Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2010

Nhà Nguyện Đại Chủng Viện Huế



Toàn cảnh cung thánh

Bức tranh sơn mài của hai họa sĩ Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung

Giảng đài với hai chữ "Thánh Ngôn"

Câu đối phía bên phải

Câu đối phía bên trái








Bức Họa Giáng Sinh
Trong Cung Thánh Nhà Nguyện
Đại Chủng Viện Huế
Họa sĩ : Hoàng Tích Chù
Nguyễn Tiến Chung


Bố cục :
1. Sơ lược lịch sử bức họa
2. Tác gỉa
3. Đề tài
4. Bố cục
5. Ánh sáng
6. Màu sắc
7. Ý nghĩa
8. Thư mục

I. Đôi dòng lịch sử:

Năm 1933, Đại chủng viện Xuân Bích mở cửa ở Hà Nội với mục đích chung tay góp sức đào tạo Linh mục cho Giáo Hội Việt Nam. Một trong những chủ trương độc đáo của Hội, đó là tinh thần “hội nhập văn hoá”. Điều này đuợc thể hiện trong cách đào tạo và lối sống của các Cha Giáo : Các Cha đi tiên phong trong việc sử dụng tiếng Việt Nam trong giảng dạy, với cách sống hoà đồng với mọi người… Chính bức tranh Giang Sinh bằng sơn mài mà các Cha chọn để treo trong Cung Thánh Nhà Nguyện Chủng Viện đã nói lên điều đó.

Sau đây là vài dòng lịch sử về bức tranh :

Năm 1942-1943, hai họa sĩ Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung đã cho ra đời họa phẩm Giáng Sinh bằng sơn mài này. Cần nhớ đây là thời kỳ khai sinh tranh sơn mài về chủ đề tôn giáo, trong xu hướng “Á Đông hóa” hay “dân tộc hóa”. Cùng năm 1942, hoa sĩ Nguyễn Gia Trí đã cho ra đời một tác phẩm bằng sơn mài về đề tài Giáng Sinh, hiện đang ở Nhà nguyện Tu Viện Mai Khôi – Sài Gòn.

Sau đó, sở dĩ Hội Xuân Bích có được bức tranh này là do cụ Nguyễn Đệ, chánh văn phòng của Vua Bảo Đại tặng khi còn ở Hà Nội[1].

Biến cố năm 1954 đưa bức tranh theo chân các Cha Giáo vào Nam ; và ngày 20.07.1954, theo lời mời của Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục, bức tranh theo chân các Cha xuống Vĩnh Long, sau đó hai năm lại trở lên Thị Nghè – Sài gòn.

Năm 1962, cũng theo lời mời của Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục, Đại Chủng Viện Xuân Bích lại lên đường ra Huế. Một lần nữa, bức sơn mài lại lên đường theo chân các Cha đến Huế.

Mãi đến hôm nay, bức tranh vẫn dõi bước thăng trầm của các Linh mục Xuân Bích và luôn chiếm một chỗ ưu tiên trong Cung Thánh của Nhà Nguyện Chủng Viện, làm kim chỉ nam cho các thế hệ sinh viên Xuân Bích chiêm ngắm, cầu nguyện và sống đồng hành cùng dân tộc. Đây là một định hướng rất cách mạng nhưng lại rất đúng đắn, như sẽ được chứng thực qua Hiến chế “Gaudium et Spes” của Công đồng Vaticanô II và Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về sau này.

Cần biết thêm là vào năm 1958, Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa đã mượn bức tranh này đi triển lãm ở Paris và được bảo hiểm với giá một triệu đồng[2]. Sau đó hình như bức tranh được tu sửa lại, nhưng không rõ năm nào và sửa những chi tiết nào[3]. Có thông tin khác cho rằng bức tranh đã được đưa đi triển lãm ở Rôma[4].

Tháng 11.2001, Thầy Micae Hồ Văn Hoa (khoá II – Huế) có sửa lại cho gương mặt của Đức Mẹ và Thánh Giuse sáng hơn.

II. Tác gỉa :

Bức tranh do Họa sĩ Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung vẽ năm 1942-1943.

Sau đây là tiểu sử của hai tác giả :

A. Họa sĩ Hoàng Tích Chù (1912-2003)

Họa sĩ Hoàng Tích Chù sinh năm 1912 tại tỉnh Hà Bắc. Ông tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, khoá 11 (1935-1941). Ông là một trong những sinh viên đầu tiên của trường Mỹ Thuật Đông Dương xây dựng nên ngành sơn mài nghệ thuật Việt Nam, và là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất về thể lại này, kể từ thế hệ đầu tiên của nền nghệ thuật hội họa hiện đại Việt Nam. Cuộc đời lao động của ông gắn liền với lịch sử sơn mài, kéo dài bền bỉ hơn 60 năm.

Hoạt động nghệ thuật :

• Ông là thành viên Hiệp Hội Nghệ Thuật.
• Giảng viên tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Việt Nam (1956-1969)
• Phụ trách Viện Mỹ Nghệ Hà Nội (1969-1970)
• Tác giả của nhiều bức tranh trưng bày trong Viện Mỹ Thuật Việt Nam, Viện Bảo Tàng Matxcơva về Nghệ Thuật Đông Phương. Một số tranh khác trong các bộ sưu tập cá nhân.


Giải thưởng :

• Đoạt giải III tại cuộc triển lãm Mỹ Thuật Quốc Gia những năm 1957, 1960.
• Được bằng khen tại cuộc triển lãm quốc tế tổ chức tại Đức, Ba Lan và Ấn Độ.
Một số tác phẩm chính : “Tổ đổi công miền núi”[5] và “Thu hoach vụ mùa”[6]
Ông mất năm 2003, linh cữu được đưa về thôn Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh quê ông, hưởng thọ 93 tuổi.

B. Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung:

Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung sinh ra ở Hà Nội năm 1914. Ông là sinh viên khoá 11 (1935-1941) của Trường Mỹ thuật Đông Dương[7]. Năm 1941, Ông đậu tốt nghiệp vào loại xuất sắc.
Hoạt động nghệ thuật :
• Ông chuyên về tranh sơn mài, tranh lụa và tranh khắc gỗ. Ông thành công nhất với chủ đề nông thôn, cảm thông sâu sắc với con người và thiên nhiên Việt Nam. Phong cách trung thực và rõ ràng theo tinh thần Á Đông.
• Từ năm 1955 đến 1964, làm giảng viên tại trường Mỹ thuật Việt Nam;
• Từ năm 1957 đến 1976, là thành viên của Uỷ ban Điều hành thuộc Hiệp Hội Mỹ Thuật Việt Nam.
• Những năm 1964-1990, đã có những cuộc trưng bày tác phẩm của Ông tại Hà Nội.

Giải thưởng :

• Năm 1946, Ông đoạt giải thưởng lớn trong cuộc triển lãm Mỹ Thuật Quốc Gia.
• Tác phẩm của Ông đoạt hạng nhất tại cuộc triển lãm Mỹ Thuật Quốc Gia ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức năm 1977.

Tác phẩm :

Ông có nhiều tác phẩm trưng bày trong Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam.
Một vài tác phẩm chính : “Chợ Nhong”[8]; “Phong cảnh Sài Gòn”[9]
Trước khi đi vào trình bày những phần sau đây, thiết tưởng cần nói trước rằng, hội họa là một thứ ngôn ngữ quốc tế, nhưng lại phụ thuộc khá nhiều vào sở thích, quan điểm thẩm mỹ và văn hoá… của từng cá nhân. Cho nên những gì được trình bày dưới đây sẽ không tránh khỏi thái độ chủ quan và phiến diện. Đó là chưa kể đến tình trạng “ngoại đạo” của người viết đối với loại hình nghệ thuật quá phong phú và đa dạng này.

III . Đề tài :

Ở đây chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, chủ ý của tác giả không chỉ nhằm phô diễn vẻ đẹp thể hiện, màu sắc lộng lẫy hay những đường nét nhip nhàng, cho bằng nhằm phác họa lại biến cố Nhập Thể của Con Thiên Chúa trong bối cảnh của đất nước và con người Việt Nam, qua đó gởi gắm một sứ điệp hay khơi gợi những tâm tình nơi người thưởng thức. Nói thế không có nghĩa là phủ nhận các chiều kích nghệ thuật mà tác giả đã thể hiện nơi bức họa, vốn là yếu tố làm cho bức tranh này thêm phần giá trị, và giúp chuyển tải sứ điệp hay những tình cảm đó đến với người thưởng thức.

Tác giả như vừa cố gắng miêu tả thật chính xác biến cố Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế với những gì đã được Kinh Thánh ghi lại, như các thiên thần, con người, súc vật…dưới lăng kính của một họa sĩ chứ không phải của một nhiếp ảnh gia, vừa nhằm biểu lộ tình cảm của các nhân vật trong bức tranh… Tất cả được lồng vào trong bối cảnh Á Đông, cụ thể là Việt Nam, với những gì là thuần tuý Việt Nam, chứ không như trong những bức tranh Giáng Sinh truyền thống vốn bị coi là Âu hoá, hay như một số tác phẩm bị chỉ trích là lai căng, là “đầu Ngô mình Sở”. Từ con người đến cảnh vật, tất cả đều được gán nhãn hiệu “made in Vietnam”.

Trong bức tranh, dường như tác giả muốn mô tả bối cảnh của xã hội Việt Nam trước khi Ngôi Lời Nhập Thể đến trú ngụ : một xã hội thê lương ảm đạm, trong đó ẩn hiện những cảnh đời lầm than cơ cực… Nhưng không chỉ có thế, tác giả còn muốn mô tả và hiện tại hóa biến cố Giáng sinh của Con Thiên Chúa vào trong một môi trường xã hội như thế. Cũng chính trong bối cảnh đó mà ta nhìn ra chiều kích thứ ba, hướng mở về tương lai của tác phẩm : niềm vui Giáng Sinh lan toả và được khuếch tán như vết dầu loang trên quê hương gấm vóc Lạc Hồng. Đó là ba bình diện được diễn tả cùng một trật trong tác phẩm Giáng Sinh mà ta có thể cảm nhận. Ba chiều kích trên được liên kết với nhau tạo nên một khung cảnh Giáng Sinh không chói chang nhưng rất thâm trầm, bình dị và mang đậm bản sắc Việt Nam. Một phong cách hội nhập hết sức tuyệt vời !

Ngoài ra, ta còn gặp thấy trong thời kỳ này những họa phẩm khác có cùng đề tài Giáng Sinh như tác phẩm của Nguyễn Gia Trí bằng sơn mài[10] ; sau này có Trọng Nội với họa phẩm bằng sơn dầu, Lê Văn Bình với họa phẩm cũng bằng sơn dầu ; Nguyễn Văn Anh với khá nhiều họa phẩm Giáng Sinh bằng bột màu, sơn dầu… Tất cả đều mô tả biến cố Giáng Sinh dưới nhiều góc độ và sắc thái khác nhau, nhưng đều gặp nhau trên bước đường “hội nhập văn hoá”.

IV. Bố cục :

Trước khi đi vào những chi tiết liên quan đến bố cục bức tranh, ta nói sơ qua về kích thước :

Xét về tổng thể, bức tranh có chiều rộng là 224cm, chiều cao là 146cm.

Chi tiết : Bức tranh được ghép bởi 3 phần như sau :
- 67cm x 146cm,
- 90cm x 146cm (phần ở giữa)
- 67cm x 146cm.
Với bề dày mỗi miếng gỗ khoảng 1,8cm.

Sau khi đã tìm hiểu đề tài với dụng ý của hai tác giả, chúng ta sẽ cùng họ đi vào họa phẩm này.

Thoạt nhìn ta có cảm tưởng như bức tranh được kết cấu theo lối tự do, nhưng thật ra nó có bố cục rất chặt chẽ.

Thật vậy, mọi chi tiết trong bức tranh xem ra có vẻ rối rắm, nhưng kỳ thực lại không hẳn như vậy : các yếu tố “chính”, “phụ” lại rất được các tác giả đặc biệt tôn trọng. Mỗi vị trí, mỗi cử chỉ đều bị thu hút về một điểm duy nhất làm cho bố cục bức tranh trở nên rất chặt chẽ. Tâm điểm đó không đâu khác hơn là chính Chúa Giêsu Hài Đồng ; bên cạnh đó có Thánh Giuse và Đức Maria, xa hơn một quãng về bên phải có năm nhân vật, bên trâi lại có thêm một nhân vật và một con bò, ở phía trên góc phải có ba thiên thần, tất cả đều quây quanh và như bị thu hút về phía Chúa Giêsu Hài Đồng ở tâm điểm.

Trong bức tranh cùng đề tài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí hiện ở Tu Viện Mai Khôi – Sài Gòn, ngoài Thánh Giuse ra, còn có sự hiện diện của ba nhân vật khác, mà có người cho là Ba Vua. Ở đây có đến năm nhân vật ở bên trái và một nhân vật nữa rất khó nhận ra ở bên phải, đó là chưa kể đến ba thiên thần. Ngoài ra ta còn thấy có cây cối, có núi, có đá và có cả mây trời… tạo nên một cảnh sắc rất…Việt Nam. Tất cả như để làm nổi bật Chúa Hài Đồng ở trung tâm bức họa.

Chi tiết hơn ta có thể chia bức tranh này thành bốn nhóm : nhóm thứ nhất gồm Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, ngoài ra còn có một nhân vật bên phải và đối diện phía bên kia là tảng đá cùng vài loại thảo mộc làm khung cảnh. Nhóm này là nhóm chính, chiếm vị trí trung tâm của bức họa và là nhóm có màu sắc tươi sáng nhất. Nhóm thứ hai nằm ở góc trái gồm một nhân vật kỳ dị, con bò cùng một số thảo mộc. Nhóm thứ ba gồm bốn nhân vật ở góc phải, đối diện với nhóm hai. Nhóm cuối cùng gồm ba thiên thần, núi và mây trời nằm ở góc phải, phía trên nhóm thứ ba. Tuy là bốn nhóm riêng biệt nhau nhưng không hề tách biệt, trái lại tạo nên một tổng thể duy nhất, hài hoà làm cho bức tranh thêm phần ý nhị và biểu cảm.

Nếu phóng tầm nhìn ra "xa hơn", ta sẽ thấy thấp thoáng những ngọn núi ; chúng vẽ lên chiều sâu của bức họa. Cũng vậy, nếu ta nhìn lên trời cao, ta sẽ thấy được những bóng mây ; chúng góp phần tạo nên chiều cao không gian cho bức họa. Cả hai chiều kích này nói lên chiều sâu của đề tài.

Một yếu tố quan trọng trong cách bố cục đó là đường nét. Ở đây ta thấy các đường nét đều mềm mại, uyển chuyển, kết nối giữa không gian và nhân vật. Các tác giả thường dùng những đường cong, đường vòng cung, đường tròn cách rất khéo léo, linh động uyển chuyển và rất hoà điệu. Tựu trung các đường nét dù thế nào vẫn có một hướng chính qui về Chúa Hài Đồng như tâm điểm. Mặt khác cũng cần lưu ý đến những đường nét tuy ngắn gọn nhưng hiện ra ánh sáng khá rõ, biểu lộ sự yên tĩnh hiền hoà.

Tất cả những điểm vừa kể trên hòa nên một bản nhạc trầm buồn. Tuy nhiên chính trong cái tĩnh tại đó, tác giả lại sử dụng một thủ pháp, đó là lối tương phản, để chế biến dung hoà : đường ngắn thay bằng đường dài, đường cong thay bằng đường thẳng. Cây gậy của Thánh Giuse đóng vai trò đó. Chỉ bằng một chi tiết như thế thôi, mà tác giả đã tài tình chế biến, dung hoà, như lối đảo phách mà nhạc sĩ sử dụng để làm cho bản nhạc thêm phần vui nhộn. Cây gậy của Thánh Giuse đã làm cho bức tranh không còn mềm yếu, lả lướt và trầm buồn nữa, mà trái lại làm cho bức họa tươi sáng và hài hòa đến tuyệt vời.

Trong bức tranh Giáng Sinh của họa sĩ Nguyễn Văn Anh, ta gặp thấy một chi tiết mà xét về vị trí, đường nét, kiểu dáng rất giống với “cây gậy” của Thánh Giuse trong bức họa này, chỉ khác một điều đó là một thân cây có kích thước to và dài hơn, kéo từ trên bức tranh xuống dưới[11].

Điểm cuối cùng cần lưu ý là việc phác họa hình ảnh các thiên thần ở trên cao không theo lối viễn cận[12] trong hội họa cổ điển, nghĩa là tác giả không tuân theo đúng kích thước tương đối, bề sâu, chiều xa… Đây là cách thể hiện ta có thể gặp thấy nơi các tác phẩm thời cận đại[13].

V. Ánh sáng :

Ở đây tác giả sử dụng luật sáng – tối làm cho các hình thể trong tranh có bề sâu và trở nên linh động. Hơn nữa, nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy rằng, dường như có một vầng ánh sáng như vết dầu loang cứ lan dần ra mãi, mà điểm phát xuất không đâu khác hơn là chính Chúa Giêsu Hài Đồng. Cụ thể là ở phần phía trên góc trái, ta thấy những dải ánh sáng phát xuất từ Chúa Giêsu và xua tan dần những đám mây đen ảm đạm. Ánh sáng như đang cuồn cuộn chảy, như một dòng sông ánh sáng đang trào dâng và lan toả …

VI. Màu sắc :

Trong hội họa, màu sắc là yếu tố tối quan trọng, như có người đã định nghĩa : “hội họa chẳng qua cũng chỉ là việc phân phối các màu sắc theo một trật tự nào đó”.

Trước hết, để phân biệt nhân vật chính và nhân vật phụ, các tác giả sử dụng sự tương phản về màu sắc. Nhìn vào bức tranh, ta thấy Chúa Hài Đồng mang gam màu rực rỡ nhất (gam màu nóng). Càng ra xa, sắc màu càng giảm dần sự rực rỡ chói chang. Chính cái khung cảnh trầm mặc, u tịch với những gam màu lạnh được thể hiện nơi đám dân đen, nơi cảnh vật và thậm chí cả các thiên thần, đã làm cho Gia Đình Thánh Gia, và nhất là Chúa Hài Đồng càng thêm nổi bật.

Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể thì sự tương phản nói trên không đủ phá vỡ vẻ trầm mặc cố hữu mà các tác giả đã hữu ý tạo ra. Để thể hiện điều đó, tác giả đã sử dụng lối hòa sắc và đã phân phối gam màu cách hợp lý. Nhờ việc sử dụng gam màu trầm và không tương phản mạnh, ta thấy toàn bức tranh toát lên nét buồn man mác. Thêm vào đó, nhip điệu của các nhân vật tạo cho bức tranh một sự hài hòa đến tuyệt vời.

Mặt khác, chính việc sử dụng chất liệu sơn mài với các màu son then vàng và bạc đã tạo thêm chiều sâu cho bức tranh nhờ hiệu quả phản bóng ; nhờ đó mà bức tranh càng thêm phần gợi cảm.

Cuối cùng, xét về màu sắc, điểm độc đáo mà các tác giả thể hiện trong bức tranh, đó là họ đưa vào tranh gam màu xanh, bổ sung cho mấy màu son then vàng và bạc truyền thống, làm cho bức tranh thêm phần sống động tự nhiên . Đây có lẽ là sáng kiến của Hoạ sĩ Hoàng Tích Chù, vì ông là người tiên phong trong việc sử dụng bảng màu phong phú, đặc biệt là các màu xanh, mà ta thấy thể hiện nơi tấm áo dài Thánh Giuse.

VII. Ý nghĩa :

Cha Antôn Trần Mạnh Đồng[14], trong bài chia sẻ về “Truyền thống Xuân Bích” nhân dịp gặp gỡ truyền thống của các Linh mục cựu Sinh viên Xuân Bích tháng 11.2003, đã nói về bức tranh sơn mài này như sau : “Bức sơn mài được các Cha Xuân Bích chọn treo trên bàn thờ, khi ở Hà Nội, vào Vĩnh Long, lên Thị Nghè, ra Huế, để các thế hệ chủng sinh chiêm ngắm trong suốt thời gian được đào tạo dưới mái ấm Xuân Bích, hẳn là phải có chủ đích góp phần đào tạo chủng sinh thấm nhuần cái chất Xuân Bích là hiệp thông, là hội nhập văn hoá đến cùng với những người Việt Nam. Ở trên trời có mây có núi, có thiên thần mặc áo dài Việt Nam thổi sáo, gảy đàn. Còn ở dưới thế có cây bông sứ[15], cây dọc mùng, có bò ; về loài người thì có thánh Giuse và Đức Maria mặc y phục cổ truyền Việt Nam, bên cạnh là đám dân nghèo đói co ro trong bóng tối, đặc biệt ở trung tâm bức họa có Chúa Hài Đồng, là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, lần đầu tiên được nhìn thấy, con đã bị “dị ứng”, vì Thiên Chúa mà làm người như “một thằng cu con”, nằm ngửa, trần như nhộng một cách vô tư… làm cho con liên tưởng đến một câu thơ trong bài “Trời cao đất thấp gặp nhau” của Cha JM. Thích :
“Khiêm nhường đến thế thì thôi
Hạ mình đến thế tuyệt với thẳm sâu”

Như thế, điểm cốt yếu mà Cha Đồng muốn nói đến khi bàn về bức tranh sơn mài, đó là “hội nhập”, là “hiệp thông”.

Trước hết, xét về khía cạnh “hội nhập”, ta thấy bức tranh cho ta một cái nhìn rất Việt Nam ; từ con người đến cảnh vật, tất cả thấm đẫm phong cách Việt Nam. Từ Chúa Hài Đồng da vàng mũi tẹt, đến Đức Mẹ và Thánh Giuse với cách phục sức truyền thống ; Đức Mẹ mặc áo tứ thân, vấn tóc theo kiểu phụ nữ Việt Nam, Thánh Giuse thì áo dài khăn đóng, mang hài ; hào quang của hai vị cũng được trang trí rất A Đông. Các thiên thần mặc áo dài Việt Nam, thổi sáo trúc, gảy đàn tỳ bà[16]. Đám dân đen với cách phục sức… rất dân dã truyền thống. Ngoài ra con bò, cây dọc mùng, cây trúc,… là những hình ảnh gợi lên cảnh sắc nông thôn Việt Nam. Tất cả đã vẽ nên một phong cảnh Giáng Sinh thấm đẫm nét văn hoá, phong cách và tinh thần dân tộc, với những sắc màu cũng rất Việt Nam.

Một chi tiết khác rất Á Đông cũng đáng cho chúng ta lưu ý, đó là trong các họa phẩm Giáng Sinh theo phong cách Âu – Mỹ, thì các nhân vật phụ thường chiếm một vị trí rất gần, nếu không muốn nói là “lấn sân” Đức Mẹ và Thánh Giuse, để được gần Chúa Giêsu Hài Đồng. Một phong cách rất Tây ! Còn ở đây, mấy người dân đen nhà ta lại khiêm tốn cung kính cúi đầu từ xa, tạo một khoảng cách của lòng tôn kính, mang đậm phong cách Á Đông : "Kính nhi viễn chi".

Thứ đến, bức họa cũng gợi lên hướng “hiệp thông”. Cần biết là vào những năm của thập niên 40, dân Việt đang lâm cảnh lầm than đói khổ và ly loạn vì chiến tranh, mất mùa… và Chúa Cứu Thế được “sinh ra” trong bối cảnh như thế, cũng màn trời chiếu đất như ở Bêlem xưa, cũng những con người đói khổ bao quanh… Đặc biệt ở góc trái phía dưới còn có sự xuất hiện của một nhân vật có vẻ kỳ dị, dáng vẻ có phần hoang dã với một chỏm tóc nhô ra phía trước, tay chân xem chừng gân guốc, thô kệch… đang ngơ ngác lắng nghe tiếng sáo tiếng đàn của các thiên thần. Phải chăng đó là chú mục đồng “còn để chỏm” bên cạnh chú bò cũng đang vểnh tai nghe ngóng ? Hay có thể là đại diện của một nhóm sắc dân miền sơn cước ?… Chỉ với những chi tiết đó thôi cũng đủ cho ta thấy Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa cũng là mầu nhiệm của sự hiệp thông, chia sẻ kiếp người với con người và dân tộc Việt Nam, nhất là những con người bất hạnh, đói khổ.


Tuy nhiên, ý nghĩa bức họa không chỉ dừng lại ở chiều kích quá khứ để mà hiệp thông, ở hiện tại để mà nói về hội nhập văn hóa, mà còn đề cập đến chiều kích thứ ba, chiều của tương lai. Thật vậy, bức tranh mang đậm cái chất thâm trầm, tĩnh tại của cảnh sắc và con người Á Đông. Chính vì thế, nó cũng hàm chứa cái triết lý của Á Đông : “trong âm có dương”, trong cái trầm mặc u tịch đã manh nha một cái gì là phấn khởi, vui tươi và đầy sức sống. Điều này ta thấy các tác giả thể hiện thật tài tình. Nhìn bức tranh, ta thấy những dải ánh sáng vàng rực[17] tỏa ra từ Chúa Con, đang lan tỏa và xua dần đi những bóng mây đen kịt, u ám. Tiếng sáo, tiếng đàn du dương của ca đoàn thiên thần đang xua đi những tiếng than não nùng của kiếp lầm than ; và quanh Chúa Hài Đồng, mọi con người đều ra chiều bình an và mãn nguyện. Vâng, đó là một hướng mở cho tương lai, hứa hẹn một vùng trời đầy ắp ánh sáng và tiếng ca.

Và còn nhiều nữa những chân trời, những chiều kích ẩn tàng nơi bức họa, đang chờ được khám phá và thưởng nếm …

Cuối cùng, không biết vô tình hay hữu ý mà tác giả đã phác họa một gương mặt khác, gương mặt Chúa Kitô khổ nạn ? Ta có thể khám phá được điều này khi nhìn gương mặt Chúa Hài Đồng kết hợp với vòng hào quang của Người. Ở đó ta sẽ thấy ẩn hiện một gương mặt khác với ánh mắt buồn thống khổ – ánh mắt của Chúa Giêsu khi chịu đóng đinh ! Nếu như đây là do chủ ý của tác giả chứ không do cái nhìn quá giàu trí tưởng tượng vẽ ra, thì một lần nữa, ta lại thấy nguyên lý âm dương được thể hiện thật tài tình, thể hiện rõ nét quan điểm thần học của Giáo Hội : Mầu Nhiệm Khổ Nạn được manh nha, hay đúng hơn được khởi đầu từ Mầu Nhiệm Giáng Sinh ; trong cái vui của ánh sao lạ đã thấp thoáng bóng hình của cây thập giá ; trong tiếng du dương ca hát của triều thần thiên quốc đã vẳng lên những lời đầy hận thù kết án, những tiếng kêu sắc lạnh của tiếng xiềng xích gươm đao ; trong cái an bình của giờ khắc đất trời nối kết, đã chất chứa những hỗn loạn, tháo chạy, ly tán… Nhưng dù sao, ánh sáng Chúa Kitô đang lan tỏa và sẽ chan hòa khắp quê hương Việt Nam yêu dấu.

