Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2008

Sống Vâng Phục

VÂNG PHỤC LÀ HIẾN DÂNG NGAY TỪ Ý NGHĨ NHỎ NHẶT NHẤT CỦA MÌNH


Những người đi tu có ba lời nguyện thề với Chúa. Một trong ba lời đó là lời khấn vâng phục.

Tôi không đi tu, vậy tôi có phải sống vâng phục không? Xin thưa rằng có chứ! Bởi vì tất cả mọi Ki-tô hữu khi nguyện kinh Lạy Cha đều đọc rằng: “Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện (...) ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Nguyện cho ý Chúa được thể hiện trong trời đất, mà trước tiên là thể hiện ngay chính trong cuộc đời mình, tức là nguyện sống vâng phục thánh ý Chúa rồi chứ còn gì nữa? Thế nhưng, tôi không có luật dòng, không có nội quy, không có bề trên… thì làm sao mà sống vâng phục?

Thường thì tôi sống vâng phục bằng cách tuân theo lời chỉ bảo hướng dẫn của các vị có thẩm quyền trong đạo, mà cụ thể là các linh mục quản xứ, hoặc theo các chỉ thị của Hội thánh, hoặc theo những gợi ý mà Chúa gởi đến cho tôi qua ý kiến của một trung gian nhân loại nào đó…

Tuy nhiên, trong cuộc đời, không phải bất cứ lúc nào tôi cũng nhận được những “mặc khải” như thế để biết mà vâng theo ý Chúa. Đa số những giây phút của cuộc đời tôi diễn ra trong bình thường và thầm lặng. Bình thường và thầm lặng giữa chỉ một mình tôi với tôi (dĩ nhiên là Thiên Chúa đang hiện diện với tôi trong tất cả mọi giây phút, nhưng sự hiện diện ấy chỉ được hiểu một cách mặc nhiên thôi, chỉ khi có những biến cố rõ ràng nào đó thì tôi mới nhận ra sự hiện diện ấy một cách minh nhiên).

Chỉ có mình tôi với tôi. Vậy thì tôi phải sống vâng phục như thế nào? Tôi có cần vâng phục không? và vâng phục ai? Chẳng lẽ tôi lại đi vâng phục chính tôi?

Để giải đáp cho các câu tự vấn trên, câu trả lời thực tế nhất có lẽ là : “Những lúc chỉ còn mình tôi với tôi mà thôi thì sống vâng phục chính là hiến dâng ngay từ ý nghĩ nhỏ nhặt nhất của mình.”

Thông thường thì những lúc người ta không hành động, không nói năng theo sở thích thì họ quay sang suy nghĩ theo sở thích của mình. Suy nghĩ theo sở thích có lẽ là quyền hạn và cũng là niềm vui cuối cùng mà một con người có thể có được một cách hoàn toàn tự do, không bị lệ thuộc vào bất cứ một điều kiện hay một ràng buộc nào về mặt khách quan. Suy nghĩ theo sở thích cũng là phương thế sáng tạo độc lập mà con người dùng để tự thể hiện chính mình như Pascal đã nói : “Je pense, donc je suis – Tôi suy tư, vậy thì tôi hiện hữu.”

Mỗi một khi tôi suy nghĩ theo sở thích của mình là tôi đã tự thể hiện chính tôi theo sở thích của tôi. Vượt ra ngoài việc Thiên Chúa sáng tạo nên tôi, khi suy nghĩ theo sở thích, tôi “sáng tạo” nên mình theo khuôn mẫu do mình đặt ra. Và một khi làm cho mình trở thành “thiên chúa” của chính mình như thế, hỏi rằng tôi còn vâng phục Thiên Chúa nữa không?

Vâng phục Thiên Chúa là đặt mình hoàn toàn dưới sự sáng tạo của Ngài: Thiên Chúa muốn sao thì tôi cũng muốn như vậy. Và để có thể muốn theo ý Thiên Chúa thì trước tiên tôi phải tập để không còn muốn theo ý mình nữa. Và muốn tập như thế thì trước tiên tôi phải tập hiến dâng ngay từ ý nghĩ nhỏ nhặt nhất của mình. Kể từ nay, ngay từ trong ý nghĩ nhỏ nhặt nhất, tôi sẽ không suy nghĩ theo sở thích của mỉnh nữa. Để tập sẵn sàng và quảng đại hiến dâng, thì điều gì làm cho tôi thích thú trong khi suy nghĩ, tôi sẽ suy nghĩ ngược lại với điều ấy. Chắc chắn là trong khi suy nghĩ ngược lại như thế, ít ra là tôi đã không theo ý riêng của mình.

Để có thể thưa: “Lạy Chúa, này con xin đến để thi hành ý Chúa”, tôi phải tập nói với chính mình: “Này tôi ơi, từ nay ta sẽ không suy nghĩ theo sở thích của mình nữa !”

● Lạy Chúa, xin giúp con can đảm hiến dâng từ ý nghĩ nhỏ nhặt nhất của con. Amen ./.

0 nhận xét: