Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Nho giáo là của Việt Nam


Nho giáo là của Việt Nam,
Tàu chính là dân học mướn viết nhờ.

Câu trên mới nghe ai cũng cho là kỳ lạ nhưng nó sẽ bớt tính cách kỳ lạ khi nói thêm rằng: Tàu chỉ là chủ của Nho giáo tự đời Tần Hán mà thôi, còn hai đợt trước thì chính chủ là Việt Nam.Và câu này sẽ trở nên thường khi xét tới những chứng lý được viện dẫn ra. Ta có thể nói những chứng lý đó khá vững mạnh. Trước hết là nền văn hóa nông nghiệp bao giờ cũng cao hơn văn minh du mục như đã được rất nhiều học giả ghi nhận và chứng minh. Chúng tôi đã chứng minh và dẫn thêm mấy nhân chứng như Chu Cốc Thành, Oppeinheimer và Whitehead (quyển Adventures of ideas đã được dịch sang tiếng Việt do nhà Văn Đàn xuất bản “Bước đường phiêu lưu của những dòng tư tưởng” tr.224). Bằng chứng cụ thể: văn hóa Mohenjodaro nông nghiệp cao hơn văn minh Aryen du mục.

Điểm thứ hai là khắp trên thế giới đâu đâu văn hóa nông nghiệp cũng bị văn minh du mục tiêu diệt: Aryen thắng Dravidiens, Hellens thắng Minoens… và do đó duy trì đẳng cấp cùng các đặc ân và chế độ nô lệ để du mục được ăn trên ngồi trốc. Song le tuy thắng mặt ngoài nhưng lại chịu ảnh hưởng về mặt tinh thần của nông nghiệp cho nên ngày nay những nhà nghiên cứu đứng đắn không ai dám phủ nhận phần đóng góp lớn lao của Dravidiens vào nền văn hóa Ấn Độ. Nếu vậy thì tại sao ta lại không tìm xem Viêm Việt đã đóng góp những gì vào nền văn hóa Nho giáo; vì Viêm Việt cũng gặp trường hợp tương tự như Dravidiens đối với Hoa tộc là Aryen.

Điểm ba là nếu Dravidiens còn đóng góp vào văn hóa thì phương chi là Viêm Việt vì Viêm Việt hơn Dravidiens nhiều điểm: trước hết khi Hoa tộc tràn vào thì chưa có kinh điển như Aryen đã có Vệ Đà. Thế mà lúc ấy Viêm Việt đã có “tam phần, ngũ điển, bát sách, cửu khâu” vì thế chính Hoa tộc tuy thắng thế cũng đã phải mập mờ chấp nhận như trong những câu nói: “tích giả Hoàng Đế đắc Si Vưu nhi minh ư thiên đạo” và trong biết bao truyện truyền kỳ khác như chúng tôi sẽ lần lượt phanh phui.

Chính đó là lý do khiến những yếu tố đóng góp của Hoa tộc như óc võ biền, óc tôn quân, óc thượng luật bao giờ cũng bị coi thường. Trái lại Nho giáo luôn luôn đề cao Văn trên Võ, nhơn trị, lễ trị trên pháp trị hình luật… dân trên quân nghĩa là tính chất văn hóa nông nghiệp vẫn giữ phần trội ít ra trong phạm vi văn hóa lý thuyết. Huống chi trong hiện thực như trong đời sống chính trị thì Viêm tộc được đóng góp phần rất then chốt tuy không có tiếng, nghĩa là Viêm Việt vẫn thành công khá trong chủ trương “vua trị vì, quan cai trị” c’est le roi qui règne mais ce sont les mandarins qui gouvernent. Trị vì thuộc vương triều thường là của Hoa tộc, còn cai trị thì thuộc các quan, tức là phía dân phía Viêm Việt vì các quan hay người hiền thì hầu hết xuất thân từ nông nghiệp ông Y Doãn cày ruộng ở đất Hữu Sằn. Ông Bá Lý Hề chăn trâu, ông Thuấn cày ruộng v.v… Chính nhờ chủ trương này mà Viêm Việt đã tham gia tích cực vào đời sống chính trị và đã đạt những thành quả mà chưa bao giờ người Dravidiens đã dành được trên đất Ấn Độ của họ. Nghĩa là tuy họ sống trong đất cha ông giối lại nhưng chỉ như là những nô lệ, hay ít nhất không được tham dự tích cực vào đời sống chính trị văn hóa như Viêm Việt. Chính nhờ đó mà chế độ nô lệ đã được bãi bỏ, và thiết lập ra chế độ công điền bình sản, bình quyền đi học: xóa bỏ sự phân cách giữa Hoa tộc và Viêm tộc để cho hai bên cùng một quyền lợi như nhau.

Trở lên là những chứng lý rút ra trước hết do các kinh điển và sách vở của Tàu, còn của Việt Nam thì ta chỉ dùng để kiện chứng, như vậy là bớt được rất nhiều phần chủ quan mà những lý chứng đó còn có được tầm phổ biến và khách quan cả khi so sánh với các nền văn minh khác, cũng như khi xét về nội tình văn hóa Việt nho, vì thế chúng tôi không ngần ngại cho rằng chính sự tin tưởng như quen làm cho tới nay rằng Việt Nam mượn Nho giáo của Tàu là câu nói thiếu chiều sâu nên là sai lầm, và chính bởi tin sai lầm như vậy nên cho tới nay người mình vẫn hoàn toàn bất lực không thiết lập nổi nền Quốc học như chúng tôi sẽ đề cập trong quyển “Vấn đế quốc học”.

Bạn sẽ nói: nếu quả có thực như thế vậy tại sao từ trước tới nay không ai nhìn thấy, không thấy có cuộc tranh đấu nào. Thưa rằng có nhiều điều cũng khá hiển nhiên mà vẫn nằm trong thiên nhiên phải chờ có người biết khám phá. Và vì chưa khám phá nên không có đấu tranh.

Riêng trong trường hợp Việt Nho thì còn khó nhìn ra hơn nữa vì Việt Nho đã thành công trong những mục tiêu chính vì thế không còn gì để mà tranh đấu cũng như không còn phải tranh đấu cho ai. Trước hết là cho ai. Nếu ai ấy là Viêm Việt thì không còn nữa vì đã pha máu quá nhiều lần rồi, biết bao ông Hoa lấy bà Việt rồi, nên ít thế hệ không còn vấn đề thị tộc, chủng tộc. Cái mức đồng hóa của Viêm Việt mãnh mẽ đến đâu chỉ cần lấy dân Do Thái làm nhân chứng. Do Thái sinh sống trong văn hóa Âu Tây hai ngàn năm mà nay vẫn còn duy trì óc chủng tộc, đang khi Do Thái vào nước Tàu thì mất luôn óc chủng tộc. Vì thế bên Viễn Đông không có óc kỳ thị chủng tộc, ít ra tới độ đủ để tranh đấu, vì ai cũng được quyền như ai. Nghiêu Thuấn là Đông Di Tây Di cũng được làm thiên tử, có chăng chỉ còn vấn đề quan quyền và dân gian nhưng bờ cõi phân ranh này cũng đã được phá vỡ từ khi thực thi câu “hữu giáo vô loài”. Cửa đã mở ra rồi tranh đấu cái chi nữa. Vậy tại sao nay lại nhắc tới?

Thưa vì hiện chúng ta đang từ chối Nho giáo như là đồ mượn của Tàu, nên cần phanh phui lại để nói lên tác quyền của cha ông, nói lên phần đóng góp của nhiều ngàn đời tiên tổ vào một nền văn hóa chung, mà nay lại còn cần thiết cho nước nhà hơn khi nào hết. Vì thế phanh phui ra sự thực thì không phải để tranh đấu với ai mà chính là để chúng ta thâu hồi lại cái di sản của chúng ta. Để sự thu hồi được hiện thực chúng ta hãy tìm cách nhận diện nền văn hóa cố cựu đó trong mấy điểm sau đây:

- Nguồn văn minh là nông nghiệp

- Gốc văn hóa là Viêm tộc mà

- Việt tộc nằm trong khối đó.

Điểm trước hết là nông nghiệp. Nông nghiệp vẫn trường tồn ngược với du mục đã tiêu trầm nhưng đã trao tính chất du mục sang công thương nghiệp, nên công thương nghiệp là kẻ kế tự của du mục, muốn tìm hiểu du mục thì phải tìm hiểu qua thương, công. Thương công thường ở thành thị, còn nông nghiệp phải gắn liền với đồng quê. Văn hóa Tây Âu nặng về thương công thuộc homo mercator (thương nhân) và homo faber (công nhân) cả hai đều xem vật tự ngoại, nhất là mercator (Instinct. Bandoin 158). Bởi thường sống ở thành thị xa thiên nhiên nên dễ để trụt mất nội dung của các biểu tượng, vì thế dễ trở thành trừu tượng (Creel 297), văn hóa trở thành nhân vị đứng ngoài đời sống là do đó. Ngược lại văn hóa nông nghiệp vì không thể cưỡng ép thiên nhiên như bắt thảo mộc mọc mau chậm theo ý mình, nhưng phải hòa hợp với tứ thời, bát tiết, nhịp theo hai mùa lớn là Xuân Thu với gieo gặt. Vì thế có một sự liên đới rất cụ thể và mật thiết giữa người với thiên nhiên, được kết tinh trong câu nói của Vương Sung “thiên nhơn đồng đạo, chữ hán”. Chính vì đó mà tính chất của nó là yêu chuộng hòa bình, chống chiến tranh (Creel 77), đặt Văn trên Võ nên không có anh hùng ca (của riêng dân hiếu chiến).

Văn minh nông nghiệp còn một đặc tính nữa là yêu nhà, yêu nước, vì thế đề cao non nước, đề cao thổ thần nên trong câu nói trung quân ái quốc thì chữ “Aùi quốc” có màu sắc nông nghiệp, yếu tố địa vực (locale) trái lại chữ “Trung quân” lộ vẻ du mục đề cao người cầm đầu (personnel) vì văn minh du mục lang thang không nhà, không nước, hay thương công cũng không thiết với nước bằng: hễ “đâu dễ sống dễ kiếm ra tiền thì đấy là tổ quốc”, ubi bene vivere ibi patria, vì thế trào lưu vô gia đình vô tổ quốc phát xuất từ văn minh thương nghiệp và ngày nay hai chữ nhà và nước đã trụt mất rất nhiều nội dung là do sự lấn át của nên văn minh công thương du mục vậy. Nền văn minh này đã khởi đầu lấn át nông nghiệp từ lâu lắm: mãi từ ngày Cain giết chết em là Abel. Cain và Abel là hai biểu tượng cho hai nền văn minh nông nghiệp và du mục. Khi nói Cain giết Abel thì cũng là nói “du mục lấn át nông nghiệp” và được thể hiện qua lịch sử như anh Hellens đối với em Minoens, anh Aryens dối với em Dravidiens, anh Hoa đối với em Viêm v.v… và đâu đâu cũng thế: anh Cain giết em Abel cách này hoặc cách khác, ít hoặc nhiều.

Phần lớn là nhiều, đôi khi là ít và ít hơn hết thì phải kể đến các em Viêm bởi các em này đã không để cho các anh Hoa làm mưa làm gió như bên Tây Âu hay Ấn Độ, nhưng đã chiến đấu nhất là trên phương diện tinh thần để cuối cùng đưa người đại diện vào việc kiến thiết văn hóa. Và những người đại diện đó chính là dân tộc. Vì thế dân tộc chính là yếu tố thứ ba định tính nền văn minh Viễn Đông. Thực ra thì ở đâu cũng có câu “tiếng dân là tiếng trời” = “vox populi vox caeli”, “the people are never wrong”. Nhưng không đâu người ta chịu để cho dân có tiếng nói, hoặc khuyến khích lắng nghe dân nói, hoặc gần dân để nghe dân nói, vì dân bao giờ chả nói và lới nói của dân đã kết tinh lại trong các câu ca dao, tục ngữ. Trên thế giới này không đâu là không có ca dao tục ngữ, chính nó làm nên cái minh triết của dân gian, của các dân tộc = la sagesse populaire, la sagesse des nations. Tuy nhiên đâu đâu ca dao tục ngữ cũng chỉ có ở đợt tản mác, vụn mảnh không được kể đến. Đặc biệt nơi Viêm tộc nhờ đã tranh đấu nên ca dao có được một địa vị trong kinh và do đó tiếng dân đã được đóng góp vào việc làm nền kinh điển, tức làm nên những sách cao quý nhất của một nước. Cũng như sau này đến lượt các sách cổ điển dân chúng vẫn đóng góp vào việc sáng tác. Vì thế tác quyền bên Viễn Đông không được chú ý nhiều là vì nó không có tính chất cá nhân nhưng là công cộng.

Điểm thứ bốn là trong khối dân lớn lao của Viêm tộc đó thì ngành đại diện chính là Lạc Việt. Mấy hệ kia như Tạng, Mon-Khmer, Âu Việt… bị đồng hóa với Ấn Độ; Miêu Việt đồng hóa với Hoa tộc chỉ còn có Lạc Việt là đại diện duy nhất còn lại của Viêm tộc lúc trước đã chiếm lãnh toàn bộ Trung Hoa cổ đại và xuất hiện trước thị dân là Hoa tộc (Socio XVII, xem thêm Chu Cốc Thành trong Trung Quốc thông sử). Rồi sau mở đầu cho một cuộc tháo chạy dần dần trước kẻ xâm lăng: chạy từ Tây sang Đông từ Bắc xuống Nam, cuối cùng giữ cho mình được hai miền Đông Nam nhất là Nam nhưng khắp nơi đều để lại nhiều đại biểu, và tuy vì chính trị nên phải li biệt kẻ Bắc người Nam nhưng tình trong thì vẫn một nhà. Không hiểu vì hậu ý nào mà phần lớn học giả đời nay lại cố ý chối bỏ mối liên hệ này, cho đó chỉ là những “ước đoán mong manh”. Mong manh sao được khi có đầy những tang chứng nằm tản mác trong nhiều sử liệu nước Tàu, bởi vì cuộc di cư này không phải chỉ có xảy ra một lần lúc nước Sở diệt nước Việt, nhưng là trước nữa, rất lâu trước nữa, và mãi cho tới gần đây chỉ từng vài trăm năm vẫn còn. Thời Vương Mãn (đầu kỷ nguyên) biết bao nhân sĩ miền Bắc vùng Hoàng Hà chạy xuống lập nghiệp ở xứ Giao Chỉ mà đại biểu điển hình hơn cả là Sĩ Nhiếp, người đã lập ra “học phái nước Nam” lấy khẩu hiệu là “Đạt ư tòng chính” để vượt qua những tranh luận suông giữa hai phái kim văn và cổ văn trên Bắc, nhờ đấy văn hóa Giao Chỉ ảnh hưởng quật lại Trung Hoa. Cũng như Triệu Đà đại diện chính trị nhân lúc Hán Sở tranh hùng đã đứng lên giết quan lại nhà Tần để lập ra Nam Việt. Lại còn những vụ bắt cóc người Quảng Đông Quảng Tây bán làm nô lệ cho người Việt Nam. Trong quyển “Văn hiến thông khảo” (tr.26) Mã Đoan Lâm có kể lại văn kiện nhắc đến vụ này và nói mỗi năm tới hàng ngàn người Tàu bị bắt như thế. Nho sĩ thì giá đắt gấp bội. Đây là một sự kiện hiển nhiên mà bất cứ ai khởi công nghiên cứu cũng gặp thấy. Đến nỗi gần đây có người quả quyết dân Việt Nam là người Trung Quốc di cư sang đây tron thời Bắc thuộc. Đó là câu nói tuy quá đáng nhưng đứng ở phương diện tìm về nguồn gốc dân tộc thì gần với sự thực hơn những khuynh hướng đi tìm nguồn dân tộc về phía Mã Lại, Indonésie… tuy gần nhưng chưa sát vì cũng còn là câu nói có tính cách duy sử nghĩa là coi huyền sử như truyện nhảm nhí nên không nhìn ra chỗ đứng lớn lao của Việt tộc. Địa vị này chỉ nhận ra được khi chịu chú ý đến huyền sử vì chính huyền sử mới là quãng quyết định cho thời khai quốc, chính trong thời xa xăm đó mới kết tinh lên những thói tục riêng biệt và nhất là ngôn ngữ để làm thành một lò đúc đủ mạnh đặng đồng hóa các lớp dân cư đến sau. Các lớp này dầu có Tàu đến một trăm phần trăm và có đông đến mấy cũng chỉ ít thế hệ là đã bị tôi luyện trong cái lò Việt rồi. Khác xa với người Anh di cư sang Mỹ đã di cư luôn cả ngôn ngữ và thói tục nước Anh. Điều đó không có đối với người Tàu di cư sang đất Việt. Vì thế ta có thể kết luận nước Việt Nam đã được thành lập lâu đời trước và được huyền sử ghi nhận trong huyền thoại “ba vĩ tích của Lạc Long Quân”. Huyền sử kể rằng Lạc Long Quân đã tiêu diệt được Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh. Câu chuyện có nghĩa rằng Lạc Long Quân đã chống lại văn minh phương Bắc (Ngư tinh cá sống dưới nước, Bắc phương thuỷ; phương Tây là Hồ tinh: vật tổ thú; Mộc tinh = phương Đông) để duy trì văn hóa phương Nam hành hỏa, chính ngọn lửa này đã nung đỏ khối sắt (hồng = Viêm nhiệt) liệng vào miệng con ngư tinh, có nghĩa là lấy văn hóa Viêm tộc chống văn hóa của quần chúng thuỷ tộc (Bắc phương). Đó cũng chính là ngọn lửa đã phun ra tự miệng con ngựa của Phù Đổng Thiên Vương để đuổi quân thù. Thiên là dân, Vương là chủ, Phù Đổng Thiên Vương là tinh thần dân chủ của văn hóa phương Nam, của Việt tộc. Xem thế đủ biết tinh thần văn hóa Việt tộc đã thành lập lâu đời trước những người từ phương Bắc đến sau dù thuộc dòng máu Viêm hay Hoa cũng chỉ ít lâu là bị giết như Ngư tinh… nghĩa là bỏ tiếng nói, thói tục phương Bắc để nhận ngôn ngữ và phong thổ Việt Nam.

Vậy thì trên dải đất này bản chất Việt Nam trổi vượt hơn bản chất Tàu nên phải gọi là Việt tộc mà không thể kêu là Tàu, và như thế muốn tìm đến nguồn gốc chân thực của Việt Nam thì phải tìm về tới Hồng Bàng thị; óc khoa học trung thực đòi phải như thế vì nếu bỏ quãng đó thì không thể nào giải nghĩa nổi thực thể Việt Nam, bao gồm tiếng nói và thói tục riêng như vừa bàn. Bởi vậy chúng tôi cho câu nói “dân Việt chỉ là người Tàu di cư sang đây” là quá đáng, tuy nhiên có tác động hay ở chỗ giúp người Việt nhớ lại nguồn gốc dòng tộc mình không nên tìm từ phía Nam (Mã Lai, Indonésie) nhưng phải tìm về phía Bắc. Làm như thế mới là đúng theo chiều toàn thể, tức là con đường di chuyển chung của nhân loại. Không cứ gì người Việt người Thái từ Bắc tiến dần xuống miền Nam, mà bên Âu Châu cũng xảy ra một hiện tượng như thế với các đợt tràn lấn của các dân miền Bắc: người Aryen tràn xuống Ấn Độ chiếm đất của Dravidiens… Tất cả còn lưu lại chứng tích không thể vì thiếu sử liệu mà phủ nhận cái thực thể lớn lao này được. Huống chi còn biết bao tang chứng sống động khác thuộc thể chế của nước của nhà: quan, hôn, tang, tế… Không nên bắt chước mấy học giả ti hí mắt lươn để cho tiểu tiết che lấp cái toàn thể. Chúng ta cần vượt qua lối giải nghĩa của sử học khách quan này, để tìm ra cái ý nghĩa uyên nguyên gắn liền với tiềm thức (psychanalyse du Feu. Bachelard p.91) có rất nhiều bảo đảm. Làm như thế mới có nhiều hy vọng nhìn ra cái di sản thiêng liêng của tổ tiên mà chúng ta có sứ mạng phải khai quật và vun tưới. Vì thế một lần nữa chúng tôi xin nhấn mạnh đến mấy việc lớn sau đây:

Việc lớn hơn cả là trong khắp thế giới các dân bản thổ hoặc bị tiêu diệt hầu trọn vẹn như bên Uùc, Mỹ hoặc một phần như dân Phi Châu, hoặc bị đồng hóa hay nằm trọn vẹn trong vòng nô lệ như bên La-Hy và Ấn Độ. Riêng có Viễn Đông thì dân bản thổ đã không bị tiêu diệt lại còn đồng hóa chính người xâm lăng. Việc này đã xảy ra ở những thời khuyết sử nên có phần lu mờ nhưng đã được kiện chứng do các đời sau: Hung Nô, Hồi Hột, Ki, Nguyên, Mãn… tất cả đều bị đồng hóa. Điều này không ai chối cãi được. Vậy chúng ta có thể nương vào đó kết luận ngược trở lên đến Hoàng Đế, Thần Nông và con cháu Thần Nông (tức văn minh nông nghiệp) đã đồng hóa con cháu Hoa tộc của Hiên Viên du mục. Dâu trong tiểu tiết có thể sai chạy ít hay nhiều đi nữa, nhưng trong đại cuộc thì kết luận được như thế.

Việc thứ hai là kinh điển do dân gian Viêm Việt khởi công… Điều này cũng xảy ra mãi từ thời khuyết sử, nhưng lại được kiện chứng bằng các đời sau với những sách như Tam Quốc, Thuỷ Hử, Tây Du Ký… Trước khi thành tác phẩm bất hủ thì những sách đó đã trải qua một quá trình thai nghén hình thành dài lâu trong dân chúng. Điều này không ai chối cãi được, và vì thế nó là kiện chứng rất vững cho chúng ta suy luận ngược lên về tác giả kinh điển.

Việc thứ ba là sự trường cửu bền bỉ của nền văn hóa Nho giáo. Không có một cuộc xét lại nào từ nền tảng giống các nền văn hóa khác cả. Ở đây tuy có biến đổi nhiều lắm nhưng toàn ở ngàn ngọn định chế tuỳ thời, còn về tinh tuý thì trường tồn y nguyên, thế mà các đợt tấn công từ ngoài tới thì cứ liên miên hết các loạt Hung Nô, Hồi Hột… lại đến các đợt Kim, Mông, Mãn… Dầu vậy nó vẫn đủ tiềm lực chỗi dậy nổi, như thế tỏ ra nó không phải là một cái gì hời hợt như một ý hệ do một cá nhân suy nghĩ ra. Cá nhân dẫu có tài ba tới đâu cũng là cá nhân, có tác động lâu lắm cũng trong vòng ba bốn chục năm. Ngược lại dân là “vạn đại chi dân” nó trường tồn và những gì do dân kiến tạo, lớn lên với dân đều bền bỉ như dân vậy.

Điểm thứ bốn cũng rất lớn lao và thuộc riêng nước nhà đó là một đàng lịch sử nước ta chứng tỏ một óc quật cường bất khuất thế mà lại không bao giờ chối bỏ Nho giáo thì phải kể là nó có mối liên hệ thâm sâu nào đó. Và mối liên hệ đó thuộc văn hóa như chính những người muốn chối rồi cũng phải công nhân (Maspéro Chine p.17). Và nền văn hóa này sau những suy luận trên ta nhận ra không chỉ là vay mượn nhưng chính là cha ông tiên tổ ta đã đóng góp vào việc tạo dựng nên nó, và như thế Nho giáo là của nước ta cũng như của nước Tàu, cả hai đều là tác giả. Và đó là lý do sâu xa nhất nằm ẩn trong tiềm thức dân tộc khiên cho tiền nhân ta không hể chống Nho giáo mặc dầu về chính trị vẫn chống Tàu mãnh liệt.

Đó là mấy sự kiện lớn lao về văn hóa Việt nho, chính nó đã cho phép chúng tôi đưa ra nhiều quyết đoán mới lạ trong sách này. Những quyết đoán đó nếu chỉ dựa vào chính sử, hay khảo cổ thì không dám đưa ra. Nhưng chúng ta biết chính sử đã bị nhà cầm quyền bóp méo và xuyên tạ nhiều lần, còn khoa khảo cổ thì phạm vi quá hẹp hòi lại còn rất bấp bênh, vì thế chỉ dựa vào có hai khoa ấy thì không đủ. Trái lại khi nhìn dưới ánh sáng của 4 sự kiện lớn lao vừa kể trên thì những câu quyết đoán trong sách này tuy đi ngược chiều xưa nay lại tỏ ra có nên tảng hơn. Những sự kiện lớn lao đó ví được như cung đầu cung cuối của câu nhạc mà mỗi nhạc khí cần hòa hợp. Thí dụ câu “hồ xự hồ xang” thì ba nốt giữa có thể bỏ, hoặc đổi hồ ra xê hoặc thêm bớt cung tuỳ cái hứng riêng, miễn sao hợp ở nốt đầu và cuối là vẫn giữ được hòa âm của tiết điệu. Những điều chúng tôi quả quyết trong sách này về tác quyền của Việt Nam cũng thế: đúng với những điều lớn, còn các chi tiết có sai chạy đôi chút cũng không quan trọng đến nỗi làm hại được đường hướng lý tưởng đã đề nghị ra mặc dầu vẫn còn phải nghiên cứu thêm để tăng phần chính xác. Và đó là việc cần phải làm mãi mãi, trong lúc chờ đợi chúng ta cần phải có một lý tưởng. Durkheim nói rất đúng rằng khi nhận thấy một phong tục đã sống lâu đời với một dân tộc nhất định nọ thì phải hiểu là nó đã thích nghi được với những hoàn cảnh của khu vực đó. Viễn Đông ta nói “thuận thiên giả tồn” cũng một ý nghĩa, tức cái gì trường tồn thì là thuận thiên, hiểu là thuận tâm lý phong thổ và những điều kiện thời gian không gian, nên là những thực thể cần phải kể tới không thể vì thấy không hợp định đề của mình mà gạt bỏ đi được.

Lm. Kim Định

0 nhận xét: