Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Đóng góp của người Việt trong công cuộc sáng tạo chữ quốc ngữ


Đầu thế kỷ XVII với mục đích chinh phục lương dân theo đạo Ki tô, các giáo sĩ người Âu đến Đàng Trong đã nỗ lực học tiếng bản xứ để có thể trực tiếp rao giảng phúc âm mà không cần thông ngôn, từ đó họ đã sáng chế ra cách ghi âm tiếng nói của nước ta bằng mẫu tự La Tinh. Trong công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ,  ngay từ lúc phôi thai, người Việt Nam đã có những đóng góp lớn lao vào cuộc cách mạng chữ viết này.

Bức thư của Pina viết năm 1623 gởi cho cha Khâm mạng Jeronimo Rodriguez Senior tại Macao, cho biết: “Về vấn đề học ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm (Dinh Chiêm) chính là nơi tốt nhất. Đây là kinh đô của triều đình. Ở đây người ta nói hay. Nhiều người trẻ quy tụ về đây. Họ là sinh viên (Nho sĩ). Gần họ, những người mới bắt đầu học ngôn ngữ có thể được giúp đỡ.”

Những thanh niên Việt Nam giúp việc tại các nhà giảng rất cần thiết để giúp đỡ cho những giáo sĩ trẻ mới bắt đầu đến Đàng Trong,những người mà Pina sẽ chịu trách nhiệm đón tiếp và huấn luyện : “Với con những thanh niên này không cần thiết lắm vì con đã biết tiếng, nhưng với những người bắt đầu đến và cho tương lai thì có việc cho họ.” (Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực Việt ngữ học, tr 43, 46)

Những người này đã luyện tập cho các giáo sĩ nói tiếng Việt và phiên dịch cho họ. Cha bề trên Manoel Fernandez đã phải nhờ một giáo dân người Việt tên là André tập cho ông đọc mỗi ngày hai lần và làm thông ngôn cho ông, và nếu không có André thì cha Fernandez cũng không thể ra khỏi nhà và không có ai để luyện nói cũng như dạy từng từ tiếng Việt cho cha. Cậu thanh niên André chính là người Pina đã giáo dục, đào tạo, sau đó ở lại làm thông ngôn cho cha Marques rồi lại làm thông ngôn cho cha Fernandez. Trong bức thư, Pina cũng khen ngợi một thanh niên giáo dân người Việt làm phiên dịch cho cha Buzomi ở Quy Nhơn tên là Augusto. Người này rất giỏi vì không những được học tiếng Bồ Đào Nha mà còn thông thạo chữ Hán và chữ Nôm. Ngoài ra cha Buzomi còn có hai hoặc ba ông sãi giúp cho cha mọi việc.

Francisco de Pina tuy tự mày mò học tiếng với nỗ lực của chính mình nên đã vận dụng ngôn ngữ thành thạo không cần có người thông ngôn nhưng đó chỉ là sử dụng tiếng Việt ở trình độ nói, còn khi nghiên cứu ngôn ngữ và văn học thì ông ước ao được làm việc với những người thầy giỏi. Chính ông đã nhận thấy : “…Nếu con cũng có tiền trả công cho thầy dạy con học ngôn ngữ và văn chương thì ngày nay con đã là người thợ đầy đủ phẩm chất. Chỉ vì lý do này con không biết văn chương. Và đây là chỗ trống rất đáng tiếc.”      (Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực Việt ngữ học, tr 47)

Khi ông tập hợp những truyện thuộc nhiều loại khác nhau để cung cấp các trích dẫn của các tác giả nhằm củng cố nghĩa của từ và các quy tắc ngữ pháp, ông phải nhờ ai đó đọc các từ để ông phiên âm.

Như vậy là không phải đợi đến khi chữ Quốc ngữ hình thành người Việt mới tham gia để cải tiến và hoàn thiện mà ngay buổi đầu họ đã có những đóng góp âm thầm mà vô cùng quan trọng để sáng tạo chữ Quốc ngữ chứ nó không phải là công trình riêng của các giáo sĩ người Âu.

Trong buổi bình minh của chữ Quốc ngữ, có hai nhóm người Việt đã hợp tác với cha Pina và các giáo sĩ phương tây để La Tinh hóa tiếng Việt :

Nhóm thứ nhất là các thanh niên giáo dân ở các nhà đạo, các nhà thờ Thiên chúa giáo. Đó là những học sinh trẻ ở giáo đoàn do các gia đình tình nguyện phó thác cho nhà đạo để được các giáo sĩ giáo dục và đào tạo trong một thời hạn nhất định và họ hoàn toàn tham gia vào đời sống tu viện về mọi mặt. Tôn giáo phải bảo đảm giáo dục miễn phí, kể cả tri thức của người thanh niên, ngược lại họ phải phục vụ không công cho giáo đoàn.

Những người trẻ này phải bắt đầu học tiếng Bồ Đào Nha để làm thông ngôn cho các giáo sĩ trong việc giảng đạo và trong các cuộc tranh cãi. Họ phải đọc và viết được tiếng Bồ để đạt được sự thông suốt và sự chắc chắn trong việc vận dụng trí tuệ mà người thông ngôn của giáo đoàn phải có.

Roland Jacques cho rằng : “ Biết đọc tiếng Bồ thì chỉ trong một thời gian tập luyện ngắn, người ta có thể dễ dàng đọc hiểu được các văn bản tiếng Việt đã phiên âm theo chữ cái La Tinh. Khi đã học văn tự Bồ Đào Nha các trò trẻ nhanh chóng đem lại sự đóng góp thực sự cho việc phiên âm theo chữ La Tinh những văn bản mới của kho tàng văn học Việt Nam. Họ cũng đóng góp vào công việc hệ thống hóa chính cách phiên âm dẫn đến chữ Quốc ngữ”. Năm 1618, Pina cùng với một thanh niên giáo dân người Việt có tên đạo là Phê rô lần đầu tiên dịch sang tiếng Việt kinh Lạy cha và các kinh căn bản khác trong Ky tô giáo, có thể xem là khởi đầu của việc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh. Kiến thức uyên bác về chữ Hán của Phê rô đã giúp ích rất nhiều cho Pina trong công việc nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. ( Theo Roland Jacques, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, tr 80)

Sự kiện này,Roland Jacques rút ra từ một bản phúc trình chính thức của cơ sở truyền giáo “ người ấy [ một nhân sĩ quen thân với đoàn truyền giáo] có một người con trai 16 tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng; anh này lại viết tiếng Hán rất đẹp,được dân chúng hâm mộ vô cùng…Anh tên thánh rửa tội là Phê rô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục rất nhiều trong việc dịch kinh Pater noster, Ave Maria, Credo và Mười điều răn ra tiếng địa phương, (các kinh) mà Ki tô hữu đã thuộc lòng.Linh mục cũng viết ra các điều phải tin bằng tiếng địa phương ấy.”( Sđd, tr 83)

Đây là bản kinh Lạy cha được viết tay năm 1632, trích từ sách “Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam của Roland Jacques”



Năm 1622, Pina đã hoàn thành việc xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự La Tinh cho thích hợp với lối phát âm và thanh điệu tiếng Việt Nam.Ông đã làm được một tuyển tập và bắt đầu viết một bản văn phạm.

Kết quả đó, linh mục Pina đã đạt được một cách vất vả,với sự trợ giúp của một số ít học sinh Việt Nam qui tụ chung quanh ông.( Sđd, tr 85)

Nhưng muốn cho công trình đạt kết quả tốt hơn thì các học sinh trẻ ngoài việc học tiếng Bồ cần thiết phải học chữ Nho và chữ Nôm.  Pina đã giáo dục, đào tạo cho một giáo dân người Việt tên là André trở thành một thông ngôn, anh có thể giao tiếp bằng tiếng Bồ và ít nhất cũng biết khái quát các phần cơ bản của giáo lý Cơ Đốc. Có thể là anh cũng biết đọc hiểu chữ cái La Tinh, vì điều đầu tiên mà Pina yêu cầu ở những người trẻ là phải học chữ La Tinh. Tuy nhiên Pina không thể đào tạo cho anh một cách đầy đủ như ông mong muốn. Pina rất tiếc cho André, một người có khả năng và nhiệt tình mà không được cha bề trên Fernandez cho đến trường học chữ Nho. Và như thế thì năng lực của anh sẽ bị yếu kém đi không thể vững vàng như Augusto (thông ngôn của cha Buzomi ở Quy Nhơn) vừa giỏi tiếng Bồ Đào Nha vừa tinh thông chữ Hán, chữ Nôm.

Alexandre de Rhodes cũng được một cậu bé ở Thanh Chiêm giúp đỡ ông học tiếng Việt một cách đắc lực. Cậu bé này sau được đào luyện trở thành thầy giảng tên là Raphael Rhodes. Trong ba tuần lễ cậu đã dạy cho ông các dấu khác nhau và cách đọc hết các tiếng. “…Cậu không hiểu tiếng tôi mà tôi thì chưa biết tiếng cậu, thế nhưng, cậu có trí thông minh biết những điều tôi muốn nói. Và thực tế cũng trong ba tuần lễ, cậu học các chữ của chúng ta, học viết và học giúp lễ nữa. Tôi sững sốt thấy trí thông minh của cậu bé và trí nhớ chắc chắn của cậu. Từ đó cậu đã làm thầy giảng giúp các cha….cậu rất mến thương tôi nên đã muốn lấy tên tôi.” (Hành trình và truyền giáo, tr 56)

Nhóm thứ hai là các trí thức am hiểu sâu sắc tiếng mẹ đẻ và nền văn hóa dân tộc, có khả năng đóng góp cho các giáo sĩ phương pháp phiên âm và các tư liệu nghiên cứu.

Trước hết là các thầy đồ. Đó là các Nho sĩ theo đạo Khổng, dạy chữ Nho theo phương pháp truyền thống. Pina ao ước được học chữ Nho với một thầy đồ để nắm chắc được các chữ tượng hình hầu có thể hiểu được toàn bộ khối văn học mà không cần trung gian. Nhưng rất tiếc là ông không thực hiện được.

Xung quanh các nhà truyền giáo còn có các đạo trưởng, các nhà sư, các quan lại nghỉ hưu, các sĩ tử nhất là khi họ đã cải tôn theo đạo Thiên Chúa. Pina mong muốn có thể sử dụng ảnh hưởng và tài năng của họ để phục vụ cho đạo Chúa. Ông cũng có thể sử dụng  họ để hoàn chỉnh kiến thức ngôn ngữ của chính ông, nhất là về thuật ngữ tôn giáo và để cải thiện cách tiếp cận trong các tranh luận về tôn giáo, trong đó việc làm chủ ngôn ngữ một cách hoàn hảo là công cụ làm việc không thể thiếu được.

Trong thư, Pina nói đến các nhà sư là những người có trình độ học vấn cao, có thể đọc các văn bản và tài liệu tra cứu. Chính họ đã giúp cho Pina rất nhiều khi ông tập hợp các tư liệu văn học để soạn cuốn ngữ pháp. Ông phải nhờ các nhà Nho đọc và viết các từ ngữ để phiên các văn bản này ra chữ cái La Tinh.

Những người Việt cũng đã giúp rất nhiều cho A.d. Rhodes khi ông viết cuốn sách giáo lý “Phép giảng tám ngày”. Đọc tác phẩm này ta thấy ông sử dụng nhiều từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt như : lộn lạo, láo nháo, đơm (thêm), trời che đất chở, sống gửi thác về, dây bền khả buộc sừng trâu, ba năm bú mớm, chín tháng cưu mang, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.v.v..chứng tỏ đã có những người Việt hợp tác với ông để soạn sách vì nếu không có họ thì làm sao một người nước ngoài mới học tiếng mà có thể vận dụng ngôn ngữ ViệtNam một cách nhuần nhuyễn như thế.

Trong lời tựa của cuốn từ điển Việt - Bồ - La , A. d.Rhodes cũng nói đến sự đóng góp của những người Việt vào công trình này :

 “Tuy nhiên trong công việc này ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô sinh (Đàng Trong) và Đông Kinh (Đàng Ngoài),…”

Về việc phiên dịch sách giáo lý sang chữ Nôm, các giáo sĩ cũng nhờ người Việt hợp tác “…Về hình thức sách dạy giáo lý được biên soạn bằng tiếng Đàng Trong, đó là tiếng nói thông dụng. Chắc chắn là nó đã được viết ra hoặc là trong khi biên soạn hoặc là sau này nhằm bảo tồn và phổ biến nó. Nó phải được biên soạn bắng sự cộng tác của các giáo sĩ, được sự giúp đỡ của những người phiên dịch mà các giáo sĩ sử dụng hoặc bởi một số trí thức đã quy theo đạo Thiên Chúa hay được các giáo sĩ kết bạn.”( Lettre du Père Gaspar Luis sur la Concincina.“Bulletin des Amis du Vieux Hue”1931,N 3-4)

Philip phê Bỉnh cũng cho biết giáo sĩ Girolarmo Majorica đã cọng tác với một nhà sư rất giỏi chữ Hán và chữ Nôm  (về sau quy đạo Thiên Chúa tên là Phanxicô) để phiên dịch sách giáo lý sang chữ Nôm.

Khi A.d. Rhodes hoạt động ở Đàng Ngoài thì bà  Catarina, công chúa em chúa Trịnh Tráng đã soạn cuốn tiểu sử Chúa Giê Su bằng thơ Nôm.

Trong công trình ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh, Pina và các đồng huynh đã tập hợp được các cộng tác viên người Việt có chất lượng cao để sáng tạo một thứ chữ viết mới - Chữ Quốc ngữ - rất tiện lợi cho chúng ta . Họ đã có những đóng góp quan trọng vào cuộc cách mạng chữ viết này mà nếu “không có họ, mọi công trình ngôn ngữ học nghiêm túc không thể hoàn thành được” (R.L.Jacques)

Vậy là, từ đầu thế kỷ XVII, Francisco de Pina là người tiên phong sáng tạo ra cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh dẫn đến sự hình thành chữ Quốc ngữ trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của những người Việt ở Dinh Chiêm nói riêng và Quảng Nam nói chung. Rất tiếc là trong buổi đầu của công trình này, tên tuổi của những người Việt không được ghi lại một cách rõ ràng mà chỉ ghi bằng tên Thánh như André, Augusto hoặc nói chung như  những học trò trẻ, các thầy đồ, nhà sư, đạo trưởng ...

Cho đến thế kỷ XVIII trở về sau, chúng ta mới được biết tên những người Việt Nam tham gia trong việc cải tiến và hoàn chỉnh chữ Quốc ngữ như Philip phê Bỉnh, Hồ văn Nghi hợp tác với giám mục Pigneau de Béhaine ( Bá Đa Lộc) biên soạn Từ điển An Nam-La Tinh năm 1772, Phan văn Minh hợp tác với Giám mục Taberd biên soạn Từ điển An Nam-La Tinh in năm 1838…

Châu Yến Loan

0 nhận xét: