Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Vào xem kho cổ vật giá trị của đại gia xứ Thanh



Thứ sáu 22/07/2011 07:58
ANTĐ - Hàng nghìn cổ vật giá trị, có những cổ vật có một không hai cách đây khoảng 2500 đến 2000 năm giờ đây được để ngay ngắn trên nhung đỏ tủ kính trong gian phòng của một đại gia.

Kho tàng di sản văn hoá Thanh Hoá- một bộ phận trong kho tàng di sản văn hoá dân tộc - hết sức phong phú và đa dạng, là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người con quê hương xứ Thanh. 

Với ý thức gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc, trong giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá quê hương đối với thế hệ hôm nay và mai sau, chúng tôi đã nhiều năm dày công nghiên cứu, tìm tòi, thu thập hàng ngàn hiện vật, gồm các sưu tập hiện vật bằng đá, đồng, gốm, gỗ, giấy.

Bảo tàng cổ vật Hoàng Long ra đời minh chứng cho chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa - thông tin nói chung và bảo tàng nói riêng. Giờ đây hoạt động bảo tàng không dừng trong phạm vi nhà nước, mà còn có lực lượng nhân dân tham gia; góp phần hạn chế vấn nạn đang "chảy máu cổ vật" ở nước ta. Chủ nhân của kho tàng này là anh  Hoàng Văn Thông ở TP Thanh Hóa.
Thanh Hóa là địa phương có nhiều nền văn hóa, trong đó nền văn hóa Ðông Sơn, là nơi phát tích nhiều vương triều, có lúc là kinh đô đất nước. Chiếc rìu đá cách đây mấy nghìn năm, trống đồng, thạp đồng, kiếm đồng Ðông Sơn, chiếc đĩa thời Lý, thạp hoa nâu thời Trần, đều có ở Thanh Hóa và có trong bộ sưu tập của anh Hoàng Văn Thông. Theo thống kê, anh có hơn 5.600 di vật, cổ vật.
 
Hươu đồng có hoa văn trên cổ có từ thời văn hóa Đông Sơn cách đây từ 2500- 2000 năm
 
Gương đồng mặt nổi có hoa văn thú hạc, mặt sau được đánh bóng để làm gương soi
 
Đầu chim ưng bằng đồng
 
Bảo tàng có hàng chục chiếc trống đồng nhỏ, to từ thời văn hóa Đông Sơn
 
Chiếc thạp đồng
 
Các loại rìu đồng hình lưỡi mác, hình cánh buồm cách đây 2500-2000 năm
 
Lục bình bằng đồng từ thời văn hóa Đông Sơn
Kiếm lệnh là hiện vật chỉ dành riêng cho thủ lĩnh và những người có chức tước trong xã hội thời bấy giờ. Khi kiếm được giơ lên là mệnh lệnh phát động cho một cuộc giao chiến. Kiếm dài 44cm, mùi nhọn, trên đầu kiếm là cán gỗ và có lục lạc là những quả chuông kiếm được chế tác bằng đồng.
Bình đốt trầm đầu rồng bằng đồng có cách đây từ 2500-2000 năm
  
Dao găm bằng đồng từ thời văn hóa Đông Sơn
 
Trống đồng từ thời văn hóa Đông Sơn
Ánh Nguyệt

***
*

Bảo tàng cổ vật của ông Thông “gàn”


Chủ nhật, 03 Tháng mười hai 2006, 15:05 GMT+7
Theo Luật Di sản văn hóa (đã ban hành và có hiệu lực gần năm năm), Nhà nước cho phép mở các bảo tàng tư nhân, nhưng đến nay ở nước ta chỉ vỏn vẹn có ba bảo tàng tư nhân, trong đó có bảo tàng cổ vật Hoàng Long của ông Thông “gàn”.
Ông Thông “gàn” kể: - Những ngày ấy, khi kinh tế gia đình còn hết sức khó khăn, mỗi lần mua được món cổ vật mang về tôi phải lén vợ, cất nhẹm vào một góc bếp kín đáo hoặc phải đào hố để giấu. Có hôm vợ tôi phát hiện một món cổ vật tôi mới mua trị giá hàng tạ gạo, cô ấy la toáng lên: “Ông đem hết gạo mà đi đổi cổ vật, để mẹ con tôi chết đói cho xong!”.
Cái tên Thông “gàn” là do người đời đặt cho ông Hoàng Văn Thông, 52 tuổi, ở phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, giám đốc Bảo tàng cổ vật tư nhân Hoàng Long. Suốt hơn 20 năm qua, ông đã chắt bóp từng đồng để tạo dựng bảo tàng này.
Từ niềm đam mê...
Bao tang co vat cua ong Thong gan
Hai chiếc thạp đồng thời kỳ Đông Sơn
Làm nghề xây dựng, ông Thông thường nhặt được đồ đồng, đồ gốm vương vãi từ những hố móng công trình hay khi san ủi đường sá, từ đó ông chọn lựa cất giữ. Lúc rảnh rỗi, ngắm nhìn những hoa văn tinh xảo, chất men đẹp đến lạ lùng của cổ vật, ông Thông bắt đầu tìm mua tài liệu về đọc, nghiên cứu và dần dà đam mê lúc nào không hay. Từ đó, mỗi khi gặp được món mà mình yêu thích, đắt mấy ông cũng tìm cách mua. Ông còn chọn được hơn 200 cây cổ thụ, cây quí hiếm có tuổi cả thế kỷ về trồng và mua ngôi nhà sàn gần 200 năm tuổi để dựng tại khu “Rừng trong phố”, làm nơi trưng bày cổ vật. Ông Thông cho biết:
- Qua tìm hiểu tôi được biết Thanh Hóa là đất khởi phát nhiều nền văn hóa lâu đời, trong đó có văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Đây cũng là nơi phát tích nhiều vương triều, có lúc lại là kinh đô đất nước. Hiện nay trong bộ sưu tập của tôi có những chiếc rìu đá cách đây hơn 2.500 năm; thống đồng, thạp đồng, kiếm đồng thời Đông Sơn; đĩa thời Lý, thạp hoa nâu thời Trần, và ngay cả bát đồng thời Hán, đĩa gốm thời Minh... cũng có ở Thanh Hóa.
Có hai kỷ niệm liên quan đến sưu tầm cổ vật mà tôi không bao giờ quên. Năm 1992, khi đào móng xây dựng công trình ở xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc (vùng đất chúa Trịnh xưa) công nhân gặp một cái am. Đặc biệt là máy xúc múc lên được một con rắn thân hình trong suốt như pha lê, nhìn thấy cả xương và mạch máu. Anh em thợ sợ quá hỏi tôi có tiếp tục làm nữa không.
Bao tang co vat cua ong Thong gan
Bộ trống đồng Đông Sơn tám cái
Tôi nghĩ: nếu không đào lên, trong am có cổ vật thì lâu ngày sẽ bị mục nát nên tôi xin ý kiến chính quyền địa phương, xong thắp hương khấn vái rồi đào tiếp. Đúng là bên trong cái am đó có những trống đồng, đồ đồng quí giá. Năm 1996, khi đi công tác ở huyện Thạch Thành, nghe đồng bào cho biết có ông già vừa đào được một chiếc bát cổ. Tôi vội đi xe ôm vào nhà ông cụ để hỏi mua.
Mới xem qua không có gì đặc biệt, nhưng khi soi bát ra ánh nắng những nét hoa văn chìm màu xanh lam tuyệt mỹ hiện lên. Tự dưng người tôi như bị cảm, toát mồ hôi, sởn gai ốc, ngồi một lúc mới bình tĩnh lại. Tôi gửi ông cụ 5 triệu đồng để mua chiếc bát ấy. Tuy bát chưa được giám định nhưng một số nhà chuyên môn đã nhận xét nó thuộc hàng báu vật.
Hiện nay, trong bảo tàng của ông Thông có hơn 6.000 cổ vật, trong đó có 830 cổ vật đã được giám định, công bố niên đại. Lâu đời nhất là chiếc rìu đá mũi nhẵn, có tuổi khoảng 4.000 năm. Được ông Thông quí nhất là bộ đồ đồng, đồ gốm Đông Sơn gồm: lưỡi cày, cuốc, rìu xéo gót tròn hình bàn chân, rìu xéo hình thuyền... được trang trí hoa văn sinh động; các loại vũ khí giáo, mác, mũi tên, kiếm, trong đó có một chiếc kiếm Đông Sơn (dài 69cm) cán có hình người đội mũ chóp nhọn, tai đeo vòng là loại cực hiếm hiện nay.
Riêng trống đồng Đông Sơn, hiện ông Thông có tám chiếc đủ cỡ còn nguyên vẹn, với nhiều hoa văn trang trí tinh xảo. Bên cạnh đó, ông Thông còn có bộ đồ đồng đẹp mê hồn gồm: đỉnh ba chân, bình ba chân, gương (thuộc giai đoạn văn hóa Việt- Hán vào những năm trước thế kỷ 10) và bộ đồ gốm thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn (bát, đĩa, thạp, lọ...).
“Năm 2001 trong chuyến đi Nha Trang, thấy một chiếc bát hương rất đẹp, tôi đã bỏ ra 7 triệu đồng để mua. Về sau, qua giám định, hóa ra chiếc bát hương này là cổ vật có một không hai ở nước ta. Năm ngoái có một người ở Huế ra hỏi mua chiếc bát hương này với giá hai bên thỏa thuận, nhưng tôi nói dù được giá mấy tôi cũng không bán. Tất cả các di vật, cổ vật đã mua, tôi chưa bán lại cho ai bao giờ” - ông Thông “gàn” tâm sự.
... đến xây dựng bảo tàng
Bao tang co vat cua ong Thong gan
Khách tham quan đồ gốm, sứ
Trong nhiều năm qua, khu “Rừng trong phố” của ông Thông là nơi sinh hoạt văn hóa, trao đổi kinh nghiệm của gần 100 hội viên và người sưu tầm cổ vật thuộc Hội Cổ vật Thanh Hóa. Phòng trưng bày cổ vật rộng 200m2, với thiết kế trang trọng, phù hợp không gian của bảo tàng đã và đang thu hút rất đông du khách là nhà nghiên cứu, những người đam mê cổ vật, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.
Được sự khuyến khích của bạn bè và những người đồng hội đồng thuyền, ông Thông bàn với gia đình và quyết định xin thành lập bảo tàng tư nhân. Với sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa, chỉ trong thời gian ngắn UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Bảo tàng cổ vật tư nhân Hoàng Long. Và ngày 19-11 vừa qua, Bảo tàng Hoàng Long đã chính thức ra mắt công chúng tại số 41 đường Đội Cung, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa).
Để duy trì hoạt động thường xuyên của bảo tàng, ông Thông đã ký hợp đồng tuyển bốn lao động (gồm ba bạn trẻ vừa tốt nghiệp Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, một cán bộ của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thanh Hóa) làm việc lâu dài để hướng dẫn, giới thiệu hiện vật với khách tham quan. Song Bảo tàng Hoàng Long sẽ còn phát triển hơn nữa theo lời ông giám đốc:
- Tôi đã lên kế hoạch và có bản thiết kế xây dựng cơ sở vật chất mới cho Bảo tàng cổ vật tư nhân Hoàng Long trong thời gian tới, với tổng số vốn đầu tư là 6 tỉ đồng. Bảo tàng sẽ gồm bốn tầng: tầng 1 làm nơi ẩm thực, tầng 2 dành cho hội nghị, hội thảo, tầng 3 và tầng 4 dùng trưng bày cổ vật, còn tầng hầm để bảo quản hiện vật.
Hiện Bảo tàng cổ vật tư nhân Hoàng Long luôn mở cửa đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan miễn phí.
Bao tang co vat cua ong Thong gan
Năm năm trước, chính ông Thông “gàn”, chủ sở hữu chiếc trống đồng lớn nhất VN, là người khởi xướng việc phiên bản trống đồng Ngọc Lũ. Ngày 8-11 vừa qua, chào mừng sự kiện VN gia nhập WTO, các nghệ nhân đúc đồng làng Trà Đông, xã Triệu Trung do anh Lê Văn Bảy, 41 tuổi, đảm trách khâu kỹ thuật, đã thực hiện thành công phiên bản trống đồng Ngọc Lũ có kích thước: cao 1,21m, đường kính mặt trống 1,51m, đường kính tang trống 1,55m, đường kính đáy 1,54m. Phiên bản này đang được trưng bày tại Bảo tàng cổ vật Hoàng Long.
TRIỆU LONG
(+) Hai bảo tàng còn lại là Bảo tàng mỹ thuật Đức Minh ở số 31C Lê Quý Đôn, quận 3, tại TP.HCM và Bảo tàng nông cụ của ông Trần Phú Sơn ở Vân Hồ, Hà Nội.

0 nhận xét: