Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Xóm Rền Có Thể Là Nơi Hùng Vương Phát Tích


15:53, 10-04-2006
Khách thập phương trẩy hội Đền Hùng.

Thời đại Hùng Vương trải qua tới 18 đời. Dấu tích văn hóa khảo cổ có liên quan đến thời kỳ này cũng được khẳng định kéo dài từ khoảng 4.000 năm cách ngày nay. Vì vậy những nghiên cứu và phát hiện gần đây nhất ở địa điểm xóm Rền (xã Gia Thanh, Phù Ninh, Phú Thọ) có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc lần tìm thêm những chứng cứ gần gũi về truyền thuyết các vua Hùng.
Tài liệu thư tịch sớm nhất có nhắc đến chuyện Hùng Vương là Giao Châu Ngoại vực ký. Sách viết vào khoảng thế kỷ IV - V sau Công nguyên. Trước đó, Sử ký của Tư Mã Thiên vào thời Hán cũng chỉ mới nhắc đến Triệu Đà chứ chưa nhắc đến An Dương Vương. Tuy nhiên, quan hệ Triệu - Thục (Nam Việt - Âu Lạc) là có thực. Như vậy vào cái thời mà ở thế giới Đông phương này bắt đầu có người biết chữ ghi chép tích truyện ở vùng nam Ngũ Lĩnh còn lưu truyền được đến ngày nay, mà có lẽ sớm nhất là Tư Mã Thiên, thì sự tích Hùng Vương đã là rất xa xưa rồi.
Tất nhiên không phải chỉ có thư tịch mới là cơ sở của lịch sử. Nhưng chúng ta phải lần tìm như vậy để hiểu ra cái duyên cớ đã làm tái hiện lại sự tích Hùng Vương, để hiểu bản chất Hùng Vương và thời đại các vua Hùng là như thế nào.
Kết quả nghiên cứu của 4 Hội nghị chuyên đề "Hùng Vương dựng nước" (1968-1972) cho phép xác định khu vực có liên quan thực sự đến truyền thuyết vua Hùng trong phạm vi vùng đất rộng lớn xung quanh ngã ba Việt Trì - Bạch Hạc thuộc các tỉnh Phú Thọ, Sơn Tây (cũ) và Vĩnh Phúc. Những phát hiện gần đây về đồ đồng Đông Sơn có tuổi trong khoảng thế kỷ 3-4 trước Công nguyên đến thế kỷ 1-2 sau Công nguyên tập trung ở vùng Lâm Thao, Việt Trì gợi ý những vua Hùng cuối cùng trước khi trao quyền cho An Dương Vương có thể đã "đóng đô" ở vùng này.
Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng thời đại Hùng Vương trải qua tới 18 đời - tức là một thời gian rất dài. Dấu tích văn hóa khảo cổ có liên quan đến thời kỳ này cũng được khẳng định kéo dài từ khoảng 4.000 năm cách ngày nay. Vì vậy những nghiên cứu và phát hiện gần đây nhất ở địa điểm xóm Rền (xã Gia Thanh, Phù Ninh, Phú Thọ) có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc lần tìm thêm những chứng cứ gần gũi về truyền thuyết các vua Hùng.
Địa điểm xóm Rền được phát hiện và khai quật lần đầu tiên vào năm 1968-1969. Những cuộc khai quật liên tục trong 4 năm gần đây tại xóm Rền khẳng định rằng hiện tượng tầng văn hóa chứa nhiều đồ gốm lạ và đẹp ở đây khiến nó khác biệt rất nhiều với các địa điểm cư trú khác cùng thời.
Phân tích kỹ sưu tập gốm này, người ta nhận ra sự có mặt với số lượng đáng chú ý của bộ đồ gốm lễ nghi như bình vò có chân cỡ lớn, thố có hoa văn đẹp và mâm bồng có kiểu cách và trang trí rất cầu kỳ. Đây là loại đồ gốm khá mỏng được làm bằng bàn xoay chậm với nguyên liệu là đất trộn cát rất mịn. Bề mặt trong và ngoài của đồ gốm được thoa phủ một lớp áo với các màu đỏ, đen hoặc sôcôla. Trên những hiện vật như mâm bồng và thố, nghệ nhân gốm bỏ rất nhiều công sức để vẽ những đồ án hoa văn đối xứng uốn lượn tinh vi, mềm mại. Để làm nổi bật những đồ án đó, nghệ nhân dùng những que nhiều răng hoặc miệng vỏ sò tạo nên tương phản đậm nhạt của các đồ án đó.
Sự có mặt phổ biến của bộ đồ gốm này cho thấy tính chất đặc biệt của con người sống trong di chỉ này. Ở vào khoảng niên đại 3.500-4.000 năm thì những đồ gốm lễ nghi đó đang thực sự có một giá trị kinh tế và xã hội rất cao.
Nhưng quyết định nhất cho việc khẳng định vị trí đặc biệt của di tích này chính là việc phát hiện ở xóm Rền những hiện vật đá mang biểu tượng quyền uy và quan hệ bang giao với các triều đại Trung Hoa đương thời ở về phía Bắc cách xa nơi đây hàng ngàn dặm. Đó là những chiếc nha chương làm từ đá ngọc có hình thù như một thanh kiếm mỏng, mũi không nhọn mà xòe cong như lưỡi của một chiếc đục. Đây là một loại hiện vật bằng ngọc tiêu biểu và quý giá của triều đình nhà Thương dùng để phủ dụ và đặt quan hệ với các tộc người và quốc gia lân bang.
Cho đến nay, chúng đã được phát hiện ở Triều Tiên, Nhật Bản, Tứ Xuyên, Hồ Nam (vùng các tiểu quốc Sở, Ngô) và ở Phú Thọ nước ta. Trong số 4 chiếc phát hiện ở Việt Nam, có một chiếc ở địa điểm Phùng Nguyên, còn lại đều ở xóm Rền. Việc những chiếc nha chương này được chôn cất hoặc thờ cúng ở xóm Rền vào thời kỳ cách nay khoảng 3.500 năm, tương đương với thời nhà Thương ở Trung Hoa, cho phép đặt ra một giả thiết chính nơi đây là nơi đại diện cho các nhóm tộc người sống trên miền Bắc Việt Nam đã tiếp đón sứ giả nhà Thương với vai trò là nơi ở của thủ lĩnh bộ lạc mạnh nhất đương thời…
Điều này hẳn đã được lưu truyền dài lâu trong dân gian và được Việt sử lược chép lại vào thế kỷ 13-14, rằng: "Ở bộ Gia Ninh (tên trị sở Phong Châu vào thời nhà Đường - một vùng đất rộng lớn bao quanh ngã ba Việt Trì - Bạch Hạc) có người khác thường, có thể dùng ảo thuật áp phục các bộ lạc khác, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang…".
Những niên đại C14 làm từ mẫu than trong tầng văn hóa xóm Rền đã xác nhận thời kỳ tồn tại của các bộ đồ gốm lễ nghi cũng như của nha chương là trong khoảng 3.500-4.000 năm cách ngày nay. Đó thực sự là buổi đầu của quá trình phát triển nền tảng kinh tế, xã hội cho quốc gia Văn Lang với những thủ lĩnh truyền đời được gọi là các vua Hùng.
Theo http://www.cinet.gov.vn

0 nhận xét: