Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Xem hiện vật từ di tích Chăm nghìn năm ở Đà Nẵng


12/12/2012 09:26
Sáng 11/12, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã công bố những phát hiện mới, độc đáo về di tích kiến trúc đền tháp Chăm có từ thế kỷ XIII tại khu vực Cấm Mít.
Đây là di tích kiến trúc đền tháp Chăm tại khu vực Cấm Mít (thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), được Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp khai quật trên diện tích hơn 500m2 từ cuối tháng 9/2012 đến nay.
Tympan (lá nhĩ) khắc hình tượng chim thần Garuda nổi khối, một phát hiện mới, độc đáo về triến trúc văn hóa Chăm
Sau thời gian khai quật, các nhà nghiên cứu đã xác định được toàn bộ quy mô, mặt bằng và cấu trúc nền móng kiến trúc đền tháp Chăm tại khu vực như: hệ thống tường bao, tháp thờ chính, tháp cổng, nhà dài, hệ thống đường đi… và nhiều di vật có giá trị nghệ thuật, nghiên cứu.
Đặc biệt, tại đây, nhóm nghiên cứu đã phát hiện 5 Tympan (lá nhĩ) khắc hình tượng chim thần Garuda nổi khối trong tư thế nhìn thẳng hay hộ trì có thể khối lớn với kích thước: rộng từ 1,38-1,66m, cao 1,27 – 1,42m, dày 0,56 – 0,62m.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khu đền tháp Chăm này có niên đại khoảng thế kỷ XIII-XIV, có nhiều điểm khác biệt với di tích Chăm khác được phát hiện trước đó.
Lá nhĩ là phát hiện độc đáo và đặc biệt nhất, được khắc hình tượng chim thần Garuda. Phát hiện này đã lấp khoảng trống nhận thức trước đây của giới nghiên cứu về hình tượng này.
Cũng theo giới chuyên môn, Cấm Mít là một di tích đền tháp Chăm khá đặc biệt, mang phong cách rất riêng, ẩn chứa trong nó nhiều thông tin…nên nhóm nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ.
Trước đó, tháng 8/2012, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội công bố kết quả khai quật khu đền tháp Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) với phát lộ hố thiêng độc đáo, lần đầu tiên phát hiện nằm ở trung tâm tháp Chăm.
Cổ vật được khai quật tại di chỉ đền tháp Chăm khu vực Cấm Mít có niên đại từ thế kỹ XIII-XIV.
Lá nhĩ khắc hình tượng chim thần Garuda nổi khối.
Những cổ vật lần đầu tiên được phát hiện phần nào lý giải về văn hóa, tín ngưỡng của người Chăm xưa.
Theo VTC
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/100687/xem-hien-vat-tu-di-tich-cham-nghin-nam-o-da-nang.html

***

Phát lộ bí ẩn trong lòng đất tháp cổ Mỹ Sơn


4/12/2012 12:06

Như VietNamNet đã đưa tin, mới đây khi nước mưa chảy đã làmphát lộ bức tượng Linga bằng đá sa thạch tại di sản Mỹ Sơn, trên đầu bức tượng có chạm nổi hình tượng thần Siva- tên gọi là Mukhalinga. Đây là nét khác biệt so với các tượng Linga được phát hiện trước đó. Chính những khác biệt của bức tượng Linga này đã hé lộ thêm những cứ liệu về những bí ẩn trong lòng đất của tháp Chăm Mỹ Sơn…
các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật dưới lòng đất Mý Sơn 
đã phát lộ hàng nghìn hiện vật bằng đá sa thạch, gạch ngói…

Không phải đợi đến khi bức tượng Linga có khắc chạm nổi hình thần Siva trên đầu bức tượng được phát lộ tình cờ do mưa lũ, mà trước đó trong nhiều đợt khai quật khảo cổ tại khu thánh địa Mỹ Sơn của Viện Khảo cổ học kết hợp với Trung tâm bảo tồn di sản-di tích Quảng Nam đã phát lộ những bí ẩn dưới lòng đất của khu di tích Chăm Mỹ Sơn-Di sản Văn hoá Thế giới.

Theo các nhà khảo cổ học cho biết họ đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về những hiện vật vừa mới phát hiện, cũng như hàng nghìn hiện vật được phát hiện trước đó dưới lòng đất của khu tháp Chăm Mỹ Sơn đã cho thấy đã từng có một Mỹ Sơn cổ trong lòng đất, với nhiều lớp kiến trúc của nhiều triều đại khác nhau cùng tồn tại.…

Kết quả báo cáo trong các đợt khai quật khảo cổ học trong nhiều năm qua tại khu vực tháp cổ Mỹ Sơn cho biết tại 3 hố khai quật được ký hiệu: H1, H2, H3 ở khu vực phía đông nhóm tháp D, và một đoạn suối khe Thẻ, trên tổng diện tích 390 m2. Các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 445 hiện vật gồm nhiều chủng loại như các thành phần kiến trúc bằng đá, gạch, ngói….

Đáng quan tâm là vật liệu kiến trúc bằng đá được phát hiện trong đợt khai quật này gồm 235 hiện vật có nhiều kích thước khác nhau, được tạo dáng khá đa dạng, với nhiều hoa văn. 
Một kiến trúc bằng đá sa thạch được tìm thấy dưới lòng đất Mỹ Sơn

Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã phát hiện chức năng của từng hiện vật tìm thấy trong kiến trúc như một thanh đá dài 1,78 m, dày 0,42 m, rộng 0,43 m có hai lỗ mộng tròn, được xác định là mi cửa. Dấu vết cho thấy mi cửa này được sử dụng nhiều tạo vết mòn hình elip. 

Còn 6 thanh đá, trong đó thanh dài nhất 2,12 m, dày 0,22 m, rộng 0,24 m, được tạo dáng thẳng vuông sắc cạnh, hai đầu có mộng lồi gắn liên kết, được xác định là cột cửa. Đặc biệt có một cột cửa gồm 3 thanh đá ghép lại với nhau tạo nên hình bát giác dài 1,05 m, cạnh lớn 0,34 m, dày 0,18 m. 

Theo nhận định ban đầu của các nhà khảo cổ học có thể là chiếc cột của kiến trúc có niên đại sớm. Nhiều hiện vật bằng đá với những hình trang trí gọn nhẹ, khoẻ, bề mặt có nhiều hoạ tiết hoa văn trang trí khác nhau.

Nhiều hiện vật bằng gạch được tìm thấy thường có màu đỏ nhạt, độ nung không cao, giữa có lõi màu xám nhạt, xương gạch pha bã thực vật, độ hút ẩm, hút nước cao. Kích thước gạch đo được 0,26m x 0,16 m x 0,05 m. Hoa văn được chạm khắc trên gạch thường thể hiện hoa dây uốn lượn, lá thực vật, nhưng chủ yếu được khắc thành các khối chìm, nổi tạo nên khối trang trí trong kiến trúc. 

Đáng chú ý là đã phát hiện 4 khối gạch được tìm thấy tại hố khai quật H2 được các nhà khảo cổ nhận định là được xây với kỹ thuật mài chập khối liên kết vững chắc, mạch xây liền khít không lộ chất kết dính. 

Khối liên kết bề mặt được khắc tạc trang trí với băng chạy dọc, thể hiện hoa văn dây xoắn uốn lượn hình sin với những hoạ tiết móc xoắn nối nhau. Hai bên tạc hai cột tiện tròn với những vòng bán khuyên chia thành nhiều đoạn nối nhau một cách hài hoà. Phong cách thể hiện lấy tính đăng đối làm chủ đạo, tạo nên nhịp điệu trong thành phần kiến trúc. 

Ngoài hiện vật kiến trúc bằng đá và gạch, còn phát hiện hàng nghìn mảnh ngói, với nhiều loại khác nhau như ngói âm, ngói dương, đầu ngói ống, mãnh ngói mũi hình lá…và hai hiện vật mảnh gốm gồm mãnh miệng và mảnh thân. Mãnh miệng có màu vàng sậm, miệng vê tròn, uốn cong thót lại, đường kính 0,11 m. 

Nhận định ban đầu của các nhà khảo cổ có thể đây là mảnh miệng Kendi bị  vỡ. Mảnh thân gốm màu vàng sậm, để trơn không trang trí hoa văn, bên trong có dấu vết kỹ thuật chế tác bằng bàn xoay. 

Theo nhận định ban đầu của các nhà khảo cổ tham gia khai quật cho biết, đây là những thành phần của các công trình kiến trúc đá được chế tác hoàn chỉnh, được xem là một bộ phận của kiến trúc tháp xây bằng đá bị sập đổ. 

Mặc dù chưa tìm được nền tháp, nhưng các nhà khảo cổ học đã đưa ra nhận định ban đầu có thể đây là khu đền tháp được xây dựng thế kỷ 9 và 13, đã bị sập đổ được phát hiện tại các vị trí có độ sâu từ 0,9 đến 2,3 m so với mặt nền các tháp hiện còn. Các hiện vật đã được lập hồ sơ khoa học, bảo vệ và trưng bày tại chỗ phục vụ cho nghiên cứu và tham quan.

Một giả thiết được các nhà khảo cổ đưa ra khá thú vị, đó là căn cứ những hiện vật tìm thấy tại hố khai quật H1 gồm các mảnh ngói, các kiến trúc bằng đá, bước đầu đã đưa ra nhận định đây là dấu vết kiến trúc của một công trình có lợp mái ngói. Loại hình ngói được tìm thấy trong lòng đất Mỹ Sơn thường được phát hiện tại vùng kinh đô cổ Trà Kiệu và thường có niên đại sớm khoảng thế kỷ thứ IX. 

Các kiến trúc vừa được phát hiện đều để lại dấu vết đổ nghiêng về phía lòng suối khe Thẻ. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự nghiêng, lún của các công trình kiến trúc hiện còn. Vì vậy, vấn đề đặt ra trong nghiên cứu khảo sát địa tầng xung quanh tháp là một công việc cần thiết cho công tác bảo quản các công trình kiến trúc của di sản…-Giáo sư,Tiến sĩ Trần Trung Tín, Phó Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam nhận định.

Còn Tiến sĩ Lê Đình Phụng, Viện khảo cổ học Việt Nam thì đưa ra nhận định: “ Khi nghiên cứu các công trình kiến trúc tại Mỹ Sơn, nhiều nhà khoa học và khảo cổ học đã nhận thấy là trong mỗi nhóm các công trình kiến trúc được xây dựng có nhiều niên đại khác nhau còn tồn tại dưới lòng đất cũng như hiện hữu trên mặt đất. 

Nhiều kiến trúc được xây dựng trên cơ sở của kiến trúc cũ. Nhưng, các kiến trúc cổ có niên đại xây dựng từ khi nào vẫn đang còn là bí ẩn chưa được giải mã. Kết quả nhiều đợt  khai quật  trong lòng đất khu tháp Chăm Mỹ Sơn phần nào đã hé mở cho phép kết luận rằng đã từng có một Mỹ Sơn cổ trong lòng đất cội nguồn của các công trình kiến trúc còn hiện diện-Đó là nhận định chung của các nhà khảo cổ học cũng như các nhà khoa học chuyên ngành đã từng đến Mỹ Sơn nghiên cứu nhiều năm qua. 
Những hình ảnh được phát lộ dưới lòng đất Mỹ Sơn minh chứng cho sự tồn tại một Mỹ Sơn cổ trong lòng đất, với nhiều lớp kiến trúc của nhiều triều đại khác nhau cùng tồn tại.…
Một phiến đá hình trụ trên thân được khắc chạm nhiều chữ cổ nằm sâu dưới lòng đất được các nhà khảo cổ phát lộ dưới lòng đất khu đến tháp Mỹ Sơn

Nhiều phiến đá chạm khắc được phát lộ

Một hố khai quật dưới lòng đất Mỹ Sơn đầy gạch ngói vỡ vụn
Phiến đá hình trụ được xác định là trụ cửa đền thờ
Một phiến đá dài có lỗ mộng sâu được xác định là đà cửa đền thờ

Vũ Trung
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/99600/phat-lo-bi-an-trong-long-dat-thap-co-my-son.html

0 nhận xét: