Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Khám phá “thuyền chiến” cơ động đầu tiên của người Việt

Cập nhật lúc 14:01 19/03/2013 (GMT+7)
(Kienthuc.net.vn) – Thời Hùng Vương, thuyền bè là trang bị quân sự quan trọng bậc nhất, làm nhiệm vụ chuyển quân, chuyên chở vũ khí lương thảo và tham gia những trận thuỷ chiến. 
Từ xa xưa, người Việt cổ đã sống gần sông nước, có tiếng giỏi bơi lặn, giỏi chèo thuyền. Sử sách Trung Quốc cổ có ghi lại, miền đất Văn Lang là “xứ sở của những người sống được dưới mặt nước”; hay, ở đất Việt cổ “việc trên cạn ít, việc dưới nước nhiều”… Các tư liệu lịch sử cũng ghi chép lại những chiến thắng oai hùng của quân ta trong các trận chiến trên sông nước. 


Trong giai đoạn từ Hùng Vương - An Dương Vương đến thế kỷ X, trang bị quân sự các chiến binh còn rất đơn giản, về cơ bản, chưa phân biệt rạch ròi với các trang bị, đồ dùng sinh hoạt thường ngày của nhân dân. Khi đó, thuyền bè là trang bị quân sự quan trọng và đáng chú ý hơn cả đối với các chiến binh. 


Thuyền chiến được khắc trên các trống đồng thời Hùng Vương cũng là hình tượng tiêu biểu cho thủy quân thời sơ khai. Những chiến binh cầm vũ khí, đứng trên thuyền được khắc trên tang trống hay thân thạp đồng Đông Sơn chứng tỏ vai trò của thuyền bè trong chiến đấu của người Việt từ thời Đông Sơn cho tới sau này. 


Đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều công trình, tác phẩm đề cập tới hình ảnh và sức mạnh những chiếc thuyền chiến thời Hùng Vương-An Dương Vương. Dựa vào hình ảnh hàng trăm chiến thuyền được khắc họa trên các trống, thạp và trên một số chiếc rìu “nghi trượng”, kết hợp với những tài liệu về chính con thuyền đào được ở Ngũ Thái (Bắc Ninh) và mộ quan tài hình thuyền ở Việt Khê (Hải Phòng)… các nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu lịch sử Việt Nam đã phân chia sơ bộ thuyền bè thời Hùng Vương-An Dương Vương thành ba loại dựa theo hình dạng và quy mô.


 Trống Ngọc Lũ. Ảnh: Internet.
Thuyền độc mộc và thuyền thúng


Thuyền độc mộc và thuyền thúng là loại nhỏ và đơn giản hơn cả. Những chiếc quan tài hình thuyền thuộc Văn hoá Đông Sơn phát hiện được phổ biến ở vùng trũng đồng bằng sông Hồng cho biết phần nào hình dạng những chiếc thuyền độc mộc. 


Chiếc quan tài hình thuyền ở Việt Khê là một ví dụ. Quan tài được làm từ một thân cây gỗ rất lớn, đường kính tới gần 1m, được khoét rỗng hình lòng máng, sâu từ 0,24-0,34m, bên ngoài chỉ đẽo vạt sơ qua, hai đầu bịt bằng hai tấm ván dày có rãnh và chốt hãm, đầu lớn rộng 0,77m, đầu nhỏ rộng 0,57 m. Quan tài có hình dáng như một chiếc thuyền độc mộc dài 4,76m. 

Ngoài mộ thuyền Việt Khê, phần lớn quan tài hình thuyền Đông Sơn có chiều dài trên dưới 2m, đường kính khoảng 0,5m, nhưng chắc những chiếc thuyền độc mộc được các chủ nhân ở những mộ này sử dụng lúc sinh thời phải có quy mô lớn hơn. Tính theo luật tương quan những chiếc thuyền độc mộc khắc trên trống Đồi Ro, làng Vạc, các nhà nghiên cứu cho rằng những thuyền đó có chiều dài ít nhất là 3m, dài nhất tới 10m. 


Loại thuyền độc mộc đơn giản này hiện vẫn còn được đồng bào miền núi sử dụng để đi lại trong phạm vi hẹp, chở được chừng vài ba người và hàng hoá nhẹ.


Những chiếc thuyền khắc hoạ trên vài chiếc rìu phát hiện được ở vùng sông Mã được một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là loại thuyền thúng. Thuyền thúng được đan bằng tre, sơn, trít nhựa cây, sơn ta để chống thấm nước. Thuyền có hình bầu dục, chở được tối đa ba người. Tuy nhiên khảo cổ học chưa phát hiện được một chiếc thuyền nào kiểu này.


Nếu thuyền độc mộc được sử dụng nhiều ở vùng núi độ dốc cao, nhiều thác thì thuyền thúng chủ yếu được dùng ở các vùng sông nước có dòng chảy êm đềm hơn và phạm vi hoạt động hạn hẹp hơn. Tuy nhiên, trong chiến đấu, khi cần thì cả thuyền độc mộc, cả thuyền thúng đều có thể tham gia đánh trận được. Đó là chưa kể có những trường hợp, đặc biệt là với lối đánh du kích, thì những loại thuyền nhỏ có tính cơ động, gọn nhẹ và đảm bảo yếu tố bí mật bất ngờ, lại đắc dụng hơn.


Thuyền ghép ván


Trên những trống, thạp Đông Sơn có niên đại tương đối sớm như Cổ Loa, Miếu Môn, sông Đà… khắc hoạ những chiếc thuyền thuộc loại lớn hơn. Đây không còn là những chiếc thuyền độc mộc nữa mà đã là những chiếc thuyền ghép ván có cấu tạo phức tạp, bao gồm cả chèo lái ở đuôi thuyền, một số trường hợp ở đáy thuyền có một hoặc hai tấm ván để giữ thăng bằng. Chiều dài của thuyền loại này có thể từ 10-15m.


 Các loại chiến thuyền thời Hùng Vương. (Ảnh Internet).
Thuyền chiến 


Loại thuyền lớn nhất, có thể gọi là thuyền chiến được khắc họa trên những chiếc trống Đông Sơn đẹp nhất như trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, thạp đồng Việt Khê, Hợp Minh… Điểm nổi bật của loại thuyền chiến này là bộ phận vọng lâu - có thể là nơi dành cho người chỉ huy hoặc là đài quan sát và chắc chắn nhất là vị trí chiến đấu của những lính cung nỏ. 


Tính theo luật tương quan, thuyền ghép ván có thể có chiều dài tới trên 20m. Đầu và đuôi thuyền có cấu tạo phức tạp. Mái chèo lái đằng đuôi rất lớn, rộng bản, người đứng hoặc ngồi chèo trong tư thế gắng sức. Sạp vọng lâu bố trí ở phần nửa sau thân thuyền, có khi gần giữa, có khi lui về phía đuôi thuyền. Vọng lâu cao chừng trên 1,5m. Trên sạp vọng lâu có từ 1-2 người đứng trong đó và bao giờ cũng có một người sử dụng cung tên hoặc nỏ. Dưới sạp cất giữ đồ đồng quý như trống, bình đồng. 


Ở giữa thuyền hoặc lui về phía mũi là vị trí của người đứng đánh trống. Chiếc trống da được đặt nằm ngang trên một hệ thống cọc, đỡ cao ngang ngực hoặc ngang mặt người đánh. Tay trái của người này đặt trên mặt trống, tay phải giơ ra sau nắm đầu một tù binh bị trói ngồi bệt trên sàn thuyền. 


Ở sát mũi thuyền là một chiến binh ngồi, hai tay cầm rìu xéo giơ lên phía trước. Sau anh ta có chiến binh đứng tay cầm giáo. Cũng như vậy, phía sau người đánh trống da, có khi có thêm một chiến binh cầm giáo, lao áp chế tù binh.


Thuyền trên trống Hoàng Hạ có thân ghép ván tương tự thuyền Ngọc Lũ, chỉ có một vài điểm khác rất nhỏ. Như vậy, trên các thuyền chiến, trừ người ngồi cuối thuyền bẻ lái, những người còn lại đều là chiến binh cầm vũ khí hoặc người chỉ huy đánh trống thúc trận. Tính chất thuyền chiến của loại thuyền lớn này là rõ ràng. 


Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, không loại trừ khả năng những chiếc thuyền chiến thể hiện trên các trống, thạp này đang tham gia vào một ngày lễ hội lớn nào đó. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì các thuyền chiến này đang tham gia “duyệt binh”, phô diễn sức mạnh và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của mình 

Phạm Thủy
Nguồn: http://kienthuc.net.vn/di-san/201303/Kham-pha-thuyen-chien-co-dong-dau-tien-cua-nguoi-Viet-899749/

0 nhận xét: