Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Giải mã những bí ẩn trong văn bia cổ nhất Việt Nam


06/10/2012 10:22:23
 - Sau một thời gian nghiên cứu, phân tích, những bí ẩn ghi chép trong tấm văn bia cổ được phát hiện tại Bắc Ninh (được xem là cổ nhất Việt Nam) đã được “giải mã”…
Bia cổ là minh văn “Nhân Thọ xá lợi tháp”

Đầu tháng 8/2012, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện và sưu tầm được hai cổ vật độc đáo ở chùa Thiền Chúng (Thuyền Chúng), huyện Long Biên, xứ Giao Châu xưa, trong đó có một tấm bia đá có từ năm 601, được đánh giá là cổ nhất Việt Nam. Đặc biệt là những văn tự ghi trên bia thuộc loại “khó hiểu” nên nội dung của văn bia viết gì vẫn là điều bí ẩn.

Tuy nhiên, tại một công trình nghiên cứu trình bày tại Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc mới đây, Thạc sĩ Phạm Lê Huy, Giảng viên Khoa Đông Phương học, Đại học KHXH&NV (thuộc ĐHQGHN) cho biết đã giải mã được những bí ẩn ghi trên văn bia.
Tấm văn bia cổ nhất được phát hiện tại Bắc Ninh được xác định là
minh văn "Nhân Thọ xá lợi tháp".
Theo Thạc sĩ Phạm Lê Huy, nội dung ghi trong văn bia gồm có tổng cộng 133 chữ, được chia làm 13 dòng. Sau khi giải mã chữ viết, có thể thấy nội dung văn bia trên như sau:

“1. Xá lợi tháp minh văn
2. Duy Đại Tùy Nhân Thọ nguyên niên tuế thứ Tân Dậu thập nguyệt
3. Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu
4. Hoàng đế phổ vi nhất thiết pháp giới u hiển sinh linh cẩn
5. ư Giao Châu Long Biên huyện Thiền Chúng tự phụng an xá lợi
6. kính tạo linh pháp nguyện
7. Thái Tổ Vũ Nguyên Hoàng đế, Nguyên Minh Hoàng Hậu, Hoàng đế, Hoàng
8. hậu, Hoàng thái tử, chư vương tử tôn đẳng, tịnh nội ngoại thần
9. quan, viên cập dân thứ, lục đạo, tam đồ nhân, phi nhân đẳng
10. Sinh linh thế thế trị phật văn pháp, vĩnh ly khổ không, đồng
11. thăng diệu quả
12. Sắc tứ Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kỵ úy
13. Khương Huy tống xá lợi ư thử khởi pháp”.

Qua so sánh, có thể nhận thấy văn bia trên có nội dung về cơ bản giống với “Nhân Thọ xá lợi tháp” có niên đại 601 đã được phát hiện tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, văn bia cổ ở Bắc Ninh vẫn có một số điểm khác biệt so với văn bia phát hiện ở Trung Quốc.

Trong văn bia cổ ở Bắc Ninh, dòng đầu tiên ghi chữ “Xá lợi tháp minh”, trong khi đó, một số minh văn phát hiện ở Trung Quốc lại ghi là “Xá lợi tháp hạ minh” hoặc không ghi tiêu đề. Vị trí khắc dòng tiêu đề cũng khác nhau ở từng bia, có cái ghi dòng đầu, có cái ghi dòng cuối.

Ngoài ra, trong khi các minh văn khác chỉ có phần chính văn thì ở văn bia cổ ở Bắc Ninh lại có ghi thêm phần chú thích “sắc sứ” là “Đại đức Tuệ Nhã pháp sư” và “Vũ kỵ úy Khương Huy”. Minh văn Thanh Châu (Trung Quốc), ngoài 2 “sắc sứ” là “Đại đức Trí Năng” và “ Vũ kỵ úy Lý Đức Kham còn ghi thêm tên 2 người tùy tùng (tòng giả) và 2 viên chức Tư mã và Lục sự tham quân của Thanh châu. Đối chiếu với chiếu thư của Tùy Văn Đế, có thể xác định: “Đại đức Tuệ Nhã pháp sư” và “Đại đức Trí Năng” là 2 trong số 30 sa môn được Tùy Văn Đế cử về địa phương, còn Khương Huy và Lý Đức Kham là 2 “tản quan” tháp tùng.

Bên cạnh đó, việc nắp bia và bia được kết dính bằng một chất đặc biệt cũng được phát hiện tại Trung Quốc. Sự thống nhất trong nội dung minh văn với các tấm bia tìm được tại Trung Quốc cũng như sự trùng khớp thông tin (ngày 15 tháng 10 năm 601, xây tháp tại chùa Thiền Chúng ở Giao Châu) với các tư liệu khác như “Quảng hoằng minh tập” và “Cảm ứng lục” có thể khẳng định: Tấm bia vừa được tìm thấy tại Bắc Ninh chính là minh văn “Nhân Thọ xá lợi tháp” được khắc cùng với sự kiện xây dựng tháp xá lợi tại chùa Thiền Chúng ở Giao Châu năm 601.

Tư liệu lịch sử quý giá

Đánh giá về giá trị và ý nghĩa lịch sử của tấm văn bia cổ vừa được phát hiện và giải mã ở Bắc Ninh, Thạc sĩ Phạm Lê Huy khẳng định: Đây là nguồn tư liệu kim thạch quý giá, bên cạnh bia Trường Xuân và tấm bia phát hiện ở khu vực Vạn Xoan trước đây, đã giúp các nhà nghiên cứu rõ hơn về tình hình chính trị, quan hệ ngoại giao, lịch sử Phật giáo tại Việt Nam giai đoạn thời Tiền Lý. Liên quan đến lịch sử Phật giáo, nó còn giúp chúng ta nhận thức hoàn chỉnh hơn về hoạt động xây dựng tháp xá lợi và các tín ngưỡng xung quanh trong thời Tùy - Đường.
Bia cổ và liễn phát hiện ở Bắc Ninh được đánh giá là
nguồn tư liệu lịch sử vô cùng quý giá.
Không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam, tấm bia cổ Bắc Ninh cũng là nguồn tư liệu quý giá giúp nâng cao hiểu biết của giới học giả Trung Quốc và Nhật Bản về hoạt động xây dựng “Nhân Thọ xá lợi tháp” nói riêng cũng như chính sách Phật giáo của nhà Tùy nói chung. Cụ thể: Nó giúp xác định địa điểm xây dựng tháp xá lợi tại Giao Châu (chùa Thiền Chúng), sứ giả hộ tống (Tuệ Nhã pháo sư, Vũ kỵ úy Khương Huy), tái xác nhận cách thực hiện,…

Ngoài ra, tấm văn bia cổ ở Bắc Ninh cũng là tài liệu bổ sung cho nghiên cứu lịch sử giao thông thời Bắc thuộc. Cụ thể: Chiếu thư của Tùy Đế phát ra vào ngày 16 tháng 3, ước hẹn các địa phương cùng hạ thổ xá lợi vào ngày 15 tháng 10. Như vậy, nhà Tùy đã phải cân nhắc quãng thời gian cần thiết để sứ giả di chuyển từ kinh đo Đại Hưng (Trường An) đến các địa phương. Nói cách khác, quãng thời gian từ 124 ngày (kể từ ngày 16 tháng 3 đến 15 tháng 10) là quãng thời gian tối đa để di chuyển từ Trường An đến Giao Châu.

“Trước đây, qua nghiên cứu về trường hợp của khởi nghĩa Dương Thanh, chúng tôi đã tính toán di chuyển từ Trường An đến Giao Châu (An Nam Đô hộ phủ) mất khoảng 59 - 70 ngày nếu di chuyển bằng đường biển và dịch trạm, khoảng 124 ngày nếu di chuyển với tốc độ thông thường”, thạc sĩ Phạm Lê Huy cho biết.

Tuấn Linh

0 nhận xét: