Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Hát Xẩm - Thập Ân - Nghệ Nhân Hà Thị Cầu



***

Thứ hai, 3/1/2005, 12:37 GMT+7
Hà Thị Cầu - người hát xẩm cuối cùng


Nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu.


Một nếp nhà ven đường ở Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình, cổng rào chả có, rộng khoảng 20m2, bên trong chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc đài bán dẫn và một cái líu (nhị). Bát líu bịt bằng da kỳ đà (thường là da trâu bào mỏng) đã đi theo người hát xẩm chuyên nghiệp cuối cùng gần 70 năm qua.

Có lần người ta dụ dỗ bà Hà Thị Cầu đem được cây líu ấy ra Hà Nội. Nhưng rồi cả cái năm phải kéo cây nhị mới bịt nắp bằng vỏ lon bia, bà cứ vật vã không ra bệnh gì. Sở Văn hóa - thông tin Ninh Bình phải điện lên Hà Nội đòi cái "niệm thần chú" ấy về, bà mới thôi ốm.

Để ra mắt, mấy anh Tây mang biếu bà một chai Lúa Mới. Bà cảm động cứ úi giời: "Sao biết tôi có tính máu mê ấy thế". Tuy nhiên thời gian này bà không được khỏe, phải kiêng rượu. Bà cũng mới chuyển sang ăn chay. Bà nói: "Thầy bảo nếu qua được năm nay, tôi sẽ sống đến 90 tuổi".

Lũ trẻ kéo đến đứng đầy ngoài cửa sổ. Bà ngồi trên giường nói ra: "Về! Lúc nào chúng mày muốn nghe thì tao ra ngã ba hát cho mà nghe…". Sau khi hai ngôn ngữ Tây - ta đánh vật với nhau một hồi, nhị và trống được đem ra. "Tôi ốm lay lắt mấy tháng nay nên hát nó cứ ai ai tiếng". Nói thế chứ bà vẫn hát một lèo 7-8 bài, thậm chí không chịu hát bài dễ. Đầu tiên là Tứ hải giao tình, rồi Bác mẹ sinh thànhđệm toàn bằng bộ gõ, Cá vàng, Ngược đờiSáng cả đêm rằmTrương Chi…, hát say sưa cứ như chỉ chờ có người đến nghe. Chẳng biết lúc không "ai ai" thì thế nào, nhưng những gì bà hát vẫn làm người ta vui buồn theo. Tiếng nhị khi réo rắt khi nhấm nhẳn, hết bài lại nghịch ngợm nhại tiếng người. Xiết lên í ò, nghĩa là hết rồi.

Bà Cầu không biết chữ, chỉ có rất nhiều câu cửa miệng. Chẳng hạn hỏi chuyện cát-xê khi xưa, bà buột miệng: "Bảo Đại (ý nói đồng tiền Bảo Đại…) làm hại ăn mày"; hay chuyện bà đang phải uống thuốc thì bà nói: "Thuốc nam đánh giặc thuốc bắc lấy tiền". Có một câu mà bà Cầu nhắc lại nhiều lần: "Vất vả tại số, dở dương tại giờ-ời". Cứ như cái lối bà nhấn vào chữ giời, đai ra một cách không cố ý thì đúng tại giời thật. Dường như kỹ thuật luyến và nhấn đặc trưng của xẩm đã in dấu trong từng câu bà nói. Bà Cầu có một thứ bệnh lạ đời: nói nhịu. Chẳng hạn nếu bà nói "lên giời ngồi" hay "ăn giời đi con", điều đó có nghĩa là "lên giường ngồi" và "ăn cơm đi". Còn "Ninh Bình" hay "giọt nước cánh bèo" nếu không cẩn thận thì "bình" và "bèo" đều thành “bò” như chơi. Ấy vậy mà khi bắt đầu vào cuộc hát, hầu như tật này của bà biến mất.

Hỏi bà biết bao nhiêu bài xẩm, bà đáp: "Hát đến đâu ra đến đấy, không đếm". Hỏi bà phải có tố chất gì mới hát được xẩm. Bà bảo: "Phải có calo trong cái họng". Xẩm cần nhất là sức lực để có thể hát cả ngày, hát bất cứ nơi đâu, lúc ốm hạ giọng vẫn hát như thường... Một vài nghệ sĩ trẻ cũng chịu khó về tận nhà bà học xẩm. Bà khen cô Hồng Ngát sáng ý: "Về nghe chốc lát vài tiếng đồng hồ hát được bài Thập ân".

Nhưng thường mỗi cô cũng chỉ học một đôi bài lấy vốn chứ chẳng ai nghĩ đến chuyện kế thừa cả cái nghệ thuật xẩm. Xẩm có cái chất dân dã, phóng khoáng mà không phải nghệ sĩ được đào tạo chính qui nào cũng tìm lại được. Chưa kể hát lại phải kèm với nhị, bầu, trống phách… mới ra chất. Bà Cầu có biệt tài cùng lúc miệng hát, chân phách, tay sênh, tay kia gõ một lúc hai trống mảnh. Trong băng và đĩa Xẩm chợ của bà không có tiếng phách vì người chơi bộ gõ chỉ có thể dùng tay.

Bà Cầu có ba người con nhưng không ai theo được nghề. Chưa kể họ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ xẩm hay hát rong đều không được coi là một nghề. Nhiều nghệ nhân xẩm thượng thặng của Hà Nội cuối đời sống bằng việc vót tăm và bện chổi đót. Khi vẻ đẹp của xẩm phần nào được công nhận thì người dân đã không còn thói quen và cũng ít có cơ hội để đến với nó. Trước đây dân quanh vùng còn có dịp đón bà Cầu đến các đám ma đám giỗ, nay dù có chèo kéo đến mấy bà cũng khó lòng nhận lời vì lý do sức khỏe.

Cầu là tên con trai cả, bà tên thật là Hà Thị Năm. Từ bé, bố mẹ bà đã bỏ thúng gánh đi, lên 10 đã hát xẩm lấy tiền. Ông cụ thân sinh ra bà đánh đàn bầu cũng bị lòa, mất năm bà 11 tuổi. Hai mẹ con từ quê Ý Yên, Nam Định ra Ninh Bình hát xẩm. Nghe nói có con bé 12 tuổi hát hay đáo để, ông Mậu - trùm xẩm Yên Mô- để ý "tạo điều kiện". Hỏi ông có dạy bà hát không, bà Cầu bảo: "Có, mà ông ấy học tôi thì có! Nhưng mà ông ấy kéo nhị những Lý giao duyênLý hành vân thì tuyệt vời". Ông Mậu chơi được đủ cả bầu, sáo, nhị… Phải cái mặt rỗ, mắt lòa - di chứng đậu mùa. "Tôi cũng chả xinh gái. Mắt có ve". Không nhìn thấy gì lại càng ghen. Chỉ cần bà bị khách trêu ném xu đồng vào ngực là ông đánh… "Đánh yêu hả bà?", "Vâng, đánh yêu lắm".

Bà Cầu khăng khăng nói ông đưa bà lên Mường (Quảng Cư, Đồng Bái...) bỏ bùa bà. "Chứ không làm gì có chuyện gái 16 tuổi lấy ông 49". "Bác cháu" ăn cùng mâm, nhiều khả năng "bùa" được bỏ vào nước canh như câu: "Bùa yêu thuốc dấu không bằng mắm ngấu tra canh".

Các cụ đã đúc kết: "Tham giàu lấy chú biện tuần/ Tuy rằng bóng bẩy nợ nần chan chan/ Thà rằng lấy chú xẩm xoan/ Công nợ không có hát tràn cung mây". Xẩm đắt vợ là vì thế! Bà Cầu nói bà là vợ thứ 18 của ông Mậu. Con gái bà gật đầu xác nhận. Ba vợ chồng, lúc ấy ông vẫn còn bà thứ 12 - người Thanh Hóa - cứ "lưu diễn" như thế: "Một năm nhờ bàn dân thiên hạ 10 tháng". Gia tài có trống phách và nồi niêu. Bữa nào ăn hàng thì chủ quán còn miễn tiền trọ, tự nấu lấy thì ngủ mất 5 xu/người. Năm Ất Dậu, ông đem bầu đoàn vào vùng Cẩm Thủy, Kim Tân, La Hoài (Thanh Hóa). Rừng thiêng nước độc, phải uống rượu vào để chống lạnh nhưng nhờ thế mà thoát chết đói. Ông mất khi bà mới 33 tuổi. "Thương ba đứa trẻ tôi cũng muốn đi bước nữa… Hồi ấy lấy ông cai thầu xây dựng giờ có phải được nhờ không", bà Cầu ngậm ngùi.

Vợ chồng bà có mảnh đất từ trước 1945. Năm 1954 về định cư, gia tài vẫn chỉ lếch thếch hai cái niêu một rang một nấu. Ngoài hát xẩm, kéo nhị bà chẳng biết làm gì. Không được đi hát đồng nghĩa với đói. Cũng vì thế nên bà đã mất một người con sơ sinh, một người nữa phải đem cho đi. Gần đây mẹ con mới đoàn tụ… Mãi đến cuối những năm 1980 nhà bà mới được cấp ruộng, 1992 mới xây cái nhà, không có công trình phụ. Đến nay vẫn đang nợ ngân hàng 1 triệu đồng. Bà chẳng thể dưỡng già được với danh hiệu nghệ nhân hay nghệ sĩ ưu tú. Chị Mận đi chợ bán gà nuôi mẹ. Gà cúm thì chuyển sang mèo.

Thời gian như ngừng trôi trong căn nhà của xẩm. Tường trang trí toàn những tờ lịch của năm cũ. Một dãy bằng khen giăng ngang đã bay màu, rặt những giải nhất hạng. Bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói VN vẫn ghi bà là "thí sinh", Liên hoan trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc thì tặng giải đặc biệt cho cụ Hà Thị Cầu - "nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình".

Năm 1996 bà sang Trung Quốc hát xẩm. Thấy kem Bắc Kinh ngon, bà nhón một que "đem về cho con Mận", cả đoàn can không được. Về đến khách sạn, bà cứ giở khăn tay ra tìm mãi, quái lạ đã gói vào đây rồi… Đến tận bây giờ con cháu vẫn đem chuyện này ra cười với nhau. Bà chỉ chống chế: "Không, kem bên ấy ngon thật". 

(Theo Tuổi Trẻ)

***

Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu: Truân chuyên một kiếp...

08-02-2011 | 14:18
(Nguoiduatin.vn)- Về thăm nghệ nhân Hà Thị Cầu chúng tôi mơi cảm nhận được cuộc sống thường nhật của người nghệ nhân hát xẩm nỗi tiếng này.
Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu (tên thật là Hà Thị Năm) Sinh ra ở Ý Yên- Nam Định. Tưởng chừng như cuộc sống của người nghệ nhân độc nhất vô nhị đã bước sang tuổi 93 ấy giờ chỉ còn là những phút thư nhàn, thanh thản sau những giông gió của cuộc đời phiêu bạt. Thế nhưng, phải về tận ngôi nhà để thăm và để thấy cuộc sống thường nhật của nghệ nhân Hà Thị Cầu, chúng tôi mới cảm hết được một nỗi thê lương của cả cuộc đời bà...
“Mẹ là người hát xẩm giời đày...”
Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu
Lần theo những dòng ký ức vốn đã chập chờn như ngọn đèn dầu leo lắt trong tâm trí của người đàn bà phiêu bạt, cụ Hà Thị Cầu nhớ lại: "Kiếp hát xẩm ám vào đời tôi bắt đầu từ bà nội vốn nức tiếng về ca xẩm vùng Ý Yên hồi đầu thế kỉ XX. Ngày ấy, xẩm rất thịnh hành và có mặt trong hầu hết các sinh hoạt cộng đồng từ chốn đình chùa đến nơi kẻ chợ. Vì vậy, dẫu đói kém nhưng những người theo nghề xẩm cũng có được cái ăn".
Người đàn bà ca xẩm đất Ý Yên thời ấy sinh được duy nhất một người con gái lòa mắt, sau này cũng vào nghề hát xướng và lấy một người đàn ông mù đàn ca sáo nhị. Cả nhà ba người, hai mù, một sáng mắt lập ra gánh hát đi khắp đầu phố cuối sông. Phiêu dạt khắp các hang cùng ngõ hẻm, ga tàu xó chợ vậy mà đôi vợ chồng mù cũng sinh được bảy người con nhưng đứa còn đứa mất.
Từ nhỏ, Hà Thị Năm đã dạn dày mưa gió, cơm đường cháo chợ lưu lạc đó đây từ chưa đầy tuần. Thế rồi, những làn điệu xẩm như Huê tình, Hà liễu, Ba bậc, Thập ân, Cò lả, Thập sầu, Hành vân, Ca nam... nhập vào cô. Nó tự nhiên như những lời nói cất lên hàng ngày chú ơi, ông ơi, nó sung sướng, chất đầy cảm xúc như lúc người ta bỏ vào tay Năm những đồng cắc, đồng xu hãy còn nóng hổi.
Mười tuổi, khi đã biết đủ ngón nghề của một ca xẩm (tự hát, tự phách và kéo nhị) là lúc đôi lưng của người bà rạp xuống gốc cây gạo, nặng nề chút hơi thở cuối cùng nơi phố chợ hiu hắt. Tiếp sau là người cha mù lòa cũng không còn cất nổi tiếng và bỏ lại cuộc đời đàn ca nhị phách cho người vợ cùng con nhỏ. Hà Thị Năm lại dắt díu người mẹ mù lòa cất tiếng xẩm thân phận trôi dạt sang Yên Mô - Ninh Bình.
Mang tiếng "xướng ca vô loài" giữa cuộc đời xuôi ngược, dẫu nhan sắc cũng chẳng kém cạnh ai, giọng hát làm chạnh lòng biết bao tài tử, cô thiếu nữ đang độ xuân thì Hà Thị Năm chấp nhận về sống đời vợ chồng với ông trùm xẩm mù Nguyễn Văn Mậu nhiều hơn tuổi cha mẹ cô, và đã qua 17 đời vợ.
Ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu, người có 6 gánh hát ở đất Yên Mô, nhưng gia tài cũng chỉ có cơm niêu nước thùng, với một mái xiêu bốn bên gió lùa, chừng 20m2 nằm ở xã Yên Phong - Yên Mô. Qua 17 đời vợ nhưng ông Mậu vẫn không có lấy một mụn con, nhưng khi nên duyên với Hà Thị Năm đã liên tiếp sinh 7 đứa con.
Nhớ lại những nhọc nhằn của quãng thời gian năm nào đã trôi xa vào ký ức, cụ Cầu vẫn rùng mình như thể nỗi kinh hoàng mới trải qua. Vừa sinh Mận (con gái đầu lòng) được ba ngày cô Năm đã phải trao con cho bà cả để ra chợ ngồi hát. Người sản phụ mới sinh con ba ngày tuổi vừa hát vừa thắt ruột, thắt gan, nhoi nhói như kim châm nơi vùng ổ bụng chưa lành cuống nhau. Thế mà vẫn phải hát để nuôi con, có lúc tưởng kiệt sức, không cất được nổi giọng đành phải uống rượu để cầm hơi, lấy sức.
Bảy lần sinh nhưng chỉ nuôi được ba, 71 tuổi ông Mậu qua đời, cô Năm còn bụng mang dạ chửa người con út. Câu chuyện về người con út là một câu chuyện dài và ly kì mà cho đến tận bây giờ nhiều lúc cụ Hà Thị Cầu vẫn không dám tin đó là sự thật. Ngay sau khi sinh cậu út, do không có gì nuôi, cụ đành phải đứt ruột cho đi cậu con trai tên Cầu. Đó chính là nguyên do mà ngay sau này ca nương lừng danh một thời đã đổi tên thành Hà Thị Cầu, mong rằng có ngày đứa con lưu lạc nhà người sẽ tìm về bên mẹ. Khi cho đi đứa con, cô chỉ kịp nói với người nhận nuôi và với Cầu một câu: "Mẹ là người hát xẩm giời đày tên Năm", rồi im lặng cúi xuống để người ta bế Cầu đi. Những nỗi đau mất mát, những ấm ức của một đời cầm ca đã khiến giọng ca của bà chơi vơi nhẫn nhục tủi hờn khôn xiết mà rắn rỏi, cương cường. Nó như để chống lại sự nghiệt ngã và bạc bẽo kiếp giời đày. Chính tiếng hát ấy sau này đã giúp bà tìm được anh Cầu và nó cũng đã đưa bà lên thành một người hát xẩm có một không hai của Việt Nam còn lại.
Câu ca nghẹn ngào
Bộ đồ nghề hát xẩm của nghệ nhân
Do ở xa, trước khi đến thăm bà Cầu tôi đã gọi điện trước cho một người làm công tác quản lý văn hóa, nghệ thuật ở Ninh Bình, anh bảo: "Nhà bà Cầu ở ngay thị trấn Ngò - Yên Mô, nhà sát đường nên đến đó, hỏi ai họ cũng chỉ cho thôi". Tìm đến nơi tôi mới biết nhà bà Cầu không ở thị trấn, nó nằm cách thị trấn Ngò - Yên Mô chừng 3km, ngôi nhà nhỏ nhuốm đầy bụi đường của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu do đoạn đường đang được thi công mở rộng và ở ngay sát Ủy ban Nhân dân xã. Trong ngôi nhà nhỏ những giấy khen, bằng khen, giải thưởng được treo la liệt ở bốn bức tường. Đó là, bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói Việt Nam; danh hiệu Nghệ nhân dân gian; danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú; giải thưởng Đào Tấn... đã mang dấu ấn hoàng kim một đời hát xẩm của cụ.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà quạnh quẽ khi chị Mận, người con gái đang sống cùng cụ không có nhà, cụ Cầu mặc chiếc áo khoác cộc tay, chất liệu nhung màu bã trầu đã cũ, bên trong là áo xanh màu nõn chuối với hai đầu gối tay tươm tả, để lộ ra ngoài nếp da nhăn nhúm. Có lẽ cũng đã hơn chục năm nay bà không còn lang thang hát xẩm. Từ ngày đó, cây nhị gắn bó với cụ suốt một đời lang bạt cụ cũng đã cho người ta mượn để mưu sinh. Nhớ cây nhị, cụ ngồi một lát rồi bật cười, cái cười móm mém buồn vô hạn: "Sức tôi giờ chẳng còn, không hát được nữa. Cây nhị nó buồn lắm. Có những đêm, giữa khuya tôi bỗng nghe thấy tiếng cây nhị khóc dấm dứt trên tường. Tôi tỉnh dậy hỏi thì nhị bảo nó nhớ thủa xa xưa nhiều lắm. Giờ đây, nằm nhàn nhã trên tường mà nó tưởng thân nhị như đã chết rồi. Thương cây nhị quá nên khi có người hỏi mượn đi theo gánh xẩm, tôi cũng dứt ruột mà đưa cho người ta".
Bóng chiều đâu đó đã đổ sập xuống phía sau ngôi nhà loang nổ đầy vết rêu phong của thời gian. Và cụ Hà Thị Cầu vẫn ngồi đó, phía trước hiên nhà lặng yên như đang lắng nghe một thanh âm nào đó vút lên trong sâu thẳm miền ký ức. Có lẽ vì vậy mà cụ không nghe thấy cả câu chào của chúng tôi chăng? Một nỗi buồn tê tái len lỏi trong lòng những người lữ khách khi cố níu kéo người đời để họ chợt nhận ra rằng ở mảnh đất này vẫn còn một di sản sống của làng hát xẩm.
Phạm Khoa

0 nhận xét: