Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 11: Những khoái cảm tâm linh qua giác quan (tiếp theo)

 



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 11
NHỮNG KHOÁI CẢM TÂM LINH QUA GIÁC QUAN * (tiếp theo)
(Kinh Việt ghi chú: Đề tài này rất quan trọng, nên đọc kỹ)

7 - Do đó, linh hồn không bao giờ được liều lĩnh chấp nhận chúng, và như đã nói, cho dù chúng có xuất phát từ Thiên Chúa cũng vậy, bởi vì linh hồn nào muốn chấp nhận sẽ gặp phải 6 điểm bất lợi:
     
- Trước hết, đức tin bị suy giảm. Thật vậy, như đã nói, đức tin vượt trên mọi giác quan, cho nên nếu cứ dựa vào những kinh nghiệm của giác quan sẽ gây thiệt hại cho đức tin rất nhiều. Và như thế, nếu không chịu nhắm mắt lại trước tất cả mọi chuyện thuộc giác quan, là linh hồn tự tách mình khỏi phương thế giúp nên một với Thiên Chúa (là đức tin).

 - Thứ hai là, nếu không từ bỏ những cảm nhận ấy, sẽ rất trở ngại cho tâm linh, bởi vì chính linh hồn sẽ dừng lại ở đó và tâm linh không bay vượt được lên tới cõi vô hình. Đó là một trong những nguyên do Chúa nêu lên để giải thích cho môn đệ hiểu rằng Ngài cần phải ra đi nhường chỗ cho Thánh Thần ngự đến với họ. Đó cũng là lý do tại sao sau khi phục sinh, Ngài không cho Maria người Mácđala chạm đến chân Ngài: Chính là để chị thêm vững mạnh trong đức tin.

- Thứ ba là, linh hồn sẽ dần dần thích chiếm giữ những cảm nhận ấy, không còn tiến bước trên đường từ bỏ và trần trụi thật sự về tâm linh.

- Thứ tư là, bởi vì linh hồn lo dán mắt vào phần khả giác nơi những cảm nhận ấy, là phần rất phụ thuộc chẳng có gì đáng kể, nó sẽ vô tình đánh mất hiệu quả của chúng, đánh mất tác dụng tâm linh chúng gây nên được trong nội tâm. Do đó, linh hồn không nhận được cách dồi dào hiệu quả tâm linh chúng gây nên, hiệu quả này chỉ được ghi khắc thật sâu đậm và bền bỉ nếu chúng ta từ chối tất cả những gì thuộc khả giác, là bình diện hết sức khác biệt với bình diện tâm linh.

- Thứ năm là, linh hồn sẽ sớm đánh mất các ưu ái của Thiên Chúa, bởi vì nó sẽ chụp lấy những ơn ấy bằng thái độ chiếm hữu chứ không biết tận dụng, tức là đã muốn tôn mình làm chủ, trong khi Thiên Chúa ban chúng cho linh hồn đâu phải để nó làm chủ. Vậy thì, linh hồn đừng bao giờ nhất mực cho rằng những điều ấy là do Thiên Chúa.

- Thứ sáu là, vì sẵn lòng chấp nhận những điều ấy, linh hồn mở cửa cho ma quỷ, nó sẽ lừa gạt linh hồn lạc vào những điều khác tương tự, vì nó thừa biết cách che giấu và ngụy trang thật tài tình, khiến cho những hiện tượng ấy trông có vẻ như những điều lành mạnh đến từ Thiên Chúa. Đúng như lời thánh Tông đồ đã nói, ma quỷ có thể khoác áo thần ánh sáng (2Cr 11,24). Về điểm này, với ơn Chúa giúp, chúng tôi sẽ bàn thêm ở cuốn thứ ba, trong chương nói về tật tham ăn tâm linh.

8 - Như thế, để luôn có lợi cho linh hồn thì cứ nhắm mắt gạt bỏ chúng đi, bất kể chúng phát xuất từ đâu. Nếu không, linh hồn sẽ dành lợi thế cho những chuyện phát xuất từ ma quỷ, và cũng là tiếp tay với ma quỷ. Lúc ấy, thay vì tiếp nhận những điều thuộc về Thiên Chúa lại vớ lấy những chuyện của ma quỷ, rồi những chuyện của ma quỷ cứ tăng thêm trong khi những chuyện thuộc về Thiên Chúa đã khựng lại, và kết cuộc, tất cả chỉ còn là chuyện của ma quỷ, chẳng còn gì là của Thiên Chúa nữa. Đó là điều đã xảy ra cho nhiều linh hồn bất an và dốt nát. Họ quá tự tin khi tiếp nhận những chuyện ấy, đến nỗi sau đó rất khó quay về cùng Thiên Chúa với một đức tin tinh ròng; lắm người đã không sao trở lại nổi, vì ma quỷ đã ăn rễ ở họ quá sâu. Vì thế, tốt nhất là cứ đóng cửa không cho chúng vào, cứ gạt bỏ hết tất cả. Nếu đó là những chuyện nguy hại, ta sẽ tránh khỏi mắc mưu ma quỷ, còn nếu là những chuyện lành mạnh, sẽ tránh khỏi gây trở ngại cho đức tin, và nhờ đó tâm linh lại gặt hái được hoa quả. Khi thấy linh hồn tiếp nhận chúng, Thiên Chúa sẽ tước đoạt đi để linh hồn khỏi rơi vào chỗ chiếm hữu chúng mà không sinh lợi gì cả, còn ma quỷ thì ngược lại, vì đã tìm được ngõ ngách và lợi thế, nên cũng nhồi nhét và tăng thêm những chuyện của nó. Còn khi linh hồn kiên quyết chống lại những điều ấy, ma quỷ thấy không làm hại được linh hồn thì sẽ ngưng quấy phá; ngược lại Thiên Chúa sẽ gia tăng và nâng cấp các ơn huệ dành cho linh hồn biết khiêm nhường và từ bỏ ấy. Ngài coi nó là người đầy tớ trung tín trong việc nhỏ, giao cho nó trách nhiệm trên việc lớn (Mt 25,21).

9 - Nếu linh hồn biết trung tín và dứt bỏ, Thiên Chúa sẽ không ngừng ban những ơn tương tự. Ngài sẽ nâng nó lên từng cấp bậc, cho tới khi được nên một với Ngài và được biến đổi trong Ngài. Ngài thử luyện và nâng linh hồn lên dần dần. Thoạt đầu, Ngài ban cho nó những ơn bên ngoài và thấp kém ở mức độ cảm giác, hợp với khả năng còn ít ỏi của nó. Rồi nếu linh hồn biết xử sự thích đáng, biết dùng những thức ăn sơ khởi ấy cách từ tốn, để nuôi sống và bổ dưỡng, thì sau đó Ngài sẽ ban cho nó một lương thực phong phú và cao quý hơn. Cứ thế, nếu nó thắng được ma quỷ ở cấp đầu, nó sẽ tiến tới cấp thứ hai, rồi từ cấp hai sang cấp ba, và từ đó đi qua hết cả bảy cư sở, tức là bảy bậc của tình yêu, cho tới khi Đức Tình Quân đặt nó vào hầm rượu của “đức ái hoàn hảo” (Dc 2,4).

10 - Hạnh phúc thay linh hồn nào biết chiến đấu chống lại mãnh thú trong sách Khải huyền (Kh 13,1). Mãnh thú này có bảy đầu ngược với bảy đầu tình yêu. Nó dùng bảy đầu ấy để giao chiến với từng bậc một: mỗi đầu chiến đấu với linh hồn ở một cư sở, nơi mà linh hồn đang tập luyện và từng bước tiến xa trên đường tình yêu Thiên Chúa. Chắc chắn, nếu linh hồn trung kiên chiến đấu ở mỗi bậc và chiến thắng được, nó sẽ xứng đáng vượt hết bậc này lên bậc khác, từ cư sở này lên cư sở khác, cho tới khi đạt tới cư sở cuối cùng, sau khi đã chém hết cả bảy cái đầu mà mãnh thú dùng để giao chiến cách điên loạn. Thánh Gioan nói rằng: “Nó đã được ban phép giao tranh với các thánh và có thể thắng họ” (Kh 13,7) ở mỗi bậc ấy của tình yêu, vì ở mỗi bậc ấy nó đều sử dụng những khí giới và trang bị đầy đủ. Do đó, thật đau lòng khi thấy nhiều người, đã nhảy vào trận chiến tâm linh chống lại mãnh thú mà lại không chịu chặt đứt cái đầu thứ nhất của nó bằng cách từ bỏ những chuyện khả giác của thế gian. Lắm người đã kiên trì và chặt bỏ đầu thứ nhất, nhưng lại không chặt đầu thứ hai, tức là những thị kiến thuộc giác quan mà chúng tôi đang nói tới nhưng đáng buồn nhất là một số người sau khi đã chặt đầu thứ nhất, đầu thứ hai và cả đầu thứ ba, tức là những điều liên quan đến giác quan cảm tính bề trong, đã vượt khỏi cả bậc suy niệm và còn tiến xa hơn nữa, thế mà ngay lúc họ sắp tiến vào cõi tâm linh thuần túy thì con mãnh thú tâm linh ấy lại thắng họ, nó phản công chống lại họ và hồi sinh cho đến đầu thứ nhất, và kết cuộc, khi họ sa ngã lại, nó làm cho họ thành xấu xa hơn trước nhiều, bởi vì nó mang theo bảy thần dữ khác còn xấu hơn nó nữa (Lc 11,26).

11 - Vậy, nếu muốn chặt đứt đầu thứ nhất và đầu thứ hai của mãnh thú ấy, người theo đường tâm linh phải chối bỏ những nhận thức và khoái cảm nhất thời lọt vào các giác quan bên ngoài. Họ cần vào cho được cư sở thứ nhất và thứ hai của tình yêu tức là đức tin sống động, không nên bận tâm và để mình bị trói buộc với những điều lọt vào các giác quan, vì đó là điều phá hoại đức tin nhiều nhất.

12 - Vậy rõ ràng là những thị kiến và nhận thức theo giác quan không tương xứng chút nào với Thiên Chúa nên không thể nào là phương tiện giúp nên một với Ngài. Một trong những lý do khiến Chúa không thích Maria người Mácđala cũng như Tôma chạm đến Ngài, là vì thế. Cũng vì thế, ma quỷ khoái chí khi một linh hồn chấp nhận những khải thị và khi thấy linh hồn nghiêng chiều về đó. Bởi lẽ, lúc ấy nó có rất nhiều dịp và điều kiện thuận lợi để gieo rắc lầm lạc và phá hủy đức tin ngần nào có thể được. Như tôi đã nói, linh hồn nào thích những chuyện ấy sẽ trở thành thô kệch, tự chuốc lấy nhiều cám dỗ và nguy hiểm.

13 - Tôi đã bàn hơi rộng về các nhận thức bên ngoài, vì muốn làm sáng tỏ hơn đôi chút về những điểm tôi sẽ trình bày tiếp dưới đây. Tuy nhiên còn có biết bao điều phải nói về chuyện này, và có lẽ chẳng bao giờ nói hết được, trừ một vài trường hợp hết sức khác thường và không được ước muốn chút nào. Thiết tưởng ở đây nói bấy nhiêu đã đủ.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 11: Những khoái cảm tâm linh qua giác quan

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 11
NHỮNG KHOÁI CẢM TÂM LINH QUA GIÁC QUAN *
(Kinh Việt ghi chú: Đề tài này rất quan trọng, nên đọc kỹ)

Chướng ngại và sự thiệt hại có thể gặp phải nơi những nhận thức mà trí hiểu tiếp nhận qua những điều được bày tỏ cách siêu nhiên cho các giác quan thể chất bên ngoài. Linh hồn phải xử sự thế nào trong những chuyện này?

1 - Ở chương trên đây, ta đã nói đến những nhận thức đến với trí hiểu qua con đường tự nhiên. Trong cuốn thứ nhất, khi chỉ đường cho linh hồn đi vào đêm giác quan, đã có bàn đến những điều ấy, và thiết tưởng đã đủ rồi, nên ở đây chúng tôi không nói thêm nữa. Trong chương này sẽ chỉ bàn đến những thông tin và nhận thức mà trí hiểu chỉ nhận biết cách siêu nhiên qua con đường các giác quan thể chất bên ngoài, tức là nghe, xem, ngửi, nếm và đụng chạm. Những người theo đường tâm linh có thể và đã vẫn thường nhận được những biểu hiện và những đối tượng đến với họ một cách siêu nhiên. Chẳng hạn, mắt họ thấy những hình ảnh và những ngôi vị thuộc cõi đời đời, như thấy các thánh, thấy thiên thần hoặc ma quỷ, thấy những ánh sáng hoặc những vẻ rực rỡ phi thường, hoặc tai họ nghe thấy những lời phi thường, có khi là do những người họ nhìn thấy nói ra, có khi chỉ nghe nói mà không thấy người nói. Khứu giác họ có thể ngửi thấy những mùi rất thơm tho dịu dàng mà không biết phát xuất từ đâu. Vị giác có thể nếm được một vị rất dịu ngọt, xúc giác có thể được đầy khoái cảm, đôi khi mãnh liệt đến độ dường như tất cả xương tủy đều sảng khoái, hớn hở và chìm ngập trong hoan lạc. Đó là một hoan lạc tựa như điều quen gọi là sự xức dầu tâm linh, bắt nguồn từ tâm linh và tuôn chảy xuống tận các chi thể của những linh hồn thanh khiết. Sự thích thú nơi giác quan như thế là chuyện rất thường gặp nơi những người theo đường tâm linh, phát xuất từ cảm tính và từ lòng sùng đạo của những tâm hồn giàu cảm giác, nhiều hay ít tùy từng người.

2 - Phải biết rằng, dù tất cả những điều ấy có thể do Thiên Chúa muốn xảy ra cho các giác quan thể chất đi nữa, cũng không bao giờ được tin chắc vào chúng hoặc nhìn nhận chúng. Trái lại, phải triệt để chạy trốn chúng, không được thử cứu xét xem chúng tốt hay xấu, bởi lẽ chúng càng có tính cách bên ngoài và thể chất thì càng đáng ngờ, càng không chắc rằng chúng đến từ Thiên Chúa. Bình thường, cách thích hợp để Thiên Chúa thông ban chính mình Ngài vẫn là thông ban qua tâm linh, sẽ chắc chắn và ích lợi nhiều cho linh hồn, hơn là thông ban qua giác quan, vì qua giác quan thường gặp nguy cơ bị lừa dối, bị ảo tưởng. Thật vậy, nơi những hiện tượng ấy, giác quan thể chất tự cho mình là trọng tài thẩm định các thực tại tâm linh, nên cứ tưởng rằng các thực tại ấy giống hệt như nó cảm thấy, trong khi thực ra hai đàng khác biệt nhau tựa như thể chất khác với linh hồn và nhục cảm khác với lý trí. Thật vậy, giác quan thể chất dốt nát về các thực tại tâm linh còn hơn là súc vật dốt nát về các thực tại của lý trí.

3 - Vì thế, người nào coi trọng những chuyện ấy là lầm lớn, và dễ gặp nguy cơ bị lừa gạt. Họ sẽ vì chuyện nhỏ mọn mà hoàn toàn bị cản trở, không tiến được tới thực tại tâm linh. Bởi vì, như đã nói, tất cả những gì thuộc thể chất đều chẳng tương ứng được với thực tại tâm linh chút nào cả. Vì vậy, nếu gặp những hiện tượng ấy thì phải luôn luôn cầm chắc rằng đó là do ma quỷ hơn là do Thiên Chúa. Bởi lẽ ma quỷ có thể tác động trên cái bề ngoài thuộc thể chất mạnh hơn và lừa gạt trên mặt ấy dễ hơn là trên những điều bên trong thuộc tâm linh.

4 - Những điều và những dạng biểu lộ theo thể chất như thế, càng có tính bên ngoài càng ít sinh lợi ích cho bề trong và tâm linh, bởi lẽ giữa điều thể chất và điều tâm linh thật rất cách biệt và thiếu tương xứng. Đúng vậy, cho dù đôi khi chúng có thông truyền một chút gì về tâm linh (nếu là bởi Thiên Chúa thì luôn có hiệu quả này), thì vẫn kém xa trường hợp cũng chính những điều ấy được thông truyền qua tâm linh và bề trong. Cũng bởi đó, những sự việc ấy dễ khiến linh hồn lầm lạc, tự phụ và huênh hoang. Vì là những điều có thể chạm đến được và nặng tính cách vật chất, chúng đánh động nhiều trên các giác quan. Còn linh hồn, vì tưởng rằng những cảm giác ấy càng bén nhạy càng quý, nên sẽ chạy theo chúng và bỏ rơi mất đức tin. Cứ tưởng rằng đó là ánh sáng dẫn đường và là phương thế giúp đạt được điều mình mong muốn là nên một với Thiên Chúa, linh hồn càng coi trọng những điều ấy càng đánh mất con đường và phương thế đích thật là đức tin.

5 - Thêm vào đó, khi thấy những chuyện khác lạ ấy thường xảy ra cho mình, lắm lúc linh hồn dễ rơi vào chỗ thầm tự mãn, tưởng là mình cũng đã là gì đó trước mặt Thiên Chúa. Và như thế là mất sự khiêm nhường. Ma quỷ khôn khéo gieo nơi linh hồn một sự tự mãn kín đáo, nhưng lắm lúc cũng khá lộ liễu. Vì thế nhiều khi nó gây ra những hiện tượng ấy nơi các giác quan: Mắt xem thấy hình ảnh các vị thánh và những ánh huy hoàng diễm lệ, tai nghe những lời giả dối, mũi ngửi thấy những hương vị thơm tho, miệng nếm được những vị ngon ngọt và xúc giác cảm thấy dịu dàng êm ái. Nó dùng những điều ấy dụ dỗ để rồi sau đó lôi kéo linh hồn vào nhiều tai họa. Do đó, luôn luôn phải khử trừ những hiện tượng và cảm nhận ấy.

Cho dù một số các hiện tượng và cảm nhận ấy là do Thiên Chúa, thì việc khử trừ chúng cũng không xúc phạm gì đến Thiên Chúa và cũng không ngăn cản linh hồn tiếp nhận hiệu quả và hoa trái Thiên Chúa muốn ban cho linh hồn qua các phương cách ấy, mặc dù linh hồn đã gạt bỏ, không màng đến chúng.

6 - Lý do là thế này: Những thị kiến có tính thể chất, hoặc những cảm nhận nơi bất cứ giác quan nào khác, cũng như nơi bất cứ sự chuyển thông nào khác của những giác quan bề trong, nếu thật sự là do Thiên Chúa, thì ngay lúc chúng xuất hiện hoặc được cảm nhận, chúng đã gây hiệu quả nơi tâm linh rồi, chứ không đợi linh hồn suy tính xem có nên muốn hay không muốn. Y như trường hợp Thiên Chúa ban những hiệu quả ấy cách siêu nhiên trong lúc linh hồn thiếu hẳn sự chú tâm và khả năng, ở đây Thiên Chúa cũng thực hiện hiệu quả Ngài muốn cho linh hồn qua các phương cách ấy bất chấp linh hồn muốn hay không. Điều đó được thực hiện và hoàn tất trong tâm linh cách thụ động, không đợi người ta muốn hay không muốn mới thành hoặc không thành. Chẳng khác nào đem lửa ném vào một người ở trần, anh ta có muốn hay không vẫn bị phỏng. Cũng vậy, cho dù linh hồn không muốn, các thị kiến và hiện tượng lành sạch vẫn thực hiện hiệu quả của chúng trong linh hồn cách ưu tiên và chính yếu hơn là trong thân xác. Tương tự, cho dù linh hồn không muốn, các thị kiến do ma quỷ cũng khiến linh hồn gặp xáo trộn và khô khan, cũng khiến tâm trí gặp phải sự huênh hoang và tự phụ. Tuy nhiên chúng không gây được điều ác cách hữu hiệu như là những gì do Thiên Chúa gây nên điều lành. Những điều do ma quỷ chỉ có thể gây nên những tác động sơ khởi trên lòng muốn chứ không thể đưa được lòng muốn đi xa hơn nếu nó không ưng thuận. Sự bất an nó gây ra cũng không kéo dài bao lâu nếu linh hồn không dung túng nó do bởi thiếu can đảm và tỉnh thức. Còn những điều do Thiên Chúa thì xuyên thấu linh hồn và thúc đẩy lòng muốn yêu mến, để lại một hiệu quả mà linh hồn không cưỡng lại được, nhưng rất mơ ước, còn hơn cả tấm kính không cưỡng lại được tia sáng mặt trời đang chiếu vào nó.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 10: Đôi điều cần phân biệt

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 10
ĐÔI ĐIỀU CẦN PHÂN BIỆT *

Đôi điều cần phân biệt trong các nhận thức và hiểu biết mà trí hiểu tiếp nhận.

1 - Trước khi bàn chi tiết về những ích lợi và tác hại mà các ghi nhận và nhận thức của trí hiểu có thể gây ra cho linh hồn về mặt đức tin, là phương thế để nên một với Thiên Chúa, chúng tôi xin dừng lại đây một chút để phân biệt rõ những nhận thức tự nhiên và siêu nhiên mà trí hiểu có thể tiếp nhận. Có phân biệt như thế, chúng ta mới có thể trình bày cách thứ tự, mạch lạc, hướng dẫn cho trí hiểu phần nào trong đêm và trong bóng tối của đức tin. Phần này rất ngắn.

2 - Trước hết, cần biết rằng trí hiểu có thể tiếp nhận thông tin và hiểu biết bằng hai con đường tự nhiên và siêu nhiên. Đường tự nhiên là tất cả những gì trí hiểu có thể nhận biết hoặc nhờ các giác quan thể chất hoặc nhờ chính nó (trí hiểu). Đường siêu nhiên là tất cả những gì được cung cấp cho trí hiểu, vượt ngoài khả năng và sự khéo léo tự nhiên của nó.

3 - Trong những điều tiếp nhận qua đường siêu nhiên, một số có tính cách thể chất và một số có tính cách tâm linh. Những điều có tính cách thể chất lại do hai cách: Một số được tiếp nhận qua con đường giác quan thể chất bên ngoài; số còn lại qua con đường giác quan thể chất bên trong, gồm tất cả những gì trí tưởng tượng có thể tiếp thu, bịa đặt hoặc chế tạo ra.

4 - Những nhận thức mang tính tâm linh cũng do hai cách: Có những điều nổi bật và độc đáo, có những điều mờ nhạt và tăm tối, chỉ là chuyện chung chung. Trong những điều nổi bật và độc đáo, có bốn cách nhận thức đặc biệt được truyền đạt thẳng cho tâm trí không cần một giác quan thể chất nào làm trung gian. Đó là: thị kiến, mặc khải, nhãn giới tâm linh và những tình cảm tâm linh. Còn về hiểu biết tăm tối và chung chung thì chỉ có một cách, tức là chiêm niệm nhờ đức tin. Đây là cách ta phải đề ra cho linh hồn, ta sẽ giúp linh hồn vượt qua tất cả những cách khác để hướng thẳng tới đó. Chúng ta hãy khởi sự bàn về những điều hiểu biết qua con đường thứ nhất trên đây (qua giác quan thể chất bên ngoài) và giúp linh hồn lột bỏ chúng.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 9: Đức tin giúp nên một với Thiên Chúa




ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 9
ĐỨC TIN GIÚP NÊN MỘT VỚI THIÊN CHÚA *

Chương này cho thấy làm sao đức tin lại là phương thế gần gũi và xứng hợp với trí hiểu nhất, giúp linh hồn có thể đạt tới sự nên một với Thiên Chúa Tình Yêu, đồng thời chứng minh điều ấy dựa trên thế giá và hình ảnh Thánh Kinh.

1 - Theo những điều nói trên, trí hiểu muốn được sẵn sàng để nên một với Thiên Chúa, thì phải thật trong suốt, trút sạch tất cả những gì có thể chạm đến giác quan, phải thật trần trụi và tự giải tỏa khỏi tất cả những gì trí hiểu có thể thấy rõ. Trí hiểu phải được nghỉ ngơi và bình lặng, phải được định cư trong đức tin; chỉ có đức tin là phương thế gần gũi và xứng hợp giúp linh hồn nên một cùng Thiên Chúa, bởi lẽ giữa đức tin và Thiên Chúa có sự giống nhau đến độ không còn gì khác biệt giữa thấy Thiên Chúa và tin Thiên Chúa. Thiên Chúa vô biên, đức tin cũng nói với ta rằng Ngài vô biên. Thiên Chúa là Ba Ngôi trong một bản tính duy nhất, thì đức tin cũng dạy rằng Thiên Chúa là Ba Ngôi trong một bản tính duy nhất. Thiên Chúa là tăm tối đối với trí hiểu của ta thì đức tin cũng thế, nó khiến trí hiểu của ta bị mù lòa và tăm tối. Như thế đức tin là phương thế duy nhất Thiên Chúa dùng để tỏ mình cho linh hồn trong ánh sáng thần linh, vượt hẳn mọi trí hiểu. Vì vậy, một linh hồn càng có đức tin càng nên một với Thiên Chúa.

Đó là điều thánh Phaolô muốn nói trong lời đã trích dẫn: "Ai muốn đến gần Thiên Chúa thì phải tin là có Thiên Chúa" (Hr 11,6), tức là phải nhờ đức tin mà đến với Thiên Chúa. Trí hiểu phải như mù lòa, đối diện với tăm tối, chỉ có đức tin hướng dẫn thôi. Chính dưới sự tăm tối ấy, trí hiểu được nên một cùng Thiên Chúa, và cũng chính trong sự tăm tối ấy Thiên Chúa ẩn mình. Như vua Đavít có nói: "Chúa nghiêng trời ngự xuống, chân đạp lớp mây mù, ngự trên thần hộ giá, trên cánh gió lượn bay: Chúa dùng bóng tối làm màn bao phủ, lấy mây đen nghịt làm trướng che mình" (Tv 17,10-12).

2 - Mây mù Ngài đạp dưới chân, bóng tối Ngài dùng làm màn bao phủ và mây đen nghịt Ngài dùng làm trướng che, tất cả nhằm diễn tả một điều là sự tăm tối của đức tin mà Thiên Chúa tự giam mình trong đó. Còn kiểu nói Ngài ngự trên các thần hộ giá và lượn bay trên cánh gió, nhằm nói rằng Ngài vượt quá mọi trí hiểu. Thật vậy, các thần hộ giá (Kêrubim) có nghĩa là những thiên thần thông sáng đang chiêm niệm. Còn các cánh gió có ý nói về những ghi nhận và những nhận thức tinh tế và cao vượt qua các bậc thuần thần. Vượt trên tất cả những hiểu biết ấy là chính Thiên Chúa hằng hữu mà không một thụ tạo nào có thể tự mình đạt tới.

3 - Trong Thánh Kinh, có một hình ảnh về điều ấy. Khi vua Salômôn hoàn tất việc xây đền thờ, Thiên Chúa đã ngự xuống trong một đám mây mù mịt và phủ ngập đền thờ, đến nỗi con cái Israel chẳng còn xem thấy gì hết. Vua Salômôn đã thốt lên: "Thiên Chúa đã hứa Ngài sẽ ngự trong đám mây mù mịt" (1V 8,12). Thiên Chúa cũng đã hiện ra với Môsê trên núi trong mây mù mịt (Xh 19,9). Tất cả những lần Thiên Chúa tỏ mình cách long trọng, Ngài đều hiển linh giữa mây tối mịt mù; như ta cũng còn thấy trong trường hợp ông Gióp, Thánh Kinh kể rằng Thiên Chúa đã nói với ông trong làn khí tối tăm (G 38,1; 40,1). Tất cả những bóng tối ấy đều nói lên sự tăm tối đức tin che khuất Thiên Chúa khi Ngài tự thông ban cho linh hồn. Như thánh Phaolô có nói, sự tăm tối này sẽ chấm dứt khi "điều có ngần có hạn sẽ ra không" và "sự trọn lành sẽ đến" (1Cr 13,10). Điều có ngần có hạn tức là sự mịt mù của đức tin, còn điều trọn lành là ánh sáng của Thiên Chúa. Ta có một hình ảnh khá rõ nơi chuyện đạo binh của Ghiđêôn. Tất cả các chiến sĩ đều cầm đuốc sáng trên tay mà không ai nhìn thấy chúng, vì chúng bị che giấu trong bình, nhưng vừa đập bình là ánh sáng hiện ra ngay (Tl 7,16-20). Đức tin cũng giống như những chiếc bình ấy. Nó chứa ánh sáng của Thiên Chúa. Khi nào đức tin thành toàn và bị đập vỡ do sự lìa bỏ và kết thúc cuộc sống dễ chết này, thì lập tức vinh quang và ánh sáng của thần tính chứa đựng trong đó sẽ lộ hiện.

4 - Như vậy rõ ràng là nếu muốn đạt tới sự nên một với Thiên Chúa ở đời này và được hiệp thông trực tiếp với Ngài, linh hồn cần phải liên kết với sự mù mịt mà Thiên Chúa đã hứa với Salômôn rằng Ngài sẽ ở trong đó; cần phải núp mình trong làn khí tối tăm mà Thiên Chúa đã tự hạ xuống để tỏ mình cho Giacóp; và phải cầm những chiếc bình tăm tối của Ghiđêôn trên tay. Có nghĩa là phải dùng lòng muốn để giữ lấy ánh sáng tăm tối qua đức tin, ánh sáng của sự nên một với Thiên Chúa trong tình yêu, để vừa khi các bình của cuộc đời này bị đập vỡ, ánh sáng đức tin không còn bị điều gì ngăn cản nữa, ta liền được nhìn thấy Thiên Chúa nhãn tiền trong vinh quang.

5 - Tới đây, tôi cần phải đặc biệt nói thêm về tất cả những hiểu biết và nhận thức mà trí hiểu có thể thâu nhận, cũng như những chướng ngại và thiệt hại chúng có thể gây ra trên con đường đức tin này. Tôi cũng sẽ nêu rõ linh hồn sẽ phải xử sự thế nào để những hiểu biết ấy, dù phát xuất từ giác quan hay từ tâm trí, sẽ sinh ích cho linh hồn chứ không làm hại.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)


Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

Bài thơ số 43 của Chị Tiên Sa Nhỏ: Lồng chim của Chúa Giêsu Hài Đồng

 


LỒNG CHIM CỦA CHÚA GIÊSU HÀI ĐỒNG
(Điệu: Theo tiếng Sơn Ca)

1. Vì những kẻ lưu đày trên trần thế
Chúa Nhân Lành đã tạo nên chim
Để chúng sẽ líu lo
Hót lên lời cầu nguyện
Trong các thung lũng,
Trên những sườn đồi,

2. Những em bé vui tươi tinh nghịch
Chọn được những chú chim ưa thích
Đem nhốt chúng vào lồng
Chấn song sơn lòe loẹt.

3. Ôi Giêsu! Người Anh bé bỏng của chúng em
Vì chúng em mà Chúa rời Thiên Đàng tuyệt diệu
Nhưng Chúa biết rõ, chiếc lồng của Chúa
Ôi Hài Nhi thần thánh, chính là Cát Minh.

4. Lồng của chúng em không được thếp vàng
Nhưng chúng em vô cùng yêu quý
Những cánh rừng, hay bình nguyên xanh ngát
Chúng em sẽ chẳng bao giờ bay đến.

5. Giêsu ơi, những khóm cây của thế gian
Không thể làm chúng em hài lòng
Trong nơi cô tịch thẳm sâu
Chúng em chỉ vì một mình Người mà hát.

4. Bàn tay thơ bé của Người thu hút chúng em
Hài Nhi ơi, nét quyến rũ của Người tuyệt diệu!
Ôi Giêsu Thần Thiêng! Nụ cười của Chúa
Giam cầm những con chim bé bỏng!...

7. Nơi đây linh hồn đơn sơ và trong trắng
Tìm thấy đối tượng của tình yêu
Như chim bồ câu nhút nhát
Không còn sợ gặp phải diều hâu.

8. Trên đôi cánh của lời cầu nguyện
Người ta thấy bay lên con tim rực cháy
Như con chim chiền chiện nhẹ nhàng
Tung mình lên cao cất tiếng hót.

9. Ở đây người ta nghe tiếng hát líu lo
Của chim hồng tước, của sẻ khướu vui tươi
Ôi Giêsu bé nhỏ! trong chiếc lồng của chúng. (Mt 6,26)
Những con chim nhỏ hót líu lo tên Người.

10. Chú chim nhỏ lúc nào cũng ca hát
Cuộc đời nó có lo lắng gì đâu.
Một hạt kê đủ làm nó hài lòng
Nó đâu phải gieo trồng trên trần thế. (Tv 144,15-16)

11. Cũng như nó, khi ở trong lồng (Lc 10,42)
Chúng em nhận từ tay Người tất cả
Điều cần thiết duy nhất
Là yêu Người, ôi Hài Nhi Thiên Chúa.

12. Chúng em cũng hát mừng Người những lời chúc tụng
Hòa giọng cùng những thần trí thanh sạch chốn Thiên Cung
Và chúng em biết, hết thảy các thiên thần
Đều yêu mến những con chim ở Cát Minh.

13. Ôi Giêsu, để lau sạch những giọt nước mắt
Mà những người tội lỗi làm Chúa phải tuôn trào
Bầy chim hót nhắc lại những quyến rũ của Chúa
Lời chúng hát dịu dàng mang về cho Chúa các tâm hồn.

14. Một ngày kia tiếng Người gọi vọng tới
Tất cả bọn chim rời khỏi lồng chim
Rời khỏi chốn u sầu dương thế
Vỗ cánh bay về tận Thiên Cung.

15. Cùng với các thiên binh diễm lệ
Những thần sốt mến bé nhỏ vui tươi
Chúng con sẽ hát mừng Người trên Thiên Đàng
Ôi Chúa Hài Nhi Thiên Chúa.

***
- Chú thích:
NGÀY: Noël 1896 - SÁNG TÁC tặng Cộng đoàn vào buổi tối Giáng Sinh - ẤN BẢN: HA 98; có bốn câu được chữa lại - GIAI ĐIỆU: Theo tiếng Sơn Ca.

Một hình ảnh đẹp mang lại sự cất cánh cho "Noël của những chú chim", kéo hơi dài việc so sánh lồng chim với Cát Minh. Nhưng đối với một giải trí trong ngày đại lễ thì người ta có thể tự cho phép mình một vài phóng túng. Ở đây mỗi con chim đều hót theo cách ghi nhận riêng của nó: bồ câu, chiền chiện, hồng tước, sẻ, khướu. Như con chim trong Tin Mừng, “không gieo không gặt", người nữ tu Cát Minh nhận “tất cả từ tay” Chúa Giêsu: từ đó nảy sinh sự vui tươi và phó thác, và sự tận hiến cho "điều cần thiết duy nhất, yêu mến Cuối cùng, “tất cả các con chim" được giải phóng đều cùng “lấy đà bay lên trời", ở đó chúng tiếp tục tiếng hót chúc tụng của chúng.

Mười năm trước, một chiếc lồng chim đã làm vui "tầng mái nghèo hèn của Têrêxa". Tại Cát viện, những con chim tiếp tục làm tăng thêm những ước mơ của Chị; trong mùa hè 1896, cùng với Thủ Bản B. giá trị biểu trưng về chim mang một chiều kích mới, được ghi đấu cách tuyệt diệu bằng một sự hiệp nhất năng động, và ngay cả khi "bay lên không dựa vào khả năng riêng của mình”, như chú chim vừa ca hát vừa bay lượn thế nào, thì trái tim Chị cũng vậy ngay trong giông bão, tức là những thử thách về thể xác cũng như tâm hồn, Têrêxa vẫn không khước từ ca hát.

- Trích trong tác phẩm “Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu Và Thánh Nhan, quyển III: Thơ & Kịch Đạo Đức”. Bản dịch của Nôbertô Thái Văn Hiến, trang 186-189.

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2024

Tìm Chúa Hài Nhi

 


TÌM CHÚA HÀI NHI

Chúa sinh giữa chốn đồng hoang
Mà con tìm chỗ rộn ràng đèn hoa.
Con tìm, tìm mãi..., không ra!


Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 8: Không gì trong giới tự nhiên có thể trực tiếp giúp nên một với Thiên Chúa



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 8
KHÔNG GÌ TRONG GIỚI TỰ NHIÊN
CÓ THỂ TRỰC TIẾP GIÚP NÊN MỘT VỚI THIÊN CHÚA *

Chương này bàn tổng quát về việc không thụ tạo nào và cũng không nhận thức nào có thể là phương thế trực tiếp giúp nên một với Thiên Chúa.

1 - Trước khi bàn đến phương thế riêng và tương xứng giúp nên một với Thiên Chúa, tức là đức tin, thiết tưởng nên chứng minh rằng không một thụ tạo nào, không một tư tưởng nào có thể là phương thế thích hợp giúp trí hiểu nên một với Thiên Chúa. Hơn thế nữa, tất cả những gì trí hiểu có thể thâu đạt, nếu gắn bó vào nó thì thay vì nên phương tiện cho trí hiểu, nó sẽ thành chướng ngại. Trong chương này, chúng ta sẽ chứng minh tổng quát, sẽ nói riêng từng điểm, bàn xuống hết mọi nhận thức mà trí hiểu có thể tiếp nhận do bất cứ một giác quan nào, hoặc bên trong hoặc bên ngoài, cùng với những bất lợi và thiệt hại các nhận thức bên trong hoặc bên ngoài có thể gây cho nó nếu nó không gắn bó trực tiếp vào phương thế thích hợp là đức tin.

2 - Nên biết rằng theo một qui tắc triết học, tất cả mọi phương thế đều phải xứng hợp với mục đích, nghĩa là phải có một sự phù hợp và giống nhau nào đó với mục đích, đủ để đạt được mục đích người ta theo đuổi. Xin nêu một ví dụ: Muốn đi tới một thành phố, nhất thiết phải lên đường, là phương tiện dẫn tới thành phố ấy, nối kết ta với thành phố ấy. Một ví dụ khác: Muốn nối kết lửa với củi, cần dùng nhiệt lượng làm phương tiện, phải hun nóng củi tới một độ nóng nào đó để nó nên giống hệt và tương ứng được với lửa. Nếu không dùng phương thế xứng hợp là nhiệt lượng, mà lại dùng những phương thế khác không thích hợp, chẳng hạn như khí, nước hoặc đất... thì sẽ không thể nào củi nên một được với lửa. Cũng tựa như người ta chỉ có thể đi được tới một thành phố nếu biết đi qua con đường thích hợp nối kết với thành phố ấy. Do đó, để trí hiểu nên một được với Thiên Chúa trên cõi đời này, cần phải dùng phương thế nào nối kết được với Ngài và có được sự tương tự, giống với Ngài nhất.

3 - Về điểm này, phải lưu ý rằng giữa tất cả các thụ tạo, thượng đẳng cũng như hạ đẳng, không một thụ tạo nào có thể là phương thế gần gũi nối kết được với Thiên Chúa, hoặc có thể tương tự được với hữu thể Ngài. Mặc dù, theo lời các nhà thần học, mọi thụ tạo đều qui về Thiên Chúa cách nào đó và đều là dấu vết về Ngài nhiều hay ít tùy theo mức độ hoàn thiện của bản thể chúng, giữa Thiên Chúa và các thụ tạo ấy không có một sự tương ứng hay một sự giống nhau nào theo yếu tính. Ngược lại, giữa hữu thể Thiên Chúa và các thụ tạo ấy là một khoảng cách vô tận. Do đó trí hiểu không thể nào đạt đến Thiên Chúa nhờ phương tiện các thụ tạo, trên trời hay dưới đất, vì không có sự tương ứng hay giống nhau nào cả. Bởi đó, khi bàn về các thụ tạo trên trời, vua Đavít đã nói: "Không một thần linh nào sánh kịp Ngài, lạy Chúa" (Tv 85/86,8). Qua kiểu nói “thần linh”, tác giả muốn hiểu về các thiên thần và các linh hồn thánh thiện. Trong thánh vịnh 76/77,14, ông lại viết: "Lạy Thiên Chúa, đường lối Ngài quả là thánh thiện, có thần nào cao cả như Thiên Chúa?". Dường như ông muốn nói: Lạy Chúa, con đường để đến với Chúa là một con đường thánh, tức là con đường của đức tin tinh tuyền. Thật vậy, có Thiên Chúa nào khác cao cả đến thế? Tức là: có thiên thần nào có bản tính cao cả như Thiên Chúa, hay có vị thánh nào có vinh quang cao cả như Chúa đến độ có thể là con đường xứng hợp và đầy đủ giúp đạt đến Chúa? Cũng chính vua Đavít khi nhắc đến mọi vật cả trên trời dưới đất, còn nói: "Chúa tuy thật là cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn, kẻ tự mãn tự cao, từ xa Ngài đã biết" (Tv 137/138,6). Có nghĩa là: Thiên Chúa rất cao cả trong hữu thể Ngài, Ngài thấy mọi vật dưới đất này thật thấp kém so với bản tính siêu việt của Ngài, còn những điều trên cao, tức là các thụ tạo trên trời, thì Ngài thấy và biết chúng từ rất xa. Cho nên tất cả mọi thụ tạo đều không thể nào dùng làm phương thế xứng hợp cho trí hiểu để đạt tới Thiên Chúa.

4 - Cũng y như vậy, tất cả những gì trí tưởng tượng có thể bày ra và trí hiểu có thể tiếp nhận hoặc hiểu được trên đời này, đều không thể nào dùng làm phương tiện trực tiếp giúp nên một với Thiên Chúa. Cứ xét theo lẽ tự nhiên, trí hiểu không thể nào hiểu được một vật nếu nó không lọt vào dưới những dạng thức và hình ảnh do các giác quan thể chất đem lại; mà như đã nói, các vật này cũng không thể nào dùng làm phương thế dẫn đến sự nên một với Thiên Chúa; mà đã như thế cả trí tuệ tự nhiên của ta cũng bất lực. Còn nếu nói về trí hiểu siêu nhiên, theo khả năng có thể được ở đời này, thì phải biết rằng trí hiểu của ta bao lâu còn ở trong nhà tù thân xác thì không sẵn sàng cũng không có khả năng tiếp nhận một hiểu biết rạch ròi về Thiên Chúa, vì sự hiểu biết này không dành cho những người còn sống ở trần gian, phải chết đi mới nhận được, còn nếu không thì đành chịu thua. Vì thế, khi Môsê nài xin một sự hiểu biết rạch ròi kiểu ấy, Thiên Chúa đã trả lời rằng ông không thể thấy Ngài: "Người phàm không thể thấy Ta mà vẫn còn sống" (Xh 33,20). Thánh Gioan cũng nói: "Chưa bao giờ đã có ai thấy Thiên Chúa" (Ga 1,18) hoặc điều gì tương tự như Ngài. Thánh Phaolô (1Cr 2,9) cũng nhắc lại lời ngôn sứ Isaia (64,4): "Mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới". Vì thế, Môsê không dám lại nhìn bụi gai đang bốc cháy, nơi Thiên Chúa đang hiện diện (Cv 7,32); ông biết rõ rằng trí hiểu của ông không thể nào suy xét được về Thiên Chúa cho xứng hợp với những gì ông đã cảm nhận về Thiên Chúa. Sách cũng có chép rằng ngôn sứ Êlia, tổ phụ của chúng ta, khi ở trên núi đã che mặt lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa (1V 19,13). Ngài làm như vậy có nghĩa là ngài đặt trí hiểu vào tình trạng tăm tối, bởi vì không dám dùng một phương tiện thô hèn mà chạm đến một thực tại cao cả đến thế. Ngài thấy rất rõ rằng bất cứ điều gì ngài suy xét hoặc hiểu được cách đặc biệt, cũng đều rất xa vời và khác với Thiên Chúa.

5 - Như thế, không có một nhận thức hay một sự tiếp thu siêu nhiên nào ở đời này có thể dùng làm phương thế trực tiếp dẫn đến sự nên một tình yêu cao sâu với Thiên Chúa. Bởi vì, như đã nói, tất cả những gì trí hiểu có thể biết, những gì lòng muốn có thể nếm, những gì trí tưởng tượng có thể tạo ra, tất cả đều rất khác biệt và không xứng hợp với Thiên Chúa. Đó là điều ngôn sứ Isaia đã giúp ta hiểu tài tình trong lời sau đây: "Các ngươi cho Thiên Chúa giống tựa ai vậy? Các ngươi lấy gì tương tự để đem so với Ngài? (Có phải các ngươi lầm) như thợ đúc sắt đã đúc một pho tượng, thợ kim hoàn thì dát vàng và thợ rèn rèn những xà tích bạc?" (Is 40,18-19). Thợ đúc sắt ám chỉ trí hiểu, mà chức năng là tạo nên các ý niệm và gạn lọc chúng khỏi đống sắt của những hình ảnh biểu thị và hoang tưởng: Thợ kim hoàn ám chỉ lòng muốn, vốn có tài tiếp nhận đủ các loại vui thú được thứ vàng là tình yêu gây ra; thợ bạc ám chỉ dạ nhớ và trí tưởng tượng; cũng như thợ bạc không thể trình bày Thiên Chúa bằng những lá bạc, thì dạ nhớ và trí tưởng tượng cũng không thể diễn tả Thiên Chúa bằng những ghi nhận và hình ảnh biểu thị của chúng. Như thế có nghĩa là: Trí hiểu với những ý niệm của chúng không thể quan niệm nổi điều gì sánh được với những hoan lạc và dịu ngọt nơi Thiên Chúa; cả dạ nhớ cũng không thể đặt nổi vào trí tưởng tượng những ghi nhận và hình ảnh diễn tả được Ngài. Như vậy, rõ ràng là không một điều gì trong các ghi nhận ấy có thể là phương thế trực tiếp đưa dẫn đến với Thiên Chúa. Để lại gần Thiên Chúa, nên loại trừ các ánh sáng của trí hiểu hơn là tận dụng chúng; và để lại gần tia sáng thần linh hơn thì nên để mình mù lòa và đi trong tăm tối hơn là mở mắt.

6 - Đó là lý do khiến cho sự chiêm niệm (là phương thế giúp trí hiểu nhận được sự hiểu biết cao xa nhất về Thiên Chúa) được gọi là thần học nhiệm giao, tức là khoa học về sự khôn ngoan giấu kín của Thiên Chúa; thật vậy, sự khôn ngoan này được giấu kín ngay cả với trí hiểu đang tiếp nhận nó. Và vì thế, thánh Điônisiô gọi nó là tia tăm tối. Còn ngôn sứ Barúc thì nói về nó rằng: "Chẳng ai trong họ đã biết đường khôn ngoan, họ đã chẳng thấy những lối đi của nó" (Br 3,23). Vậy, muốn nên một với Thiên Chúa, nhất định trí hiểu phải chịu mù tối trong tất cả mọi nẻo đường mà nó có thể vươn tới. Ông Aristốt nói rằng: “Đôi mắt loài dơi phản ứng thế nào trước ánh sáng mặt trời, là thứ ánh sáng hoàn toàn khiến nó bị tối tăm, thì trí hiểu của chúng ta cũng như thế trước ánh sáng rất chói ngời nơi Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn là tăm tối đối với chúng ta”. Ông còn nói thêm rằng: “Những thực tại nơi Thiên Chúa càng cao cả và sáng chói thì đối với chúng ta lại càng xa lạ và tăm tối”. Thánh Tông đồ cũng quả quyết như vậy, khi nói rằng: "Chính những điều cao cả nơi Thiên Chúa, lại được loài người biết đến ít nhất" (x. 1Cr 2,8).

7 - Chúng ta sẽ không xong được đề tài này nếu cứ muốn nêu hết mọi chứng từ và lý lẽ có sức minh chứng rõ ràng rằng chẳng có một thụ tạo nào hoặc tư tưởng nào có thể dùng làm thang cho trí hiểu trèo lên tới vị Thiên Chúa cao cả ấy. Ngược lại, nên biết rằng nếu trí hiểu muốn sử dụng tất cả các vật thụ tạo, hoặc một số nào trong đó, làm phương thế gần gũi đưa đến sự nên một với Thiên Chúa, thì không những sẽ gặp trở ngại trên bước đường leo lên đỉnh núi ấy, mà còn có nguy cơ mắc phải nhiều sai lầm và cạm bẫy.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 7: Đường hẹp của trí hiểu (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 7
ĐƯỜNG HẸP CỦA TRÍ HIỂU * (tiếp theo)

8 - Vì thế tôi tha thiết nhắc nhủ những người theo đường tâm linh rằng con đường của Thiên Chúa không cốt ở chỗ có nhiều nhận xét, nhiều phương thế, nhiều cách thức, nhiều thú vị (mặc dù những điều ấy có phần cần thiết cho những người mới khởi sự) nhưng chỉ cốt ở một điểm cần thiết duy nhất là biết thực sự bỏ mình cả bên ngoài và bên trong, tập chịu đau khổ vì Đức Kitô và tự hủy mình trong hết mọi sự. Tập được điều ấy thì tất cả những gì đã nói và cả nhiều điều khác nữa sẽ thành tựu vì tất cả đều gói ghém trong điều ấy. Còn nếu không chịu tập điều ấy, vì nó là tóm tắt và là cội rễ mọi nhân đức, thì tất cả những cách thức khác đều chỉ là vá víu, không tiến được, cho dù có đạt được những nhận thức và ơn thông hiệp cao siêu như các thiên thần đi nữa cũng không nghĩa lý gì. Bởi lẽ, chỉ có được sự tiến bộ nếu bắt chước Đức Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6). Như Ngài đã nói trong Tin Mừng Gioan, không ai đến được với Cha nếu không qua Ngài. Nơi khác Ngài còn nói: "Ta là cửa, ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu" (Ga 10,9). Do đó, tâm hồn nào chỉ tìm kiếm sự dịu ngọt và dễ dãi, không chịu bắt chước Đức Kitô thì tôi không cho là tốt.

9 - Tôi đã nói Đức Kitô là đường, và đường này là chết đi cho bản tính tự nhiên của ta, cả về mặt cảm giác lẫn về mặt tâm linh. Tôi xin giải thích thêm về điều ấy, dựa vào gương Đức Kitô, vì Ngài quả là gương mẫu và là ánh sáng cho ta.

10 - Về điểm thứ nhất, chắc chắn Ngài đã chết cho giác quan, suốt đời Ngài đã chết như thế về mặt tâm linh và vào lúc chết Ngài đã thực hiện điều ấy theo quy luật tự nhiên. Thật vậy, theo cách nói của Ngài thì khi sống Ngài đã không có nơi dựa đầu, và khi chết tình trạng còn bi đát hơn nữa (Mt 8,20).

11 - Về điểm thứ hai, chắc chắn là chính vào lúc Ngài chết, Ngài đã rơi vào tình trạng bị hủy ra không trong linh hồn, chẳng một chút an ủi hoặc xoa dịu nào. Chúa Cha bỏ mặc Ngài trong sự sầu muộn cực độ, đến nỗi không thể cầm lòng, Ngài đã thốt lên trên thập giá: "Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi! Tại sao Chúa lại bỏ tôi?" (Mt 27,46). Đó là sự bỏ rơi lớn nhất, chấn động nhất Ngài phải chịu trong cuộc đời. Nhưng đó cũng chính là lúc Ngài thực hiện công cuộc lớn nhất đời Ngài, công cuộc vượt trên mọi điềm thiêng và dấu lạ Ngài đã làm trên trời dưới đất. Công cuộc ấy là giao hòa nhân loại với Thiên Chúa, làm cho họ được hiệp nhất với Thiên Chúa bằng ơn thánh. Công cuộc ấy được hoàn thành vào thời, vào lúc mà Ngài hoàn toàn bị hủy ra không về danh dự trước mặt con người, vì khi thấy Ngài, họ đã nhạo báng Ngài, chẳng còn nể trọng chút nào. Ngài đã hủy mình ra không về bản tính tự nhiên, vì chính khi chết Ngài đã tự hủy mình trong bản tính ấy. Ngài bị hủy ra không trước mặt Cha Ngài, là Đấng thay vì bênh vực và an ủi tâm linh, đã để mặc Ngài bị bỏ rơi, ngõ hầu đang khi bị hủy diệt và dường như bị dồn vào chỗ hư không như thế, Ngài trả nợ thay nhân thế và nối kết con người lại với Thiên Chúa. Bởi đó, vua Đavít đã nói về Ngài: "Con quả đã ngu si chẳng hiểu, trước mặt Ngài như thú vật nào hơn" (Tv 72/73,22). Chính là để những người thực sự theo đường tâm linh hiểu rõ mầu nhiệm về cửa hẹp và đường chật của Đức Kitô, mà nên một cùng Thiên Chúa. Đồng thời cũng là để họ biết rằng họ càng tự hủy vì yêu mến Thiên Chúa, trong cả hai phần cảm giác và tâm linh, càng được nên một với Thiên Chúa hơn và công trình họ thực hiện được càng lớn hơn. Hơn nữa, khi nào họ đạt đến mức ấy, tức là bị hủy ra không, được ở trong sự khiêm nhượng tột cùng, linh hồn họ sẽ hoàn thành cuộc nên một tâm linh với Thiên Chúa. Đó là một tình trạng vinh hiển nhất và cao vời nhất, người ta có thể đạt được ở đời này. Nó không cốt ở những hoan lạc, những thú vị, những tình cảm tâm linh, nhưng chỉ hệ tại ở một cái chết mãnh liệt trên thập giá, cả về mặt cảm giác và tâm linh, tức là cả bên ngoài và bên trong.

12 - Tôi không muốn nói dài hơn nữa về đề tài này, mặc dù trong thâm tâm vẫn ao ước được tiếp tục, vì thấy cả những người tự cho là bạn của Đức Kitô cũng biết về Ngài quá ít. Thật vậy, dường như họ đến với Chúa là để tìm nơi Ngài những dịu ngọt và ủi an cho chính họ, nghĩa là họ quá yêu mình. Họ không tìm kiếm những cay đắng và những sự tự hủy của Ngài, là sự tìm kiếm đánh dấu tình yêu của họ đối với Ngài. Tôi nói những điều này với những người tự cho mình là bạn hữu Chúa. Còn những kẻ sống xa Chúa, tách lìa khỏi Ngài, tức là những người làm lớn, những nhà thông thái, những kẻ quyền thế và những người khác đang sống ở thế gian, đang lo tìm kiếm thỏa mãn những tham vọng và những ảo ảnh lớn lao về chính họ, chúng ta có thể nói rằng họ không biết Đức Kitô: kết cục của họ dù có vẻ tốt đẹp đến đâu cũng thật cay đắng. Những dòng này không dành cho họ; cứ chờ đến ngày phán xét sẽ nói sau. Bởi vì, lẽ ra chính họ là những người trước hết phải được nói cho biết những lời này của Thiên Chúa, vì họ có học và ở một địa vị cao.

13 - Giờ đây, chúng tôi xin nói với những người theo đường tâm linh, đặc biệt là những người Thiên Chúa đã thương nhắc lên bậc chiêm niệm (như tôi đã nói, giờ đây tôi đặc biệt ngỏ lời với những người ấy), và chúng tôi sẽ nói rõ làm sao người ta có thể vươn thẳng tới Thiên Chúa nhờ đức tin, và tự thanh luyện khỏi những điều trái nghịch, tự thu hẹp mình để vào được trong nẻo đường hẹp của ơn chiêm niệm tăm tối.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 7: Đường hẹp của trí hiểu



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 7
ĐƯỜNG HẸP CỦA TRÍ HIỂU *

Chương này cho thấy nẻo đường dẫn đến sự sống đời đời hẹp như thế nào, và những ai muốn đi qua đó phải trở nên trần trụi và tự lột bỏ các chướng ngại ra sao.

Bắt đầu nói về sự trần trụi của trí hiểu.

1 - Để bàn về sự trần trụi và tinh ròng của ba quan năng linh hồn, lẽ ra cần phải có một ai khác giàu kiến thức và đời sống tâm linh hơn tôi mới có thể giúp những người theo đường tâm linh hiểu được con đường Đấng Cứu Thế đã nói, tức là con đường dẫn đến sự sống, hẹp đến mức nào; để rồi nhờ xác tín ấy, họ không còn bỡ ngỡ về sự trống rỗng và trần trụi mà trong đêm tối ấy, các quan năng linh hồn sẽ phải rơi vào.

2- Vì thế cần chú ý ghi nhận những lời Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã nói trong Tin Mừng Mátthêu (Mt 7,14): "Chật biết mấy khung cửa và hẹp biết mấy con đường dẫn đến sự sống, và ít biết mấy những kẻ tìm thấy nó". Trong câu này, ta cần ghi nhận giọng tán thán và nhấn mạnh trong kiểu nói “biết mấy”. Phải hiểu là Ngài muốn nói rằng: Quả thật nó rất hẹp, hẹp hơn các con tưởng nhiều.

Cũng cần phải lưu ý rằng Chúa đã nói đến cửa hẹp trước tiên là để giúp ta hiểu rằng nếu linh hồn muốn vào qua cửa ấy là Đức Kitô, ở ngay khởi điểm của con đường, trước hết nó phải tự co rút lại và lột bỏ khỏi lòng muốn mọi điều khả giác mau qua mà yêu mến Thiên Chúa trên hết tất cả mọi sự ấy, đó là chuyện của đêm giác quan mà chúng ta đã nói rồi.

3 - Tiếp đến, khi nói con đường hẹp - tức đường hoàn thiện - Chúa muốn ta hiểu rằng ai muốn theo con đường này thì không những phải vào bằng cửa hẹp bằng cách lột bỏ những gì là khả giác mà còn phải giũ bỏ cả những thứ thuộc tâm linh.

Như thế, ở đây chúng ta có thể nối kết cửa hẹp với những gì nơi chúng ta thuộc khả giác và đường chật với những gì nơi chúng ta thuộc tâm linh và lý trí. Chúa Kitô còn nói rằng có ít người tìm được cửa hẹp này. Chúng ta hãy ghi nhận lý do tại sao. Chính là vì có ít người biết và muốn đi vào sự trần trụi triệt để và sự trống rỗng tâm linh. Và quả thật, con đường dẫn tới đỉnh cao hoàn thiện cheo leo và chật hẹp đòi hỏi khách bộ hành không được mang vác bất cứ thứ gì gây nặng nề cho phần hạ đẳng và bất cứ thứ gì gây rắc rối cho phần thượng đẳng. Để tìm kiếm và đạt tới chính Thiên Chúa ta chỉ được tìm kiếm và đạt cho tới một mình Thiên Chúa mà thôi.

4 - Do đó, rõ ràng linh hồn không những phải được bước đi tự do, không bị ràng buộc gì với tất cả những điều thuộc phần các thụ tạo, mà còn phải được bước đi tự do, bị tước lột và bị hủy ra không cả về phần tâm linh. Vì thế, trong khi dạy dỗ và dẫn dắt ta vào con đường này, Chúa chúng ta có nói trong Tin Mừng Marcô. Đây là một giáo lý rất đáng ngưỡng mộ, tuy nhiên dường như những người theo đường tâm linh lại thực hiện ít hơn mức độ họ cần thực hiện. Đây cũng là một giáo lý rất phù hợp với đề tài của chúng ta, nên tôi xin nhắc lại đây trọn vẹn và nêu lên cả ý nghĩa thật và ý nghĩa tâm linh của nó. Đó là điều Chúa phán như sau: "Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Thật vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu mạng sống ấy" (Mc 8,34-35).

5 - Ôi, ai sẽ có thể giúp người ta hiểu, thực hành và nếm cảm lời khuyên Đấng Cứu Chuộc dạy phải bỏ mình, để những người theo đường tâm linh hiểu rằng cách xử sự họ cần theo trên con đường này khác hẳn cách xử sự nhiều người trong họ vẫn tưởng. Có những người tưởng rằng chỉ cần lắng lòng đôi chút và cải tổ đời sống qua loa là đủ. Có những người khác hài lòng với một vài việc tập luyện nhân đức, kiên trì nguyện ngắm và lo hy sinh hãm mình, nhưng họ lại không đạt được điều Chúa khuyên dạy là sự trần trụi, nghèo khó, từ bỏ và sự tinh sạch tâm linh, tất cả chỉ là một. Chỉ vì họ vẫn còn tìm cách lo cho mặt tự nhiên của họ được no thỏa và tô điểm bằng những lời an ủi và những tình cảm tâm linh, thay vì bắt nó phải trần trụi và chối bỏ mọi sự vì Thiên Chúa. Họ tưởng chỉ cần bắt nó từ bỏ những chuyện thế gian là đủ, chứ không cần hủy diệt nó và thanh tẩy nó về chuyện điều tốt về mặt tâm linh. Do đó mà, hễ thoáng thấy phải đương đầu với điều gì cứng cáp và hoàn thiện, hoàn toàn vắng bóng sự dịu ngọt của Thiên Chúa, phải khô khan, chán ngán và lao nhọc (nói tắt là những gì làm nên thánh giá tâm linh thuần túy và sự trần trụi của tinh thần nghèo khó theo Đức Kitô), họ liền tránh xa như tránh cái chết. Họ chỉ tìm những cái dịu ngọt và những tương giao êm ái nơi Chúa; và như thế, thì còn gì là bỏ mình, là trần trụi tâm linh, chỉ còn là tật tham ăn tâm linh. Như thế là họ tự biến mình thành thù địch của thập giá Đức Kitô (Pl 3,18) về mặt tâm linh. Thật vậy, vì một tâm linh đích thực thì tìm kiếm nơi Thiên Chúa điều nhạt nhẽo hơn là điều dịu ngọt; nghiêng về chịu đau khổ hơn là được an ủi; bị thiếu thốn mọi sự vì Thiên Chúa hơn là chiếm hữu; và chịu khô khan sầu muộn hơn là hưởng những tương giao êm ái, vì biết rằng có thế mới là theo Chúa Kitô và bỏ mình, còn nếu làm khác đi thì chỉ là tìm chính mình trong Thiên Chúa, là điều trái ngược hẳn với tình yêu. Tìm kiếm chính mình trong Thiên Chúa là tìm kiếm những vui thích và hoan lạc về Thiên Chúa, còn ngược lại, tìm kiếm Thiên Chúa trong mình, không những là muốn bị thiếu hụt điều này điều nọ vì Thiên Chúa, nhưng còn là vì Đức Kitô mà chọn tất cả những gì là nhạt nhẽo hơn, cả trong sự hưởng nếm Thiên Chúa và sự hưởng nếm thế gian, và như thế mới thật là yêu mến Thiên Chúa.

6 - Ôi, ai sẽ có thể làm cho mọi người hiểu Thiên Chúa muốn họ từ bỏ đến mức nào. Chắc hẳn phải từ bỏ đến độ như thể là chết đi; như thể là tự hủy mình đi ở đời này, cả về mặt tự nhiên và về mặt tâm linh, trong hết mọi sự, trong tất cả những gì mà lòng muốn quý chuộng. Có thể nói là thật sự từ bỏ tất cả. Đó chính là điều Đấng Cứu Chuộc ta nhắm đến ở đây khi nói: "Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất". Có nghĩa là, ai muốn sở hữu hoặc săn đuổi cho mình một điều gì đó, thì sẽ mất nó. Còn câu: "Ai đành mất mạng sống mình vì Ta, sẽ giữ được nó" có nghĩa là: Ai vì Đức Kitô mà từ bỏ tất cả những gì lòng muốn mình có thể ao ước hoặc nếm hưởng, và chọn những gì giống với thánh giá hơn, thì lại đạt được (Trong Tin Mừng Ga 12,25, chính Chúa gọi sự “nên giống thánh giá” là “gớm ghét mạng sống mình”).

Đó cũng là điều Chúa uy linh đã dạy cho hai người môn đệ đến xin ngồi bên phải và bên trái Ngài (Mt 20,20-23). Ngài không đả động gì đến ý nguyện muốn được vinh quang của họ, nhưng lại chỉ cho họ chén mà Ngài phải uống, như là điều ở trên đời này, còn quý giá và chắc chắn hơn sự hưởng thụ.

7 - Chén đắng ấy là chết đi cho tính tự nhiên, lột sạch nó và hủy diệt nó, để nó có thể bước trên con đường hẹp này trong tất cả những gì có thể thuộc về nó cả về mặt giác quan (như chúng tôi đã nói) cả về mặt linh hồn (như chúng tôi sắp nói đây) tức là trong cả trí hiểu, trong sự hưởng nếm và trong cảm quan của nó. Không những tính tự nhiên ấy bị tước lột cả hai mặt, mà hơn nữa, xét về mặt thứ hai là mặt tâm linh, nó không còn bị vướng mắc khi tiến bước trên con đường hẹp này. Bởi lẽ, như Đấng Cứu Thế muốn nói, trên con đường này không có gì khác ngoài sự từ bỏ và thập giá là cây gậy để chống mà đi, và với cây gậy này, sẽ bước đi dễ và nhẹ hơn nhiều. Do đó, cái ách và cái gánh Chúa nói trong Tin Mừng Mt 11,30, là nói về thập giá. Thật vậy, nếu người nào đã quyết hạ mình vác thập giá ấy, tức là đã thật sự muốn tìm và chịu lao nhọc trong hết mọi sự vì Chúa, thì sẽ gặp được ở đó một sự nhẹ nhàng và êm ái lớn lao để bước đi trên con đường này, vì đã hết sức trần trụi và không còn ước ao gì. Còn người nào đòi phải có được một chút gì đó, muốn chiếm giữ một chút gì đó hoặc về Thiên Chúa hoặc về điều gì khác, thì không còn trần trụi và cũng không phải là đã chối bỏ tất cả, và như vậy, sẽ không vững bước cũng không thể trèo cao trên nẻo đường hẹp này.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 6: Ba nhân đức hướng thần và ba quan năng



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 6
BA NHÂN ĐỨC HƯỚNG THẦN VÀ BA QUAN NĂNG *

Chương này bàn về cách ba nhân đức hướng thần phải làm cho ba quan năng của linh hồn nên hoàn thiện và về cách các nhân đức ấy khiến chúng thành trống rỗng và tăm tối.

1 - Ở đây, chúng ta sẽ bàn về cách đưa dẫn ba quan năng của linh hồn là trí hiểu, dạ nhớ và lòng muốn, vào đêm tối tâm linh, là phương thế giúp đạt đến sự nên một với Thiên Chúa. Chúng ta đã biết ba nhân đức hướng thần tin, cậy, mến được quy về ba quan năng ấy, được coi là đối tượng siêu nhiên riêng của chúng và là phương thế để linh hồn có thể nên một với Thiên Chúa theo các quan năng mình. Truớc hết cần nêu rõ làm sao ba nhân đức hướng thần tin, cậy và mến, mỗi nhân đức đều tạo nên cùng một sự tăm tối và trống rỗng như nhau trong quan năng tương ứng: đức tin trong trí hiểu, đức cậy trong dạ nhớ và đức mến trong lòng muốn. Tiếp theo chúng ta sẽ bàn xem phải làm thế nào để trí hiểu được hoàn thiện nơi sự tăm tối do đức tin; để dạ nhớ được hoàn thiện nhờ sự trống rỗng do đức cậy; và để lòng muốn được hoàn thiện nhờ sự tuớc đoạt và lột bỏ mọi tình cảm mà đến cùng Thiên Chúa. Nắm được điều đó rồi, ta sẽ thấy rõ rằng nếu linh hồn muốn bước đi vững chắc trên con đường tâm linh, thì cần kíp phải đi qua đêm dày, nương theo ba nhân đức ấy, là những nhân đức khiến linh hồn trống rỗng về hết mọi sự và khiến linh hồn thành tăm tối, như thể không còn nhìn thấy mọi sự ấy nữa. Như đã nói, ở đời này, linh hồn không thể nên một với Thiên Chúa qua trí hiểu, qua sự vui thỏa, sự tưởng tượng hay một giác quan nào khác, nhưng phải bằng đức tin nếu xét theo trí hiểu, bằng đức cậy nếu xét theo dạ nhớ và bằng tình yêu mến nếu xét theo lòng muốn.

2 - Như đã nói, tất cả ba nhân đức ấy đều gây nên một sự trống rỗng trong các quan năng: đức tin gây nên sự trống rỗng trong trí hiểu, khiến nó bị tăm tối về mặt hiểu biết: đức cậy gây nên trong dạ nhớ một sự trống rỗng, loại trừ hết mọi chiếm hữu: và đức mến gây nên sự trống rỗng trong lòng muốn, lột bỏ hết mọi sự trìu mến và mọi sự vui hưởng những gì không phải là Thiên Chúa.

Thật vậy, chúng ta biết rằng đức tin dạy chúng ta điều mà trí hiểu không sao tiếp thu nổi. Trong thư gửi tín hữu Hipri, thánh Phaolô có nói: "Đức tin là một cách thế cho ta nắm được những điều ta hy vọng, là một phương thức cho ta biết những điều ta không xem thấy" (Hr 11,1). Mặc dù trí hiểu tán đồng những điều ấy cách mạnh mẽ và chắc chắn, nhưng đó không phải là những điều trí hiểu có thể tự khám phá được; vì nếu trí hiểu có thể tự khám phá ra thì không còn là đức tin nữa. Thật vậy, đức tin có làm cho trí hiểu được chắc chắn, nhưng không làm cho nó được sáng rõ mà ngược lại, còn khiến nó thêm tăm tối.

3 - Đức cậy cũng đặt dạ nhớ vào trong một sự trống rỗng và tăm tối về mọi việc đời này cũng như đời sau. Bởi lẽ, hy vọng bao giờ cũng là hy vọng điều chưa chiếm hữu được; vì nếu đã chiếm hữu được rồi thì đâu còn hy vọng nữa. Bởi đó mà trong thư gửi giáo đoàn Rôma thánh Phaolô có nói: "Thấy được điều mình trông mong thì không còn là trông mong nữa; vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi" (Rm 8,24). Nhu thế, nhân đức này cũng tạo nên sự trống rỗng, vì nó liên quan đến những điều người ta chua có chứ không phải những điều đã có rồi.

4 - Cũng thế, đức ái gây nên nơi lòng muốn một sự trống rỗng về mọi thứ, bởi lẽ nó buộc ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Điều này chỉ có thể xảy ra khi nào gạt bỏ được hết lòng trìu mến đối với mọi sự để chỉ hoàn toàn trìu mến Thiên Chúa mà thôi. Chính vì thế, trong Tin Mừng, Chúa Kitô nói: "Ai không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ Ta được" (Lc 14,33). Tức là phải từ bỏ những gì mình muốn có. Nhu thế, cả ba nhân đức ấy đều đặt linh hồn vào trong sự trống rỗng và tăm tối đối với hết mọi sự.

5 - Cũng nên nhắc lại đây dụ ngôn Đấng Cứu Thế đã dạy trong Tin Mừng Luca (Lc 11,5) về nguời bạn giữa lúc nửa đêm phải đi xin bạn mình ba chiếc bánh; ngụ ý nói về ba nhân đức trên đây. Ngài nói nguời ấy xin bánh vào lúc nửa đêm, là để ta hiểu rằng linh hồn phải để cho các quan năng của mình bị chìm trong tăm tối đối với hết mọi sự, mới chiếm được ba nhân đức ấy, và phải tận dụng đêm tối đó để nên hoàn thiện trong ba nhân đức ấy.

Trong sách Isaia (Is 6,2) ta cũng đọc thấy ngôn sứ nhìn thấy bên cạnh ngai Thiên Chúa có hai vị thiên thần sốt mến mà mỗi vị đều có sáu cánh: Hai cánh phủ chân là có ý nói phải làm cho mù tối và loại trừ hết những trìu mến mà lòng muốn có đối với mọi sự, để quy hướng về Thiên Chúa; hai cánh che mặt, ngụ ý nói đến sự tăm tối của trí hiểu truớc mặt Thiên Chúa; hai cánh còn lại để bay, ngụ ý nói về đà bay của đức cậy, hướng đến những điều tốt không chiếm hữu được, vì đức cậy vượt lên trên tất cả những gì có thể chiếm hữu được ngoài Thiên Chúa, hoặc ở đời này hoặc ở đời sau.

6 - Vậy phải quy ba quan năng của linh hồn vào ba nhân đức ấy, định hướng cho mỗi quan năng bằng một nhân đức tương ứng; phải lột trần mỗi quan năng, buộc nó phải ở trong tăm tối về tất cả những gì sẽ không phải là ba nhân đức ấy. Đó là đêm tâm linh mà chúng tôi gọi là đêm chủ ý, theo nghĩa là linh hồn làm tất cả những gì có thể làm được về phía nó để tiến vào đêm ấy. Trước đây, khi bàn về đêm giác quan, chúng tôi đã chỉ dẫn phương cách để giải tỏa (làm trống rỗng) các quan năng giác quan khỏi những đối tượng khả giác gây mê thích, để linh hồn ra khỏi những giới hạn tự nhiên của nó và đi vào con đường đức tin. Cũng vậy, trong đêm tối tâm linh này, với ơn Chúa giúp, chúng tôi sẽ chỉ phương cách để giải tỏa và thanh tẩy các quan năng tâm linh khỏi tất cả những gì không phải là Thiên Chúa, ngõ hầu chúng được chìm trong sự tăm tối của ba nhân đức ấy là phương thế và điều kiện thuận lợi giúp linh hồn được nên một cùng Thiên Chúa.

7 - Bằng cách ấy linh hồn sẽ được hoàn toàn vững chắc trước các mưu chước lừa gạt của ma quỷ, cũng như trước mãnh lực của tính tự ái và các con đẻ của nó. Các mưu chước ấy vẫn thường lừa gạt cách tinh tế và ngăn cản bước tiến của những người theo đường tâm linh, chỉ vì họ không biết tự trút bỏ để làm chủ lấy mình dựa theo ba nhân đức ấy. Do đó, họ chẳng bao giờ đạt được thực chất và cốt tủy của ơn lành tâm linh, và không tiến bước được trên con đường thẳng và ngắn mà lẽ ra họ đã có thể làm được.

8 - Xin các bạn độc giả chú ý, bây giờ tôi sẽ đặc biệt nói với những người đã bắt đầu tiến vào bậc chiêm niệm. Còn đối với những người khởi sự bước vào đường tâm linh, sẽ phải được mổ xẻ vấn đề này rộng rãi hơn, như chúng tôi sẽ thực hiện trong cuốn thứ hai (tức là cuốn Đêm Dày) khi chúng tôi bàn về những điều kiện thuận lợi cho những người mới khởi sự...

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 5: Bản chất sự nên một

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 5
BẢN CHẤT SỰ NÊN MỘT *

Chương này dùng lối so sánh để giải thích rõ về bản chất sự nên một giữa linh hồn và Thiên Chúa.

1 - Qua những gì đã trình bày trước đây, hẳn bạn đọc đã hiểu được đôi phần điều chúng tôi muốn hiểu qua cách nói “sự nên một giữa linh hồn với Thiên Chúa”, và nhờ đó bạn sẽ hiểu dễ hơn về những gì chúng tôi sắp nói về việc ấy. Lúc này chúng tôi không có ý bàn về những cách phân chia cũng như từng phần của vấn đề, bởi vì nếu không thì sẽ chẳng bao giờ kết thúc được với những chuyện thế nào là sự nên một theo trí hiểu, theo lòng muốn cũng như theo dạ nhớ, thế nào là sự nên một mau qua và sự nên một bền bỉ theo mỗi quan năng vừa nói, và sau cùng, thế nào là sự nên một mau qua và sự nên một bền bỉ theo cả ba quan năng ấy cùng một lúc. Những chuyện ấy chúng tôi sẽ bàn rải rác trong tập này, khi thì vấn đề nọ, khi thì vấn đề kia. Vả lại đó không phải là những chuyện cần nói ngay mới hiểu được những gì chúng tôi sắp trình bày ở đây. Tốt hơn, sẽ giải thích mỗi vấn đề khi đến lúc của nó, khi đang bàn đến chính những nội dung của từng vấn đề, ta sẽ có ngay trước mắt những ví dụ sống động gắn liền với nó. Lúc ấy người ta sẽ dễ chú ý, dễ hiểu rõ từng vấn đề hơn và sẽ phê phán đúng hơn.

2 - Ở đây tôi chỉ xin bàn về sự nên một toàn diện và bền bỉ mà theo bản thể của linh hồn và theo các quan năng của nó ở tình trạng những thói quen thường xuyên bám lấy sự nên một trong tăm tối; còn ở tình trạng đã lộ hiện, thì với ơn Chúa giúp chúng tôi sẽ nói sau và sẽ cho thấy làm sao ở đời này chúng ta không thể có được sự nên một bền bỉ theo các quan năng mà chỉ có được sự nên một mau qua.

3 - Vậy, để hiểu được bản chất sự nên một đang bàn đây, cần biết rằng nơi hết mọi linh hồn, kể cả linh hồn của người tội lỗi nhất trên thế giới, Thiên Chúa vẫn cư ngụ trong đó và nâng đỡ nó theo bản thể. Đó là cách nên một luôn có giữa Thiên Chúa và thụ tạo, nhờ đó Ngài gìn giữ cho chúng được tồn tại; đến nỗi, nếu thiếu sự nên một ấy của Ngài, chúng sẽ lập tức bị hủy diệt và không tồn tại nữa. Như thế, khi nói đến sự nên một giữa linh hồn với Thiên Chúa, chúng ta không có ý nói về sự nên một theo bản thể kiểu đó, là chuyện lúc nào cũng có, nhưng là nói đến sự nên một tạo biến đổi, biến linh hồn nên Thiên Chúa, là điều không phải lúc nào cũng có nhưng chỉ xảy ra khi linh hồn được nên giống Thiên Chúa nhờ tình yêu. Chính vì thế ta gọi đây là sự nên một do giống nhau, trong khi sự nên một kia là do yếu tính hoặc do bản thể. Sự nên một kia là theo tự nhiên, còn đây là sự nên một siêu nhiên, một điều chỉ có được khi nào ý muốn của linh hồn và ý muốn của Thiên Chúa, hòa hợp nên một với nhau. Không còn một điều gì trái ngược, không hòa hợp với ý Thiên Chúa, linh hồn sẽ được biến đổi biến nên Thiên Chúa nhờ tình yêu.

4 - Không những dứt bỏ những điều trái ngược đã lộ hiện, linh hồn còn dứt bỏ cả những điều còn ở trong tình trạng một xu hướng hay thói quen; không những phải tẩy trừ những hành vi bất toàn hữu ý mà cả những thói quen về bất cứ một điều bất toàn nào cũng phải diệt trừ. Bởi lẽ mọi thụ tạo cũng như mọi hoạt động và tài khéo của thụ tạo đều không phù hợp với bản tính Thiên Chúa và không vươn được tới đó. Vì thế, linh hồn phải tự lột bỏ hết tất cả những gì là thụ tạo cũng như các hoạt động và tài khéo của nó, có nghĩa là từ khả năng hiểu biết đến nếm hay cảm đều phải lột bỏ hết để loại trừ hết tất cả những gì khác biệt và không hòa hợp với Thiên Chúa, và nhờ đó, có thể mặc lấy sự tương đồng với Thiên Chúa. Cần phải lột bỏ hết, để chẳng còn chút gì nơi linh hồn không phải là ý Thiên Chúa và nhờ đó nó được biến đổi nên Thiên Chúa. Như thế, mặc dầu Thiên Chúa luôn hiện diện trong linh hồn để ban phát và bảo tồn sự hiện hữu tự nhiên cho nó, không phải lúc nào Ngài cũng thông ban cho nó sự hiện hữu siêu nhiên. Điều này vốn chỉ được thông ban nhờ tình yêu và ơn thánh, tuy nhiên không phải mọi linh hồn đều ở trong tình yêu và ơn thánh. Còn những linh hồn có tình yêu và ơn thánh thì đâu phải ở cùng mức độ như nhau. Mỗi linh hồn ở một mức độ tình yêu hơn kém khác nhau. Do đó, linh hồn nào càng tiến xa trong tình yêu, cũng như linh hồn nào càng hòa hợp ý mình với ý Thiên Chúa, Thiên Chúa càng tự ban mình cho nó nhiều hơn. Linh hồn nào có được ý muốn hòa hợp và tương đồng toàn diện thì được nên một toàn diện và biến đổi nên Thiên Chúa cách siêu nhiên. Vì lẽ đó, như đã giải thích, linh hồn nào càng khoác trên mình nhiều thụ tạo và những tài khéo riêng, hoặc do quyến luyến hoặc do thói quen, càng ít có điều kiện để được để được nên một như thế, vì nó không dành chỗ cho Thiên Chúa trọn vẹn để Ngài biến đổi nó sang siêu nhiên. Cho nên, linh hồn cần tự cởi bỏ những điều trái ngược và khác biệt tự nhiên ấy đi, để Thiên Chúa, Đấng đang ban mình cho nó cách tự nhiên, cũng sẽ ban mình cho nó cách siêu nhiên nhờ ơn thánh.

5 - Đó là điều thánh Gioan đã muốn giúp ta hiểu khi ngài nói: "Họ không do máu huyết mà sinh ra, cũng không phải do ý của xác thịt, cũng không phải do ý của nam nhân, nhưng chính do bởi Thiên Chúa mà được sinh ra" (Ga 1,13). Hình như ngài muốn nói: Thiên Chúa ban quyền trở nên con cái Ngài (tức là quyền biến đổi nên Thiên Chúa) chỉ riêng cho những ai không sinh bởi máu huyết, tức là bởi sự nên một thể chất tự nhiên, hoặc bởi ý muốn của xác thịt, tức là bởi sự tự do tùy hứng theo tài khéo hoặc khả năng tự nhiên, cũng không phải do ý muốn của nam nhân (điều này bao gồm mọi dạng, mọi cách xét đoán và suy luận dựa trên trí hiểu). Ngài không ban cho bất cứ ai trong những người vừa nói được quyền nên con cái Thiên Chúa, nhưng chỉ ban cho những ai sinh bởi Thiên Chúa. Tức là Ngài chỉ ban cho những ai đã chết đi đối với tất cả những gì là con người cũ và đã tái sinh nhờ ân sủng để vươn mình lên tới siêu nhiên, và nhận lấy nơi Thiên Chúa ơn tái sinh và ơn làm con, vượt hẳn mọi điều người ta có thể tưởng nghĩ. Bởi lẽ như chính thánh Gioan cũng có nói: "Ai không sinh lại bởi nước và Thánh Thần thì không thể vào được Nước Thiên Chúa" (Ga 3,5). Được tái sinh nhờ ơn Thánh Thần tức là có một linh hồn giống với Thiên Chúa trong sự thanh khiết, không pha trộn một chút bất hảo nào; và nhờ đó mà có thể được biến đổi cách tinh ròng, được nên một với Thiên Chúa mà dự phần vào bản tính Ngài, mặc dù chưa phải là một sự nên một theo yếu tính.

6 - Để hiểu rõ hơn, bạn hãy hình dung một tia sáng mặt trời đang đập vào cửa kính. Nếu cửa kính bị phủ đầy một lớp tì vết hoặc hơi nước dày đặc, tia sáng sẽ không thể nào khiến nó rực sáng và hoàn toàn chuyển hóa thành ánh sáng, như trong trường hợp nó tinh tuyền và sạch hẳn các tì vết ấy. Nó càng lắm sương mù và tì vết, ánh sáng càng ít khiến nó được rực rỡ; ngược lại, nó càng tinh sạch, ánh sáng càng làm nó chói chang. Không phải do tia sáng nhưng là do tấm kính. Nếu nó hoàn toàn tinh sạch và trong suốt, tia sáng sẽ giúp nó trở nên rực rỡ và biến đổi đến độ trông nó có vẻ như chính tia sáng và cũng chiếu tỏa cùng một ánh sáng như chính tia sáng ấy. Dĩ nhiên, dù giống tia sáng, tấm kính vẫn mang một bản chất khác với tia sáng, nhưng có thể nói rằng tấm kính ấy là tia sáng, hoặc là ánh sáng, vì nó thực sự thông phần với tia sáng hay ánh sáng ấy. Linh hồn cũng tương tự như tấm kính, ánh sáng Thiên Chúa luôn luôn xâm nhập vào đó, hay như đã nói trên, ánh sáng ấy vẫn luôn cư ngụ trong đó, ánh sáng thần linh của hữu thể Thiên Chúa.

7 - Yêu Thiên Chúa là vì Thiên Chúa mà hành động để tự lột trần và tước bỏ hết những gì không phải là Thiên Chúa, tự tẩy trừ hết mọi lớp màn che và mọi tì vết của thụ tạo, tức là biết giữ cho ý muốn mình được hoàn toàn nên một với ý muốn Thiên Chúa. Khi linh hồn biết nhường cho Thiên Chúa như thế, nó liền được chói sáng và biến đổi nên giống Thiên Chúa, và Thiên Chúa thông ban cho nó hữu thể siêu nhiên của Ngài, đến nỗi nó có vẻ như là chính Thiên Chúa và có được điều mà chính Thiên Chúa có. Khi Thiên Chúa ban cho linh hồn hồng ân siêu nhiên ấy, linh hồn được nên một với Thiên Chúa mật thiết đến nỗi tất cả mọi sự của Thiên Chúa và của linh hồn đều nên một trong một cuộc biến đổi nhờ dự phần. Dĩ nhiên, mặc dù đã được biến đổi, hữu thể tự nhiên của nó vẫn phân biệt với hữu thể của Thiên Chúa như trên, cũng y như tấm kính khi được tia sáng chiếu soi, vẫn phân biệt hẳn với tia sáng.

8 - Bởi đó ta thấy rõ rằng phương thế dẫn đến sự nên một với Thiên Chúa, như đã nói ở trên, không phải là việc linh hồn hiểu biết, nếm, cảm hoặc tưởng tượng về Thiên Chúa, hoặc là một điều gì khác tương tự, nhưng là sự tinh tuyền và tình yêu, tức là sự trần trụi và nhẫn nại hoàn toàn đối với mọi sự vật chỉ vì Thiên Chúa mà thôi. Không thể có sự biến đổi hoàn toàn nếu không có sự tinh tuyền hoàn toàn, cho nên tùy theo mức độ tinh tuyền mà sẽ có được sự nổi bật, sự tỏa sáng và sự nên một giữa linh hồn với Thiên Chúa nhiều hay ít, và như tôi đã nói, sẽ không có được sự nên một hoàn toàn nếu linh hồn không hoàn toàn rực sáng và trong suốt.

9 - Để hiểu thêm, bạn có thể hình dung một tấm hình nổi rất hoàn chỉnh, với nhiều nét đặc sắc phi thường và những lớp men rất tế nhị tinh vi, mà một số nét tinh xảo đến độ khó phân biệt hết những vẻ tế nhị và tuyệt hảo của nó. Trước tấm hình ấy, một người có cặp mắt ít sáng sủa tinh anh, sẽ thấy được ít điểm đặc sắc tế nhị, còn người có cặp mắt tinh anh hơn sẽ thấy được ở đó nhiều nét đặc sắc và hoàn hảo. Nếu ai khác còn có cặp mắt sắc sảo hơn nữa sẽ thấy nhiều điều hoàn hảo hơn nữa; và sau cùng, một người có khả năng thị giác sáng chói và trong suốt nhất sẽ còn thấy được những điểm đặc sắc và hoàn thiện gấp bội. Đó là một bức hình có biết bao điều kỳ thú để xem, dù đã khám phá được nhiều điều rồi, vẫn còn nhiều điều khác để khám phá nữa.

10 - Chúng ta cũng có thể nói tương tự như thế về cách các linh hồn cảm nhận Thiên Chúa khi họ được chiếu sáng và biến đổi. Tùy theo khả năng, mặc dù có thể đã đạt tới sự nên một với Thiên Chúa, không phải mọi linh hồn đều ở một mức độ bằng nhau, nhưng sẽ theo mức độ Thiên Chúa muốn ban cho mỗi người. Đó cũng là cách người ta được nhìn thấy Thiên Chúa ở trên trời, kẻ nhiều người ít, tuy nhiên tất cả đều thấy Thiên Chúa và đều toại nguyện, vì ai nấy đều được đầy ắp khả năng tiếp nhận của mình.

11 - Vì thế, ta có thể gặp thấy ở đời này có những linh hồn ở bậc hoàn thiện với sự bình an và yên nghỉ ngang nhau, và mỗi linh hồn đều mãn nguyện. Dù rằng thể linh hồn này có thể được nâng cao hơn linh hồn khác, nhưng tất cả đều mãn nguyện như nhau bởi vì khả năng tiếp nhận của họ đều được no phỉ. Còn linh hồn nào không đạt tới sự tinh tuyền mà khả năng nó đòi hỏi, sẽ chẳng bao giờ đạt được bình an và thỏa mãn đích thực; bởi lẽ nó đã không đạt được đến chỗ biết lột bỏ và làm trong sạch các quan năng của mình, là điều cần thiết để đạt được sự nên một đơn giản.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 4: Cần đi qua đêm đen



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 4
CẦN ĐI QUA ĐÊM ĐEN *

Nói rộng hơn về việc linh hồn phải ở trong tăm tối đến mức nào để được đức tin hướng dẫn tới đỉnh chiêm niệm cách thật tốt đẹp.

1 - Tới đây bạn đã hiểu được phần nào, tại sao đức tin lại là một đêm tối đối với linh hồn và tại sao linh hồn lại phải ở trong tăm tối về mặt tự nhiên, để có thể được đức tin dẫn dắt tới đỉnh cao nên một. Tuy nhiên để linh hồn biết xử sự như thế, cũng nên giải thích chi tiết hơn một chút về bóng tối mà linh hồn phải chịu để được vào trong vực thẳm đức tin. Vậy nơi chương này, tôi sẽ nói về sự tăm tối cần có và nhờ ơn Chúa giúp, tôi sẽ nói khá chi tiết những gì cần làm để đừng cản trở một sự hướng dẫn cao vời đến thế.

2 - Vậy tôi xin nói ngay rằng muốn được đức tin hướng dẫn cách chắc chắn tới tình trạng nên một, linh hồn không những phải ở trong tăm tối về phía những gì liên quan tới các thụ tạo và những cái mau qua (tức là phần cảm giác và hạ đẳng chúng tôi đã bàn tới), mà hơn nữa còn phải làm cho mình thành mù lòa, tăm tối cả về phía những gì liên quan tới Thiên Chúa và tâm linh (tức là phần lý trí và thượng đẳng chúng tôi sắp bàn đến). Hiển nhiên, muốn đạt tới sự biến đổi siêu nhiên ấy, linh hồn cần phải trở thành mù lòa và thoát ly khỏi tất cả những gì thuộc tính tự nhiên, tức là thuộc cảm giác và lý trí. Bởi lẽ, siêu nhiên có nghĩa là ở trên tự nhiên; và tự nhiên thì phải ở dưới.

Muốn cho sự biến đổi và nên một ấy khỏi thành chuyện của giác quan và tài khéo nhân loại, linh hồn cần phải tự nguyện trở nên trống rỗng hoàn toàn về tất cả những gì có thể xâm nhập vào nó, hoặc từ bên trên hoặc từ bên dưới, tức là cả về tình cảm và lòng muốn, và phải cố gắng hết sức nó. Lúc đó, nào ai có thể ngăn cản Thiên Chúa thực hiện điều đẹp lòng Ngài trong một linh hồn nhẫn nại, đã tự hủy và hóa nên trần trụi?

Linh hồn phải trở nên trống rỗng toàn triệt, trút hẳn tất cả những gì đã chất chứa. Dù đạt tới chỗ có được nhiều điều siêu nhiên đi nữa, nó vẫn phải luôn coi mình như tay trắng và đang đi trong tăm tối, lấy đức tin làm người dẫn đường và ánh sáng, chứ không dựa vào những điều mình đã nghe, đã nếm, đã cảm hay đã tưởng tượng được. Tất cả những thứ ấy đều là bóng tối dễ khiến linh hồn lạc đường; còn đức tin thì vượt hẳn trên tất cả những gì người ta đã nghe, đã nếm, đã cảm hay đã tưởng tượng được. Nếu linh hồn không nhắm mắt lại với những chuyện ấy và chìm hẳn trong tăm tối, nó sẽ không đến được tới chỗ mà đức tin dạy bảo cho.

3 - Người mù, nếu không hoàn toàn mù thì không dễ gì để cho người dẫn đường dắt đi. Hễ thấy được chút ít, dù chỉ rất ít ở một phía nào đó, anh ta liền nghĩ rằng đó là con đường tốt nhất, vì anh ta đâu có thấy được những con đường khác tốt hơn. Do đó anh ta có thể khiến người đang dắt anh và thấy nhiều hơn anh bị lạc đường. Về linh hồn cũng vậy. Nếu nó dựa trên một chút gì đó đã biết được, nếm được hay cảm được về Thiên Chúa (dù những điều ấy có lớn lao đến đâu, so với Thiên Chúa cũng thật ít ỏi và hết sức chênh lệch) để làm đường đi thì sẽ rất dễ lạc lối và bị dừng lại, bởi vì không chịu hoàn toàn trở nên mù tối để đức tin có thể đưa đi cách hữu hiệu.

4 - Đó cũng là điều thánh Phaolô muốn nói trong câu: "Ai lại gần Thiên Chúa thì phải tin là Ngài có" (Hr 11,6). Tức là ai ước ao được nên một với Thiên Chúa thì đừng đi bằng con đường trí hiểu, đừng dựa vào sở thích, cảm giác hoặc tưởng tượng hay bất cứ một giác quan nào nhưng chỉ tin vào hữu thể Ngài (hữu thể này vuột khỏi sở thích, cảm giác hoặc tưởng tượng hay bất cứ giác quan nào khác và cũng không để cho ai ở đời này có thể hiểu thấu). Thật vậy, tất cả những gì cao siêu nhất người ta có thể cảm được hay nếm được ở đời này về Thiên Chúa đều cách biệt nghìn trùng so với bản tính Ngài và so với điều chúng ta sẽ biết khi được chiếm hữu Ngài trọn vẹn. Cho nên ngôn sứ Isaia và thánh Phaolô mới nói: "Những điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe và đã không hề nảy lên nơi lòng một người phàm nào, tức là hết thảy những điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Ngài" (1Cr 2,9) [Tác giả nêu cả ngôn sứ Isaia nhưng chỉ trích lời thánh Phaolô. Ngôn sứ Isaia thì nói: “Tự cố chí kim thiên hạ không nghe, không lọt qua tai. . . và mắt không thấy Thiên Chúa nào trừ phi là Ngài, Đấng đã đáp cứu kẻ có lòng cậy trông.” (Is 64,3)]. Thật tốt đẹp khi linh hồn có ý được nên một ngay ở đời này cách hoàn hảo bằng ơn thánh với Đấng mà đời sau nó phải được nên một bằng vinh quang. Đó là điều thánh Phaolô bảo là mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe và lòng người không bao giờ nghĩ tới, cho nên rõ ràng muốn đạt đến chỗ nên một với Chúa ngay ở đời này cách hoàn hảo bằng ơn thánh và tình yêu, thì nhất thiết phải ở trong tăm tối đối với (tức là gạt bỏ hết) tất cả những gì có thể lọt vào qua mắt thấy, có thể tiếp nhận bằng tai nghe, có thể tưởng tượng ra tùy hứng, hoặc có thể hiểu được bằng tấm lòng (ở đây có nghĩa là linh hồn). Như thế, một linh hồn muốn đạt đến tình trạng nên một cao độ ấy với Thiên Chúa, sẽ gặp trở ngại rất lớn khi nó gắn bó với một điều gì đó của trí hiểu, của tình cảm, của tưởng tượng, của phán đoán, của lòng muốn, của một cách hành động, một công việc hay một sự vật đặc biệt nào đó, mà không biết tự dứt bỏ và lột cởi hết những chuyện đó. Bởi lẽ, như đã nói, điểm linh hồn vươn đến vượt trên tất cả những chuyện đó, cho dù chúng có thể làm thỏa mãn trí hiểu và sở thích đến đâu cũng vậy; và như thế, linh hồn cần vượt lên trên tất cả để đạt tới tình trạng không biết gì.

5 - Do đó, muốn lên đường cần phải bỏ lối mình đang đi, hay nói đúng hơn, phải vươn tới mục đích và bỏ qua phương tiện, bỏ qua cách thế, để đạt đến cùng đích vượt mọi cách thế, tức là đạt đến Thiên Chúa. Linh hồn nào đạt tới tình trạng ấy thì chẳng còn cần gì phương tiện hay cách thế, nó không gắn bó và thậm chí không thể gắn bó với chúng nữa. Nó không còn gắn bó gì với những cách nghe, nếm hoặc cảm, mặc dù nó có đủ các cách thế ấy; nó chẳng khác nào một người không có gì mà lại sở hữu tất cả. Một khi đã can đảm vượt khỏi giới hạn tự nhiên của những khả năng bên trong và bên ngoài của mình, linh hồn tiến lên bình diện siêu nhiên thật trọn vẹn, không còn cần gì đến các cách thế, vì đã có đủ mọi cách thế ở dạng thực chất. Muốn đạt tới đó, cần rời khỏi tình trạng tự nhiên, cần ra khỏi mình, lìa bỏ những gì ở dưới thấp này để vươn tới điều cao vượt hơn mọi chiều cao.

6 - Vì thế một khi vượt khỏi tất cả những gì có thể biết được và hiểu được về mặt tâm linh cũng như về mặt tự nhiên, linh hồn phải hết sức khao khát đạt tới điều mà ở đời này nó không thể biết được và lòng nó không thể nghĩ ra được. Vất lại đàng sau tất cả những gì nó đã nếm, đã cảm hoặc có thể nếm, cảm được ở đời này, cả về mặt thế tục và tâm linh, nó phải hết sức khao khát đạt tới điều vượt hẳn mọi khả năng nếm, cảm... Muốn được tự do và rỗng đi để đón nhận một ơn lành như thế, nó phải đánh giá mọi thứ khác là hết sức kém giá trị và không được bám víu chút nào vào những gì nó sẽ đón nhận, cả về mặt tâm linh và cảm giác (như chúng tôi sẽ nói sau, khi bàn đặc biệt về điểm này). Bởi vì càng tưởng nghĩ đến những gì đã nghe, đã nếm, đã tưởng tượng, và càng quý chuộng những điều ấy, hoặc thuộc bình diện tâm linh hoặc không, linh hồn càng lìa bỏ sự thiện tối thượng và càng không chịu vươn tới đó. Ngược lại càng ít tưởng nghĩ tới những gì nó có thể có được, dù cao quý đến đâu, thì đối với sự thiện tối thượng, linh hồn càng tán dương và quý chuộng và do đó càng tiến gần tới sự thiện ấy hơn. Bằng cách đi trong đêm tối như thế, linh hồn sẽ tiến những bước thật xa hướng đến sự nên một với Thiên Chúa nhờ đức tin. Chính đức tin cũng tăm tối và nhờ đó mà sẽ ban được cho linh hồn một ánh sáng kỳ diệu. Còn nếu linh hồn cứ đòi thấy, chắc chắn khi nhìn vào Thiên Chúa nó sẽ bị tối tăm mặt mày còn hơn cả kẻ mở mắt nhìn chòng chọc vào ánh sáng mặt trời chói chang.

7 - Trên con đường này, có khiến các quan năng mình mù tối đi, ta mới thấy được ánh sáng, như lời Đấng Cứu Thế phán trong Tin Mừng: "Ta đến trong thế gian này chính là để phán xét, ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa đui mù" (Ga 9,39). Trên con đường tâm linh đang nói đây, những lời ấy phải được hiểu sát theo mặt chữ, tức là linh hồn nào chịu ở trong tăm tối và chịu hóa mù về hết mọi ánh sáng riêng và tự nhiên của mình, thì sẽ xem thấy được về phương diện siêu nhiên; còn linh hồn nào muốn dựa vào một ánh sáng cá nhân nào đó thì sẽ bị mù tối hơn và sẽ phải khựng lại trên nẻo đường nên một.

8 - Để tiếp tục cách sáng sủa hơn, trong chương kế tiếp đây tôi sẽ giải thích về bản chất của điều vẫn gọi là sự nên một với Thiên Chúa. Hiểu được điều đó, ta sẽ có thêm được nhiều ánh sáng cho những gì sẽ nói sau này. Thiết tưởng đây chính là chỗ thích hợp để nói về điểm ấy. Mặc dù phải gián đoạn luồng tư tưởng, nhưng sẽ soi sáng nhiều cho vấn đề đang bàn luận. Do đó, chương này có thể coi như một dấu ngoặc. Liền sau đó chúng ta sẽ trở lại bàn tiếp ba quan năng của linh hồn trong liên hệ với ba nhân đức hướng thần, trong đêm tâm linh thứ hai này.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)