Tóm lại, cho dù được nhìn dưới góc độ nào, thì ngoài khía cạnh nghệ thuật, bức tranh còn gợi lên nhiều ý nghĩa sâu lắng mà ta có thể chưa cảm nếm hết. Ở đây, xin được mượn hai câu đối của Cha Giuse Maria Nguyễn Văn Thích tặng cho Chủng Viện, hiện đang treo hai bên bức tranh và Nhà Tạm, để tóm kết ý nghĩa thâm sâu mà bức họa muốn diễn tả :

Vế phải: “Hậu Ngô Chi Sinh Giáng Thế
Cánh Thành Ngô Thánh Lữ”.

Dịch nghĩa: “Vì rộng lòng thương chúng tôi, Người đã sinh xuống thế mà trở nên bạn thánh đồng hành với chúng tôi”

Vế trái : “Bão Ngã Dĩ Đức Tuẫn Thân
Hoàn Tác Ngã Thần Lương”.

Dịch nghĩa: “Để nuôi sống chúng tôi, Người đã hiến thân hy sinh mà làm nên lương thực cho chúng tôi”
(Diễn nghĩa bài Verbum Supernum).

Hiện nay, bức tranh vẫn còn đó, trong cung thánh nhà nguyện Chủng Viện Huế, như chứng tích của biết bao thăng trầm của dòng lịch sử dân tộc, của Giáo Hội Việt Nam, của Hội Xuân Bích, và cách riêng, của biết bao thế hệ Chủng Sinh đã từng ngày đêm chiêm ngắm… Từng thế hệ Chủng Sinh lần lượt rời Chủng Viện ra đi phụng sự Chúa trên mọi miền đất nước. Nhưng bức tranh vẫn còn đó, vẫn gọi mời lòng quảng đại của biết bao thế hệ tiếp nối chuẩn bị cho mình hành trang lên đường, đó là sự dấn thân, tinh thần hội nhập và hiệp thông. Có thế, ánh sáng của Mầu Nhiệm Nhập Thể mới mong thấm đẫm, chan hòa mọi miền đất quê hương.

VIII. Thư mục :

1. Tạp chí Phụng vụ, số 4 tháng 6 năm 1971
số 7 tháng 12 năm 1971
số 14 tháng 2 năm 1973
số 15 tháng 4 năm 1973
2. Bài “Chia sẻ về truyền thống Xuân Bích”,
tác giả Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng.
3. http:// minhchau-gallery@hn.vnn.vn

Huế, 2003
Pr. Nguyễn Văn Hiền

________________________________________
[1] Trong khoảng thời gian từ 1942 đến 1954.
[2] Tương đương 1.000 cây vàng vào thời điểm đó.
[3] Cha GB. Nguyễn Văn Đán, qua lời kể của Cha Gastine Bùi Đức Tín
[4] Theo Cha FX. Nguyễn Tiến Cát
[5] Sơn mài, Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam
[6] Sơn mài, Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam
[7] Cùng khoá với Họa sĩ Hoàng Tích Chù
[8] Nguyên văn tiếng Anh trên mạng là "Cho Nhong" ; tranh khắc gỗ màu, Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam
[9] Tranh khắc gỗ màu, Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam
[10] Hiện đang ở nhà nguyện của Tu Viện Mai Khôi – Sài Gòn.
[11] Xem Tạp chí Phụng vụ, số 4, tháng 6.1971, tr.144
[12] Viễn cận, viễn họa : perspective
[13] Hậu bán thế kỷ XIX.
[14] Cha Giáo dạy về “Tìm hiểu Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu”
[15] Đây có lẽ không phải là cây bông sứ mà là một thứ cây có người gọi là cây “sặc máu”, có nhiều ở miền Bắc ?
[16] Đàn tỳ bà là một loại nhạc cụ dân tộc
[17] Theo quan niệm Á Đông, màu vàng là màu vương đế
Đăng trong: Viêt Nam, Xuân Bích VN, ĐCV Huế | Thẻ: Giáng sinh

Nguồn: http://xuanbichvietnam.wordpress.com

0 nhận xét: