Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Tiếng Việt đang mất dần chỗ đứng ngay trên quê hương mình

Chủ nhật, 11/8/2013 20:55 GMT+7

Tại sao chúng ta không viết là xe buýt và lại phải là xe bus? Còn rất nhiều từ như: confirm, cancel, delay… đề có từ dịch sang tiếng Việt. Nếu tình trạng này kéo dài thì một số từ tiếng Việt sẽ biến mất trong tương lai.

Tôi đã nhiều lần chứng kiến chỉ dẫn: “Làn ưu tiên xe bus; nơi đậu xe bus” trên đường phố. Nếu không nhắc chắc nhiều người không nhớ rằng trong tiếng Việt có từ buýt. Dù là từ vay mượn, nhưng đã được Việt hóa và đưa vào tự điển tiếng Việt, cớ gì phải dùng từ bus?

Còn rất nhiều từ tiếng anh cũng thường xuyên được trao đổi trong công việc, cuộc sống hàng ngày rất phổ biến như: confirm, cancel, delay, data, phone, check, training, leader, book… Nếu không có biện pháp kịp thời thì tiếng Việt sẽ biến mất trong một ngày không xa. Bởi tiếng nước ngoài (phổ biến là tiếng Anh) đang được pha trộn một cách rất tùy tiện vào tiếng Việt khi sử dụng.

Không dừng lại ở đó, hiện nay trên các phương tiện truyền thông đang lạm dụng rất nhiều các từ như: scandal, café, poster… trong khi những chữ này hoàn toàn có từ tiếng Việt tương ứng.

Còn rất nhiều những trường hợp quá lạm dụng ngoại ngữ mà vô tình quên đi tiếng Việt. Chính chúng ta đang làm mất dần chỗ đứng của tiếng Việt ngay trên nơi sinh ra nó.

Sử dụng đúng tiếng Việt là không dễ, ngay cả những người sử dụng tiếng Việt hàng ngày. Tuy nhiên, sử dụng tiếng Việt một cách trong sáng như lời kêu gọi "Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" là không quá khó.
Chúng ta không thể đổ lỗi cho hội nhập, cho văn hóa phương Tây. Lỗi là ở chính những người đang sử dụng tiếng Việt hàng ngày, đó là chính chúng ta. Chúng ta đã không cùng nhau gìn giữ ngôn ngữ riêng, một vốn quý mà không phải dân tộc nào cũng có.

Dương Quang Hiệp

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

'Còn nhiều nghệ nhân sống vất vưởng như bà Hà Thị Cầu'

10/08/2013 06:00 GMT+7
"Tôi biết, tôi có quen với bà Cầu nhiều lắm. Không phải chỉ có một mình bà Hà Thị Cầu, còn cả hai ba chục, có khi cả trăm nghệ nhân đang sống vất vơ vất vưởng không ai biết. Trong các bộ môn đều vậy đó" - GS Trần Văn Khê nói. 
Lang thang trên mạng, người mê nhạc dễ dàng tìm thấy những clip ca nhạc, những bài viết của giáo sư Trần Văn Khê. Ông say mê âm nhạc Việt đến độ nồng nàn máu thịt. Khi thì ông tự hát một điệu dân ca Nam Bộ, khi thì ông ngẫu hứng với Nguyên Lê - bậc thầy Jazz/world music gốc Việt, dùng chất liệu âm nhạc Việt... Nơi nào ông có mặt là có âm nhạc Việt Nam; nơi nào có âm nhạc Việt Nam - nơi đó ông sẽ đến. 
93 tuổi, giáo sư Trần Văn Khê tự đọc hết gần 1000 trang hồi kí của mình để xuất bản được tập audiobook - sách nói, bên cạnh việc tái bản có bổ sung 2 tập Hồi kí Trần Văn Khê. Không còn nghe tinh như thuở nào, nhưng giọng đọc ông thì sang sảng, vang, đầy nội lực, chất chứa cả xúc động, đau đớn khi nhắc về cái chết của người mẹ năm nào.

Giáo sư dành cho VietNamNet một cuộc trò chuyện.
Trần Văn Khê, Hà Thị Cầu, nghệ nhân, âm nhạc dân tộc, âm nhạc Việt Nam, Hồi kí Trần Văn Khê, Căn bệnh mãn tính của âm nhạc truyền thống Việt Nam
GS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy khi còn sống.

"Còn nhiều nghệ nhân như bà Hà Thị Cầu"

Đến giờ này khi vừa qua sinh nhật tuổi 92, giọng giáo sư vẫn rất khỏe, đẹp và vang. Làm sao để có thể có một nội lực như vậy?

- Thứ nhất muốn có nội lực đó phải có một tinh thần lạc quan, lúc nào cũng nghĩ mình phải thắng mình, mình phải thắng tuổi già. Thứ hai là phải luyện tập. Thuở nhỏ tôi luyện Thiếu Lâm, võ Bình Định, tập thở khí công. Mấy năm nay vẫn còn tập thở khí công. Khi tôi nói chuyện là hơi từ đan điền đẩy lên mà nói, chứ không phải phát ra từ lồng ngực. 

Đã bôn ba rất nhiều nước, vì sao âm nhạc Việt Nam cứ mãi theo ông, đau đáu trong 55 năm trời ở xứ người như vậy?

- Tôi sinh ra trong một gia đình có 4 đời là nhạc sĩ. Từ ông cố, ông nội, cha, đến đời tôi đều là nhạc sĩ hết. Lớn lên, tôi biết nói là biết hát, biết chơi là biết đờn. Trong lúc khó khăn của cuộc đời, âm nhạc dân tộc đã cứu tôi sống được, cho tôi danh dự. Tôi đi thi và lấy được giải thưởng đầu tiên năm 1949 ở Budapest (Giải thưởng nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan Thanh niên Budapest).

Từ trong gia đình, truyền thống dân tộc đã góp lại, tích lũy lại trong tôi bao nhiêu, để từ đó mà nhân lên, thấy được những cái hay, cái tốt, cái sâu sắc của đất nước đưa lại cho quốc tế. Nên với tôi, âm nhạc là mật thiết, liên quan như máu với thịt, như xác với hồn. 

Sinh ra ở mảnh đất Phương Nam, ông rất gắn bó với âm nhạc Nam Bộ, thế còn âm nhạc Bắc và Trung Bộ thì sao? 

- Đối với tôi, phương Nam chỉ là một góc trời của đất nước Việt Nam. Đất nước Việt Nam có cả miền Trung, miền Bắc. Với tôi, âm nhạc Việt Nam không phải chỉ là âm nhạc miền Nam, miền Trung hay miền Bắc, mà ở khắp cả đất nước - nơi chỗ nào cũng là người Việt. 

Từ năm 1976 đến năm 1986, trong 10 năm, cùng với Lưu Hữu Phước tôi đi khắp các vùng trên đất nước, để gặp gỡ, ghi chép lại tất cả những nét đặc thù, những điều đã nghe, đã thấy. 

Mỗi một vùng có một nét đặc biệt, tùy theo ngôn ngữ, theo phong tục truyền thống, nếp sống của họ. Thành ra mình phải giữ lấy cái nét đặc thù đó chứ đừng để mất vì mải nhìn ra những thứ khác. Một vườn âm nhạc phải đầy hoa thơm cỏ lạ, thứ này thứ kia phải khác nhau, chứ cùng một thứ hoa thì sao có được sự phong phú. Ta cứ giữ được nét nhạc như thế là một cái tốt. 

Giữ bằng cách nào thưa ông? Bằng ghi âm hay sách ghi chép, giải thích?

- Không. Giữ bằng âm thanh hay ghi chép mà bỏ trong bảo tàng, viện, chỉ là một cách để bảo vệ. Mà đó là bảo vệ tiêu cực. Bảo vệ tích cực là bảo vệ trong lòng người, tức là phải làm cho người nghệ nhân sống được với âm nhạc, người thương âm nhạc sống được với âm nhạc. Âm nhạc có một chức năng trong xã hội chứ không phải là một món đồ để ghi âm, để tàng trữ, coi như một món đồ cổ chịu sự tàn phá của thời gian, là bụi của thời gian. 

Trần Văn Khê, Hà Thị Cầu, nghệ nhân, âm nhạc dân tộc, âm nhạc Việt Nam, Hồi kí Trần Văn Khê, Căn bệnh mãn tính của âm nhạc truyền thống Việt Nam
 GS Trần Văn Khê "Tôi biết và có quen với bà Cầu nhiều lắm." 

Đầu năm nay khi nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu mất, mọi người mới biết bà sống rất cực khổ, nghèo túng, thưa giáo sư. 

-  Tôi biết, tôi có quen với bà Cầu nhiều lắm. Chuyện đó không phải chỉ có một mình bà Hà Thị Cầu, còn cả hai ba chục, có khi cả trăm nghệ nhân đang sống vất vơ vất vưởng không ai biết. Trong các bộ môn đều vậy đó.

Đất nước Việt Nam không may gặp thời kì đô hộ Pháp, sau đó là thời kì chiến tranh, sau chiến tranh lại lo sống có cơm ăn cái mặc, lo chuyện kinh tế. Nó chèn lấp cả cái văn hóa. 

Để giải quyết chuyện đó như thế nào? Bây giờ con phải lên mạng coi lại, kiếm bài "Căn bệnh mãn tính của âm nhạc truyền thống Việt Nam" trên Google. Có hai chục nơi người ta đăng bài đó, nói dài tới ba chục chương về việc tại sao âm nhạc Việt Nam bị bỏ rơi? làm sao để âm nhạc Việt Nam trở lại? 

"Con người đi qua cuộc đời để lại kinh nghiệm sống"

Những nước phương Đông khác như Nhật Bản hay Trung Quốc họ đưa âm nhạc dân tộc hay nghệ thuật truyền thống như kịch Nô, kinh kịch lên màn ảnh, vào các tác phẩm điện ảnh, cho nó giao lưu, kết nối với các loại hình nghệ thuật khác, phổ biến nó, nên thế giới biết đến âm nhạc của họ. Ta có nên làm thế?

- Tôi có nghiên cứu mấy cái đó. Cái cách họ phổ biến như vậy mình phải học hỏi, thanh niên phải kiếm người biết để học hỏi, chính quyền phải đem âm nhạc vào học đường... Mỗi một nước có cái đặc biệt, khác nhau. Và âm nhạc, nghệ thuật của ta hay không thua nước nào trên thế giới. 

Trần Văn Khê, Hà Thị Cầu, nghệ nhân, âm nhạc dân tộc, âm nhạc Việt Nam, Hồi kí Trần Văn Khê, Căn bệnh mãn tính của âm nhạc truyền thống Việt Nam
GS Trần Văn Khê bên tập hồi kí "Người truyền lửa" 

Giáo sư đã đi qua nhiều năm tháng hơn những người khác. Xin phép hỏi giáo sư, một người đi qua những năm tháng của cuộc đời, anh ta để lại cái gì?

- Để lại kinh nghiệm. Tôi để lại tất cả kinh nghiệm của tôi, công sức của tôi viết, hồi kí của tôi, những bài viết trên mạng bằng tiếng Việt, bằng tiếng Pháp, nói lại những tư tưởng, những nhận xét của mình. 

Và giáo sư đã thu nhận lại điều gì từ cuộc đời? 

- Thu nhận được những đặc điểm, đặc thù, những cái hay, những điều sâu sắc, những cái tế nhị, những cái mà người ta không ai biết tới. 

Xin cảm ơn giáo sư Trần Văn Khê!

Hồ Hương Giang

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Giải mã bản khoán ước cổ nhất miền Trung

Ngày đăng : 14:56 07/08/2013 (GMT+7)

Hết chìm trong biển lũ, lại bị mưa bom bão đạn cày xới, thế nhưng trên mảnh đất Phú Kinh đã và đang lưu giữ một báu vật có một không hai.
Bản Khoán ước cổ nhất này, là chứng tích cho một giai đoạn lịch sử đã qua của dân tộc. Từng được coi là kim chỉ nam cho người dân Phú Kinh, biết sống với những lệ làng và duy trì, gìn giữ nó.
Bảo vật biết “tránh” mưa bom, bão đạn?!
Tương truyền, những người đầu tiên "cắm đất lập nhà" - tạo cơ sở cho sự ra đời của làng là dòng họ Trần. Tuy nhiên, nơi đây thời tiết vốn khắc nghiệt, thiên tai quanh năm nên buộc dòng họ Trần này phải rời đi, tìm nơi khác lập nghiệp. Sau đó, các dòng họ Lê, Nguyễn, Cái, Dương, Phạm, Hồ, Hoàng, Mai và hai họ Phan bắt đầu đến đây quy tụ, mở mang đồn điền, dựng xóm lập làng. Và để tưởng nhớ công lao của họ Trần, dân làng đã dựng miếu phụng thờ và suy tôn là họ khai căn của làng.
Các bậc cao niên diễn giải về nội dung bản khoán ước của Làng. 
Qua bao biến động của lịch sử, người dân Phú Kinh vẫn giữ được nét văn hoá làng xã rất đặc trưng của làng quê Việt. Đó là do sự đóng góp không nhỏ của bản Khoán ước - báu vật lịch sử, kim chỉ nam cho người dân Phú Kinh... Các bậc cao niên trong làng kể lại: Bản Khoán ước làng Phú Kinh do tập thể viên chức, hương lão của làng soạn thảo vào thượng tuần tháng 6 năm Giáp Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng, và được khắc bằng chữ Hán trên một tấm gỗ lim dài 2,4m. Khoán ước Phú Kinh được cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa thông tin) công nhận là một trong 10 bảo vật quốc gia quý hiếm của tỉnh Quảng Trị. 
Theo ông Lê Đình Huy (nguyên chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi làng Phú Kinh) cho biết: "Từ kháng chiến chống Pháp đến trước năm 1986, người làng đã thấy tấm gỗ lim khắc đầy chữ Hán - Nôm, nhưng không ai biết nó ghi chép gì. Tuy nhiên, như có một mối lương duyên đã được định trước thế nên bao thế hệ dân làng đều rỉ tai nhau để ra sức cất giữ nó". Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, bản Khoán ước được đặt ở vị trí trung tâm, trang trọng nhất của miếu khai căn. Trong chiến tranh, tất cả đình chùa miếu mạo trong làng gần như bị cày nát, mạng người giữ đã khó huống hồ một "tấm gỗ vô tri vô giác".
Mãi đến sau giải phóng, khi tìm về lại nơi "chôn rau cắt rốn", người dân Phú Kinh vô tình đào được "tấm gỗ khắc văn tự cổ" ẩn dưới lớp đất đá trên nền ngôi đình cũ. Chừng ấy năm giữa mưa bom bão đạn, mọi thứ đều vỡ vụn, duy chỉ có bản Khoán ước vẫn nằm đó "ung dung", thân hình loang lổ những vết đạn, nhưng từng chữ khắc trên Khoán ước vẫn không hề suy chuyển.
Trước điều kỳ lạ này, người dân Phú Kinh cho là tổ tiên muốn giữ lại bảo vật của làng nên càng quyết tâm bảo vệ bản Khoán ước cẩn thận hơn. Họ xây dựng lại miếu khai căn và để Khoán ước ở đây, vào mùa lũ, họ gác bản Khoán ước lên dàn đòn tay của miếu để tránh nước lũ cuốn đi mất. Dù cẩn thận là thế, nhưng một số năm nước lũ dâng cao quá, bản Khoán ước vẫn bị "dìm" trong biển lũ...
 Bản khoán ước loang lổ vết đạn.
Tâm nguyện của người trông coi “di sản” của tiền nhân
Đọc bản Khoán ước của làng Phú Kinh do các nhà nghiên cứu của Khoa Sử (Đại học Khoa học Huế) dịch thuật, những người dân trong làng không khỏi ngạc nhiên và tự hào: "Chúng tôi không dám tin, ở cái vùng lầy, nước độc như Phú Kinh, lại có những con người rất thông minh, học cao hiểu rộng đến như thế. Thật không thể coi thường quy định mà ở thời đó người ta vẫn coi là "lệ làng". Bởi nó vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay" - ông Huy chia sẻ. Nội dung bản Khoán ước bao gồm nhiều điều khoản, đề cập đến nhiều mặt đời sống của làng quê Phú Kinh thuở đó.
Sửng sốt những “quy định pháp luật” của người xưa
Bản Khoán ước đề cập đến hai nội dung quan trọng nhất, một là: Phân chia một phần ruộng đất công dưới hình thức "vĩnh nghiệp" nhằm mục đích khuyến nông và đảm bảo đời sống cho mọi người dân trong làng, đặc biệt là chú trọng đến các đối tượng "mẹ goá con côi" hay "già cả, tật nguyền". Qua đó tạo ra sự dân chủ đồng thời quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng, giữ gìn làng xóm. Hai là, quy định những điều khoản để giáo dục cộng đồng: Khuyên người dân không được buôn gian bán lận hay theo đòi những kẻ chuyên tụ tập cờ bạc, rượu chè say sưa, lãng quên việc học hỏi để nâng cao nghề nghiệp căn bản của mình và mang lại tiếng xấu cho làng. Trong mối quan hệ ứng xử xã hội phải luôn biết đoàn kết, thuận hoà, kính trên nhường dưới, biết giữ thân mình trong sạch, không làm những điều chỉ có lợi nhưng lại hại đến người.
Khoán ước làng Phú Kinh là một "báu vật" của làng, là sản phẩm tinh thần thể hiện đầy đủ nhất một thực tế là đời sống làng quê Phú Kinh lúc đó đã khá phát triển về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Trong suốt thời gian biến động, thăng trầm của lịch sử, làng Phú Kinh vẫn nề nếp và duy trì được những phong tục tập quán vốn có, vừa theo đúng khuôn mẫu, tư tưởng của chỉnh thể đương thời đó là nhờ bản Khoán ước. Sự ra đời của bản Khoán ước như một bản "cương lĩnh" để dân làng theo đó "tu thân, tề gia".
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Yêm (75 tuổi), là người được dân làng Phú Kinh tín nhiệm giao trọng trách giữ bản Khoán ước. "Tôi giữ Khoán ước của làng kiêm miếu khai căn được 15 năm rồi, nhiệm vụ của tôi là lau chùi, quét dọn và ngày rằm, ba mươi, mồng một đến thắp hương".
Khi được hỏi về sự quan tâm của xã, huyện thì ông chia sẻ: "Khi nào có báo, đài hay tỉnh về thăm thì mới thấy họ xuống, còn lại thì nó vẫn nằm im ỉm ở đó thôi". Hơn 15 năm làm công việc thầm lặng, không lương bổng, trợ cấp, nhưng ông Yêm vẫn vui vẻ khi được hỏi về công việc này: "Đây là báu vật của làng, được dân làng tin tưởng, giao trách nhiệm này tôi cảm thấy tự hào lắm, đến khi nào không còn sức lực nữa thì tôi mới thôi công việc này".
Và không riêng gì ông Yêm, ý thức đối với việc giữ gìn bản Khoán ước tồn tại trong mỗi người dân Phú Kinh. Cách đây hơn 10 năm, Bảo tàng Quảng Trị đã từng xuống tận làng "thương lượng" với mục đích có cho được món báu vật này. Họ đưa ra "cái giá" là xây cho làng một trường mẫu giáo hai tầng - một cái giá vô cùng lớn trong thời điểm đó đối với một ngôi làng nghèo. Tuy nhiên, cuộc "thương lượng" đã không thành công. Dân làng Phú Kinh đã cùng nhau họp lại bàn bạc và đi tới quyết định: Nhất quyết phải giữ lại bản Khoán ước. Từ đó đến nay, dân làng dựng bản Khoán ước lên, nhưng chôn sâu dưới nền đất 20cm, để tránh bị bọn săn cổ vật trộm mất.
Kỳ công “giải mật” bản Khoán ước
Đến năm 1986, trong một đợt khảo sát điền dã của đoàn Khoa Sử, 
đại học Tổng hợp Huế (nay là trường đại học Khoa học Huế), các
 nhà nghiên cứu mới phát hiện và tiến hành dịch thuật bản Khoán ước. 
Nhưng năm lần bảy lượt các nhà nghiên cứu về làng tiến hành dịch 
đều không thành do bản Khoán ước phức hợp cả chữ Hán lẫn 
chữ Nôm. Phải đến khi nhóm điền dã sao chụp nội dung văn tự 
trên bản Khoán ước đưa vào Huế, để có thời gian nghiên cứu thêm 
thì bí mật trên Khoán ước mới được hé lộ. Đúng như những gì người 
dân Phú Kinh tiên đoán, nội dung bản Khoán ước gần như là một 
cuốn "biên niên sử" của làng.
Theo Người Đưa Tin

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Cận cảnh tuyệt chiêu “cơm muối Huế”

Chủ Nhật, 01/05/2011

Lần đầu tiên tại Festival nghề 2011, món cơm muối Huế đặc sắc gần như thất truyền từ lâu đã xuất hiện trở lại với sự kỳ công của đầu bếp, nghệ nhân Huế.

Người "thổi hồn" để tái sinh lại món cơm muối Huế tại gian hàng cùng tên trong không gian ẩm thực Huế là cô giáo, Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm ẩm thực Pháp - Hoàng Thị Như Huy với vai trò cố vấn, đầu bếp Đặng Văn Sơn, ca trưởng bếp KS Festival (TP Huế) cùng những phụ bếp và phục vụ thuộc trường CĐ Nghề Du lịch Huế và trường Âu Lạc.

Đầu bếp Đặng Văn Sơn với mâm cơm muối Huế
Rất cầu kỳ, một thực đơn 200.000đ cho một người ăn gồm 5 món hoàn toàn đều được ăn với muối. Thứ nhất là tôm rang muối ăn với muối ớt xanh. Thứ hai là cháo ngũ sắc được làm từ 5 loại ngũ cốc thiên nhiên là: đậu đỏ, đậu đen, kê, gạo trắng và gạo tím (món này được ăn kèm với muối trắng được ủ trong ché 10 năm). Thứ ba là món xôi 3 màu Phượng Hoàng ăn với muối mè vàng. Thành phần xôi gồm xôi trái gấc, xôi khoai tía, xôi lá dứa - mỗi miếng xôi là hình một chiếc lông chim Phượng Hoàng giữa có nhân đậu xanh vàng.
Thứ tư là món chính: cơm trắng ăn với một lúc 9 loại muối như: muối tiêu, muối cá thu, muối tôm, muối mè, muối ruốc bò.... và món cuối tráng miệng gồm bưởi da xanh, dưa hấu, xoài được chấm với muối mơ làm từ muối và trái mơ từ Hà Nội.
Khách cùng lúc với dùng cơm muối phải uống thêm nước chè gừng mát để làm dịu đi vị mặn của muối.
Theo bà Huy, nguồn gốc của bữa cơm muối xuất phát từ Huế. Ăn cơm muối không phải là người hèn ăn mà xuất phát từ những gia đình danh gia vọng tộc. Nhà giàu hay ăn sơn hào hải vị, có lúc họ bị cơ hàn, kinh tế không đầy đủ mà trúng lúc bạn đến chơi nhà, người chồng bèn bảo vợ có món gì ăn vẫn sang mà phải rẻ nhưng phải làm được thật nhiều món ăn để bữa ăn phong phú.
 
Người vợ Huế vốn giỏi nấu ăn bèn nghĩ ra muối là thứ gia vị thiết yếu nhất, nếu kết hợp được với các loại ngũ cốc, rau dưa và một ít cá thịt, hải sản là có thể làm ra được rất nhiều món ăn mà không tốn tiền là bao. Từ đó, cơm muối Huế ra đời với hàng chục món ăn từ muối hấp dẫn.
 
Cô Hoàng Thị Như Huy (áo dài đỏ) giới thiệu đến du khách bữa cơm muối Huế
 
Theo đầu bếp Sơn, món cơm muối ăn mùa hè khác với mùa đông khi người nấu phải chọn những món nào mang tính hàn (mát) để phù hợp với cái nóng. Như các món muối cá thu, muối tôm, muối mơ rất dễ ăn bắt buộc phải có trong thực đơn đãi khách.
 
“Để nấu được cơm muối, phải kỳ công khoảng 3 ngày với sự trợ giúp 5 bếp phụ, hay 5 ngày nếu như một đầu bếp nấu, nhanh lắm cũng chỉ hơn 2 ngày. Vì vậy khi khách đặt ăn cơm muối thì phải báo trước nếu không phải chờ” - anh Sơn chia sẻ.
Hiện tại, bà Huy đã làm được tổng cộng 27 món ăn từ muối. Bà Huy tiết lộ “muối nếu để lâu sẽ là 1 vị thuốc, có tác dụng bồi bổ sức khỏe khi nấu ăn. Toàn bộ loại muối tôi nấu đều là muối loại 1 từ Phan Rang. Trong đợt Festival này, tôi có mong muốn là đem lại cho du khách những nét đặc trưng nhất về món ăn độc đáo này và cũng để gìn giữ, bảo lưu món cơm muối Huế không bị mất đi trong kho tàng ẩm thực xứ Huế”.
Được biết, hiện ở Huế chỉ còn dưới 5 nghệ nhân có thể nấu được món cơm muối này.
Rất thú vị, 5 món ăn từ muối của bà Huy bày cho khách cũng được bà thi vị hóa bằng thơ ca như sau:     
 
                “Rồng con ngậm muối biển khơi
                        Sum vầy chén ngọc rạng ngời lúa ơi!
Phượng hoàng tung cánh thảnh thơi
Cơm lành cửu vị mặn mòi chân quê
Quà thơm cuối buổi tiễn chào
Ngọt cay chua mặn đậm tình tri ân”
Dưới đây là cận cảnh những món ăn từ muối của bữa “Cơm muối Huế”:
Món tôm rang muối chấm với muối ớt tươi
Cháo ngũ sắc ăn với muối trắng ủ 10 năm
Xôi 3 màu ăn với muối mè vàng 
Một mâm cơm muối với cơm trắng và 9 món muối
Muối cá thu
Muối đậu với thịt
Muối mè đậu
Muối đậu khuôn
Muối ruốc bò
Trái cây ăn với muối mơ
Phải uống với chè xanh ngâm gừng mát mới hạ được khát khi ăn cơm muối
Du khách thích thú khi ăn cơm muối Huế
Đại Dương