Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Bậc cầu nguyện thứ nhất

 



BẬC CẦU NGUYỆN THỨ NHẤT

- Chương 11
Mẹ Thánh nêu lý do tại sao chúng ta không học biết yêu mến Chúa cách hoàn hảo mau chóng được. Người dùng lời so sánh để trình bày bốn bậc cầu nguyện và nói đôi chút về bậc thứ nhất, rất hữu ích cho những người mới bắt đầu bước vào đường cầu nguyện và những người không được an ủi trong việc cầu nguyện.
***
Bây giờ con sẽ nói về những người mới bắt đầu phục vụ tình yêu – nói thế vì con nghĩ khi bước vào đường cầu nguyện tức là chúng ta cương quyết bước theo Đấng đã tha thiết yêu thương chúng ta. Chỉ nghĩ đến tước vị cao sang ấy, con đã tràn ngập sung sướng, vì nếu ngay ở bước đầu mà chúng ta đã hành động cho phải phép thì sự sợ hãi có tính cách tôi đòi sẽ biến tan đi tức khắc. Ôi lạy Chúa của hồn con và là Đấng Thiện Hảo của con! Khi một linh hồn đã quyết định từ bỏ mọi sự, đã thực hiện tất cả những gì mà khả năng cho phép để được yêu mến Chúa và để có thể hiến mình cách hoàn hảo hơn cho tình yêu Chúa, thì tại sao Chúa lại không vui lòng cho nó nếm hưởng ngay niềm vui dành cho những người đã chiếm hữu tình yêu trọn hảo này? Nói thế là con đã nói sai. Lẽ ra con phải buồn lòng mà nói tại sao chính chúng ta không muốn tiến lên chiếm hữu niềm vui ấy? Chỉ tại lỗi chúng ta mà chúng ta không được hưởng ngay cái hạnh phúc khôn sánh ấy thôi. Nếu chúng ta thực sự yêu mến Chúa cách trọn hảo, thì tự trong tình yêu và cùng với tình yêu ấy đến với chúng ta mọi sự lành. Nhưng chúng ta quá lừng khừng và bủn xỉn trong việc tế hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa nên chúng ta không có đủ điều kiện để lãnh nhận ơn cao trọng mà ý Người muốn là chúng ta phải trả một giá rất đắt thì mới được vui hưởng.
2. Con thấy rõ ở thế gian này không có gì có thể mua sắm được ơn trọng đại này. Nhưng nếu chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể để được ơn ấy; nếu chúng ta không còn luyến ái các vật trần thế; nếu tất cả chú tâm và tất cả những cuộc giao tiếp của chúng ta đều hướng về trời, thì con không hề nghi ngờ rằng Chúa sẽ vội ban ngay ơn trọng này cho chúng ta, miễn là chúng ta dọn mình cách chu đáo và mau mắn như một số vị thánh đã làm. Thế nhưng khi chúng ta tưởng mình đã dâng hiến tất cả cho Thiên Chúa, mà kỳ thực, chúng ta chỉ mới dâng cho Người chút lợi tức hay mớ hoa trái trong vườn ruộng thôi, còn tiền vốn và quyền sở hữu vườn ruộng, chúng ta giữ lại cho chính chúng ta. Chúng ta quyết định sống nghèo và đó là điều dốc quyết rất đáng thưởng công, nhưng chúng ta lại luôn thu tích và liệu làm sao để khỏi phải thiếu thốn, không chỉ những vật cần thiết mà cả những cái dư thừa. Chúng ta cố kết thân với nhiều người để họ cung cấp những thứ này cho chúng ta, thế là chúng ta chẳng thiếu thốn gì cả. Khi đã chiếm hữu làm của riêng rồi, chúng ta coi trọng nó, có khi còn gắn bó với nó hơn trước nữa. Chúng ta còn cho rằng khi đã đi tu, đã bước vào đời sống thiêng liêng và theo đuổi sự hoàn thiện tức là chúng ta đã từ bỏ cái cảm quân tự đại về mình. Thế nhưng nếu có ai vừa làm tổn thương danh dự của chúng ta là tức khắc chúng ta quên bẵng đi rằng chúng ta đã dâng nó cho Thiên Chúa. Rồi chúng ta cố gắng giữ nó lại và như người ta nói, chúng ta giựt nó ra khỏi chính tay của Thiên Chúa, dù bề ngoài có vẻ chúng ta để cho Người làm chủ ý chí chúng ta! Về hết mọi sự khác, chúng ta cũng xử sự giống như vậy.
3. Đó là cách thế kỳ lạ chúng ta sử dụng để tìm kiếm tình yêu Thiên Chúa! Như người ta nói: chúng ta mong chiếm hữu trọn đầy tình yêu ấy, đồng thời chúng ta vẫn duy trì những mối tình cảm riêng chúng ta! Chúng ta không cố gắng thực hành đến tận nơi ước muốn của mình, cũng không muốn nâng những ước muốn ấy lên cao xa khỏi mặt đất. Những người hành động như thế làm sao có thể xứng đáng lãnh nhận những nguồn ơn an ủi thiêng liêng này. Theo con, hai thái độ này không thể dung hoà được. Bởi không thể từ bỏ bản thân hoàn toàn, thì không bao giờ Thiên Chúa cho chúng ta trọn vẹn kho tàng quí báu đó. Nguyện Người được chúc tụng khi ban cho chúng ta từng tí một thôi. Dù chỉ tiếp nhận tí một thôi cũng đòi hỏi chúng ta phải chịu đựng mọi thử thách trên thế gian này.
4. Chúa tỏ lòng thương xót vô hạn cho những ai Người đã ban ân sủng và lòng can đảm để họ cương quyết cố gắng hết sức có thể hầu lãnh nhận được ơn trọng này. Vì chẳng những Chúa không từ khước ban chính mình cho một ai bền vững cố gắng, Chúa còn lần lần thêm nghị lực cho họ để họ đoạt được chiến thắng. Con nói là “nghị lực”, vì cần phải có nghị lực mới vượt qua được muôn ngàn chướng ngại ma quỉ đặt ra chắn ngay những bước đầu trên lối họ đi, để ngăn cản họ chẳng khi nào bước đi trên đó được. Vì ma quỉ biết nếu người ta tiến lên được, nó sẽ bị thiệt hại rất nhiều. Không những nó chỉ mất một linh hồn ấy, mà còn nhiều linh hồn khác nữa. Nếu nhờ ơn trợ giúp của Chúa mà người mới bắt đầu này cố gắng tiến tới đỉnh hoàn thiện, thì con tin rằng người đó sẽ chẳng bao giờ lên thiên đàng một mình, nhưng họ còn đem theo nhiều người khác nữa. Chúa sử dụng họ như một người chỉ huy tài ba, trao cho họ hướng dẫn nhiều chiến sĩ. Bởi vậy ma quỉ đặt ra trước mắt họ rất nhiều nguy hiểm và khó khăn. Vì vậy họ cần phải có nhiều nghị lực để khỏi thối lui, phải can đảm lắm và cần có sự trợ giúp đặc biệt của Thiên Chúa.
5. Về sau con sẽ tiếp tục viết về vấn đề đã nêu lên mà người ta gọi là thần học thần bí. Bây giờ con xin nói đôi điều về những cảm nghiệm của những người đã quyết định theo đuổi để đoạt được ơn cao trọng này. Và để thành công trong quyết định này là ở giai đoạn đầu, chúng ta phải cực nhọc hết sức, vì Chúa thì ban ơn trợ giúp, còn chính chúng ta phải hành động. Trong những bậc cầu nguyện về sau này, thì điều căn bản là cảm mến Thiên Chúa. Nói cho đúng thì bất cứ ở giai đoạn nào: tập sự, đã tiến bước hay đã thành đạt tuy có khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều phải vác thánh giá. Vì ai nguyện theo Đức Kitô thì đều phải đi con đường Người đã đi, nếu không sẽ hư mất. diễm phúc thay những lao nhọc của họ, vì ngay trên cõi đời này, những lao nhọc ấy đã được ân thưởng rất hậu.
6. Là nữ giới và chỉ đơn so viết theo như lệnh truyền. Dù không muốn con cũng phải dùng đến lối so sánh, vì một người ít học như con, thật khó tìm ra được những từ ngữ thích hợp để diễn tả những vấn đề thiêng liêng, nên con phải tìm phương tiện để diễn đạt ý tưởng của con. Lối so sánh của con cũng khó khăn mà diễn đạt cách phù hợp được. Cha sẽ tức cười vì thấy con dốt nát đến thế. Bây giờ con chợt nhớ là đã đọc hay đã nghe về lối so sánh này rồi; nhưng vì trí nhớ của con rất kém nên con không nhớ rõ đã biết nó từ đâu hay người ta có ý diễn tả cái gì, nhưng con rất hài lòng vì có thể dùng để giải thích trường hợp của riêng con.
Người mới bắt đầu cầu nguyện phải nghĩ mình như một người bắt tay vào việc chăm sóc một thửa đất (là chính linh hồn mình), đầy những trái cây rừng, cỏ dại và biến nó thành một thửa vườn để Chúa được vui thoả ở đó. Chúa nhổ rễ cỏ dại và trồng thay vào đó những cây tốt. Hãy coi công việc nhổ, trồng đã được thực hiện rồi – nghĩa là linh hồn đã quyết định chuyên cần cầu nguyện và cũng đã bắt đầu. Bây giờ chúng ta muốn như người làm vườn giỏi, nhờ Chúa trợ giúp, làm cho những cây đã trồng này phát triển, và chuyên cần vui tưới để những cây này không bị tàn lụi, nhưng trổ sinh nhiều bông hoa toả hương thơm dịu làm vui lòng Vị Chủ của chúng ta, để Người thường xuyên đến thưởng lãm và hoan hỉ giữa các (bông hoa) nhân đức trong vườn này.
7. Bây giờ thử xét xem chúng ta có thể tưới vườn cách nào, phải làm gì, công việc có đòi phải khó nhọc lắm không, có được lợi nhiều không và phải vất vả như thế bao lâu? Con thấy có thể tưới vườn theo bốn cách:
1. Dùng tay lấy nước từ giếng lên. Làm công việc này phải vất vả rất nhiều.
2. Dùng cái thùng (hay cái gàu) và tay quay kéo nước từ giếng lên, tức là kéo nước lên bằng cái trục. Đôi khi con kéo theo cách này: ít khó nhọc hơn cách trước mà được nhiều nước hơn.
3. Dẫn nước từ một cái lạch hay một con suối vào vườn, đất sẽ được tưới dư dả, đất khắp vườn đều sũng nước và ít cần phải tưới đi tưới lại, công việc của người làm vườn cũng bớt vất vả hơn nhiều.
4. Vườn được tưới bằng nước mưa lai láng: khi đó Chúa tưới vườn, chúng ta không phải làm gì cả. Cách tưới này thật khôn sánh và dư tràn hơn bất cứ cách tưới nào đã được trình bày.
8. Bây giờ con đi vào điểm cốt yếu tức là đem áp dụng bốn phương pháp tưới cho vườn trổ sinh nhiều bông hoa. Vì nếu không có nước, vườn sẽ hoang tàn. Con thấy lối so sánh này rất thích hợp để giải thích đôi điều về bốn bậc cầu nguyện mà Chúa, theo lòng nhân hậu của Người, đã tuỳ cơ, cho con hiểu biết. Nguyện xin Chúa, vì lòng nhân hậu của Người ban cho con biết nói cách nào để nên hữu ích đôi chút cho một trong các vị đã truyền cho con viết sách này. Vị này, chỉ trong bốn tháng, Chúa đã đem tới độ quá cao mà con, sau mười bảy năm mới tới được. Ngài đã dọn mình chu đáo hơn con. Như vậy, ngài chẳng phải vất vả gì mà vườn của ngài được tưới bằng cả bốn phương pháp này, dù lối tưới sau cùng, ngài vẫn chỉ nhận được từng giọt thôi. Nhưng cứ đà ấy mà tiến, thì với ơn Chúa giúp, chẳng bao lâu, vườn của ngài sẽ được tràn ngập. Nếu những lời giải thích của con có ngây ngô, thì cha cứ cười đi, con bằng lòng lắm.
9. Chúng ta có thể nói những người mới bắt đầu cầu nguyện là những người dùng tay kéo nước từ giếng lên. Như con đã nói, đây là lối làm việc rất vất vả vì phải khó nhọc cầm giữ giác quan. Đó là việc rất cực nhọc, vì họ đã có thói quen sống xao lãng. Họ phải tập cho mình có thói quen không quan tâm đến những gì mắt thấy tai nghe, và phải cố gắng như thế trong suốt các giờ cầu nguyện. Họ phải ở nơi cô tịch và trong chốn tịch liêu ấy, họ suy xét, kiểm điểm đời sống quá khứ của mình. Thực sự, tất cả chúng ta, dù mới bắt đầu hay đã tới bậc hoàn hảo, đều phải thường xuyên nghĩ tới quãng đời quá khứ của mình. Tuy nhiên, phải làm theo mức độ khác nhau, như con sẽ nói sau. Vào buổi đầu, việc suy nghĩ đó sẽ gây nên khó chịu, vì những người mới bắt đầu không luôn chắc được là họ đã hối hận các lỗi lầm của mình hay chưa. (dù rõ ràng là họ đã hối hận, vì họ đã rất thành tâm quyết định phục vụ Chúa). Rồi họ phải cố gắng suy niệm về cuộc đời của Đức Kitô và việc suy niệm này làm cho đầu óc họ mệt mỏi. Đó là những gì chúng ta có thể làm được theo sức cố gắng riêng của chúng ta – dĩ nhiên là với sự trợ giúp của Chúa, vì nếu không có sự trợ giúp đó, chúng ta không thể nghĩ được dù chỉ một tư tưởng tốt lành nào. Đó là công việc mà lúc đầu con gọi là dùng tay lấy nước từ giếng lên. Ước gì Thiên Chúa cho có nước trong giếng! Nếu giếng không có nước thì dẫu sao, điều đó cũng không tuỳ thuộc ở chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là kéo nước và làm những gì có thể để tưới hoa (trong vườn). Nếu vì những lý do mà chỉ mình Chúa biết, có lẽ là để chúng ta được ích lợi nhiều hơn mà Chúa muốn giếng khô cạn, thì khi ấy, chúng ta hãy bắt chước những người làm vườn chăm chỉ, làm tất cả những gì có thể, thì không cần phải có nước tưới, Thiên Chúa tốt lành, vẫn duy trì được cho hoa tươi tốt và làm cho các nhân đức phát triển. Nước ở đây, con có ý nói là nước mắt – nếu không là nước mắt, thì là sự âu yếm ngọt ngào và cảm xúc sốt sắng nội tâm.
10. Vậy người đã cầu nguyện lâu năm mà chẳng thấy gì khác ngoài tình trạng khô khan chán nản, buồn bực, cũng chẳng còn mấy hứng khởi muốn đi kéo nước mà chỉ muốn bỏ tất cả, thì họ sẽ làm gì ở đây? Họ hãy nhớ mình đang phục vụ và làm hài lòng ông chủ vườn. Đang lo lắng để tất cả công việc phục dịch của họ khỏi hư luống, ấy là chưa kể đến mối lợi họ hy vọng nhận được vì việc múc nước cực khổ. Thường xuyên thả thùng xuống giếng để rồi kéo thùng không lên? Thường vẫn xảy ra như thế. Có khi họ không còn sức nhắc nổi cánh tay lên mà múc nước nữa – nghĩa là không thể nghĩ ra dù chỉ một tư tưởng tốt. Vì dùng lý trí làm việc cũng vất vả như kéo nước ở giếng lên. Vậy con xin hỏi, người làm vườn sẽ làm gì trong tình trạng này? Ông ta sẽ hoan hỉ, sẽ hài lòng khi nhận ra rằng ơn trọng đại nhất trong các ơn là được làm việc trong khu vườn của một vị hoàng đế cao cả đến thế và vì biết nhờ đó mình làm hài lòng Người (và mục đích của ông không phải là lo làm thoả mãn chính mình, nhưng là làm vui lòng chủ của mình). Vậy họ hãy hân hoan dâng lời chúc tụng Người. Vì khi Người thấy dù chẳng nhận được phần thưởng nào, họ vẫn hết lòng lo lắng chu toàn nhiệm vụ đã được uỷ thác cho họ, thì Người đã tín nhiệm họ. Họ hãy vác đỡ Thánh Giá Người và hãy suy Người đã sống rất đau khổ suốt cuộc đời (trần thế) của Người. Họ đừng mong chiếm được nước trời ở trần gian, và đừng bao giờ bỏ cầu nguyện. Vậy họ hãy cương quyết, cho dù tình trạng khô khan này có kéo dài hết đời họ, họ cũng không bao giờ để Đức Ki tô ngã dưới sức nặng của thập giá.
Đến thời, họ sẽ lãnh tất cả phần thưởng một trật. Đừng sợ công lao nhọc của mình bị hư phí đi. Họ đang phục vụ ông Chủ Vườn nhân lành đang chăm chú nhìn họ. Họ đừng để ý đến những tư tưởng lố lăng, hãy nhớ ma quỉ cũng gợi lên những tư tưởng như thế trong tâm trí thánh Jérôme khi thánh nhân ở trong hoang địa.
11. Tất cả những thử thách này đều có phần thưởng tương xứng. Con đã chịu đựng những thử thách ấy trong nhiều năm, và khi con đã có thể kéo chỉ được một giọt nước từ giếng phúc đức này, thì con coi như Thiên Chúa đã ban cho con một hồng ân. Con biết những thử thách như thế nặng nề lắm nên cần phải có nhiều can đảm hơn là để làm bất cứ công việc nào khác ở trần gian này.
Nhưng con cũng đã thấy rõ, ngay từ đời này, Thiên Chúa đã không quên ân hưởng bội hậu. Con xác tín rằng chỉ một trong các giờ (cầu nguyện) này, Chúa sẽ ban cho con được nếm hưởng chính mình Người, thì dường như phần thưởngnày đền bù được tất cả những đau khổ con đã chịu suốt thời gian lâu dài để kiên trì cầu nguyện. Con tin rằng, trước khi trao ban kho tàng châu báu của Ngài, Chúa thường gửi đến cho những người mới bắt đầu (cầu nguyện), đôi khi cho cả những người đã gần tới đích, những cực hình này và nhiều cám dỗ khác tự nhiên xảy tới để thử thách những kẻ yêu Người, để xem họ có thể uống chén đắng và vác đỡ Thánh Giá cho Người không. Con nghĩ, chính vì lợi ích cho chúng ta mà Chúa dẫn chúng ta qua con đường khô khan, thử thách để chúng ta thấy rõ hơn sự bất xứng, bất lực của mình. Vì những hồng ân Người sẽ ban cho sau này thuộc phạm vi cao siêu nên trước khi ban cho chúng ta, Người muốn chúng ta cảm nghiệm được mình khốn nạn như thế nào, để tránh cho chúng ta sự sa ngã như Lucifer.
(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm “Tiểu Sử Tự Thuật Thánh Teresa thành Avila”

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

Làm sao phân biệt để viết “dòng” và “giòng”?


 Chúng ta cùng biết các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn viết “giòng sông, giòng nước”:

Nhất Linh: Giòng Sông Thanh Thủy
Tú Mỡ: Giòng Nước Ngược
Thạch Lam: Theo Giòng
Các nhà văn, trí thức lớp sau viết “dòng sông, dòng nước”:
Doãn Quốc Sỹ: Dòng Sông Định Mệnh (1959)
Nhật Tiến: Tặng Phẩm Của Dòng Sông (1972)
Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy: Dòng Nước Sông Hồng (viết 1945, in vào thi tập 1985)Ngô Thế Vinh: Mekong, Dòng Sông Nghẽn Mạch (2007)
Vậy chúng ta nên theo các nhà văn lớp trước hay lớp sau?

1) Trước hết, ba cuốn tự điển Việt ngữ có thẩm quyền nhất của Việt Nam cho tới hiện nay: Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (trang 155), Tự Điển Việt Nam của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ (quyển Thượng, trang 376), Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của (quyển I, trang 243) cùng viết là “dòng”. Cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị do nhà ngữ học Lê Ngọc Trụ biên soạn cũng viết “dòng” (trang 141).

2) Các tự điển do những học giả có uy tín khác biên soạn như Vietnamese-English Dictionary của giáo sư Nguyễn Đình Hòa cũng viết “dòng” (trang126). Giúp đọc Nôm và Hán Việt của linh mục Trần Văn Kiệm (trang 388) cũng viết như thế. Hầu hết tự điển Việt ngữ xuất bản ở trong nước hiện nay và tự điển chữ Nôm (ở trong nước cũng như ở hải ngoại) cùng viết “dòng”:
Tự điển chữ Nôm trích dẫn (Westminster, CA, 2009): Trang 299.
Tự điển chữ Nôm dẫn giải (Hà Nội, 2012): Trang 452.

3) Các nhà biên soạn tự điển có lý do để viết “dòng” (với D). Trong chữ Nôm, chữ ấy được viết như sau:
Phía trước là bộ Thủy 氵(nước) để cho biết có liên quan đến nước.
Phía sau là chữ Dụng 用 (dùng) để chỉ cách phát âm.
Vậy đó là một chữ “có liên quan đến nước” và phát âm giống chữ “dụng” (trong chữ Nôm đọc là “dùng”). Vì phát âm giống “dụng” và “dùng”, chúng ta cùng thấy âm “dòng” gần và tự nhiên hơn. Khi phát âm là “dòng” thì viết với D là đúng.
Vì lẽ đó, những ai năng tra cứu tự điển hoặc biết qua chữ Nôm (các giáo sư Doãn Quốc Sỹ, Trần Trọng San… và những người tốt nghiệp Văn khoa sau các ông) có khuynh hướng viết là “dòng”.
Giáo sư/nhà văn Doãn Quốc Sỹ là con rể nhà thơ Tú Mỡ. Là một giáo sư Quốc văn, dạy về Tự Lực Văn Đoàn, ông biết rất rõ nhạc phụ đã viết Giòng Nước Ngược (cũng như Nhất Linh, Thạch Lam đã viết Giòng Sông Thanh Thủy, Theo Giòng) nhưng ông không theo. Trong cương vị một nhà giáo, ông viết Dòng Sông Định Mệnh, vì nghĩ rằng như thế đúng hơn. Nhà văn Nhật Tiến có giao tình thân với văn hào Nhất Linh. Ông là người đọc lời vĩnh biệt khi hạ huyệt trong tang lễ Nhất Linh ở Sài Gòn ngày 13-7-1963. Tuy biết rất rõ Nhất Linh đặt tên cho tác phẩm cuối đời của mình là Giòng Sông Thanh Thủy, năm 1972 Nhật Tiến vẫn đặt tên cho một tập truyện của ông là Tặng Phẩm của Dòng Sông.
Trong Việt Nam thi văn hợp tuyển, khi cho in các tác phẩm văn học, giáo sư Dương Quảng Hàm cũng viết “dòng”:
– Sông Lục đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng (Ca dao)
– Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước (bản dịch Tỳ bà hành)
Khi phiên âm Truyện Kiều, các học giả Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh cũng đều viết “dòng”:
– Nao nao dòng nước uốn quanh (câu 55)
– Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang (câu 2636)
Các học giả của miền Nam trước 1975 như gtiáo sư Trần Trọng San trong cuốn Văn Học Trung Quốc Đời Chu Tần, cũng luôn luôn viết: “ngược dòng, xuôi dòng, dòng dõi…”.

4) Tại sao các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn viết “giòng”?
Khi các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn viết Giòng Nước Ngược và Theo Giòng, tuy Tự Điển Việt Nam của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ; cùng Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị của Lê Ngọc Trụ chưa ra đời, nhưng hai bộ tự điển của Huỳnh Tịnh Của và Hội Khai Trí Tiến Đức đã xuất hiện (1895 và 1931). Rất có thể các vị không lưu tâm đúng mức đến bộ tự điển của Huỳnh Tịnh Của (xuất bản ở trong Nam), nhưng nhiều phần vì các vị có thành kiến với Hội Khai Trí Tiến Đức. Báo Phong Hóa đã đăng rất nhiều thơ văn giễu cợt, châm biếm Hội này. Trong khung cảnh ấy, việc theo những đề nghị về phương diện chính tả do tự điển Khai Trí Tiến Đức đưa ra là điều khó xảy ra.

5) Tự Lực Văn Đoàn cũng có những sai lầm khác về phương diện chính tả.
Khi xuất bản lần đầu năm 1936, tập truyện ngắn của Khái Hưng mà nay chúng ta gọi là “Dọc Đường Gió Bụi” được in với nhan đề Giọc Đường Gió Bụi. Thời nay chúng ta cùng biết rằng viết như thế là sai. Câu đầu bài “Chí Làm Trai” của Nguyễn Công Trứ vẫn được phiên âm là: Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc.
Tự Lực Văn Đoàn có những đóng góp rất quý giá về phương diện văn học và xã hội. Về văn học, đóng góp của Tự Lực Văn Đoàn cho nền văn xuôi Việt Nam (và cho cả Thơ Mới) rất đáng kể. Nhưng cách viết chữ quốc ngữ ở thời Tự Lực Văn Đoàn chưa hoàn hảo về phương diện chính tả. Đọc lại báo Phong Hóa, chúng ta thấy lỗi chính tả khá nhiều. Vì những lẽ ấy, tuy vẫn nên viết tên các tác phẩm của Nhất Linh, Tú Mỡ, Thạch Lam là Giòng Sông Thanh Thủy, Giòng Nước Ngược, Theo Giòng (đó là những danh từ riêng, tên các tác phẩm đã có địa vị trong văn học sử), chúng ta vẫn nên viết “dòng” (dòng nước, dòng dõi, dòng tu …) trong những trường hợp khác.

+ Góp ý của nhà văn Nhật Tiến, California:
Dĩ nhiên ta tôn trọng các tác phẩm đã in thành sách như của Nhất Linh (Giòng Sông Thanh Thủy), Tú Mỡ (Giòng Nước Ngược)…, và biết ơn công trình làm mới văn chương của Tự Lực Văn Đoàn từ giữa thế kỷ trước, nhưng phải nói rằng trong hai cơ quan ngôn luận của văn đoàn này, tờ Phong Hóa và tờ Ngày Nay hãy còn chứa đầy rẫy lời văn thô sơ hay lỗi chính tả. Như một số mục chính trên tờ Phong Hóa đã dùng những từ mà cho đến nay không còn ai dùng nữa như “Chuyện Ngắn” thay vì “Truyện Ngắn”, “Từ Nhỏ Đến Nhớn” thay vì “Từ Nhỏ Đến Lớn”, “Hạt Đậu Dọn” thay vì “Hạt Đậu Nhọn”, tòa soạn quảng cáo: “Xem Phong Hóa số Tết, 20 trang. In mùi, có bìa giấy trắng” thay vì “Xem Phong Hóa số Tết, 20 trang. In mầu, có bìa giấy trắng”… Cho nên tôi hoàn toàn đồng ý với những nhận định xác đáng của anh Trần Huy Bích về việc viết chữ “dòng sông,” thay vì viết “giòng sông”.

+ Góp ý của bác sĩ Hà Ngọc Thuần, Brisbane, Úc:
Bài viết của Anh Trần Huy Bích có thể gọi là “tường-tận”: Tường là nói rõ ràng, và tận là đã nói tới cùng. Có hai hệ-luận như sau: một là trong tương-lai chúng ta nên cùng đồng ý viết “dòng”, nhưng vì Việt Nam không có Hàn Lâm Viện để quy định chính tả nên việc này tuy dễ mà khó. Vả lại trong văn chương chẳng nên có sự bức bách, bắt người viết phải theo ý kiến mình, dù đó là ý kiến của số đông. Cũng không nên có sự chê trách vội vã đối với một bài văn vì một vài “lỗi” chính tả mà quên đi ý tưởng của toàn thể bài viết. Việc này thường đưa đến những mối bất hòa không cần thiết. Hai là sau này khi tái bản chúng ta có dám, hay có nên, thay đổi tựa đề của tác giả mà in là “Dòng Sông Thanh Thủy” (Nhất Linh), “Theo Dòng” (Thạch Lam) và “Dòng Nước Ngược” (Tú Mỡ), hay là chúng ta bắt buộc phải tôn trọng các tác giả và giữ nguyên tựa đề như đã viết trong quá khứ.

+ Góp ý của nha sĩ Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Columbus, Ohio:
Bản thân tôi nhiều khi cũng lúng túng vì chữ “dòng sông” và “giòng sông”. Cám ơn anh Huy Bích đã tra cứu và giảng giải rất cặn kẽ. Từ nay tôi sẽ dùng chữ “dòng” mà không còn phải lưỡng lự gì nữa. Còn chữ “giòng” coi như chữ cổ, vì ngôn ngữ theo thời gian có thể đọc khác đi một chút, như “ông trời” ngày trước ta gọi là “ông giời” vậy.

+ Góp ý của nhà văn Huy Văn Trương, Bellflower, California:
Tôi thường viết “dòng sông, dòng dõi, dòng họ” vì tôi dựa theo tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ do nhà sách Khai Trí xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn. Trong cuốn tự điển này không có chữ “giòng” nào hết. Tôi dùng cuốn tự điển này vì tôi thấy nó tạm đủ so với nhiều cuốn khác. Tuy vậy trong đó cũng có nhiều chữ, theo tôi nghĩ vẫn còn trong vòng tranh cãi, như người ta thường viết là “chia sẻ” thì trong Tự Điển Lê Văn Đức viết là “chia xẻ”… Từ trước tới giờ tôi viết “dòng sông” vì theo tự điển nhưng vẫn thấy lấn cấn thế nào đó. Đọc bài viết của anh xong, tôi không còn thấy lấn cấn nữa, mọi thắc mắc đã được giải tỏa. Đề nghị anh đăng bài này lên nhiều tờ báo để mọi người cùng được đọc.

+ Góp ý của cô Nguyễn Thị Ngọc Dung, cựu giáo sư Trung Học Võ Tánh, Nha Trang:
Xin cảm ơn anh đã gửi một câu chuyện thú vị về văn chương, ngôn ngữ Việt Nam, cách viết chữ “Giòng” hay “Dòng”. Ngọc Dung cũng xin mạo muội chen vào, bày tỏ một vài ý kiến riêng, nho nhỏ: Ngọc Dung cũng quen với chữ “Dòng” để chỉ “dòng sông” hay “dòng đời,” và chữ “giòng” để chỉ “giòng dõi”. Tuy nhiên, theo thiển ý, dù viết “giòng đời” hay “dòng dõi” cũng vẫn được. Điều quan trọng là KHÔNG SAI về ý nghĩa. Riêng về chữ “dòng” hay “giòng,” nếu suy từ chữ Nôm (dùng chữ “Dụng” thêm bộ “Thủy”) thì “dòng” nghe có lý hơn là “giòng”.

* GS Trần Huy Bích
Jun 12, 2021

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=837533434606894&id=100050507365439