Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Chữ Nôm Trên Văn Bia Thời Lê


CHỮ NÔM TRÊN VĂN BIA THỜI LÊ 

(Thế kỷ XV - XVIII) 


ĐINH KHẮC THUÂN 



Thời Lê được khởi dựng từ thế kỷ thứ XV đến thế kỷ thứ XVIII thì chấm dứt hoàn toàn. Tuy nhiên cả thời kỳ lịch sử này lại chia thành ba giai đoạn là Lê sơ (1428-1527), Mạc (1527-1533) và Lê - Trịnh (1533-1788). Nhà Lê trong giai đoạn sau tuy vẫn được duy trì, song quyền hành cai quản đất nước chủ yếu thuộc về Trịnh. Cả ba giai đoạn lịch sử này vừa mở đường vừa kế nối và phát triển khá mạnh mẽ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhất là văn học chữ Nôm. Vì vậy tìm hiểu chữ Nôm trên văn bia ở thời kỳ lịch sử này là sự bổ sung cần thiết trong việc nghiên cứu đặc điểm tự dạng chữ Nôm thời Lê nói riêng, chữ Nôm trong lịch sử nói chung. 

1. Về xuất xứ, có thể tìm thấy chữ Nôm trên văn bia trong 3 trường hợp tiêu biểu sau: 

Một là xuất hiện ở các tên đất, tên người. 
Hai là xuất hiện trong những bài thơ Nôm. 
Ba là xuất hiện trong các bài ký hay bài phú tức là ở dạng văn xuôi bằng chữ Nôm. 

* Trường hợp thứ nhất xuất hiện khá phổ biến ở nhiều văn bia từ thế kỷ XV đến XVIII. Chẳng hạn văn bia Diên Khánh tự bi, kí hiệu 4486 dựng năm Hồng Đức thứ 4 (1473) ghi: “Ông ngộ đạo, bà ngộ thiện 翁 悟 道 婆 悟 善”; bia Phật kí hiệu 7208 (Thạch Thất, Hà Tây) dựng năm Hồng Đức thứ 18 (1487) ghi: “Tây phương ông tính thiện tâm bà 西 方 翁 并 善 心 婆” , hoặc “Nhất sở Đa Bái đồng nhất khản nhị cao 一 所 多 拜 同 一 坎 二 高”... Sang thế kỷ XVI, chữ Nôm ghi tên người tên đất xuất hiện khá nhiều trên bia, như “Già Đồng nhất mẫu 伽 同 一 畝” (bia Công chúa tự điền, kí hiệu 3675, dựng năm 1513), “Nhất sở Chằm Sâu xứ điền 一 所 沉 婁 處 田” (bia Đức Thắng tự bi, kí hiệu 10499, dựng năm 1589); “Nhất sở Đình Cả xứ điền nhất cao 一 所 亭 哿 處 田 一 高...” (bia Tam Giáo tự, kí hiệu 2696, dựng năm 1591), hoặc tên người công đức vào quán Chân Thánh xã Cẩm Khê (Hải Phòng), kí hiệu 5802, dựng năm 1572 như “Bà Chào, ông Cả, Chúa Quận Ả, bà Lễ Nghi, bà Ty... 婆 嘲, 翁 哿, 主 郡 妸, 婆 礼 儀, 婆 司”, thậm chí trên một số văn bia ghi cả một câu như khẩu hiệu: “Đức vua muôn muôn năm 德��閍閍��...” 

* Trường hợp thứ hai cũng khá đa dạng, xuất hiện chủ yếu vào thế kỷ XV, XVII và XVIII. Đó là những bài thơ quốc âm của vua Lê hay chúa Trịnh đề vịnh danh lam thắng cảnh hoặc thù tặng, trong đó có 2 bài của vua Lê Thánh Tông thế kỷ XV, 2 bài của chúa Trịnh Căn thế kỷ XVII, 3 bài của chúa Trịnh Cương thế kỷ XVIII, cùng một số bài khác của chúa Trịnh Doanh, Trịnh Sâm cuối thế kỷ XVIII, cụ thể như sau: 

* Hai bài thơ Nôm của vua Lê Thánh Tông (1460-1497): 

- Quang Khánh tự thi, kí hiệu Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm 11766, khắc năm Quang Thuận thứ 6 (1465), bài thơ của Lê Thánh Tông ngợi ca người trụ trì chùa đã qua được cửa đại giác. 
- Ngự đề Quang Khánh tự, kí hiệu Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm 11765, khắc năm Hồng Đức thứ 17 (1486). Đây là bài thơ quốc âm của vua Lê Thánh Tông đề ở chùa Quang Khánh (Hải Dương). 

* Thơ Nôm chúa Trịnh được khắc trên bia: 

Trịnh Căn (1682-1709) có 2 bài thơ Nôm, một bài khắc trên biển gỗ treo tại nhà Thái học, Văn miếu, Hà Nội đề năm Ất Hợi (1695) quý đông; một bài khác khắc trên biển gỗ chùa Đậu tức chùa Pháp Vũ, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây có ghi niên đại là “Chính Hòa Mậu Dần mạnh xuân cốc đán” (Ngày lành tháng giêng năm Chính Hòa Mậu Dần [1698]). 

Trịnh Cương (1709-1729) có 3 bài, trong đó một bài cũng khắc trên chùa Pháp Vũ, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây được ghi niên đại là “Vĩnh Thịnh thập tứ niên thập nguyệt thập cửu nhật” (Ngày 19 tháng 10 năm Vĩnh Thịnh thứ 14 [1718]), một bài khác khắc trên biển gỗ chùa Nhạc Lâm, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây có niên đại là “Vĩnh Thịnh thập tam niên thất nguyệt thập thất nhật” (Ngày 17 tháng 7 năm Vĩnh Thịnh thứ 13 [1717]) và một bài khác tặng vị Quốc lão Đặng Đình Tướng khi viên quan họ Đặng này thọ 80 tuổi, được khắc năm Bảo Thái thứ 10 (1729) trên bia từ đường họ Đặng (nay thuộc xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây). 

Trịnh Sâm (1767-1782) có nhiều bài thơ nổi tiếng, trong đó có bài đề trên vách động chùa Hương. 

Một số bài thơ Nôm trên đã được giới thiệu, song dường như đều cho là thơ của vua Lê. Thực ra thơ Nôm ở giai đoạn cuối thế kỷ XVII đầu XVIII đều do chúa Trịnh Căn và Trịnh Cương soạn. Hai vị chúa tài hoa đều có khiếu làm thơ chữ Nôm, nhất là Trịnh Cương từng chủ trương cho thi bằng chữ Nôm. Ngay tờ dụ của triều đình ban hành năm 1720 cũng được chúa Trịnh Cương cho dịch ra quốc âm rồi cho gọi quần thần vào răn dậy. Mặt khác hai vị chúa này hay làm thơ thù tạc, vì thế mà tạo ra đội ngũ sáng tác thơ Nôm ngày một đông đảo, cũng như mở ra một không khí sôi động sáng tác thơ văn bằng chữ Nôm, cũng như chữ Hán, tiêu biểu như Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Mậu Áng, Vũ Thạnh, Đinh Nho Hoàn, Lê Anh Tuấn v.v... 

Trong các sáng tác bằng chữ Nôm ở thời chúa Trịnh có một mốc hết sức quan trọng là xuất hiện lần đầu tiên một cuốn từ điển song ngữ Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, được in lại vào năm Cảnh Hưng thứ 22 (1761). Hàng loạt truyện Nôm khuyết danh ra đời ở thời kỳ này, trong đó có tập diễn Nôm sự tích Nguyên phi ỷ Lan theo thể lục bát có tới 606 câu, tương truyền là tác phẩm của bà Trương Thị Ngọc Trong, phi của An vương Trịnh Cương. Đây là sự đóng góp vào quá trình hoàn thiện thể truyện thơ lục bát mà đỉnh cao là Truyện Kiều của Nguyễn Du ở đầu thế kỷ sau đó - thế kỷ XIX. 

* Trường hợp thứ ba là chữ Nôm xuất hiện trong các bài văn xuôi bằng chữ Nôm. Trước hết là các đoạn văn chữ Hán có lẫn chữ Nôm được viết theo ngữ pháp tiếng Việt, chẳng hạn một câu trong bia chùa Diên Khánh (Bắc Ninh) khắc năm Hồng Đức thứ 4 (1473) như sau: “Ông ngộ đạo tính bà ngộ thiện cộng ký lưu Diên ứng tự điền tam khản cửa Bạch Đa tự “翁 悟 道 并 婆 悟 善 共 寄 留 延 應 寺 田 三 坎 舉 白 多 寺”, nghĩa là “Ông ngộ đạo và bà ngộ thiện cùng gửi lưu vào chùa Diên ứng ruộng 3 mẫu ở cửa chùa Bạch Đa”. Những câu chữ Hán xen chữ Nôm như vậy gặp khá nhiều trên bia thế kỷ XVI. 

Tuy nhiên những câu văn hoặc đoạn văn thuần túy là chữ Nôm trên bia thì xuất hiện muộn hơn. Văn bản sớm nhất hiện biết là trên bia Tân tạo bi ký các bức đẳng từ, kí hiệu 1938 -1939, ở đình xã Thổ Ngõa, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, dựng năm Thịnh Đức thứ 5 (1657). Văn bia này ghi lại sự tranh chấp địa giới giữa xã Sơn Lộ và xã Tiên Lữ. Xã Tiên Lữ thắng kiện, lại bị xã Sơn Lộ tố cáo là xã Tiên Lữ đã hối lộ quan trên để được kiện. Sau khi điều tra sự thật, xã Sơn Lộ bị khiển trách vì đã tố cáo sai. Để dân chúng biết rõ chuyện này và lưu truyền về sau, xã Tiên Lữ cho dựng bia khắc lại sự việc trên. Mặt trước bia khắc văn bản bằng chữ Hán, mặt sau khắc văn bản bằng chữ Nôm diễn giải quá trình xã Tiên Lữ khai khẩn đất mới, bạt núi mở trường học, tất cả đều đã ghi trong sổ tu tri của quan trên, nhưng dân xã Sơn Lộ muốn tranh giành. Xin dẫn một đoạn trong bia này như sau: “Quan viên tướng thần xã thôn trưởng khẩu đắc rằng thượng hạ làng nhà tôi ưng khiến chúng tôi lên nói xưa nay chúng tôi thấy tu tri Thổ Ngõa thôn thượng tự Kim Cương hạ chí đê mộ các xứ. Làng chúng tôi chẳng biết đến ngày sau Sơn Lộ xã lại gian cáo bản phủ nha môn khám đạc...”. 

Tiếp đó, cũng xuất hiện một số đoạn văn bia bằng chữ Nôm trên bia khác, như bia Thiên đài thạch trụ, kí hiệu 14957 tại chùa Thanh Tú, xã Phượng Trì, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, dựng năm Chính Hòa thứ 20 (1699), hay bia bầu Hậu của làng xã, như bia Hậu Phật, kí hiệu 5249-51 dựng năm Vĩnh Khánh 3 (1731) tại chùa Tam Giáo, xã Lạc Đạo, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên v.v... 

Văn bia toàn văn bằng chữ Nôm xuất hiện muộn hơn nữa, như văn bia đình thôn Châu Xá, xã Hữu Thanh Oai huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội, dựng năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780), ghi việc ông Đoàn Đình Kim bỏ tiền mua Hậu Thần cho ông bà cha mẹ và chính ông đích thân viết bài ký giử giỗ cho cha mẹ bằng chữ Nôm, trong đó có đoạn sau: “... Năm trước ơn lòng trong bản thôn đã hiệp bảo phụ mẫu song thân tịnh vi Hậu Thần. Các điều tế tự cụ tại bi ký...”. 

Loại văn bia này được sử dụng khá phổ biến vào cuối thời Nguyễn đối với loại bia gửi giỗ, bầu Hậu của làng xã. 

Như vậy chữ Nôm được sử dụng trên bia không phải là ít, song ở giai đoạn sớm thì thường xuất hiện ở dạng địa danh và nhân danh, số khác là trong thơ Nôm, còn được dùng thuần túy trong bài văn xuôi thì thường có niên đại muộn hơn. Tuy vậy, các văn bản này đều có xuất xứ rõ ràng và niên đại cụ thể, nên đã cung cấp tự dạng chữ Nôm theo cách viết của từng địa phương, của từng đối tượng và của từng giai đoạn khác nhau. 

2. Đặc điểm tự dạng chữ Nôm trên bia thời Lê 

Khi nghiên cứu tự dạng chữ Nôm trên văn bia thế kỷ XV, XVI, chúng ta có nhận xét sau: 

Chữ Nôm ở giai đoạn này phổ biến được viết dạng chữ đơn, nghĩa là chưa sử dụng phổ biến bộ phận chỉ nghĩa như “đa” trong cây đa, chưa có bộ “mộc ”, “cửa” trong cửa đình, cửa chùa chưa có bộ “môn ”. Nhiều chữ mượn âm khác cũng hết sức đơn giản như ngã ba thì dùng “ngã ” là tôi, “ba ” không có chữ “tam ” để chỉ nghĩa như thường gặp trong các văn bản Nôm sau này, “chân cờ 真 旗” cũng vậy và đặc biệt là ao cá, “ao ” không có bộ chấm thuỷ chỉ nước, “cá ” không có bộ “ngư ” chỉ loài cá, cầu chợ, cầu không dùng chữ “kiều ” có nghĩa là cầu mà dùng chữ “cầu ” có nghĩa là cầu xin, với tự dạng giản đơn hơn nhiều so với “cầu (kiều)” và “chợ” mượn chữ “trợ” không cần chữ “thị” để chỉ nghĩa. Có lẽ thế kỷ XVI trở về trước người ta đã không phân biệt “ch” và “tr” (chợ và trợ). Nhìn chung chữ Nôm ở giai đoạn này chú trọng phần âm hơn là bộ phận chỉ nghĩa, nên chữ “quan” trong đường cái quan không mượn chữ “quan ” trong quan lại mà mượn chữ “quan ” trong quan sát. Dấu phụ được sử dụng là chữ “cự ” và “cá ” cũng bắt đầu phổ biến từ cuối thế kỷ XVI. 

Chữ Nôm trên văn bia thế kỷ XVII, đầu XVIII về cơ bản tương tự chữ Nôm thế kỷ XVI, song phần chỉ âm đã xuất hiện phổ biến, nhưng chủ yếu là dấu “nháy”, chứ chưa phải là bộ phận chỉ nghĩa như từ cuối thế kỷ XVIII trở đi. Chẳng hạn, khi đối chiếu hai bài thơ Nôm của Trịnh Căn (thế kỷ XVII) khắc trên biển gỗ cũng với chính hai bài thơ này được chép trong sách Khâm định thăng bình bách vịnh tập, thấy khác nhau ở tự dạng một số chữ Nôm. 

Cụ thể như trong bài thơ ở nhà Thái học, chữ “gấp” trong bản khắc gỗ dùng chữ “cấp ”, còn trong sách thì cũng dùng chữ “cấp”, song bên cạnh có thêm dấu “cá” để phân biệt âm; chữ “mẽ” trong bản khắc mượn âm chữ “mỹ ”, còn trong sách thì thêm dấu cá bên cạnh chữ “mỹ”. 

Trong bài thơ chùa Pháp Vũ, chữ “vẹn” trong bản khắc mượn chữ “viện ” còn trong sách thì cũng dùng chữ “viện”, nhưng có thêm dấu cá; chữ “lanh” trong bản khắc là chữ “linh ” còn trong sách cũng thêm dấu cá. 

Từ sự so sánh trên cho thấy văn bản trong sách được chép muộn hơn mà cụ thể là vào thời Nguyễn, nên hầu hết những chữ đọc chệch âm, đều có thêm dấu cá để phân biệt âm đọc, trái lại văn bản khắc gỗ là văn bản đích thực thời Lê thế kỷ XVII, chưa có đầy đủ bộ phận chỉ âm và chỉ nghĩa. 

Phân tích kỹ một số mã chữ Nôm trong các giai đoạn lịch sử, chúng ta không chỉ nhận thấy diễn biến tự dạng chữ Nôm mà còn bóc ra được những lớp ngữ âm qua từng giai đoạn cụ thể. Chẳng hạn quan sát chữ “cửa ” ta thấy chữ này trên bia thế kỷ XV, XVI được viết ở dạng mượn âm “cử”, từ cuối thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII mới thêm bộ “môn” ở bên. Đây là sự chuyển đổi từ cách viết đơn (mượn âm) sang cách viết kép (mượn ý). Cùng đi với chữ “cửa” là chữ “đình” và chữ “chùa”. Các địa danh “cửa đình” chỉ mới gặp trên bia từ nửa sau thế kỷ XVI, còn địa danh “cửa chùa” thì đã phổ biến trên bia thế kỷ XVI, và thậm chí đã gặp nhiều trên bia thế kỷ XV. Điều đó hoàn toàn phù hợp với việc xuất hiện của ngôi đình muộn hơn nhiều so với ngôi chùa. Ngoài ra còn có một số chữ Nôm khác được mượn âm đọc cổ hơn, như “trong” mượn âm “công”, “sâu” mượn âm “lâu ”, “sông” mượn “long” v.v... Chữ “một” được ghi bằng “miệt ”, chữ “sau” ghi bằng �� (cư + lâu). Đây là dấu tích âm đọc thường gặp ở thế kỷ XVII về trước. 

Những nhận xét trên gợi mở đôi điều khi nghiên cứu chữ Nôm trên bia thời Lí - Trần và trên các sách chữ Nôm từ thế kỷ XVII về trước. Trong số khoảng 60 văn bia thời Lí - Trần hiện biết, có khá nhiều bia có chữ Nôm, song lại là chữ Nôm được khắc lại về sau vì không ít văn bia Lí - Trần bị mờ mòn đã được khắc lại. Trong một số sưu tập thơ Nôm chép trong sách cũng vậy, trong đó tiêu biểu là Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông và một số người khác, hoặc như sách Khâm định thăng bình bách vịnh của chúa Trịnh vừa nêu trên được sao chép muộn hơn (vào thời Nguyễn, thế kỷ XIX), nên có những tự dạng chữ Nôm mượn ý như chữ “cửa” (cử + môn) vừa trình bày. 

Tóm lại, chữ Nôm trên bia thế kỷ XV-XVIII khá xác thực bởi hầu hết văn bia này còn giữ nguyên dấu tích ban đầu tạo tác, không bị khắc lại về sau như bia thời Lí - Trần. Chữ Nôm được sử dụng vẫn chủ yếu ở dạng tên người, tên đất, song lại xuất hiện trên một khối lượng văn bia đồ sộ, phân bố ở hầu khắp các địa phương miền Bắc và ở miền Trung (thế kỷ XVII - XVIII). Nếu sưu tập đầy đủ chữ Nôm trên bia không chỉ bổ sung một khối lượng không nhỏ chữ Nôm vào kho tàng chữ Nôm được sáng tác qua tác phẩm văn học, mà còn giúp định hình nét đặc trưng, diễn biến chữ Nôm về tự dạng, cũng như ngữ nghĩa. Qua đó bổ sung và góp phần đính chính một số văn bản Nôm cổ được sao chép về sau. 


TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH: 

1. Đinh Khắc Thuân: Hai bài thơ Quốc âm ở chùa Đậu, Nghiên cứu Hán Nôm, 2/1986, tr.80-84. 
2. Nguyễn Tá Nhí: Lối đánh dấu cá trong chữ Nôm, Tạp chí Hán Nôm, số 1+2/1987, tr.35-38. 
3. Trịnh Khắc Mạnh, Trương Đức Quả: Về những thác bản văn khắc chữ Nôm ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tạp chí Hán Nôm, số 2/1994, tr.15-21. 
4. Trương Đức Quả: Về diễn biến cấu trúc của chữ “cửa” Nôm trong một số văn bia Hán, Tạp chí Hán Nôm, số 4/1995, tr.14-16. 
5. Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc và đóng góp của nó trong nghiên cứu lịch sử thời Mạc, Luận án Phó Tiến sĩ Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 1996.

Đinh Khắc Thuân

0 nhận xét: