Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

Bàn Về Tên Gọi Tám Quẻ Cơ Bản Của Kinh Dịch

Ngày nay việc tìm về nguồn gốc Kinh Dịch đối với các nhà Dịch Học Trung Quốc vẫn là nỗi khắc khoải khôn nguôi. Họ không còn tin vào huyền thoại Phục Hy.Họ muốn có câu trả lời từ chính những chứng cứ khoa học,nhưng chẳng có đáp án nào thoả mãn được họ.Phùng Hữu Lan cho rằng đời Thương chưa có chứng cứ về Dịch.Diệp Phước Tường nói rằng trong sách Thượng Thư,thiên Thương Thư không nói đến Dịch,thiên Hồng phạm có ghi Cơ tử truyền Hồng phạm cữu trù cho Võ Vương, Cơ tử tinh thông ngũ hành sao lại không đá động đến Dịch,lại nữa Giáp cốt văn không có chữ quái vậy là đời Thương không có Dịch,việc Văn Vương soạn Dịch không đáng tin.(Chu Dịch tư tưởng tổng hợp phân tích) Trương Chính Lãng dựa vào Giáp cốt văn cho rằng các loại quẻ chữ số là tiền thân của quẻ Dịch,nhưng quẻ Dịch chỉ hạn định trong 64 quẻ còn quẻ chữ số có đến hàng trăm quẻ,hai cơ chế khác nhau,không thể có chuyện hôn nhân cưỡng bức.Cố Hiệt Cương cho rằng Dịch có nguồn gốc từ những chiêm từ của bọn vu thuật,nhưng quái từ và hào từ của Kinh Dịch lại được căn cứ vào chính quái tượng để viết ra,không thể gán ghép gượng ép được.

Càng muốn biết rõ cội nguồn Kinh Dịch mà lại giữ nguyên huyền thoại Kinh Dịch là sáng tạo của người Hoa họ sẽ mãi mãi lâm vào thế “đê dương xúc phiên,bát năng thoái,bất năng toại”(quẻ Đại Tráng). Đúng như Vương Ngọc Đức trong sách Bí Ẩn của Bát Quái nhận định “Nếu vẫn theo phương thức tư duy của các học giả thời xưa,thì hai ngàn năm nữa cũng chưa làm rõ được vấn đề” (tr 27).

Gần đây,Hoàng Ý Lục,một người Trung Quốc thuộc dân tộc Tráng (ta gọi là dân tộc Choang), ở Vân Nam đã gây chấn động trước học giới Trung Quốc khi trưng ra nhiều chứng cứ cho rằng Kinh Dịch có nguồn gốc từ dân tộc Tráng, ông cho rằng Kê quái của người Tráng là tiền thân của Dịch quái,quái danh được gọi theo ngôn ngữ Tráng tộc chứ không phải theo ngôn ngữ Trung Hoa.Hoàng Ý Lục viết:” “bát quái đích quái danh thị Hán tự đãn bất thị Hán tự ý tứ”(quái danh của bát quái viết theo dạng chữ Hán nhưng ý tứ không theo chữ Hán) (1).Ông nói rõ tên tám quẻ đó do người Trung Quốc dùng chữ Hán ký âm ngôn ngữ của dân tộc thiểu số,dân tộc Bách Việt còn gọi là Tiên Việt (dụng Hán tự ký âm đích thiểu số dân tộc ngữ ngôn) (2).

Người Tráng là dân tộc thiểu số có số dân rất đông ở Trung Quốc,hiện cư trú tại các vùng Vân Nam,Quảng Tây,Quảng Đông,Quý Châu.Tổ tiên họ thường xưng là Âu Việt,Lạc Việt.Họ cũng là người Tày,người Nùng ở Việt Nam.

Phần đóng góp của Hoàng Ý Lục có tính đột phá đối với Dịch giới Trung Quốc,mở ra một lối tư duy mới không theo lối mòn. Đây cũng là những chỉ dấu quan trọng làm sáng tỏ con đường trở về với đất mẹ Việt Nam của Kinh Dịch.Từ 5000 năm trước Tráng tộc là một trong những chi lưu Bách Việt đã đưa Kinh Dịch hội nhập vào thế giới người Hoa,ngày nay cũng chính họ sẽ lại là người dẫn đường cho cuộc hành trình trở về nơi chôn nhau cắt rốn của Kinh Dịch.

Tổ tiên Việt Nam gọi Kinh Dịch là Kinh Diệc,một loài chim nước giống Cò, điều này thấy được trên trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ.Diệc cùng âm với Dịch,người Hoa bèn gọi là Kinh Dịch và chuyển đổi hình ảnh con Diệc thành con Tích Dịch.

Kinh Dịch là Lạc thư của người Việt (Lạc Việt-Việt Nam) .Lạc Thư chính là Diệc Thư.Khi nghiên cứu Sơn Hải Kinh,Hoàng Ý Lục phát hiện “ Chữ Dịch của Kinh Dịch ,bản thân chính là hình tượng của ‘phi điểu” (chim bay),Dân tộc Tráng,dân tộc Bố Y hậu duệ của dân tộc Tiên Việt gọi điểu là Lạc.Lạc thư cũng chính là Điểu thư.(Dịch Kinh chi Dịch,bổn thân tựu thị phi điểu đích hình tượng”..”do vu Tiên Việt chi dân đích hậu duệ Tráng,Bố Y đẳng dân tộc bả điểu khiếu tố Lạc (洛 hay 骆)…cố Lạc thư dã tựu thị điểu thư) (2).Không phải Tích Dịch là loài chim mà Diệc mới chính là loài chim.Trong suốt thời các vương triều dân ta vẫn gọi Kinh Dịch là Kinh Diệc,Tự điển của Pierre Pigneaux de Béhaine ,thế kỷ XVIII,chỉ ghi Kinh Diệc,không ghi Kinh Dịch.

Kinh Dịch là sản phẩm của phương Nam (nơi sản sinh lúa nước) chứ không phải là phương Bắc(nơi chỉ chuyên trồng kê).

Các nhà khảo cổ Việt Nam đã khai quật được hai cái nồi gốm tại di chỉ Xóm Rền thuộc nền văn hoá khảo cổ Phùng Nguyên,mỗi nồi có khắc ghi một quẻ Dịch (4 vạch/vành, đọc theo phép hổ thể) (3).Hình thái này sẽ được văn hoá Đông Sơn bảo lưu và chuyển dịch thành quẻ 6 vạch/vành rõ nét hơn. Điều này chứng tỏ dấu tích Kinh Dịch có tại Việt nam sớm hơn Trung Quốc,vậy là cách đây khoảng 5000 năm tổ tiên ta đã phát minh ra Kinh Dịch,về sau mới được truyền sang Trung Quốc (trung gian là Bách Việt Hoa Nam).

Ngày nay tại Trung Quốc việc nghiên cứu,tìm hiểu, ứng dụng Kinh Dịch càng ngày càng tăng tốc như vũ bão.Nhiều trường Đại Học Trung Quốc đều có dạy Kinh Dịch và có sở nghiên cứu Kinh Dịch.Trong khi đó tại nước ta việc nghiên cứu Kinh Dịch đã không được chú trọng đúng tầm mức. Đáng tiếc là chúng ta không ý thức được Kinh Dịch là quốc bảo nên quá thờ ơ với tâm huyết của tổ tiên.

Trung Hoa cho rằng Dịch là con Tích dịch thường hay biến đổi màu sắc tượng trưng cho sự biến dịch,nghĩa này cũng tương tự như nghĩa Dịch gồm hai chữ nhật và nguyệt, đều là nghĩa thứ phát mang màu sắc triết lý,chỉ là suy diễn sau khi Dịch /Diệc đã thành hình và phát triển.Theo Cao Hanh trong Chu Dịch cổ kinh kim chú Dịch cùng âm với hịch (vu hịch) là chức quan coi bói nên sách của họ cũng gọi là hịch (như sách của Sử quan gọi là Sử).Hịch chuyển thành Dịch,các sách bói đều gọi là Dịch như Liên Sơn Dịch,Quy tàng Dịch,Chu Dịch.

Vậy là sách Hịch chuyển thành Dịch,sách Diệc cũng chuyển thành Dịch.Hai sách của hai dân tộc khác nhau, được đồng hoá vào cùng một từ,cuộc sáp nhập trùng khớp thật là nhẹ nhàng , êm ái.

Vào thời kỳ mà người Trung Hoa chưa tìm thấy bản vẽ các quẻ trong Kinh Dịch thì tổ tiên ta đã khắc đầy đủ các quẻ Dịch trên đồ gốm Phùng Nguyên và đồ đồng Đông Sơn với hình tượng rất rõ ràng,tiến lên bậc cao hơn họ còn có thể trang trí những quẻ Dịch đó với nhiều hoạ tiết phong phú. Điều đó nói lên rằng họ đã quá nhuần nhuyển với quẻ Dịch để có thể biến hoá ra thiên hình vạn trạng.

Kinh Dịch được hình thành bởi hai hào âm dương,có thể nói không có hào âm hào dương,biểu thị cho hai năng lực đối lập trong vũ trụ, thì không thể tạo ra Kinh Dịch.Trong các bản kinh Dịch phổ thông ta thấy hào âm được biểu thị bằng vạch đứt,hào dương được biểu thị bằng vạch liền. Hào âm vạch đứt không phải là dạng nguyên thuỷ mà đã được người Hoa cải biến,thật ra trên trống đồng hào âm được khắc là hào có nhiều chấm …..,hoặc là vành trắng nằm giữa hai đường song song, không có hoa văn trang trí.Hào dương nguyên thuỷ do tổ tiên ta sáng chế là hào có vạch liền hoặc là hào nằm giữa hai đường song song và có hoa văn trang trí(4).Quách Mạt Nhược cho rằng hào Dương lấy từ hình tượng sinh dục nam,hào âm là hình tượng sinh dục nữ.Thật ra hào dương được tổ tiên ta lấy từ hình tượng ngọn giáo,cây gậy hay khúc cây làm chày giả gạo (tượng cho trường, đường,miên tục),còn hào âm là hình tượng những lỗ đâm trên đất để gieo hạt (tượng cho hạt, điểm,gián đoạn).

Kinh Dịch được sáng tạo qua những đúc kết từ những kinh nghiệm lao động,nên hết sức giản dị, dần dần phát triển thành triết lý hướng dẫn nhân sinh càng ngày càng phức tạp.

Hai hào âm dương nếu lần lượt chồng lên nhau sẽ cho ra 8 quẻ đơn là Càn,Khảm,Cấn,Chấn ,Tốn ,Ly,Khôn , Đoài.

Nếu ta hỏi các nhà Dịch học Trung Hoa ,tại sao quẻ có ba hào dương gọi là quẻ Càn,ba hào âm gọi là quẻ Khôn, Càn nghĩa là gì?Khôn nghĩa là gì?Các quẻ kia nghĩa thế nào? Họ không trả lời được.

Các nhà Dịch Học Trung Hoa lúng túng khi muốn giải nghĩa danh xưng tám quẻ vì họ cứ tưởng đó là tiếng Hoa (Quách Mạt Nhược,Văn Nhất Đa thử giải quyết nhưng bất thông.Quách Mạt Nhược cho Càn là do chữ Thiên cổ bẻ ra,Văn Nhất Đa cho Càn vốn là Oát biệt danh của sao Bắc Đẩu viết nhầm.Khổng Dĩnh Đạt cho thể của trời gọi là Thiên,dụng của trời gọi là Càn .

Họ không hiểu được nghĩa của tên 8 quẻ đó vì họ không ngờ 8 chữ đó chỉ dùng để ghi âm tiếng Việt (Việt Nam )

Quẻ Càn còn đọc là Kiền hay Can,theo Lý Phú Tôn trong Dịch kinh dị văn thích (5): Càn (乾),Cán (幹), Can (肝) dùng thông với nhau.
Càn được người Việt đặt tên theo nghĩa hào dương do ba khúc cây được can lại, ghép lại với nhau.Người ta can các thanh gỗ lại thành sàn (nhà) hay giàn (đậu,bầu) cứng chắc, có thể đi lại trên đó vẫn không gãy đổ.Qua đó suy ra quẻ Càn có đức tính kiện (cứng chắc),phát sinh nghĩa triết lý “càn,kiện dã” rồi được người Trung Hoa suy diễn tiếp “thiên hành kiện,quân tử dĩ tự cường bất tức”.Bạch thư Chu Dịch không gọi quẻ này là Càn mà gọi là Kiện (với nghĩa cứng chắc),chứng tỏ Càn/Can chỉ là thuật ngữ,Can chuyển nghĩa sang Kiện để người Hoa trực tiếp hiểu được ý nghĩa của quẻ. Khi can các khúc cây lại với nhau để được chắc chắn ,ta phải buộc chúng lại,chẳng hạn ta có thể buộc lại bằng những sợi lạt theo các nuộc hình chữ x.Chữ hào (còn đọc hiệu hay giáo) là hình hai chữ x chồng lên nhau,chính là do từ hình tượng các nuộc lạt hình chữ x tạo ra.Hào là chữ kiện chứng cho Can hay Càn.

Gọi hào là khắc vạch là diễn tả cách người ta viết,hay khắc hay hoạ quẻ (quái).Thực tế thì người xưa làm Dịch chỉ cần mấy khúc cây,thanh gỗ,hay que củi,thẻ tre đánh dấu mặt dương,mặt âm rồi sắp lại với nhau ,thay đổi lần lượt vị trí âm,dương là có thể nói chuyện về Dịch.Vì tổ tiên ta sắp xếp các que lại với nhau thành tổ hợp ba hay sáu que,nên gọi tổ hợp đó là quẻ.

Người Hoa phiên âm quẻ thành quái. Họ lấy chữ khuê làm âm thêm chữ bốc biểu ý tạo thành chữ quái, đây là chữ mới,trong Giáp cốt văn không tìm thấy chữ quái.

Họ giảng quái là treo lên (quái giả, quái dã),khi bói được một quẻ đem treo lên gọi là quái.Trương Huệ Đống nói là bói được một quẻ thì vạch trên đất (thổ) nên chữ quái mới có chữ khuê hai chữ thổ.Chữ Nôm cũng viết chữ que bằng chữ khuê (có âm tương tự) ,viết chữ quẻ bằng chữ khuê hay chữ quế (mộc + khuê).

Vậy là quẻ đẻ ra quái chứ không phải quái sinh ra quẻ.Người Hoa đã lấy âm khuê (gui) để ghi âm que ,quẻ của người Việt.Tượng của hào dương là một vạch,tượng của hào âm là một chấm hay nhiều chấm,hai tượng này ghép lại với nhau chẳng khác gì hình dạng chữ bốc.Với chữ quái gồm chữ khuê đi với một vạch đứng và một chấm,dùng ngữ ngôn tiếng Việt (Việt Nam) ta có thể đọc ngay định nghĩa của chữ này: Quái là Quẻ là tổ hợp các que (khuê) dương (vạch đứng) hay âm (chấm).

Tại sao không gọi hào là vạch, que,thanh,khúc,thẻ mà gọi là hào? vì hào diễn ý một vạch ,một que,một thanh, một khúc có liên hệ ràng buộc qua lại với nhau như những nuộc lạt buộc lại, âm dương giao dịch,chứ không đơn thuần là vạch,là que.

Quẻ Khôn :Khôn gồm ba hào âm,là hình tượng những lỗ tra hạt hay hố trồng cây,nên được khắc bằng những nét chấm chấm …..,hoặc những lỗ tròn ooooo.Đó là hình ảnh một khu đất ,một thửa ruộng chứa đầy những lỗ ,những hố được con người cho hạt hay cây giống vào .Từ những lỗ,hố đó cây cối mọc lên đem lại lương thực cho họ,họ khen những lỗ ,hố đó là khôn ngoan biết chìu theo ý người.Cho nên quẻ toàn âm được gọi là Khôn.Khôn có đức quẻ là thuận,thuận theo ý người,rồi phát triển thành nghĩa triết học âm thuận theo dương.

Ta còn một cách hiểu khác:

Theo tự dạng chữ khôn gồm có chữ thổ (đất) + chữ thân ( địa chi thân) thì ta có thể suy ra khôn là để diễn ý chôn,chôn là do hạt được chôn vào lỗ,cây chôn vào hố.Nếu bộ thổ chỉ ý khôn là đất thì thân phải là từ chỉ âm nhưng khôn đọc là kun còn thân đọc là shen như vậy là không đúng với cách cấu tạo từ của Trung Hoa.Chữ thân đi với bộ thổ chỉ tạo một từ đọc là kun,còn thân (shen) đi với các bộ khác để làm âm thì có nhiều từ :thân (với bộ nhân) là duỗi ra,thân (với bộ khẩu) là rên rỉ,thân (với bộ mịch) là dải thắt lưng của đại phu.

Trên trống Đông Sơn có hình cái trống da mà dạng hình của nó giống như chữ trung,khi trống đánh xong nếu gát dùi trống vào giữa ,như là chữ trung có gạch ngang ở giữa,thì trùng với tự dạng chữ thân.Tục lệ ngày xưa đánh trống xong thì chôn trống xuống đất,khi nào có lễ thì cúng tế rước trống lên.Tục lệ này có lẽ chỉ áp dụng cho trống đồng là loại trống đặc biệt dùng để tế lễ (nhờ vậy mà nhiều trống lễ đã thoát khỏi bàn tay phá huỷ của quân xâm lược).Phải chăng vì thế mà khôn được cấu tạo để diễn ý chôn (trống tế xong xuống đất).

Quẻ Ly: Ly chỉ là chữ ký âm của lửa người Hoa đọc là lí,tổ tiên ta hình dung hai hào dương tựa như hai khúc cây chà xác vào nhau tạo ra lửa (hình dạng hào âm).Quẻ này Bạch thư Chu Dịch ghi là La,người Hoa đọc là luó cũng gần với âm lửa.Sở dĩ có sự khác nhau là vì quẻ Ly được hai người Trung Hoa thu nhận âm lửa vào những thời khắc khác nhau,không gian khác nhau nên ghi âm na ná nhau mà thôi.Chữ Nôm ghi âm lửa bằng chữ lã,cũng tương tự nhau.Lửa phải dựa vào vật khác mới phát sinh nên đức của nó là lệ (lệ thuộc,dựa vào)

Quẻ Khảm:ai cũng biết khảm là thuỷ nhưng tại sao người Hoa lại không dùng bộ thuỷ mà lại dùng bộ thổ để viết chữ khảm,vô lý, vậy khảm chỉ là chữ Hán dùng để ghi âm tiếng Việt.Người Việt thường nói khảm thuyền qua sông (đưa thuyền qua sông),hoặc khảm xa cừ (gắn xa cừ vào miếng gỗ để trang trí).Ta có thể hình dung hào dương ở giữa hào âm như chiếc thuyền được khảm qua sông,hoặc là vật được khảm vào. Đức của quẻ khảm là hãm (trũng,lún),hào dương như bị hãm vào giữa hầm hố giống như bị đưa vào chốn hiểm nguy,từ đó phát sinh nghĩa triết học của quẻ khảm là hãm (hiểm)
.
Quẻ Cấn: Rõ ràng cấn là tiếng Việt trong nghĩa cấn cái,quẻ được hình dung như một khúc cây bị cấn trên miệng hố. Đức của quẻ Cấn là chỉ,nghĩa là dừng lại,là cấn (không di chuyển được).Từ đó phát sinh nghĩa triết học cấn = chỉ.

Trung Hoa gọi quẻ Cấn là quẻ Sơn có tượng là núi (hình tượng dừng lại,không xê dịch) nhưng trong hào từ quẻ Cấn không có hào nào nói đến núi. Đây là nhận xét của Cao Hanh trong “Chu Dịch cổ kinh kim chú”:”Quái hào từ của quẻ Càn không câu nào nói về trời,Quái hào từ quẻ Tốn không câu nào nói về gió,Quái hào từ quẻ Ly không câu nào nói về lửa,Quái hào từ quẻ Cấn không câu nào nói về núi.Quái hào từ quẻ Đoài không câu nào nói về đầm.Quái Khôn tuy liên quan đến đất nhưng không nói về đất.Quái Khảm tuy có liên quan đến nước nhưng không nói về nước.Chỉ có quẻ Chấn nói về sấm” (BABQ,tr 63).

Quẻ Cấn không nói đến núi nhưng cả 6 hào đều nói đến Cấn với nghĩa ngăn trở cấn cái:
-Thoán từ : Cấn kỳ bối ( cấn lưng)
-Sơ lục : Cấn kỳ chỉ ( cấn ngón chân)
-Lục nhị : Cấn kỳ phì ( cấn bắp chân)
-Cửu tam : Cấn kỳ hạn ( cấn thắt lưng)
-Lục tứ : Cấn kỳ thân ( cấn mình)
-Lục ngũ : Cấn kỳ phụ ( cấn mép hàm)
-Thượng cửu : Đôn (trên cùng, đỉnh đầu) cấn.

Quẻ Chấn: Đây là hình tượng cái trống đồng lật ngữa ra,hay là cái cối giả gạo, đánh trống hay giả gạo đều gây ra tiếng động ầm ầm như sấm.Vì vậy Chấn (zhèn) dùng để ghi âm sấm hay trống. Chấn thành thuật ngữ,cho nên mới cho đức của quẻ Chấn là động và tượng của quẻ là trống.Từ đó phát sinh nghĩa triết học của Chấn là động,biến động không ngừng.

Quẻ Tốn :là hình tượng của những khúc cây ghép lại thành phên vách ,phía dưới bị thủng nhiều lỗ (khuyết,mất ,tiêu tốn).Phên vách có lỗ để gió lọt vào,tượng của quẻ Tốn là gió (phong), đức của quẻ Tốn là vào (nhập).Nghĩa triết học là nhập.

Quẻ Đoài : Đoài đọc là duì ,quẻ có hình tượng ao đầm, nơi mọi người thường tụ họp ở đó để nấu ăn ,giặt rửa,hội hè, bơi chãi nên không khí rất vui, do đó đức của đoài là vui (duyệt). Đoài chỉ phương tây (theo Hậu thiên đồ),người Việt thường thích dùng tiếng đoài để gọi miền đất nằm ở phía tây,trong khi đó ở Trung Quốc ít thịnh hành.Cam Xã Đoài (Nghi Diên ,Nghi Lộc.Nghệ An),Thôn Đoài (Tam giang,Yên Phong,Bắc ninh),Chèo Đoài Thạch Thất, Xứ Đoài (Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm-Quang Dũng).Ca dao có câu “Làm trai cho đáng nên trai-Xuống đông đông tỉnh,lên đoài đoài tan.” ,”Tiếng ai như tiếng xứ Đoài - ăn cơm thì ít ăn khoai thì nhiều”.”Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông - Một người chín nhớ mười mong một người. ..”Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông- Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào”Nguyễn Bính),”Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ-Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay.Nguyễn Bính).”Chim quyên từ độ bỏ thôn Đoài -Phạm Thiên Thư)

Cũng cần nói thêm ở đây,nếu cho rằng Kinh Dịch có tám quẻ đơn tượng cho tám yếu tố quan trọng trong vũ trụ thì bảy yếu tố :trời đất,nước lửa,sấm gió,núi là chính xác, nhưng còn yếu tố ao đầm,nhỏ nhoi quá so với bảy yếu tố kia có vẻ bất xứng,tại sao lại có địa vị tối hệ trọng như vậy.Dường như nó chẳng xứng tầm với đất nước Trung Quốc bao la mà lại là rất riêng của Việt Nam, ao đầm là chỗ sinh hoạt quen thân thường ngày.Với người Việt –cha đẻ Kinh Dịch-chính cái nhỏ nhoi đó lại là cái tối cần thiết cho cuộc sống,vậy dùng nó đóng dấu (chữ của Kim Định) xác nhận tác quyền kinh Dịch để con cháu sau này nhờ đó mà truy nguyên công tích tổ tiên.Hoàng Ý Lục theo Tráng ngữ nói Đoài có nghĩa là sương tuyết.(2)

Nói cho cùng,người Trung Hoa chỉ dùng các từ Dịch,Hào,Quái,Càn ,Khôn,Ly, Khảm,Cấn,Chấn,Tốn , Đoài như là những thuật ngữ chứ không hiểu đúng nghĩa của chúng,vì những từ đó chỉ để ký âm tiếng Việt ,do người Việt sáng chế, đặt tên cho chúng.Quái hình,quái tượng,quái danh,quái đức theo cách cấu tạo của Văn Lang là một thể thống nhất chứ không phân ly,phân cách như theo cách hiểu của người Trung Hoa.

Kinh Dịch gồm có 8 quẻ đơn,64 quẻ kép,các quái từ ,hào từ cùng các đồ Tiên thiên,Trung Thiên,Hậu Thiên là di sản sáng tạo của tổ tiên người Việt Nam vào thời đại Hùng Vương,hoàn toàn có tính bản địa, là thành quả của nền Văn minh sông Hồng.Chỉ có Dịch Truyện còn gọi là thập dực mới là sáng tác của người Trung Hoa ,Truyện đó dùng để giảng giải phần Kinh,cũng là một đóng góp rất lớn của Trung Hoa vào vũ trụ Kinh Dịch.

Chú thích:
(1) “Tráng tộc kê quái dữ Dịch kinh quái danh quái tượng đích tỉ giảo nghiên cứu” <>).
(2) “Dụng Tráng ngữ phá giải Dịch Kinh bát quái đích lịch sử mê đoàn ---Ký Vân Nam Tráng tộc học giả Hoàng Ý Lục đích Dịch học nghiên cứu”.Hồ Chánh Dân, Đặng Tiến Lợi.(Quảng Tây Chánh Hiệp báo)
(3) “ Kinh Dịch di sản sáng tạo của Việt Nam ” –Nguyễn Thiếu Dũng .
(4) “Chiếc gậy thần- dạng thức nguyên thuỷ của hào âm,hào dương”-Nguyễn Thiếu Dũng .
(5) trong“Tục tu Tứ khố toàn thư”.

Nguyễn Thiếu Dũng
Nguồn:http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=2153

0 nhận xét: