có thể cùng nhau bước đi.

 

Chúng tôi muốn bảo đảm với anh về sự hỗ trợ của anh cũng như lời cầu nguyện của chúng tôi để anh có thể có khả năng sống thời kỳ tuổi già này trong bình an và tin tưởng. Xin hãy chắc rằng, “khi chúng ta già, người khác sẽ nhanh chóng thắt lưng và đưa chúng ta đến nơi chúng ta không muốn”, thế nhưng, ngay cả ở đó, Chúa Giêsu vẫn gởi ta đi thi hành sứ vụ và nói với chúng ta: “Hãy theo Thầy”. Tiếng gọi không chấm dứt khi tuổi già kéo đến. Hãy hỏi Abraham, Sara và các người khác xem họ nghĩ gì về điều đó.

 

 

2- Những trích đoạn Thư tín của Ian Latham

(Thư tín số 665, tháng Hai 2007)

 

Tôi sắp sửa nhắc lại một sự kiện đã xảy ra khá lâu trong quá khứ, có lẽ khoảng ba mươi năm rồi, nó có một lối liên hệ với điều mà hiện nay tôi đang sống.

 

Lúc đang sống ở Ấn Độ, tôi đến Pondicherry để gặp Giuseppe Marinoni lúc ấy đang sống một mình, và tôi đã ngã bệnh như đã từng xảy ra cho tôi vài lần ở Ấn Độ. Giuseppe và những người khác khuyên tôi xin giám mục, là người có phòng, cho tôi trú ngụ. Ngài tiếp đón tôi rất nồng nhiệt, chỉ phòng cho tôi và chúng tôi cùng ăn chiều.

 

Sáng hôm sau, tôi đứng trên hành lang với một linh mục cao niên người Tamil (sau này ngài nói với tôi là ngài đã từng làm Tổng đại diện). Ngài là một người đầy kinh nghiệm trong lúc tôi là một người trẻ kể như chưa có kiến thức gì. Sau khi bắt đầu trò chuyện về những sự việc và những người chung quanh, vị linh mục già đột nhiên nói với tôi, “Cha đang băn khoăn lo lắng, con có vui lòng giúp cha không? Cha thấy mọi sức lực của cha đều mất hết, và cha chỉ còn đủ sức để ăn, ngủ, mặc áo quần và chừng đó thôi là đã quá nhiều rồi và nó làm cha kiệt sức. Và rồi những ý nghĩ của cha càng lúc càng lẫn lộn, cha không biết mình đang làm gì, cha không còn có thể suy nghĩ cho rõ ràng được nữa và điều tệ hại nhất là mọi tình cảm đạo đức, là điều mà trước kia cha có được mà không phải lo lắng gì, nếu ta có thể nói như thế, nay có xu hướng giảm bớt và thường là biến mất hoàn toàn. Nói thật là cha không còn biết cầu nguyện như thế nào nữa. Con có thể giúp cha, khuyên cha, và dạy cha làm thế nào để cầu nguyện trở lại không?”

 

Tôi đã giật mình sửng sốt: một người với kinh nghiệm như thế đang xin tôi, là một người còn quá trẻ và ít kinh nghiệm, cho lời khuyên về một đề tài rất riêng tư và thân tình là việc cầu nguyện! Tôi đã thán phục tính đơn sơ và khiêm nhượng của ngài, và cho đến hôm nay tôi vẫn còn thán phục những đức tính ấy khi tôi đang sống trong cùng cảnh ngộ như ngài.

 

Hôm nay tôi đang sống chính kinh nghiệm đó, và tôi cần sự trợ giúp và nâng đỡ tương tự. Thân xác tôi đang trở nên càng lúc càng yếu hơn. Tôi dễ trở nên giận dữ vì tôi không có khả năng làm những việc đơn giản nhất, như mặc áo quần vào buổi sáng, hoặc xắp xếp giấy tờ và ý nghĩ theo một trật tự nào đó. Thí dụ, để thâu cuốn băng này, trước khi bắt đầu tôi đã phải tập dượt cả tá lần và rốt cuộc cũng chỉ đạt được chút đỉnh giá trị thôi. Và điều tệ nhất là mối quan hệ của tôi với Chúa hiện nay rất yếu, và thành thật mà nói, trong việc cầu nguyện tôi cảm thấy mình như người mới bắt đầu; tôi không biết phải làm thế nào để cầu nguyện nữa.

 

Thật ra, kinh nghiệm tuổi già của tôi liên kết với bệnh Parkinson. Khi tôi biết mình bị mắc bệnh, mà trước đó không hề nghĩ đến nó bao giờ, tôi đã có cảm giác rõ ràng rằng Michel Delobeau, người đã chết sau 10 năm bị bệnh, đã chuyển giao cho nó cho tôi. Điều đó không làm tôi hoảng hốt, và lần hồi sau đó tôi đã học được cách không coi Parkinson như một kẻ thù hủy hoại tôi, nhưng như một người bạn cùng bước với tôi trên đường đời và thúc đẩy tôi, theo cách của nó, tiến lên và hoàn thành chặng đường.

 

Cảm giác này đã không rời tôi, mà còn ngược lại là đằng khác, và tôi đã rất ngạc nhiên khi người y tá, là một chuyên viên về bệnh Parkinson, vốn đã theo dõi tôi trong Trung tâm Sức khỏe Peckham, một ngày nọ đã nói với tôi cùng một điều như thế: tôi cần phải xem căn bệnh này như một người bạn, và đối xử với nó như bạn bè. Tôi tin rằng đó là  một sự thật căn bản, và việc nhìn Parkinson theo cách này thật sự là một sự trợ giúp lớn lao cho tôi.

 

Tôi phải sống kinh nghiệm tuổi già với bệnh Parkinson trong niềm tin và làm mọi điều tôi có thể làm về phần mình để giữ gìn niềm tin này: tin vào Chúa, tin vào anh em và tin vào khả năng của bản thân để đương đầu với hoàn cảnh mới này.

 

Tôi đã tự nói với mình rằng có thể không phải là một ý tưởng dở để lược sơ qua Hiến pháp của chúng ta và xem trong đó đã nói gì về vấn đề tuổi tác. Quả thật, đối với tôi, rõ ràng là tôi đã chạm tới chặng đời cuối cùng tiến về cuộc gặp gỡ tối hậu rồi.

 

Và quả thật tôi đã thấy Hiến pháp rất xác đáng, đầu tiên qua lời khuyên rất đơn giản mà tôi tìm thấy: đừng quên các Bí tích, hòa giải, xức dầu bệnh nhân, mà tôi chưa từng nghĩ để xin cho mình, trong khi tôi đề nghị cho những người khác, và, dĩ nhiên, và trên hết, bí tích Thánh Thể, sự hiện diện rất đặc biệt của Chúa Giêsu mà Anh Charles rất yêu mến.

 

Nhưng sau đó, và đây là điều mới mẻ đã đánh động tôi hơn cả vì tôi đã tự hỏi mình phải chuẩn bị bản thân thế nào cho cuộc gặp gỡ cuối cùng này, Hiến pháp nói, “Ngài (Chúa) sẽ tự Ngài chuẩn bị anh cho cuộc gặp gỡ này.”

 

Đó là một sự an ủi lớn lao cho tôi, một nguồn can đảm, vì tôi thấy rất rõ rằng về phần mình tôi chỉ có thể làm rất ít và sự trung tín của tôi là rất giới hạn. Chính Hiến pháp cũng nói trong cùng ngữ cảnh đó rằng ta đừng dựa vào sự trung tín của bản thân nhưng vào sự trung tín của Chúa là Đấng đã kêu gọi chúng ta và sẽ không rời bỏ chúng ta.

 

Đối với tôi, câu hỏi về lòng tin vào Chúa, về sự trông cậy nơi Ngài, chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Tôi tin rằng, hết sức tập trung vào mình và muốn làm chủ lấy mình càng nhiều càng tốt, tôi đã luôn nghĩ rằng dĩ nhiên Chúa đang giúp tôi và thực hiện phần quan trọng nhất, và thậm chí Ngài làm hầu hết mọi việc, nhưng đồng thời, ít nhất, là phần của tôi xin Ngài đến và giúp tôi, và trong lối phân tích rốt ráo như thế, mọi việc tùy thuộc vào tôi và vào sự trung tín của tôi chứ không phải vào sự trung tín của Ngài đối với tôi.

 

Tôi nghĩ đây là một điều đơn giản và sơ đẳng trong cuộc sống Kitô hữu, nhưng tôi đang học tập nó một cách chậm chạp và chính kinh nghiệm bệnh Parkinson này buộc tôi, nếu tôi có thể nói như thế, phải nhìn thấy sự thật sơ đẳng này.

 

Một sáng nọ, khi thức dậy, tôi đã thấy mình có thể tạ ơn Chúa từ đáy sâu tâm hồn mình vì cuộc đời tôi, vì Nhà huynh đệ, vì điều mà tôi đang sống cho đến bây giờ, và tôi làm việc đó một cách thành thật, như tôi chưa hề có khả năng làm như thế bao giờ.

 

Và ít lâu sau đó, tôi không còn nhớ chính xác là lúc nào, ân sủng tích cực này được kèm thêm bởi một cảm giác mạnh mẽ rằng tôi không còn bị lôi kéo vào việc xét đoán những người khác, như tôi vẫn thường làm; Tôi xin anh em thứ lỗi cho tôi và tôi ước chi mình không phải nói rằng, cách riêng trong mối quan hệ với một vài người trong các anh em, tôi nghĩ mình là người tốt hơn những người khác và rằng con đường của tôi là con đường chân thật và duy nhất và tôi xét đoán những hoàn cảnh và những thái độ của anh em. Đó là những điều mà ta chẳng thích nói ra chút nào, đặc biệt nếu ta suy nghĩ về lời Chúa, “Đừng xét đoán” vốn luôn đánh động tôi nhưng chưa hề mang lại nhiều hoa trái nơi tôi.

 

Đó là một ơn mà tôi hằng cầu xin và bây giờ tôi đã được ban cho nhưng không. Và thậm chí còn hơn thế nữa, tôi đã được ơn, như thánh Phaolô nói, nghĩ rằng những người khác tốt lành hơn tôi. Tôi vẫn thường nghĩ rằng Phaolô đã mô tả bản thân như thế vì tính khí bốc lửa và phóng đại của mình. Và đột nhiên tôi đã hiểu ra rằng điều ngài nói là thật, thật một cách đơn sơ và tinh tuyền, và rằng tôi bị buộc phải chấp nhận và công nhận nó.

 

Một điều khác đánh động tôi trong Hiến pháp là nó nói rằng ta phải phó thác bản thân một cách đơn sơ cho Chúa như một trẻ nhỏ, việc sống lời Kinh Phó Thác mà tôi đã từng đọc rất dễ dàng, nhưng đã từng sống rất ít.

 

“Tôi sẵn sàng đối với mọi sự, tôi chấp nhận mọi sự” có nghĩa là, rất đơn giản, cùng với Chúa Giêsu phó thác bản thân cho Chúa Cha. Khi nghĩ lại về điều mà tôi đã sống và đã có lần chia sẻ với các Tiểu Muội, tôi thấy dường như trong các Thánh vịnh có những dấu hiệu minh chứng rằng Chúa Giêsu không chỉ đưa trẻ thơ ra như con đường để thăng tiến về mặt thiêng liêng, và thậm chí trong ý nghĩa như là con đường duy nhất cần thiết và đòi buộc, nhưng Ngài còn tự mình sống như một trẻ thơ và các lời Ngài nói từ trên thập giá, “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” là chứng cứ cho thấy rằng lúc bấy giờ, trong ý nghĩa sâu xa nhất, Ngài là con thơ thật sự của Chúa Cha, người con duy nhất nên một với Cha và hoàn toàn trao hiến cho Cha.

 

Trong cùng đoạn đó, Hiến pháp của chúng ta thêm rằng ta trở nên trẻ thơ ngay cả qua các yếu đuối và xáo trộn mà mình đang sống.

 

Tôi tin rằng để là một trẻ thơ, cũng cần chấp nhận phó thác trong tay những người khác. Đó là một phần của sự phó thác cho Chúa Cha, và đối với tôi sự phó thác này luôn sánh đôi tiến bước với sự phó thác của Hài nhi Giêsu, và của tôi với Ngài, trong tay của Đức Trinh nữ Maria và, cùng với Thánh Giuse.

 

Đồng thời, tôi thấy rằng sự phó thác ấy, mà thực tại nền tảng là tôi được kêu gọi để sống trong lúc này, cũng cần được kèm theo lòng can đảm để làm mọi việc mà tôi có khả năng làm được để duy trì sức mạnh thể lý, khả năng tâm thần và trí tuệ của tôi, và cũng để duy trì, về phần tôi, các ơn thiêng liêng mà tôi nhận được, cách riêng là sự bình an này mà nếu không có nó thì mọi sự còn lại, nếu có thể nói như thế, sẽ không còn nơi nương tựa trong tôi.

 

Có thể điều duy nhất khá tổng quát, mà tôi lưu ý trong mối tương quan với Hiến pháp của chúng ta và là điều nói với tôi cách rất mạnh mẽ, (nhưng tôi tin rằng điều này cũng nói với tất cả anh em nữa, mỗi người tùy theo hoàn cảnh sống của mình), là điều nói về nỗi đau cứu độ. Một ai đó đã cho tôi một bản văn của Đức Gioan Phaolô II về cùng chủ đề này. Đó là một điều khó tin, nhưng kinh nghiệm sống mà mỗi người đã tỏ ra cho chúng ta là thật.

 

Được sống với Chúa Giêsu, đau khổ có thể có một giá trị cho tôi và cho tha nhân. Không sự gì mất đi cả, và chính xác là qua kinh nghiệm đau khổ này mà Chúa đang thanh luyện và uốn nắn tôi và tôi đang thật sự kết hợp với rất nhiều người đang đau khổ bởi nhiều cách khác nhau. Có lẽ ta có thể đạt tới điểm sống một điều gì đó đã từng luôn rất thân thiết với tôi, nhưng tôi chưa hề tìm cách để sống nó, và đó là trở nên một người cứu thế cùng với Chúa Giêsu.

 

Như Thánh Martin đã nói, “Con sẵn sàng chết, con cũng sẵn sàng sống, nếu Ngài muốn, lạy Chúa”. Nếu ta sống, hoặc cố gắng sống, trong sự kết hợp với Chúa, thì sống và chết đều giống nhau. Và đối với tôi, việc mở lòng ra với Chúa Giêsu luôn được thực hiện ngang qua Đức Nữ Trinh là Đấng đã đón nhận Ngài trước tiên và là Đấng, tôi tin tưởng và trông cậy trong mọi trường hợp, cũng đón nhận Ngài ở trong tôi, đến độ mà Mẹ giúp Ngài để cho điều này phát sinh hoa trái của Thánh Thần của Ngài ở trong tôi.

 

Giờ đây tôi xin nói lời tạm biệt.

 

+++

- Trích trong thủ bản ĐƯỜNG LỐI CỦA CHÚNG TA TRONG NHÀ HUYNH ĐỆ của Các Tiểu Đệ Chúa Giêsu.


Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

Bậc cầu nguyện thứ tư (Tiếp theo)

 


CHƯƠNG 19

Tiếp tục cùng đề tài. Mẹ thánh trình bày những hậu quả nội tâm của bậc cầu nguyện này. Người tha thiết khuyên nhủ các linh hồn: dù đã lãnh nhận hồng ân kết hợp mà còn sa ngã thì cũng đường bỏ cầu nguyện. Người nói: nếu không nghe theo khuyến cáo này, người ta phải thiệt hại rất nhiều. Nên đọc chương này cẩn thận, nó đem lại niềm an ủi cho những người yếu đuối và tội lỗi.

***

Ai đạt tới bậc cầu nguyện này và được hưởng sự kết hợp thì chìm ngập trong niềm âu yếm ngây ngất, một niềm âu yếm làm cho linh hồn sung sướng được thấy mình tiêu huỷ đi, không phải trong đau đớn nhưng trong dòng lệ hoan hỉ. Họ khóc sướt mướt mà không ý thức, cũng chẳng biết khi nào và làm sao mình khóc. Nhưng linh hồn được tràn ngập vui mừng vì thứ nước này kích thích tình yêu càng bùng cháy, và đồng thời cũng làm dịu nhiệt độ của lửa. Nói thế có vẻ phi lý, nhưng sự thật là như vậy. Đôi khi vào lúc kết thúc cầu nguyện, tôi thấy tôi hoàn toàn ở ngoài chính mình đến nỗi tôi không biết có phải là tôi mơ hay niềm hoan hỉ tôi cảm nghiệm đây có thực hay không? Nhưng rồi tôi biết đó không phải là giấc mơ; tôi chan hoà nước mắt, suối nước mắt tuôn chảy không gây ưu phiền nhưng là tình mến nồng nàn và phát xuất mau lẹ như từ mây trời rơi xuống. Vào những giai đoạn đầu, khi tôi chỉ mới bắt đầu cầu nguyện được một lúc thì hiện tượng này xảy đến với tôi.

2. Linh hồn trở nên can đảm và nếu lúc ấy được phân thành từng mảnh vì Thiên Chúa, linh hồn sẽ được an ủi mãnh liệt. Chính lúc này linh hồn dốc quyết và thề hứa một cách anh hùng, khát vọng cháy bùng và họ bắt đầu cảm thấy chán ghét thế gian và nhận thức rõ ràng cái thân phận mỏng giòn của mình. Càng lãnh nhận nhiều hơn sao siêu hơn các ơn đã lãnh nhận trong các bậc cầu nguyện trước lòng khiêm nhường cũng càng sâu xa và vững chắc hơn, vì linh hồn thấy rõ không một cố gắng riêng nào đủ xứng đáng để được Chúa ban hay để có thể duy trì được một hồng ân cao trọng như vậy. Linh hồn cũng thấy rõ rằng mình tuyệt đối bất xứng. Vì trong một căn phòng chan hoà ánh sáng mặt trời, thì một chút màng nhện cũng không thể che khuất được. Linh hồn cũng nhìn thấy rõ sự khốn nạn của mình như thế. Nó xa tránh vinh quang hão huyền và nghĩ là sẽ không bao giờ mình có thể vướng vào một thứ dại dột đến thế. Vì bấy giờ linh hồn chứng kiến tận mắt rằng tự mình chỉ làm được tí chút hay chẳng làm được gì và cũng khó có thể nói được là mình đã bằng lòng tiếp nhận những gì xảy đến cho mình, nhưng trái với ý mình, các giác quan dường như đã khép kín lại để mình có thể thụ hưởng Thiên Chúa một cách hoàn hảo hơn. Một mình linh hồn với Người. Linh hồn làm gì ở đó nếu chẳng phải là yêu mến Người? Nó chẳng thể xem thấy hay nghe thấy gì nếu không cố gắng hết sức và cững chẳng quan tâm bao nhiêu về những gì đó. Cuộc đời quá khứ và tất cả chân lý về lòng thương xót bao la của Thiên Chúa hiển hiện trước mắt. Lý trí không cần phải tìm tòi suy tư đâu xa, vì đối tượng cho lý trí suy luận đã sẵn có đấy rồi. Linh hồn nhận thức rằng mình đã đáng đày xuống hoả ngục, nhưng hình phạt để phạt nó lại là nếu hưởng vinh quang. Nó ngây ngất chúc tụng Thiên Chúa như tôi đang hoan hưởng bây giờ đây. Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa, vì từ nấm bùn hôi thối như linh hồn con đây, Chúa đã rút ra một thứ nước trong sạch được dùng vào bàn ăn của Chúa! Ôi lạy Chúa, nguồn vui của các thiên thần, chúc tụng Chúa, như vậy là Chúa đã vui lòng nâng cao lên một con sâu hèn hạ như thế này!

3. Những ơn Chúa ban cho như vậy lưu lại trong linh hồn khá lâu. Bây giờ linh hồn nhận thức rõ hoa trái của bậc cầu nguyện này không dành cho riêng nó, nó có thể đem chia sẽ cho ngưởi khác mà vẫn không thiếu cho chính mình. Linh hồn bắt đầu tỏ ra, những dấu hiệu chứng tỏ mình là một linh hồn gìn giữ kho tàng của Thiên Đàng và ước mong chia sẽ kho tàng ấy cho tha nhân. Nó cầu xin Chúa đừng cho một mình nó hưởng thụ kho tàng phong phú ấy. Dường như vô ý thức và chẳng suy tính gì, linh hồn bắt đầu mưu ích cho tha nhân và họ cảm nhận được ân huệ này, vì các thứ hoa bây giờ ngào ngạt hương thơm thu hút người ta đến gần mình. Họ nhận thấy đây là người nhân đức, và vì nhận thấy những hoa trái đáng mong ước, họ hân hạnh trợ giúp để được thông phần với nó.

Nếu đất được đào xới sâu bởi gian nan thử thách, bách hại, phản trắc đau đớn, bệnh nạn (vì ít người có thể đạt tới bậc cao siêu như thế mà không qua những thử thách này) và nếu đất (là linh hồn) đã tan rã vì từ bỏ những sở thích riêng, thì nước sẽ ngấm rất sâu, khó mà khô lại nữa. Còn nếu chỉ là đất ở tình trạng chưa khai phá và đầy gai góc như tôi lúc ban đầu; nếu linh hồn vẫn chưa tránh các dịp tội, và không tỏ ra biết ơn sau khi đã lãnh nhận những ơn trọng đại như vậy, thì sẽ khô khan như trước. Nếu người làm vườn bất cẩn, thì nếu Chúa không hoàn toàn vì lòng nhân hậu mưa xuống cho một trận khác, thì có thể chắc là thửa vườn sẽ tới bước hoang tàn. Tình trạng này đã xảy ra cho tôi nhiều lần và thực sự là tôi rất ngạc nhiên về điều đó. Nếu đã không có kinh nghiệm bản thân thì tôi đã không thể tin được. Tôi nói lên sự kiện này để an ủi những linh hồn yếu đuối như tôi; để họ đừng bao giờ thất vọng và mất lòng cậy trông nơi lượng khoan dung hải hà của Thiên Chúa. Dù đã được Chúa nâng lên tới bậc cao siêu như thế mà còn sa ngã thì cũng đừng thất đảm nếu không mọi sự và thứ nước này thu hút được thứ nước khác (mưa xuống).

4. Dù tôi thế nào, thì đó cũng là một trong những lý do khích lệ tôi vâng phục các bề trên tôi viết lại điều này và tường thuật về cuộc đời khốn nạn của tôi, cũng như các hồng ân mà Chúa đã lại ban cho tôi, mặc dù tôi đã không phụng sự mà chỉ xúc phạm đến Người. Tôi ước ao, chớ chi tôi là một người có thế giá để thiên hạ tin lời của tôi, tôi khẩn xin Chúa ban cho tôi ơn này. Tôi xin nhắc lại rằng ai đã chuyên lo cầu nguyện thì đừng thất đảm và nói rằng: “Nếu cứ sa ngã mãi, thì tốt hơn là đừng tiếp tục cầu nguyện nữa”. Tôi nghĩ người như vậy mà bỏ hẳn cầu nguyện và cũng không lo tu sửa cuộc sống của mình thì nguy hiểm hơn là khi cứ cầu nguyện, vì cầu nguyện sẽ đem ánh sáng đến cho họ. Bỏ cầu nguyện là mưu mô ma quỉ dùng để làm hại tôi. Tôi đã đau khổ rất nhiều vì nghĩ rằng tôi thiếu khiêm tốn thì mới cứ tiếp tục cầu nguyện khi mà tôi quá hư thân và đã bỏ cầu nguyện một năm rưỡi – hay chắc chắn là một năm, còn sáu tháng kia tôi không nhớ rõ bỏ cầu nguyện không gì khác hơn là nhào xuống hoả ngục mà không cần phải có ma quỉ xô xuống. Ôi khốn thân tôi, tôi đã đui mù kinh khủng chừng nào! Khi thuyết phục được cho chúng ta bỏ cầu nguyện, ma quỉ đạt được mục đích của nó dễ dàng chừng nào! Kẻ lường gạt biết rằng nếu một linh hồn kiên trì cầu nguyện thì nó mất linh hồn đó, và những lần nó làm cho linh hồn sa ngã nhưng nhờ lòng nhân hậu của Thiên Chúa, chỉ trở thành sự trợ giúp linh hồn bước được những bước dài trong việc phục vụ Chúa. Vậy làm được cho người bỏ cầu nguyện ma quỉ sẽ có lợi hơn.

5. Thật là một cảnh tượng cảm động biết bao khi thấy một linh hồn đã tới bậc cao siêu này mà lại phạm tội và lòng Thương Xót Chúa lại giơ tay đỡ lấy và lại nâng nó dậy! Nó ý thức rõ về muôn kỳ công, lòng thương xót của Chúa và về tình trạng cùng khốn của riêng nó chừng nào! Lúc này nó thực sự tiêu hao đi vì xấu hổ bởi nhận thấy những kỳ công kiệt tác của (lòng nhân từ) Chúa. Nó không còn dám ngước mắt lên, nếu có ngước mặt lên thì cũng chỉ để nhận ra những ơn lành Chúa đã ban cho thôi. Nó tha thiết khẩn xin Đức Nữ Vương Thiên Đàng làm nguôi lòng Chúa cho nó. Nó khấn cầu cùng những vị thánh mà sau khi đã được Chúa kêu gọi, cũng còn sa ngã giống như nó, trợ giúp nó. Bây giờ nó cảm thấy rằng tất cả những gì Chúa đã ban cho nó đều thật rộng rãi mênh mông, vì nó biết mình không xứng, cũng chẳng xứng được trái đất nâng đỡ nữa. Nó đến lãnh nhận các bí tích và khi thấy Chúa đã đặt để vào các bí tích biết bao là hồng ân, thì một đức tin sống động bùng lên trong nó. Nó chúc tụng Chúa đã để lại những phương dược như thế để xoa dịu và chữa lành các vết thương của chúng ta, không phải chỉ chữa lành bên ngoài mà còn trừ diệt tận gốc các vết thương nữa. Nhận thấy thế, nó sững sờ kinh ngạc – lạy Chúa của hồn con, ai có thể không sững sờ kinh ngạc khi thấy Chúa lấy lòng thương xót vô biên và hồng ân vĩ đại bao la mà báo trả cho sự bội phản điên khùng và đáng kinh tởm như thế? Con, một kinh nghiệm bội nghĩa bất trung, con không biết làm sao tim con không tan vỡ ra khi con viết những hàng này.

6. Một ít nước mắt, hồng ân của Chúa, con chảy ra đây (nước mắt chảy ra từ một giòng ô nhơ) dường như cũng xoá đi được tất cả mọi hành động bội phản của con – sự dữ con đã cứ liên tục gây nên và biết bao lần con đã cố gắng để phá huỷ những hồng ân Chúa đã ban cho con. Lạy Chúa của con, con khấn xin Chúa làm cho những giọt nước mắt này được có kết quả. Xin hãy thanh tẩy giòng suối vẩn đục này để tránh cho người khác đừng vì con mà vương tội bình phẩm như chính con đã bình phẩm về người khác. Lạy Chúa, con thường ngẫm nghĩ không biết tại sao Chúa đã không biệt đãi những người rất thánh thiện, họ được sinh trưởng trong bầu không khí đạo hạnh họ luôn phục vụ và cực nhọc vì Chúa, họ là những tu sĩ chân chính chứ không như con chỉ có tên là tu sĩ. Con không thể thấy lý do tại sao Chúa đã không ban những đặc ân cho họ như Chúa đã ban cho con. Và rồi lạy Đấng Thiện Hảo của con, con đã thấy rõ rằng Chúa giữ lại để ban thưởng cho họ một lần cho tất cả. – Con yếu đuối thì cần phải có những ơn trợ giúp Chúa ban xuống cho con đấy; còn họ những người mạnh mẽ họ có thể phục vụ Chúa mà không cần phải có các ơn trợ giúp đó, và bởi vậy Chúa xử với họ như những tâm hồn dũng cảm và vô vị lợi.

7. Dẫu sao, lạy Chúa, Chúa biết con thường kêu lên Chúa và xin Chúa thứ tha cho những người đã lẩm bẩm phiền trách con vì con nghĩ họ rất có lý để lẩm bẩm như thế. Lạy Chúa, con đã cầu xin như thế sau khi lòng nhân hậu Chúa đã gìn giữ con khỏi xúc phạm nặng nề đến Chúa và khi con đã khước từ tất cả những gì con nghĩ là vì đó mà con có thể làm phiền lòng Chúa. Lạy Chúa, khi con đã thực hành như thế thì Chúa đã bắt đầu ban phát kho tàng của Chúa cho tôi tớ Chúa. Dường như Chúa đã chẳng chờ đợi gì khác hơn là đợi cho con bằng lòng và sẵn sàng tiếp nhận những hồng ân ấy. Bởi vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, không những Chúa đã ban các hồng ân cho con mà còn muốn cho nhiều người khác biết là Chúa đã ban các hồng ân ấy cho con nữa.

8. Khi vừa nhận biết Chúa đã ban cho con các hồng ân, là người ta liền nghĩ tốt về một người đã sống phóng túng, bất trung và có nhiều hành động bất chính đã hiện tỏ, thế mà mọi người cũng chẳng nhận ra. Rồi đột nhiên lại nổi lên những lời phiền trách, chống đối và con nghĩ như thế là rất hợp lý nên con chẳng oán hận một ai, mà còn cầu xin Chúa tôn trọng phạm vi chính đáng của họ. Họ nói rằng con làm bộ thánh thiện; rằng con đã bày đặt ra nhiều chuyện mới lạ, dầu trong nhiều điều con đã chẳng chu toàn được Luật Phép, cũng chẳng theo nổi sự đoan chính và thánh thiện của các nữ tu trong tu viện của con. Thực sự con nghĩ, sẽ chẳng bao giờ con theo kịp sự thánh thiện của các chị, nếu lòng nhân từ Chúa không nâng đỡ dìu dắt con. Con chỉ có cái tài phá tán tất cả những tập tục tốt và gieo vãi những thói quen xấu ấy, và con có dồi dào khả năng để làm điều xấu. Bởi vậy những người phiền trách con chẳng có lỗi gì. Con không chỉ có ý nói đến các nữ tu thôi, mà cả những người khác (ở ngoài nữa). Họ đã phơi bày ra ánh sáng những sự thật về con vì Chúa đã cho phép như vậy.

9. Có một lần, đang khi đọc thần vụ, con đã bận tâm đến cảnh trạng này mấy lần, thì đọc tới câu “Lạy Chúa, Ngài quả là chính trực, quyết định của Ngài thật công minh” (Tv 118,137), con bắt đầu suy nghĩ xem câu này thật như thế nào. Ma quỉ không bao giờ có thể cám dỗ được cho con hoài nghi rằng Chúa, lạy Chúa của con, Chúa không gồm đủ mọi sự tốt lành, hay hoài nghi các chân lý khác về Đức Tin. Thực sự đối với con, những chân lý này càng không có nền tảng tự nhiên, con càng tin mạnh mẽ và tâm tình đạo đức mà những chân lý ấy gợi lên trong con càng nồng nhiệt hơn. Vì Chúa quyền năng, nên con tin nhận tất cả những kỳ công Chúa đã thực hiện, và không bao giờ hoài nghi tí gì về phương diện đức tin cả. Khi con đang thắc mắc rằng, theo đức công minh của Chúa, làm sao Chúa không ban cho biết bao nữ tỳ trung tín của Chúa, như con đã nói, ân sủng và đặc ân mà Chúa đã ban cho con, một kẻ bất xứng như thế; thì lạy Chúa, Chúa đã trả lời cho con rằng: “Con hãy phục vụ Ta và đừng bận tâm về điều đó”. Đó là lời đầu tiên con đã được nghe Chúa nói với con và bởi đấy, lời ấy làm cho con rất sợ hãi. Sau này con sẽ giải thích cách thức nghe này và nhiều điểm khác nữa, nên con sẽ không nói gì ở đây nữa, kẻo lạc đề và con nghĩ giờ đây con cũng đã lạc đề khá xa rồi. Con khó biết được con nói những gì rồi. Nhưng cũng không thể làm cách khác. Cha phải chịu đựng cái tật lôi thôi này của con, vì khi con ngẫm nghĩ Chúa đã chịu đựng con thế nào và thấy rõ tình trạng hiện thời của con, thì con quên hết vấn đề đang nói và những gì còn phải nói. Ước gì Chúa cho tất cả những gì điên dại tôi nói đều mang tính chất (biết ơn) này, và chớ gì đừng bao giờ Chúa cho con có chút gì chống lại Người; bằng không thì tốt là Người hãy huỷ diệt con đi ngay lúc bấy giờ.

10. Việc Người tha thứ cho tội vong ân phụ bạc như sự vong ân phụ bạc của con không chỉ một lần mà nhiều lần như thế, đã đủ để minh chứng Lòng Xót Thương vô biên của Người. Người đã tha thứ cho Thánh Phêrô một lần. Còn con thì Người tha thứ luôn luôn. Ma quỉ đã có lý chính đáng để cám dỗ con. Nó bảo con đừng mong sống thân mật với Đấng mà con đã công khai chống đối như thế. Con đui mù biết bao! Lạy Chúa của con, con có thể tìm ra sự trợ giúp ở nơi đâu ngoài Chúa? Trốn xa ánh sáng để cứ vấp ngã hoài hoài thật điên dại chừng nào! Khi con không còn lợi dụng cột trụ và cây gậy làm nơi nương tựa khẩn thiết (là cầu nguyện) để khỏi sa ngã nặng nề, thì ma quỉ đã tìm thấy trong con một sự khiêm nhường kiêu ngạo chừng nào! Khi viết đây, con làm dấu Thánh giá vì con nghĩ chưa bao giờ con đã trải qua một cơn nguy hiểm trầm trọng như khi ma quỉ gieo vào trong trí con cái tư tưởng (sai lầm này) dưới chiêu bài khiêm nhượng. Nó gợi lên cho con rằng làm sao một người, sau khi được Chúa ban những đặc ân cao trọng như thế mà vẫn còn hư hèn như con, mà còn cầu nguyện để tới gần Thiên Chúa? Nó tiếp tục thuyết phục con rằng: cứ đọc kinh theo luật buộc như các nữ tu khác thì đã đủ. Đọc có thể cũng chưa chắc đã đọc cho nên, vậy mà còn muốn làm nhiều hơn nữa? Điều đó chứng tỏ con ít tôn trọng và thực sự là khinh thường các đặc ân của Thiên Chúa. Suy nghĩ và cố gắng nhận thức những điều ấy là rất phải; nhưng đem thực hành những suy tư ấy thật rất sai lầm. Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, Đấng đã cứu giúp con!

11. Con nghĩ ma quỉ cũng đã cám dỗ Giuđa theo kiểu ấy. Chỉ khác một điều là nó đã không dám cám dỗ con cách quá “trắng trợn” như thế. Nhưng lần lần nó đã đem con đến cùng cái hố diệt vong ấy. Vì mến Chúa, tôi xin tất cả những ai chuyên cầu nguyện hãy đề phòng cám dỗ này. Họ hãy biết rằng khi tôi bỏ cầu nguyện, tôi đã sống một cuộc sống bất hạnh nhất. Họ hãy xét xem ma quỉ đã cung cấp cho tôi thứ độc dược nào và đã gợi lên cho tôi thứ khiêm nhường giả dối chừng nào! Nó gây cho tôi nhiều bất an nội tâm, vậy làm sao linh hồn tôi có thể tìm được an nghỉ? Một tạo vật càng lìa xa chốn an nghỉ của mình thì càng khốn nạn. Tôi rất ý thức về những đặc ân và ân sủng Chúa đã ban cho tôi. Tôi cảm thấy những thú vui trên trần gian chỉ là một thứ ghê tởm. Tôi ngạc nhiên không biết làm sao tôi đã có thể chịu nổi tất cả như vậy. Phải có một niềm hy vọng mới có thể làm cho tôi chịu đựng được như thế. Vì như tôi có thể nhớ được (và phải là cách đây 21 năm) thì không bao giờ tôi bỏ ý định sẽ cầu nguyện trở lại. Tôi chỉ đợi cho tới khi tôi hoàn toàn sạch mọi tội lỗi thôi. Hỡi ôi! Sự chờ đợi này đã dẫn tôi càng lạc xa đường và đưa tới chỗ diệt vong. Ma quỉ đã khuyến khích tôi cứ chờ đợi như thế cho tới ngày Chung Thẩm, để bấy giờ nó có thể xô tôi xuống hoả ngục.

12. Nhưng nhờ cầu nguyện và đọc sách, và những phương thế này đã vạch cho tôi thấy các chân lý và mỗi ngày càng tỏ cho tôi thấy con đường tôi đang đi là rất nguy hại. Tôi đã thường khóc lóc khẩn nài Chúa thương tôi khốn nạn quá, nên tất cả những ơn Chúa đã ban, cũng chẳng đem lại được ích gì cho tôi. Khi tôi bỏ thực hành việc đạo đức này (tức là cầu nguyện), và lao mình vào các loại giải trí thì những cuộc giải trí này đẫn tôi đến muôn vàn dịp tội chứ chẳng giúp ích gì cho tôi – tôi còn dám nói rằng giải trí và bỏ cầu nguyện chỉ giúp tôi một điều duy nhất là sa ngã – vậy tôi có thể trông đợi gì ngoài số phận bị diệt vong? Bởi vậy tôi nghĩ người đã rất có công trước mặt Chúa là vị tu sĩ dòng Thánh Đaminh (Cha Phêrô Barrón), một người rất thông thái. Chính ngài đã thức tỉnh tôi khỏi giấc ngủ này. Tôi nghĩ tôi đã nói là chính ngài đã cho tôi rước lễ cứ hai tuần một lần, và giảm đi là không được. Nhờ thế, tôi đã bắt đầu nghĩ lại, nên dầu tôi đã không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng vì tôi không lạc đường, nên tôi cứ tiếp tục tiến lên. Trước còn ngã rồi chỗi dậy, sau tiến bước rất chậm. Vậy người không bao giờ ngừng bước và cứ tiến đều đều thì dù có chậm cũng sẽ tới đích. Lạc đường là chính việc bỏ cầu nguyện vậy. Nguyện xin Chúa, vì Danh Ngài, giải thoát chúng con khỏi hành động như vậy.

13. Nhân đấy, chúng ta thấy rõ ràng (và vì mến Chúa chúng ta phải ghi nhận rất cẩn thận) rằng dù một linh hồn có đạt tới chỗ được lãnh nhận những hồng ân trọng đại của Thiên Chúa qua cầu nguyện, thì cũng không được tin tưởng vào chính mình vì mình còn có thể sa ngã; cũng không được buông mình vào các dịp tội bất cứ cách nào và về bất cứ vấn đề gì. Phải ghi nhận điều này rất cẩn thận vì là điều tối quan trọng. Dù không thể nghi ngờ được là người ta lãnh nhận hồng ân từ Thiên Chúa; nhưng về sau ma quỉ vẫn có thể tìm hết cách để xoay trở chính hồng ân ấy nên mối nguy hại cho những ai không có nhân đức chắc chắn, không từ bỏ và không hy sinh. Vì những người như vậy, như tôi sẽ giải thích sau, không mạnh mẽ đủ để đương đầu với các dịp tội và những nguy hiểm khác, dù họ có ước muốn và quyết định chân thành đến đâu đi nữa. Đây là một học thuyết tuyệt hảo, và học thuyết này không phải là của tôi, nhưng là Thiên Chúa đã dạy dỗ tôi. Bởi vậy tôi muốn cho những người dốt nát như tôi hiểu biết điều đó. Dầu một linh hồn đã tới trình độ này cũng không được cậy vào sức mình mà xông vào trận chiến, họ chỉ hành động để tự vệ cũng đủ rồi. Để xông vào trận chiến thì cần phải có khí giới mới chống lại ma quỉ được. Thế mà linh hồn vẫn chưa mạnh đủ để tấn công và chà đạp chúng dưới chân như những linh hồn đã đạt tới tình trạng mà tôi sẽ trình bày sau này.

14. Đây là một thứ cạm bẫy ma quỉ dùng để bắt con mồi nó muốn. Khi một linh hồn thấy mình rất gần gũi Thiên Chúa và nhận thấy sự khác biệt giữa những điều tốt lành của thiên đàng, những điều thiện hảo của trái đất, và tình yêu nồng nàn âu yếm Chúa tỏ ra cho mình, thì tự nhiên phát sinh một tình yêu tin tưởng, chắc chắn rằng mình không còn lìa xa niềm hạnh phúc mình đang hưởng nữa. Dường như linh hồn được thấy rõ phần thưởng và nó tin rằng dù bây giờ, trong cuộc sống này, nó không thể đổi đôi chút ngọt ngào sung sướng như thế để lấy bất cứ cái gì thấp hèn và nhơ bẩn như những thú vui của trần gian. Vì có niềm tin tưởng này nên ma quỉ có thể làm cho linh hồn mất sự ngờ vực mà nó phải có đối với chính mình. Bởi thế, như tôi đã nói, linh hồn gieo mình vào nhiều dịp nguy hiểm và vì lòng nhiệt thành kích thích, đồng thời nghĩ rằng bây giờ chẳng cần phải sợ gì nữa. Nó bắt đầu phân phát không chừng mục những hoa trái của “vườn” mình. Hành động này không phải là con đẻ của kiêu ngạo, vì linh hồn hiểu biết rõ rằng tự mình, nó chẳng thể làm được gì. Đó là kết quả của một niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa nhưng lại bất cẩn. Linh hồn không ý thức rằng mình giống như con chim chưa mọc đủ lông đủ cánh để có thể bay ra khỏi tổ, và Thiên Chúa tung nó ra, nhưng nó vẫn chưa thể bay được, vì các nhân đức của nó chưa vững mạnh đủ và chưa có kinh nghiệm để nhận ra những nguy hiểm, cũng chẳng ý thức được những thiệt hại do tự tin gây nên.

15. Chính sự bất cẩn này đã gây nên đổ vỡ cho tôi. Vì lý do này và vì những lý do khác nữa mà cần phải có một vị hướng dẫn và những cuộc giao tiếp với các linh nhân. Tôi hoàn toàn xác tín rằng nếu một linh hồn được Chúa nâng tới trình độ này mà không từ bỏ Người hoàn toàn, thì Người sẽ không ngừng trợ giúp và cũng không để nó hư đi. Nhưng như tôi đã nói nếu linh hồn sa ngã thì hãy nhìn nhận tình trạng yếu hèn của mình. Vì mến Chúa, linh hồn hãy canh chừng – nếu không, ma quỉ sẽ dùng một thứ khiêm nhường giả mà lừa gạt làm cho linh hồn bỏ cầu nguyện, như nó đã lừa gạt tôi, như tôi đã nói và tôi vẫn muốn thường xuyên nhắc lại. Linh hồn hãy tin tưởng vào lượng từ bi của Thiên Chúa, lượng tự bi cao cả vượt trên mọi gian ác tội lỗi chúng ta có thể phạm. Với lòng khiêm tốn nhận biết mình, chúng ta muốn nối lại tình bạn thân mật với Người, thì Người chẳng còn nhớ tội vong ân, cũng chẳng còn nhớ rằng chúng ta đã lạm dụng các hồng ân Người đã ban cho chúng ta. Người rất hữu lý để phạt chúng ta vì những tội này, nhưng thực tế, Người đã tha thứ cho chúng ta cách dễ dàng, và như người ta nói, Người tha cách dễ dàng cho những người đã là phần tử trong gia đình Người, những người ăn cùng bàn với Người. Vậy họ hãy nhớ lời Người và hãy xét cách Người đã thực hiện cho tôi là kẻ đã mệt mỏi vì xúc phạm đến Người trước khi Người mệt mỏi tha thứ cho tôi. Người vui lòng ban phát mãi mãi và lòng Thương Xót của Người không bao giờ vơi cạn. Vậy chúng ta hãy ân cần lãnh nhận (lòng thương của Người). Nguyện Người được chúc tụng đến đời đời Amen, và chớ gì mọi tạo vật đều ngợi khen Người.

 (Còn tiếp)

- Trích trong tác phẩm “Tiểu Sử Tự Thuật Thánh Teresa thành Avila”


Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

Bậc cầu nguyện thứ tư

 


CHƯƠNG 18

Mẹ thánh bàn về bậc cầu nguyện thứ tư. Người khéo trình bày phẩm chức cao cả Chúa ban cho linh hồn trong bậc cầu nguyện này. Chương này khuyến khích mãnh liệt những ai chuyên cầu nguyện hãy cố gắng đi cho tới cùng thì họ sẽ đạt tới bậc cao vời nhất có thể đạt tới ở thế gian này, dầu không phải do công nghiệp của chúng ta mà chỉ bởi lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Hãy chăm chú đọc chương này, vì những vấn đề bàn đến ở đây thật cao siêu và hàm chứa những điểm rất quan trọng. 

***

Nguyện xin Chúa gợi cho con từ ngữ để con có thể diễn đạt đôi chút về thức nước thứ bốn này. Khi nói về thứ nước thứ ba, con đã rất cần phải có ơn Chúa giúp, con mới trình bày được; thì ở đây, con càng cần ơn Chúa nhiều hơn nữa. Vì ở trong cảnh trạng (bậc thứ ba), linh hồn làm vườn đều đảm trách một phần lao nhọc. Trong những cấp bậc về sau này, nỗi lao nhọc luôn được kèm theo sự vui mừng và an ủi đến nỗi linh hồn không bao giờ muốn trút hết nỗi lao nhọc đó đi. Người ta cảm thấy vất vả, nhưng không phải chỉ có vất vả, mà còn cảm thấy được niềm vui nữa. Trong bậc cầu nguyện sắp nói tới đây, không phải linh hồn chỉ cảm thấy mà là hoan hưởng thực sự, dù không hiểu điều mình đang hưởng. Linh hồn nhận thức mình đang hưởng đôi phần thiện hảo bao gồm hết mọi thiện hảo, nhưng không hiểu được sự thiện hảo này là gì. Tất cả các giác quan đều mất hút trong cuộc hoan hưởng này, nên chẳng còn giác quan nào tự do hay có thể hành động cách nào, cả nội tâm lẫn ngoại giới. Như tôi vừa nói (ở bậc thứ ba), chúng còn tỏ ra được một vài ám hiệu để chỉ niềm vui vĩ đại nó cảm thấy. Còn ở đây, người ta không còn thể dùng lối so sánh nào để diễn tả niềm vui của linh hồn, và càng không có thể diễn tả cách hữu hiệu hơn nhiều, vì thân xác không còn khả năng, linh hồn cũng không có sức lực nào để thông chuyển niềm vui sướng của mình. Trong lúc như vậy, tài năng là cản trở, là cực hình dữ dội và quấy rối sự an nghỉ của linh hồn mà thôi. Bởi vậy, tôi xin thêm rằng, nếu tất cả các tài năng đều ở trong tình trạng kết hợp, thì dầu muốn, linh hồn cũng không thể chuyển thông niềm vui (tôi có ý nói tới lúc cảm nghiệm thực thụ), vì nếu còn chuyển thông được, thì không phải là kết hợp nữa.

2. Con đường dẫn đến trạng thái chúng ta gọi là kết hợp và bản chất của nó là thế nào, thì tôi không làm sao giải thích được. Người ta đã trình bày cho khoa thần bí học, nhưng tôi không thể sử dụng đúng những từ ngữ ấy. Tôi không thể hiểu “trí khôn” có nghĩa là gì hay “linh hồn” khác với “tâm linh” như thế nào. Theo tôi thì dường như tất cả những danh xưng chỉ là một, dầu đôi khi linh hồn có ra khỏi chính mình như đôi khi đám lửa cháy rất mạnh thì bùng lên những ngọn lửa. Ngọn lửa này bốc lên rất cao bên trên đám lửa, nhưng không vì thế  mà nó khác với đám lửa, nó vẫn là ngọn lửa trong đám lửa. Với kho tàng kiến thức sâu rộng của các cha, các cha sẽ hiểu điều này, con không còn có thể nói hơn được nữa.

3. Điều mà tôi tìm cách giải thích là những gì linh hồn cảm được khi ở trong tình trạng kết hợp thần linh này. Kết hợp là gì để hẳn là ai cũng đã biết – là hai sự vật khác nhau trở nên một. Ôi, lạy Chúa của con, Chúa nhân hậu dường nào. Chúc tụng Chúa đời đời. Mọi tạo vật phải chúc tụng Chúa, lạy Thiên Chúa của con, Đấng đã yêu thương chúng con tha thiết đến nỗi chúng con có thể nói cách rất chí lý rằng Chúa đã kết hợp với các linh hồn ngay khi còn ở chốn lưu đày này: dầu họ là những linh hồn nhân đức thánh thiện đi nữa thì đó vẫn là do tấm lòng rộng lượng bao la phi thường của Chúa. Nói cho cùng thì lạy Chúa, điều đó chỉ có thể là do tấm lòng rộng lượng mênh mông xứng với Chúa, vì Chúa ban phát cho chúng con theo như bản tính của Chúa. Ôi Đấng quảng đại vô cùng, mọi công trình của Chúa lạ lùng biết bao! Ngay khi tâm trí con người không còn bị chi phối bởi sự vật trần gian, thì người ta liền bỡ ngỡ vì không thể hiểu được sự thật kỳ diệu như thế. Vậy Chúa có ban những hồng ân cao cả này cho những linh hồn đã xúc phạm nặng nề đến Chúa không? Thực sự tâm trí con nghẹn ngào, vì khi vừa nghĩ đến điều này, con không còn có thể nói được gì hơn nữa. Mà thực sự là nói gì nữa, nếu không phải là nhìn lại đàng sau? Con không biết làm sao để có thể cảm tạ Chúa về những hồng ân trọng đại Chúa đã ban cho con! Đôi khi để giảm bớt nỗi khổ, con chỉ có cách là thốt ra những lời điên dại.

4. Khi tôi vừa lãnh nhận những hồng ân do lòng Thương xót Chúa ban, hay khi Chúa mới bắt đầu ban các ơn ấy xuống cho tôi (còn trong lúc thực sự lãnh nhận những ơn ấy, như tôi đã nói, thì không có thể làm gì được cả) tôi thường kêu lên: “Lạy Chúa, xin hãy ý tứ trong việc Chúa đang làm; xin đừng quá vội quên những hành động gian ác nặng nề của con. Dù Chúa phải quên đi để tha thứ cho con, thì con cũng khấn xin Chúa nhớ đến chúng để hạn chế những hồng ân của Chúa lại. Ôi lạy Đấng Tạo thành của con, xin đừng tuôn đổ của châu báu như vậy vào một cái bình vỡ, vì Chúa đã thấy biết bao lần con đã để cho nó chảy phí mất đi rồi. Xin đừng để một kho tàng phong phú như vậy vào một trái tim chưa hãm dẹp hết những thèm khát dễ dãi tiện nghi của cuộc sống này, nếu không, nó sẽ phá tan kho tàng ấy. Làm sao Chúa có thể uỷ thác một đô thị được trang bị kiên cố và trao cả chìa khoá các pháo đài của đô thị này cho một viên đô trưởng quá hèn nhát đến nỗi vừa bị tấn công là ông đã để cho quân địch tràn vào? Lạy Hoàng đế vĩnh cửu, xin đừng để cho tình yêu thái quá của Chúa phải thiệt mất những của châu báu như vậy. Lạy Chúa của con, dường như người ta có cớ để khinh thường những hồng ân ấy, nếu Chúa ban những ơn ấy cho một tạo vật khốn nạn, đốn mạt, yếu đuối, cùng khốn và thấp hèn đến như con, thì dù với ơn Chúa giúp, con có cố gắng để khỏi làm mất các ơn ấy, thì rồi cũng chẳng biết lợi dụng để làm ích được cho ai. Rồi con lại là một phụ nữ và cũng chẳng được là một phụ nữ đức hạnh, nhưng là một kẻ hư hỏng! “Khi gieo các tài năng vào trong thửa đất cằn cỗi như thế này thì dường như không phải chỉ là che giấu mà chôn vùi đi vậy. Lạy Chúa, Ý Chúa lại không phải là thực hiện những kỳ công và ban những hồng ân vĩ đại như vậy cho linh hồn khác nữa sao? Lạy Thiên Chúa của con, Chúa biết rằng, với tất cả tâm hồn và ý chí, con tha thiết cầu khẩn và con vẫn thường cầu khẩn Chúa thực hiện điều này và coi đó là một hồng ân, là cất khỏi con hồng ân trọng đại nhất con có thể có được ở trần gian này và ban hồng ân của chúa cho người nào biết tận dụng để làm tăng thêm vinh quang Chúa hơn con”.

5. Đã nhiều lần tôi thốt lên lời nguyện này và những lời khác giống như vậy. Rồi sau đó tôi nhận ra sự điên dại và thiếu khiêm tốn của tôi; vì Chúa biết rõ điều gì thích hợp cho tôi và linh hồn tôi không có khả năng nào để đạt tới phần rỗi nếu Chúa không ban cho những hồng ân cao cả này.

6. Tôi cũng còn muốn nói đến các ân sủng và các hậu quả (ơn kết hợp này) để lại trong tâm hồn và về những gì linh hồn có thể làm được để đạt tới cảnh trạng cao cả tuyệt vời này.

7. Sự siêu thăng tâm trí hay kết hợp thường xảy đến cùng với tình yêu Thiên Chúa; nhưng như tôi hiểu, chính sự kết hợp là một cái gì khác với sự siêu thăng diễn ra trong lúc kết hợp này. Ai không có kinh nghiệm về sự kết hợp sẽ cho là không phải như vậy; nhưng theo tôi, cho dù cả hai sự việc là một đi nữa thì Chúa vẫn hành động cách khác nhau trong mỗi sự kiện ấy, nên trong biến cố phóng tâm, linh hồn thoát khỏi tạo vật mau lẹ hơn nhiều. Đối với tôi, rõ ràng đây là một đặc ân, dầu vậy, tôi xin nhắc lại, cả hai sự việc có thể hay có vẻ chỉ là một. Đám lửa nhỏ cũng vẫn là lửa như đám lửa lớn, tuy vẫn có sự khác biệt tỏ tường giữa hai đám lửa. Trong đám lửa nhỏ, một miếng sắt cần một thời gian lâu hơn mới biến đổi bản chất; còn nếu là đám lửa lớn, thì dầu miếng sắt có lớn mấy, bản chất cũng được biến đổi rất mau. Tôi nghĩ hai loại hồng ân Chúa ban cho đây cũng giống như vậy. Tôi biết, ai đã đạt tới chỗ xuất thần sẽ thấu hiểu điều ấy, còn ai không có kinh nghiệm, thì có thể lấy làm tức cười, vì một người như tôi, lại nói đến những chuyện cao siêu như vậy, lại còn cố gắng giải thích vấn đề không thể diễn tả bằng lời được, dầu chỉ mới nói lên là đã rất tức cười rồi.

8. Nhưng tôi tin rằng Chúa sẽ giúp tôi trong việc này, bởi vì Chúa biết, sau lý do thi hành theo lệnh truyền, thì mục đích duy nhất của tôi là gợi cho các linh hồn thèm khát một hồng ân cao siêu như thế. Tôi sẽ không nói gì mà chính tôi đã không có kinh nghiệm lâu dài. Sự thật là, khi tôi bắt đầu viết về thứ nước thứ bốn, thì đối với tôi, dường như nói về cái gì còn khó thực hiện hơn là nói tiếng Hy Lạp nữa – và thực sự đó là vấn đề khó nhất. Bởi vậy tôi để công việc qua một bên và đi rước lễ. Chúc tụng Chúa, Đấng trợ giúp những người dốt nát. Ôi nhân đức vâng lời, ngươi có thể làm được mọi sự đường Thiên Chúa đã soi sáng trí khôn tôi, khi thì gợi cho tôi những từ ngữ, lúc lại tỏ cho tôi biết phải sử dụng những từ ngữ ấy như thế nào, vì khi bàn về bậc cầu nguyện cuối cùng này, dường như Chúa muốn nói cái điều tôi không thể nói cũng không biết diễn tả làm sao. Điều tôi nói đây là sự thật đích thực; bởi vậy, nếu tôi nói được điều gì hay, thì giáo huấn là tự Người mà đến, còn điều gì dở, tất nhiên là phát xuất từ biển thẳm xấu xa – là chính tôi. Tôi nói như vậy để nếu có những ai (chắc là phải có nhiều) đã có kinh nghiệm trong bậc cầu nguyện mà Chúa đã ban cho người đàn bà khốn nạn này, mà họ nghĩ mình đã lạc đường và muốn bàn luận những vấn đề này với tôi, thì hẳn Chúa sẽ trợ giúp tôi tớ của Người trình bày chân lý của Người.

9. Bây giờ tôi nói đến trận mưa từ trời xuống làm nước ngập ứ cả đám vườn, chúng ta có thể thấy người làm vườn được nghỉ ngơi thật là an nhàn dường nào nếu mỗi khi cần thiết Chúa lại không ngừng đổ mưa xuống. Và nếu không có mùa đông, mà chỉ có thời tiết luôn mãi ấm áp, thì sẽ không bao giờ thiếu các thứ hoa trái và chúng ta có thể tưởng tượng được người làm vườn sung sướng dường nào. Nhưng bao lâu còn sống trong cuộc sống này, thì không có thể được như thế, và khi thiếu nước, chúng ta phải luôn nghĩ đến việc xin cho được thứ nước khác. Trận mưa từ thiên đàng này thường đổ xuống khi người làm vườn ít mong đợi hơn hết. Thật ra, vào những buổi đầu, hầu như luôn luôn là mưa rơi sau thời gian tâm nguyện lâu dài, nhưng bậc cầu nguyện này thì tiếp theo một bậc cầu nguyện khác, Chúa đã thấy con chim bé nhỏ bay suốt thời gian lâu dài (tức là) trí khôn, ý chí đã dốc hết sức lực ra để cố gắng tìm kiếm và làm hài lòng Thiên Chúa, nó trở nên thú vui cho Người, Người muốn ban thưởng cho nó ngay từ trong cuộc sống này, Người đỡ lấy con chim và đặt nó vào tổ cho nó nghỉ ngơi. Phần thưởng cao quí biết bao! Chỉ trong giây lát đã đủ để đền bù cho mọi gian nan thử thách linh hồn đã có thể chịu đựng được.

10. Trong khi tìm kiếm Thiên Chúa như thế, linh hồn nhận thấy rằng nó hầu như ngất đi hoàn toàn một thứ ngây ngất vì niềm hoan hỉ ngọt ngào bao la quá sức. Cơn ngất xỉu ấy làm ngưng thở lần lần và sức lực toàn thân cũng mất đi; đương sự không thể dù chỉ là cử động đôi tay thôi mà không phải đau đớn dữ dội; đôi mắt bất thần nhắm lại hay nếu có mở, cũng khó mà trông thấy cái gì. Người ở trong tình trạng này có cố gắng đọc cũng không thể đọc lên được dù chỉ một chữ; có cố gắng hết sức mới có thể nhận ra chữ thôi. Họ thấy có chữ đấy, nhưng vì lý trí không còn giúp được gì nên dù muốn, người ấy cũng không thể đọc được. Người ấy có nghe, nhưng không thể hiểu điều mình nghe thấy. Người ấy không thể hiểu được gì nhờ giác quan nữa, giác quan chỉ làm cản trở niềm hoan lạc của linh hồn và như vậy giác quan làm hại hơn là trợ giúp. Người ấy có cố gắng nói cũng vô ích (vì) trí khôn không thể nghĩ ra được lấy một lời, hay có nghĩ ra được thì cũng không có sức mà thốt ra thành tiếng. Vì trong cảnh trạng này, tất cả sức mạnh bên ngoài đều tiêu tán, trong khi ấy sức mạnh của linh hồn lại gia tăng để linh hồn có khả năng thụ hưởng hoan lạc của mình cách thoả thích hơn. Niềm vui người ta cảm thấy bên ngoài cũng vĩ đại và hầu như người ta nhận thấy được cách rõ ràng.

11. Dầu thời gian cầu nguyện này có lâu đến thế nào đi nữa cũng không gây nên thiệt hại nào; ít ra nó đã không bao giờ gây thiệt hại nào cho tôi, tôi cũng không nhớ có bao giờ tôi cảm thấy khó chịu sau khi Chúa đã ban cho hồng ân này hay không, dầu bấy giờ tôi rất đau yếu. Trái lại, nhờ đó, tôi cảm thấy lần lần khoẻ mạnh hơn. Một hồng ân trọng đại như thế làm sao lại gây thiệt hại? Những hậu quả (bên ngoài) của hồng ân này thì thấy rất rõ, đến nỗi (người ta) không thể nghi ngờ được là có điều trọng đại đã diễn ra; chúng ta cảm thấy mất sức mạnh; nhưng được cảm nghiệm một niềm hoan lạc như thế nên sau đó sức khoẻ của chúng ta tăng thêm hơn nhiều.

12. Thật ra, vào những buổi đầu, hồng ân này chỉ diễn ra trong khoảnh khắc – ít ra là đã xảy ra với tôi như thế – vì đó mau qua nên không thể thấy được qua những dấu hiệu bên ngoài hay bởi các giác quan mất cảm giác; nhưng những ân huệ dư tràn Chúa đã ban cho linh hồn, chứng tỏ rõ ràng là vầng thái dương chói lọi đã chiếu soi vào linh hồn và bởi vậy đã làm cho linh hồn biến đổi. Và theo tôi, phải nhận xét xem cái khoảng thời gian mà các tài năng qua linh hồn mất khả năng hoạt động là bao lâu. Có lâu đến đâu thì cũng rất ngắn; nếu lâu đến nửa giờ thì đã lâu rồi – tôi không biết có bao giờ thời gian ấy kéo dài như thế đối với tôi không. Vì linh hồn đã ra bất tỉnh, nên thực sự rất khó mà ước chừng cho đúng khoảng thời gian ấy được, bởi vậy tôi chỉ muốn nói rằng thời gian mà tất cả các tài năng đều mất khả năng hoạt động thì không quá lâu. Chính ý chí được tiếp xúc với Thiên Chúa, nhưng hai tài năng kia lập tức đến quấy rầy; nhưng ý chí cứ thản nhiên, nên hai tài năng cũng lại thiếp đi một lần nữa. Rốt cùng, sau một thời gian tê liệt, chúng trở lại hoạt động như trước.

13. Có thể là tất cả những biến trạng này diễn ra trong suốt thời gian cầu nguyện, và thời gian ấy có thể kéo dài đến vài giờ; vì một khi hai tài năng đã bắt đầu say sưa vì nếm thứ rượu thần linh này, chúng rất sẵn sàng chịu mất chính mình để được lợi nhiều hơn, và bởi vậy, chúng kết chặt với ý chí và cả ba cùng vui hưởng. Nhưng như tôi đã nói, cái khoảng thời gian chúng hoàn toàn bất giác và không còn khả năng tưởng tượng ra gì nữa (vì tôi nghĩ trí tưởng tượng cũng hoàn toàn mất khả năng tưởng tượng) thì rất ngắn – khi các tài năng chưa hồi tỉnh hoàn toàn như mấy giờ trước khi bị xáo động, thì thỉnh thoảng Thiên Chúa thu hút chúng về với Người một lần nữa.

14. Bây giờ chúng ta bàn đến phần thâm sâu nhất của ơn mà linh hồn cảm nghiệm được trong biến cố này. Những người phải nói là những người biết rõ về vấn đề mình nói, vì không thể hiểu thì lại càng không thể diễn tả ra được. Khi tôi sắp viết về điều này (là lúc tôi vừa mới rước lễ và tôi được cảm nghiệm chính điều tôi đang bàn đến đây) tôi tự hỏi linh hồn làm gì trong suốt thời gian ấy, thì Chúa phán cùng tôi những lời này: “Con ạ, nó hoàn toàn chết cho chính mình, để có thể mỗi lúc càng chìm sâu vào trong Ta; không còn phải là nó sống, nhưng là Ta, vì nó không thể am tường được điều nó biết, (vì) chính lý trí chẳng hiểu được gì”. Ai đã có kinh nghiệm về hồng ân này sẽ hiểu được đôi chút, không thể diễn tả rõ ràng hơn được, vì không ngôn ngữ nào có thể diễn tả những gì diễn ra trong tình trạng ấy. Tôi chỉ có thể nói rằng linh hồn cảm thấy được ở trong Thiên Chúa và không thể hoài nghi điều đó, nên nó không thể làm gì hơn là tin. Tất cả các tài năng bấy giờ suy nhược và mất khả năng hoạt động đến nỗi, như tôi đã nói, không còn thể tin là chúng còn sống động hay không. Nếu linh hồn đang suy niệm về một vấn đề nào đó, thì vấn đề này tan biến khỏi trí nhớ, dường như đã chẳng bao giờ nghĩ đến vấn đề ấy cả. Nếu là đang đọc, thì chẳng thể tập trung tư tưởng, hay nhớ được điều mình đang đọc, và nếu đang cầu nguyện thì cũng thế thôi. Chính vì thế, con bướm nhỏ bất ổn này – tức là trí nhớ – bây giờ thiếu đôi cánh đi và không còn thể bay được. Ý chí phải được hoàn toàn chìm ngập trong yêu mến, nhưng lại không thể hiểu mình yêu mến thế nào; nếu lý trí có hiểu cũng không hiểu được mình yêu mến thế nào; nếu lý trí có hiểu cũng không hiểu được mình hiểu cách nào, hay ít ra chẳng hiểu cái gì. Theo tôi, thì dường như chẳng phải là hiểu biết nữa, vì tôi xin nhắc lại, linh hồn chẳng hiểu được cả chính mình. Chính tôi cũng chẳng thể hiểu được điều tôi nói.

15. Có một điều mà mới đầu tôi không biết, đó là tôi không biết rằng Chúa hiện diện trong mọi sự, và khi tôi thấy là dường như Người hiện diện thực sự (trong mọi sự) tôi nghĩ là điều đó không thể được. (Nhưng) tôi không thể không tin được rằng Người hiện diện ở đó, dường như rất chắc chắn là tôi đã nhận ra chính sự hiện diện của Người (ở đó). Những người không thông thạo đã bảo tôi rằng Chúa chỉ hiện diện trong các tạo vật bởi ân sủng thôi, và bởi vậy chúng con cứ phải khắc khoải mãi cho tới khi một cha thông thái Dòng Thánh Đaminh đã làm tiêu tan sự hoài nghi của tôi. Ngài bảo tôi rằng Chúa hiện diện thực sự (trong mọi tạo vật) và ngài trình bày cách thức Chúa dùng để thông ban chính mình Người cho chúng ta; điều đó làm tôi rất được an ủi. Phải ghi nhận và hiểu biết rằng thứ nước từ trời, hồng ân cao trọng nhất này của Thiên Chúa để lại trong linh hồn những ơn trọng đại nhất, như tôi sẽ giải thích bây giờ.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm “Tiểu Sử Tự Thuật Thánh Teresa thành Avila”