Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

Hành Trình Tâm Linh: Linh đạo của Cộng đoàn Emmanuel


Linh đạo của Cộng đoàn Emmanuel

Gần đây hơn, người ta đã thấy xuất hiện trong Hội thánh những hình thức linh đạo mới lồng vào trong Truyền thống to lớn của Hội thánh. Cộng đoàn Emmanuel cho ta một thí dụ về điều này.

Cộng đoàn này bắt nguồn từ trào lưu Canh tân đoàn sủng Công giáo. Vào năm 1972, phong trào Canh tân đoàn sủng, vốn được khai sinh tại Hoa Kỳ một vài năm trước, du nhập vào nước Pháp. Một vài nhóm cầu nguyện nhỏ được thành lập. Như chúng ta đã thấy, một trong các nhóm đầu tiên được khai sinh ở Paris với Pierre Goursat, một nhà phê bình điện ảnh đã nghỉ hưu, và một nữ bác sỹ nội trú trẻ, Martine Laffitte (nay gọi là Catta). Bắt đầu với năm người, một năm sau đó nhóm gồm tới năm trăm người và đã phải giảm tốc. Khá nhanh sau đó, một số tham dự viên muốn đi xa hơn. Chính vì thế mà Cộng đoàn Emmanuel đã được khai sinh. Cộng đoàn lan truyền nhanh chóng và được Tòa Thánh chính thức công nhận vào năm 1998. Năm 2003, Cộng đoàn gồm khoảng từ sáu đến bảy ngàn thành viên, trong đó có một trăm sáu mươi linh mục và nhiều chị em sống đời thánh hiến; cộng đoàn được phổ biến trong sáu mươi lăm quốc gia. Đó là một trong những cộng đoàn canh tân đoàn sủng được lồng sâu nhất vào Hội thánh. Nhiều sứ vụ của Hội thánh đã được ủy thác cho nó, đặc biệt là các giáo xứ, và nó đã tự khai triển vô số hoạt động Phúc âm hóa dưới những hình thức rất khác nhau.

Sự tuôn đổ Thần Khí

Pierre Goursat († 1991), vị sáng lập Cộng đoàn Emmanuel, đã năm mươi tám tuổi khi ông gặp phong trào Canh tân đoàn sủng, và ông đã trải qua một hành trình tâm linh dài theo phong trào này. Nhưng khi ông đón nhận lời cầu xin Chúa Thánh Thần đổi mới nội tâm mình (sự “tuôn đổ Thần Khí”), ông đã trở một con người mới. Ông đã “gặp” Chúa Thánh Thần như một ngôi vị.

Sau ông, hàng trăm người đã trải qua kinh nghiệm này. Một ngày kia, hoặc đột ngột, hoặc sau một thời gian dài chuẩn bị trong âm thầm, cuộc đời thay đổi. Thiên Chúa trở nên gần gũi. Chúa Giêsu, từng ở xa, đột nhiên tiến lại gần ta. Bấy giờ ta trao phó đời ta cho Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần trở thành chủ đời ta. Điều đó xảy đến cho những người thuộc mọi lứa tuổi, mọi sắc tộc, mọi bậc sống, mọi trình độ tâm linh và nhân bản:

              - Sự tuôn đổ Thần Khí tương ứng trước hết với một sự khai tâm của Thiên Chúa, qua đó Ngài ngự đến một cách đặc biệt, để tỏ mình ra cho người ta như một ngôi vị sống động và gần gũi. Những người được đổi mới bởi kinh nghiệm này khám phá ra hoặc khám phá lại ý nghĩa của bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thêm sức mà mình đã nhận lãnh. Họ đáp lại bằng cách hoán cải, thay đổi đời sống để có thể, một cách tiệm tiến, đặt Thiên Chúa vào trung tâm của đời mình.

Kinh nghiệm về sự tuôn đổ Thần Khí này tạo nên sắc thái đặc biệt cho linh đạo của Emmanuel. Ý nghĩa cuộc đời trở nên tích cực. Ta tin vào tương lai của con người và của nhân loại, bởi vì Thiên Chúa hiện diện ở đó. Ta bắt đầu tìm kiếm nơi mỗi người điều có thể phát triển để phục vụ thiện ích. Ta lưu tâm đến những đoàn sủng được Hội thánh trao ban, và ta thử, không chỉ đem chúng ra thực hành, nhưng còn suy nghĩ để Phúc âm hóa thế giới này từ những đoàn sủng ấy. Hơn nữa, nếu ngày nay Chúa Thánh Thần hoạt động, là vì Ngài có một dự phóng trên Hội thánh. Ngài khát khao canh tân Hội thánh, làm cho Hội thánh sống động trở lại trong các quốc gia Kitô giáo già cỗi, mở rộng Hội thánh trong các quốc gia khác. Từ đó nảy ra một cái nhìn yêu mến và lạc quan về Hội thánh, rất khác xa với những bài diễn văn theo thời trang, cũng từ đó nảy ra khát vọng yêu mến và phục vụ Hội thánh dưới mọi hình thức mà mình có thể làm được. Như vậy, sự tuôn đổ Thần Khí là một cuộc khởi hành: linh đạo Emmanuel thật không tĩnh tại chút nào.

Một hệ quả khác của sự tuôn đổ này là việc ca tụng. Chúa Thánh Thần là thần khí vui tươi hoan hỉ, Ngài là Đấng An Ủi. Hơn nữa: Ngài mở ra lời tụng ca giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Cũng vậy, trong viễn tượng của Canh tân đoàn sủng, Cộng đoàn Emmanuel là một cộng đoàn ca tụng, tạ ơn, tri ân triền miên, theo lời mời gọi của Chúa để “luôn vui tươi [...] và không ngớt dâng lời tạ ơn Thiên Chúa” (1Tx 5,16-18). Việc ca tụng này mặc lấy cả ngàn hình thức, từ lời ca tụng vang dội của các buổi phụng vụ long trọng hoặc của các cuộc hội họp để cầu nguyện cho đến lời ca tụng trong từng gia đình. Nhưng nó không bị hạn chế chỉ trong việc thực hành mà thôi: đó là một lối sống. Toàn cuộc hiện sinh như được nhìn qua một nhãn quan ca tụng, nó trở thành một kinh nguyện liên lỉ mà mọi Kitô hữu đều được mời gọi thực hiện.

Việc ca tụng này không khiến cho các thành viên “tách ra” khỏi cộng đoàn. Trái lại, nó nhập thể vào đời sống hằng ngày. Emmanuel, ấy chính là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta trong các công việc khiêm tốn của cuộc đời, ấy chính là Thiên Chúa đã đến trong xác thể của chúng ta. Cũng vậy, cuộc sống tâm linh chỉ đúng đắn và sinh động nếu nó được nhập thể một cách cụ thể và, nếu ta nói một cách bạo miệng, thực dụng. Ngay cả danh xưng mà Thiên Chúa ban cho cộng đoàn cũng mang ý nghĩa rõ ràng về lời mời gọi nhập thể, về sự tỏ bày của Thiên Chúa đang hiện diện, ở giữa những con người, hôm nay.

Thờ lạy, Thương xót, Phúc âm hóa

Pierre Goursat là một người luôn thờ lạy. Người ta đã có thể nói trong tang lễ của ông rằng “Ông đã tiêu hao bản thân trong việc thờ lạy”. Ông từng trải qua nhiều giờ mỗi ngày trước Mình Thánh Chúa, và ông muốn rằng các thành viên trong cộng đoàn trước hết phải là những người thờ lạy, nghĩa là những người nam và nữ chiêm niệm trước khi mãi mê hành động.

              “Các thành viên của Cộng đoàn Emmanuel dấn thân hết mức có thể vào việc thờ lạy dài giờ trong ngày (thờ lạy bí tích Thánh Thể khi có thể được)” (Nội quy, số 15). Khi làm việc này, họ chiêm ngắm Đức Kitô hiện diện trong Mình Thánh Chúa đang trao ban sự sống và tình yêu của Ngài để cứu rỗi mọi người. Họ không chỉ thờ lạy cho riêng họ mà thôi, nhưng cho hết thảy mọi người. Họ mở con tim mình ra với tình yêu vô tận của Thiên Chúa hầu cho tình yêu xót thương này được đổ tràn xuống thế gian. Họ tự hiến bản thân để đáp lại cơn khát tình yêu mà Đức Kitô đã tỏ ra trên Thánh giá (Ga 19,28)

Thờ lạy Chúa Giêsu trong Mình Thánh Chúa, tham dự thánh lễ, mỗi ngày nếu có thể, không chỉ là chu toàn những việc đạo đức, mà còn là đặt mình càng lúc càng sâu hơn trong một thái độ thường kỳ, trong một tình trạng chiêm niệm và thờ lạy. Thờ lạy dẫn đến việc xả kỷ chầm chậm, việc quên đi càng lúc càng nhiều những dự phóng cá nhân và, ngược lại, để Chúa Giêsu đi vào trong linh hồn mình mỗi lúc một mạnh hơn. Không có gì “vô ích” theo cái nhìn của con người hơn là việc thờ lạy. Ở yên đó, chẳng làm gì, trong nhiều thời khắc, đôi khi tạo ra ấn tượng mất thời giờ vốn có thể được sử dụng cách tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đó chính là nguồn mạch của cuộc sống. Không thờ lạy, hoạt động chỉ là ngắn ngủi và hời hợt.

Một hiệu quả quan trọng của việc thờ lạy là sự “thông truyền” chính các tâm tình của Trái Tim Chúa Giêsu. Một cách huyền nhiệm, dần dần, ta suy nghĩ như Ngài, ta cảm nhận như Ngài. Và bấy giờ ta cảm thấy một tình thương xót bao la đối với thế giới, đối với con người, đặc biệt đối với nỗi đau khổ của họ. Ta để cho những điều đó chạm đến mình, ta dẹp hàng rào phòng thủ đi. Rất nhanh chóng, ta bị bao trùm bởi nỗi đau khi thấy con người chết đói, một cách vật chất, nhưng còn chết đói hơn nữa về mặt tâm linh. Đó là tiếng kêu la của thánh Đa Minh khi ngài cầu nguyện trong đêm tối, tiếng kêu la mà Pierre Gousat vẫn thường lập lại: “Lạy Thiên Chúa của con, xin thương xót! Những người tội lỗi sẽ ra sao?”

            Lòng thương xót đích thực của Chúa Giêsu là việc cứu rỗi con người đã được Chúa Cha tạo dựng. Trở thành môn đồ của Emmanuel, là để cho mình bị thiêu đốt bởi khát vọng được cộng tác với Ngài để cứu rỗi mọi người.

Đó chính là lòng thương xót, được cắm vào việc thờ lạy và làm phát sinh hành động. Nó mặc lấy dáng vóc của một khát vọng Phúc âm hóa, một khát vọng nói về Chúa Giêsu, một khát vọng không câm miệng khi đối mặt với sự nghèo khó lớn nhất, là sự vắng bóng Thiên Chúa. Ta không có thể ngồi yên thụ động, chỉ đơn giản làm chứng về việc thế giới mất đi ý nghĩa, ta không thể đào ngũ trước cơn đói của con người, cơn đói về Thiên Chúa:

           Lời mời gọi tân Phúc âm hóa của Đức thánh cha chỉ xác nhận thêm ơn gọi của Cộng đoàn Emmanuel là tham gia vào việc hoàn tất sứ mạng của Hội thánh trong thế giới hiện nay.

Như vậy, Emmanuel là một cộng đoàn truyền giáo. Dưới mọi hình thức, trong gia đình, trong công việc, trong các sứ vụ của Hội thánh hoặc các hoạt động riêng của cộng đoàn, ta được mời gọi làm chứng cho Thiên Chúa, mọi bậc sống hỗn hợp (giáo dân, linh mục, nam và nữ tận hiến), trong sự tinh tế nhẹ nhàng được Đức Maria ban cho và với sự nâng đỡ bằng hiến lễ của các thành phần đang gặp đau khổ của cộng đoàn.

Trái Tim Chúa Giêsu

Một cách huyền nhiệm, từ 1975, Cộng đoàn Emmanuel thấy mình được liên kết với địa điểm Paray-le-Monial và với sứ điệp của Thánh Tâm Chúa Giêsu, vốn đã được mặc khải cho thánh nữ Maria-Magarita từ 1673 đến 1675. Thoạt đầu, không có định mệnh nào sắp đặt cho một cộng đoàn Canh tân đoàn sủng tiếp xúc với hình thức linh đạo xem ra đã cũ xưa này. Thế nhưng sứ điệp của Trái Tim Chúa Giêsu đã có một ảnh hưởng quyết định trên cộng đoàn Emmanuel. Đáp lại, cộng đoàn đã cộng tác đổi mới việc loan báo và trình bày sứ điệp này.

Sứ điệp của Paray trước hết được liên kết với nội tâm. Trái tim, đó chính là trung tâm của con người, là nơi chốn của “cái tôi sâu xa”. Nói đến trái tim là nói đến một tôn giáo của nơi “sâu thẳm”, của chốn tâm linh, hơn là nói đến một tôn giáo của công việc. Đó cũng chính là nói đến một sự hợp nhất giữa Trái Tim Thiên Chúa, nghĩa là nơi bí nhiệm của Ngài, và trái tim con người: nơi ấy chúng ta ở trong một linh đạo hợp nhất. Tiếp đến, sứ điệp của Paray là một sứ điệp tình yêu: “Xem kìa, Trái Tim này đã yêu thương con người đến độ không dành lại một điều gì, đến độ tiêu hao chính mình để minh chứng tình yêu của mình cho họ.” Đó chính là toàn bộ Tin mừng của thánh Gioan: Thiên Chúa là tình yêu, sáng tạo là một công trình của tình yêu, và trong tình yêu sự Cứu chuộc đạt đến những đỉnh cao không ngờ. Như vậy, Paray là một lời công bố tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại.

Nhưng trong sứ điệp của Trái tim Chúa Giêsu có một chiều kích mà Emmanuel đã càng ngày càng khám phá ra thêm: đó là tình yêu không được yêu đáp lại. Quả thật, Đức Kitô phàn nàn với thánh nữ Maria-Magarita về sự dững dưng thờ ơ của con người, đặc biệt đối với sự hiện diện yêu thương của Ngài trong Thánh Thể. Và ở vườn Ghếtsêmani, lúc Đức Kitô cần được giúp đỡ, thậm chí cần được các bạn hữu của mình an ủi, sự dửng dưng này đã tới cao điểm. Cũng vậy, Cộng đoàn Emmanuel muốn an ủi Trái Tim Đức Kitô. Các thành viên của cộng đoàn muốn cận kề bên Ngài như những người bạn và những người anh em. Thật là sửng sốt khi nghĩ rằng Đức Kitô đã muốn cần con người đến mức van nài tình bạn của họ. Và chính trong việc thờ lạy và rước Thánh Thể mà tình bạn này có thể biểu lộ một cách ưu việt nhất. Như vậy, sứ điệp của Paray mang tính thời sự hơn bao giờ hết, vì những tâm tình của Trái Tim Chúa Giêsu không hề thay đổi và phải được giải thích cho mọi người thuộc mọi thời đại.

*


Hãy cùng nhau nhắc lại rằng: các thí dụ mà chúng ta vừa nêu ra chỉ nói được đôi chút về sự phong phú của lịch sử thiêng liêng của Hội thánh và về các cơ hội mà Hội thánh trao tặng cho con cái mình. Có nhiều linh đạo cùng hiện hữu. Không phải vì một số linh đạo cổ xưa hơn mà chúng kém thời sự đi. Pierre Van der Meer từng nói: “Luôn luôn sống động, Hội thánh tự biểu lộ dưới nhiều dáng vẻ. Nó sống động trong kinh nguyện thầm lặng của các hội dòng chiêm niệm, nó sống động trong nỗi khổ đau của người nghèo cũng như trong niềm vui trao ban, nó cũng rất sống động trong vẻ tráng lệ của các ngôi đại thánh đường hoặc trong vẻ khiêm tốn của các nguyện đường nhỏ bé.” Đó cũng thật là sự đa dạng của các hình thức linh đạo.

(Hết chương 7) 

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

Hành Trình Tâm Linh: Linh đạo của phong trào Focolare


Linh đạo của phong trào Focolare

Linh đạo của các thành viên Focolare thì hoàn toàn khác biệt. Được khai sinh ở tỉnh Trento nước Ý, trong thời đệ nhị thế chiến, hiện nay phong trào Focolare được truyển bá trên khắp thế giới và tác động, dưới nhiều hình thức, hàng triệu người ở những cấp độ dấn thân rất đa dạng. Phong trào bắt nguồn từ một nhân vật mà hiện nay danh tánh đã được rất nhiều người biết đến: Chiara Lubich. Người ta đã sống linh đạo của bà rất lâu trước khi linh đạo này được đem ra phân tích. Ta có thể tóm tắt nó xoay quanh một số chủ đề chính.


Chúa Giêsu ở giữa chúng ta

Các thành viên Focolare ưu tiên dành một mối ràng buộc quan trọng với sự hiện diện thiết thực và gần gũi của Chúa Giêsu trong thế giới loài người: Gèsu in mezzo, như cách nói của người Ý. Không có gì xa cách với suy nghĩ của họ hơn là tin rằng Ngài vắng mặt khỏi thế giới mà Ngài đã tạo dựng nên và khỏi lịch sử mà Ngài là chủ tể. Chúa là và vẫn là vị Chúa gần gũi, hôm qua cũng như hôm nay. Và “nơi” mà Ngài mạc khải sự hiện diện của mình một cách đặc biệt hơn hết là bí tích Thánh Thể. Phong trào và vị sáng lập ra nó cũng rất yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Nếu các thành viên không rước lễ hằng ngày, hoặc ít nữa là rước lễ thường xuyên, thì phong trào sẽ chẳng là gì cả; vì việc rước lễ tạo ra một sự biến đổi tâm linh không thể diễn tả nơi người Kitô khi họ hợp nhất với Đức Chúa của mình:

              Thánh Thể [...] tạo nên một sự hợp nhất của người tín hữu với Thiên Chúa, vượt xa sự hợp nhất của bí tích Thánh tẩy: nó dẫn đến việc đồng hóa về mặt bản thể [assimilation substantielle]. Dĩ nhiên phải hiểu điều này với sự tôn trọng khoảng cách giữa Đấng Tạo Hóa với kẻ được tạo thành. Không có sự trộn lẫn thể lý giữa người rước lễ và Đức Kitô, nhưng có sự đồng hóa huyền nhiệm, tuy thiêng liêng mà có thực, cho phép ta nói rằng có sự đồng hóa “thân thể”.

Nhưng Chúa Giêsu không chỉ hiện diện trong Thánh Thể mà thôi: Ngài cũng còn hiện diện trong người anh em, với người anh em: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ” (Mt 18,20). Một trong những điểm mạnh của phong trào là ở chỗ dựa vào sự tái khám phá tình yêu của Thiên Chúa hiện diện giữa những người tụ họp nhân danh Ngài. Là hệ quả của điều này, tình yêu thương huynh đệ như cũng được tái khám phá và giữ những chiều kích mới. Như vậy đoàn sủng tình yêu thương huynh đệ là một trong các dữ kiện nền tảng của các thành viên Focolare: “Tình yêu thương anh em của chúng ta là điều răn căn bản. Bất cứ hành vi nào nếu được thực hiện bởi tình yêu thì đều có giá trị. Không có tình yêu thương với anh em của chúng ta, mọi sự chúng ta làm đều rỗng tuếch.”

Sự hợp nhất

Hơn nữa, như có một huyền nhiệm ở trong tình yêu huynh đệ này. Thật vậy, không nên bám vào những mối quan hệ hời hợt bên ngoài, nhưng hãy đạt tới vùng sâu thẳm của người đang ở trước mặt tôi. Nói cách khác, cần phải “tạo sự hợp nhất” với người ấy. Ở đó chúng ta chạm đến một ân sủng nền tảng của phong trào: sự hợp nhất. Chiara Lubich hoàn toàn rõ ràng về điểm này:

              Ơn gọi đặc thù của chúng ta là hợp nhất; đó chính là đặc trưng của phong trào Focolare. Những khái niệm khác, những cách nói khác có thể diễn tả theo một lối khác, chỉ trong một từ, rất thần thiêng và tráng lệ, những cách thức khác nhau để đến với Thiên Chúa... Nhưng đối với chúng ta, hợp nhất là lời tóm tắt linh đạo của chúng ta. Lời này chứa đựng nơi mình mọi thực tế siêu nhiên khác, mọi điều răn khác, mọi thực hành và mọi thái độ tôn giáo khác.

Sự hợp nhất này, trước hết và rất hiển nhiên, là sự hợp nhất với Đức Kitô vốn đang được cụ thể hóa trong bí tích Thánh Thể. Nhưng đó cũng còn là sự hợp nhất với người anh em, trong sự hợp nhất này sự hiện diện của Đức Kitô sắp được tỏ lộ:

              Nếu chúng ta được kêu gọi để đi đến sự hợp nhất, thì đối với chúng ta, con đường dẫn đến Thiên Chúa là ngang qua người anh em. Chính bằng lối đi này, đôi khi cũng âm u và tối tăm như một đường hầm, mà ta đạt tới ánh sáng. Thiên Chúa yêu cầu chúng ta trải qua con đường huyền nhiệm này để đến với Ngài.

Như vậy người theo linh đạo Focolare được mời gọi vét rỗng bản thân, theo một cách nhất định, khỏi chính mình, khỏi nền văn hóa, lối suy nghĩ, thế giới nội tâm của mình, để nên “một” với người mà mình đối thoại. Đó là một sự khổ chế triền miên, nhưng ta có thể làm được, vì qua sự lột trần này, chính Chúa Giêsu lớn lên trong con tim mỗi người:

              Đó là thập giá mà chúng ta phải chọn hằng ngày, thập giá tuyệt vời nhất. Nó là sự sống dành cho chúng ta và những người mà chúng ta yêu thương. Nếu được chia sẻ, nó trở nên sự sống ở giữa chúng ta, là Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu bị bỏ rơi

Khi đòi hỏi chúng ta từ bỏ bản thân, Đức Kitô đòi hỏi nhiều lắm, nhưng Ngài có thể đòi hỏi như thế vì chính Ngài là người đầu tiên cảm nghiệm điều này. Trực giác về “Chúa Giêsu bị bỏ rơi” là một điểm khác – trong một phần lớn chưa được xuất bản – của linh đạo và hiện nay là của thần học về phong trào. Đó là một sự lập lại và đào sâu về thần học Thập giá và các hệ quả của nó.

Quả thật, đối với Chiara Lubich, khi Đức Kitô nói, trên Thánh giá: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?” (Mt 27,46), Ngài chạm tới đáy sâu của sự cô quạnh ở một mức độ khó tưởng:

              Chúa Giêsu bị bỏ rơi là mẫu gương của người nghèo về mặt tinh thần. Sự nghèo khó của Chúa Con, có thể nói, là sự nghèo khó đến độ thiếu vắng Thiên Chúa; Chúa Giêsu không còn nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa nữa. Chúa Giêsu bị bỏ rơi là mẫu gương của sự từ bỏ và khổ hạnh. Sự đau khổ của Ngài không chỉ ở mặt thể lý – là khổ hình thập giá -, mà linh hồn Ngài cũng sống con đường núi Sọ, vì Ngài phải từ bỏ thực tế thân thương nhất này: sự hợp nhất với Thiên Chúa. Đối với Chúa Giêsu, nó đề cập đích xác tới một sự từ bỏ hoàn toàn Ngôi vị Chúa-Người của Ngài.

Như ta thấy, đoạn văn này, vốn chỉ là một giữa rất nhiều đoạn khác, sẽ còn cần được chú giải dài dòng. Nó đi rất xa. Như vậy, chính vì Chúa Giêsu bị bỏ rơi hợp nhất với con người nơi bí tích Thánh Thể nên Ngài có thể yêu cầu các anh em của mình sống trong tình trạng bị bỏ rơi dẫn đến hợp nhất này.


Tất cả điều này hẳn nhiên đã có những hệ quả, và theo dòng thời gian, phong trào đã cải biến chúng dưới hàng ngàn hoạt động hướng về đại kết, về một “kế hoạch hiệp thông”, v.v. Các hoạt động này đã thay đổi cuộc đời của hàng ngàn người và đã có những hệ quả trên toàn thể Hội thánh, những hệ quả mà các thế hệ tương lai sẽ được hưởng ích lợi.

(Còn tiếp)

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Hành Trình Tâm Linh: Chương 7 - Các linh đạo khác nhau


Chương 7: CÁC LINH ĐẠO KHÁC NHAU

Tiếng Chúa gọi mỗi người thường kèm theo một tiếng gọi khác: tiếng gọi để sống trong một gia đình thiêng liêng đặc thù. Trong Hội thánh có khá nhiều “linh đạo” khác nhau. Sự việc không giống nhau khi ta là một tu sỹ dòng Cát Minh hoặc dòng Biển Đức, hay đối với một giáo dân, khi thuộc về các nhóm Mân Côi hoặc Canh tân Đoàn sủng. Tại sao vậy?

Tại sao có những linh đạo đặc thù?

Rất đơn giản. Mỗi một linh đạo diễn tả một khía cạnh đặc thù của mầu nhiệm Thiên Chúa và giúp cho người ta sống linh đạo ấy. Giống như nó biểu thị một mặt đặc thù của một viên kim cương vậy. Nhưng không linh đạo nào là chính viên kim cương này cả. Hoặc thêm một thí dụ nữa, mỗi một linh đạo giống như một cánh cửa đặc thù dẫn vào thế giới của Thiên Chúa. Mỗi cửa đều khác nhau, nhưng mục đích thì giống nhau. Như vậy Hội thánh tựa như một bó hoa xinh đẹp bởi sự đa dạng và tính duy nhất nền tảng của nó.

Mỗi linh đạo đặc thù tập trung vào những yếu tố sống được xem như quan trọng nhất, vào những chủ đề huy động, động cơ, để từ đó phát xuất ra tất cả những điều còn lại. Một số linh đạo đặt nền tảng trên khát vọng về ơn cứu độ con người, một số khác về Thánh giá Chúa Kitô, số khác nữa về lòng tín thác và Mẹ Maria, về sự cấp bách của việc đại kết, về hoạt động của Chúa Thánh Thần, về việc dấn thân trong mầu nhiệm Hội thánh, v.v... Thông thường, tất cả các yếu tố này phải có một liều lượng khác nhau nơi mọi linh đạo. Nhưng, như trong các món cocktail, chính liều lượng là cái tạo ra sự khác biệt. Thí dụ: Đức Maria sẽ có vai trò ưu tiên trong các linh đạo liên kết với thánh Louis-Marie Grignion de Montfort hoặc chân phước Cha Chaminade, nhưng Mẹ sẽ có một vai trò khác trong một linh đạo đại kết.

Những linh đạo khác nhau này thì quan trọng đối với chúng ta. Quả thật, việc chúng ta thuộc về một gia đình hiểu và nâng đỡ chúng ta là một điều rất tốt. Nhìn thấy những người khác sống cùng một điều chúng ta đang sống, có cùng sở thích thiêng liêng như chúng ta, chúng ta được khích lệ, chúng ta cảm thấy mình được hiểu và khuyên bảo tốt hơn. Cũng có đôi khi, đang có một đường hướng thiêng liêng chủ đạo, chúng ta có thể đón nhận một điều gì đó mạnh mẽ từ một hình thức thiêng liêng khác. Chắc hẳn, không nên lẫn lộn các linh đạo, cũng đừng hành động một chiều theo lối “hoặc... hoặc...”. Thường thường, Chúa tiến hành theo lối “và... và...”. Ngài khiến các yếu tố khác nhau xuất hiện để đem chúng lại gần nhau và quy chúng về một mối nếu điều ấy có ích cho dự phóng của Ngài.

Đây không phải là nơi bàn về tất cả các linh đạo. Việc này cần cả một bài khảo luận lịch sử đầy đủ. Trái lại, như một thí dụ, có thể nên nói về một hai linh đạo. Việc này giúp chúng ta xác định vị trí và tìm kiếm linh đạo của mình, hoặc đúng hơn, giúp chúng ta cầu xin Chúa chỉ dẫn hoặc xác định cho mình. Hãy lưu ý rằng không một linh đạo nào tự nó là tốt hơn một linh đạo khác. Đối với người có bổn phận sống một linh đạo, thì mọi linh đạo đã được Hội thánh chuẩn nhận đều dẫn đến sự thánh thiện. Điều cốt yếu là tôi biết được linh đạo nào mà Chúa muốn tôi theo. Các vụ đấu khẩu giữa các linh đạo là chẳng thú vị gì. Đó là những chuyện trẻ con và đôi khi chúng còn gây ra những hậu quả làm phương hại nặng nề đến sự hợp nhất của Hội thánh nữa.

Linh đạo của Trường phái Pháp

Thí dụ đầu tiên mà tôi muốn đưa ra là thí dụ của phong trào được gọi một cách không thích đáng là “Trường phái Pháp”, xuất phát từ thế kỷ XVII. Quả thật, những nghiên cứu lịch sử về linh đạo chỉ ra rằng nó đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đâu trong Hội thánh, đặc biệt qua các linh mục và rất nhiều hội như hội Nhà Tiệc ly của thánh nữ Thérèse Couderc hoặc hội Thánh gia của Cha Noailles. Cha sở họ Ars, trong số những cha khác, là người từng thấm nhuần linh đạo này. Nhưng có nhiều giáo dân trước đây cũng đã được nó tác động và hiện nay nó cũng đang tác động như thế, thường là một cách gián tiếp. Nó thực sự là một phương thế sâu xa để sống với Chúa.

Trường phái Pháp bắt nguồn từ Pierre de Bérulle (1575-1629), một trong những nhân vật tôn giáo thâm trầm nhất của lịch sử nước Pháp, là vị sáng lập hội Giảng thuyết Pháp và là người giới thiệu dòng Cát Minh Teresa vào nước này. Có những người làm thay đổi thế giới quanh họ. Bérulle là một trong số những người đó. Bourgoing, là môn sinh của ngài, nói rằng: “Người ta đã đánh giá ngài như một vị tuyên sấm , dường như thần khí của Chúa đã nói qua miệng ngài.”

Sự vĩ đại của Thiên Chúa và sự nhỏ bé của con người

Trong phần đầu của hành trình cá nhân, Bérulle bị đánh động bởi sự kiện đơn giản rằng Chúa là Chúa và con người chẳng là gì cả - hoặc đúng hơn con người tự mình chẳng là gì cả, nó chỉ là gì trong sự tham chiếu với Chúa và lệ thuộc vào Ngài. Như vậy Bérulle có một cái nhìn hướng rất thẳng lên Chúa, gợi lại một chút điều mà Chúa Giêsu từng nói với thánh nữ Catarina Sienna: “Con ơi, con hãy biết rằng Ta là Đấng tự hữu, và con là kẻ chẳng tự hữu.”. Gần chúng ta hơn, Maurice Clavel đã khám ra điều tương tự khi đọc Bérulle và ghi lại điều này trong nhan đề của một cuốn sách: Chúa là Chúa, tôn danh Chúa!

Bérulle cũng yêu cầu con người làm một cuộc cách mạng Copernic được tóm tắt trong lời nói đơn giản này: “Phải nhìn Chúa trước tiên chứ đừng nhìn vào chính mình.” Quả thật, chúng ta đang tự xây dựng cuộc đời cho chính mình trước hết. Nhưng chúng ta quên rằng mình chỉ là những thụ tạo, rằng chúng ta không tự sáng tạo chính mình, rằng chúng ta chỉ tồn tại qua mọi giây phút chỉ vì Chúa muốn thế, và rằng một ngày kia chúng ta sẽ trở về với Chúa. Đời sống của chúng ta, chính là Chúa. Nhận biết điều này, chính là đảo lộn trật tự của con người về các sự vật và trở về với “nhân đức tôn giáo”, nghĩa là trở về với việc nhìn cuộc đời một cách đúng đắn, bằng cách đặt Chúa ở khởi điểm và ở trung tâm mọi sự. Để làm điều đó, chúng ta phải có một con tim nhận biết thực tế nền tảng này. Bourgoing từng nói: “Điều mà Cha rất khả kính của chúng ta đã canh tân trong Hội thánh, cũng như phương tiện mà Chúa đã ban cho ngài để thực hiện nó, chính là tinh thần tôn giáo, là việc phụng tự tối cao bằng sự tôn thờ và lòng kính sợ.” Qua việc tôn thờ, ta phải nhận biết Chúa là Chúa tể và là Đấng Sáng tạo vũ hoàn, kết hợp với lời ca tụng về mọi điều mà Ngài đã ban cho chúng ta.

Như vậy trước hết con người là một kẻ tôn thờ. Chúng ta hiện diện trên mặt đất này chỉ là để tôn thờ, không những qua hành vi mà thôi, nhưng bởi chính bản chất, bởi tình trạng là người, với tất cả con người chúng ta. Chúng ta tôn thờ Chúa nhân danh cuộc sáng tạo mà trong đó chúng ta là các linh mục, nhân danh mọi người, và chúng ta liên lỉ cám ơn Chúa về những sự tốt lành và về tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Đó chính là mục đích thứ nhất của cuộc đời con người. Quả thật, tự mình, chúng ta chẳng là gì cả, nhưng khi chúng ta bước vào trong ơn gọi đích thực của chúng ta, là ơn gọi tôn thờ Thiên Chúa, chúng ta đạt tới một sự vĩ đại không thể sánh ví ngay trên trần gian này.

Sứ mạng của Ngôi Lời nhập thể

Nhưng vấn đề là chúng ta thật sự không có khả năng yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa cho xứng hợp. Thiên Chúa thì vô cùng, và chúng ta thì rất đỗi bé nhỏ và chẳng có khả năng! Nên Chúa Cha đã sai phái Chúa Con xuống trần gian. Qua việc giáng trần và qua cái chết của Ngài, Ngài đã tôn vinh Chúa Cha theo cách mà rõ ràng không một ai có thể làm được. Chúa Giêsu cũng là Đấng tôn thờ đầu tiên. Từ đó mọi việc tôn thờ của chúng ta đều thông qua Ngài. Chúng ta như được bao gồm trong Ngài với mọi kinh nguyện của chúng ta:

              “Từ thuở đời đời, đã có một Thiên Chúa đáng tôn thờ vô cùng, nhưng vẫn chưa có một người tôn thờ vô cùng [...] Ôi Giêsu, giờ đây Ngài là Đấng tôn thờ ấy, là con người ấy, là tôi tớ vô cùng có quyền năng, có tư cách, có phẩm giá, để chu toàn phận vụ đó và để dâng lên lời tôn vinh Thiên Chúa.”

              “Chúa Giêsu đã được sai phái đến thế gian để tôn vinh bản thể thần linh, và sự tôn vinh xứng đáng với Thiên Chúa chỉ có thể được thực hiện bởi Thiên Chúa, vì mọi sự tôn vinh của các thụ tạo đều thiển cận và có giới hạn nên không xứng đáng với Thiên Chúa và vô cùng cách xa với sự tuyệt hảo của Ngài.”

Xuyên qua một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của chúng ta, và chúng ta phải cẩn thận đừng đánh giá nó, ta hiểu rằng cuộc đời của tất cả mọi người đều liên kết với cuộc đời của Chúa Giêsu. Bérulle đã “gặp gỡ cá nhân” với Chúa Giêsu một cách cao siêu. Cha đã suy xét lại trọn cuộc đời mình, trọn mối tương quan của ngài với Thiên Chúa, xuyên qua cuộc gặp gỡ này. Chính vì thế mà Đức giáo hoàng Urbanô VIII đã có thể gọi cha là “vị tông đồ của Ngôi Lời nhập thể”.

Cũng thế, trọn cuộc đời của chúng ta phải là một sự hợp nhất, hoặc, nói theo từ ngữ của Bérulle, một sự “kết chặt” với Chúa Giêsu. Chúng ta phải sống lại nơi bản thân mọi điều mà Chúa Giêsu đã sống, phải trải qua trong linh hồn ta các giai đoạn chính yếu của con đường Chúa đã đi, sống lại điều này nơi bản thân chúng ta hết mức có thể. Cha viết:

              Chúng ta phải không ngừng hợp nhất đời ta với cuộc đời của Chúa, các việc lao tác của ta với các việc lao tác của Ngài, và phải lấp đầy tư tưởng của ta bằng Ngài và bằng cuộc sống thần linh của Ngài, bằng các việc lao tác của Ngài và bằng mọi điều Ngài đã làm và đã gánh chịu, ở nội tâm cũng như ở ngoại giới, để chúng ta không còn chút thời gian cũng chẳng còn tâm trí nào mà nghĩ đến chính mình cũng như những khổ đau phiền muộn của chúng ta nữa.

Hy lễ của Đức Kitô và chức vụ tư tế

Chúa Giêsu đã biểu lộ tình yêu của Ngài với Chúa Cha, đã “tôn vinh” Cha theo cách thức trang trọng nhất bằng hy lễ của Ngài trên Thánh giá và bằng sự phục sinh của Ngài. Cho nên đỉnh cao của lời tụng ca và sự tôn thờ là Mình Thánh Chúa. Nơi đó gồm tóm mọi sự cao trọng và mỹ miều trên địa cầu:

              Thiên Chúa chỉ có thể được tôn kính cách xứng hợp bằng lễ vật thần linh này, vì trong lễ vật ấy bao gồm mọi tôn giáo và mọi sự thờ phượng Thiên Chúa. Không có lời ca tụng nào, sự kính trọng và tôn vinh nào mà chẳng được lễ vật ấy gồm tóm lấy, cũng không có điều gì trong Hội thánh mà chẳng từ đó phát sinh.

Đó là để nói đến tầm quan trọng của thánh lễ, là việc tưởng niệm cuộc Khổ nạn và sự phục sinh của Đức Kitô. Thánh Gioan Eudes, vị tiền hô của Vatican II, giải thích rằng, bởi phép thánh tẩy, mỗi Kitô hữu là một linh mục nhân danh hoàn vũ mà ca ngợi Thiên Chúa. Nhưng chức vụ tư tế thừa tác của các linh mục thì hẳn nhiên là khác biệt, và thánh nhân đã hợp nhất các vị này với Đức Kitô theo một kiểu chuyên biệt. Từ đó có một cái nhìn rất đẹp và cũng rất đòi hỏi về linh mục và về thánh lễ, mà trọn cả một phần trong đó vẫn còn giá trị một khi ta đã giải thích lại ngôn từ của nó.


Như vậy Trường phái Pháp là một hình thức linh đạo ít được biết đến so với linh đạo Biển Đức, Đa Minh, Phan Sinh, Cát Minh hoặc I Nhã chẳng hạn. Nhưng nó vẫn giữ nguyên hiệu lực. Hình thức tuy cũ rồi, nhưng điều sâu xa chính yếu vẫn luôn mời gọi.

(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

Thọ

    
"Tử nhi bất vong giả, thọ"
(Chết mà không mất là sống lâu)
Lão Tử - Đạo đức kinh, chương 33
Lý Minh Tuấn dịch nghĩa

Sống lâu là sống làm sao.
Ai rồi cũng chết, thế nào sống lâu!
"Tử quy" là trở về đâu?

*

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Hành trình tâm linh: Một vài thí dụ về ơn gọi (tiếp theo)


Marthe Robin (1902-1981): trong Trái Tim Chúa Giêsu
Cho một lễ Hiện Xuống mới của tình yêu

Marthe Robin được rất nhiều người biết đến. Đó là một nhân vật lớn, nhưng các bài viết về bà thường chỉ dừng lại ở những khía cạnh ngoạn mục vốn không giải thích rõ về bà.

Marthe sinh ra trong một gia đình nông dân, tại Chateauneuf-de-Galaura (Drôme), trong giáo phận Valence. Nông trại nằm trong một thôn ấp hẻo lánh, trên một ngọn đồi. Là một đứa trẻ sinh động, thông minh, vui vẻ, bà bắt đầu nhanh chóng lâm bệnh. Vào tuổi mười sáu, bà bị bệnh viêm não. Cơn bệnh không ngừng phát triển và biến chuyển. Cơn bệnh càng tiến tới, ghim chặt bà xuống giường và khiến bà đau đớn kinh khủng, thì bà càng thoái bộ. Bà đã trải qua mười năm vật lộn với cơn đau da diết này và cố tìm một ý nghĩa cho đời mình. Lúc ấy Marthe ít được những người chung quanh giúp đỡ. Bà sống khá thất vọng, không tiền bạc, chẳng bạn bè, không lời khuyên nhủ, chẳng ai đỡ nâng và an ủi. Đó là thời gian rất khắc nghiệt trong cô lập, buồn bã, thắc mắc. Sau đó, bà đã nói rằng bà không mong ai phải trải qua điều mà bà đã từng trải qua: “Tôi đã tranh luận với Chúa... Tôi không mong ước một ai trong các bạn phải đấu tranh với Chúa.” Bà may mắn giữ được đức tin và, trong thinh lặng, Chúa chuẩn bị bà.

Tình trạng đột nhiên biến chuyển nhân một sứ vụ được rao giảng trong giáo xứ vào năm 1922. Bấy giờ bà nhận được như một dạng tuôn đổ Thần Khí và tức khắc hiểu ra ơn gọi của mình. Một sự sống mới xâm chiếm hồn xác bà. Mọi sự sáng tỏ và có ý nghĩa: sự nghèo khó của bà trở thành nơi mà Thiên Chúa có thể hành động và ban ơn của Ngài. Bà nhận được từ Trái Tim Chúa Giêsu trên thập giá ý nghĩa của cuộc đời bệnh tật của bà: hợp nhất với cuộc đời của Đức Kitô, cuộc đời bà có thể trở nên sinh nhiều hoa trái cho Hội thánh và cho thế giới: “Thánh Tâm Chúa Giêsu trên thập giá là nơi cư ngụ bất khả xâm phạm mà tôi đã chọn trên mặt đất này.” Marthe đã chọn cuộc sống đồng hình đồng dạng với cuộc sống của Chúa Giêsu bị đóng đinh: nên giống Ngài, yêu mến Ngài đến độ giống như Ngài. Nói cách khác, khi nên một với Chúa Giêsu, bà thông hiệp với với những đau khổ của Đức Kitô và Chúa Giêsu thông hiệp với những đau khổ của chính bà. Đời sống tâm linh của bà không diễn ra bên cạnh cơn bệnh nữa, nhưng ở ngay trong lòng cơn bệnh. Chúng ta có thể xác định nơi bà một sự đón nhận thực sự cơn bệnh ngay giữa nỗi khổ đau: “Sau nhiều năm lo âu khắc khoải, sau nhiều thử thách thể lý và đạo đức, tôi đã dám, tôi đã chọn Đức Kitô Giêsu.” Khi chấp nhận đau khổ vì tình yêu, bà làm cho đời mình sinh nhiều hoa trái. Bấy giờ Marthe hiểu rằng bà đã nhận được ơn gọi “hy tế”, nghĩa là hiến dâng trong sự đau khổ của tình yêu. Ơn gọi này được tô điểm bằng sự tiếp xúc với Đức Trinh Nữ Maria với một cách mạnh mẽ, dịu dàng và kiên trì làm bà trở nên một trong các tâm hồn vĩ đại sùng kính Mẹ trong thời ấy. Bà sống trong tình thân thuộc với Đức Maria đến độ bà gọi Mẹ là “má”. Ngay khi còn thơ bé, Marthe đã có tâm tình con thảo với Thánh Nữ Đồng Trinh: Ngài sẽ luôn là mẹ và là nhà giáo của bà: “Chính nhờ Mẹ Maria, với Mẹ Maria và trong Mẹ Maria mà tôi sẽ đến với Chúa Giêsu và sẽ hoàn toàn thuộc về Chúa.” Bà biết rõ Mẹ đến độ bà tạo cảm hứng cho một số thần học gia, cung cấp cho họ các nguồn mạch tư tưởng canh tân về Mẹ Maria.

Sau đó khởi sự một thời kỳ thăng tiến và tìm tòi, giữa vô số khó khăn, nhân cách thiêng liêng của Marthe Robin bắt đầu dần dà được xếp đặt đâu vào đó. Chúa Giêsu xâm chiếm tất cả mọi vùng của con người bà một cách lần hồi, Ngài hiện diện không rời bà ngày đêm, cộng thêm với hoạt động đầy xúc động của Đức Trinh Nữ Maria. Sự hợp nhất này được tỏ lộ vào năm 1932 bằng việc in dấu thánh làm bà càng trở nên đồng hình dạng với Chúa Giêsu trên Thánh giá hơn nữa. Kể từ đó, bà sống lại cuộc Thương khó của Đức Kitô hằng tuần. Trong cùng suốt thời kỳ này, bà bắt đầu khám phá ra Chúa Cha là ai. Bà trải nghiệm tình yêu mạnh mẽ này và từ đó bà không ngừng làm chứng về tình yêu ấy cho những người chung quanh. Chắc hẳn, với khoa Thánh mẫu học của bà, đó là một trong các cống hiến lớn lao cho linh đạo và cho suy tư của thời ấy.

Năm 1933, Chúa còn vén lộ cho bà rõ hơn về sứ mạng của bà trong Hội thánh: tạo lập một công trình mới “để Nước Chúa rộng lan trong toàn Hội thánh và để phục hưng toàn thể thế giới bằng lời giảng dạy sẽ được ban cho, tác động siêu nhiên và thần thiêng của lời giảng dạy này sẽ trải rộng khắp hoàn vũ.” Nói cách khác, Marthe đã được kêu gọi để khai sinh, bởi sự đau khổ được tiến dâng, một cộng đoàn sẽ cộng tác vào việc canh tân Hội thánh và thế giới, điều mà sau đó được gọi là “một lễ Hiện xuống mới của tình yêu”. Ít lâu sau, vào năm 1936, bà gặp Cha Georges Finet, vị linh mục sẽ giúp bà thành lập Cộng đoàn Bác ái (Foyers de Charité). Đây thật là một cuộc phiêu lưu mang tính nhân bản và tâm linh.

Đời sống nội tâm của bà tiếp tục biến chuyển. Bà đã có một thời kỳ dài nghi ngờ và đấu tranh sau cuộc chiến, và đã phải trải qua một cuộc xét lại bản thân triệt để. Vào năm 1948, mọi sự lắng dịu xuống. Càng lúc bà càng lột bỏ mình hơn, nhưng cũng càng lúc càng sinh hoa trái nhiều hơn. Khi Marthe Robin chết vào năm 1981, Cộng đoàn đã có mặt trên khắp thế giới.

Ảnh hưởng của Marthe Robin thật mênh mông và quả thật ăn khớp với sứ mạng của bà. Bà đã tiếp đón hơn một trăm ngàn người trong căn phòng nhỏ bé của bà, và đã làm đảo lộn cuộc đời của hàng ngàn người trong số họ. Bà đã lập nên Cộng đoàn Bác ái, đã đổi mới hình ảnh của Thiên Chúa như người Cha, đã khích lệ người ta hiểu biết sứ mạng làm mẹ của Mẹ Maria trong thế giới thời ấy, đã giúp một số lớn các cộng đoàn mới, đã tạo lại sự năng động cho việc Phúc âm hóa. Trong thế giới của chúng ta, nơi mà con người không còn tìm thấy ý nghĩa của sự đau khổ nữa, Marthe đã trao cho sự đau khổ của bà một ý nghĩa bằng cách thông dự vào mầu nhiệm của cái chết và sự sống lại của Đấng Cứu Độ thế nhân. Ta sẽ không thể viết lịch sử tôn giáo của thời đại mình mà không liên tục gặp gỡ bà.


Marie Chúa Ba Ngôi (1903-1980):
Hợp nhất với chức tư tế của Đức Kitô

Marie Chúa Ba Ngôi (Marie de la Trinité) là một nhân vật bắt đầu được người ta biết đến đôi chút. Chắc hẳn đó là một trong các nhà huyền nhiệm lớn người Pháp của thế kỷ XX. Chính bà đã lưu ý rằng thánh Gioan Thánh giá, thánh Teresa Avila, thánh Teresa Lisieux hoặc Élisabeth Chúa Ba Ngôi đã chẳng từng sống điều mà bản thân bà đã được ban cho, và việc này chắc hẳn là chính xác. Đó đơn giản là một vấn đề của ơn gọi cá nhân trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Paule de Mulatier sinh ra trong một gia đình kỹ nghệ gia công giáo ở Lyon. Ngay từ thời thơ ấu, bà đã cảm nhận được tiến gọi tu trì. Vị đồng hành tâm linh thuyết phục bà vào dòng Cát Minh, nhưng bà cảm thấy mình được gọi sống đời chiêm niệm, và bà đã nhắm đến một hội dòng mới: các nữ tu Đa Minh miền nông thôn (les Dominicaines des campagnes), vừa mới được Mẹ Saint-Jean thành lập trong vùng Jura. Bà đã giữ một vai trò rất quan trọng trong hội dòng còn non trẻ này, nhưng cuối cùng bà lại bị trầm cảm rất nặng và được chữa lành vào năm 1953. Bấy giờ bà lại nắm giữ những phận vụ quan trọng trong cộng đoàn, rồi trở thành một nhà tâm lý trị liệu được đánh giá cao. Sau khi đã làm trợ tá cho Mẹ sáng lập cho đến khi Mẹ chết, bà sống đời ẩn tu tại Flavigny, vùng Bourgogne, trước khi qua đời vì bệnh ung thư năm 1980.

Marie Chúa Ba Ngôi đã nhận được trong đời bà nhiều ân sủng cơ bản, rất rõ ràng, mà bà đã may mắn ghi chép lại. Chúng quan trọng đối với chủ đích của chúng ta, vì chúng vẽ ra khúc quanh của một ơn gọi thiêng liêng sâu thẳm.

Ơn đầu tiên xảy ra vào ngày 11 tháng tám 1929. Bà đang tĩnh tâm với cộng đoàn của mình, một cuộc tĩnh tâm như là “một dạng hấp hối. Đó là một sự sụp đổ toàn bộ, một sự mất mát không chỉ những phương tiện mà tôi ước mong tìm được trong đời tu, nhưng cũng còn như một sự đánh mất Thiên Chúa, khắc khoải, lo sợ, bị lột bỏ hết mọi sự, tôi đau khổ trong linh hồn, trong mọi chốn thẳm sâu của linh hồn, tôi chưa hề cảm nhận như thế bao giờ. Kế đó tôi đã hiểu rằng Thiên Chúa đã cho phép, đã muốn điều ấy như một sự chuẩn bị, một sự thanh luyện”. Trong một thời gian khi đang thờ lạy, trong sự lột bỏ rất mạnh mẽ, bà đã “như được chìm ngập trong Thiên Chúa”, trong chính bản thể Thiên Chúa, trong thiên tính, như lời bà nói. Rồi bà đã nhận được “sự hiểu biết về phụ tính thần linh, của Thiên Chúa và của Chúa Cha”, và sự hiểu biết về tình yêu của Cha dành cho linh hồn con người: “... không phải trong tình yêu của linh hồn đối với Thiên Chúa, nhưng trong tình yêu khôn ví khôn tả của Thiên Chúa đối với linh hồn”. Ít lâu sau, ngay trong cùng buổi chiều ấy, bà đã nhận được một sự hiểu biết đầy trìu mến của Chúa Con và của tình yêu khôn tả Chúa Cha dành cho Con của Ngài, rồi bà đã nhận được sự hiểu biết về huyền nhiệm Cứu chuộc, về sự cứu độ nhờ máu Đức Kitô: “Tôi đã thấy trọn vẹn lòng thương xót trong máu, tôi đã thấy rằng mọi linh hồn, trong ý muốn của Chúa Cha, được thanh luyện, được rửa sạch, được thánh hóa trong máu này nhờ Máu tuôn đổ một cách huyền nhiệm.” Nói cách khác, chiều hôm đó bà đã gặp hai trong Ba Ngôi thần linh, mà từ đó bà luôn cảm nhận hiện diện liên lỉ trong bà. Nhưng sứ mạng thiêng thiêng của bà vẫn chưa sáng tỏ trọn vẹn.

Ngày 9 tháng giêng 1940, Chúa lại tỏ hiện thêm một lần nữa với bà: “Tôi đã nhận biết lần đầu tiên Chúa Chúng Ta hiện diện trong tôi với tất cả sự viên mãn của chức vụ tư tế của Ngài [...] Ngài tỏ cho tôi [...] các chiều sâu thẳm của chức vụ ấy và đưa tôi ngụp lặn trong đó. Đó là một điều thuộc về trật tự các ơn thuộc bản thể, tác động cách trực tiếp và độc nhất đến trung tâm của linh hồn, và lưu lại đó một dấu ấn không thể tẩy xóa sẽ thâm nhập vào vĩnh cửu.” Ngày 3 tháng giêng 1941, trong cùng một đường lối của chức tư tế cứu độ của Đức Kitô, bà thấy mình được cứu rỗi nhờ Máu Chúa Giêsu: “Quá khứ của tôi như một vực thẳm, và Bửu Huyết lấp đầy nó; Máu ấy lấp đầy tất cả, và vực thẳm biến mất, và Bửu Huyết đã tràn trào phủ lấp mọi sự [...] Tôi đã nhìn với hết sức mình: vực thẳm không còn là một vực thẳm đắng cay và tội lỗi nữa, nhưng tận nơi sâu thẳm và với hết khả năng của mình, nó đã trở nên quý giá như Máu, quý giá nhờ Máu, và ngay chính vì sự dữ này mà Chúa đã chọn vực thẳm ấy để đổ tràn Máu vào.” Sau ơn nhận được lần thứ bốn, ngày 9 tháng giêng 1941, đến ngày thứ sáu tuần thánh, 12 tháng tư 1941, bà đã nhận được tiếng gọi tự hiến cho Vinh Quang của Chúa trong chức tư tế của Ngài: “Bấy giờ tôi đã thấy một chuỗi huy hoàng, một khối hợp nhất tráng lệ, một con dốc Vinh Quang, từ tận chân lên tới đỉnh, bởi chức tư tế của Đức Kitô: và sự việc trở nên đơn giản.”

Nói cách khác, Marie Chúa Ba Ngôi đã nhận được một ơn gọi ngay bên trong ơn gọi tu trì. Ơn gọi này, trong trường hợp của bà, thuộc trật tự huyền nhiệm, và không có ai nghi ngờ về ơn gọi ấy cho đến khi bà chết, ngoại trừ các vị đồng hành tâm linh của bà. Bà đã nhận được tiếng gọi hợp nhất với chức tư tế của Đức Kitô. Dĩ nhiên, đó không phải là sự phong chức linh mục, nhưng là sự hợp nhất trong hiến dâng và cầu nguyện. Ngài đã cho bà hiểu được rằng thế giới tội lỗi biết chừng nào, nhưng Đức Kitô cũng dùng Máu châu báu của Ngài để cứu vớt nó biết bao nhiêu, và điều ấy làm Trái Tim Chúa Cha vui mừng biết bao. Bà đã có thể kết hợp vào chuyển động tình yêu của Đức Kitô vốn đã định hướng và lấp đầy đời bà như từ bên trong.

*

Các thí dụ mà chúng ta vừa nêu ra liên quan đến những người đã thành công trong đời mình và đã nhận được sứ vụ mà Thiên Chúa chuẩn bị cho họ. Họ đã đi tới cùng sứ vụ này, hoặc bằng hoạt động bên ngoài, hoặc đơn giản bằng kinh nguyện và đời sống huyền nhiệm.


Tuy nhiên, ta đừng tưởng rằng đó là những sự việc ngoại lệ. Mỗi người trong chúng ta là đối tượng của một tiếng gọi tương tự. Ta phải cầu xin Chúa tỏ lộ tiếng gọi ấy khi đến thời đến buổi, phải ước ao nhận biết tiếng gọi đó, và sống trong tình yêu và ân huệ hằng ngày trong lúc chờ đợi tiếng gọi ấy được vén mở.

(Còn tiếp)

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Hành trình tâm linh: Một vài thí dụ về ơn gọi


Một vài thí dụ về ơn gọi

Để thuyết phục chúng ta tốt hơn, tôi muốn đưa ra ở đây một vài thí dụ về các hành trình tâm linh vừa mới đây thôi. Dĩ nhiên là chúng ta có thể tìm thấy hằng chục thí dụ như thế.

Pierre-Bienvenu Noailles (1793-1861):
Trao ban lại cho thế giới ân sủng của Thánh Gia

Pierre-Bienvenu sinh vào thời Cách mạng Pháp, trong một gia đình làm nghề buôn bán ở Bordeaux đã bị chiến tranh hủy hoại. Dù đã được rửa tội nhưng ông không được hưởng nền giáo dục Kitô giáo, và ông chỉ được rước lễ lần đầu khi đã hai mươi tuổi. Việc này đã đánh dấu một cuộc hoán cải thật sự. Trước đó sứ mạng của ông đã được tỏ lộ trên bình diện thuần túy nhân bản: ông có nhân cách của người chỉ huy, và ngay cả là người sáng lập, với một đầu óc tổ chức được nhiều người khác trong các xí nghiệp của ông noi theo.

Đêm trước khi được rước lễ lần đầu, trong nhà thờ chính tòa Bordeaux, Pierre-Bienvenu đã nhận được ơn thần bí đầu tiên, như một loại tuôn đổ Thần Khí, đã đưa ông vào thẳng trong một thế giới khác: “Đó là đêm trước ngày ân phúc, trong khi dừng lại trước nhà nguyện Mont-Carmel ở Saint-André, ông đã nhận được từ Thiên Chúa một ơn đến độ ngay lập tức mọi ảo tưởng của thế gian tan biến đối với ông, hạnh phúc từ trời tràn ngập linh hồn ông đến nỗi ông tưởng chừng như mình đã thật sự rời khỏi mặt đất.” Ba năm sau, khi đến Paris để học luật, ông vào nhà thờ Saint-Sulpice và, trước tượng Mẹ Đồng Trinh ở cuối nhà thờ, ông nhận được ơn gọi làm linh mục. Tiếng gọi đó chấm dứt cuộc tranh luận mà dường như ông đã đặt ra cho bản thân về điểm này: “Đó là cú dứt điểm. Tôi đã nghe tiếng Mẹ, Ngài gọi tôi, chỉ cho tôi con đường, tôi đã hiểu mọi sự.” Từ ngày đó, ông biết Đức Trinh Nữ Maria là ai và, bằng kinh nghiệm của mình, ông đã hiểu được sự trải rộng bao la của tình yêu, của quyền năng, của sự quan tâm mà Mẹ dành cho chúng ta. Sau đó ông sẽ không ngừng làm chứng về điều này.

Thời gian ở chủng viện bao gồm một giai đoạn thanh luyện triệt để. Ông ngã bệnh và người ta tin rằng ông sắp chết. Nhưng đó cũng là thời gian mà, còn rất trẻ, ông đã nhận được sứ mạng của mình. Vào năm 1818, khi đang cầu nguyện trong nhà nguyện của các hội viên Xuân Bích ở  Lorette, tại Issy-les-Moulineaux, ông nhận được một cuộc “tiếp xúc” huyền nhiệm với Gia Đình Thánh của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse. Ông đã hiểu rằng các Ngài như thể một Tiểu Ba Ngôi trên trần thế, một sự phát sinh của tình yêu Ba Ngôi, lặp lại một điều gì đó về tình yêu của Tam Vị thần linh. Ông đã hiểu rằng ân sủng của đời sống Thánh Gia có thể được ban tặng lại thêm một lần nữa và một ngày kia nó sẽ được thể hiện bởi một công trình mà ông sẽ lập ra, nơi đó tinh thần yêu thương và gia đình sẽ được mang ra sống lại thêm một lần nữa.

Trở lại Bordeaux, ông mau chóng khám phá ra rằng kế hoạch của Thiên Chúa đang được thực hiện qua ông rất nhanh. Hiệp hội Thánh Gia khởi sự từ 1820. Ngày 3 tháng hai 1822, trong nhà nguyện của hiệp hội ở Bordeaux, Chúa Giêsu hiện ra trong Mình Thánh cho một số người và chúc lành cho họ. Việc chúc phúc lạ lùng này, là đối tượng của một cuộc điều tra theo giáo luật, còn nhấn mạnh hơn nữa sự hiện diện của Thiên Chúa trong công trình mới khai sinh. Cha Noailles thật sự là một người thực hành các ý muốn của Thiên Chúa.

Bốn mươi năm sau, khi Cha Noailles qua đời, hiệp hội có đến hàng chục ngàn thành viên. Đây là một trong các hội độc đáo nhất và canh tân nhất của mọi thời kỳ. Cha đã dựng nên nó với tài khéo, lòng kiên trì và một tình yêu của thánh nhân và thiên tài. Chắc chắn cha là một trong các tâm hồn vĩ đại của một thời kỳ gồm nhiều tâm hồn vĩ đại, và chắc hẳn là một trong những tâm hồn độc đáo nhất.

Trong trường hợp của Cha Noailles, ta khó định rõ ba giai đoạn của đời sống nội tâm, vì cha vốn rất kín đáo về điểm này. Tuy nhiên chúng ta hãy nhớ rằng cha được trao ban sứ mạng rất sớm và cha đã dành trọn đời mình để hoàn thành sứ mạng đó.


Pierre Goursat (1914-1991): xây dựng lại đền thờ của Chúa.

Hành trình của Pierre Goursat thì hoàn toàn khác. Chắc chắn ông là một trong những người sẽ góp phần canh tân Hội thánh ở Pháp – và ngay cả bên ngoài nước Pháp nữa – trong hậu bán thế kỷ XX.

Đó là một người dân Paris kiêu hãnh, mặc dù gia đình ông có gốc gác tỉnh lẻ. Cha ông đã bỏ rơi mẹ ông cùng với hai đứa con còn thơ ấu. Ông giữ lâu trong tim mình vết thương của một người cha vắng bóng. Ông đã được mẹ và bà ngoại, là hai phụ nữ Kitô giáo siêng năng làm việc và rất yêu mến Trái Tim Chúa Kitô, nuôi dạy. Khi ông mười hai tuổi, Bernard là đứa em trai mà ông rất ăn ý đã chết trong vòng vài giờ. Việc này đã xâu xé ông một cách khủng khiếp. Kế đó ông đã có một thời kỳ nghiên cứu thẩm mỹ và trí tuệ khiến ông lìa xa đức tin và trở nên kiêu căng. Thế nhưng, lúc mười chín tuổi, bị mắc bệnh lao, ông phải nghỉ học và đến một nhà điều dưỡng ở cao nguyên Assy, trong vùng Alpes. Người thiếu nữ mà ông yêu thương cũng mắc cùng chứng bệnh và đã chết. Pierre rơi vào ngõ cụt và nổi loạn, rồi một ngày kia ông có cảm giác là Bernard đang hiện diện và nói với ông: “Anh không còn nghĩ nhiều về em nữa, vì lòng tự kiêu đã tóm lấy anh rồi.” Ông quỳ xuống chân giường, cầu nguyện, hoán cải một cách triệt để. Pierre đã gặp Chúa. Ông đã tự nhủ rằng hôm đó mình đã nhận được như một sự tuôn đổ Thần Khí. Bấy giờ ông hiểu rằng mình được kêu gọi để cầu nguyện thờ lạy, sống độc thân và loan báo tin Mừng. Đó là vào năm 1933.

Trở lại Paris, Pierre đã loan báo Tin Mừng trong nhiều nơi khác nhau và dưới các hình thức rất đa dạng. Lúc xảy ra thế chiến thứ hai, trong khi người ta thúc đẩy ông hướng tới chức linh mục, một trong những bạn gái của ông khiến ông gặp hồng y Suhard, tổng giám mục Paris, vốn ôm ấp ý tưởng Phúc Âm hóa thế giới đang rời xa Kitô giáo và là một trong các nguồn mạch của Vatican II. Ngài đã ảnh hưởng nhiều đến Pierre.

Thời chiến tranh cũng đã là thời của ân sủng mới làm nền tảng cho Pierre. Vào một ngày năm 1994, ông bị một lính Đức theo dõi ngay trong nhà của ông và khi sắp bị phát hiện thì ông nghe một tiếng nói của Đức Trinh Nữ Maria trong tâm hồn ông: “Hãy yên lòng, con được cứu thoát.” Bởi phép lạ, ông đã không bị phát hiện. Sự hiện diện của Đức Maria đã tạo nên trong đời ông một dấu ấn mới của lòng tín thác, của sự dịu dàng và của sự gần gũi đầy hiệu nghiệm của Thiên Chúa.

Sau chiến tranh, Pierre tiếp tục cuộc đời thờ lạy, sống nghèo, cầu nguyện rất nhiều, với một tình trạng sức khỏe mong manh. Ông làm việc như một nhà phê bình điện ảnh và trình bày tư tưởng của Hội thánh ở đó. Ông về hưu năm 1970.

Vào thời điểm ấy, ảnh hưởng của đạo Công giáo trong thế giới điện ảnh đang xuống dốc. Người ta đang ở giữa cơn khủng hoảng của Hội thánh. Pierre muốn loan báo Tin Mừng, nhưng xã hội lại chạy trốn Thiên Chúa. Cuộc đời ông đã không thành công. Ngược lại, ông đã cầu nguyện và thờ lạy rất nhiều. Vào thời kỳ đó, ông đang ở đâu trong đời sống tâm linh của ông? Ở cấp độ nào? Làm sao biết được? Nhưng trong thinh lặng của việc thờ lạy, ông đã có nhiều thời giờ đặt nền móng cho những gì sẽ xảy ra sau đó mà chính ông cũng không ý thức được. Kinh nghiệm tràn trề của ông về Hội thánh và về con người cũng đã chuẩn bị bản thân ông. Ông đã có những nét phác thảo cho sứ mạng của mình kể từ khi ông được hoán cải. Nhưng chính sứ mạng của ông thì vẫn chưa được mở ra cho ông.

Sau đó phong trào Canh tân đoàn sủng đến Pháp (1972). Bấy giờ Pierre gặp được Chúa Thánh Thần như một ngôi vị. Việc này đã mang lại cho ông niềm vui và trao cho ông một hy vọng mới về tương lại của Hội thánh. Cùng với Martine Laffitte (nay là Martine Catta), ông gầy dựng ở Paris một trong các nhóm cầu nguyện đầu tiên của phong trào Canh tân. Từ năm người vào 1972, số thành viên của nhóm này đã lên đến năm trăm người vào 1973. Ông dần dần khai sinh Cộng đoàn Emmanuel. Sau những ngần ngại, cuối cùng Pierre gặp Marthe Robin và ông chấp nhận làm người phụ trách cộng đoàn. Ông đảm nhiệm công việc này cho đến khi bện tình trở nặng vào năm 1985.

Pierre trao ban tối đa con người mình trong một thời gian khoảng mười hai năm mà thôi. Nhưng ông thật sự có tài trong việc sáng lập, lắng nghe các tiếng gọi của Thần Khí, chuyên chăm đào tạo các thành viên tiên khởi của cộng đoàn, tránh hết các trở ngại này đến các trở ngại khác, mở rộng việc Phúc Âm hóa ra mọi hướng, cắm neo các môn sinh của mình trong kinh nguyện, đấu tranh để phong trào Canh tân không ra khỏi Hội thánh và để Hội thánh vui lòng đón nhận phong trào. Có lẽ tầm quan trọng của ông sẽ ngày càng tăng thêm theo thời gian. Chắc chắn ông sẽ được kể vào trong số các nhà sáng lập vĩ đại của thời ấy.

Tuy nhiên, làm sao vẽ lại con đường thần bí của ông? Thật khó nhận biết được, vì Pierre hoàn toàn không ý thức gì về điều này. Ông đã sống trong một sự nghèo khó nội tâm và ngoại giới. Đôi khi ông từng nói: “Chừng nào ta không hiểu được rằng ta đều là những người nghèo cả, thì chúng ta vẫn còn thiếu một điều gì đó thiết yếu.” Nhưng ông nhìn việc ấy một cách rất tích cực, vì ông đúng là người có tâm trí hết sức tích cực. Ông không thấy được linh hồn mình, con mắt nội tâm của ông bị che khuất, và ký ức của ông cũng thế. Ông vụng về khi tự diễn tả và không có những đặc sủng rõ ràng, trừ ra đặc sủng trong việc phân định. Ông không có sức khỏe và rất thường đi qua mà không ai nhận ra.

Nhưng nhờ vậy mà ông không còn tìm kiếm bản thân mình nữa, ông trở nên rất trong suốt với ơn Chúa, sẵn sàng với tha nhân, và dường như không giữ lại cho mình bất cứ sự gì. Trái lại, ta thấy rõ là ông luôn sống trước Thánh Thể và nhờ Thánh Thể. Chính từ đó mà Thiên Chúa tương thông với ông. Ông sống trong Chúa Thánh Thần, Đấng mà ông biết rõ. Càng lúc ông càng biết dâng hiến bản thân. Ông sáng lập huynh đoàn Thập giá vinh quang, một tổ chức cuối cùng trong lòng Emmanuel, gồm những người muốn hiến dâng các đau khổ của mình, nêu rõ chiều kích dâng hiến và kết hợp với Chúa Giêsu trên Thánh giá, nơi mà ông đã đạt tới. Tất cả cho Hội thánh mà ông sủng ái và cho phong trào Canh tân Kitô giáo mà ông trút cạn sức lực.


Chúng ta đang đứng trước một nhân vật quan trọng, chết trong danh tiếng thánh thiện dư đầy, nhưng hành trình của ông thì lại bí ẩn. Ngược lại, chúng ta biết rằng sứ mạng của ông được hé lộ dần dần: loan báo Chúa Giêsu trong thế giới ngày nay, hoặc nói theo một cách khác, xây dựng lại đền thờ của Thiên Chúa. Chính trong quan điểm sống mới mẻ này mà mọi đoàn sủng và mọi ân huệ của Thiên Chúa đã được ban cho ông.

(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

Hành Trình Tâm Linh - Phần III: Để hiểu rõ hơn về đời sống tâm linh


PHẦN III

ĐỂ HIỂU RÕ HƠN VỀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH


Đời sống tâm linh không phải là một lộ trình mà mỗi người phải đi theo một lối đi bắt buộc. Nó được tô điểm bởi những yếu tố khác nhau.

Yếu tố đầu tiên là tiếng Chúa gọi tôi một cách cá vị, tiếng gọi này có thể ở ngay đầu hành trình hoặc muộn hơn sau đó, tiếng gọi có thể được cất lên thêm một lần nữa trong dòng đời, đặc biệt vào một lứa tuổi nào đó. Bấy giờ ta gọi đó là “tiếng gọi thứ nhì”.

Tiếng gọi này xảy ra trong lòng một tiếng gọi khác tổng quát hơn vốn, tùy theo tình hình, là một sự lồng ghép vào một dạng linh đạo đặc thù nào đó. Có nhiều gia đình thiêng liêng trong Hội thánh, và ta nên nói đôi điều về chúng.

Một điểm khác là mối tương quan mà chúng ta đang duy trì với điều làm cho chúng ta khó chịu và khiến chúng ta chậm bước, đặc biệt là các thương tích của chúng ta. Đây là một phạm trù mà ngày nay người ta đang khám phá lại, và điều này không phải là do ngẫu nhiên.

Sau hết, một điểm nữa là các hiện tượng ngoại thường vốn đôi khi xảy ra. Người ta nói rất đúng rằng đời sống tâm linh không giản lược vào các hiện tượng này. Vậy thì chúng có ích lợi gì?

Chính vì vậy, trong phần ba của sách này, tôi ước mong nói tới các yếu tố xen vào đời sống tâm linh ở một giai đoạn này hoặc một giai đoạn khác của nó, và theo phương pháp luận thì đặt ở đây sẽ không thích hợp cho bằng đặt ở chỗ khác. Quả thật, chúng có thể xảy ra hầu như bất cứ lúc nào và tác động nhiều hoặc ít tùy theo các giai đoạn.

Tôi sẽ khai triển năm điểm:

- sự đa dạng của các hành trình tâm linh và ơn gọi cá nhân;
- các linh đạo đặc thù;
- “tiếng gọi thứ nhì”;
- các thương tích;
- các sự kiện ngoại thường của đời sống tâm linh.


Chương 6: SỰ ĐA DẠNG CỦA CÁC HÀNH TRÌNH TÂM LINH VÀ ƠN GỌI CÁ NHÂN.

Điều mà chúng ta vừa viết ra trong các chương vừa rồi chỉ hữu ích cho chúng ta nếu ta hết sức cởi mở với tác động của Chúa Thánh Thần. Quả thật, Ngài không đề ra cho chúng ta những bài để học và những việc để làm, nhưng Ngài lưu tâm đến những con người cá vị. Thế nên, ngay cả khi có những điểm chuyển tiếp và những khuynh hướng lớn, người ta cũng rất khác nhau; các dự phóng của Thiên Chúa trên họ, và qua họ mà hướng đến thế giới, cũng luôn mang tính cách độc đáo.

Tôi vừa nói các từ: “dự phóng của Thiên Chúa”. Quả thật, đời sống tâm linh đi vào trong các kế hoạch của Thiên Chúa. Đâu là điều Chúa muốn trên người này hoặc người kia? Làm sao một điều gì đó của tình yêu Thiên Chúa tỏ lộ ra bên cạnh con người? Tất cả hành trình tâm linh đều nối kết với câu hỏi đầu tiên này.

6.1. Ơn gọi độc nhất của mỗi người

Mỗi người có một sứ mạng đặc thù.

Một người chỉ tiến tới cách tốt đẹp nếu người ấy biết mình là ai, mình có thể làm gì, và nhất là mình muốn làm gì. Nói cách khác, nếu người ấy nhận biết sứ mạng riêng của mình.

Quả thật, trong tim của mỗi người, trong cái “tôi thâm sâu”, ngay cả nơi những người chưa có đức tin, có một cái gì như ánh sáng nội tâm chiếu soi chúng ta về điều mà chúng ta là và điều mà chúng ta được kêu gọi thực hiện, “một huấn luyện viên hoặc một cảm thức bên trong, một lương tâm đưa ra cho chúng ta một nhận thức về tính cách độc đáo của chúng ta”, theo như Victor Frankl nói. Đó là một loại tiếng gọi nội tâm yêu cầu chúng ta, nếu chúng ta đáp lại, một sự dấn thân trọn vẹn. Sứ mạng này không phải là một ảo tưởng, cũng không phải là một cái gì chợt đến chợt đi: nó luôn có đó. “Sứ mạng có một điều gì đó thường trực. Nó không chủ yếu có thể thay đổi theo dòng đời, dù rằng nó có thể trở nên rõ ràng hơn, cụ thể hơn, mở rộng hơn, sinh ích lợi cho nhiều người hơn.”

Nếu chúng ta không đáp lại tiếng gọi ấy, chúng ta sẽ luôn có cảm giác đen tối là đã làm hỏng đời mình. Chắc chắn đây là nguồn cơn của biết bao đau khổ và lệch lạc. Ngược lại, nếu chúng ta khám phá ra sứ mệnh của mình – hoặc khi đang còn trẻ, hoặc vào thời khắc “khủng hoảng ở tuổi trung niên”, tôi sẽ trở lại vấn đề này sau – thì cuộc đời chúng ta sẽ mang lấy một ý nghĩa, một sức năng động. Chúng ta khuấy động thế giới, dù rất khiêm tốn thôi. Tôi biết những tấm gương của những người rất giản dị đã mô tả cho tôi cuộc đời của họ như một thành công và một niềm hoan lạc vì họ đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Ta có một gương mẫu điển hình với bà Mônica, mẹ của thánh Augustinô, mà nhà viết văn vĩ đại đã nhắc lại những lời cuối cùng của bà. Bà hài lòng ra đi vì bà đã chu toàn sứ mệnh của mình: giúp con mình hoán cải trở về. Nếu được phép, tôi xin kể ra trường hợp của cha tôi. Ông đã trao cho tôi một cái chớp mắt cuối cùng hết sức tinh nghịch và đằm thắm trước khi khởi hành chuyến đi trọng đại. Ông rất vui vì mình đã đạt, đời ông đã thành, và ông chết trong sự hài lòng về bản thân.

Chúng ta hãy lập lại rằng tiếng gọi này được sống một cách uyển chuyển và tự do. Trước khi xét xem nó xảy ra thế nào trong đời sống tâm linh, tôi muốn nói tận tường về hai thái độ rất có hại cho tất cả đời sống nội tâm.

Chớ rập khuôn.
Cũng đừng làm loài nhuyễn thể.

Cha Jean Laplace, thuộc dòng Tên, là một trong những vị đồng hành tâm linh nổi tiếng lúc bấy giờ, đã từng nêu ra rằng trước kia người ta thường làm những điều đáng trách khi đồng hành tâm linh. Người ta đã nhận ra rằng họ không chú tâm đủ về Chúa Thánh Thần, khi muốn ép các linh hồn trải qua đủ loại khuôn phép. Mối nguy này sẽ luôn tồn tại. Quả thật, chúng ta hoạt động từ những khuôn mẫu; điều này đúng cả trong xã hội dân sự lẫn trong Hội thánh, và không thể khác được. Một số khuôn mẫu này được Hội thánh đề nghị qua dung mạo của các vị thánh được tuyên phong hoặc các đoàn sủng của những phong trào trong Hội thánh mà Hội thánh nhìn nhận. Tất cả điều đó là rất thường tình. Khó khăn bắt đầu khi, đến một lúc, người ta hơi co rúm lại và người ta đóng băng mọi sự. Kể từ đó, người ta cầu khẩn bạn sống cho hợp với lý tưởng được phóng chiếu lên bạn. Tôi đã lưu ý rằng cơn cám dỗ này có tính cách phổ quát, nó đụng đến những người có cảm thức hoàn toàn khác nhau và những phong trào được gây dựng ở những thời điểm rất khác biệt.

Thế nhưng sự việc không thể như vậy. Đời sống tâm linh của mỗi người là độc nhất. Nó tiến, thoái, đôi khi lầm đường. Nó bị vô số điều mà chúng ta mang trong mình làm cho phức tạp: “Đối với chúng ta hôm nay, một sự phân định không lưu tâm đến tính phức tạp của các khát vọng đang làm việc trong mỗi người chúng ta thì thật đáng nghi ngờ.” Nói chung, cũng chẳng cần biết đích xác một người đang ở đâu trong đời sống tâm linh. Ta có thể đưa ra những chỉ dẫn để giúp họ băng qua các ngưỡng, nhưng nhất thiết đừng xác định người ta ở đây hay ở kia. Từ quan điểm này, mọi sự hướng dẫn đều có giới hạn của chúng. Tôi cũng chia sẻ ý kiến của José Fernadez de Retana Arostegui: “Đó là một sai lầm về mặt tâm lý và là một sự thiếu sót về lương tri khi nói với một linh hồn rằng linh hồn ấy đang ở trong nơi Cư trú nào, vì bao lâu linh hồn chưa đạt tới những nơi Cư trú Thứ Bảy, nghĩa là tới sự hợp nhất biến đổi, không ai có thể chắc chắn gì cả trong đời sống tâm linh. Và sự sai lầm này có thể trả giá rất đắt nơi các linh hồn không được khuyên bảo một cách đúng đắn này.”

GIỮ MÌNH KHIÊM NHƯỢNG VÀ CẨN TRỌNG

- Ai là người có thể xét đoán con người? Người ta đưa ra những phán xét bừa bãi ở khắp nơi. Kẻ mà chúng ta thất vọng thình lình hoán cải và trở nên tuyệt hảo. Kẻ mà chúng ta mong chờ nhiều đột nhiên té ngã và trở nên xấu xa. Ta có sợ cũng không bảo đảm được, mà có thương cũng chẳng bảo đảm được nốt.
Bất cứ một người nào đó là gì hôm nay, chính người ấy cũng không hay biết. Tuy nhiên hôm nay anh ta biết được một chút. Ngày mai anh ta sẽ ra sao, chính anh ta chẳng biết gì cả.

Thánh Augustinô (354-430)


Ngược lại, sẽ là nghiêm trọng khi chấp nhận bất cứ điều gì và vượt thoát mọi luật lệ thiêng liêng, mọi kế hoạch sống, mọi cân nhắc về tiếng gọi nội tâm, bằng cách tự nhủ rằng ta tự xây dựng đời mình lần hồi và chẳng cần tham khảo gì cả. Như vậy là ngây thơ, và ta sẽ không đi được xa trong đời sống nội tâm. Bấy giờ ta sẽ bị xáo trộn cơ cấu, chủ quan, cảm tính, như những loài nhuyễn thể. Cám dỗ này đã hiện hữu, đang hiện hữu và sẽ luôn hiện hữu. Chúa Thánh Thần không luôn luôn nói thẳng với từng người trong mỗi lúc, Ngài không sáng chế lại mọi sự một cách triệt để cho riêng tôi. Nếu tôi nghĩ như thế, tôi sẽ ra tệ hơn là tôi tưởng. Theo tôi, một cộng đoàn hoặc những người đồng hành tin vào điều đó sẽ gặp nguy hiểm.

Đâu là tiếng Chúa gọi tôi?

Để tiến tới, điều quan trọng đối với một linh hồn là biết được rằng ở tận sâu thẳm Chúa muốn gì nơi nó. Hẳn nhiên, đã có tiếng gọi cá biệt mà tôi vừa nói đến trên kia. Nhưng tiếng gọi này có thể phối hợp với một tiếng gọi khác vượt trên nó và từ một nơi xa hơn vọng đến. Nói cách khác, chúng ta có thể biết gì về ý muốn của Chúa trên sứ mạng, trên tiếng gọi sâu xa của chúng ta hay không? Tôi không chỉ nói đến ơn gọi trong thế giới, về chức linh mục hoặc đời tu. Thiên Chúa có thể tỏ cho chúng ta điều gì đó về cái nhìn độc nhất mà Ngài hướng đến chúng ta hay không? Ngài có muốn nói điều gì về cái tên bí mật mà Ngài ban cho chúng ta hay không? Nếu chúng ta biết điều gì đó, đời sống tâm linh trở nên thật đơn giản, và lúc ấy chúng ta vượt qua các ngưỡng một cách tự do hơn và quả quyết hơn. Chúng ta phải luôn tự vấn rằng: “Chúa muốn gì ở tôi, ngay nơi tôi đang sống?” Đó là câu hỏi nền tảng của tất cả đời sống tâm linh, trong khi thắc mắc về việc biết tôi đang ở đâu trên hành trình thì vô ích hoặc thứ yếu. Chúa đang yêu cầu tôi điều gì?

Ta có thể nói một cách khác. Nhân cách và các khía cạnh của sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu vô cùng phong phú. Thế nên mỗi phong trào tâm linh phản chiếu một khía cạnh của Chúa Giêsu, nhưng không phản chiếu hết tất cả các khía cạnh của Ngài. Cũng giống như một viên kim cương mà chúng ta sẽ phản chiếu một mặt của nó – hoặc nhiều mặt nếu ta muốn, nhưng không phản chiếu tất cả mọi mặt – Trong bối cảnh đó, mỗi một người chúng ta cũng phản chiếu một điều gì đó của Chúa Giêsu. Sự đa dạng mênh mông này chính là vẻ đẹp của đời sống với Chúa. Chúng ta có thể biết mình phản chiếu điều gì của Chúa Giêsu hay không? Đâu là loại sứ mạng mà Ngài tín thác cho chúng ta trong sự phụ thuộc vào sứ mạng của Ngài? Đâu là loại quan hệ mà chúng ta thiết lập với Ngài trong mối thâm tình của cái “tôi sâu xa” của chúng ta. Nếu chúng ta biết được điều này, và nếu chúng ta trung thành với nó, tôi tin rằng chúng ta sẽ tiến tới nhanh chóng.

(Còn tiếp)