Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Nét đặc trưng nguy hiểm của Triết Việt



1.      Lao tâm lao lực một lòng 

Việt Nam đã có triết lý.

Không những thế nó có cả triết bình dân. Và nền triết này đặc biệt ở chỗ nó không khác triết bác học về nội dung mà chỉ khác về trình độ và ngôn ngữ. Và đấy là nét đặc trưng, nhưng lại là nét đặc trưng nguy hiểm.

Trước hết hãy bàn về điểm nhất, chúng ta sẽ dễ nhận ra đó là nét đặc trưng khi đem đối chiếu với các nền văn minh khác. Ở những nền văn minh Âu Ấn, triết học được sáng tạo hoặc do những người quý tộc hoặc do hàng tư tế tăng lữ là những giới không san sẻ cùng một đối tượng cùng một mối bận tâm như bàn dân. Người tri thức quý tộc Hy Lạp mải đi tìm ý niệm trừu tượng (Platon); giới tăng lữ Ấn Độ lo cầu đảo kinh sách, còn người dân đâu đâu cũng như nhau lo ăn lo làm, lo tình ái, lo về những mối giao liên giữa người với người. Vây mà trong xã hội Việt Nho lại không có tri thức quý tộc chủ trương sống bám trên lưng nô lệ, cũng như không có tư tế biệt lập khỏi dân nên nói được là văn hóa do dân, triết cũng do dân, và vì thế không có hai đối tượng cho hai giai cấp mà chỉ có một và đối tượng đó là của dân, tức không nói về sau hay trước mà về những người đang sống ở đây và bây giờ. Bác học hay bình dân cũng thế cả chỉ khác nhau có sự trình bày là để thích nghi với trình độ học thức mà thôi. Vì thế sự khác biệt hoàn toàn ở ngoại diện chứ không ở nội dung.

Do đấy mà có một nét đặc biệt vô cùng đó là siêu hình nằm ngay trong hữu hình và đấy là điểm khác hẳn Âu Tây như ông Alfred Meynard đã nhận xét: “Người Đông Phương đã đem cái vô hình xuống cuộc đời của họ. Họ sống với thế giới huyền bí… Trái lại người Âu Tây sống bên lề cái vô hình, phủ nhận nó nữa vì không biết đến có nó hay là họ bị sô đẩy vào nó mà không nhìn ra. Ở bên Việt Nam tục lệ tín ngưỡng đã pha trộn và hợp hóa thần bí tâm linh của Phật giáo với chủ nghĩa ma thuật của đạo giáo vào tín ngưỡng nguyên thuỷ, một phần hoạt động và tư tưởng đã dành cho phương diện vô hình của thiên nhiên. Đời sống hàng ngày của họ đã kết cấu bằng những đề tài huyền bí làm đề tài chính thức.  Suốt ba tháng đầu năm của dân Việt Nam cũng có rất nhiều nghi lễ trong ấy người ta thông cảm với thần linh hay kéo thần linh xuống một lúc gần với người, cùng với người san sẻ nỗi lo âu hay hy vọng” (Revue Indochinoise. Mai 1928).

Tôi trưng mấy lời của ngoại nhân để biểu thị tính chất khách quan. Khi không có hậu ý thì ngoại nhân cũng nhìn ra được nét đặc trưng của ta. Cần nhận xét rằng đây không phải là tình trạng bất phân sơ khai kéo dài, nhưng nó là hậu quả của một nền minh triết đã được vun tưới tài bồi. Gọi là Minh Triết vì đã được kết tinh vào kinh điển của dân Lạc Việt gọi là Lạc Thư mà căn để của nó là linh thiêng (cũng gọi là Hoàng Cực) được gói tròn giữa các việc ăn làm (biểu thị bằng bát trù) gọi là Hồng Phạm cửu trù. Hồng phạm là hình thái bác học còn khi biểu diễn cho toàn dân thì Hồng Phạm cửu trù trở thành câu chuyện bánh chưng bánh dầy rất quen thuộc. Đây là một câu chuyện triết lý rất cao độ, cao độ vì nhập thể vào một vật rất thường như cơm bánh. Cơn bánh là những cái ta tiếp cận mỗi ngày vài ba lần nên rất thường thế mà đã nói lên được rất nhiều ý nghĩa cao siêu. Chúng ta hãy lưu ý về hai điểm.

Điểm nhất là Hùng Vương không truyền ngôi cho con trưởng nam nhưng cho con nào tài ba hơn cả. Đây là giai đoạn chiết trung giữa truyền hiền của Việt Nho nguyên thuỷ và truyền tử của Hán Nho. Hùng Vương tham bám giữa Hán Nho là truyền tử, nhưng không truyền cho trưởng nam mà truyền cho con nào hiền tài, đó là chú ý đến truyền hiền của Viêm Việt.

Điểm thứ hai mới thực là đặc tính của Lạc Việt là tìm cái phi thường trong cái thường thường. Và cái thường thường hơn nhất là cơm bánh mọi người phải dùng hằng ngày, vậy mà Lang Liêu con thứ 18 của Hùng Vương lại dùng để diễn đạt được cả đạo trời, đạo đất, đạo người. Đấy là khả năng diễn tả cái phi thường bằng những cái thường thường khỏi cần đi tìm chân trâu hải vị mãi ở đâu đâu. Đấy là một tài ba thường không mấy người nhận ra được giá trị vì không thấy cái khó khăn của nó. Học triết là một việc nhiều người làm được nhưng nói lên triết bằng những lời đơn sơ, trong dăm ba câu, một hai cử chỉ… là một việc rất khó vì nó đòi sự thấu hiểu và nhập thể rất sâu là bậc chỉ dành cho một số người họa hiếm. Lang Liêu là một trong số họa hiếm đó vì đã khỏi phải nói dài dòng khó khăn quanh quất (huyền sử kêu là lên rừng xuống bể tìm vật lạ) nhưng chỉ với một cử chỉ cụ thể, tức hai cái bánh hình thái khác nhau mà nói lên được cả đạo trời, đạo đất, đạo người. Thật là một thứ đơn sơ siêu tuyệt, nên đã được Hùng Vương chấm ưu điểm “Cum maxima laude”, hết lời khen kèm theo ngôi báu, và để ghi nhờ Hùng Vương đã cho cải tên Lang Liêu (chữ hán) ra Tiết Liệu (chữ hán). Chữ Tiết Liêu vừa có nghĩa là biết lo liệu cách tiết kiệm không cần trèo núi lặn biển, sang Đông, chạy Tây, nhưng chỉ bằng mớ gạo bên tay với những cử chỉ hằng này như dọn cơm, làm bánh… thế mà nói lên được tiết điệu uyên nguyên của cả Đất, Trời, Người, tức là nói lên  cùng tột cái cơ cấu sâu thẳm và nhân đó là sự hiệu nghiệm của nền triết Việt.

Chương sau chúng ta sẽ nói đến cái đình, cũng là một tác động đáng mặt của Tiết Liệu. Ngay từ trong lối kiến trúc cái đình đã hiện thực được cơ cấu của Lạc Thư tức là vuông tròn lồng vào nhau: ao nước tròn bao quanh lấy cái đình gọi là Đông Đình hồ. Đồng thời đình còn là nơi quy tụ mọi hoạt động thuộc ba cấp là kinh tế, chính trị, và tinh thần tượng trưng cho tam tài địa, nhân, thiên. Đấy là một nền Minh Triết hết sức thiết cận vào thân tâm mỗi người Việt Nam lúc xưa. Với tinh thần tổng hợp ấy mọi sự việc đều có thể chở theo linh thiêng đượm màu Minh Triết. Hãy lấy một thí dụ thông thường là việc ve gái.

2.      Nghệ thuật ve gái

Ve gái đối với chúng ta nay là chuyện không nên bàn đến bởi vì nếu không có tội ít nhất cũng là thiếu đứng đắn. Sở dĩ người nay cho là không được đứng đắn vì đã được nhào nặn trong bầu khí của triết lý nhị nguyên. Mà với nhị nguyên thì tinh thần là tinh thần, vật chất là vật chất, tinh thần thì bay bổng cung mây còn vật chất thì nặng trình trịch nằm dính đét xuống mặt đất, phân minh rõ rệt như vậy chứ không có cái chuyện lộn sòng. Vì thế đã nói ra toàn nói về những cái cao thượng chứ ve gái thuộc vật chất đâu có ai dám bàn ít ra cách công khai.

Tiên hiền xưa thì lại nghĩ khác rằng ve gái là một việc thường ai cũng làm cả, kể từ tuổi dậy thì thì ai cũng ve, ve liên tiếp mấy năm có khi đến cả chục năm cho tới lúc lấy được vợ mới thôi, nhiều ông vẫn chưa chịu thôi vẫn lén lút ve mãi. Một số nhà tu không ve gái thì lại thiên về thờ nữ thần… Còn về phía gái nếu không ve trai thì lại sửa soạn để được ve mà nếu không được ve thì buồn thấu đến gáy. Cho nên ai nấy đều sửa soạn và sự sửa soạn này được nguỵ trang bằng tên sửa sắc đẹp. Chính ở những viện thẩm mỹ này mà bên các nước Âu Mỹ phụ nữ đã tiêu một số tiền vượt xa ngân sách quốc phòng. Cũng như ngân sách quốc phòng vượt qua ngân sách giáo dục… Vậy thì xét cả về bên ve lẫn bên chịu ve đều là việc rất lớn, thế mà triết lý lại lờ đi thì đâu có phải lẽ. Cho nên triết lý Việt Nho mới đề cập cả ở trình độ bác học cũng như ở trình độ bình dân.

Ở bác học thì việc ve gái được đưa vào Kinh điển, chiếm đứt một quẻ, mà lại là quẻ lớn tức quẻ 31 mở đầu phần nhì quyển Kinh Dịch gọi quẻ ve gái. Chữ Nho kêu là Hàm, đi trước quẻ Hằng 32 là việc vợ chồng “Đạo quân tử khởi từ vợ chồng” nhưng trước khi nên vợ chồng thì phải biết ve nhau. Vì thế hai quẻ Hàm Hằng có địa vị ngang với hai quẻ Càn Khôn. Càn Không mở đầu phần nhất Kinh Dịch, Hàm Hằng mở đầu phần nhì. Lẽ ra quyển này viết cho bình dân không nên đi vào chi tiết quẻ Hàm nhưng vì bình dân và bác học có liên hệ nằm ngầm nên tôi cứ đi vào ít trang, ai ngại có thể bỏ qua để đọc xuống đoạn “triết lý nhảy đầm”, một hình thức bình dân của đạo ve gái.

Ve gái là gì thì trời vị tất đã định nghĩa nổi vì nó có muôn vàn hình trạng, mục tiêu cũng rất phiền toái có khi chỉ cốt chiếm tí ngoài, hoặc gây nên một cái đỏ mặt, đỏ vì bực tức, đỏ vì thích thú… cho đến chỗ chiếm trọn vẹn cả toàn thân và tâm tình nữa. Cái vụ này mới rắc rối vì nếu chỉ có cái thân xác thì dễ hơn nhiều, ít ra có thể căn cứ trên sức mạnh mà tính toán, đàng này phải len lỏi đi đến tim cô nàng, sao cho nàng phải trả lại số cảm tình tương đương thì lúc ấy mới là đạt đạo ve. Đạo ve gái nói rằng “hàm cảm dã, nhị khí cảm ứng, dĩ tương dữ, chỉ nhi duyệt, chữ hán”: hàm là gây cảm sao cho hai khí kích thích và hưởng ứng nhau để tự tình đi đến chỗ kết hợp”.

Vậy tác động đầu tiên của ve là hãy hạ mã “nam hạ nữ”, nam phải đặt mình bên dưới nữ, cho hợp đạo chung là “nhu thượng nhi cương hạ” == mềm trên cứng dưới. Đấy là cốt tuỷ của đạo ve được diễn ta bằng quẻ Hàm (hình quẻ) kép bởi hai quẻ đơn: trên là quẻ đoài (hình quẻ) chỉ thiếu nữ, ao nước, đẹp lòng; dưới là quẻ cấn (hình quẻ) chỉ thiếu nam, núi và bền gan. Hai quẻ đó nói lên đạo ve gái ở tại làm đẹp lòng (đoài) và phải kiên trì bền chí (cấn). Thiếu nữ (đoài) phải ở trên thiếu nam (cấn), bởi vậy lời tượng của quẻ rằng “tượng viết sơn thượng hữu trạch, quân tử dĩ hư thụ nhân, chữ hán” : trên núi có đầm ao, quân tử coi đó mà lấy trống rỗng tiếp người. Lấy trống rỗng tức là lấy lòng trống rỗng không thiên kiến hay kỳ thị nào mà chỉ có tấm lòng trinh trong để xử kỷ tiếp vật. Đấy là đạo chung cho hết mọi việc, nếu áp dụng vào việc cai trị thì thiên địa an hòa, áp dụng vào việc nam nữ thì gây nên an lạc. Lòng trống rỗng biểu thị bằng quẻ đoài (trên có cái miệng) còn quân tử biểu thị bằng quẻ cấn là núi. Trên núi mà có sự trống rỗng thì chứa được nước là sự đẹp lòng. Người quân tử mà lòng trống rỗng thì được lòng dân.

Sự trống rỗng lòng sẽ được xác định trong các hào từ dưới trở lên để chỉ ngón chân, bắp thịt, đùi, bụng, tim, gáy, miệng v.v… có ý nói phải vượt những cái bé nhỏ để đạt tâm linh mới là đạo chân thực. Ta hãy đọc một lượt các hào:

Hào 1: Cảm ở ngón chân cái == “hàm kỳ mẫu: chí tại ngoại, chữ hán”: bắt đầu tuy đã có cảm nhưng còn ở thấp quá ngoài tâm, chí chưa dự vào chút nào.

Hào 2: Cảm ở bắp chân: hung, nhưng bền vững; thì tốt “hàm kỳ phi: hung, cư cát, chữ hán”. Hung vì cũng còn quá thấp, nhưng nếu bền chí thì chờ sự cảm ứng tự hào 5 trên thì sẽ gặp tốt, vậy đừng vội.

Hào 3: Cảm ở đùi, bám sát những kẻ theo mình mà đi thì có lỗi “hàm kỳ cổ, chấp kỳ tuỳ, vãng lẫn, chữ hán”. Đây là hào dương đã có thể tự động, nhưng vì còn ở đợt dưới nên dễ chấp theo hai hào theo mình là hào 1 và 2. Nếu như thế thì lầm.

Hào 4: “Trinh cát hối vong. Đồng đồng vãng lai, bằng tòng nhĩ tư, vị quang đại dã, chữ hán”, bền gan thì tốt, sự hối sẽ tan đi, trở đi trở lại với một ý thì chỉ có người bạn cũ theo anh, như vậy chưa sáng lớn. Đây là bước vào cửa tâm nên bền gan thì tốt. Còn nếu trở đi trở lại với một ý nhỏ nào đó thì chỉ có bạn theo. Bạn đây là hào 1 liên hệ với hào 4. Vì hào 1 bé nhỏ mà đi lại mãi thì chưa đạt ánh sáng lớn lao”.

Hào 5: “Hàm kỳ môi vô hối, chí mạt dã, chữ hán”, cảm đến gáy thì không còn hối hận vì chí đã ra tận đến ngành ngọn. Gáy là nơi ngự trị của óc con mà nhiều nhà sinh lý học kêu là “phần đất bí nhiệm” == “terra incognita”. Gọi là bí nhiệm vì người ta chưa khám phá ra được vai trò rõ rệt của nó, chỉ biết rằng nó rất nhạy cảm, mỗi khi gặp cái gì sợ thì tóc gáy “dựng lên” trước tiên, tức là nói lên sự nhạy cảm nhất của phần này. Có thể thí nghiệm khi đi đường xem thẳng vào gáy người nào (nhất là phụ nữ) một tí thì là người đó quay lại. Như thế tỏ ra gáy rất nhạy cảm; bởi vậy có người cho rằng óc con là nơi mà làm tình bắt liên lạc với óc lớn nơi sản xuất ra ý tưởng. Ý tưởng thường rõ rệt nhưng khô khan, song nếu được tinh thần linh nhuận thì nó sẽ trở nên ý lục giàu chất tác động, nên trong kinh nói là cái chí (tâm) đã tỏa ra tới ngành ngọn. Vì thế khi cảm đến gáy là tuyệt định của tác động ve gái.

Sang đến hào 6 thì lại xấu rồi, vì cảm ở má, mép, lưỡi “hàm kỳ phụ, giáp, thiệt, chữ hán”, hoàn toàn hời hợt ngoài môi miệng vậy thôi. Chữ miệng gợi lên do quẻ đoài, là miệng vì có hài gẫy ở trên như cái miệng mở ra. Lời kinh nói “đàng khẩu thuyết dã, chữ hán”, mở miệng ra chỉ có nói vậy. Chỉ có nói là ngoại diện, đối với hào 1 cảm ở ngón chân cái, cũng là hời hợt ngoài cùng. Có thể toàn bằng lời bôi bác và y như hào 1 cảm ở ngón chân tức những cảm xúc hạ đẳng bên ngoài. Trên ngón chân là cảm tình biểu thị bằng bắp chân rồi đùi ở hào 2, 3. Đợt sau nữa là tâm, nhưng ở hào 4 thì còn nguy vì liên lạc với hào 1; chỉ đến hào 5 là cao nhất vì ở gáy theo nghĩa bao gồm vừa ý ở hào 4 và tình ở các hào 2, 3 hòa trộn với nhau ở hào 5 là chí (chữ hán). Có đạt chí thì mới đạt đạo ve gái, cũng chính là một lối biểu hiện của đại đạo giữa trời với đất, giữa cha với con, giữa chồng với vợ, giữa người với người. Cho nên ve gái không còn là chuyện vớ vẩn nữa nhưng chính là một việc làm như trời với đất nên con người cũng phải tuân theo. Và bởi vậy có thể xem xét đường lối thông tình mà đoán ra được giá trị của mọi việc. Vì thế lời kinh quẻ Hàm mới nói:

“Thiên địa cảm nhi vạn vật hóa sinh
Thánh nhơn cảm nhơn tâm nhi thiên hạ”
Chữ hán
Trời với đất cảm nhau mà vạn vật hóa sinh. Thánh nhơn cảm hóa lòng người mà thiên hạ được hưởng hòa bình.

Trở lên là thử đem ra một lối bác học để trình bày về việc “nam nữ thông giao”. Tất nhiên đó là lối rất khó chỉ một số nhỏ người có trí thông minh và đủ điều kiện mới đi vào được. Nhưng đạo là đạo chung mọi người, vậy cần lối bình dân, nhiều lối bình dân để rất nhiều người tham dự trong đó có lệ hát trống quân, mà chữ Nho kêu là “lễ sơn thuỷ” hay là sông núi, còn nếu gọi bằng danh từ ngày nay thì là lối “nhảy đầm công cộng” mà chúng ta cần bàn tới. 

3. Triết lý nhảy đầm 

Nhảy đầm là chữ nhà quê còn người trí thức gọi là khiêu vũ, nghe sang hơn nhưng không cụ thể và bình dân bằng hai chữ nhảy đầm. Nhảy đầm là do Tây đưa vào nó có tính cách cá nhân còn nếu nhảy đầm công cộng thì đã có bên ta từ lâu đó là hát trống quân. Trống quân không những khác nhảy đầm vì tính chất công thể tức không nhảy với một bà nhưng nhảy với một đàn bà. Nét thứ hai trong việc nhảy còn có cái gì linh thiêng bao bọc nên trống quân lẽ ra phải được tổ chức dưới núi, bên bờ sông ở cửa Đông Nam của thành hay làng. Thường thì những điều kiện đó khó hội đủ nên người xưa đã sáng chế ra tiếng trời tiếng đất để thay thế cho những điều kiện trên kia. Đó là cái trống đất (đào lỗ xuống đất) lại có dây chằng ở trên chỉ trời. Khi hát mà gõ lên dây phát ra tiếng gầm gừ như là tiếng đất tiếng trời đệm theo quấn quýt lấy những lời hát đối của đôi bên. Còn những lời đối đáp qua lại nhiều khi chở theo rất nhiều yếu tố triết bình dân. Hãy đưa ra vài thí dụ: miếng trầu là đầu câu chuyện.

Bè nữ:
Gặp nhau ăn một miếng trầu
Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào

Bè nam:
Miếng trầu đã nặng là bao
Muốn cho đông liễu tây đào là hơn

Bè nữ:
Miếng trầu kể hết nguồn cơn
Muốn xem đây đấy thiệt hơn thế nào.

Bè nam:
Miếng trầu là nghĩa xướng giao
Muốn cho đây đấy duyên nào hợp duyên.

Thí dụ khác:

Bè nam
Ở đâu năm cửa nàng ơi?
Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng”
Sông nào bên đục bên trong?
Núi nào thắt quả bồng mà có thánh sinh?
…………………………………………………………
Ai mà xin được túi đồng?
Ở đâu mà lại con sông Ngân Hà?
Nước nào dệt gấm thêu hoa?
Ai sinh ra cửa ra nhà nàng ơi?
Kìa ai đội đá vá trời?
Kìa ai trị thuỷ cho đời được yên?

Bè nữ:
Thành Hà Nội năm cửa chàng ơi.
Sông Lục Đẩu sáu khúc nước chảy suôi một dòng.
Nước sông Tương bên đục bên trong.
Núi đức Thánh Tản thắt quả bồng mà lại có thánh sinh.
…………………………………………………………………
Ông Khổng Minh không xin được túi đồng.
Trên trời lại có con sông Ngân Hà.
Nước Tàu dệt gấm thêu hoa.
Ông Hữu Sào sinh ra cửa ra nhà chàng ơi.
Bà Nữ Oa đội đá vá trời.
Vua Đại Vũ trị thủy cho đời được yên.

Bè nam:
Bây giờ mận mới hỏi đào,
Vuờn hồng đã có ai vào hay chưa?

Bè nữ:
Mận hỏi thì đào xin thưa:
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.

Nam kết:
Ai về đường ấy hôm nay
Gởi dăm điều nhớ gởi vài điều thương.
Gởi cho đến chiếu đến giường.
Gởi cho đến chốn buồng hương em nằm.

Đại khái đó là vài mẫu khi đọc lên nhận thấy hai điểm đặc sắc sau đây.

Thứ nhất là tính chất động đích của trống quân khác với nhảy đầm. Nhảy đầm chỉ cần biết đưa tay đưa chân sao cho hợp với điệu nhạc khỏi phải suy nghĩ, cũng khỏi phải hát nữa, đã có máy. Trống quân thì phải hoạt động hơn nhiều; miệng phải hát, tâm trí phải tác động để đối đáp, vì không được hát bài có sẵn mà phải tuỳ cảnh mà sáng tác lấy rồi hát lên tức khắc cho hợp câu hỏi.

Thứ hai là ý phải từ xa tới gần, mà gần cuối cùng là việc lấy nhau, nói lên một cách không úp mở nhưng phải nói “hoa tình” tức là nói lên cách văn hoa và như thế nó không phải là một sự vui giải trí như nhảy đầm, mà là việc làm có chủ đích đưa đến hôn nhân nhưng đưa đến bằng nghệ thuật, bằng múa hát, tức là một lối triết lý toàn diện. Tất cả tinh thần vật chất hòa trộn với nhau, chứ không có kiểu phân chia. Vào điện hay đền thờ lạy, rồi ra xóm bình khang chui lủi: tinh thần ra tinh thần, vật chất ra vật chất. Ở đây tinh thần vật chất hòa hợp ngay trong một nơi, một lúc theo đúng triết lý tìm phi thường trong cái thường thường.

4.      Nguy cơ

Trở lên là thử đưa ra một hai thí dụ về sự thấm nhập của triết lý vào trong mọi hành vi cử chỉ của người Việt. Đấy là ơn ích rất lớn và nếu biết làm phục hoạt thì sẽ là bài thuốc chữa bệnh thời đại mà Herbert Marcuse kêu là bệnh duy một chiều kích. Hay cũng quen gọi là nhị nguyên, tức là duy vật hoặc duy linh. Linh thiêng được biểu lộ rất lớn lao trong bao nhiêu điện đài, bao nhiêu sách, bao nhiêu người hy hiến thân tâm cho tinh thần. Nhưng vì là nhị nguyên nên anh đi đường anh tôi đi đường tôi.

Đạo là đạo.
Đời là đời.

Hóa cho nên đời trở nên vô đạo, mặc dầu các thứ đạo lý truyền bá khắp nơi nhưng vì đứng ngoài đời nên đời vẫn vô đạo.

Nhưng hỏi vậy tại sao người đời không để ý đến đạo nằm ngay trong đời. Thưa vì đó là điều rất khó và rất dễ quên đi. Rất khó vì người ta dễ chú ý những cái gì ngoài mình, vì lúc ấy nó là đối tượng, giác quan có thể tác động. Còn như Đạo đã lẫn vào đời vào thân tâm thì không còn đứng ngoài nên không còn là đối tượng. Vì thế Kinh Dịch mới nói là “bách tính nhật dụng nhi bất tri chi, chữ hán”, bách tính dùng hằng ngày nhưng không biết đến. Không biết đến nên là nguy cơ, và mối nguy cơ đó càng ngày càng trở nên lớn lao vì không những bách tính là thường dân không biết, mà cả giới trí thức cũng không biết đến nữa, thế mới nguy. Vì từ lúc ấy họ sẽ đi tìm triết ở xa xăm theo cả hai nghĩa, một là phát xuất từ ngoài đời sống, đứng ngoài con người nên dễ được tìm thấy, dễ được học hỏi, và do vậy gây nên cho nền triết lý Việt Nam một cơn thử thách lớn lao như chưa từng thấy. Vì hầu hết tri thức trong nước đã bỏ triết nhà để chạy theo triết ngoài.

Có còn cách nào cứu vớt nổi tình trạng này chăng? Chưa biết, nhưng chắc một điều là nếu không cứu với nổi tinh thần triết Việt thì chúng ta chỉ còn có triết học để học, nghĩa là để mà chơi. Chứ còn triết lý tẩm nhuận việc ăn làm, triết lý hướng dẫn thân tâm thì không còn nữa. Bởi vậy dù thành hay bại việc đáng làm là chúng ta hãy cố gắng làm. Và đó là mục tiêu của quyển sách nhỏ này, và đường lối của quyển này là bình dân. Cụ thể là những lễ lạy đình đám mà vì tinh thần thống nhất nên chúng ta có quyền coi chúng như tài liệu chân thực về triết lý bình dân trong đó cái đình là trung tâm hiện thực nên lấy đó làm đầu đề cho sách: triết lý cái đình.

Lm Kim Định
(Trích trong tác phẩm " Triết lý cái đình")

0 nhận xét: